18/06/2014
Những nội dung cơ bản trong lĩnh vực thừa kế của bộ luật Hammurabi - Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới
A. LỜI MỞ ĐẦU

Thừa kế là một trong những chế định quan trọng của mỗi quốc gia. Nhận biết được tầm quan trọng của nó, từ xa xưa, một số quốc gia cổ đại đã xây dựng chế định thừa kế trong bộ luật của nước mình một cách hoàn thiện nhất. 


Lưỡng Hà là một quốc gia cổ đại được hình thành từ rất sớm, nằm ở lưu vực hai con sông Tigơrơ và Ophrat. Cùng với sự xuất hiện của nhà nước, pháp luật đã ra đời và trở thành công cụ bảo về lợi ích cho giai cấp thống trị. Trong số các bộ luật tìm được ở Lưỡng Hà, bộ luật nổi tiếng và có giá trị nhất là bộ luật Hammurabi (ra đời vào nửa đầu thế kỷ XVIII TCN). Bộ luật đã quy định các vấn đề cụ thể ở một số lĩnh vực. Trong đó, thừa kế là một trong lĩnh vực quan trọng được đưa vào Bộ luật. Vậy để tìm hiểu rõ hơn về những quy định thừa kế trong bộ luật Hammurabi, em xin phép được chọn và trình bày đề tài: “Đánh giá những nội dung cơ bản trong lĩnh vực thừa kế của bộ luật Hammurabi”.


B. NỘI DUNG

I. Khái quát chung về bộ luật Hammurabi

Bộ luật Hammurabi được xây dựng trên cơ sở kế thừa những luật lệ của các vương quốc trước như bộ luật của vương quốc Nippua và bộ luật của thành Esonume, những phán quyết của vua Hammuarbi và những quyết định của Tòa án nhà vua. Đây là bộ luật tương đối hoàn chỉnh của thời kì cổ đại gồm 282 điều. Là một bộ luật tổng hợp Hammurabi được xây dựng dưới dạng luật hình gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực và đều có chế tài, chủ yếu là những quan hệ xã hội liên quan đến lợi ích của giai cấp thống trị.

Bộ luật Hammurabi gồm 3 phần: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận. Phần mở đầu nhà vua Hammursbi khẳng định quyền lực và công đức của nhà vua. Phần nội dung là phần chứa đựng điều khoản của bộ luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong xã hội. Phần kết luận, nhà vua Hammuarabi khẳng định lại mục đích ban hành của bộ luật và tuyên bố sẽ chừng phạt bất cứ ai vi phạm các điều khoản trong Bộ luật này.

II. Những quy định cơ bản trong lĩnh vực thừa kế của Bộ Luật Hămmurabi

Theo quan điểm của Ăng- ghen: “là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống”. Quyền thừa kế là quyền thừa hưởng tài sản của người chết để lại theo một trình tự do pháp luật quy định. Pháp luật cho phép những người thừa kế được hưởng di sản, đồng thời buộc họ phải thực hiện những nghĩa vụ tài sản của người chết. 

Luật Hammurabi phân làm hai hình thức thừa kế: thừa kế theo luật pháp và thừa kế theo di chúc. Ở thời kỳ đầu, hình thức chủ yếu là thừa kế theo luật, sau đó thừa kế theo di chúc trở thành phổ biến hơn.

1. Thừa kế theo di chúc

Di chúc là ý chí chủ quan của người có tài sản định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo quy định của Bộ luật Hammurabi, thừa kế theo di chúc được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng miệng. Những người được hưởng thừa kế và hưởng bao nhiêu là do người lập quy định. 

Điều 165 Bộ luật quy định:

“Nếu người cha, lúc còn sống đem tặng cho nhà cửa, ruộng vườn, vườn cây ăn quả cho một trong những đứa con trai của mình

Và việc tặng cho này đã được lập thành văn bản

Thì khi người cha chết, tài sản đã đem tặng cho đứa con vẫn thuộc đứa con đó

Phần tài sản còn lại được chia đều cho các con.”

Mặc dù điều luật nói trên không nhắc đến từ “di chúc” song bản chất của văn bản tặng cho của người cha lập lúc còn sống cho một trong các con trai của ông ta chính là di chúc thể hiện ý nguyện chuyển giao tài sản của người cha. Bởi vì, sự chuyển giao này chỉ có thể được thực hiện sau khi người cha chết mà thôi. Theo cách hiểu này thì bản thân hợp đồng tặng cho tài sản nói trên cũng là một dạng di chúc đặc biệt.

Bộ luật Hammurabi còn đề cập đến một dạng di chúc đặc biệt khác: đó là trường hợp người cha lập văn bản để lại của hồi môn cho con gái hành nghề tôn giáo không lấy chồng. Nếu như trong văn bản chỉ rõ: “vị nữ tu hoặc người phụ nự phục vu thần linh có thể trao khối tài sản là của hồi môn cho bất cứ ai và có thể tùy ý định đoạt khối tài sản này theo ý chí của mình”thì “vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh có quyền đem tài sản là của hồi môn đi cho người mà bà (cô) ta muốn. Những người anh em trai của vị nữ tu hoặc người phụ nữ phục vụ thần linh không có quyền tranh đoạt gì khối tài sản này”(Điều 179 Bộ Luật Hammurabi). Nếu như người cha khong trao cho người con gái hành nghề tôn giáo này quyền định đoạt tài sản thì con gái ông ta chỉ có quyền hưởng lợi từ tài sản ấy mà thôi (Điều 178 Bộ luật Hammurabi).

2. Thừa kế theo luật

Thứ nhất, thừa kế theo luật đối với những tài sản của người gia chủ trong gia đình.

Về nguyên tắc, tài sản của người gia chủ trong gia đình chỉ được chia cho các con trai của ông ta. Các con trai của người chết đều là những người thừa kế theo luật ở hàng thứ nhất và được nhận những phần tài sản bằng nhau (đoạn cuối điều 165 và Điều 167 Bộ luật Hammurabi).

Nhưng người con trai nói trên là do con trai của gia chủ do vợ của ông ta sinh ra. Đối với những người con trai của gia chủ do nô lệ sinh ra việc thừ kế của họ phụ thuộc vào ý chí của người cha. Nếu như người cha không công khai thừa nhận người con trai do nô lệ sinh ran gang quyền với người con trai do vợ anh ta sinh ra thì “sau khi người đàn ông chết, những người con của ông ta do những nô lệ sinh ra không được hưởng quyền thừa kế” (Điều 171 – Bộ luật)

Các con gái của gia chủ không được chia thừa kế bởi cô ta đã nhận được của hồi môn lúc về nhà chồng (Điều 183). Nếu người cha chết trước khi con gái của ông ta lấy chồng hoặc người con gái không lấy chồng vì hành nghề tôn giáo (đi tu), người con gái đó sẽ được nhận một phần di sản của người cha (điều 180 Bộ luật).

Ngoài những quy định chung có tính chất nêu trên, bộ luật Hammurabi còn quy định hai trường hợp cá biết khác trong việc thừa kế tài sản của gia chủ. Đó là, trường hợp thứ nhất, vợ của gia chủ cũng được thừa kế tài sản của người chồng khi chồng bà ta chết. Điều này được quy định tại điều 172 Bộ luật. Trường hợp thứ hai được nói tại Điều 166 của Bộ luật quy định chia them một phần di sản cho người con trai út của gia chủ chưa lập gia đình.

Thứ hai, thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của vợ gia chủ. 

Bộ luật Hammuarabi khẳng định rõ: người chồng không bao giờ được thừa kế tài sản của vợ (Điều 162). Như vậy, người thừa kế ở hàng thứ nhất đối với tài sản riêng của vợ người gia chủ là các con của bà ta. 

Nếu bà ta có nhiều chồng thì tất cả các con của bà, cả của chồng trước và chồng sau đều được hưởng số tài sản là của hồi môn của bà (Điều 173). Nếu như vợ người gia chủ không có con thì sau khi bà ta chết, số tài sản này phải được trả về cho gia đình nhà bố đẻ của bà ta (Điều 163, 164).

III. Đánh giá về những quy định trong lĩnh vực thừa kế của bộ luật Hammuarbi

Nếu trong pháp luật của một số quốc gia cổ đại phương Đông khác, quyền thừa kế chỉ thuộc về con trai thì trong luật pháp Lưỡng Hà, con trai, con gái đều được hưởng quyền thừa kế ngang nhau. Đây có thể coi là một sự bình đẳng ít ỏi về giới ở Lưỡng Hà. Luật pháp- công cụ thể hiện tinh thần cai trị của nhà nước đã quan tâm tới quyền lợi và đời sống của người con gái khi cha mẹ mất. Điều 170 quy định: “Nếu người vợ chính thức của dân tự do sinh con cái cho y, nữ nô lệ của y cũng sinh con cái cho y và khi người cha đang sống nói những đứa con do nữ nô lệ sinh ra là “con của tôi” coi những đứa con đó ngang hàng với những đứa con của người vợ chính thức thì sau khi người cha chết, những đứa con của người vợ chính thức và những đứa con của người nữ nô lệ phải cùng nhau chia đều gia tài của cha. Khi chia tài sản, con của người vợ chính thức được ưu tiên chọn phần của mình”. Tất cả đều đã quy định rất chi tiết với mục đích bảo đảm quyền thừa kế của người con theo đúng vị trí của họ trong quan hệ với người cha.

C. KẾT BÀI

Bộ luật Hammurabi là bộ luật thành văn cổ nhất thế giới, là một trong những thành tựu có giá trị bậc nhất của lịch sử văn minh cổ đại. Giá trị của bộ luật này cho đến nay vẫn tiếp tục được nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu, khai thác và kế thừa. Nghiên cứu luật pháp thế giới nói chung và luật pháp Việt Nam nói riêng, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và trân trọng những giá trị lịch sử pháp lý của bộ luật. Mặc dù những quy định của bộ luật đã ra đời cách đây gần 4000 năm nhưng vẫn chứa đựng những điểm tiến bộ và văn minh mà luật pháp đương đại có thể kế thừa và phát huy. Chính điều đó đã góp phần làm nên giá trị rực rỡ của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, trường đại học luật Hà Nội, nhà xuất bản công an nhân dân, 2012.
2. Khảo lược bộ luật Hammuarabi của nhà nước Lưỡng Hà cổ đại, Nguyễn Anh Tuấn, NXB chính trị Quốc gia, 2008.
3. http://lichsu.tnus.edu.vn/chi-tiet/136-Luat-Hammurabi-nhung-diem-tien-bo-va-han-che
4. http://luatminhkhue.vn/hinh-su/bo-luat-hammurabi-%E2%80%93-bo-luat-cua-xua-nhat-cua-nhan-loai.aspx
5. http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=5962

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Trần Kim Oanh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment