Trong đời sống xã hội, mỗi người đều có một số quyền mà trong đó các quyền nhân thân là bộ phận quyền ngày càng trở nên quan trọng. “Quyền nhân thân” (Personality rights) là thuật ngữ pháp lý để chỉ những quyền gắn liền với bản thân của mỗi con người, gắn liền với đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, có liên quan mật thiết đến danh dự, nhân phẩm, uy tín…
Một xã hội càng tiến bộ bao nhiêu, nền tự do dân chủ càng được mở rộng bao nhiêu, thì con người càng được tôn trọng bấy nhiêu, và do đó các quyền nhân thân càng được pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng hơn cùng với những biện pháp bảo vệ ngày càng có hiệu quả. Hơn 10 năm nay, cùng với những thành quả của công cuộc đổi mới, sự ra đời của Bộ luật dân sự 1995 và 2005, nhiều quyền nhân thân của công dân đã được Nhà nước long trọng công nhận và thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ.
Nhận thức được tầm quan trọng của các phương thức bảo vệ quyền nhân thân trong đời sống xã hội, với bài tập học kỳ môn Luật Dân sự Việt Nam 1, em xin chọn đề tài: “Phương thức bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự Việt Nam” với mong muốn được hiểu cũng như làm rõ hơn về vấn đề này. Ngoài phần mục lục, mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, bài làm của em gồm phần 4 chính:
I. Lý luận chung về quyền nhân thân và các phương thức bảo vệ quyền nhân thân
II. Các phương thức bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự Việt Nam
III. Thực tiễn thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bảo vệ quyền nhân thân
IV. Một số ý kiến đóng góp điều chỉnh luật
NỘI DUNG CHÍNH
I. Lý luận chung về quyền nhân thân và các phương thức bảo vệ quyền nhân thân
1. Khái niệm “Quyền nhân thân” và phân loại quyền nhân thân
Với tư cách là thành viên của xã hội, từ lúc sinh ra con người đã được hưởng những quyền nhất định thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống bao gồm quyền tự do dân chủ về chính trị, quyền về dân sự, quyền về kinh tế – xã hội v.v… Trải qua quá trình đấu tranh phát triển của xã hội, các quyền của cá nhân ngày càng được phát triển, mở rộng. Trong các quyền dân sự của cá nhân thì quyền nhân thân là một phần rất quan trọng. Quyền nhân thân là một trong những nội dung cơ bản của quyền con người nên đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Trong pháp luật Việt Nam, các quyền nhân thân được quy định cụ thể trong pháp luật dân sự và chủ yếu là Bộ luật Dân sự (BLDS). Việc Nhà nước ban hành và quy định các quyền nhân thân của cá nhân trong BLDS là sự khẳng định sự của Nhà nước đối với các giá trị của quyền nhân thân.
Quyền nhân thân của cá nhân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Theo quy định của BLDS năm 2005, các quyền nhân thân bao gồm: Quyền đối với tên, họ (Điều 26); quyền thay đổi tên họ (Điều 27); quyền xác định dân tộc (Điều 28); quyền được khai sinh (Điều 29); quyền được khai tử (Điều 30); quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31); quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể (Điều 32); quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33); quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 34); quyền nhận bộ phận cơ thể người (Điều 35); quyền xác định lại giới tính (Điều 36; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 37; quyền bí mật đời tư (Điều 38); quyền kết hôn (Điều 39); quyền bình đẳng của vợ chồng (Điều 40); quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình (Điều 41); quyền ly hôn (Điều 42); quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con (Điều 43); quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi (Điều 44); quyền đối với quốc tịch (Điều 45); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 46); quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 47); quyền tự do đi lại, tự do cư trú (Điều 48); quyền lao động (Điều 49); quyền tự do kinh doanh (Điều 50); quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo (Điều 50)
Các quyền nhân thân này có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, mỗi tiêu chí thể hiện một khía cạnh pháp lý đặc thù
Thứ nhất, dựa vào căn cứ phát sinh mà các quyền nhân thân có thể phân thành nhóm các quyền nhân thân không gắn với tài sản và nhóm các quyền nhân thân gắn với tài sản. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản này được công nhận đối với mọi cá nhân một cách bình đẳng và suốt đời, không phụ thuộc vào bất cứ hoàn cảnh kinh tế, địa vị hay mức độ tài sản của người đó. Các quyền nhân thân này thể hiện giá trị tinh thần của chủ thể đối với chính bản thân mình, luôn gắn với chính bản thân người đó và không dịch chuyển được sang chủ thể khác.
Ngược lại, các quyền nhân thân gắn với tài sản chỉ được xác lập cùng với sự hình thành của một tài sản vô hình (như tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng, …). Đây là quyền nhân thân của chủ thể đối với tài sản vô hình mà người đó sáng tạo ra. Các quyền nhân thân này được quy định tại khoản 2 Điều 738 và mục a khoản 1 Điều 751 BLDS 2005.
Thứ hai, dựa vào chủ thể mang quyền mà các quyền nhân thân có thể được phân thành hai nhóm là: Nhóm các quyền nhân thân của cá nhân và nhóm các quyền nhân thân của các chủ thể khác (không phải là cá nhân). Các quyền nhân thân của cá nhân bao gồm các quyền nhân thân được quy định từ Điều 26 đến Điều 51 BLDS 2005 và các quyền nhân thân gắn với tài sản được quy định tại Điều 738 BLDS 2005. Các quyền nhân thân của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thể bao gồm: quyền được bảo vệ danh dự, uy tín (được đề cập đến tại Điều 604 và Điều 611 BLDS 2005). Theo chúng tôi, có thể thừa nhận thêm một số quyền nhân thân của pháp nhân như quyền đối với tên gọi, quyền tự do kinh doanh đối với các chủ thể có đăng ký kinh doanh.
Thứ ba, dựa vào đối tượng của quyền mà các quyền nhân thân được phân thành 5 nhóm sau đây:
1) Nhóm các quyền cá biệt hoá chủ thể, bao gồm: quyền đối với họ tên; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với hình ảnh; quyền xác định lại giới tính; quyền đối với quốc tịch.
2) Nhóm các quyền liên quan đến thân thể của cá nhân, bao gồm: quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người.
3) Nhóm các quyền liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể: quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo.
4) Nhóm các quyền liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình của cá nhân: quyền kết hôn, quyền bình đẳng vợ chồng; quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình; quyền ly hôn; quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con; quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi;
5) Nhóm các quyền đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ: quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm hay trên văn bằng bảo hộ (đối với sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng), quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.
Thứ tư, Dựa vào thời hạn bảo hộ mà các quyền nhân thân được phân loại thành hai nhóm: Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn và nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ có thời hạn.
Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn bao gồm: quyền đối với họ tên; quyền đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.
Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ có thời hạn bao gồm: quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại giới tính; quyền kết hôn, quyền bình đẳng vợ chồng; quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình; quyền ly hôn; quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con; quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi; quyền đối với quốc tịch; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động, quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo; quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
Thứ năm, dựa vào đặc điểm của hành vi xâm phạm mà chúng ta phân loại các quyền nhân thân thành ba nhóm: 1) Nhóm các quyền mà hành vi xâm phạm tác động vào chính chủ thể quyền; 2) Nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào các chủ thể khác (không phải là chủ thể quyền); 3) Nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào vật phẩm liên quan đến quyền.
Nhóm các quyền mà hành vi xâm phạm tác động vào chính chủ thể quyền bao gồm: quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại giới tính; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền được bảo vệ nhân phẩm, các quyền nhân thân liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động, quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo.
Nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào các chủ thể khác (không phải là chủ thể quyền) bao gồm: quyền được bảo vệ danh dự, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền đối với họ tên; quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
Nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào vật phẩm liên quan đến quyền bao gồm: quyền đối với họ tên; quyền đối với hình ảnh; quyền bí mật đời tư; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền đối với quốc tịch; quyền bí mật đời tư; quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.
Thứ sáu, dựa vào phương thức bảo vệ mà các quyền nhân thân được phân thành hai nhóm: Nhóm các quyền được bảo vệ khi có yêu cầu và nhóm được bảo vệ không phụ thuộc vào yêu cầu.
Nhóm các quyền được bảo vệ khi có yêu cầu bao gồm: quyền đối với họ tên; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với hình ảnh; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại giới tính; quyền được bảo vệ danh dự, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền kết hôn; quyền bình đẳng vợ chồng; quyền ly hôn; quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con; quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi; quyền đối với quốc tịch; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động, quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo; quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.
Nhóm được bảo vệ không phụ thuộc vào yêu cầu bao gồm: quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm; quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình.
2. Bảo vệ quyền nhân thân và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền nhân thân
Quyền nhân thân của cá nhân là một trong những quyền dân sự cơ bản của con người được pháp luật bảo hộ. Việc tôn trọng quyền nhân thân của người khác là nghĩa vụ của mọi người và cũng là nghĩa vụ của chính người đó. Khi thực hiện quyền nhân thân của mình về nguyên tắc không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Trong một xã hội lý tưởng, mọi quyền dân sự trong đó có quyền nhân thân của cá nhân sẽ được mọi người tôn trọng, không bị xâm phạm. Tuy vậy, trên thực tế của đời sống xã hội do nhận thức của mỗi người khác nhau nên cũng như các quyền dân sự khác việc xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân là điều không tránh khỏi. Việc xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân không những gây trở ngại cho việc thực hiện các quyền dân sự của cá nhân đó mà còn ảnh hưởng tới trật tự pháp lý của xã hội. Để bảo đảm cho các quyền nhân thân của cá nhân được thực hiện trên thực tế và bảo đảm trật tự pháp lý của xã hội pháp luật quy định người có hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của người khác phải xin lỗi, cải chính hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp, người có hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của người khác không tự chấm dứt hành vi xâm phạm, không thực hiện trách nhiệm dân sự của họ theo quy định của pháp luật thì cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm được thực hiện các phương thức, biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền nhân thân của mình như tự cải chính, yêu cầu người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của mình v.v… Ngoài ra, trong phạm vi, chức năng và nhiệm vụ của mình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết cũng có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc áp dụng các biện pháp hành chính, biện pháp dân sự hoặc hình sự hoặc các biện pháp tư pháp khác theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân.
Như vậy, bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân là việc cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thực hiện các phương thức, biện pháp do pháp luật quy định để chống lại các hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân, nhằm buộc người có hành vi trái pháp luật phải chấm dứt hành vi xâm phạm và chịu trách nhiệm dân sự về hành vi trái pháp luật của mình.
Khác các quyền dân sự khác, quyền nhân thân thể hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống của cá nhân, đặc biệt có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của cá nhân. Mỗi hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người bị xâm phạm. Vì vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân trong trường hợp bị xâm phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có tác dụng kịp thời ngăn chặn các hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân, bảo đảm trật tự pháp lý xã hội và giáo dục ý thức pháp luật làm cho mọi người tôn trọng quyền nhân thân của cá nhân. Mặt khác, bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân tạo điều kiện thuận lợi cho các quyền nhân thân của cá nhân được thực hiện trên thực tế, khắc phục những hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt góp phần bảo đảm đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho cá nhân lao động và sáng tạo. Tuy vậy, quyền nhân thân của cá nhân có những điểm khác các quyền dân sự khác như không thể trị giá được bằng tiền, không thể chuyển giao cho người khác, trừ những ngoại lệ do pháp luật quy định… Vì vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân trong trường hợp bị xâm phạm có một số khác biệt với việc bảo vệ các quyền dân sự khác như các biện pháp bảo vệ được áp dụng đa dạng, việc khắc phục thiệt hại về quyền nhân thân bị xâm phạm trong một số trường hợp phải do chính những người hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân phải thực hiện, việc bồi thường thiệt hại khắc phục thiệt hại về quyền nhân thân không thể tính toán cụ thể, chỉ là tương đối và mang tính giáo dục là chủ yếu v.v…
II. Các phương thức bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự Việt Nam
Việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân là một khâu trong cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền nhân thân của cá nhân. Tuy vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân một cách tùy tiện cũng có thể xâm phạm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác vì vậy pháp luật đã phải quy định các phương thức, biện pháp bảo vệ quyền nhân thân trong trường hợp bị xâm phạm. Theo đó, trong trường hợp quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm chỉ được bảo vệ quyền nhân thân của mình theo những phương thức và biện pháp do pháp luật quy định.
Theo quy định tại Điều 25 BLDS thì cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm có thể bảo vệ quyền nhân thân của mình theo các phương thức khác nhau như tự mình bảo vệ, yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ hoặc buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại. Việc pháp luật quy định cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm có thể bảo vệ quyền nhân thân của mình theo các phương thức khác nhau là cần thiết, tạo điều kiện cho việc bảo vệ quyền nhân thân có hiệu quả. Hơn nữa, các quyền nhân thân của cá nhân bao gồm nhiều quyền khác nhau và các hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân cũng rất đa dạng nên việc pháp luật quy định đa dạng hóa các phương thức bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân là rất cần thiết. Thông thường trong trường hợp quyền nhân thân của mình bị xâm phạm thì trước hết cá nhân tự tiến hành các hành vi bảo vệ cần thiết, tương xứng với hành vi xâm phạm để chống lại hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của mình, ngăn chặn không cho các hành vi đó tiếp tục xảy ra như trực tiếp cải chính, yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Việc pháp luật quy định cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm tự bảo vệ quyền nhân thân của mình bảo đảm việc bảo vệ quyền nhân thân được tiến hành kịp thời, ngăn chặn được hậu quả xấu có thể xảy ra và có thể không khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa các đương sự, giữ gìn được mối quan hệ bình thường giữa các đương sự.
Tuy vậy, việc tự bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân thường chỉ có hiệu quả khi người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân nhận thức được trách nhiệm của họ. Đối với những trường hợp người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân không nhận thức được trách nhiệm của họ thì việc bảo vệ quyền nhân thân theo phương thức này nhiều khi không có hiệu quả. Trong trường hợp này việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân cần phải có sự hỗ trợ bảo vệ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo đó, cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật bảo vệ như yêu cầu tổ hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân các cấp, Tòa án, Viện kiểm sát v.v.. bảo vệ. Các cơ quan, tổ chức này căn cứ vào yêu cầu của đương sự, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã được pháp luật quy định tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm như xử lý người có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân, buộc họ phải chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc bồi thường thiệt hại. Đặc biệt, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân thông qua việc yêu cầu các cơ quan nhà nước như Tòa án, Viện kiểm sát bảo vệ là rất cần thiết bởi các cơ quan này là các cơ quan nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ quyền hạn bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, trong đó có quyền nhân thân của cá nhân. Hơn nữa, các quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát còn được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước do đó các quyết định liên quan đến việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân của các cơ quan này sẽ được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì có nhiều phương thức bảo vệ quyền nhân thân, tùy quyền nhân thân nào của cá nhân bị xâm phạm, tùy mức độ xâm phạm và thái độ của người có hành vi trái pháp luật mà cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm có thể lựa chọn thực hiện phương thức pháp lý cần thiết, phù hợp để bảo vệ quyền nhân thân của mình.
Quyền nhân thân của cá nhân theo quy định của pháp luật khá đa dạng nên hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân cũng khá đa dạng dưới những hình thức, mức độ khác nhau. Để bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có hiệu quả ngoài việc sử dụng nhiều phương thức bảo vệ khác nhau còn phải áp dụng các biện pháp bảo vệ khác nhau như biện pháp xử lý hành chính, biện pháp xử lý hình sự, biện pháp dân sự, biện pháp xử lý kỷ luật. Trong các biện pháp bảo vệ quyền nhân thân đó thì biện pháp dân sự là một trong các biện pháp bảo vệ quyền nhân thân có hiệu quả và được áp dụng phổ biến nhất. Các biện pháp dân sự bảo vệ quyền nhân thân trong trường hợp bị xâm phạm được quy định trong pháp luật dân sự. Theo quy định tại Điều 25 BLDS thì cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm được áp dụng các biện pháp dân sự sau để bảo vệ quyền nhân thân của mình như tự cải chính; yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Tự mình cải chính là biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm được áp dụng trong trường hợp người có hành vi trái pháp luật đưa ra những tin tức không đúng xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đây là biện pháp cho phép người có quyền nhân thân bị xâm phạm kịp thời bảo vệ quyền nhân thân của mình, hạn chế được hậu quả thiệt hại cả về vật chất và tinh thần do những tin tức không đúng ra gây ra.
Yêu cầu người có vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm là biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có thể áp dụng trong mọi trường hợp quyền nhân thân bị xâm phạm. So với biện pháp tự cải chính thì biện pháp này được áp dụng trong một phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này thông thường chỉ có hiệu quả trong trường hợp người có hành vi xâm phạm quyền nhân thân sớm nhận thức được hành vi trái pháp luật của họ. Nếu người có hành vi xâm phạm quyền nhân thân không nhận thức được hành vi trái pháp luật của họ thì người có quyền nhân thân bị xâm phạm phải áp dụng biện pháp bảo vệ khác mới bảo vệ được quyền nhân thân của mình.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm cũng là biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có thể áp dụng trong mọi trường hợp quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm. Đây là biện pháp bảo vệ quyền nhân thân có hiệu quả vì sau khi nhận được yêu cầu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp đủ mạnh do pháp luật quy định buộc người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân chấm dứt hành vi đó. Trên thực tế, biện pháp này thường được người có quyền nhân thân bị xâm phạm áp dụng trong trường hợp đã yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật nhưng không được đáp ứng. Trong các cơ quan Nhà nước áp dụng biện pháp dân sự bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân thì Tòa án là cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân chủ yếu và trong việc áp dụng biện pháp dân sự bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân thì Tòa án áp dụng có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bảo vệ quyền nhân thông qua việc yêu cầu Tòa án bảo vệ được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và đòi hỏi người có quyền nhân thân bị xâm phạm yêu cầu Tòa án bảo vệ phải chứng minh được quyền nhân thân của mình, hành vi xâm phạm quyền nhân thân của họ là trái pháp luật.
Yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại là biện pháp bảo vệ quyền nhân thân được thực hiện khi người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân gây ra thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho họ. Nếu có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân gây ra thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần thì cá nhân có quyền nhân thân bị xâm có quyền yêu cầu người có hành vi trái pháp luật bồi thường thiệt hại. Nếu người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân không chịu bồi thường thì người có quyền nhân thân bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự thì cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm được thực hiện các biện pháp bảo vệ trên để bảo vệ quyền nhân thân của mình. Việc áp dụng một hay nhiều biện pháp bảo vệ quyền nhân thân hoặc áp dụng biện pháp bảo vệ quyền nhân thân nào là tùy vào trường hợp cụ thể quyền nhân thân bị xâm phạm và do người có quyền nhân thân bị xâm phạm tự lựa chọn quyết định. Tuy nhiên, việc lựa chọn được biện pháp bảo vệ phù hợp sẽ giúp cho việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có hiệu quả.
III. Thực tiễn thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bảo vệ quyền nhân thân
Quyền nhân thân của cá nhân tuy đã được pháp luật bảo hộ và quy định khá cụ thể trong Bộ luật dân sự năm 2005 và nhiều văn bản pháp luật khác tạo thuận lợi cho việc thực hiện trên thực tế. Tuy vậy, do những nguyên nhân khác nhau trong những năm gần đây các hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân vẫn xảy ra nhiều, khá đa dạng, xâm phạm đến nhiều lĩnh vực của quyền nhân thân như quyền của cá nhân đối với tên họ, hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền bí mật đời tư v.v… Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể của một cơ quan,tổ chức nào về tất cả các trường hợp xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân nhưng theo báo cáo tổng kết công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao hàng năm và theo việc đưa tin của các phương tiện thông tin đại chúng thì trong những năm gần đây dường như các trường hợp xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân ngày một nhiều, có chiều hướng đa dạng và phức tạp. Trong đó, có vụ với những hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân rất nghiêm trọng không chỉ phải xử lý về dân sự mà còn phải xử lý về hình sự như vụ vợ chồng Chu Văn Đức – Trịnh Thị Hạnh Phương ở quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội trong hơn 10 năm đã hành hạ cô gái Nguyễn Thị Bình để lại trên người tới 424 vết thương; vụ Đào Văn Tuyến ở huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang do đam mê cờ bạc thua cờ bạc về ngược đãi vợ là chị Lý Thị Nghi với hành vi lột quần áo nhốt vào chuồng chó, vụ Phạm Thị Mai ở huyện Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh đánh chết con là cháu Phạm Huy Hoàng, 5 tuổi. Hay mới đây nhất dư luận xã hội đang xôn xao phẫn nộ trước vụ hai vợ chồng chủ trại tôm Giang – Thơm ở ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau) hành hạ, ngược đãi bé Hào Anh 14 tuổi bằng những trận đòn như kiểu tra tấn thời trung cổ. Và gần hơn là vụ ca sĩ Quang Dũng chuẩn bị khởi kiện tạp chí Đẹp vì có những bài viết với nội dung không đúng gây ảnh hưởng đến uy tín sự nghiệp của anh….
Căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, những người có quyền nhân thân bị xâm phạm đã thực hiện được các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền nhân thân của mình như tự cải chính những tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của họ, yêu cầu người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của họ chấm dứt hành vi đó, yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, trong đó có việc yêu cầu Tòa án bảo vệ. Trong các vụ việc này phải kể đến vụ việc gây xôn xao báo giới cách đây vài năm. Khoảng năm 2002, theo yêu cầu của đạo diễn, cựu hoa hậu Hà Kiều Anh và diễn viên Mỹ Uyên phải trầm mình dưới suối để thực hiện cảnh quay tắm suối bị nhìn lén trong bộ phim cổ trang Lục Vân Tiên. Vì sự thiếu cẩn trọng của đoàn làm phim mà những hình này bị phát tán ra bên ngoài qua điện thoại di động và Internet. Trước sự việc này, hai nữ diễn viên chính cảm thấy vô cùng bức xúc và cảm thấy uy tín của họ bị tổn thương. Cựu hoa hậu Hà Kiều Anh cùng diễn viên Mỹ Uyên đã chính thức lên tiếng yêu cầu đoàn làm phim phải đứng ra xin lỗi cũng như bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, danh dự cho họ. Đối chiếu vụ việc với những quy định của pháp luật, Điều 31 Bộ Luật Dân sự về Quyền của cá nhân đối với ảnh cá nhân có quy định rõ: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý nếu người đó đã chết". Nếu không hỏi ý kiến mà đưa lên thì là xâm phạm ảnh cá nhân. Nếu hình ảnh mang tính chất đồi trụy sẽ làm cho người bị xâm phạm nhục nhã, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm, người xâm phạm có thể phải bồi thường người bị xâm phạm đến 10 tháng lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Nặng hơn, đứng về mặt hình sự, Điều 253 trong Bộ luật Hình sự có định tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, tùy theo mức độ có thể bị phạt tù không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng".
So với các phương thức bảo vệ quyền nhân thân khác, phương thức yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền nhân thân được các chủ thể thực hiện tương đối phổ biến. Các vụ việc dân sự về quyền nhân thân Tòa án đã thụ lý giải quyết ngày một nhiều. Trong đó, có những vụ việc khá phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau và lần đầu Tòa án thụ lý giải quyết nên không tránh khỏi những lúng túng, vướng mắc cả về mặt xem xét, đánh giá các tình tiết của vụ việc và cả về mặt áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc, do vậy sau khi Tòa án xét xử các đương sự vẫn không đồng ý với quyết định của Tòa án mà còn kháng cáo hoặc khiếu nại qua nhiều cấp Tòa án. Trong các vụ việc ấy phải kể đến vụ ca sĩ Phương Thanh khởi kiện bà Lê Nguyễn Hương Trà (chủ nhân của blog Cogaidolong) đến Tòa án nhân quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phải xin lỗi công khai vì cho rằng bà Lê Nguyễn Hương Trà đã có hai bài viết trong blog của mình về cô với nội dung sai sự thật, xúc phạm tới danh dự, hạ uy tín của cô v.v…
IV. Một số ý kiến đóng góp điều chỉnh luật
Nói chung, về cơ bản các quy định của Bộ luật Dân sự đã quy định đủ các phương thức, biện pháp mà người có quyền nhân thân bị xâm phạm được thực hiện để bảo vệ quyền nhân thân của họ trong trường hợp bị xâm phạm. Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 còn chung chung, mới chỉ mang tính định hướng trong khi đó các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này lại không hướng dẫn cụ thể nên việc thực hiện chúng trên thực tế đã gặp nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ cụ thể.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 BLDS, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người có quyền đó được bảo vệ bằng cách tự mình cải chính những tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của họ mà không nhất thiết phải chờ người có hành vi xâm phạm thực hiện việc cải chính. Việc Bộ luật Dân sự quy định người có quyền nhân thân bị xâm phạm được tự cải chính có tác dụng giúp họ ngăn chặn và khắc phục kịp thời được hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của họ. Để người có quyền nhân thân bị xâm phạm thực hiện được việc tự cải chính thì pháp luật phải quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc tự cải chính của người họ nhưng do các văn bản pháp luật liên quan không có quy định, hướng dẫn cụ thể nên việc tự cải chính những tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên thực tế hầu như không thể thực hiện được hoặc có thực hiện thì cũng không hiệu quả. Hơn nữa, về tâm lý thì cũng không mấy ai tin việc cải chính của chính người có quyền nhân thân bị xâm phạm.
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 25 BLDS quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người có quyền đó được yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ thông qua việc buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Theo quy định này, thì người có quyền nhân thân bị xâm phạm được yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ nhưng cơ quan, tổ chức nào là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lại chưa được Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này cũng như các văn bản pháp luật có liên quan chỉ rõ. Vì thế trên thực tế đã xảy ra không ít các trường hợp đương sự không xác định được cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền bảo vệ quyền nhân thân của họ. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xin xác định lại cha mẹ cho con trong trường hợp có tranh chấp, đối với trường hợp yêu cầu xin xác định lại cha mẹ cho con mà không có tranh chấp thì Tòa án không có thẩm quyền giải quyết. Tuy vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật liên quan lại không quy định, hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền giải quyết trường hợp này nên yêu cầu xin xác định lại cha mẹ cho con mà không có tranh chấp của đương sự không có cơ quan nào giải quyết. Theo các điều từ Điều 25 đến Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự thì nhiều vụ việc về quyền nhân thân chưa được quy định cụ thể cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết như yêu cầu bảo vệ tên họ, hình ảnh; yêu cầu bảo vệ bí mật đời tư; yêu cầu bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (không thuộc trường hợp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí) v.v.. Hơn nữa, trong các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định về việc bảo vệ quyền nhân thân của người có quyền nhân thân bị xâm phạm trong trường hợp họ đã chết. Tuy dù họ đã chết nhưng việc bảo vệ quyền nhân thân của họ vẫn phải đặt ra vì trong nhiều trường hợp việc xâm phạm đến các quyền nhân thân của họ cũng có những ảnh hưởng xấu nhất định tới những người thân và những người liên quan đến họ.
KẾT LUẬN
Tóm lại, Quyền nhân thân của cá nhân là một trong những quyền dân sự cơ bản của con người được pháp luật bảo hộ, thể hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống của cá nhân, đặc biệt có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của cá nhân.. Việc tôn trọng quyền nhân thân của người khác là nghĩa vụ của mọi người và cũng là nghĩa vụ của chính người đó. Bên cạnh đó, hiệu quả bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân chịu sự ảnh hưởng rất lớn của cả các quy định pháp luật và những điều kiện xã hội. Để quyền nhân thân của cá nhân thực sự được đảm bảo chặt chẽ, luật cần có những điểu chỉnh cần thiết, đi sâu sát và cụ thể hơn. Đồng thời, để nâng cao được hiệu quả bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân ngoài góc độ pháp lý thì vấn đề này cũng cần phải được quan tâm nghiên cứu, xem xét kỹ cả dưới góc độ xã hội.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam – Tập 1, NXB CAND, HN 2009
2. TS. Lê Đình Nghị (Chủ biên), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam – Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam.
3. Tưởng Duy Lượng, Pháp luật Dân sự và thực tiễn xét xử, NXB CTQG, HN 2008
4. Bộ Luật Dân sự nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
5. Quyền nhân thân ngày càng được pháp luật bảo vệ - Luật sư, Tiến sĩ Phan Đăng Thanh – Diễn đàn Luật học
6. Bảo vệ quyền nhân thân theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2005 – Tiến sĩ Nguyễn Công Bình – Đại học Luật Hà Nội
7. Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005
8. Các website:
- http://vi.wikipedia.org
- http://luatsaithanh.com
- http://ledinhnghi.net
- http://www.lawctu.com
- http://dantri.com.vn
- http://vietnamnet.vn
Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên bài tập vào form dưới đây.
No comments:
Post a Comment