13/05/2014
Nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật - Bài tập học kỳ Lý luận NNPL - Bài 2
A/MỞ ĐẦU

Như mọi người đã biết, pháp luật ngày nay đã trở thành một công cụ thiết yếu và không thể thiếu của mọi Nhà nước để quản lý, duy trì trật tự, an toàn xã hội. Chính vì thế việc xây dựng hệ thống pháp luật đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Đặc biệt là đối với các nước Xã hội chủ nghĩa như Việt Nam hiện nay, việc xây dựng pháp luật không những phải chặt chẽ mà còn phải đảm bảo được nguyên tắc cơ bản là dân chủ. Tuy nhiên nguyên tắc dân chủ là gì, vì sao nguyên tắc đó lại quan trọng như vậy với những nước Xã hội Chủ nghĩa như Việt Nam v.v… thì không phải là điều mà ai cũng biết. Chính vì vậy bài viết sau đây, tôi xin trình bày những quan điểm, hiểu biết của tôi về “nguyên tắc dân chủ trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay”.

B/NỘI DUNG

I. Các khái niệm cơ bản

Để lần lượt làm rõ được những vấn đề đã đặt ra, ta phải biết và hiểu được một loạt những khái niệm cơ bản sau.

Đầu tiên là khái niệm về xây dựng pháp luật. Hoạt động xây dựng pháp luật hiểu theo nghĩa hẹp có nghĩa là chỉ bao gồm hoạt động ban hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền, tuy nhiên theo nghĩa rộng thì nó là tất cả những hoạt động có liên quan đến việc ban hành pháp luật. Đây là một quá trình hoạt động vô cùng quan trọng, phức tạp do những tổ chức, cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng thực hiện với mục đích đưa ý chí Nhà nước của nhân dân Việt Nam lên thành pháp luật dựa trên các nguyên tắc nhất định.

Những nguyên tắc cần tuân theo ở đây chính là những tư tưởng chỉ đạo phản ánh khái quát những sự việc khách quan liên quan tới quá trình “nâng” ý chí Nhà nước lên thành pháp luật như tôi đã nói ở trên. Các nguyên tắc đó bao gồm: nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên tắc khách quan, nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc khoa học, v.v…

Xét về nguyên tắc dân chủ, trước hết ta cần phải hiểu thế nào là dân chủ trong hoạt động  xây dựng pháp luật. Dân chủ có nghĩa là quyền làm chủ thuộc về nhân dân. Chính vì vậy, dân chủ trong lập pháp có nghĩa là nhân dân có quyền cùng Nhà nước tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, cùng giữ những vai trò nhất định trong quá trình viết ra và hoàn thiện các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật được ban bố.

Và sau đây ta sẽ đi sâu tìm hiểu hơn nữa về nội dung, tầm quan trọng của nguyên tắc này trong quá trình xây dựng pháp luật của nước ta.

II. Nội dung, tầm quan trọng của nguyên tắc dân chủ trong xây dựng pháp luật nước ta

Nội dung của nguyên tắc dân chủ đó là nó đòi hỏi, đảm bảo sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước, bao gồm cả các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động pháp luật thực tiễn v.v..vào quá trình xd, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Mục đích của việc làm này đó là nhằm làm cho pháp luật thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các thành viên trong xã hội, đưa pháp luật trở thành tài sản tinh thần chung của nhân dân.

Ta phải khẳng định rằng đây là một nguyên tắc quan trọng trong lập pháp ở các nước Xã hội Chủ nghĩa nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nói vậy bởi lẽ:

Thứ nhất, nguyên tắc dân chủ của xây dựng pháp luật bắt nguồn từ đời sống thực tiễn của mọi người dân. Như mọi người đã biết, pháp luật sinh ra không những phải thể hiện được ý chí của nhân dân, của Nhà nước mà còn phải trở thành một công cụ điều tiết hợp lý mọi mặt, mọi mối quan hệ của đời sống xã hội. Nó vừa quy định nghĩa vụ pháp lý, vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi công dân. Bên cạnh đó nó còn gián tiếp tác động vào đời sống của  nhân dân thông qua việc bản than nó quy định về các vấn đề trọng đại của đất nước như chính trị, hình thức chính thể v.v.. Như vậy, pháp luật vừa tác động trực tiếp, vừa tác động gián tiếp tới đời sống của nhân dân. Do đó việc dân chủ trong xây dựng pháp luật chính là nhu cầu tất yếu của mọi người dân để có thể tự bảo vệ chính mình.

Bên cạnh đó, nguyên tắc này còn xuất phát từ bản chất xã hội và giai cấp của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa. Hẳn mọi người đều biết, thuộc tính cơ bản của Xã hội Chủ nghĩa đó chính là dân chủ. Chính vì vậy, điều 53 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã ghi nhận: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Và việc xây dựng pháp luật chính là một trong những vấn đề chung, quan trọng mà điều luật trên đã đề cập tới. Như vậy, việc tham gia của nhân dân vào xây dựng pháp luật không chỉ là nhu cầu của người dân mà đó còn là quyền và lợi ích hợp pháp được Nhà nước bảo vệ và ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật đã ban bố.

Thứ ba, nguyên tắc này xuất phát từ tính hợp lý của pháp luật. Xây dựng pháp luật cũng có nét tựa tựa như vẽ một bức tranh. Một bức tranh muốn đẹp thì người họa sỹ phải vẽ sao cho chân thực, các nét vẽ, màu sắc phải hài hòa. Đây là một công việc không hề dễ. Dù là một người họa sỹ lâu năm, có nhiều khinh nghiệm vẽ tranh song không phải cứ đặt kệ xuống mà vẽ là sẽ tạo ra được một bức tranh có hồn. Người nghệ sỹ muốn làm được điều đó thì phải đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống thực tế, cảm nhận được những nét tinh tế nhất qua từng giác quan, thấy được nét kỳ diệu mà mình định vẽ thì mới lưu lại được hồn của mỗi bức tranh. Pháp luật cũng vậy, nó ra đời từ chính nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội. Nó không thể chỉ là sản phẩm của những người ngồi bàn giấy, những nhà lập pháp xa rời dân chúng. Nếu như vậy thì thật sự có lẽ pháp luật cũng chẳng hơn gì những tờ giấy không hồn vứt đi, không thể đi sâu vào trong đời sống. Một trong những tiêu biểu của hiện tượng này đó chính là bản Hiến pháp năm 1980 mà ta đã biết. Từ những điều trên, ta có thể thấy pháp luật nếu không có sự tham gia của nhân dân, không gắn với thực tế thì sẽ chỉ là pháp luật chủ quan duy ý chí của giai cấp cầm quyền, lãnh đạo áp đặt vào thực tại khách quan của xã hội mà thôi. Điều này thực sự sẽ đưa lại những hậu quả vô cùng nặng nề mà chủ thể phải gánh chịu không phải chỉ đơn thuần là một cá nhân cụ thể nào đó, hậu quả đó sẽ giáng thẳng xuống cả đấtnước, dân tộc ta.

Cuối cùng, nguyên tắc dân chủ của lập pháp nước ta còn quan trọng bởi lẽ ngoài việc cho phép phát huy được trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội vào công cuộc xây dựng pháp luật, nó còn góp phần nâng cao hơn nữa ý thức pháp luật của nhân dân. Khi chủ động tham gia vào việc xây dựng pháp luật, nhân dân sẽ có thể hiểu hơn về những khó khăn của Nhà nước trong quản lý xã hội. Đồng thời nhân dân còn biết và hiểu về những nghĩa vụ mà mình phải làm, biết vì sao nghĩa vụ đó lại tồn tại và cách thức để thực hiện được nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, người dân còn có thể ý thức hơn về những quyền, lợi ích hợp pháp được Nhà nước bảo vệ  mà mình được hưởng và biết được quyền lợi của mình gắn liền với nghĩa vụ như thế nào? Khi đã hiểu biết được thì người dân mới có thể tự giác chấp hành, tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Hơn nữa, như đã nói ở trên, pháp luật do nhân dân xây dựng ra nên sẽ sát với cuộc sống thật, phù hợp với khả năng thực hiện, nguyện vọng của nhân dân.

Chính bởi những nguyên nhân trên, tôi xin khẳng định lại một lần nữa nguyên tắc dân chủ là một nguyên tắc quan trọng không thể thiếu. Quá trình lập pháp phải được tổ chức và vận hành sao cho sự tham gia của nhân dân - những người chủ đích thực của pháp luật - là nhiều nhất và hiệu quả nhất. Hơn nữa, theo như tôi biết thì việc nhân dân tham gia vào xây dựng pháp luật không còn chỉ mang tính chất đơn lẻ ở một quốc gia nữa mà nó đã trở thành một xu thế, một nhu cầu, đòi hỏi tất yếu của thời đại ngày nay.

III. Thực trạng của nguyên tắc dân chủ trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam hiện nay,theo như tôi tìm hiểu thì nhân dân có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động xây dựng pháp luật qua các hình thức như: trưng cầu dân ý, tham gia góp ý kiến và trả lời khi được hỏi để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ luật, đạo luật v.v.. và hình thức cao nhất là phúc quyết Hiến pháp. Sau đây tôi xin đi vào phân tích để làm rõ các hình thức cụ thể.

1. Hoạt động góp ý của  nhân dân cho các dự án pháp luật

Đây là một hoạt động đã được Nhà nước ta tổ chức ra từ lâu và được quy định cụ thể tại điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 như sau:

“1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

3. Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo.”

Hoạt động này chính là một hoạt động nằm trong chuỗi lập pháp của Nhà nước, các nhà làm luật và các cơ quan có thẩm quyền tổ chức ra để nhằm mục đích tạo điều kiện cho nhân dân cùng tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho các dự thảo để xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua việc làm này, Nhà nước và các nhà làm luật cũng muốn thu thập và nghe ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân về những điều luật mà mình đã thảo ra để xem nó có phù hợp với thực tại hay không. Đây là một hình thức thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tuy nhiên tính chất của hoạt động này lại chỉ mang tính chất tham khảo để nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc mà thôi.

Về đối tượng tham gia góp ý ở đây là nhân dân, tuy nhiên đó phải là người mang tính chất tiêu biểu, đại diện cho đông đảo những người là đối tượng chịu sự tác động của các quy định trong dự thảo văn bản. Trước hết, đó là những người chịu sự tác động trực tiếp ví dụ như các doanh nhân với vấn đề về thành lập, hoạt động, giấy phép kinh doanh; vấn đề về thương hiệu độc quyền và sở hữu trí tuệ v.v.. Sau đó là những đối tượng chịu sự tác động gián tiếp của các quy định trong dự thảo đó, lấy điển hình như là người tiêu dung đối với các loại thuế đánh vào sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn phải lấy ý kiến từ những đối tượng không chịu sự tác động của các quy định trên nhưng ý kiến của họ có giá trị trong việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật. Đó là các chuyên gia, các nhà khoa học, những người co chuyên môn ,trình độ lý luận cùng với kinh nghiệm trong hoạt động pháp luật thực tiễn về vấn đề đó.

Hiện nay nhân dân có thể dễ dàng tham gia đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc xây dựng pháp luật. 

Nếu là đóng góp gián tiếp thì nhân dân có thể thông qua các tổ chức xã hội mà mình là thành viên, thông qua các đại biểu trong các cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng nhân dân để nói lên tiếng nói của mình. Các đại biểu có trách nhiệm sẽ thường xuyên liên hệ với cử tri để nắm bắt ý dân và tại cơ quan quyền lực nhà nước, khi các dự án được đem ra thảo luận, xem xét sẽ phát biểu ý kiến. Đó không chỉ là ý kiến cá nhân, nhân danh chính mình mà đó còn là ý kiến chung, phản ánh ý kiến cử tri.

Bên cạnh đó người dân có thể đóng góp trực tiếp ý kiến của mình và tham gia thảo luận các dự thảo qua các trang website mà Nhà nước ta tổ chức ra để thu thập ý kiến nhân dân như trang duthaoonline.quochoi.Việt Nam của Quốc hội hoặc http://www.chinhphu.vn của Chính phủ và các mục lấy ý kiến nhân dân về các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ. Ngoài ra, người dân có thể tham gia các diễn dàn để thảo luận về các vấn đề pháp lý, các nội dung chính sách và tìm hiểu những thông tin cơ bản về quy trình lập pháp của nước ta. Ở đây, những người quan tâm có thể dễ dàng truy cập, tải toàn văn, và xem các bản dự thảo mới nhất, đồng thời xem được các luồng ý kiến xung quanh đó. Các ý kiến đóng góp sẽ được Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học tập hợp, tổng hợp và báo cáo lại để nghiên cứu trong xây dựng và chỉnh lý dự thảo văn bản. Có thể nói đây là một bước tiến mới, một hình thức mới thuận lợi mà công nghệ thông tin đem lại cho chúng ta.

Việc lấy ý kiến nhân dân đã diễn ra từ rất lâu trong quá trình lập pháp. Đặc biệt sau đây tôi xin lấy ví dụ điển hình về Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước ta. Ví dụ như dự thảo Hiến pháp năm 1959 dành tới khoảng 4 tháng để nhân dân thảo luận, góp ý kiến; Hiến pháp năm 1980 dành 4 tháng (trong đó 1,5 tháng lấy ý kiến trong nội bộ các cơ quan, tổ chức còn thời gian công bố rộng rãi lấy ý kiến nhân dân chỉ còn là 2,5 tháng), và Hiến pháp năm 1992 thì thời gian này là khoảng 2 tháng để hỏi ý kiến dân. Bên cạnh đó theo tôi đánh giá thì hiện nay, Nhà nước đã làm khá tốt vai trò của mình khi đưa ra thảo luận những vấn đề rất “nhạy cảm” nhưng cũng rất thực tế gắn với cuộc sống của chính người dân  như vấn đề kết hôn đồng giới và mang thai hộ của luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi hiện nay.

Tuy nhiên bên cạnh những việc đã làm được thì Nhà nước ta cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong hình thức này. Đó là bên cạnh dân chủ, Nhà nước ta còn đặt quá cao sự lãnh đạo của Đảng, đặt lợi ích Nhà nước lên trên cả nhân dân, dù là sửa đổi luật song vẫn có những vùng “cấm” nhất định để bảo vệ lợi ích của giai cấp lãnh đạo dù họ chỉ là thành phần thiểu số trong xã hội, đó chính là về các vấn đề lien quan tới công hữu đất đai, chế độ kinh tế v.v... Bên cạnh đó, đôi khi dân chủ trong lập pháp nước ta còn là dân chủ hình thức. Cùng với đó nhân dân ta hiện giờ vẫn còn chưa nhận thức được việc tham gia xây dựng pháp luật là thiết yếu, trình độ pháp lý, hiểu biết cũng chưa cao. Việc tham gia đó mang tính chất còn rất thụ động. Hơn nữa trong quá trình xây dựng pháp luật, bên cạnh ý kiến của nhân dân, một số cá nhân nước ngoài, phản động… còn lợi dụng để chĩa mũi nhọn vào hệ thống pháp luật nước ta và đưa ra luồng ý kiến xuyên tạc khiến nhân dân hiểu lầm v.v…

2. Trưng cầu dân ý trong xây dựng pháp luật

Trưng cầu dân ý chính là khả năng Nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia và một trong những vấn đề trọng đại đó chính là vấn dề mà chúng ta đang đề cập tới ở đây – vấn đề xây dựng pháp luật. Đây là hình thức dân chủ trực tiếp và ý kiến của nhân dân không chỉ có ý nghĩa tham khảo nữa mà nó còn mang ý nghĩa quyết định. Và trong nội dung bài luận này tôi xin nhắc tới việc trưng cầu dân ý với vai trò là một hình thức để phát huy nguyên tắc dân chủ trong lập pháp.

Xét về lịch sử lập hiến, chế định về trưng cầu ý dân đã được ghi nhận trong tất cả các Hiến pháp của chúng ta. Hiến pháp 1946 quy định về quyền phúc quyết của nhân dân tại Điều thứ 32, đồng thời Điều thứ 70 về sửa đổi Hiến pháp cũng quy định rõ: “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”. Hiến pháp 1959 quy định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân tại Điều 53. Hiến pháp 1980 quy định Hội đồng Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân tại Điều 100. Hiến pháp 1992, tại Điều 53 tiếp tục quy định về quyền biểu quyết của công dân khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Đồng thời giao cho Quốc hội có thẩm quyền quyết định việc tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 84), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội (Điều 91).

Tuy nhiên xét về thực tiễn lịch sử thì từ khi lập nước cho đến nay, Nhà nước ta vẫn chưa từng tổ chức trưng cầu ý dân. Hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng này vẫn còn xa lạ với đời sống chính trị-pháp lý của nước ta hiện nay, nó chỉ mang tính chất sách vở, lý thuyết mà thôi. Hiến pháp năm 1946 còn quy định khi sửa đổi Hiến pháp phải tổ chức trưng cầu dân ý, tuy nhiên các bản Hiến pháp về sau lại không nói rõ  khi nào phải trưng cầu dân ý, trưng cầu về vấn đề gì, như thế nào. Những vấn đề được quy định còn rất chung chung, chưa được cụ thể hóa. Đồng thời, như ta thấy, hiện nay trưng cầu dân ý chỉ được tổ chức khi Nhà nước đứng ra yêu cầu nhân dân, mà theo như Nhà nước ta thì Nhà nước lại chỉ tổ chức trưng cầu dân ý trong những điều kiện chính trị xã hội nhất định mà thôi. Chính vì thế, xung quanh vấn đề này còn tồn tại rất nhiều bất cập cần phải được xem xét.

Và cũng có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra xung quanh vấn đề này như  do trình độ pháp lý của cả nhân dân và nhà chuyên môn còn yếu, thiếu điều kiện về cơ sở hạ tầng và còn phải “chờ” những quy định rõ ràng hơn từ Hiến pháp...nên việc trưng cầu dân ý vẫn phải bỏ ngỏ. Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước ta đang tổ chức để xây dựng Bộ luật về trưng cầu dân ý với những quy định chặt chẽ, rõ rang hơn. Tôi mong rằng Bộ luật này sẽ sớm được hoàn thiện để có thể đưa được hình thức dân chủ trực tiếp vô cùng quan trọng này vào đời sống chính trị-pháp lý nước ta để nhân dân có thể phát huy hơn nữa vai trò của mình vào các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng pháp luật.

3. Phúc quyết Hiến pháp

Quyền phúc quyết Hiến pháp của người dân là quyền thể hiện quyền làm chủ cao nhất và trực tiếp nhất của nhân dân. Như mọi người đều biết, Hiến pháp là đạo luật cơ bản và có ý nghĩa pháp lý cao nhất. Mọi văn bản quy phạm pháp luật khác đều phải đặt dưới và không được trái với Hiến pháp. Chính vì vậy quyền phúc quyết Hiến pháp sẽ mang lại cho nhân dân cơ hội to lớn để thể hiện quyền làm chủ của mình trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, đảm bảo cho nguyên tắc dân chủ được thực hiện một cách triệt để. Quyền này đã được Nhà nước ta quy định tại Hiến pháp năm 1946 như sau: “Nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo điều thứ 32 và 70”. Tuy nhiên những bản Hiến pháp sau này đã không quy định cho nhân dân quyền này nữa, Quốc hội trở thành cơ quan duy nhất có quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.

Tuy nhiên, theo như tôi nhận định, dù xét trên phương diện nào đi chăng nữa thì đây cũng là một quyền cơ bản của công dân không thể phủ nhận được để đảm bảo cho nguyên tắc dân chủ trong lập pháp được thực hiện. Như trong đợt sửa đổi Hiến pháp 1992 vừa qua và đến tận bây giờ,  khi mà Quốc hội đã thông qua Dự thảo Hiến pháp, vẫn có rất nhiều Đại biểu Quốc hội và những nhà chuyên môn đề nghị khôi phục lại quyền này cho nhân dân. Điển hình như theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân tộc Lù Văn Que, qua tiếp xúc và ghi nhận ý kiến của đông đảo quần chúng, ông Que cho biết các tầng lớp nhân dân muốn Hiến pháp phải được họ phúc quyết thì mới có hiệu lực. “Hiến pháp là của dân, do dân và vì dân, vì thế, những người có trình độ và trách nhiệm muốn viết gì trong Hiến pháp thì viết nhưng cuối cùng người dân phải được tham gia, phải được phúc quyết thì hiến pháp mới thông qua được”. Ngoài ra ông còn cho rằng: “Nếu Đảng đưa Hiến pháp cho dân phúc quyết sẽ tăng cường niềm tin giữa hai phía và nếu làm thế thì kẻ xấu cũng không thể phá được”. Chính vì thế, mong vào một tương lai không xa, Quốc hội sẽ khôi lại quyền này cho nhân dân.

IV. Đánh giá về nguyên tắc dân chủ trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam

Sau tất cả những gì đã phân tích ở trên, ta hoàn toàn có thể thấy nguyên tắc dân chủ ở nước ta đã phần nào được thực hiện. Nhà nước đã tạo điều kiện cho nhân dân có thể tham gia góp ý vào việc xây dựng pháp luật. Đồng thời với đó hệ thống pháp luật nước ta đang dần dần được Đảng và Nhà nước ta từng bước được hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của nhân và giúp nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình.

Tuy nhiên, với những hạn chế còn tồn tại nhiều và tồn tại ở mọi hình thức tôi nêu trên thì tôi thiết nghĩ Nhà nước ta cần phải quan tâm hơn nữa tới vấn đề này, dần hoàn thiện các quy trình lập pháp để nhân dân có thể phát huy tối đa vai trò của mình. Đồng thời với đó, về lâu dài Nhà nước ta cần đầu tư để nâng cao trình độ nhận thức pháp lý của cả nhân dân và các nhà làm luật.

So sánh với các nước khác trên thế giới, ta thấy rằng vấn đề dân chủ trong lập pháp của các nước khác trên thế giới cũng còn rất nhiều bất cập. Và lý do lớn nhất dẫn đến điều này đó chính là do giai cấp cầm quyền, lãnh đạo đã đặt quá cao lợi ích của mình. Tôi so sánh như vậy để mọi người có thể có cái nhìn bao quát hơn về lý do chính  chứ tôi không hề muốn bào chữa cho những thiếu sót của nước ta hiện nay. Mong rằng xu hướng chung của thời đại sẽ làm thay đổi tất cả, sẽ đưa lại cho nhân dân cơ hội để có thể tham gia tốt hơn nữa vào quá trình xây dựng pháp luật.

C/KẾT LUẬN

Năm 2013 vừa qua là năm mà Nhà nước ta tiến hành sử đổi Hiến pháp – đạo luật cơ bản của nước ta. Đến tận bây giờ vấn đề về xây dựng pháp luật và bản Dự thảo Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua và công bố vẫn là chủ đề nóng bàn luận của mọi người. Tìm trên các báo, mạng, blog hiện nay, vẫn còn rất nhiều những luồng ý kiến xung quanh vấn đề này, đặc biệt là về nguyên tắc dân chủ, vấn đề trưng cầu dân ý, phúc quyết Hiến pháp…Thiết nghĩ, ngoài những gì đã làm được, Nhà nước ta cần phải quan tâm hơn nữa tới vấn đề này để có thể làm yên lòng và tạo dựng được niềm tin nơi dân chúng.

Cảm ơn bạn Vũ Thanh Huyền đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment