04/05/2014
Bài tập học kỳ Luật Hiến pháp - Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương - 8 điểm
A.Đặt vấn đề 

Chế định nguyên thủ quốc gia là một chế định quan trọng trong thể chế chính trị. Nhưng mỗi nước nguyên thủ quốc gia có tên gọi, vị trí chức năng khác nhau tùy thuộc vào thể chính trị và cách thức tổ chức nhà nước (như: vua, Hoàng đế, Tổng thống, Đoàn Chủ tịch hội đồng liên bang, Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch nước). Nhưng có một điểm chung là đều là người đứng đầu Nhà nước, đại diện cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại, tượng trưng cho sự bền vững, thống nhất của đất nước. Ở nước ta, sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, một chế định mới đại diện cho nhà nước ra đời, không còn một ông vua với ngai vàng lộng lẫy mà là một thiết chế dân chủ và tên gọi đó vẫn được duy trì đến ngày nay – Chủ tịch nước. Với bản hiến pháp hiện hành, chế định Chủ tịch nước đã có những đổi mới trong các mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan nhà nước ở trung ương. Sau đây em xin lựa chọn đề tài: “ Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo pháp luật hiện hành” để làm sáng tỏ hơn nhận định trên.


B.NỘI DUNG

I.Khái quát chung về chủ tịch nước và một số khái niệm liên quan.

1. Khái quát chung về chủ tịch nước.

Về vị trí và tính chất thì theo điều 101 Hiến pháp 1992, “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. 

Nhìn vào đây ta có thể thấy cũng như bản Hiến pháp năm 1959 thì Chủ tịch nước chỉ đóng vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước ta về đối nội và đối ngoại, chứ không đứng đầu Chính phủ như chế định trong Hiến pháp năm 1946 nữa.  

Về trật tự hình thành, “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kì của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước mới” (Điều 102 Hiến pháp 1992). Trật tự này cũng nói lên được mối quan hệ chặt chẽ giữa Chủ tịch nước với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhât- Quốc hội.

2. Một số khái niệm liên quan.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. (Điều 83 Hiến pháp năm 1992)

Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ cấu có sức mạnh và quyền điều hành cũng như quyết định các vấn đề, chính sách của cả Quốc hội. Điều 90 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm có: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên”. 

Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Điều 109 Hiến pháp năm 1992)

Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2002, Tòa án nhân dân tối cao gồm Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư kí tòa án.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là cơ quan trực thuộc Quốc hội Việt Nam, có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố Nhà nước.

II. Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo pháp luật hiện nay.

Về tổ chức bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp 1992, quan điểm cơ bản đã được khẳng định là: toàn bộ quyền lực Nhà nước tập trung thống nhất vào Quốc hội, và sự phân công phân nhiệm giữa Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để mỗi cơ quan thi hành có hiệu lực chức năng, quyền hạn của mình với sự phối hợp chặt chẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với quy định “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước”   (Điều 101 Hiến pháp 1992), các quy định khác về mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thể hiện rõ quan điểm đó. Cụ thể là :

1. Với quốc hội và ủy ban thường vụ quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.

+ Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội:

Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Về mối quan hệ với Quốc hội, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2007) có những quy định sau :

-  Chủ tịch nước do Quốc hội bầu (trong số các đại biểu Quốc hội), miễn nhiệm và bãi nhiệm, với nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
-  Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của Chủ tịch nước. 
-  Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
-  Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao; đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
-  Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội họp bất thường hoặc họp kín.
-  Chủ tịch nước trình dự án luật ra trước Quốc hội, kiến nghị về luật thông qua việc kiến nghị ban hành luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung luật hiện hành.
-  Chủ tịch nước công bố luật chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi luật được Quốc hội thông qua. 
-  Quốc hội có quyền bác bỏ các văn bản của Chủ tịch nước trái với Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội.
-  Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước
-  Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch nước phải trả lời trước Quốc hội tại kì họp, trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc tại kì họp sau của Quốc hội hoặc cho trả lời bằng văn bản.

+ Trong mối quan hệ với Ủy ban thường vụ quốc hội, Hiến pháp 1992 đã quy định:

Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định này nhằm mục đích tạo điều kiện để Chủ tịch nước theo được sát ý kiến của tập thể Ủy ban thường vụ Quốc hội khi thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời cũng để Chủ tịch nước có thể đóng góp kịp thời ý kiến của mình.

Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được thông qua. Tuy nhiên, Chủ tịch nước có quyền “Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua; nếu pháp lệnh đó vẫn đươc Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội tại kì họp gần nhất” (Điểm 7 Điều 103 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001). Đây là một quyền giới hạn mới được bổ sung mà Hội đồng Nhà nước không có. Quyền này khác quyền phủ quyết của Tổng thống ở một số nước.

Những quy định trên cho thấy tính phát sinh và gắn bó giữa Chủ tịch nước với Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Mặc dù Hiến pháp 1992 tách Chủ tịch nước thành thiết chế riêng song vẫn nghiêng về phía Quốc hội, gắn bó chặt chẽ với Quốc hội chứ không gắn với Chính phủ như ở Hiến pháp 1946 và 1959 hoặc thuộc về hành pháp như nguyên thủ quốc gia ở các nước tư bản.

2. Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Chính phủ: 

Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Chính phủ là mối quan hệ mật thiết. Mối quan hệ này được Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung vào năm 2001) và Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 quy định như sau:

-  Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
-  Chủ tịch nước căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ (Điểm 4 Điều 103 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi 2001). 
-  Trong thời gian Quốc hội không họp, Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Thủ tướng.
-  Chính phủ mời Chủ tịch nước tham dự phiên họp của Chính phủ, trình Chủ tịch nước quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước.
-  Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những quyết định của Chủ tịch nước. Các báo cáo công tác của Chính phủ trước Chủ tịch nước phải được Chính phủ thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số.

Việc xác định mối quan hệ như vậy thể hiện sự tăng cường vai trò của Chủ tịch nước đối với bộ máy hành pháp và bảo đảm sự phối hợp gắn bó giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.

3. Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Tòa án nhân dân tối cao:

Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Tòa án nhân dân tối cao là mối quan hệ quan trọng.

-  Với Hiện pháp năm 1992, chế độ bầu cử thẩm phán đã được thay bằng chế độ bổ nhiệm thẩm phán, chỉ trừ đối với chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Các chức vụ khác từ Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đến Thẩm phán tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, từ Chánh án Tòa án quân sự Trung ương đến Thẩm phán tòa án quân sự khu vực đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Nhưng hiện nay, theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 thì việc bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán các Tòa án địa phương, các Tòa án quân sự cấp quân khu và Tòa án quân sự khu vực được giao về cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện. Chủ tịch nước chỉ còn bổ nhiệm Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương.    
-  Trong thời gian Quốc hội không họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
-  Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình xin Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án tử hình xin ân giảm.

4. Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Viện kiểm sát nhân dân tối cao: 

Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng là mối quan hệ quan trọng. Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành( năm 2002) quy định về vấn đề này như sau:

Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời gian quốc hội không họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; Ủy ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thảo luận tập thể và quyết định theo đa số những vấn đề quan trong do luật định. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên của ủy ban kiểm sát biểu quyết tán thành, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến đa số thành viên của Ủy ban kiểm sát thì phải thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình xin Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án tử hình xin ân giảm.  

III. Đánh giá và một số ý kiến giúp cải cách quyền lực giữa Chủ tịch nước và các cơ quan nhà nước ở trung ương

Thứ nhất, kiến nghị bổ sung quy định: Chủ tịch nước đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Với tư cách là nguyên thủ quốc gia – vị trí cao nhất trong bộ máy nhà nước, độc lập với ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, đảm bảo vai trò đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan này là khoa học và hợp lý nhất. Việc bổ sung quy định này là khoa học và hợp lý, bởi theo các quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước tham gia đồng thời vào việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại; do đó, Chủ tịch nước là người duy nhất có khả năng điều hành hiệu quả sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiên quyền lực nhà nước. Có như vậy mới đảm bảo vị trí của Chủ tịch nước là nhân vật trung tâm của bộ máy nhà nước, là biểu tượng của quốc gia, dân tộc. Góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 2( Khóa XI) về yêu cầu đảm bảo “ Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Thứ hai, kiến nghị bổ sung thêm quy định: Chủ tich nước có quyền đề nghị Quốc hội thảo luận lại (hoặc xem xét lại) luật đã được thông qua. Nếu luật đó vẫn được Quốc hội biểu quyết tán thành thì Chủ tịch nước phải công bố. 

Vấn đề này trước đây đã được Hiến pháp năm 1946 quy định. Quyền phủ quyết được quan niệm là quyền tự nhiên của nguyên thủ quốc gia với tư cách là người lãnh đạo hành pháp. Một khi nguyên thủ quốc gia đã là người đứng đầu và lãnh đạo hành pháp thì phải có quyền phủ quyết luật. Theo quy định tại khoản 7 Điều 103 Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 về những nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước thì có quyền: Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua; nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí, thì Chủ tịch nước trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Trong xu thế hiện nay và nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan nhà nước cần phải rạch ròi hơn, sự giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước cũng cần được tăng cường. Thiết nghĩ, ngoài việc cần phải dự kiến quyền hạn của Chủ tịch nước có thể có ý kiến khác với điểm nào đó trong Pháp lệnh hoặc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ở đây có thể là quyền phủ quyết các văn bản pháp luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Điều này đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với các chính sách lớn của Đảng và bảo vệ vững chắc các quyền lợi của nhân dân trong thời gian giữa các kỳ họp của Quốc hội. Do đặc thù tổ chức bộ máy nhà nước ta, quyền lực tập trung vào Quốc hội, cơ quan đại diện của nhân dân, nên chỉ giao cho Chủ tịch nước quyền phủ quyết các văn bản pháp luật của ủy ban thường vụ Quốc hội.

Mặt khác, cũng nên quy định cho Chủ tịch nước quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật mà Quốc hội đã thông qua trong một thời gian nhất định và quyền này không thể bị từ chối. Nếu ở lần thảo luận lại này mà Quốc hội vẫn thông qua với ít nhất là 2/3 số phiếu tán thành thì Chủ tịch nước phải công bố. Đây sẽ là một sự chuyển tiếp đổi mới một cách mềm dẻo có quá trình, lại vừa nâng cao được vị thế của Chủ tịch nước trong công tác lập pháp. Đồng thời sẽ vừa làm tăng trách nhiệm, sự cẩn trọng của Quốc hội trong việc làm luật, vừa làm cho quá trình làm luật cẩn thận, kỹ càng và chắc chắn hơn, qua đó vừa nâng cao sự ổn định của luật, vừa tăng cường được ảnh hưởng, sự quan tâm và trách nhiệm của Chủ tịch nước với việc làm luật của Quốc hội và đảm bảo sự giám sát lẫn nhau trong hoạt động giữa các cơ quan nhà nước. Hơn nữa còn góp phần nâng cao chất lượng và sự đồng thuận giữa Chính phủ và Quốc hội trong việc đưa ra chính sách của Chính phủ thành văn bản luật.

Thứ ba, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định: Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ. Đó là việc quy định: “Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Chính phủ liên quan đến quốc phòng – an ninh, đối ngoại và những vấn đề hệ trọng của đất nước”.

Theo như Hiến pháp 1992 thì Chủ tịch nước tham dự các phiên họp của chính phủ với tư cách là khách mời, đại biểu “dự thính”. Chủ tịch nước không chủ trì và không có quyền biểu quyết trong các phiên họp của Chính phủ, trong khi Chủ tịch nước là người giới thiệu Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội bầu. Quy định như vậy là không thật sự hợp lý, rõ ràng, đầy đủ và chưa khoa học.  

Chủ tịch nước chỉ có quyền tham dự mà không có quyền chủ tọa các phiên họp của Chính phủ khi cần thiết. Đây là một quy định mang tính hình thức và không phù hợp với vị trí pháp lý và bản chất của một vị nguyên thủ quốc gia. Vì vậy nên quy định Chủ tịch nước có quyền tham gia và chủ tọa các phiên họp của Chính phủ khi xét thấy cần thiết. Quyền chủ tọa phiên họp Chính phủ là quyền quan trọng để nguyên thủ quốc gia đứng đầu và lãnh đạo hành pháp như bản chất của mình. Do đó, cần thể hiện nội dung này theo hướng Chủ tịch nước chỉ tham dự phiên họp của Chính phủ trong các trường hợp thật cần thiết và khi đó Chủ tịch nước sẽ là người chủ tọa phiên họp.

Cụ thể là Chủ tịch nước không triệu tập và chủ trì tất cả các phiên họp của Chính phủ mà chỉ triệu tập và chủ trì những phiên họp liên quan đến quốc phòng - an ninh, đối ngoại và những vấn đề hệ trọng của đất nước. Quy định này cũng phù hợp với những trọng trách mà Chủ tịch nước đảm nhiệm, đó là Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời cũng phù hợp với những kiến nghị là Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ. Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước triệu tập và chủ trì phiên họp của Chính phủ liên quan đến quốc phòng- an ninh, đối ngoại và những vấn đề hệ trọng của đất nước. Chủ tịch nước trực tiếp xây dựng và triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của đất nước; trực tiếp xây dựng và triển khai thực hiện mục tiêu nhiệm vụ quốc phòng- an ninh.

Thứ tư, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định: “ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ báo cáo công tác với Chủ tịch nước”.

Trong các hoạt động thường xuyên của mình, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước rất quan tâm đến việc thăm, làm việc, kiẻm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Các ý kiến Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã góp phần thúc đẩy công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, các ngành, địa phương ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước chưa được quan tâm thực hiện, thâm chí có những ý kiến của Chủ tịch nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không được phản hồi lại. Vì vậy, cần bổ sung quy định các thành viên Chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo công tác với Chủ tịch nước. 

Thứ năm, kiến nghị bổ sung quy định: Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán các cấp 

Nên lấy lại những quy định trước đây về quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các cấp để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Luật đã quy định khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Néu giữa nguyên như hiện nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm miễn nhiệm, cách chức các Thẩm phán thì việc các tòa án cấp dưới chịu tác động của các tòa án cấp trên trong việc thình thị đường lối xét xử là khó tránh khỏi.

Hoạt động của tòa án mang tính đặc thù khác với hoạt động của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, đó là tính độc lập trong hoạt động xét xử của các Thẩm phán và Hội thẩm. Vì lẽ đó, quyền về nhân sự của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyền về nhân sự có hạn chế chứ không toàn quyền như các cơ quan nhà nước khác. Vì vậy mà việc bổ sung quy định Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán các cấp là điều cần thiết. 

Thứ sáu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định: “Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo công tác với Chủ tịch nước”.

Hiến pháp năm 1992 quy đinh Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Tuy nhiên cần quy định trách nhiệm báo cáo công tác của Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao với Chủ tịch nước ngay cả trong thời gian Quốc hội họp, để đảm bảo tính thống nhất liên tục. đồng thời cũng phù hợp với thực tế hiện nay, Chủ tịch nước là người giới thiệu Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao để Quốc hội bầu. Hiện nay Chủ tịch nước còn được giao nhiệm vụ là trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương. Vì vậy, cần thiết nên quy định rõ rang hai chức vụ này. Phải báo cáo công tác trước Chủ tịch nước. 

Thứ bảy, kiến nghị bổ sung quy định: “ Chủ tích nước phối hợp với Mặt trân tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng khối địa đoàn kết dân tộc và trong việc thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của mình”. 

Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, là biểu tượng quốc gia và của khối đại đoàn kết dân tộc. Chủ tịch nước có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với Mặt trận tổ quốc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy mà cần quy định cụ thể mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Trung ương mặt trân tổ quốc Việt Nam trong hiến pháp. 

Như vậy, sau hơn một thập kỉ thực hiện thể chế nguyên thủ tập thể ( Hiến pháp 1980), Hiến pháp 1992 đã lập lại thể chế Chủ tịch nước trong bối cảnh đất nước đang thực hiện những đổi mới sâu sắc, toàn diện, trong tính hình thế giới cớ nhiều biến động. Hiến pháp 1992 cũng chỉ mới quy định rất khái quát nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước và mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước khác ở trung ương. Vấn đề đặt ra là sự nghiên cứu toàn diện, đi từng bước vững chắc vừa làm vừa rút kinh nghiệm để cụ thể hóa dần các quy định của Hiến pháp, làm cho chế định Chủ tịch nước ngày càng hoàn thiện hơn và phát huy được vai trò, vị trí chức năng quan trọng của mình trong bộ máy nhà nước và đời sống xã hội.

C.Kết luận 
  
Trong xu thế hiện nay và nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan nhà nước cần phải rạch ròi hơn, sự giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước cũng cần được tăng cường. Hiến pháp năm 1992 nói riêng cũng như pháp luật hiện hành nói chung cũng chỉ mới quy định rất khái quát các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước và mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan Nhà nước ở trung ương. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu toàn diện, kịp thời sửa đổi phù hợp với thời cuộc và nhu cầu của xã hội giúp chế định Chủ tịch nước ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và chức năng quan trọng của mình trong bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong đời sống xã hội.

Cảm ơn bạn Nguyễn Tiến Long đã chia sẻ tài liệu!

No comments:

Post a Comment