Lời chủ blog:
Chào các bạn!
Sau 1 tuần gửi tài liệu tiếng Anh cho các bạn, mình rất vui vì được nhiều bạn add friend, cảm ơn và trò chuyện với mình. Nhưng đồng thời mình thấy rằng sinh viên trường mình còn rất nhiều bạn mông lung về chuyện học và thi tiếng Anh như thế nào trong 4 năm ĐH. Còn quá nhiều vấn đề mà các bạn chưa rõ, chưa hay mà cũng chưa biết hỏi ai.Mình thì không thể trả lời các vấn đề này một cách quá chuyên nghiệp được, nhưng may mắn là cùng khóa của mình (k34) có một cô bạn học rất tốt tiếng Anh. Cô bạn này đã từng tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm luyện thi, cách học,... tất tần tật mọi vấn đề các bạn quan tâm về kì thi TOEIC tại trường mình. Hôm qua mình đã gửi một số câu hỏi mà các bạn hay thắc mắc nhất cho cô bạn đó. Các bạn có thể theo dõi phần trả lời dưới đây nhé!À quên, bạn nào có thắc mắc gì ngoài những câu hỏi được trả lời dưới đây, các bạn có thể gửi tin nhắn facebook cho mình. Bạn nào muốn làm quen với cô bạn kia cũng bảo mình nhé, mình sẽ cho link facebook :vCảm ơn các bạn đã ghé thăm blog!Diệp Hân Đặng (Facebook: Diệp Hân Đặng)
NHỮNG THẮC MẮC PHỔ BIẾN CỦA HLU-ERS
VỀ VIỆC HỌC TIẾNG ANH
Các em sinh viên Luật thân mến,
Hôm qua, chị nhận được rất nhiều câu hỏi của các em sinh viên Luật hỏi về thông tin các chứng chỉ tiếng Anh, cách học tiếng Anh và lộ trình học tập đúng đắn. Nhân đây chị cũng xin trả lời các em, bằng kinh nghiệm của bản thân mình, là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội và có quá trình học tập tiếng Anh lâu dài, đã từng học cả 3 loại chứng chỉ tiếng Anh quốc tế phổ biến, hi vọng sẽ mang lại một chút thông tin cần thiết cho các em:
1. Sinh viên Luật nên học tiếng Anh từ lúc nào và việc học có cần thiết không?
Với câu hỏi này thì chị xin trả lời chắc chắn rằng bất cứ sinh viên nào cũng cần phải học tiếng Anh. Về tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với sinh viên nói chung thì có lẽ chị không cần thiết phải nói thêm ở bài viết này.
Bên cạnh đó, chị lại được nghe rất nhiều những câu hỏi, những lời tâm sự của các em sinh viên khóa dưới về sự chần chừ và lúng túng trong việc xác định mục tiêu tương lai. Chắc hẳn với rất nhiều em sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm Nhất vẫn còn có tư tưởng “Học Luật khó xin việc, học Luật xong không biết làm gì”. Đấy cũng chính là suy nghĩ của chị 4 năm trước khi bước những bước chân đầu tiên qua cánh cổng trường Đại học Luật Hà Nội.
Tuy nhiên, sau 4 năm học tập tại đây chị nhận ra một điều thực sự rất sâu sắc, cơ hội dành cho sinh viên Luật rất rất nhiều, quan trọng là các em có đủ điều kiện bản thân để nắm bắt hay không. Trong quá trình học, nếu để ý trên bảng tin sinh viên hoặc bảng tin của các văn phòng khoa, các em sẽ bắt gặp rất nhiều mẩu thông tin tuyển dụng, tuyển sinh viên học việc tại các công ty Luật lớn, nhỏ, các học bổng nước ngoài dành cho sinh viên ĐH Luật Hà Nội. Các cơ hội này đến rất nhiều, và nếu để ý hơn chút nữa các em sẽ thấy, hầu hết các cơ hội này được dành cho các bạn khá hoặc giỏi ngoại ngữ. Vậy đấy, nếu các em còn đang chần chừ về việc học ngoại ngữ thì cũng chính là các em đang chần chừ mở cánh cửa cơ hội của chính mình.
Hãy luôn nghi nhớ công thức
“THÀNH CÔNG = KIẾN THỨC LUẬT + NGOẠI NGỮ + CƠ HỘI”.
CƠ HỘI đến rất nhiều, KIẾN THỨC LUẬT được củng cố hàng ngày bằng bài học của các thầy cô, vậy thì các em chỉ còn cách THÀNH CÔNG một rào cản duy nhất là NGOẠI NGỮ. Hãy lên kế hoạch học tập ngoại ngữ ngay từ năm đầu tiên. Hãy xác định việc học ngoại ngữ không chỉ để phục vụ công việc sau này mà còn để nắm bắt các cơ hội hiện hữu ngày càng nhiều ngay khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường!
2. Em nên học chứng chỉ TOEIC, IELTS hay TOEFL? Chứng chỉ TOEFL và IELTS khó hơn TOEIC nên chắc được đánh giá cao hơn đúng không?
Đây là câu hỏi mà chị bắt gặp rất nhiều ở các em sinh viên, kể cả các em sinh viên năm nhất đến các em sinh viên năm tư chuẩn bị ra trường đi làm. Việc xác định tầm quan trọng của mỗi loại chứng chỉ và quyết định theo học chứng chỉ nào gần như là việc đầu tiên trong lộ trình học tập của các em.
Nhân đây chị xin trả lời về sự giống và khác nhau của 3 chứng chỉ nói trên:
- Giống nhau: Cả 3 chứng chỉ trên gần như là 3 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế phổ biến nhất. Vì là chứng chỉ quốc tế nên nó được công nhận giá trị trên toàn thế giới và được đánh giá cao hơn so với các chứng chỉ tiếng anh trong nước. Để được cấp chứng chỉ, các em phải đến thi ở các đơn vị khảo thí được ủy quyền tại Việt Nam như Hội đồng Anh, IDP (với chứng chỉ IELTS), IIG Vietnam, Languagelink (với chứng chỉ TOEIC)…
- Khác nhau: Khác nhau cơ bản của 3 chứng chỉ trên chính là mục đích và đối tượng người học.
+ Đối tượng chính của người học TOEIC là sinh viên và người đi làm vì đây là chứng chỉ được các nhà tuyển dụng sử dụng nhiều để đánh giá trình độ tiếng Anh của các ứng viên. Sở dĩ nói đây là chứng chỉ dành cho người đi làm vì các kiến thức và kĩ năng trong bài thi TOEIC xoay quanh bối cảnh công sở. Chính vì vậy mục đích của người học TOEIC chính là phục vụ cho công việc trong hiện tại và tương lai.
+ Đối tượng của người học IELTS và TOEFL là những người có kế hoạch đi du học hoặc đi sâu nghiên cứu các vấn đề học thuật. Kiến thức trong hai bài thi này khá chuyên sâu vào từng lĩnh vực. Bối cảnh trong hai bài thi này cũng thường là các vấn đề thời sự, các kiến thức chuyên ngành được đánh giá dựa trên bốn kĩ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết. Như vậy, đối tượng của chứng chỉ IELTS và TOEFL là những người có kế hoạch du học hoặc phục vụ công việc nghiên cứu chuyên sâu.
Về độ khó, chứng chỉ IELTS và TOEFL đánh giá trình độ của người thi dựa trên cả 4 kĩ năng toàn diện: Nghe-Nói-Đọc-Viết, còn bài thi TOEIC trước đây chỉ dựa trên 2 kĩ năng là Nghe và Đọc. Tuy nhiên, hiện tại Cấu trúc bài thi TOEIC mới đã được thay đổi, kĩ năng Nói và Viết đã được đưa vào nhằm giúp người học và người thi đánh giá được toàn diện khả năng tiếng Anh của mình. Không thể phủ nhận kiến thức trong bài thi IELTS và TOEFL có phần khó hơn TOEIC vì đó là các kiến thức, từ vựng khá chuyên sâu và học thuật nên việc ôn luyện để thi hai chứng chỉ này cũng đôi phần khó hơn việc học và thi TOEIC.
Tuy vậy, các em cần phải căn cứ vào mục đích của mình để lựa chọn loại chứng chỉ tiếng Anh phù hợp với mình nhất nhé.
3. Em gần như chưa biết gì về tiếng Anh thì nên học Giao tiếp trước hay Ngữ pháp trước?
Mục đích cuối cùng của việc học tiếng Anh là việc sử dụng, ứng dụng được tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Cho dù các em có trang bị cho mình một hay nhiều chứng chỉ quốc tế đi nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn là mình phải sử dụng được nó để hỗ trợ cho công việc, cho giao tiếp hàng ngày. Chính vì thế Giao tiếp giỏi tiếng Anh, phát âm chuẩn tiếng Anh là phần vô cùng quan trọng và gần như là đích đến cuối cùng, khi các em đã có nền tảng tiếng Anh vững chắc. Theo kinh nghiệm bản thân chị, việc học giao tiếp tiếng Anh là cả một quá trình dài, đòi hỏi các em phải học và luyện tập không ngừng mới mong đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu nền tảng tiếng Anh của các em không tốt thì quá trình này còn kéo dài hơn nữa, vì các em sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc bập bẹ tiếng Anh, nói các câu chưa đúng ngữ pháp, sử dụng từ chưa đúng ngữ cảnh. Trước khi học Giao tiếp, các em nên dành một chút thời gian để củng cố lại hệ thống ngữ pháp, trang bị từ vựng thì lúc đó, việc học giao tiếp chính là sử dụng những kiến thức các em đã học vào thực tiễn, sẽ hiệu quả và đỡ mất thời gian hơn.
4. Em cần chuẩn bị những gì về tiếng Anh trước khi ra trường đi làm?
Có 2 thứ em cần phải chuẩn bị trước nhà tuyển dụng để thể hiện khả năng tiếng Anh của em, đó là:
- Một chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu của đa phần các nhà tuyển dụng (tốt nhất nên là một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vì loại chứng chỉ này được công nhận rộng rãi và đánh giá cao hơn).
- Kĩ năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh thành thạo
5. Để chuẩn bị cho những mục tiêu đó, lộ trình học tập tiếng anh xuyên suốt 4 năm đại học của em nên như thế nào?
Nếu như em đã có nền tảng tiếng Anh thì lộ trình học tập của em nên thực hiện qua các giai đoạn sau:
- Xác định chứng chỉ tiếng Anh sẽ học và luyện thi chứng chỉ đó
- Tiếp theo: Học Tiếng Anh Giao tiếp
Nếu như em bắt đầu từ con số 0, như đa phần các bạn sinh viên Luật, thì lộ trình của em như sau:
- Xác định chứng chỉ tiếng Anh sẽ học
- Tiếp theo: Ngữ pháp – Từ vựng cơ bản cho người mới bắt đầu
- Tiếp theo: Luyện thi Chứng chỉ
- Cuối cùng: Học Tiếng Anh Giao tiếp
Như vậy, việc học tập thành công tiếng Anh trải qua khá nhiều giai đoạn, chính vì vậy các em hãy bắt tay ngay vào học tập tiếng Anh càng sớm càng tốt nhé!
Chị biết các em còn nhiều câu hỏi khác. Các em cứ gửi câu hỏi qua facebook cho chị. Chị sẽ trả lời. Đừng ngại nhé ^^
Chị Hà
No comments:
Post a Comment