Đề bài
Vì ghen tuông, A có ý định giết B. A rủ B đi chơi, đến chỗ vắng, A rút dao đâm B ba nhát. Tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án xác định A phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS.
Câu hỏi:
1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người.
2. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao.
3. Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án.
4. Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giải thích rõ tại sao.
5. Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án quyết định đối với A có đúng không? Giải thích rõ tại sao.
6. Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra ở Hà Nội thì A có bị xử lí theo luật hình sự Việt Nam không? Giải thích rõ tại sao.
Bài làm
1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội giết người.
Khoản 3 Điều 8 BLHS qui định: “3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho chã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấ là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
*Xét Điều 93 BLHS qui định về tội giết người.
Tội giết người là tội phạm gây nguy hại cho xã hội.
- Khoản 1 có qui định: “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:…” Theo qui định tại khoản này, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm phạm tội giết người là hai mươi năm (trên mười lăm năm tù), tù chung thân hoặc tử hình. Vậy đối với tội giết người thuộc trường hợp qui định tại khoản 1 Điều 93 BLHS, tội phạm thuộc loại này là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Khoản 2 có qui định: “2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.” Mức cao nhất của khung hình phạt được qui định tại điều này là mười lăm năm. Như vậy, tội phạm thuộc trường hợp qui định tại khoản 2 Điều 93 BLHS thuộc lại tội phạm rất nghiêm trọng.
- Khoản 3 Điều này quy định các hình phạt bổ sung có thể áp dụng cho người phạm tội.
2. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giải thích rõ tại sao.
Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
“Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng người phạm tội đã thực hiện được hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn, hậu quả vẫn không xảy ra.”
Xét trường hợp cụ thể của đề bài:
- A có ý định giết B, đã rủ B đi chơi, đến chỗ vắng và rút dao đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết nên A bỏ đi. Như vậy, ý định giết chết B của A không chỉ hình thành ở mức dự định mà còn được A hiện thực hóa thông qua hành vi rủ B đi chơi, đến chỗ vắng rồi rút dao đâm B ba nhát. Hành vi cố ý giết B đã được thực hiện và A cũng đã tưởng rằng B đã chết nên mới bỏ đi, khi này việc A bỏ đi khi nghĩ rằng B đã chết cho thấy A đã thực hiện được hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả - B chết, lỗi cúa A là lỗi cố ý trực tiếp; đồng thời kéo theo tội giết người của A được coi là tội phạm hoàn thành.
- Tiếp đó, sau khi A đã bỏ đi vì tưởng rằng B đã chết (tức là A hoàn toàn cho rằng đã giết chết được B), do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Việc B được phát hiện và cấp cứu kịp thời là nguyên nhân ngoài ý muốn của A, đồng thời B cũng đã được cứu sống – có nghĩa hậu quả của việc giết chết B của A vẫn không xảy ra. Như vậy, hậu quả chết người đã không xảy ra vì nguyên nhân khách quan nên hành vi cố ý phạm rội của A bị coi là tội giết người chưa đạt.
Việc A cố ý giết chết B, A đã thực hiện được hết các hành vi cho là cần thiết để B chết nhưng việc B đã được cứu sống do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nằm ngoài ý muốn của A, nên hậu quả cuối cùng của hành vi cố ý giết người của A vẫn chưa đạt. Như vậy, theo phân tích trên, có thể nói hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
3. Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án.
Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác. Đối tượng của hành vi tước đoạt tính mạng của chỉ có thể là con người đang sống.
Xét trong vụ án:
- Đối tượng tác động của tội phạm là B.
- Công cụ phạm tội là con dao.
4. Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giải thích rõ tại sao.
Trong trường hợp này A có phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi lúc này của A thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Điều 19 BLHS qui định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự ý mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.”
Hành động của A trong trường hợp này được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là vì: thứ nhất, việc A chấm dứt không thực hiện tiếp tội giết người xảy ra khi A đã đâm B một nhát bị thương nhưng B chưa chết – có nghĩa việc phạm tội giết người của A đang ở giai đoạn tội giết người chưa đạt chưa hoàn thành; thứ hai, việc A chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm (tội giết người) là vì A sợ quá mà không chịu bất cứ ảnh hưởng hay tác động ép buộc nào từ bên ngoài, việc chấm dứt của A không chỉ tự nguyện ở điểm ấy mà còn dứt khoát thông qua việc A bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết.
Theo đó, vì hậu quả chết người chưa xảy ra, hành vi của A lại thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nên A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, song A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS) vì có đủ yếu tố cấu thành tội này: một là việc A dùng dao đâm B một nhát bị thương là lỗi cố ý (xuất phát từ ý định giết chết B), hai là vết thương từ nhát dao A đâm để lại cho B thương tích với tỷ lệ thương tật là 21%. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác sẽ căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội tại khoản 2 Điều 104 BLHS đối với trường hợp phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS.
5. Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án quyết định đối với A có đúng không? Giải thích rõ tại sao.
Việc Tòa án áp dụng Khoản 3 Điều 93 BLHS tuyên phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa Án quyết định đối với A là chưa chính xác, vì theo khoản 3 Điều 52 BLHS có qui định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tôi chưa đạt: “3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.” Như vậy, căn cứ theo điều luật này và mức hình phạt qui định tại khoản 2 Điều 93 mà Tòa án áp dụng là tù có thời hạn từ bảy năm đến mười lăm năm thì A phải chịu mức phạt là 11 năm 3 tháng chứ không phải 13 năm như Tòa tuyên.
Dù vậy, suy rộng thêm một chút, ta cũng cần phải xem xét đến yếu tố chỉ vì ghen tuông mà A lại dùng dao đâm B ba nhát cho chết. Động cơ giết người là ghen tuông có thể được coi là giết người vì động cơ đê hèn hay không? Hành vi vì ghen tuông mà A dùng dao đâm B ba nhát cho đến chết (trong trường hợp này, B đã may mắn được cứu sống do được phát hiện và cấp cứu kịp thời) của A thể hiện tính nguy hiểm khá cao, mà một phần cũng ảnh hưởng tới đạo đức, tâm lí xã hội. Nếu trong quá trình xét xử, tòa án xem xét và cho rằng động cơ giết B vì ghen tuông của A là động cơ đê hèn thì hành vi giết người của A thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng do có tình tiết định khung tăng nặng, khi này mức phạt tù của A sẽ tăng lên nhiều hơn 11 năm 3 tháng.
Tóm lại, Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án quyết định đối với A không đúng.
6. Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra ở Hà Nội thì A có bị xử lí theo luật hình sự Việt Nam không? Giải thích rõ tại sao.
Điều 5 BLHS qui định về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“1. Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấ đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”
Căn cứ theo Điều 5, nếu A không phải đối tượng được qui định tại khoản 2 điều này thì A sẽ bị xử lí theo luật hình sự Việt Nam như qui định tại khoản 1.
Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment