25/06/2014
Bài tập cá nhân 1 Luật Tố tụng dân sự đề số 7
ĐỀ BÀI 07

Ông A và Bà B có ba người con chung là C, D, E. Năm 2005 ông A, bà B chết không để lại di chúc. Ông bà A,B có một ngôi nhà trên mảnh đất diện tích 500m2 tại quận M thành phố H. Sau khi ông bà B chết, C chiếm cả nhà đất đó. E, D đã khởi kiện C ra Toà án yêu cầu chia thừa kế. Do giấy tờ nhà đất bị thất lạc nên để chứng minh cho yêu cầu của mình D, E yêu cầu cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương cung cấp bản sao trích lục bản đồ địa chính và các tài liệu liên quan đến nhà đất nói trên nhưng cơ quan này từ chối không cung cấp vì cho rằng chỉ có nghĩa vụ cung cấp khi Toà án yêu cầu. Sau đó, D, E có đơn yêu cầu Toà án tiến hành thu thập chứng cứ tại cơ quan quản lý nhà đất nhưng Toà án không chấp nhận với lý do Toà án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Hỏi:

a) Việc cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương từ chối không cung cấp tài liệu xác định quyền sở hữu ngôi nhà là đúng hay sai? Tại sao?
b) Việc Toà án không chấp nhận yêu cầu của D, E về việc tiến hành thu thập chứng cứ là đúng hay sai? Tại sao?

BÀI LÀM

1. Việc cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương từ chối không cung cấp tài liệu xác định quyền sở hữu ngôi nhà là Sai. Bởi vì:

Căn cứ Khoản 3 Điều 139 Luật Nhà ở năm 2005 quy định: “Cơ quan quản lý hồ sơ nhà ở có trách nhiệm  cung cấp các thông tin về hồ sơ nhà ở khi tổ chức cá nhân có yêu cầu…”

Căn cứ Khoản 3 Điều 71 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/09/2006 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về phát triển nhà ở, quản lý việc sử dụng nhà ở, sở hữu nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005 có quy định: “ …3. Cơ quan quản lý hồ sơ nhà ở có trách nhiệm cung cấp các thông tin về nhà ở cho các cơ quan quy định tại khoản 7 Điều này và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến nhà ở đó khi họ có yêu cầu”.

Ngoài ra, căn cứ vào Điều 7 BLTTDS quy định về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho đương sự, Tòa án chứng cứ trong vụ án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án. Trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ”.

Theo đó, việc cung cấp tài liệu xác định quyền sở hữu ngôi nhà trên cho D,E là nghĩa vụ theo Luật định của cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương. Mặt khác, D,E đề nghị cung cấp thông tin về nhà ở phải có văn bản đề nghị cung cấp thông tin. Văn bản đề nghị phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu cung cấp thông tin, nội dung các thông tin đề nghị cung cấp và mục đích của việc đề nghị cung cấp thông tin (theo khoản 5 Điều 71 Nghị định 90/2006/NĐ-CP). 

Như vậy, Vì Tình huống trên không nói rõ nên ta coi D, E tuân thủ đầy đủ các quy định trên khi yêu cầu cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương cung cấp bản sao trích lục bản đồ địa chính và các tài liệu liên quan đến nhà đất nói trên. Do đó, việc cơ quan này từ chối không cung cấp với lý do : “cho rằng chỉ có nghĩa vụ cung cấp khi Toà án yêu cầu” là trái pháp luật - sai về mặt nội dung do vi phạm nghĩa vụ luật đinh. Nhưng đúng về mặt thủ tục do cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương ra văn bản nêu rõ lý do  từ chối không cung cấp chứng cứ. Từ đó, cho thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật của một số cán bộ trong cơ quan quản lý nhà đất địa phương và cần khắc phục trong thời gian tới.

2. Việc Toà án  không chấp nhận yêu cầu của D, E về việc tiến hành thu thập chứng cứ là Sai. Bởi vì: 

Trong Tố tụng dân sự, khi cần khởi kiện để giải quyết tranh chấp và khẳng định việc khởi kiện, phản tố việc kiện có căn cứ và đúng pháp luật, thì các đương sự phải tự mình thu thập, cung cấp và chuyển giao chứng cứ, tài liệu này cho Toà án dân sự. 

Căn cứ  khoản 2 Điều 85 và khoản 1 Điều 94 của BLTTDS quy định, chỉ khi đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì mới có quyền yêu cầu Tòa án thu thập. Trên cơ sở các quy định này, tại khoản 5 Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 1.9.2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn cụ thể: “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án cần giải thích cho đương sự biết quy định tại Điều 7 của BLTTDS về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Khi biết chứng cứ đang do cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ, quản lý, thì căn cứ vào quy định tại điều này, đương sự có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ. Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp được chứng cứ cho đương sự, thì phải thông báo bằng văn bản có ghi rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ cho đương sự biết để họ chứng minh với Tòa án là họ đã thu thập chứng cứ nhưng không có kết quả và yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ”.

Xét trong tình huống trên ta thấy, D, E đã yêu cầu cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương cung cấp bản sao trích lục bản đồ địa chính và các tài liệu liên quan đến nhà đất nói trên. để làm chứng cứ cho vụ tranh chấp, nhưng đã bị cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương từ chối không cung cấp với lý do : “cho rằng chỉ có nghĩa vụ cung cấp khi Toà án yêu cầu. Điều đó cho thấy D, E đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được. Do đó, D,E có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ tại cơ quan quản lý nhà đất ở địa phương.Trong trường hợp này, Toà án phải có trách nhiệm tiến hành thu thập chứng cứ theo các quy định trên. Tuy nhiên, Toà án không chấp nhận với lý do Toà án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là Sai pháp luật, chưa làm đúng nghĩa vụ của mình. Điều này đặt ra mối nghi ngờ rằng, một cơ quan chuyên bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật lại làm trái pháp luật. Đây phải chăng là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật hay do cố ý làm trái pháp luật vì một mục đích nào đó.

Trên đây là hai hành vi Sai pháp luật phổ biến nhất trong lĩnh vực tranh chấp về đất  đai hiện nay. Điều này làm cản trở việc giải quyết vụ án. Từ thực tiễn trên cho thấy, Bộ luật TTDS cần quy định rõ hơn về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của các tổ chức cá nhân cũng như nghĩa vụ tiến hành thu thập chứng cứ của Toà án trong trường hợp cụ thế. Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cần tiến hành phổ biến, giải thích các quy định trên để các cơ quan liên quan có cách hiểu thống nhất, chính xác về các quy định này mới có thể áp dụng đúng đắn. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb.CAND, Hà Nội, 2009;
2. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004;
3. Luật Nhà ở năm 2005;
4. Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/09/2006 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về phát triển nhà ở, quản lý việc sử dụng nhà ở, sở hữu nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;
5. Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 1.9.2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC;
6. Phạm Thái Quy, Thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự còn gian nan, http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/103984/Default.aspx

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment