30/06/2014
Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa - Bài tập nhóm Lý luận Nhà nước và pháp luật
Bài tập nhóm Lý luận Nhà nước và pháp luật có đáp án.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỀ TÀI

Bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương được tổ chức và hoạt động dựa trên những nguyên tắc, điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật nhằm vận hành quyền lực nhà nước hay thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cụ thể của nhà nước. Theo đó, những những nguyên tắc tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước là những nguyên lý có tính nền tảng chỉ đạo toàn bộ quá trình thiết lập, hoạt động của từng loại cơ quan nhà nước cũng như của tổ chức bộ máy nhà nước.

Hệ thống nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) rất phong phú và nhiều loại, trong đó những nguyên tắc cơ bản có tính bao quát đối với toàn thể bộ máy nhà nước thường được ghi nhận trong hiến pháp, đạo luật cơ bản của nhà nước. Ở các nước XHCN nguyên tắc cơ bản đó bao gồm: nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nguyên tắc bình đẳng đoàn kết giữa các dân tộc. Trong đó nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước XHCN.   

Hiện nay, còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về nguyên tắc này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng nguyên tắc này là sự kết hợp hai mặt tập trung và dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, bất kì sự nhấn mạnh hay coi nhẹ một mặt nào của nguyên tắc sẽ dẫn đến sự thiếu hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Loại ý kiến thứ hai cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ là “sự” tập trung “một cách” dân chủ. Nguyên tắc này thể hiện sự tập trung trên cơ sở dân chủ chân chính, kết hợp sáng tạo với sự thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh và tinh thần trách nhiệm, ý thức kỉ luật cao. Ngoài ra, còn có loại ý kiến thứ ba cho rằng tập trung dân chủ là việc thủ trưởng có toàn quyền quyết định các vấn đề của cơ quan trên cơ sở đóng góp ý kiến của nhân viên. Như vậy, có thể thấy đa số các tác giả cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ. Đây là nguyên tắc thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo tâp trung thống nhất của cơ quan nhà nước trung ương với cơ quan nhà nước ở địa phương, giữa cơ quan nhà nước cấp trên với cơ quan nhà nước cấp dưới và địa phương trong quá trình tổ chức và hoạt động của nhà nước. Đồng thời phát huy tính tích cực, sáng tạo của quần chúng nhân dân, của nhân viên các cơ quan nhà nước và nâng cao ý thức kỷ luật, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước.

Cơ sở pháp lý của nguyên tắc: Đây là nguyên tắc hiến vị vì nó được quy định trong Hiến pháp. Nguyên tắc này đã được ghi nhận tại Điều 4 Hiến pháp 1959, Điều 6 Hiến pháp 1980 và Điều 6 Hiến pháp 1992 “…Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Không những ở nước ta, các nước XHCN cũng ghi nhận nguyên tắc này trong Hiến pháp và cũng xác định là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. 

Nhận thức được tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước XHCN nói chung và bộ máy nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nói riêng, vì vậy, với bài tập nhóm tháng thứ hai này, nhóm B2 lớp 3417 chúng em quyết định chọn đề tài: Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa. Liên hệ với Việt Nam với mong muốn được hiểu cũng như làm rõ hơn nội dung và tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước XHCN.

NỘI DUNG CHÍNH

Nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ được biểu hiện dựa trên ba mặt chủ yếu: tổ chức bộ máy; cơ chế hoạt động và chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra và xử lý các vấn đề khen thưởng và kỉ luật.

Về mặt tổ chức, quyền lực nhà nước tập trung nhất vào nhân dân vì nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Quyền lực ấy được nhân dân thực hiện một cách trực tiếp, hoặc thông qua bộ máy nhà nước mà cơ quan cao nhất thực hiện quyền lực nhà nước là Quốc hội - do nhân dân bầu ra - và chịu trách nhiệm và báo cáo trước quốc hội. Đến lượt mình, các hệ thống cơ quan nhà nước khác đều trực thuộc hoặc  chịu sự chỉ đạo của một trung tâm cơ quan cao nhất của hệ thống mình. Ở các nước XHCN nói chung và nước ta nói riêng, nguyên tắc tập trung dân chủ được áp dụng trong lĩnh vực tổ chức bộ máy đều xuất phát từ nguyên lý: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân trực tiếp bầu ra hệ thống cơ quan đại diện, trao quyền cho các cơ quan đại diện bầu ra hoặc phê chuẩn các hệ thống cơ quan khác. Ở trung ương, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mọi cơ quan khác đều bắt nguồn từ Quốc hội, phải báo cáo, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Ở địa phương, các Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, mọi cơ quan khác đều chịu trách nhiệm trước HĐND và chịu sự giám sát của HĐND. Tính tập trung là biểu hiện quan trọng của bộ máy nhà nước nhưng sự tập trung đó đều bắt nguồn và dựa trên cơ sở của chế độ dân chủ sau khi đã được tập trung phải chịu sự chỉ đạo của  các cơ quan nhà nước, nhưng đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự kiểm tra trước giám sát của nhân dân. Nguyên tắc này thể hiện ở chế độ bầu cử, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, xác lập và giải quyết mối quan hệ giữa các bộ phận của bộ máy nhà nước nói chung, giữa trung ương và với địa phương, giữa các bộ phận trong mỗi cơ quan nhà nước và trên bình diện chung nhất là giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân

Ở Việt Nam, Hiến pháp 1992 có quy định rõ ở Điều 2: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”; Điều 6:” Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”; Và Điều 8:  “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng.”  

Ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với chế độ bầu cử, nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội, HĐND các cấp phải do nhân dân bầu ra theo bốn nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trên cơ sở dân chủ. Các đại biểu dân cử thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Nếu không còn được sự tín nhiệm của nhân dân thì đại biểu dân cử có thể bị bãi nhiệm. Điều này cũng được quy định rõ tại Điều 7 - Hiến pháp 1992.

Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, nhưng những vấn đề quan trọng nhất của đất nước trước khi quyết định phải lấy ý kiến của dân hoặc phải do nhân dân trực tiếp quyết định thông qua việc trưng cầu ý kiến của nhân dân. Ở địa phương, những vấn đề quan trọng của địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thảo luận, đóng góp ý kiến hoặc trực tiếp quyết định. Trên cơ sở quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của mình và căn cứ vào đặc điểm, tình hình, lợi ích hợp lí của địa phương (và cấp dưới), các cơ quan nhà nước trung ương (và cấp trên) có quyền quyết định đối với địa phương (và cấp dưới). Các cơ quan nhà nước địa phương (và cấp dưới) có quyền chủ động sáng tạo trong việc thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước trung ương (và cấp trên) hoặc những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, phù hợp với đặc điểm cụ thể từng địa phương hoặc đơn vị mình, nhưng không được trái với các quy định của trung ương (và cấp trên).

Về mặt hoạt động, nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện ở việc phân định rõ ràng chức năng, thẩm quyền và mối quan hệ công tác giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương, cấp trên và các cơ quan nhà nước ở địa phương, cấp dưới nhằm bảo đảm sự hoạt động thống nhất, thông suốt của bộ máy nhà nước. Cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên quyết định những vấn đề cơ bản quan trọng nhất, về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trên phạm vi toàn quốc. Các cơ quan nhà nước ở địa phương và các cơ quan  nhà nước cấp dưới phải phục tùng cơ quan nhà nước trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên. Trong phạm vi thẩm quyền các cơ quan nhà nước ở địa phương và các cơ quan cấp dưới tự quyết định và chịu trách nhiệm về những vấn đề cụ thể của địa phương và cấp mình. Các cơ quan nhà nước trung ương, cấp trên có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan địa phương, cấp dưới, thậm chí có thể đình chỉ, huỷ bỏ quyết định của các cơ quan địa phương, cấp dưới của mình nếu những quyết định đó trái với luật định, nhưng đồng thời cơ quan trung ương, cấp trên cũng phải tạo điều kiện cho các cơ quan địa phương, cấp dưới phát huy quyền làm chủ, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề, gớp phần vào sự nghiệp chung của đất nước.

Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phải phân định những vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể, những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Những vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể thì thiểu số phục tùng đa số nhưng thiểu số có quyên bảo lưu ý kiến, đa số cũng cần xem xét, tham khảo ý kiến của thiểu số để kiểm tra tính đúng đắn trong quyết định của mình. Những vấn đề cá nhân có quyết định thì cá nhân phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp do HĐND cùng cấp bầu ra (và do cấp trên phê chuẩn) phải thực hiện các quyết nghị của cơ quan quyền lực, chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực cùng cấp.

Nguyên tắc tập trung dân chủ được vận dụng trong tổ chức và hoạt động trong các cơ quan nhà nước khác nhau. Có thể phác hoạ hình thức thể hiện nguyên tắc này trong từng loại cơ quan nhà nước như sau:

Các cơ quan quyền lực nhà nước do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Các đại biểu dân cử có thể bị nhân dân bãi nhiệm nếu không còn sự tín nhiệm của nhân dân. Các văn bản của Quốc hội và HĐND các cấp có giá trị bắt buộc đối với các cơ quan cùng cấp và dưới cấp. Tất cả những vấn đề thuộc quyền hạn của Quốc hội và HĐND các cấp đều được thảo luận một cách dân chủ, công khai trong các kì họp và quyết định theo đa số (trừ một số vấn đề đặc biệt được quyết định khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu biểu quyết tán thành).

Đối với cơ quan hành chính nhà nước, nguyên tắc này thể hiện: Chính phủ do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm (đối với Thủ tướng), phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức (đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ) theo đề nghị của Thủ tướng (sau khi đã được tập thể Chính phủ quyết định). Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định để thi hành Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số 8 nhóm vấn đề quan trọng, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì sẽ thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng đã biểu quyết. Thủ tướng có quyền quyết định cá nhân những vấn đề khác (Điều 20, Luật tổ chức Chính phủ nắm 2001). Uỷ ban nhân các cấp do HĐND cùng cấp bầu ra. Người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên có quyền phê chuẩn nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp về việc bầu UBND; có quyền điều hành hoạt động, miễn nhiệm, cách chức đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch cơ quan hành chính cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên khác của cơ quan hành chính cấp dưới trực tiếp. UBND thảo luận 6 nhóm vấn đề quan trọng. Chủ tịch UBND quyết định những vấn đề còn lại thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND. Đối với các Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ làm việc theo chế độ Thủ trưởng, bảo đảm tính dân chủ. Bộ trưởng có quyền quyết định các công việc thuộc phạm vi quản lý của bộ và chịu trách nhiệm về những quyết định đó, Bộ trưởng chịu trách nhiệm về những công việc do Bộ trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm liên đới về những công việc đã phân cấp cho chính quyền địa phương nhưng do Bộ không thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên và hoạt động theo chế độ Thủ trưởng. Tập trung dân chủ không phải là cơ quan cấp trên làm thay hoặc “lấn sân” cơ quan cấp dưới, đồng thời cũng không phải là việc cơ quan cấp dưới ỷ lại, đùn đẩy cho cơ quan cấp trên.

Trong tổ chức và hoạt động của toà án nhân dân, nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện rất đa dạng như chánh toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Chánh toà án nhân dân phải chịu trách nhiệm và báo cáo trước HĐND cùng cấp, trả lời chất vấn của HĐND. Chế độ bổ nhiệm Thẩm phán được thực hiện đối với Toà án các cấp. Chế độ bầu Hội thẩm nhân dân được thực hiện đối với Toà án quân sự cấp quân khu, khu vực. Việc xét xử ở Toà án có Hội thẩm tham gia theo quy định của pháp luật tố tụng. Khi xét xử, Thẩm phán với Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang hang với Thẩm phán. Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, toà án xét xử công khai (trừ một số trường hợp đặc biệt). Toà án đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Toà án đảm bảo cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Toà án. Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử…

Đối với viện kiểm sát nhân dân (KSND), nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện mang tính đặc thù. Viện trưởng viện KSND tối cao do quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm, chịu sự giám sát của quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo trước quốc hội. Viện trưởng viện KSND địa phương do viện trưởng viện KSND tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, chịu sự giám sát của HĐND cùng cấp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Viện kiểm sát do viện trưởng lãnh đạo, viện trưởng viện KSND các địa phương, viện trưởng viện Kiểm sát Quân sự các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của viện trưởng viện KSND tối cao. Viện KSND cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của viện KSND cấp dưới.
     
Để áp dụng có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước XHCN cần chú trọng xây dựng và thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra và xử lý các vấn đề kịp thời, đúng đắn, khách quan và khoa học. Các chủ trương, quyết định của cấp trên phải được thông báo kịp thời cho cấp dưới, để cấp dưới nắm được đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên, từ đó chủ động giải quyết các vấn đề đúng pháp luật và đáp ứng đúng yêu cầu của cấp trên. Các hoạt động của cấp dưới phải báo cáo kịp thời và đầy đủ cho cấp trên để cấp trên nắm được và có sự chỉ đạo đối với cấp dưới. Đồng thời phải đảm bảo chế độ kỷ luật nghiêm minh trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước cấp trên phải thực hiện kiểm tra và xử lí các vi phạm một cách nghiêm minh, đúng pháp luật; đồng thời áp dụng các biện pháp khuyến khích và khen thưởng kịp thời các đơn vị cá nhân có nhiều sáng kiến, thành tích. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ cũng có nghĩa là phải kiên quyết đấu tranh với thói tập trung quan liêu, bệnh vô tổ chức, vô chính phủ

Nguyên tắc tập trung dân chủ có nội dung chủ yếu như trên nhưng khi thực hiện trong các cơ quan nhà nước khác nhau, trong các ngành và lĩnh vực khác nhau thì nó lại mang tính chất và đặc điểm khác nhau. Thí dụ: việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các cơ quan văn hóa – sản xuất có những đặc điểm riêng so với việc thực hiện những nguyên tắc này trong các cơ quan an ninh, quốc phòng. Hơn nữa, khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ của từng giai đoạn tuỳ theo thái độ, tình hình kinh tế - sản xuất mà vận dụng cho thích hợp. Chẳng hạn như khi đất nước đã chuyển sang thời kì xây dựng trong hoà bình thì không thể xây dựng nguyên tắc tập trung dân chủ như trong thời kì chiến tranh. Nguyên tắc tập trung dân chủ cần được bổ sung những nội dung mới phù hợp với cuộc sống luôn biến đổi, năng động.

Đối với Việt Nam, thực trạng áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ đã đạt được những thành tựu, đáng chú ý nhất là trong việc đổi mới tư duy nhận thức về nội dung và yêu cầu của tập trung dân chủ trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập như: chưa phân định rõ chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, của cá nhân trong chỉ đạo điều hành; tập trung dân chủ trong quan hệ giữa các cấp cơ quan chưa rõ ràng, nhất là yếu tố tập trung chưa được đảm bảo làm cho trật tự, kỉ cương lỏng lẻo, nảy sinh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”; tư tưởng về tập trung bao cấp trong cán bộ công chức còn khá nặng nề, nhất là các cấp chính quyền địa phương làm cho bộ máy trì trệ; phân định chức năng, thẩm quyền giữa các bộ, ngành còn chồng chéo, tập trung còn thiếu đồng bộ trong khi dân chủ chưa thực sự được phát huy. 

Giải pháp:

- Thiết lập các hình thức cụ thể về trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm của cá nhân.
- Giảm cấp phó để tập trung quyền lực vào người đứng đầu, đồng thời để xác định rành mạch hơn thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu.
- Kiên trì khẳng định vị trí vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

KẾT LUẬN

Có thể nói dân chủ là bản chất của nhà nước XHCN. Có bảo đảm dân chủ mới có thể phát huy trí tuệ và sức mạnh của tập thể, phát huy tính chủ động và sức sáng tạo của nhân dân. Tuy nhiên nếu quá đề cao yếu tố dân chủ sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, vô chính phủ… Do vậy, dân chủ phái gắn liền với tập trung. Trong quản lý nhà nước, quản lý sản xuất đỏi hỏi phải có sự tập trung quyền lực, có tập trung mới quản lý được sản xuất, mới thiết lập được trật tự xã hội. Tuy nhiên nếu quá tập trung sẽ dẫn tới tập trung quan liêu, lạm quyền, độc đoán, vì vậy tập trung phải đi liền với dân chủ. Như vậy, tập trung dân chủ là hai mặt của một thể thống nhất không thể tách rời. Vấn đề quan trọng của sự vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ là tìm tỉ lệ kết hợp tối ưu hai mặt tập trung và dân chủ trong tổ chức và hoạt động của từng lĩnh vực, ngành cụ thể, trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh, thậm chí là từng vấn đề cụ thể. Do đó, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải là một hoạt động thường xuyên trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và các cơ quan nhà nước nói riêng.

Trên đây là toàn bộ bài làm của nhóm chúng em với đề tài  “Phân tích nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước XHCN. Liên hệ với Việt Nam”. Vì khuôn khổ bài tập nhóm có hạn nên mặc dù đã rất có gắng nhưng có thể những phân tích của chúng em vẫn chưa thực sự được sâu sắc và còn nhiều thiếu sót. Nhóm B2 - lớp 3417 chúng em rất mong nhận được sự góp ý của các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.

Chúng em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trính Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội 2009.
2. Khoa Luật Đai học Quốc Gia - Nguyễn Cửu Việt (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB ĐHQG Hà Nội.
3. Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Thị Hồi và Lê Vương Long (chủ biên), Nội dung cơ bản của môn học Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội 2008.
4. TS.Nguyễn Văn Động, Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB Giáo dục, Hà Nội 2008.
5. TS.Trần Thái Dương, Hỏi đáp những tri thức cơ bản môn Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội 2004.
6. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước – ThS Vũ Văn Nhiêm, Giảng viên khoa Luật Hành chính, trường Đại học Luật TPHCM (Đăng trên tạp chí KHPL, số 3/2004)
7. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992
8. TS Trần Hậu Thành, TS Nguyễn Thế Thuần, Tìm hiểu bộ máy nhà nước Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội 2007
9. Các website:
- http://vi.wikipedia.org
- http://vn.answers.yahoo
- http://www.sinhvienluat.vn
- http://hcmulaw.edu.vn

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment