19/05/2014
Đề cương ôn tập Tâm lý học đại cương - Bài 8: NHẬN THỨC LÝ TÍNH
BÀI 8: NHẬN THỨC LÝ TÍNH

Muốn cải tạo thế giới, con người phải đạt tới mức độ nhận thức cao hơn nhận thức cảm tính đó là nhận thức lý tính (bao gồm tư duy và tưởng tượng)

I. TƯ DUY:

1. Khái niệm:
Tư duy là quá trình nhận thức phản ánh một cách gián tiếp, khái quát những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ có tính quy luật của sự vật và hiện tượng mà trước đó ta chưa biết.

2. Đặc điểm của tư duy:
A. Tính có vấn đề của tư duy:

Khi gặp những hoàn cảnh, những tình huống mà vốn hiểu biết cũ, phương pháp hành động đã biết của con người không đủ để giải quyết, lúc đó con người rơi vào “ hoàn cảnh có vấn đề “. Khi đó con người phải tư duy.


B. Tính khái quát của tư duy:

Tư duy có khả năng phản ánh những thuộc tính chung, những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của hàng loạt sự vật, hiện tượng.

C. Tính gián tiếp của tư duy:

Trong tư duy, con người phản ánh thế giới một cách gián tiếp – phản ánh bằng ngôn ngữ.

D. Tư duy có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ:

Ngôn ngữ là phương tiện của tư duy. Nhờ ngôn ngữ mà con người nhận thức được hoàn cảnh có vấn đề, đặt ra được vấn đề cần giải quyết, nhờ ngôn ngữ mà con người tiến hành các thao tác tư duy. Sản phẩm của tư duy là các khái niệm, phán đoán, suy nghĩ được biểu đạt bằng từ ngữ.

E. Tư duy có quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính:

Tư duy và nhận thức cảm tính có quan hệ chặt chẽ bổ sung cho nhau, chi phối lẫn nhau trong hoạt động nhận thức thống nhất. Tư duy thường được bắt đầu từ nhận thức cảm tính, trên cơ sở nhận thức cảm tính mà nảy sinh hoàn cảnh có vấn đề. Trong quá trình diễn biến, tư duy phải sử dụng nguồn tài liệu do nhận thức cảm tính đem lại. Ngược lại, tư duy và những kết quả của nó chi phối khả năng phản ánh của cảm giác và tri giác làm cho khả năng cảm giác của con người tinh vi, nhạy bén hơn, làm cho tri giác của con người mang tính lựa chọn, tính ý nghĩa.

3. Các loại tư duy:
Có nhiều cách phân loại tư duy. Nếu xét về phương diện hình thành và phát triển tư duy thì có thể chia thành ba loại tư duy:

Tư duy trực quan - hành động là tư duy bằng các thao tác cụ thể tay chân, hướng vào việc giải quyết một số tình huống cụ thể, trực quan.
Tư duy trực quan - hình ảnh là loại tư duy mà việc giải quyết vấn đề dựa vào các hình ảnh của sự vật, hiện tượng.
Tư duy trừu tượng (tư duy ngôn ngữ – lôgíc) là loại tư duy phát triển ở mức cao nhất, chỉ có ở con người. Đó là loại tư duy mà việc giải quyết vấn đề dựa trên các khái niệm, các mối quan hệ lôgíc và gắn bó chặt chẽ với ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm phương tiện.
Ba loại tư duy trên có mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung và chi phối Lẫn nhau, trong đó tư duy trực quan – hành động, tư duy trực quan – hình ảnh là hai loại tư duy có trước, làm cơ sở cho tư duy trừu tượng.

4. Các thao tác tư duy:
Quá trình tư duy được diễn ra bằng cách chủ thể tiến hành các thao tác nhất định. Có các thao tác sau:

Phân tích và tổng hợp:
Phân tích là dùng hoạt động trí óc tách đối tượng tư duy thành những thuộc tính, những bộ phận, những mối liên hệ, quan hệ để nhận thức đối tượng sâu sắc hơn.

Tổng hợp là dùng trí óc đưa những thuộc tính, những thành phần đã được phân tích thành một chỉnh thể, giúp ta nhận thức đối tượng bao quát hơn.

Phân tích và tổng hợp quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau.

So sánh:
So sánh là dùng trí óc để xác định sự giống nhau, khác nhau giữa các sự vật hiện tượng ( hoặc giữa các thuộc tính, các quan hệ, các bộ phận của một sự vật, hiện tượng )

Trừu tượng hoá và khái quát hoá:
Trừu tượng hoá là thao tác trí tuệ, trong đó chủ thể dùng trí óc gạt bỏ những thuộc tính, những bộ phận, những quan hệ…không cần thiết về một phương diện nào đó và chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết để tư duy.

Khái quát hoá là thao tác trí tuệ trong đó chủ thể tư duy dùng hoạt động trí óc để bao quát nhiều đối tượng khác nhau thành một nhóm, một loại…trên cơ sở đó chúng có một số thuộc tính chung và bản chất, những mối quan hệ có tính quy luật.

Hai thao tác tư duy này có quan hệ mật thiết với nhau, chi phối và bổ sung cho nhau.

II. TƯỞNG TƯỢNG:

1. Khái niệm chung về tưởng tượng:
Tưởng tượng là quá trình nhận thức phản ánh những cái chưa có trong kinh nghiệm bằng cách xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sở những hình ảnh ( biểu tượng ) đã có.

Về nội dung phản ánh: Tưởng tượng phản ánh những cái mới chưa có trong kinh nghiệm của cá nhân hoặc của xã hội, do chủ thể xây dựng nên trên cơ sở những biểu tượng đã biết.

Về phương thức phản ánh: Tưởng tượng tạo ra những biểu tượng mới trên cơ sở những biểu tượng đã biết.

Sản phẩm của quá trình tưởng tượng là các biểu tượng của tưởng tượng. Đó là hình ảnh mới, khái quát hơn, do con người tạo ra trên cơ sở biểu tượng của trí nhớ.

Như vậy tưởng tượng thuộc bậc thang nhận thức lý tính: nó hướng vào việc giải quyết các tình huống có vấn đề, phản ánh những cái mới, cái chưa biết, mang tính khái quát, tính gián tiếp, có liên hệ mật thiết với nhận thức cảm tính, với ngôn ngữ và lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn chân lý.

2. Phân loại tưởng tượng:
Căn cứ vào mức độ của tưởng tượng có thể chia tưởng tượng thành tưởng tượng không chủ định và tưởng tượng có chủ định.

Tưởng tượng không chủ định: Là loại tưởng tượng không theo một mục đích trước.
Tưởng tượng có chủ định: Là loại tưởng tượng theo một mục đích đặt ra từ trước, có kế hoạch và phương pháp nhất định nhằm tạo ra hình ảnh mới.
Tưởng có chủ định thể hiện ở hai mức độ: Tưởng tượng tái tạo và tưởng tượng sáng tạo.

Tưởng tượng tái tạo là quá trình tạo ra những hình ảnh mới đối với cá nhân người tưởng tượng, dựa trên sự mô tả của người khác hoặc của sách vở, tài liệu…
Tưởng tượng sáng tạo là quá trình xây dựng nên những hình ảnh mới chưa có trong kinh nghiệm cá nhân, cũng như chưa có trong xã hội.
Ước mơ là một loại tưởng tượng đặc biệt của con người, loại tưởng tượng tổng quát hướng về tương lai, biểu hiện những mong muốn, ước ao, gắn liền với nhu cầu của con người.
3. Các cách sáng tạo hình ảnh mới trong tưởng tượng:
Có nhiều cách sáng tạo hình ảnh mới bằng tưởng tượng:

Tách từ một hình tượng trọn vẹn của một đối tượng có thực lấy ra một yếu tố, một thuộc tính nào đó tạo thành một biểu tượng mới.
Thay đổi kích thước, độ lớn, số lượng các thuộc tính, các thành phần của đối tượng… nhằm làm tăng lên hay giảm đi hình dáng của nó so với hiện thực.
Nhấn mạnh một tính chất, hoặc một bộ phận nào đó của đối tượng, hoặc gắn thêm cho tính chất đó những ý nghĩa đặc biệt.
Chắp ghép là cách tạo ra biểu tượng mới bằng cách chắp ghép một số bộ phận của các sự vật khác nhau.
Liên hợp có nhiều mặt giống với chắp ghép, nhưng khi tham gia vào việc tạo ra một hình ảnh mới thì các yếu tố ban đầu bị cải tổ đi.
Điển hình hoá là phương pháp tạo ra những hình ảnh mới trên cơ sở tổng hợp sáng tạo của các thuộc tính điển hình là cái đại diện cho hàng loạt đối tượng.
Loại suy là cách tạo ra những hình ảnh mới trên cơ sở mô phỏng, bắt chước những chi tiết, những bộ phận, những sự vật có thực.
Trên thực tế, trong quá trình tưởng tượng, các cách sáng tạo nói trên kết hợp với nhau, bổ sung cho nhau làm cho phương thức hoạt động tưởng tượng vô cùng phong phú và độc đáo.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment