16/06/2014
Những vướng mắc trong quy định của pháp luật về đấu giá hàng hoá - Bài tập học kỳ Luật Thương mại 2
Xem thêm: Tổng hợp bài tập Luật Thương mại 2 có đáp án.

Đấu giá hàng hóa là một dịch vụ ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội. Đấu giá là một trong những cách thức linh hoạt để chuyển quyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động mua bán trao đổi hàng hoá nói riêng phát triển một cách đa dạng. Đấu giá được quy định trong nhiều văn bản phápluật như Bộ Luật dân sự năm 2005; Luật Thương mại năm 2005; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước năm 2008; Luật kinh doanh bất động sản năm 2006; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002…. Trong hệ thống pháp luật hiện hành hai văn bản pháp luật quy định cụ thể về bán đấu giá là Luật thương mại 2005 và Nghị định 17/2010/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc áp dụng nhưng quy định trên cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhất định. Vì vậy em xin phân tích về đề tài : “Phân tích những vướng mắc trong quy định của pháp luật về đấu giá hàng hoá và đề xuất giải pháp hoàn thiện”. Trong quá trình tìm hiểu làm bài không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong nhận được sự đóng góp của thầy cô và các bạn để bài làm của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!

NỘI DUNG

I. KHÁI QUÁT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA VÀ PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA

1. Khái quát về đấu giá hàng hóa

1.1. Khái niệm

Theo quy định tại Điều 185 LTM 2005: “Đấu giá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất.”

Đấu giá hàng hóa là một hình thức công khai mà ở đó tất cả những người tham gia đấu giá có quyền cạnh tranh bình đẳng để mua hàng hóa. Đấu giá hàng hóa có tính chất đặc thù thể hiện ở chỗ chỉ có một người bán hàng hía nhưng có nhiều người tham gia mua hàng hóa.

Việc bán đấu giá được tổ chức một cách công khai tại một nơi nhất định vào một thời điểm nhất định đã được thông báo trước. Bán đấu giá hàng hóa được tiến hành theo một trình tự pháp luật quy định.

1.2. Đặc điểm 

- Đấu giá hàng hóa là một phương phức bán hàng đặc biệt.

- Đối tượng của bán đấu giá hàng hóa là những hàng hóa được phép lưu thông trong thương mại.

- Hình thức pháp lí của quan hệ bán đấu giá có thể được lập dưới một dạng đặc biệt là hợp đồng ủy quyền bán đấu giá và văn bản bán đấu giá hàng hóa.

Từ đặc điểm trên có thể suy ra bán đấu giá là một hành vi thương mại, hàng hóa bán đấu giá được bán thường là do ý chí của chủ sở hữu.

2. Khái quát về pháp luật bán đấu giá hàng hóa.

2.1. Các nguyên tắc bán đấu giá hàng hóa.

- Nguyên tắc công khai.

- Nguyên tắc trung thực.

- Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia

2.2. Các hình thức bán đấu giá

- Căn cứ vào phương pháp xác định giá có: đấu giá theo phương pháp nâng giá và đấu giá theo phương pháp hạ giá.

- Căn cứ vào hình thức biểu đạt trong cuộc bán đấu giá, gồm: đấu giá dùng lời nói và đấu giá không dùng lời nói.

Theo LTM 2005, việc đấu giá hàng hóa được thực hiện theo một trong 2 phương thức sau:

Phương thức trả giá lên: phương thức bán đấu giá theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.

Phương thức hạ giá xuống: phương thức bán đấu giá theo đó người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.

2.3. Thủ tục đấu giá hàng hóa

+  Lập hợp đồng dịch vụ tổ chức bán đấu giá hàng hóa.

+  Xác định giá khởi điểm.

+  Chuẩn bị bán đấu giá hàng hóa.

+  Tiến hành đấu giá.

+  Hoàn thành văn bản bán đấu giá.

+  Đăng kí quyền sở hữu đối với hàng hóa đấu giá.

II. NHỮNG VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA.

1. Những vướng mắc trong quy định của pháp luật về đấu giá hàng hóa.

Trên thực tế ở nước ta, có thấy rất nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình đấu giá hàng hóa chưa được giả quyết thỏa đáng, làm giảm hiệu quả của hoạt động đấu giá hàng hóa. Những vụ việc thể hiện sự chấp hành chưa tốt pháp luật về đấu giá của các chủ thể tham gia đấu giá hàng hóa.


Một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền điển hình như cơ quan có thẩm quyền đăng kí quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa còn chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa đã bán đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng kí quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Các tranh chấp, khiếu nại, quyền lợi của các bên tham gia đấu giá hàng hóa trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm giải quyết nhanh chóng và thích đáng dẫn đến sự chán nản, bế tắc của những người tham gia đấu giá hàng hóa. Đặc biệt quyền và lợi ích hợp pháp của người mua hàng hóa không được đảm bảo, không gây được lòng tin đối với khách hàng. Thực tế này làm cho hoạt động bán đấu giá chưa thu hút được sự quan tâm tin tưởng của đông đảo công chúng, kìm hãm sự phát triển của hoạt động thương mại này. Cụ thể như:

Thứ nhất,  quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng trong bán đấu giá còn chưa hoàn thiện.

Pháp luật không cấm khách hàng từ chối mua sau khi thắng giá cũng không cấm người tổ chức bán đấu giá tài sản cho người khác trả giá liền kề người bỏ cuộc, không cấm khách hàng không được quyền thỏa thuận với nhau về giá… Do vậy đã tạo điều kiện cho khách hàng lách luật, thông đồng để đưa giá cao hơn giá thực tế và rút lui, chấp nhận bỏ cọc để lũng đoạn kết quả đấu giá. Sau đó chia nhau làm lợi cho một nhóm người gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Các quy định về hoạt động đấu giá hiện nay chưa dự liệu đến tình huống này nên khi khách hàng liên kết với nhau để ép giá thì chủ sở hữu phải chấp nhận

Pháp luật Việt Nam về đấu giá hàng hóa chưa làm rõ về giá trị pháp lí của các quan hệ có tính chất tiến triển hướng tới việc giao kết hoạt động đấu giá, nhưng thực tế thì hợp đồng khoong được giao kết do một bên tự động chấm dứt và làm ảnh hưởng tới bên kia thì quan hệ này có tính chất ràng buộc hay không đối với cá bên chưa được làm rõ.

Pháp luật về bán đấu giá còn chưa đủ quy định để tạo nên một cơ sở pháp lí vững chắc bảo vệ quyền của người bán, người tổ chức đấu giá và người mua. Cần phải có những quy định mang tính chuyên biệt để điều chỉnh những tình huống không dự liệu trước được.

Thứ hai, chế tài xử lí vi phạm còn chưa đủ mạnh.

Chế tài xử lí vi phạm được đặt ra với các đối tượng là người tham gia đấu giá, người bán đấu giá và người điều hành cuộc bán đấu giá. Thực tế cho thấy, chế tài xử lí vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe người vi phạm hoặc khiến người có ý định vi phạm thấy e ngại nếu thực hiện hành vi vi phạm 

Việc người tham gia đấu giá có hành vi phá rối, cản trở cuộc bán đấu giá hoặc liên kết, thông đồng, dìm giá tài sản bán đấu giá thì bị “ truất quyền tham gia bán đấu giá tài sản” và “ không được hoàn khoản tiền đặt trước”. Với chế tài như quy định thì những người tham gia đấu giá với tư cách cá nhân riêng lẻ, tiềm lực tài chính kém, không câu kết với nhau thì phạt tiền ở mức độ đó cũng phần nào khiến họ e ngại, không dám vi phạm. Tuy nhiên, với những người khi đã câu kết với nhau một cách có tổ chức để thực hiện hành vi vi phạm trên thì đa phần những người đó đều là những người có khả năng tài chính, thậm chí một người – người tổ chức cầm đầu còn có thể đóng thay toàn bộ tiền đặt trước cho những người có cùng vây cánh với mình như một hình thức mua quân xanh. Việc chứng minh được sự liên kết giữa những người này không đơn giản và nguy cơ mất khoản tiền đặt trước của một hoặc một số người trong số quan xanh so với mối lợi lớn hơn là mua được hàng hóa giá rẻ thì rõ ràng người tham gia đấu giá không ngần ngại để liên kết với nhau.

Còn nhiều lỗ hổng trong quy định của pháp luật, tạo cơ hội cho sự móc ngoặc giữa người bán hàng với người tổ chức bán hàng đấu giá:

- Chưa đấu giá đã biết người thắng

Hiện tượng này đã được chứng minh. Buổi sáng họ thấy tên mình được niêm yết, thông báo công khai tham gia cuộc bán đấu giá. Nhưng ngay buổi chiều họ nhận được thông báo sẽ bồi dưỡng đển ngồi im khi phát giá. VD: Ông Nguyễn Văn A (quận Gò Vấp – TP. HCM) là người từng tham gia mua hàng bán đấu giá. Buổi sáng, ông thấy đơn vị tổ chức bán đấu giá niêm yết tên mình thì ngay buổi chiều ông đã nhận được điện thoại sẽ được bồi dưỡng một số tiền kha khá với điều kiện là phải ngồi im buổi phát gia, nhường sân chơi cho các khách hàng khác. Ngược lại, nếu không sẽ gặp rắc rối lớn. Qua điện thoại người này úp mở rằng lô tài sản trong buổi đấu giá đã được mua trước với số tiền cụ thể. Trước sự việc này, ông cũng rất hoài nghi vì theo quy định của nhà nước, đơn vị tổ chức bán đấu giá không được tiết lộ địa chỉ người tham gia bán đấu giá. Nhưng phải đặt câu hỏi tại sao thông tin về người bán đấu giá lại lọt ra ngoài? Một điều đặt ra là trách nhiệm của trung tâm bán đấu giá?

Tình trạng “cò” bán đấu giá hung hăng như xã hội đen.

Ví dụ: Chị Nguyễn Thị K là một khách hàng lần đầu tiên tham gia mua hàng hóa bán đấu giá cũng bị dằn mặt trước khi buổi bán đấu diễn ra, Lí do rất đơn giản, căn nhà được tổ chức bán đấu giá trên vốn là tài sản của một anh chị khét tiếng mới bị thụ án tịch thu. Vì sợ mình bị bọn xã hội đen đến trả thù nên chị H đến phiên đấu giá với tư cách khách mời của có bán đấu giá.

Để xảy ra tình trạng trên là do việc quản lí của các Giám đốc trung tâm bán đấu giá, họ không có trách nhiệm cao trong công việc. Chính vì vậy, để đề cao tinh thần cảnh giác, tránh để xảy ra tình trạng cò trong bán đấu giá làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bán đấu giá, các trung tâm đấu giá cần thường xuyên nhắc nhở và đề ra các quy định như: không được tiết lộ thông tin (họ tên, địa chỉ, số điện thoại…) xung quanh các khách hàng đăng kí mua tài sản. Ngoài ra, trung tâm còn phải yêu cầu các đấu giá viên khi tiếp người có nhu cầu về bán và mua hàng hóa bán đấu giá phải thực hiện công khai, không nên và tuyệt đối không để sảy ra tình trạng thông thầu trong cuộc bán đấu giá.

Thứ ba, phải kể đến thủ tục đấu giá hàng hóa quá nhiều khê.

Điều này cũng làm cho việc bán đấu giá hàng hóa hiện nay gặp không ít khó khăn. Việc bàn giao hàng hóa cho người mua hàng còn rất chậm chạp, gây khó khăn ảnh hưởng cho người mua:

+ Tại Điều 207 LTM 2005 quy định thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá do người tổ chức đấu giá và người mua hàng hoá đấu giá thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì thời điểm thanh toán tiền mua hàng hoá là thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá. Việc quy định như trên có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có giữa người bán đấu giá và người mua được hàng hóa do việc người mua không chịu thanh toán tiền mua hàng hóa hoặc chậm trễ trong việc thanh toán vì không muốn mua hàng nữa. Trong khi đó pháp luật không quy định chính xác là bao nhiêu ngày người mua phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán của mình cũng như những biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu không thực hiện nghĩa vụ này. 

+ Theo quy định tại Điều 206 LTM 2005 thì việc đăng kí quyền sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá phải dăng kí quyền sở hữu, nghĩa vụ của người bán đấu giá khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua

“1. Văn bản bán đấu giá hàng hoá được dùng làm căn cứ để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hoá đấu giá mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu.

2. Căn cứ vào văn bản bán đấu giá hàng hoá và các giấy tờ hợp lệ khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng ký quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng theo quy định của pháp luật.

3. Người bán hàng và người tổ chức đấu giá có nghĩa vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua hàng. Chi phí làm thủ tục chuyển quyền sở hữu được trừ vào tiền bán hàng hoá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Tuy nhiên điều luật lại không đưa ra các căn cứ cụ thể cho việc sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá mà chỉ quy định rất chung là căn cứ vào văn bản đấu giá hàng hóa và các giấy tờ hợp lệ thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đăng kí quyền sở hữu hàng hóa cho người mua hàng hóa. Ở điều luật này không chỉ rõ giấy tờ hợp lệ là những giấy tờ nào. Ví dụ như: đối với hàng hóa của cá nhân, tổ chức cần chỉ rõ là giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa đo hoặc giấy tờ hợp lệ khác mà pháp luật quy định; hay đối với hàng hóa đấu giá thuộc sở hữu nhà nước thì đó phải là quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định bán hàng hóa của doanh nghiệp Nhà nước có quyền bán hàng hóa do mình quản li và sử dụng.

+ Khoản 2 Điều 209 LTM 2005 quy định: “Đối với hàng hoá có đăng ký quyền sở hữu thì người tổ chức đấu giá phải tiến hành ngay việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu và giao hàng cho người mua hàng ngay sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu.”.

Quy định trên là chưa phù hợp bởi vì trên thực tế hàng loạt các tình huống phức tạp có thể xảy sau khi cuộc bán đấu giá đã tiến hành xong, văn bản đấu giá đã được lập. Cho nên phải quy định một mốc thời gian cụ thể để tránh tình trạng người bán hàng hóa cố tình không giao các giấy tờ hợp lệ khẳng định quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình đối với hàng hóa đấu giá cho bên bán đấu giá hoặc cho người mua hàng. Do vậy hồ sơ để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng sẽ không đầy đủ cho nên các cơ quan có thẩm quyền không thể tiến hành thủ tục trên được. Điều 209 cho ta thấy việc quy định như vậy còn mang tính hình thức và gò bó.

Trong pháp luật về bán đấu giá hàng hóa, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua được hàng hóa chưa thực sự đem lại hiệu quả, còn rất hình thức và mua được hàng hóa nhưng người bán không chịu chuyển giao hàng hóa cho bên bán đấu giá dẫn đến tranh chấp trong bán đấu giá hàng hóa. Tình huống này rất hay xảy ra khi xử lí hàng hóa cầm cố, thế chấp mà pháp luật về bán đấu giá hàng hóa lại chưa quy định cụ thể các hình thức cưỡng chế hoặc các chế tài sẽ áp dụng trong trường hợp người bán hàng hóa không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao hàng hóa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người mua.

Với mục đích của bán đấu giá hàng hóa là tạo điều kiện cho các bên trong quan hệ cầm cố, thế chấp, xử lí hàng hóa nhanh chóng và bảo đảm tính khách quan trong đấu giá hàng hóa nhưng việc quy định trên thực tế còn rất hạn chế quyền lợi của bên nhận thế chấp, cầm cố. Bởi vậy trong các quy định sắp tới về bán đấu giá hàng hóa nên chăng có sự sửa đổi hợp lí hơn để bán đấu giá hàng hóa sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực cho mỗi cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào hoạt động này.           

Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự sơ hở, thiếu sót trong hệ thống pháp luật, chế tài xử lí vi phạm chưa nghiêm, các quy định chưa chặt chẽ; bên cạnh đó là việc sử dụng không đúng thẩm quyền, chưa làm tròn trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng dẫn đến những vướng mắc đã nêu….

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đấu giá hàng hóa 

Trên cơ sở đáng giá thực trạng pháp luật và thực tế áp dụng bán đấu giá hàng hóa ở nước ta, có thể thấy việc các giải pháp cho việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bán đấu giá hàng hóa là rất cần thiết.

Trước hết, trong thời gian tới phải quy định đầy đủ các vấn đề cần thiết mà thực tế đòi hỏi nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong pháp luật về bán đấu giá hàng hóa hiện hành. Thực tế cho thấy những khó khăn, những tắc trách trong bán đấu giá hàng hóa ở nước ta thường phát sinh từ những thiếu sót, những sơ hở trong hệ thống pháp luật. 

Trong hoạt động bán đấu giá ở Việt Nam còn nhiều vấn đề quan trọng nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. Chẳng hạn, pháp luật về đấu giá hàng hóa chưa có những chế tài nghiêm khắc áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khi tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa mà vi phạm pháp luật như: Các cơ quan này có chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa bán đấu giá nhưng do quan liêu hoặc một nguyên nhân nào đó không cấp hoặc rất chậm trễ trong việc làm các thủ tục để cấp những giấy tờ này, vi phạm và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bán và người mua hàng hàng hóa. Người bán hàng hoá chỉ được thanh toán toàn bộ số tiền sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dung đối với hàng hóa đấu giá phải đăng kí quyền sở hữu, quyền sử dụng. Chính vì vậy người bán hàng hóa có thể bị đặt ở tình trạng hao hụt tiền do đồng tiền bị mất giá, nói chung biến động luôn luôn có thể xảy ra. 

Do đó, pháp luật cần quy định rõ thời hạn thanh toán tiền mua hàng hóa sao cho thời điểm thanh toán cho người bán được diễn ra nhanh chóng. Ngay cả đối với người mua hàng hóa, họ cũng có thể mất cơ hội bán lại hàng hóa mua được cho người khác do việc chậm trễ trong việc hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Bên cạnh việc quy định đầy đủ các vấn đề thiết yếu trên thực tế thì còn phải đảm bảo tính hợp lí, khoa học trong các quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá hàng hóa nhằm tránh gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân có hàng hóa bán đấu giá. Phải luôn luôn tạo niềm tin cho người bán đấu giá và người mua hàng hóa bán đấu giá. Để thu hút được sự quan tâm của khách hàng, việc thông báo niêm yết các thông tin liên quan đến hàng hóa bán đấu giá là rất cần thiết. Việc thông báo, niêm yết các thông tin phải thật chính xác, không lừa dối, tạo lòng tin đối với khách hàng. Ở nước ta, phần lớn hàng hóa được đem đấu giá là hàng hóa phải xử lí để thi hành án, hàng hóa là tài sản cầm cố, thế chấp nên cần đảm bảo thủ tục vừa đúng nhưng phải nhanh chóng để giúp cho người nhận cầm cố, thế chấp thu được khỏa nợ từ người cầm cố, thế chấp. Tỉ lệ hàng hóa do tổ chức, cá nhân tự đem ra ủy quyền bán đấu giá rất nhỏ, sởi dĩ như vậy là bởi trình tự thủ tục bán đấu giá hàng hóa ở nước ta còn rất rườm ra, phức tạp, tắc trách, chưa thực sự đảm bảo quyền lợi cho người bán cũng như người mua hàng hóa.

Hơn nữa, cần nâng cao hiệu quả của hoạt động bán đấu giá hàng hóa và hiệu lực của văn bản bán đấu giá hàng hóa theo hướng tạo cơ sở pháp lí cho việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa đã được bán đấu giá. Tuy nhiên để phát triển hiệu quả hơn cho hoạt động bán đấu giá hàng hóa thì cần thiết phải có những quy định cụ thể hơn đối với văn bản bán đấu giá và các giấy tờ hợp lệ khác để chúng thực sự có hiệu lực hơn với vai trò là căn cứ pháp lí cho việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa bán đấu giá. Pháp luật về bán đấu giá hàng hóa cũng cần đảm bảo được sự quản lí thống nhất của Nhà nước đối với các hoạt động bán đấu giá. Do vậy trong tương lai cần thiết phải xây dựng một văn bản pháp luật hoàn chỉnh bao quát tất cả các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực bán đấu giá hàng hóa, cụ thể là cần xây dựng Luật Đấu giá

Qua những phân tích trên có thể đưa ra một số kiến nghị và hướng sửa đổi bổ sung pháp luật bán đấu giá hàng hóa:

Thứ nhất, cần xiết chặt hơn chế tài xử lí vi phạm

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũng đoạn kết quả các cuộc bán đấu giá kể trên là do chế tài xử lí vi phạm chưa nghiêm. Bởi vậy, cần sửa đổi bổ  sung và hướng dẫn Khoản 3 Điều 54 NĐ 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá theo hướng buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với người tham gia đấu giá có hành vi phá rối, cản trở hoặc liên kết, thông đồng, dìm giá bởi lẽ Khoản 3 Điều 54 chỉ quy định chung chung : “ Người tham gia đấu giá tài sản có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”. Trong khi đó, thông tư hướng dẫn số 23/2010/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 17/2010/NĐ-CP cũng không hướng dẫn rõ các hành vi vi phạm của người tham gia đấu giá tài sản cũng như những hành vi nào sẽ xử phạt vi phạm hành chính , hành vi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với trường hợp từ chối mua tài sản, cần quy định mức phạt cao hơn nữa đối với người tham gia đấu giá mà người đó từ chối mua hàng hóa. Quy định hiện nay về vấn đề này, người tham gia bán đấu giá mua được hàng hóa nhưng lại từ chối mua hàng hóa chỉ mất khoản tiền mà người đó đã dặt cọc để tham gia cuộc đấu giá. Như vậy người tham gia mua hàng hóa ít phải cân nhắc về việc rút lại giá đã trả vì họ chỉ mất một khỏa tiền nhỏ nhưng đạt đượ mục đích lớn hơn. Do vậy, cần quy định như sau: Khi tài sản được đem bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm thì người này thì người đã từ chối mua phải chịu trách nhiệm thanh toán phần giá trị chênh lệch giữa giá mình đã trả so với giá bán hàng hóa cho người trả giá liền kề; khi người trả giá liền kề không đồng ý mua hoặc trả giá liền kề thấp hơn giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá coi như không thành và người từ chối mua phải chịu một khoản tiền phạt ít nhất bằng số tiền chi phí để tổ chức cuộc bán đấu giá và cuộc bán đấu giá tổ chức lại sau đó. 
Quy định như vậy sẽ làm người có ý định rút giá đã trả sẽ phải cân nhắc kĩ hơn khi thực hiện hành vi vì hậu quả kinh tế đem lại cho hành vi rút lại giá là không nhỏ.

Thứ hai, pháp luật về bán đấu giá hàng hóa cần được sửa đổi, hoàn thiện trên nguyên tắc bán đấu giá phải được quy định chặt chẽ hơn để thực sự đảm bảo cho hoạt động bán đấu giá hàng hóa được thực hiện một cách có hiệu quả. Cụ thể, nên tập trung vào những nội dung sau:

Cần quy định thêm nguyên tắc trực tiếp. Chính nguyên tắc này sẽ đảm bảo cho cuộc đấu giá được diễn ra nhanh chóng, khách quan; tạo ra được sự cạnh tranh trực tiếp trong việc trả giá mua hàng hóa trước sự chứng kiến của người bán hàng hóa và tất cả những người muốn mua hàng hóa.

Hàng hóa bán đấu giá phải quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa bán đấu giá thì người mua được hàng hóa bán đấu giá vẫn có quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó. Trong trường hợp người nào có lỗi gây ra thiệt hại cho phía đối tác thì phải có trách nhiệm bồi thường. Việc quy định như trên sẽ đem lại niềm tin lớn cho các bên tham gia đấu giá, đặc biệt là với người mua được hàng hóa do quyền và lợi ích hợp pháp của họ đã được bảo vệ một cách chắc chắn.

Thứ ba là, cần quy định cụ thể cách tính các loại thời hạn trong đấu giá hàng hóa để khắc phục các vướng mắc có liên quan trong thực tế.

Thứ tư, quản lí Nhà nước về bán đấu giá hàng hóa cần được phân cấp quản lí rõ ràng, cụ thể hơn để chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan nhà nước không có sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.

Thứ năm là về thủ tục bán đấu giá hàng hóa: cần có những sửa đổi bổ sung về thủ tục kí kết hợp đồng ủy quyền bán đấu giá hàng hóa để việc kí kết thuận lợi đảm bảo lợi ích của người có quyền.

Thứ sáu, nâng mức tiền đặt trước và mức lệ phí hồ sơ đấu giá. Theo quy định hiện nay, mức tiền đặt trước tối thiểu là 2%(Điều 199 LTM 2005); 1% và tối đa không quá 15% ( Điều 29 Nghị Định 17 NĐ-CP), như vậy mức tiền tối thiểu đặt trước cần nâng cao hơn, có thể 10% để tránh tình trạng đăng kí tràn lan, thừa thời cơ lũng đoạn phiên bán đấu giá để người mua hàng hóa đấu giá thực sự mới nộp tiền để tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, việc thu lệ phí hồ sơ cũng cần nâng lên một khoản nhất định vừa tăng nguồn thu ngân sách vừa hạn chế việc khách hàng thông đồng dìm giá. Hiện nay, được quy định tại Thông tư số 96/2006/TT-BTC như sau: 

Giá khởi điểm (đồng)                                 Mức thu (đồng/ hồ sơ)
20.000.000 trở xuống                                                20.000
> 20.000.000 – 50.000.000                                        50.000
> 50.000.000 – 100.000.000                                    100.000
> 100.000.000 – 500.000.000                                  200.000
> 500.000.000                                                          500.000

Thứ bảy, việc từ chối mua hàng của người mua hàng: không nên quy định cứng nhắc là phải được người bán chấp nhận, nhưng người từ chối mua hàng phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá (theo Điều 205 LTM 2005). Quy định như vậy mang tính gò bó tạo tâm lí lo sợ cho khách hàng.

Cần quy định thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đơn giản và nhanh chóng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển quyền đồng thời nâng cao hiệu lực của văn bản bán đấu giá hàng hóa. Quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa, bán đấu giá hàng hóa cảu người mua được hàng hóa cần được đảm bảo theo hướng đã mua hàng hóa, qua tổ chức đấu giá với trình tự thủ tục chặt chẽ, công khai thì người mua trở thành chủ sở hữu, chủ sử dụng hàng hóa trong mọi trường hợp. Nếu quyền và lợi ích của người có hàng hóa đấu giá bị xâm phạm thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật  phải chịu trách nhiệm, kể cả phải bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại xảy ra trên thực tế.

Để thu hút được sự quan tâm đông đảo của cá nhân, tổ chức thì cuộc bán đấu giá phải diễn ra thật công khai, trung thực và đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa.

Bên cạnh đó, hiện nay với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, cần quy định thêm hình thức đấu giá hàng hóa mới là thông qua mạng internet nhằm đáp ứng cho đại bộ phận những người trẻ, những người độ tuổi đi học có nhu cầu mua bán hàng hóa qua mạng vừa tiết kiệm được được thời gian và chi phí. Đặc biệt cần tạo hành lang pháp lí an toàn để bảo vệ người bán hàng hóa trước những người mua gây nhiễu và cản trở trong quá trình kinh doanh của người bán đồng thời bảo vệ người mua hàng trước các thông số hàng hóa mà người bán đưa ra.

Có thể khẳng định, trong thời gian qua, hoạt động bán đấu giá và pháp luật về bán đấu giá hàng hóa đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của nước ta. Để ngày càng phát huy những vai trò tích cực, pháp luật về bán đấu giá hàng hóa đã không ngừng hoàn thiện hơn. Từ chỗ trước đây hoạt động bán đấu giá hầu như không phát triển, còn manh mún nhỏ lẻ thì giờ đây bán đấu giá hàng hóa đã thực sự giữ một vị trí không nhỏ, có một vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội của đất nước. Bán đấu giá hàng hóa ở nước ta hiện nay được áp dụng chủ yếu ở lĩnh vực xử lí tài sản để thi hành án, tài sản được xử lí để xung quỹ nhà nước, các tài sản cầm cố, thế chấp và bảo lãnh. Việc bán đấu giá hàng hóa chưa mang tính tự nguyện, với mục đích lợi nhuận ở các tổ chức, cá nhân còn ít. Bên cạnh những hạn chế đó còn là việc, hệ thống pháp luật về bán đấu giá ở Việt Nam còn chưa đầy đủ, đồng bộ thống nhất, còn rất rườm rà, nặng nề về thủ tục hành chính. Các văn bản pháp luật ra đời còn mâu thuẫn nhau.

Luật thương mại 2005 là một bước ngoặt lớn. Kể từ khi Nghị định 17/2010/NĐ-CP ra đời thì hoạt động bán đấu giá hàng hóa ở nước ta đã được thực hiện tương đối thống nhất và bước đầu đạt được những hiệu quả nhất địnhnở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trung tâm bán đấu giá lần lượt ra đời. Đến nay, số lượng các trung tâm bán đấu giá ở nước ta cũng chưa phải là nhiều nên trong thời gian tới với các chính sách kinh tế mới cũng như mới về pháp luật bán đấu giá, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sự sôi động và phát triển của hoạt động bán đấu giá ở Việt Nam. Mà cụ thể là hoạt động bán đấu giá của các trung tâm bán đấu giá, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này.

Sự thay đổi theo hướng hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá hàng hóa đã thể hiện một thực tế rằng pháp luật Việt Nam đang ngày càng gần gũi, hòa nhập vào xu thế chung với pháp luật của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có nền luật pháp phát triển. Cũng qua nghiên cứu cho thấy, pháp luật về bán đấu giá ở Việt Nam có những quy định và phương hướng hoàn thiện hơn rất phù hợp với đời sống chính trị, kinh tế xã hội của đát nước. Tuy nhiên do có những khác biệt nhất định về điều kiện khách quan và nhận thức chủ quan nên chắc chắn pháp luật bán đấu giá hàng hóa của Việt Nam còn nhiều khía cạnh sai sót nhất định so với luật cũ nhiều nước phát triển khác.

KẾT LUẬN

Pháp luật về bán đấu giá hàng hóa với tư cách là một bộ phận của kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa đặc biệt là nền kinh tế thị trường. Theo đó đã tạo được hành lang pháp lí vững chắc nhằm bảo vệ lợi ích cho người bán và người mua, khuyến khích và kích thích mọi người tham gia. Tuy nhiên, qua những phân tích trên đây có thể thấy những vướng mắc cơ bản trong pháp luật về bán đấu giá hàng hóa ở nước ta. Trong thời gian tới, cần khắc phục nhanh chóng những hạn chế đó để hình thức này thực sự phát triển mạnh và đem lại hiệu quả trong thị trường cũng như đời sống xã hội. Hoạt động bán đấu giá ở Việt Nam là vấn đề tương đối và cũng không phải là không phức tạp đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn. Trong quá trình tìm hiểu làm bài không tránh khỏi những thiếu sót, kính mong nhận được sự đóng góp của thầy cô và các bạn để bài làm của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại, Tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2006.
2. Luật thương mại năm 2005
3. Nghị định 17/NĐ-CP của Chính phủ về đấu giá hàng hóa
4. Nguyễn Thị Dung (chủ biên), Hỏi- đáp Luật thương mại, Nxb. Chính trị-hành chính, 2011
5. Nguyễn Thị Minh Hường, Pháp luật về đấu giá hàng hóa trong thương mại ở Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, 2011
6. Phạm Dương Minh Thu, Tìm hiểu pháp luật về đấu giá hàng hóa ở Việt Nam, Khoa luận tốt nghiệp, 2006
7. http://www.danluat.vn
8. http://www.sinhvienluat.vn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment