08/03/2014
Bài tập nhóm Luật Dân sự 1 - Hành vi xâm phạm quyền của cá nhân về hình ảnh trong lĩnh vực báo chí
Lưu ý: đây chỉ là kiến thức tham khảo phần lý thuyết. Các bạn có thể dựa vào đó để phân tích tình huống mà các bạn xây dựng. Các tình huống cũng có thể dựa theo phần thực tiễn ở cuối bài.

I. Kiến thức chung

1. Khái niệm hình ảnh của cá nhân

Về khái niệm hình ảnh của cá nhân, cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ. Tuy nhiên dựa vào quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân tại Điều 31 BLDS và thực tiễn thì có thể hiểu: “Hình ảnh của cá nhân bao gồm mọi hình thức tác phẩm nghệ thuật ghi lại hình dáng của con người cụ thể như ảnh chụp, ảnh vẽ, ảnh họa chép và suy luận rộng ra có thể cả bức tượng của cá nhân đó nữa”. Hay có thể hiểu hình ảnh cá nhân là những hình ảnh  mang  tính  chất  riêng  tư,  hạn  chế,  ở  những  nơi  riêng  tư.  Điều  này  trái ngược  với  hình  ảnh  ở  những  nơi  sinh  hoạt  công  cộng,  nơi  đông  người... Chẳng hạn như hình ảnh của một người đứng trên một bãi biển, nếu chỉ có riêng người đó thì có thể xem là ảnh riêng tư, ảnh cá nhân. Nhưng nếu là một tấm ảnh chụp quang cảnh chung trên bãi biển, có nhiều người trong tấm ảnh thì có thể xem là ảnh sinh hoạt tập thể nơi công cộng, không phải là ảnh cá nhân, riêng tư nữa.

Đứng về mặt “quyền sở hữu trí tuệ” thì bức ảnh, tấm hình, pho tượng đều là loại hình tác phẩm nghệ thuật, người sử dụng tác phẩm trước hết phải xin phép người chủ bản quyền (chủ sở hữu quyền tác giả) và trả cho họ một khoản lợi ích vật chất, đồng thời phải trả thù lao, nhuận bút cho người sáng tác (người chụp ảnh, sao chép, hoạ hình…). Nhưng đứng về mặt “quyền nhân  thân của con người” thì theo quy định tại Điều 31 BLDS thì ai muốn sử dụng hình  ảnh  của  cá  nhân  đều  phải  được  sự  đồng  ý  của  người  có  hình  ảnh  đó (người thật trong bức ảnh).

2. Khái niệm quyền nhân thân đối với hình ảnh.

Hình ảnh của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ bằng việc quy định là một quyền của cá nhân tại điều 31 BLDS năm 2005 với tên gọi là “quyền đối với hình ảnh của cá nhân”. Tuy nhiên điều luật này không đua  ra khái niệm về quyền đối với hình ảnh của cá nhân, các văn bẳn pháp luật khác cũng không có văn bản nào đưa ra khái niệm về quyền đối với hình ảnh. Vì vậy, để giúp cho việc hiểu rõ bản chất của quyền nhân thân  đối với hình ảnh của cá nhân, căn cứ vào các khái niệm được đưa ra ở trên ta có thể hiểu “ Quyền đối với hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, theo đó cá nhân được phép sử dụng và cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình.”

3. Đặc điểm quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân.

-  Quyền  nhân thân  đối  với hình ảnh là quyền  nhân thân không  gắn với tài  sản.

Đặc tính không gắn với tài sản là một trong nhưng đặc tính cơ bản để phân biệt nhân  thân  không  gắn  với  tài  sản  với  quyền  nhân  thân  gắn  với  tài  sản  (  quyền đứng tên tác giả, quyền đặt tên cho tác phẩm…) Vì quyền nhân thân đối với hình ảnh luôn gắn với chính hình ảnh bản thân của người đó và mỗi một chủ thể có một hình ảnh riêng biệt. Mỗi chủ thể được công nhận một cách vô điều kiện với quyền  nhân  thân  gắn  với  hình  ảnh.  Hình  ảnh  bên  ngoài  của  cá  nhân  là  yếu  tố nhận dạng cá nhân đó, không phải là một loại tài sản để đem ra giao dịch. Điều này hoàn toàn khác với quyền tài sản đối với hình ảnh, vì quyền tài sản đối với hình ảnh nghĩa là hình ảh của cá nhân được sử dụng trong giao dịch thương mại, quảng  cáo.  Quyền  này  được  phép  mang  ra  kinh  doanh  nhằm  thu  lại  lợi  nhuận cho  bản  thân  cá  nhân.Do  đó  khi  sử  dụng  hình  ảnh  của  cá  nhân  vào  mục  đích quảng  cáo thì  cần phải  có  sự đồng ý  của cá  nhân  đó. Quyền nhân  thân  đối  với hình ảnh được công nhận đối với mọi cá nhân một cách bình đẳng và suốt đời, không phụ thuộc  vào  bất  cứ hoàn  cảnh  kinh tế  , địa  vị hay  mức  độ tài sản  của người đó.

- Quyền  nhân  thân  đối  với  hình  ảnh  là  quyền  nhân  thân  của  cá  nhân.  Đặc  tính quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền nhân thân của cá nhân. Đặc điểm này nhằm phân biệt giữa quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh và quyền đối với hình ảnh của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.

- Quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền cá biệt hóa chủ thể. Cùng với quyền của cá nhân đối với họ tên và dân tộc, quyền nhân thân đối với hình ảnh thuộc quyền cá biệt hóa cá nhân. Đây là những quyền nhân thân tuyệt đối, gắn liền với bản thân cá nhân đó. Quyền nhân thân cá biệt hóa cá nhân là những quyền nhân thân ghi nhận những đặc điểm của mỗi cá nhân trong quan hệ xã hội nói chung và trong quan hệ dân sự nói riêng. Quyền cá biệt hóa chủ thể được thể hiện dưới hình thức các công cụ cs biệt hóa khác nhau ở mỗi chủ thể như mỗi người có tên gọi, hình ảnh và các yếu tố lý lịch khác nhau. Tập hợp các công cụ cá biệt hóa đó ở mỗi chủ thể sẽ cho ra sự hình dung bên ngoài về chủ thể đó khác biệt với chủ thể khác.

- Quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn.

Quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân được pháp luật ghi nhân và bảo hộ  vĩnh  viễn.  Khi  chủ  thể  không  còn  nữa  thì  những  người  có  liên  quan  được qyền  yêu  cầu  bảo  vệ  khi  có  hành  vi  xâm  phạm.  Cụ  thể  tại  khoản  2  Điều  31 BLDS năm 2005 quy định như sau: “ Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân  sự,  chưa đủ  15  tuổi  thì  phải  được  cha,  mẹ,  vợ,  chồng,  con  đã  thành  niên hoặc  người  đại  diện  của  người  đó  đồng  ý,  trừ  trường  hợp  vì  lợi  ích  của  nhà nước, của công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.” Như vậy khi còn sống nếu như việc công bố hình ảnh mà không được sự đồng ý của họ vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của bản thân cá nhân đó ( chủ sở hình ảnh ) thì khi cá nhân chết, hình ảnh cá nhân vẫn được pháp luật bảo vệ bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của những người thân thích của họ. Theo đó, thu thập công bố hình ảnh của cá nhân khi cá nhân đã chết thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của họ đồng ý.

- Quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền được bảo vệ khi có yêu cầu. Khi quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh bị xâm phạm thì cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm phải là người đánh giá xem quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình có bị xâm phạm hay không? Nhà nước sẽ chỉ can thiệp và bảo vệ khi có yêu cầu.

- Quyền nhân thân đối với hình ảnh thuộc nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào vật phẩm liên quan đến quyền. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân gián tiếp đã xâm phạm tới quyền nhân thân của cá nhân đỗi với hình ảnh. Khi quyền nhân thân của cá nhân đới với hình ảnh bị xâm phạm dẫn tới danh dự, nhân phẩm, uy tín  của  cá  nhân  bị  xâm  phạm.  Đồng  nghĩa  với  việc  cá  nhân  đó  phải  gánh  chịu những tổn thất trực tiếp do hành vi xâm phạm đó gây ra. Khắc phục những  hậu quả  này  chủ  thể  có  hành  vi  xâm  phạm  tác  động  tới  quyền  được  yêu  cầu  buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc phải xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường một khoản tiền nhằm bù đáp một phần nào đó thiệt hại về tình thần của mình.

4. Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân.

- Đối với chính chủ có hình ảnh, có thể thấy “ hình ảnh” là yếu tô tinh thần gắn liền với bản thân chủ thể, nó có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của họ, mỗi hành vi xâm phạm đến hình ảnh của cá nhân trên thực tế thường ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tinh thần của cá nhân đó, vì không chỉ xâm phạm hình ảnh thôi mà còn xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, bởi vậy việc bảo  vệ  quyền  đối  với  hình  ảnh  của  cá  nhân  có  ý  nghĩa  lớn  trong  vieecjngawn chặn kịp thời hành vi xâm phạm đến hình ảnh của cá nhân, giúp khắc phục được một  phần hậu quả  về  vật  chất  cũng như  tinh  thần  cho  chủ  thể bị xâm  hạm, tạo điều kiện cho cá nhân yên tâm lao động và sáng tạo.

- Về  phía  nhà  nước  việc  bảo  vệ  quyền  của  cá  nhân  đối  với  hình  ảnh  góp  phần hiện  thực  hóa  nôi  dung  các  chủ trương, chính  sách  pháp luật  của  Nhà  nước  về bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, từ đó tăng cường lòng tin của nhân dân vào Nhà nước, vào quy định của pháp luật, để mọi người sống và thực hiện theo hiến pháp và pháp luật.

- Việc bảo vệ hình ảnh của cá nhán còn có ý nghĩa to lớn đối với xã hội đó là bảo đảm  trật  tự  xã  hội  và  giáo  dục  ý  thức  pháp  luật  làm  cho  mọi  người  tôn  trọng quyền đối với hình ảnh của cá nhân.

II. Quy định của pháp luật về quyền đối với hình ảnh của cá nhân

1. Quyền đối với hình ảnh của cá nhân trong BLDS 2005

Quyền  đối  với  hình  ảnh  cá  nhân  là  một  nội  dung  quan  trọng  trong quyền nhân thân  của  con người.  Quyền đối với hình  ảnh  của cá  nhân được quy định tại Điều 31 BLDS 2005 đã thể hiện sự tiến bộ của BLDS Việt Nam bởi lẽ không phải ở nước nào quyền của cá nhân đối với hình ảnh cũng được quy định cụ thể trong BLDS như vậy. Ngay như BLDS tiêu biểu nhất thế giới hiện nay là BLDS của Pháp cũng không có điều nào quy định về quyền đối với  hình  ảnh  của  cá  nhân  mà  quyền  này  chỉ  được  pháp  luật  Pháp  ghi  nhận thông qua án lệ. Điều 31 BLDS 2005 quy định: “1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; 2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng  ý;  trong  trường  hợp  người  đó  đã  chết,  mất  năng  lực  hành  vi  dân  sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác; 3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. 

Trong quy định này, BLDS 2005 đã bổ sung thêm một số nội dung mới so với BLDS 1995. Đó là việc quy định rõ việc sử dụng hình ảnh của người dưới 15 tuổi phải được cha, mẹ hoặc người đại diện của người đó đồng ý, nhằm điều chỉnh  hiện  tượng  một  số  lịch  in  hình  trẻ  em  mà  không  xin  phép.  Như  vậy, theo quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân tại Điều 31 BLDS 2005 thì về nguyên tắc cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Mỗi người đều có quyền cho hay không cho người khác sử dụng hình ảnh của mình. Nếu chưa được sự đồng ý mà sử dụng đã là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Trường hợp người trong ảnh đã chết hoặc mất trí, không chủ động quyết định được hoặc đối với hình ảnh của trẻ dưới 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con (đã thành niên) hoặc người đại diện của họ đồng ý. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 31 BLDS 2005, pháp luật còn nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự và uy tín của người có ảnh. 

Thông qua quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân tại Điều 31 BLDS  2005  có  thể  thấy  pháp luật  dân  sự  Việt  Nam  đã  thực  sự  thể  hiện  sự quan tâm, tôn trọng bảo vệ của pháp luật đối với hình ảnh của cá nhân.

2. Quyền đăng hình của báo chí

Theo Điều 4 Luật báo chí thì công dân có quyền được thông tin qua báo về tình hình mọi mặt của đất nước và thế giới. Tương ứng với quyền đó, báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực, làm diễn đàn ngôn luận của nhân dân. Trong  tác  nghiệp,  báo  chí  có  quyền  đăng  hình  để  chuyển  tải  thông  tin  tới người dân. Theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 133/HĐBT ngày 20/4/1992 của Hội đồng bộ trưởng, thì việc đăng, phát ảnh  người thật phải được chủ nhân hoặc người được giao quyền sử dụng đồng ý “trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao”. Có thể thấy quy định này theo xu hướng bảo vệ quyền hình ảnh rất chặt chẽ trong pháp luật Pháp: việc đăng phát hình ảnh không cần sự đồng ý của chủ nhân chỉ giới hạn trong các hoạt động chính thức và các sinh hoạt tập thể. Tuy nhiên, việc liệt kê đóng kín  các trường hợp này sẽ dẫn đến sự hạn chế đáng kể trong hoạt động của báo chí, mâu thuẫn với quyền được thông tin của công dân về mọi mặt của đời sống xã hội. Ví dụ như vụ sập cầu Cần Thơ thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước nhưng nếu  theo đúng quy định tại nghị định này thì báo chí không thể đưa hình ảnh về các nạn nhân để phản ánh mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn khi chưa được người đó hay người thân của người đó đồng ý.

Nhận thức được vấn đề này, Nghị định 21/2002/NĐCP ngày 26/4/2002 của Chính phủ đã điều chỉnh vấn đề này theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan báo  chí.  Khoản  3  Điều  5  của  nghị  định  này  quy  định,  báo  chí  “không  được đăng,  phát  ảnh  của  cá  nhân  mà  không  có  chú  thích  rõ  ràng  hoặc  làm  ảnh hưởng đến uy tín danh dự của cá nhân đó”, trừ một số trường hợp cụ thể Theo quy định này thì báo chí có quyền đăng ảnh của cá nhân mà không cần xin phép nhưng phải có ghi chú thích hợp và không làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Việc đăng, phát hình ảnh không hạn chế trong các sự kiện chính thức và hoạt động tập thể mà có thể bao gồm cả sinh hoạt hàng ngày  và  đời  sống  riêng tư. Khoản  3  Điều  5 nghị  định này  đã  chủ động loại bỏ yêu cầu phải có được sự đồng ý của chủ nhân hoặc người được giao quyền sử dụng hình ảnh. 

=>  Như  vậy  có  thể  thấy  rằng,  quy  định  trên  tại  khoản  3  Điều  5  Nghị định  21/2002/NĐ-CP  dường  như  không  phù  hợp  với  tinh  thần  của  BLDS 2005  về  quyền  đối  với  hình  ảnh  của  cá  nhân.  Dù  khoản  2  Điều  5  của  nghị định này nghiêm cấm việc đăng, phát hình ảnh khỏa thân có tính chất khiêu dâm hay hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam nhưng điều này không đủ để bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Việc pháp luật cho phép báo chí có quyền đăng phát hình ảnh về đời sống riêng tư mà không cần có sự đồng ý của người đó là  hoàn toàn không phù hợp với tinh thần  bảo  vệ  quyền  đối  với  hình  ảnh  của  cá  nhân  trong  BLDS  2005.  Chính những quy định này sẽ dẫn đến thực trạng báo chí có thể lợi dụng quyền này để xâm phạm bí mật đời tư, đăng phát những hình ảnh câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một số độc giả.

3. Phương thức bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân

Quyền  đối  với hình  ảnh  của  cá  nhân  là  một  trong những quyền  nhân thân quan trọng. Khác các quyền dân sự khác, quyền nhân thân thể hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống của cá nhân, đặc biệt có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của cá nhân. Mỗi hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người bị xâm phạm. Vì vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân trong trường hợp bị xâm phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có tác dụng kịp thời ngăn chặn các hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân, bảo đảm trật tự pháp lý xã hội và giáo dục ý thức pháp luật làm cho mọi người tôn trọng quyền nhân thân của cá nhân. Mặt khác, bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân tạo điều kiện thuận lợi cho các quyền nhân thân của cá nhân được thực hiện trên thực tế, khắc phục những hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt góp phần bảo đảm đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho cá nhân lao động và sáng tạo. Tuy vậy, quyền nhân thân của cá nhân có những điểm khác các quyền dân sự khác như không thể trị giá được bằng tiền, không thể chuyển giao cho người khác, trừ những ngoại lệ do pháp luật quy định… Vì vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân trong trường hợp bị xâm phạm có một số khác biệt với việc bảo vệ các quyền dân sự khác như các biện pháp bảo vệ được áp dụng đa dạng, việc khắc phục thiệt hại về quyền nhân thân bị xâm phạm trong một số trường hợp phải do chính những người hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân  thân  của  cá  nhân  phải  thực  hiện,  việc  bồi  thường  thiệt  hại  khắc  phục thiệt hại về quyền nhân thân không thể tính toán cụ thể, chỉ là tương đối và mang tính giáo dục là chủ yếu… Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân chịu sự ảnh hưởng rất lớn của cả các quy định pháp luật và những điều kiện xã hội. Để nâng cao được hiệu quả bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân  ngoài  góc  độ  pháp  lý  thì  vấn  đề  này  cũng  cần  phải  được  quan  tâm nghiên cứu, xem xét kỹ cả dưới góc độ xã hội.

Để đảm bảo cho quyền nhân thân nói chung và quyền đối với hình ảnh của cá nhân nói riêng được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh, thì pháp luật quy định: “Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: 

1. Tự cải chính;

2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;

3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại” (Điều 25 BLDS 2005)"

Theo quy định tại điều luật này thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm được áp dụng các biện pháp dân sự sau để bảo vệ quyền của mình như tự cải chính; yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

“Tự mình cải chính” là biện pháp biện pháp cho phép người có quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm kịp thời bảo vệ quyền của mình, hạn chế được hậu quả thiệt hại cả về vật chất và tinh thần do những tin tức không đúng ra gây ra.

“Yêu cầu người có vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm” là biện pháp bảo vệ quyền của cá nhân có thể áp dụng trong mọi trường hợp quyền đối với hình  ảnh  của  cá  nhân  bị xâm  phạm.  So  với  biện  pháp  tự  cải  chính  thì  biện pháp này được áp dụng trong một phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này thông thường chỉ có hiệu quả trong trường hợp người có hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân sớm nhận thức được hành vi trái pháp luật của họ. Nếu người có hành vi xâm phạm không nhận thức được hành vi trái pháp luật của họ thì người có quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm phải áp dụng biện pháp bảo vệ khác mới bảo vệ được quyền lợi của mình.

“Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm” cũng là biện pháp bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có thể áp dụng. Đây là biện pháp bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có hiệu quả cao vì sau khi nhận được yêu cầu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp đủ mạnh do pháp luật quy định buộc người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền đối với hình ảnh của cá nhân chấm dứt hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân đó. Trên thực tế, biện pháp này thường được người có hình ảnh cá nhân bị xâm phạm áp dụng trong trường hợp đã yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật nhưng không được đáp ứng. Trong các cơ quan Nhà nước áp dụng biện pháp dân sự thì Tòa án được xem là cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân thông qua việc yêu cầu Tòa án bảo vệ được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và đòi hỏi người có quyền với hình ảnh bị xâm phạm  yêu cầu Tòa án bảo vệ phải chứng minh được quyền đối với hình ảnh của mình bị xâm phạm và hành vi xâm phạm đó là trái pháp luật.

“Yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan, tổ  chức có  thẩm quyền  buộc  người  vi phạm bồi thường  thiệt  hại” là biện pháp bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân được thực hiện khi người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền này của cá nhân gây ra thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho họ. Nếu có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền đối với hình ảnh của cá nhân gây ra thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần  thì  cá  nhân  đó  có  quyền  yêu  cầu  người  có  hành  vi  trái  pháp  luật  bồi thường  thiệt  hại.  Nếu  người  có  hành  vi  trái  pháp  luật  đó  không  chịu  bồi thường thì người có quyền quyền đối với hình ảnh cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Như vậy có thể nhận thấy rằng, bảo vệ quyền nhân thân nói chung và bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân nói riêng có thể được chia thành hai phương thức, đó là: Tự bảo vệ và bảo vệ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm thì cá nhân đó có quyền lựa chọn biện pháp bảo vệ phù hợp để giúp cho việc bảo vệ quyền của cá nhân đạt được hiệu quả.

III. Thực tiễn.

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh tuy đã được pháp luật bảo hộ và quy định khá cụ thể trong BLDS năm 2005. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau trong những năm gần đay các hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh vẫn xảy ra  nhiều, khá đa dạng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của chủ thẻ bị xâm phạmhình ảnh nói riêng cũng như trật tự xã hội nói chung. 

Hình ảnh của cá nhân thuộc lĩnh vực riêng tư của mỗi người. Tuy nó không có gì bí mật, cần phải hạn chế sử dụng nhưng một khi muốn sử dụng những hình ảnh của cá nhân ai đó, nhất là sử dụng khai thác vào mục đích kinh doanh (như in lịch, in bìa sách, bao bì mẫu quảng cáo…) thì đều phải hỏi ý kiến “người chủ” hình ảnh đó (người thật có hình đó). Bởi về nguyên tắc, mọi  cá  nhân  đều  có  quyền  đối  với  hình  ảnh  của  mình.  Mỗi  người  đều  có quyền cho hay không cho người khác sử dụng hình ảnh của mình. Nếu chưa được sự đồng ý mà sử dụng đã là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Tuy nhiên trên thực tế việc sử dụng “chùa” hình ảnh của người khác vào mục đích kinh doanh lại khá phổ biến. Chúng ta không còn lạ gì với những biển quảng cáo của các cửa hàng áo cưới, băng đĩa hay thậm chí là cắt tóc, gội đầu…với hình ảnh của hoa hậu, diễn viên nổi tiếng tràn lan trên khắp các con phố. Và tất nhiên “nhân vật chính” của những bức ảnh đó không những không có  bất  cứ  một  mối  quan  hệ  nào  với  việc  kinh  doanh  đó  mà  thậm  chí  còn không hề được chủ kinh doanh hỏi xin phép (?). Đơn cử một trường hợp được một tờ báo mạng đưa bài: “Ban đầu đi trên đường Tam Trinh, tôi để ý thấy một cửa hàng trương biển café khá đặc biệt. Trong khi nhiều cửa hàng dọc phố này đều lấy hình một mỹ nữ bên Tây bên Tàu trương lên biển hiệu, thì cửa hàng café này lại dùng một ảnh chân dung rất nền nã, nhìn quen quen: Chiếc răng khểnh ấy không thể khác được là đương kim Hoa hậu Việt Nam, Mai Phương Thúy. So với bức ảnh của Thúy được công chúng biết đến rộng rãi thì y hệt, rõ ràng bức ảnh đã được dùng làm “mẫu” để vẽ biển hiệu quảng cáo. Đoán giá đoán non mãi không hiểu Thúy mở cửa hàng café hay có "mối liên hệ" nào đó với cái quán café bên con đường bụi bặm lắm xe tải này??? Hay  là,  họ  đã  “mượn”  bức  hình  đẹp  của  Thúy  để...quảng  cáo?  Chưa kịp hỏi Thúy, thì cửa hàng café này đã đổi biển hiệu, kinh doanh thêm dịch vụ "gội đầu, tẩm quất" nữa nhưng vẫn trương khuôn mặt thánh thiện của Mai Phương Thúy”.

Hay như gần đây, trên các trang báo mạng tràn lan một dịch vụ được cho là hot đối với các đấng mày râu khi chỉ cần nhắn “M***” và gửi tới một đầu số dịch vụ thì bất kỳ chủ thuê bao di động nào cũng có thể sở hữu bộ sưu tập những tấm hình “nóng” của các hoa hậu, diễn viên nổi tiếng hay  các  hotgirl…với  giá  15.000  đồng  (?).  Và  Mai  Phương  Thúy  lại  một  lần nữa trở thành nạn nhân của hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền đối với hình ảnh của mình.  Trao đổi với Zing.vn, Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy khẳng định cô không hề hay biết gì về chuyện ảnh của  mình được rao bán qua tin nhắn và cũng không hề có bất kỳ ai liên hệ với cô để xin phép kinh doanh những tấm hình đó. Tuy khá bất bình, nhưng hoa hậu khẳng định  sẽ  không  tự  mình  đưa  ra  những  giải  pháp  cho  vụ  việc,  mà  tỏ  ý  muốn những người có trách nhiệm sẽ quan tâm hơn đến vấn đề sử dụng hình ảnh sai mục đích: “Thúy thực sự không có thời gian để theo đuổi hay kiện cáo, cũng không hề có ý định muốn đòi chia lợi nhuận hay đòi bồi thường từ phía công ty kia dù Thúy hoàn toàn có thể. Bản thân Thúy cũng có nhiều việc phải lo và công việc từ thiện xã hội vẫn còn dang dở. Thúy chỉ muốn bài báo này khi đến được  với  bạn  đọc  thì  mọi  người  sẽ  thông  cảm  cho  Thúy  hơn.  Còn  về  phía công ty kia, Thúy nghĩ họ tự biết mình đã làm đúng hay sau để dừng việc họ đang làm và bạn đọc sẽ có cái nhìn công tâm về vấn đề này, vì nó vốn dĩ đã quá phổ biến ở Việt Nam. Thúy mong muốn các các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp không để việc như thế này xảy ra nữa.

Trên đây chỉ là một số trong vô vàn những hành vi xâm phạm quyền đối với hình  ảnh  của  cá nhân.  Việc  xâm  phạm  này  đang  ngày  càng  trở nên phổ  biến  và  đối  tượng  thường  được  nhắm  tới  là  hình  ảnh  cá  nhân  của  các nhân vật có tiếng tăm trong làng giải trí. Tuy nhiên cũng qua thực trạng này cũng có thể nhận thấy rằng, có lẽ người Việt Nam còn quá “e dè” trong việc yêu cầu pháp luật bảo vệ quyền lợi của mình thông qua thủ tục kiện cáo. Phải chăng họ  còn  e  ngại  rằng  chỉ  tổ  tốn thời  gian,  tiền  bạc để  rồi  sự  việc  cũng chẳng đi  đến đâu?  Đây  có  lẽ  là  suy  nghĩ phổ biến  của đại đa số, tuy  nhiên không phải là tất cả. Dù ít nhưng vẫn có những trường hợp sau khi quyền về hình ảnh của cá nhân mình bị xâm phạm, đã quyết định đòi lại công lý cho mình! Đó là vụ việc:  “Đầu năm 2004, gia đình bé Minh Khôi kiện Công ty Biti’s, đòi bồi thường thiệt hại 154 triệu đồng vì Biti’s xài trái phép ảnh của bé Minh Khôi in trên bìa lịch, tập quảng cáo. Tháng 9-2004, TAND quận 6 (TP.HCM) buộc Biti’s phải xin lỗi công khai gia đình bé Khôi, chấm dứt vô điều kiện việc sử dụng trái phép hình ảnh của bé và bồi thường gần ba triệu đồng” hay như vụ việc “Tháng 12-2004, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Trí phát hiện bức ảnh in trên tờ vé số An Giang chính là tấm ảnh có tên “Hoa sen” mà ông  chụp  ở  Đồng  Tháp  Mười.  Ông  Trí  đã  hỏi  Công  ty  Xổ  số  kiến  thiết  An Giang và Công ty cổ phần In An Giang, được các nơi này cho biết lấy bông sen trên đĩa  vi  tính, không  đề  tên  tác giả  nên  không biết  và  “mong  tác giả thông  cảm”!”.  Và  một  vụ  việc  khác:  “Tháng  4-2006,  luật  sư  Phạm  Thành Long khiếu nại sân bay Tân Sơn Nhất dùng bức ảnh “Áo dài” của ông làm pano ở đường vào sân bay. Bức ảnh này được ông chụp nhân ngày khai giảng tại cổng trường Trần Phú (Hà Nội), sau đó được công bố lần đầu vào ngày 6-9-2004 trên mạng. Ông đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với bức ảnh tại Cục Bản quyền (Bộ Văn hoá – Thông tin). Trước đó, bức ảnh từng bị…“xài chùa”  14  lần  khiến  ông  phải  khiếu  nại  nhiều  tờ  báo  và  doanh  nghiệp.  Kết quả, một doanh nghiệp của Nhật đã phải bồi thường…”. 

Qua những trường hợp trên đây, có thể nhận thấy rằng, sử dụng “chùa” hình ảnh của cá nhân đang ngày càng trở lên phổ biến và dần trở thành thói quen của nhiều người. Trên thực tế, khi sử dụng hình ảnh của cá nhân khác, cùng lắm người nào “biết điều” cũng chỉ hỏi ý kiến của người sáng tác (chụp, vẽ ảnh) chứ ít khi chịu tìm đến hỏi ý kiến của “nhân vật trong ảnh”. Bởi người ta vẫn thường đinh ninh rằng người có hình ảnh được sử dụng để “lăng – xê” mình trước xã hội đã là…“khoái” lắm rồi, cần gì phải hỏi ý kiến! Nhưng một khi chuyện đã lỡ rồi, người có hình ảnh đó lại tìm cách làm khó dễ, việc xin lỗi không thôi chưa đủ!!! Vậy đặt ra một thực tế là, nếu cá nhân khởi kiện lên Tòa án yêu cầu buộc người xâm phạm hình ảnh phải bồi thường thì mức bồi thường sẽ được xác định như thế nào? Về vấn đề này, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một văn bản nào hướng dẫn, cho nên mạnh ai người ấy đòi, đòi cho bằng thích,  đến  khi  vụ việc  phải  kéo nhau  đến  toà  án  thì  toà cũng  chỉ theo thông lệ là… “việc dân sự muốn xử sao cũng được”! . Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc xác định mức bồi thường cho các hành vi xâm phạm của mỗi Tòa lại một khác. Các tòa án thường căn cứ vào giá trị sử dụng hình ảnh trong việc kinh doanh mà buộc người sử dụng hình ảnh của người khác trái phép phải thanh toán một khoản tiền có thể là vài triệu đồng, vài chục triệu và cũng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Việc sử dụng “chùa” hình ảnh cá nhân của người khác đã trở thành một thói quen “khó sửa” của một đại bộ phận thành viên trong xã hội. Sử dụng hình ảnh của cá nhân mà chưa xin phép là vi phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân. Pháp luật nghiêm cấm những hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân dù việc xâm phạm đấy có gây ảnh hưởng đến người bị xâm phạm hình ảnh hay không. Có thể thấy rằng, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân như những trường hợp vừa nêu thường chỉ gây khó chịu cho người bị người khác sử dụng hình ảnh hoặc chỉ gây những hiểu lầm nhỏ. Nhưng trên thực tế, có những trường hợp việc sử dụng hình ảnh cá nhân lại có tác  động xấu đến cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống của không chỉ cá nhân mà còn là gia đình và người thân. Đó là việc chụp ảnh, đưa tin khi cá nhân đó chẳng may phải “hầu tòa”. Trên thực tế, những người “ra tòa” dù với vai trò bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay nguyên đơn, bị đơn... đều cảm thấy “không tiện” hoặc “không hay lắm” nếu xuất hiện hình ảnh của mình trên báo chí. Ở nhiều phiên tòa, thường các đương sự luôn quay sang hướng khác hoặc cúi đầu, lấy tay che mặt mỗi khi có người cầm máy ảnh chĩa về phía mình. Đôi khi ánh mắt họ như năn nỉ người phó nháy hãy “bỏ qua” cho họ. Nhiều người cho rằng bài báo tường thuật phiên tòa mà thiếu hình ảnh của bị cáo rõ ràng thiếu đi sự sinh động, hấp dẫn. Bởi hình ảnh là một phần không thể thiếu trong bất cứ vụ việc “có thật” và “đang diễn ra” nào. Thực tế này xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam, bởi tuy BLDS 2005 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình” và “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”.  Nhưng Luật báo chí lại thừa nhận  quyền  được  tự  do  quay  phim,  chụp  hình  trong  các  phiên  tòa  được  tổ chức công khai. Chính bởi sự mâu thuẫn này của pháp luật, đã dẫn đến tình trạng, hình ảnh của cá nhân khi họ không may phải “hầu tòa” cũng được sử dụng  tràn  lan  trên  các  mặt  báo,  trên  truyền  hình.  Vậy  chẳng  nhẽ  khi  chẳng may phải “hầu tòa” (dù với vai trò là bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn…) thì cá nhân đó không còn có quyền đối với hình ảnh của cá nhân(?) Thực tế cho thấy  rằng,  việc  sử  dụng  hình  ảnh  của  cá  nhân  trong  những  trường  hợp  này không những gây khó chịu cho những người bị xâm phạm hình ảnh cá nhân mà việc đăng hình ảnh của họ chẳng khác nào đóng thêm “dấu đen” lên cuộc đời  của  họ,  khiến  con  đường  hoàn  lương  đôi  lúc  gặp  gập  ghềnh.  Một  thân nhân của bị cáo than thở: “Chồng tôi có chút sai lầm, giờ báo chí đăng hết lên. Cả dòng họ tôi biết, chòm xóm nhìn gia đình tôi với ánh mắt khác. Mai mốt chắc phải... bỏ xứ mà đi”. Hay như mấy ngày qua, cư dân mạng xôn xao trước sự xuất hiện của clip dài 1,5 phút ghi lại cảnh hai phụ nữ và một thanh niên xăm trổ ở ngực trong tình trạng không mảnh vải che thân đang ngồi trên giường. So với nhiều clip từng được tung lên các diễn đàn thì những hình ảnh trong clip này không có gì quá đặc biệt, nhưng nó lại trở thành đề tài gây xôn xao, phẫn nộ trong dư luận, bởi được cho là clip được quay lại trong quá trình thực hiện bắt quả tang một vụ mua bán dâm do một công an tỉnh Quảng Ninh ghi  hình  lại.  Và  nó  cũng  được  phát  tán  trên  internet  với  tốc  độ  chóng  mặt. Hành vi phát tán clip này đã xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân, gây  ảnh  hưởng  nghiêm  trọng  đến  nhân  phẩm,  danh  dự  của  những  người  có mặt  trong  đoạn  clip,  đặc  biệt  là  hai  cô  gái.  Quyền  về  hình  ảnh  cá  nhân  đã được  ghi  nhận  tại  Bộ  luật  Dân  sự.  Điều  31  BLDS  quy  định  “Việc  sử  dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Luật cũng “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Trong trường hợp clip bắt gái mại dâm, hai cô gái nạn nhân hoàn toàn có quyền yêu cầu những cán bộ công an đã quay phim chụp ảnh mình dừng ngay hành vi vi phạm sau đó có thể yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Như chúng ta đã biết trong những trường hợp vi phạm pháp luật hình sự, bị toà án kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật thì các bị can, bị cáo, bị án, thậm chí là bị án tử hình chỉ bị tước một số quyền, họ vẫn được pháp luật của Nhà nước bảo đảm để không bị xúc phạm về thân thể cũng như nhân phẩm, danh dự. Trong khi đó hành vi mua bán dâm chỉ là hành vi vi phạm hành chính thì lẽ nào quyền về hình ảnh cá nhân của họ lại không được tôn trọng và bảo vệ. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì không ai có quyền sử dụng hình ảnh cá nhân của họ khi chưa được sự đồng ý của họ. Mà thậm chí ngay cả khi clip này  không được  tung lên  mạng  thì việc quay  phim,  chụp  ảnh  lại  mà  không cho các cô gái được mặc quần áo đã là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm cần phải bị xử lý. 

Qua đây có thể nhận thấy, việc sử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân trong trường hợp này đã gây ra một hậu quả vô cùng to lớn. Nó không những ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự, công việc, cuộc sống của bản thân người có hình ảnh bị xâm phạm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những  người  thân  của  họ.  Phải  chăng  qua  thực  tế  này,  pháp  luật  cũng  cần nhanh chóng có những quy định phù hợp, khắc phục những mâu thuẫn trong quy định của pháp luật này để quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình được tôn trọng và bảo vệ.

IV. Hướng khắc phục.

“Mọi người được làm những gì mà pháp luật không cấm”. Đây được xem  là  nguyên  tắc  cơ  bản,  chỉ  đạo  việc  thực  hiện  pháp  luật  của  nước  ta. Những quy định cần rõ ràng, chặt chẽ, có tính răn đe cao để các chủ thể hình thành “thói quen tôn trọng” quyền đối với hình ảnh của cá nhân chủ thể khác. Vì vậy mà để khắc phục được tình trạng xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân thì cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung để những quy định về vấn đề này được chặt chẽ và có tính khả thi cao.

Quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân tại Điều 31 BLDS khá cụ thể nhưng vẫn còn không ít hạn chế:

Thứ nhất, Điều 31 BLDS không miễn trừ việc xin phép khi sử dụng ảnh chụp phong cảnh hay các buổi tụ tập đông người (biểu tình, tuần hành, hội họp) vì vậy thực tiễn đặt ra một vấn đề là nếu muốn công bố một bức ảnh có bao nhiêu khuôn mặt người khác trong đó thì phải đi hỏi ý kiến của từng ấy người cho phép mới được hay sao. Nếu ảnh chụp chung cả Quốc hội thì phải xin phép bao nhiêu người(?). Hay giả sử khi sử dụng ảnh cụ Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp chụp cuối thế kỷ XIX thì kiếm đâu ra hậu duệ của cụ để xin  phép  (?)...Theo  quan  điểm  của  Nguyên  Bộ  trưởng  Bộ  Tư  pháp  Nguyễn Đình Lộc cho rằng: “Quy định như thế là chặt chẽ. Nhưng theo tôi, đúng là phải tính đến tính khả thi. Hình ảnh trong sinh hoạt bình thường, chẳng hạn tường thuật về một hội thảo nào đó, mình lên phát biểu, người ta chụp đưa lên báo thì cũng phải xin phép à? Hoặc trong sinh hoạt nào đấy có hình ảnh cá  nhân như  lễ  hội, mít  tinh... thì như  thế  nào?  Thật  ra  chỉ  nên  quy định  là cần phải xin phép đối với việc sử dụng hình ảnh thuộc về đời tư của người ta. Bộ  luật  Dân  sự  hiện  hành  cũng  đã quy định  rồi  nhưng  chưa nghiêm”.  Cho nên thiết nghĩ để những quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân được mọi chủ thể tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện thì luật nên có quy định rõ ràng  hơn  về  những  trường  hợp  nào  sử  dụng  hình  ảnh  cá  nhân  cần phải xin phép (như sử dụng hình ảnh vào mục đích thương mại hay việc sử dụng hình ảnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm…) và cũng nên quy định thời hiệu đối với việc phải xin phép khi sử dụng hình ảnh của cá nhân. 

Thứ hai, Điều 31 BLDS chỉ điều chỉnh hành vi “sử dụng” hình ảnh của người khác mà không điều chỉnh hành vi “ghi hình”. Đây là một khoảng trống đáng lo ngại của pháp luật Việt Nam, bởi ngay khi bị ghi hình thì cá nhân đã mất đi một phần quyền định đoạt đối với hình ảnh của mình. Hơn nữa, trong điều kiện các trang thiết bị ghi hình ngày càng phổ biến ở Việt Nam thì nguy cơ bị chụp trộm, quay phim trộm ở những nơi nhạy cảm như nhà nghỉ, nhà tắm hày buồng thử quần áo cao hơn bao giờ hết. Nhưng do pháp luật dân sự không  quy  định  hành  vi  “ghi  hình”  hình  ảnh  cá  nhân  của  người  khác  là  vi phạm pháp luật nên nếu không thể chứng minh được người “ghi hình” những hình ảnh đó đã phát tán các hình ảnh này thì không thể truy cứu trách nhiệm dân  sự  theo  Điều 31  BLDS  hay  trách nhiệm  hình sự  theo  Điều  121  và  226 BLHS. 

Thứ ba, Quy định về quyền về hình ảnh của cá nhân tại Điều 31 BLDS có  quy  định:  “…sử  dụng  hình  ảnh  của  cá  nhân  phải  được  người  đó  đồng ý…”, tuy nhiên trong trong thực tế chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp việc báo chí tự do đưa tin có kèm hình ảnh của bị cáo tại phiên tòa. Việc đăng bài có kèm hình ảnh của bị cáo mô hình chung sẽ trở thành “vết đen” trong cuộc đời của bị cáo, sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc làm ăn, uy tín, danh dự của bản thân, gia đình và dòng họ (dù sau đó họ có trắng án). Theo quy định tại Điều 28, 36, 37, 38 và 39 Bộ luật hình sự thì chỉ hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền dân dự của bị can, bị cáo như: cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định, cấm đi khỏi nơi cư trú... Không có quy định nào tước bỏ quyền đối với hình ảnh của một người, dù người đó là kẻ phạm tội. Những điều kể trên lại mâu thuẫn với quy định về quyền hạn của nhà báo được quy định trong nghị định số 51/NĐCP/2002 của chính phủ: Nhà báo “Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp” (khoản 3 điều 8 nghị định số 51/NĐCP/2002 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí) . Phải chăng theo những quy định này của pháp luật thì những bị cáo khi ra tòa không có quyền đối với hình ảnh của cá nhân (?). Theo quan điểm của bản thân thì đây là một quy định còn thiếu tính chặt chẽ và mâu thuẫn của pháp luật Việt Nam. Nên chăng, về vấn đề quyền  đối  với  hình  ảnh  của  cá  nhân  nên  được  pháp  luật  quan  tâm  hơn  và  có những sửa đổi phù hợp để việc bảo đảm thực hiện quyền này của cá nhân được thực hiện nghiêm chỉnh và bảo đảm. 

Về quy định về phương thức bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân, quy định tại điều 25 BLDS lại bộc lộ một hạn chế, đó là trong trường hợp cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm đã chết mà việc xâm phạm đến hình ảnh của cá nhân đó lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người thân còn sống của cá nhân đó. Vậy khi đó, ai sẽ có thể thay cá nhân đó thực hiện những phương thức để bảo vệ quyền đối với hình ảnh khi mà luật chỉ quy định quyền đó cho cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm? Nên chăng cần sửa đổi đổi theo chiều hướng không chỉ có cá nhân có quyền đối với hình ảnh bị xâm phạm mà ngay cả những người thân thích của cá nhân đó cũng  có  các  quyền  theo  quy  định  của  Điều  25  BLDS  trong  trường  hợp  cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm chết.

Khi có hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân xảy ra, thì  theo  quy  định  của  pháp  luật,  thì  cá  nhân  có  hành  ảnh  bị  xâm  phạm  có quyền yêu cầu người xâm phạm phải xin lỗi, cải chính và bồi thường…Tuy nhiên về vấn đề mức bồi thường thì  cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một văn bản nào hướng dẫn, cho nên mạnh ai người ấy đòi, đòi cho bằng thích, đến khi vụ việc phải kéo nhau đến toà án thì toà cũng chỉ theo thông lệ là…“việc dân sự muốn xử sao cũng được”!!! . .Các tòa án thường căn cứ vào giá trị sử dụng hình  ảnh trong  việc kinh doanh  mà  buộc người sử dụng  hình ảnh của người khác trái phép phải thanh toán một khoản tiền có thể là vài triệu đồng, vài  chục  triệu  và  cũng  có  thể  lên  đến  hàng  trăm  triệu  đồng.  Thiết  nghĩ,  để quyền của mỗi cá nhân đối với hình ảnh của mình được tôn trọng và không bị xâm phạm thì pháp luật cũng nên đề ra những chế tài phù hợp với mức độ xâm phạm nhưng cũng phải đủ sức răn đe. Nên nhanh chóng có một văn bản quy định về các mức phạt trong từng trường hợp vi phạm  cụ thể (mức hình phạt nên căn cứ vào mục đích sử dụng hình ảnh, mức độ gây ảnh hưởng đến chủ thể có hình ảnh bị xâm phạm…).

Link download bài 1: Link - bài 2: Link



Thông tin đăng ký học bổng tiếng Anh khóa cơ bản - Quỹ học bổng văn phòng luật sư LOSEBY dành cho sinh viên chuyên ngành Luật: link.

Like Share nếu bạn thấy thông tin hữu ích nhé!

No comments:

Post a Comment