13/05/2014
Các yếu tố ảnh hưởng đến nội dung của pháp luật Việt Nam - Bài học kỳ Lý luận NNPL - 8 điểm
LỜI MỞ ĐẦU

Đặc trưng cho mỗi nhà nước chính là pháp luật, pháp luật là thước đo của hành vi được thực hiện bằng con đường nhà nước và mang tính quyền lực nhà nước. Ở Việt Nam, khi tiến hành cách mạng nhân dân ta đã xóa bỏ pháp luật thực dân, phong kiến, cùng với việc xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã từng bước xây dựng hệ thống pháp luật mới phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước. Pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn phát triển và hoàn thiện cùng với sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt cả về lượng và chất, từng bước đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xét thấy vị trí và vai trò vô cùng quan trọng của pháp luật đối với nhà nước, em xin được chọn đề bài “Các yếu tố ảnh hưởng đến nội dung của pháp luật Việt Nam hiện nay” để phân tích, nghiên cứu, đồng thời cũng làm kết quả đánh giá cho quá trình học tập vừa qua.

NỘI DUNG

Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể. Nội dung của pháp luật chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có thể thấy sự ảnh hưởng rõ rệt nhất từ các yếu tố:

1. Đường lối chính sách của Đảng:

Đường lối chính sách của Đảng định ra mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong một giai đoạn nhất định, định ra những phương pháp cách thức cơ bản để có thể thực hiện những mục tiêu và phương hướng đó. Những mục tiêu, phương hướng, phương pháp và cách thức đó sẽ được nhà nước thể chế hóa thành pháp luật và tổ chức thực hiện trong thực tế. Vì thế đường lối chính sách của Đảng là một trong những yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất đến nội dung của pháp luật. Nội dung các quy định trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, từ hiến pháp, luật cho đến các văn bản dưới luật đều phải phù hợp, không được trái với đường lối, chính sách của Đảng.

Ví dụ:  

Trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và nhà nước ta ngày càng chú trọng đến nâng cao vai trò của công dân trên mọi lĩnh vực phát triển đất nước. Chính vì thế, Điều 53 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

Ở nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước thông qua các nghị quyết, các quyết sách chiến lược của Đảng. Pháp luật được thể chế hóa từ những nghị quyết của Đảng để lãnh đạo đất nước trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội…Những năm qua, nhìn chung có thể thấy hệ thống pháp luật phản ánh khá trung thành và toàn diện đường lối chính sách của Đảng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại một số quyết định của pháp luật không hoàn toàn phù hợp với quan điểm, đường lối chính sách của Đảng qua các nghị quyết chỉ thị gây ra một số hạn chế nhất định.

2. Nhu cầu quản lý kinh tế xã hội của đất nước:

Để thực hiện một cách hiệu quả hoạt động quản lý xã hội, môt điều tất yếu là Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật phù hợp với nhu cầu quản lý kinh tế xã hội của đất nước. Những vấn đề cần phải chú trọng trong quá trình xây dựng pháp luật đó là vấn đề xây dựng đồng bộ các loại thị trường trong xã hội hiện nay nhằm mục đích cuối cùng là đưa ra các loại quy phạm pháp luật phù hợp với nhu cầu, sự phát triển cũng như các quy luật khách quan của xã hội đặc biệt là các quy luật phát triển kinh tế - xã hội.

Ví dụ: 

Trước năm 1986, vấn đề chứng khoán chưa được biết đến rộng rãi ở nước ta, vì vậy các quy định về chứng khoán chưa xuất hiện. Hiện nay, với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì đây là một trong những nội dung luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Để đảm bảo nhu cầu về quản lý xã hội trong thời gian gần đây, hệ thống quy định của pháp luật về vấn đề này ngày càng trở nên phong phú và đa dạng, điển hình là sự ra đời của luật chứng khoán năm 2006 và hàng loạt các văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết.

Như chúng ta đã biết, quy định của pháp luật không những phải phù hợp với yêu cầu về chính trị, pháp lí mà còn phải đáp ứng tiêu chuẩn về khoa học. Tiêu chuẩn khoa học không chỉ thể hiện về mặt kĩ thuật pháp lí phù hợp với truyền thống mà còn phải phù hợp với điều kiện cũng như nhu cầu quản lí kinh tế - xã hội của đất nước. pháp luật với kinh tế có mối quan hệ biện chứng với nhau, kinh tế đóng vai trò quyết định đối với pháp luật, kinh tế thay đổi thì pháp luật cũng phải thay đổi theo; còn pháp luật cũng có tác động trở lại đối với kinh tế, pháp luật phù hợp với trình độ của nền kinh tế sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, pháp luật không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, pháp luật muốn phát huy hiệu quả trên thực tế thì cần phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế - xã hội hay nói cách khác pháp luật phải chứa đựng nội dung phù hợp với nhu cầu quản lí kinh tế xã hội cũng như thực tiễn. Sự không phù hợp của pháp luật sẽ làm cho pháp luật không có tính khả thi, khó thực hiện trong thực tế. 

Chính vì lí do trên, nhu cầu quản lí kinh tế - xã hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nội dung của pháp luật, một trong những cơ sở để xây dựng, ban hành pháp luật.

3. Các tư tưởng, học thuyết pháp lý:

Ngoài các yếu tố như chủ trương chính sách mang tính chất định hướng của Đảng và nhu cầu quản lý Kinh tế - xã hội của đất nước thì các tư tưởng học thuyết pháp lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến nội dung của pháp luật. Các tư tưởng học thuyết pháp lý chủ yếu cần nói đến là : tư tưởng nhà nước pháp quyền, tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…

Các tư tưởng, học thuyết này đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo các yêu cầu về nội dung đối với các quy định của pháp luật.

- Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước là tư tưởng lớn chi phối các quy định trong pháp luật của nước ta. Cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã xuất hiện từ khá lâu ở Việt Nam. => qua các giai đoạn phát triển của lịch sử, tư tưởng này đã được thể hiện qua hệ thống pháp luật cụ thể là Hiến pháp 1946.

- Hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được thể hiện xuyên suốt trong hệ thống pháp luật ở nước ta, đặc biệt là tư tưởng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

- Trong mọi lĩnh vực, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam.

4. Phong tục tập quán:

Ở Việt Nam chúng ta – nơi sinh sống của rất nhiều các dân tộc khác nhau thì phong tục tập quán là một bộ phận quan trọng trong vốn văn hóa truyền thống, nó không chỉ ẩn chứa những triết lí sâu xa về triết học, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Tập quán được xem là “thói quen” hay “theo thói quen mà thành ra vững chắc”. Tập quán bao hàm những thói quen về sinh hoạt và sản xuất trong đời sống xã hội. (Ví dụ : tập quán du canh du cư, tập quán trồng lúa nước….) . Tập quán có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Tính bắt buộc của tập quán không cao, thường chỉ là những việc rất đáng làm theo, những ai không làm theo thì chủ yếu bị dư luận phê phán, dị nghị hoặc tẩy chay…

Còn phong tục được xem là “thói quen trên xã hội” hay “ đó là một số tập quán và nếp sống có ý nghĩa ăn sâu vào đời sống”. ( ví dụ : việc thờ cúng tổ tiên, việc cưới hỏi…). Nhưng phong tục khác tập quán ở chỗ phong tục là những khuôn mẫu ứng xử có tính chất bắt buộc đối với thành viên vì chúng được coi là những khuôn mẫu ứng xử cần thiết cho lợi ích công cộng. Phong tục có tính bắt buộc nghiêm ngặt, những người vi phạm có thể phải chịu những hình thức xử phạt rất nghiêm khắc. Như vậy phong tục bắt nguồn từ tập quán nhưng có tính bắt buộc cao hơn, được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của cộng đồng.

Tựu chung lại có thể thấy, phong tục tập quán được hiểu là: “những cách ứng xử hay những thói quen ứng xử hay những quy tắc xử sự chung được hình thành một cách tự phát trong một cộng đồng dân cư nhất định, được đảm bảo thực hiện bằng thói quen, bằng sức thuyết phục của chúng, bằng dư luận xã hội và có thể bằng cả một số biện pháp cưỡng chế phi Nhà nước”. 

Những phong tục tập quán tốt đẹp, phù hợp với đạo đức cũng như ý chí của Nhà nước được Nhà nước thừa nhận sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nội dung của pháp luật. Đặc biệt là đối với Việt Nam chúng ta – một đất nước có nhiều phong tục tập quán truyền thống và văn hóa khác nhau. 

Ví dụ : 

Phong tục ăn Tết Nguyên Đán đã đưa đến sự xuất hiện quy định cho phép người lao động, học sinh, sinh viên… được nghỉ làm việc, nghỉ học để ăn Tết; Giỗ tổ Hùng vương đã đưa đến quyết định công nhận ngày 10/3 Âm lịch là ngày quốc giỗ và cho phép người lao động, công nhân viên chức Nhà nước, học sinh, sinh viên, được nghỉ làm việc, học tập vào ngày này…

Trên đây là những yếu tố ảnh hưởng đến nội dung của pháp luật Việt nam hiện nay, đó là những căn cứ, những cơ sở để chủ thể có thẩm quyền có thể dựa vào đó để ban hành, xây dựng, giải thích, thực hiện cũng như áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các vụ việc pháp lí xảy ra trong thực tế. Những yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp đến các quy định của pháp luật và vì vậy nó có vai trò rất quan trọng.

KẾT LUẬN

Như vậy nội dung của pháp luật Việt Nam chịu ảnh hưởng của rất nhiều những tác động khác nhau. Trong đó đường lối chính sách của đảng, nhu cầu quản lí kinh tế - xã hội của đất nước, các tư tưởng học thuyết pháp lý, phong tục tập quán là những nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất. Chính những nhân tố đó đã làm cho pháp luật Việt Nam ngày càng trở nên tiến bộ và toàn diện hơn. Trên đây là kết quả nghiên cứu và tìm hiểu về đề bài này của em. Do trình độ hiểu biết còn hạn chế nên chưa thể đi sâu phân tích một cách toàn diện triệt để vấn đề và không tránh khỏi những sai xót, em rất mong nhận được những đóng góp quý báu của thầy cô.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật – Trường Đại học Luật Hà Nội 2013 – NXB Công an Nhân dân.
2. Nội dung cơ bản của môn học Lý luận nhà nước và pháp luật – Trường Đại học Luật Hà Nội 2008 – NXB Giao thông vận tải.
3. Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật – PGS,TS Nguyễn Văn Động – NXB Giáo dục.
4. Khóa luận tốt nghiệp đề tài: “ Nguồn của pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, 2011 – Đào Thị Diệu Thương.
5. Nguồn tin trên Internet cùng một số tài liệu khác.   

Cảm ơn bạn Hung Luong đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment