09/05/2014
Nhượng quyền thương mại - Bài tập học kỳ Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại
Nhượng quyền thương mại tuy đã ra đời và phát triển mạnh ở các nước phát triển trong vòng hơn 160 năm qua nhưng phương thức kinh doanh này mới bắt đầu hình thành ở Việt nam trong vòng gần 20 năm trở lại đây. Giống như nhiều nước khác, nhượng quyền được du nhập vào Việt nam bởi các nhà nhượng quyền nước ngoài. Vào những năm 1990, các hệ thống  của hang thức ăn nhanh như Jollibee (Phillipines), Lotteria (Hàn Quốc), và KFC(Mỹ) là những nhà nhượng quyền đầu tiên tới Việt Nam. Theo đánh giá chung của Hội đồng nhượng quyền quốc tế, Nhượng quyền thương mại được coi là hình thức đầu tư và kinh doanh với nhiều lợi thế như tiết kiệm chi phí nhập cuộc cho những bê nhận quyền, dễ dàng nhân rộng và mở rộng hệ thống phân phối cho bên nhận quyền. 

NỘI DUNG CHÍNH

1. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI, HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

1.1 Khái niệm và đặc điểm của Nhượng quyền thương mại

Luật thương mại 2005 quy định về Nhượng quyền thương mại tại Điều 284, theo đó Nhượng quyền thương mại sẽ có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại do thương nhân thực hiện. Tham gia vào hoạt động nhượng quyền thương mại gồm có bên nhượng quyền thương mại và bên nhận quyền thương mại. Hai bên này đều phải là các thương nhân và có tư cách pháp lý hoàn toàn độc lập với nhau. Sau khi nhận quyền thương mại, bên nhận quyền thương mại được tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên cơ sở sự cho phep của bên nhượng quyền thương mại để khai thác lợi ích cho chính mình

Thứ hai, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại có sự chuyển giao “quyền thương mại” gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ, đó là “cách thức tổ chức kinh doanh,…nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo” của bên nhượng quyền cho bên nhận quyền

Thứ ba, bên nhượng quyền thương mại và bên nhận quyền thương mại luôn tồn tại “quyền kiểm soát và trợ giúp” rất gắn bó và mật thiết. Đây được coi là một đặc điểm nổi bật của nhượng quyền thương mại so với các hoạt động thương mại khác.


1.2 Khái niệm và đặc điểm của Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ nhượng quyền thương mại là hợp đồng nhượng quyền thương mại. Dựa vào định nghĩa về Hợp đồng nhượng quyền thương mại theo điều 284 Luật thương mại. Theo đó hợp đồng nhượng quyền thương mại có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, về chủ thể: Tham gia vào quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại gồm có bên nhượng quyền thương mại và bên nhận quyền thương mại, các bên phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31-3-2006 của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại

Thứ hai, về đối tượng của hợp đồng: Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại lợi ích mà các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại hướng tới, đó chính là quyền năng thương mại theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định trên

Thứ ba, về hình thức của hợp đồng: Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Thứ tư, về nội dung: Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại là toàn bộ những điều khoản mà các bên đã thỏa thuận với nhau, thể hiện quyền và nghĩa vụ của ác bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại, không trái với pháp luật và đạo đức xã hội.

2. THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM

2.1 Ưu điểm:

- Pháp luật quy định rõ ràng về điều kiện trở thành chủ thể hợp đồng nhượng quyền thương mai, từ đó góp phần hạn chế rủi ro trong hợt động kinh doanh của các bên
- Hình thức hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định là văn bản, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của hợp đồng nhượng quyền thương mại, tạo căn cứ vững chắc cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình
- Quy định về nội dung hợp đồng, quyền và nghãi vụ của các bên trong hợp đồng đã tương đồng với pháp luật các nước
- Quy định những trường hợp được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và sự ràng buộc giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền sau khi chấn dứt hợp đồng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên

2.2 Hạn chế

- Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại chỉ mang tính chất khung, chưa cụ thể, chưa lường trước và giải quyết được mối quan hệ giữa nhượng quyền thương mại và cạnh tranh

- Các quy định về quyền và nghãi vụ của các bên sẽ không phù hợp khi áp dụng cho “hợp đồng nhượng quyền phát triển khu vực” và “hợp đồng nhượng quyền thương mại hai cấp”

- Các quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn chưa bao quát được hết các trường hợp có thể xảy ra

3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG    NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

3.1 Hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

- Thứ nhất, Luật Thương mại 2005 chưa chỉ rõ được chi tiết nội hàm cũng như ngoại diên của một số khái niệm pháp lý liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại, nhất là quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Nếu như pháp luật không có những quy định chi tiết, cụ thể miểu tả những nghĩa vụ cụ thể, định rõ rang giới của những quyền và nhĩa vụ ấy thì các bên trong quan hệ chắc chắn sẽ phải đối mặt với những tranh cấp thương mại và rủi ro trong kinh doanh.

- Thứ hai, trong quan hệ thương mại, với tính chất rủi ro cao đồng nghĩa với lợi nhuận cao, các bên phải tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, quy định của pháp luật chỉ nên có tính chất khug và hạn chế rủi ro cho các bên ở mức độ chung nhất mà thôi. Thông thường, việc trao quyền sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất của bên nhận quyền. Tuy nhiên, việc kết luận như thế nào là một bên nhận quyền có đủ khả năng phải xuất phát từ việc đánh giá của bên nhượng quyền. Bên nhận quyền không thể phải chịu trách nhiệm nếu sau khi kí hợp đồng nhượng quyền, bên nhượng quyền  cho rằng bên nhận quyền không có sự chuẩn bị như thỏa thuận. Vì vậy quy định về nghĩa vụ của bên nhận quyền tại Khoản 2 Điều 286 Luật Thương mại 2005 thực sự không có ý nghĩa

- Thứ ba, Luật Thương mại 2005 của Việt Nam quy địh rõ nghĩa vụ của bên nhận quyền là không dược nhượng lại quyền cho bên thứ ba khi không có sự đồng ý của bên nhượng quyền (Khoản 7 Điều 289). Nghĩa vụ này thực sự là một công cụ rất hiệu quả nhằm bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của bên nhượng quyền không bị xâm hại. Tuy nhiên tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, khoản 2 Điều 15 lại cho phép bên nhận quyền được quyền nhượng lại quyền thương mại ngay cả khi không có sự đồng ý của bên nhượng quyền. Như vậy, việc trao cho một bên không phải gánh chịu rủi ro những quyền mà khi thực hiện quyền đó có thể gây rủi ro rất lớn cho bên kia hoàn toàn không phải là cách xử lý hiệu quả và có ý nghĩa của pháp luật.

3.2 Hoàn thiện các quy định về thời hạn và chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại

Một là, pháp luật cần quy định rõ thời gạn tối thiểu của một hợp đồng nhượng quyền thương mại, Giống như pháp luật điều chỉnh nhượng quyền thương mại của một số nước như Mỹ hoặc Trung Quốc, pháp luật thương mại Việt Nam cần quan tâm đến việc quy định về thời hạn tối thiểu của một hợp đồng nhượng quyền thương mại. Ý nghĩa của thời hạn tối thiểu này không gì khác hơn là pháp luật giúp các bên có thể ràng buộc được vào quan hệ hợp đồng nhượng quyền trong một thời gian vừa đủ để mỗi bên khai thác được ở mức tối thiểu giá trị của quyền thương mại – đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại, cái mà bên nhượng quyền phải bỏ nhiều công sức để xây dựng và bên nhận quyền phải chi trả một khoản tài chính không nhỏ để sử dụng. Thời hạn tham khảo đối với Việt Nam có thể là từ hai đến ba năm hoặc có thể điều chỉnh dài hơn tùy vào điều kiện thự tế của hoạt động nhượng quyền thương mại tại đây.

Hai là, pháp luật thương mại Việt Nam cần bổ sung một số trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại và quy định rõ hơn về sự ràng buộc giữa các bên sau khi hợp đồng chấm dứt. Rõ ràng, trong số các quy ddingj về trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại, pháp luật chưa đề cập đến trường hợp bên nhượng quyền là cá nhân chết mà không có người thừa kế quyền và nghãi vụ, là tổ chức bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật. Đối với các loại hợp đồng thương  mại khác như hợp đồng phân phối, hợp đồng đại lý, việc một bên không còn tồ tại sẽ dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt này hầu như không có gì đáng nói. Tuy nhiên, với hợp đồng nhượng quyền thương mại, nếu vì một lý do nhất định, bên nhượng quyền không còn tồn tại, trong khi ó việc kinh doanh bằng các dấu hiệu nhận biết thương nhân của bên nhận quyền vẫn tốt đẹp thì công việc kinh doanh của bên này có bắt buộc phải ngừng lại hay không. Pháp luật cần đưa ra câu trả lời bằng việc quy định rõ về việc giải quyết hậu quả pháp lý trong tình huống đặc biệt này.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hợp đồng nhượng quyền thương mại là yêu cầu khách quan. Quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vấn đề trên phải dựa trên những quan điểm nhất định, bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, khả thi, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ ở Việt Nam, phù hợp với các tiêu chí tự do hóa thương mại và hội nhập khu vực cũng như toàn cầu.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS. Nguyễn Thị Dung, Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư – Những vấn đề pháp lý cơ bản
2. Trường Đại học Luật Hà Nội,Vũ Đặng Hải Yến, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật điều chỉnh nhượng quyền thương mại trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận văn tiến sĩ Luật học, Hà Nội 2008
3. Trường Đại học Luật Hà Nội,Nguyễn Thu Phương, Pháp luật về nhượng quyền thương mại ở Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội 2012
4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Trần Thu Hòa, Những vấn đề pháp lý về nhượng quyền thương mại, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội 2008

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment