18/06/2014
Chuẩn mực tôn giáo đối với lĩnh vực pháp luật - Bài tập học kỳ Xã hội học đại cương
A) PHẦN MỞ ĐẦU

Thế giới ngày càng phát triển, con người ngày càng tiến bộ và xã hội cũng đang dần dần đổi mới. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta không thể không nhắc đến cả một hệ thống các quy phạm đa dạng và phong phú mà nếu không có nó thì không biết xã hội này như thế nào. Trong hệ thống quy phạm ấy, nổi bật là hai loại quy phạm đã góp phần điều chỉnh phần lớn các hành vi của con người: Quy phạm pháp luật và quy phạm tôn giáo. Ở Việt Nam, trong sáu vấn đề cấp bách trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ "thực dân và phong kiến thực hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết". Quan điểm đó của Người đã được kế thừa xuyên suốt qua bốn bản Hiến Pháp của Việt Nam. Ngoài ra ở rất nhiều quốc gia một tôn giáo được coi là quốc giáo như: Cộng hòa Italia (Công giáo chiếm 98% dân số), Vương quốc Arập-Xêút (Hồi giáo chiếm 100%) hay Vương quốc Thái Lan (Phật giáo chiếm 95%). 

Từ đó có thể thấy được sự quan trọng của tôn giáo đối với Nhà nước và Pháp luật.  Việc nghiên cứu các chuẩn mực tôn giáo là hết sức quan trọng. Bài tiểu luận dưới đây xin đi sâu giải quyết vấn đề: “ Phân tích nội dung chuẩn mực tôn giáo? Tác dụng của việc nghiên cứu chuẩn mực tôn giáo đối với lĩnh vực pháp luật”.


B) PHẦN NỘI DUNG

I) Một số lý luận chung về chuẩn mực tôn giáo

1) Định nghĩa chuẩn mực tôn giáo

Tôn giáo là một hệ thống niềm tin về vị trí của cá nhân con người trong thế giới, tạo ra một trật tự cho thế giới đó và tìm kiếm một lý do cho sự tồn tại trong đó.

Chuẩn mực tôn giáo là hệ thống các quy tắc, yêu cầu được xác lập dựa trên những tín điều, giáo lý tôn giáo, những quy ước về lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo cùng với các thiết chế tôn giáo (nhà thờ, chùa chiền, thánh đường), được ghi chép và được thể hiện trong các bộ sách kinh điển của các dòng tôn giáo khác nhau.

2) Điều kiện để một tôn giáo được thừa nhận là dòng tôn giáo thực sự

Tôn giáo đã ra đời, tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đây, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cả các thiết chế không tôn giáo như gia đình, văn hóa, đạo đức, nhà nước....Tính đến năm 2014, Phật giáo- tôn giáo cổ xưa nhất đã có 2558 năm tồn tại, Thiên Chúa giáo có 2014 năm tồn tại và Hồi giáo có 1396 năm tồn tại. E.Durkhiem cho rằng : “ Tôn giáo là một hệ thống các niềm tin và thực hành liên quan đến các vật thiêng liêng, có nghĩa là những vật được đặt riêng ra và bị cấm đoán- chúng kết hợp tất cả những ai là tín đồ vào một cộng đồng tinh thần gọi là giáo hội”.

Một tôn giáo được thừa nhận là dòng tôn giáo thực sự khi nó có giáo chủ, giáo hội, giáo dân và giáo lý.

Giáo chủ trong tôn giáo là một lực lượng siêu tự nhiên, có quyền năng, sức mạnh siêu phàm, được con người “thần thánh hóa”, tôn thờ, trở thành “linh thiêng” và tác động trở lại tới niềm tin của con người.Trong Thiên chúa giáo, Giáo chủ là Chúa  Jesus; Phật tổ Thích ca mâu ni là giáo chủ trong Phật giáo;  trong Hồi giáo là Thánh Allah và sứ giả Mohammed.

Giáo hội là tổ chức của một dòng tôn giáo được hình thành, thiết lập nhằm liên kết, tập hợp những người có cùng niềm tin vào giáo chủ, giáo lý nhất định thành một cộng đồng tinh thần; có chức năng điều hành, trị sự các công việc thuộc nghi lễ, sinh hoạt của tôn giáo đó. Chẳng hạn trung tâm giáo hội Giatô giáo là tòa thánh Vatican (có quy chế như một nhà nước). Người đứng đầu giáo hội là Đức Giáo hoàng. Hay như giáo hội Công giáo (cụ thể hơn gọi là giáo hội công giáo Roma hay giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã là một giáo hội thuộc Kitô giáo, hiệp thông hoàn toàn với vị giám mục giáo phận Roma, hiện nay là giáo hoàng Phanxicô.Ở Việt Nam giáo hội Phật giáo Việt Nam là giáo hội Phật giáo duy nhất được Chính Phủ Việt Nam công nhận hiện nay và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Pháp chủ của giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ.

Giáo dân là cộng đồng những người cùng có niềm tin vào giáo chủ, giáo lý,là thành viên của một giáo hội tôn giáo nhất định, tham gia vào các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo của tôn giáo đó.Nơi đó có thể là nhà thờ, chùa, thánh đường.....Tùy theo ngôn ngữ của  mỗi dân tộc, giáo dan của mỗi dòng tôn giáo được gọi theo những cách khác nhau như trong tiếng việt, giáo dân của Thiên chúa giáo được gọi là con chiên, giáo dân của Phật giáo được gọi là Tăng ni, Phật tử; giáo dân của của Hồi giáo được gọi là tín đồ....

Giáo lý là tập hợp các tín điều tôn giáo, giới luật, lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo được xác lập trong các bộ kinh điển của các tôn giáo nhằm củng cố, gia tăng đức tin, điều tiết các hoạt động tôn giáo, điều chỉnh hành vi, hoạt động của giới chức tôn giáo và các tầng lớp giáo dân; được họ thừa nhận, tán thành và tuân theo một cách tự nguyện.Giáo lý là nguồn lực tinh thần, là nền tảng của chuẩn mực tôn giáo. Ví dụ như giáo lý quan trọng nhất của đạo Balamon là thuyết luân hồi mà sau này nhiều tôn giáo khác chịu ảnh hưởng. Hay như giáo lý Cao đài là những lý thuyết của đạo Cao Đài. Hệ thống giáo lý của Phật giáo là một hệ thống rất đồ sộ nằm chủ yếu trong Tam tạng kinh điển, gồm Kinh tạng ( ghi lời Phật dạy), Luật tạng (các giới luật), và Luận tạng ( các bài kinh, tác phẩm luận giải, bình chú về giáo pháp của các cao tăng và học giả sau này)…..

3) Các đặc điểm của chuẩn mực tôn giáo

Chuẩn mực tôn giáo là loại chuẩn mực xã hội thành văn. Tính chất thành văn của chuẩn mực tôn giáo thể hiện ở các giáo điều, giáo lý, những lời răn dạy được ghi chép trong các bộ kinh của các tôn  giáo khác nhau như Kinh thánh của Thiên Chúa giáo, Kinh phật của Phật giáo hoặc Kinh coran của Hồi giáo. Ví dụ giáo lý nhà Phật yêu cầu người xuất gia vào tu hành trong chùa phải tuyệt đối tuân theo ngũ giới ( 5 điều cấm) bao gồm không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu. Ngũ giới được ghi trong kinh phật, thể hiện tính chất thành văn của chuẩn mực tôn giáo.

Chuẩn mực tôn giáo được hình thành từ niềm tin thiêng liêng, sâu sắc của con người vào sức mạnh thần bí của các lực lượng siêu nhiên như Thần thánh, Đức phật, chúa trời....Chẳng hạn như theo kinh thánh, Jesus Christ được thượng đế cử xuống trần gian để gánh chịu thay cho những đau khổ của con người. Bị những kẻ trị vì giết chết, Jesus phục sinh và trở về thượng giới. Jesus đã thu phục được đông đảo tín đồ, các tín đồ tôn Jesus làm chúa cứu thế. Họ tin rằng Chúa sẽ xuất hiện và lần thứ hai để phán xét mọi người, đưa những người làm điều lành lên thiên đường để có một cuộc sống vĩnh hằng và trừng phạt những kẻ có nhiều tội lỗi, đưa họ xuống địa ngục. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo những đau khổ họ phải gánh chịu trên thế gian này cũng là những gì đức chúa đã gánh chịu, và vì những đau khổ ấy, họ sẽ được đền bù sau khi sang thế giới bên kia. Hay như hiện tượng “ma trơi”. Trước khi khoa học chưa có sự giải thích về hiện tượng tại sao vào những hôm trời nắng ở trên một số nấm mộ mới lại có sự “bốc cháy”. Theo niềm tin tâm linh, con người ta luôn nghĩ đó là do người cõi âm hiển linh về. Nhưng khoa học đã nghiên cứu và có sự giải thích về việc này: Hiện tượng ma trơi là do chất photphin gây ra. Người chết khi chôn thì cơ thể sẽ bị phân hủy và nhất là ở xương và não, từ đó tạo ra photphin(PH3) và điphotphin(P2H4). Hỗn hợp hai khí đó thoát ta khỏi đất và cháy ngay ở nhiệt độ thường tạo ra hiện tượng ma trơi. Sống giữa thiên nhiên diệu kì và khắc nghiệt, con người luôn mong muốn hiểu biết về thiên nhiên, tìm cách khai thác thiên nhiên một cách hiệu quả nhất. Song, không phải khi nào con người cũng hiểu biết được hết về thiên nhiên nên đôi khi có một số lĩnh vực họ thần thánh hóa, linh thiêng hóa thiên nhiên.Tuy vậy, không chịu khuất phục trước thiên nhiên con người tìm cách lý giải, hóa giải những cái “thiêng” bằng tín ngưỡng, tôn giáo là thờ cúng, hiến tế và cầu xin, thậm chí là chinh phục, sai khiến những cái thiên đó. Dựa vào tôn giáo, con người tìm cách khống chế những cái “thiêng” của tự nhiên, cậy nhờ những đấng linh thiêng để làm lợi cho cuộc sống của con người, đồng thời cũng tự an ủi mình đối với những đau khổ, khó khăn, sự bất lực của bản thân trước tự nhiên và xã hội. Chừng nào trong tự nhiên, trong  xã hội vẫn còn tồn tại những sự việc, sự kiện hay hiện tượng có tính chất thần kỳ, bí ẩn mà các nhà khoa học hiện đại chưa thể giải thích, làm sáng tỏ nguồn gốc, nguyên nhân hay bản chất của chúng thì khi đó tôn giáo và chuẩn mực tôn giáo vẫn tồn tại, vẫn có tác động nhất định đối với đời sống tâm linh của con người. 

Các quy tắc yêu cầu của chuẩn mực tôn giáo được đảm bảo tôn trọng và được hiện thực hóa trong hành vi của con người chủ yếu chủ yếu nhờ vào niềm tin tâm linh và cơ chế tâm lý. Niềm tin tâm linh là yếu tố thường trực trong suy nghĩ của con người, trở thành động cơ nội tâm thường trực trong ý thức, điều chỉnh hành vi của con người trong việc tuân theo chuẩn mực tôn giáo một cách tự nguyện. Không có niềm tin tâm linh thì không một chuẩn mực  tôn giáo nào được thực hiện cả. Các cụ ta vẫn thường nói: “ Có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Theo quan niệm của Phật giáo, các ngày âm lẻ là các ngày xấu, người ta kiêng động thổ làm nhà mới. Và dường như đó đã trở thành một nguyên tắc mà không ai dám đi ngược lại bởi họ sợ những điều xui xẻo sẽ đến với gia đình họ. Ví dụ  khác như sự lo lắng về luật nhân quả trong đạo Phật, người gây ra tội lỗi thường lo sợ đến một ngày nào đó họ sẽ phải trả giá cho những gì mình đã gây ra, vì thế họ luôn sống trong sự dằn vặt, lo sợ. Tâm lý sợ hãi trước sức mạnh siêu phàm của lực lượng siêu tự nhiên khiến người ta phục tùng vô điều kiện chuẩn mực tôn giáo. “ Sự sợ hãi đã tạo ra thần linh”. Vì sợ bị trừng phạt phải xuống địa ngục thay vì lên thiêng đường, bị quả báo thay vì vào cõi niết bàn nên con người không dám làm điều ác, không dám  phạm phải các điều cấm, điều răn của chuẩn mực tôn giáo. Ví dụ như giáo lý nhà phật  yêu cầu người xuất gia vào tu hành trong chùa phải tuyệt đối tuân theo ngũ giới. Theo vậy mà những nhà tu hành không bao giờ kết hôn, không bao giờ sát sinh mà luôn cứu giúp người gặp hoạn nạn để tích đức, tu hành.Như vậy cho dù không có một sức mạnh cưỡng bức nào thì các chuẩn mực tôn giáo vẫn được con người tuân thủ một cách tự nguyện, tự giác vô điều kiện.

Chuẩn mực tôn giáo có những tác động tích cực và cả những tác động tiêu cực tới nhận thức hành vi của con người. Những tác động tích cực thể hiện ở chỗ chuẩn mực tôn giáo đề cao tính thiện, phê phán tính ác, định hướng cho hành vi xã hội của con người. Một số chuẩn mục của Thiên Chúa giáo mang tính nhân văn sâu sắc: đề cao tình yêu thương giữa những con người với nhau, tôn trọng mọi giá trị của tín đồ, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, hướng các các nhân tới điều thiện. Phật giáo khuyên con người ta sống từ bi, gần gũi cái thiện, tránh xa cái ác. Chuẩn mực Hồi giáo khuyên con người ta tuân giữ vị trí của mình, bố thí cho kẻ nghèo hèn.... Cũng giống như các tôn giáo khác, Phật giáo lấy cứu thế làm mục đích giáo lý của nó có những nét riêng:

Cuộc đời là bể khổ, sinh, lão, bệnh, tử là bốn nỗi đau lớn nhất của con người.

Nguồn gốc của khổ là những dục vọng của con người, con đường cứu khỏ là con đường diệt dục.

Diệt được dục con người thoát khỏi luân hồi thoát khỏi nghiệp chướng để lên cõi niết bàn.

Ngược lại khi chuẩn mực tôn giáo bị hiểu và vận dụng một cách cực đoan có thể gây ra những tác động tiêu cực như dễ làm phát sinh nạn cuồng tín, tệ phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị dân tộc; nó có thể ru ngủ, làm tê liệt ý chí của con người trước những bất công xã hội nơi trần thế. Điển hình là vụ linh mục Vũ Thanh Cảnh, chánh xứ Hàm Long, Hà Nội đã ký đơn cho số cầm đầu hội đoàn và nhiều giáo dân đi khiếu kiện đòi lại nhà nguyện Fatima 193 Bà Triệu. Hay ở Nghệ An giáo hội đã huy động hội viên các đoàn hội, đặc biệt là hội phụ nữ tập trung nằm lỳ hàng tháng trời để chiếm giữ, đòi lại khu đất nhà thờ Cầu Rầm…

II) Tác dụng của việc nghiên cứu chuẩn mực tôn giáo đối với pháp luật

Trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là thời kỳ trung cổ, dưới ảnh hưởng của giáo hội La Mã, chuẩn mực tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối nhà nước và pháp luật. Trong qua trình các tôn giáo xâm nhập, truyền bá vào các quốc gia khác nhau có thể gây nên những xung đột giữa tôn giáo và và chính quyền sở tại do những khác biệt giữa các giáo lý tôn giáo và hệ thống pháp luật của các nước. Cho nên về nguyên tắc tôn giáo và nhà nước phải độc lập với nhau.

Tại các quốc gia mà chuẩn mục tôn giáo bị hiểu và vận dụng một cách cực đoan thì ngay cả chính trị và pháp luật cũng bị đòng nhất với chuẩn mực tôn giáo. Chẳng hạn chủ nghĩa hồi giáo cực đoan  được chính quyền Taliban áp dụng ở Apsganixtan trước đây.

Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, hành vi con người bằng cách quy định cho chủ thể tham gia các quan hệ đó các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định và có các biện pháp cưỡng chế. Tôn giáo điều chỉnh hình vi của tín đồ của mình bằng cách quy định nghĩa vụ, bổn phận của họ, xác định cho họ những hành vi nên làm, không nên làm, cần phải làm, không được làm. Ngược lại, hầu hết những nghĩa vụ, bổn phận của tín đồ thường không mang tính xác định một cách chặt chẽ. Đó chỉ mới là những lời răn của tín điều tôn giáo đối với tín đồ: nên, không nên hay cần phải, không được. Từ lâu, pháp luật và tôn giáo đã có mối quan hệ gắn bó, chúng tác động qua lại lẫn nhau. 

Tôn giáo tác động tích cực đến pháp luật.

Thứ nhất: Tôn giáo giúp xây dựng pháp luật. Khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định thì rất nhiều tín điều tôn giáo được “pháp luật hóa”, chúng trở thành những quy phạm pháp luật được Nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện. Ví dụ như: Trong đạo thiên chúa có quy định về việc kết hôn “một vợ, một chồng”, quy định này phù hợp với xã hội và được nâng lên thành luật trong Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam.

Thứ hai: Tôn giáo giúp pháp luật phát triển và hoàn thiện. Trong quá trình phát triển của tôn giáo, sẽ có lúc pháp luật dự báo trước được những nguy cơ tiềm tàn mà tôn giáo đem đến hay phát hiện ra những kẽ hở, thiếu sót trong trong pháp luật hiện hành. Sau đó, pháp luật sẽ tự điều chỉnh mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh, giảm thiểu những ảnh hưởng xấu và từ đó hoàn thiện mình hơn. 

Thứ ba: Tôn giáo san sẻ một phần gánh nặng cho pháp luật. Hầu hết các tôn giáo đều có các giáo lý, giáo điều luôn khuyên răn con người trong thế giới trần gian này phải biết làm điều thiện, giúp đỡ người khó khăn, tránh xa cái ác. Khi các giáo dân thực hiện theo các giáo lý đó thì đã phần nào đã giúp xã hội ổn định và phát triển. Trong một số tôn giáo, cái chết chỉ là sự thay đổi về hình thái và địa điểm sinh sống, điều này giúp con người giải thoát khỏi nỗi sợ lớn nhất – cái chết, giúp họ dễ dàng chấp nhận cái chết hơn, ít lo sợ và sống vui vẻ hơn. Và xã hội sẽ bình yên hơn nếu mọi người đều sống mà không lo sợ về cái chết (điều này thì pháp luật không làm được). Ngoài ra, do một số các tín điều tôn giáo đã được nâng thành luật nên chỉ cần giáo dân nghe theo các tín điều tôn giáo đó thì cũng giống như họ đang chấp hành pháp luật. 

Từ các điều trên có thể thấy nhờ có tôn giáo mà công việc quản lý, kiểm soát xã hội của pháp luật đã nhẹ đi phần nào. Tại các quốc gia có một tôn giáo là quốc giáo: Mức độ ảnh hưởng của tôn giáo đối với pháp luật là rất lớn. 

Pháp luật và tôn giáo phát triển cùng nhau, thống nhất với nhau. Chẳng hạn trong kinh Coran ở các nước theo đạo Hồi hoặc trong kinh Cựu Ước ở Israel, các tín điều tôn giáo thường có vị trí như pháp luật hoặc có liên kết rất mật thiết với pháp luật. Cho nên, ở một mức độ nào đó một số tín điều tôn giáo có sự thống nhất với pháp luật, tạo điều kiện để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, nhất là đối với việc giáo dục, đòi hỏi con người phải làm việc thiện, việc có ích cho cộng đồng và xã hội. Ở các quốc gia này, số người dân tham gia vào quốc giáo là rất lớn vì thế chỉ cần các tín đồ tôn giáo tuân theo các giáo lý thì cũng chính là họ đã tuân thủ pháp luật. Pháp luật tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển. Với những đặc điểm riêng của mình, pháp luật có khả năng triển khai những chủ trương chính sách của Nhà nước một cách nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả trên quy mô lớn. Một số chuẩn mực tôn giáo phù hợp với thuần phong, mỹ tục, với các giá trị đạo đức, pháp luật hiện hành có tác dụng tích cực đối với việc thực hiện pháp luật của các các nhân tồn tại và tác động của tôn giáo, tín ngưỡng tới đời sống tâm linh của con người. Đó cũng là cơ sở nhận thức về lý luận và thực tiễn để Đảng và Nhà nước ta xây dựng và thừa nhận: Điều 70 Hiến pháp Việt Nam năm 1992, sửa đổi, bổ sung 2001 đã quy định: “Công dân có quyền tự đo tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự đo tín ngưỡng, tôn giáo…”. Không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp mà nó còn được ghi nhận Điều 1 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo số 21/2004/PL- UBTVQH11 của  Ủy ban thường vụ Quốc hội. Điều này đã góp phần tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, pháp luật còn trừng trị những kẻ xâm hại đến lợi ích và bảo vệ quyền lợi của tôn giáo.  . Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định: “ Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyên sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo.Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ”. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo cùng tồn tại, phát triển nên việc đối xử bình đẳng với các tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đoàn kết đồng bào theo đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tôn giáo ở Việt Nam có quá trình hình thành, phát triển khác nhau, có tôn giáo nội sinh (như đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo), có tôn giáo ngoại nhập (như Công giáo, đạo Tin Lành, Phật giáo, Hồi giáo); mỗi tôn giáo đều có giáo lý, giáo luật và những lễ nghi thờ cúng khác nhau, nhưng tất cả đều tồn tại đan xen, hòa đồng trên cùng một địa bàn dân cư, không có sự kỳ thị và xung đột tôn giáo như ở một số quốc gia khác. Có thể lấy 2 đại lễ của Phật giáo và Thiên chúa giáo là Phật Đản và Noel làm ví dụ điển hình cho sự hòa hợp giữa các tôn giáo ở Việt Nam. Không phân biệt là người có theo tôn giáo hay không, cũng không hề có sự phân biệt giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau. Tất cả đều hòa hợp, giao lưu vui vẻ trong các lễ hội tôn giáo, họ coi đó như một dịp để giao lưu văn hóa, học tập những nét đẹp của các tôn giáo khác, các bạn trẻ coi đó như một dịp để vui chơi, hẹn hò…Bên cạnh đó nhà nước ta cũng cương quyết trừng trị nghiêm khắc những hành vi đội lốt tôn giáo để thực hiện các âm mưu chính trị đen tối, gây rối, bạo loạn, hoạt đọng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; trừng trị nghiêm khắc các hành vi lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân để hành nghề mê tín dị đoan, gây hậu quả nghiêm trọng. “ Đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân”.

C) PHẦN KẾT LUẬN

Cùng với sự hội nhập và giao lưu quốc tế, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng cũng ngày một phát triển. Nhìn lại sự phát triển của pháp luật về tôn giáo từ năm 1945 đến nay có thể thấy, pháp luật về tôn giáo đã có những bước phát triển và ngày càng hoàn thiện. Trong mỗi giai đoạn của cách mạng, pháp luật về tôn giáo đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo. Nội dung pháp luật về tôn giáo luôn khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử; đồng thời trừng trị nghiêm khắc những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, pháp luật về tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố sự đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc trong phát triển kinh tế và giữ vững ổn định chính trị, xã hội./.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nghiêm Thu Lệ - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment