02/11/2013
Bài tập cá nhân Luật Hiến pháp: Phân loại Hiến pháp
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, nó xác định những điều cơ bản nhất, quan trọng nhất của nhà nước và xã hội như chính trị, kinh tế- xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hiện nay trên thế giới có khoảng 190 nước có Hiến pháp và sự hiện diện của Hiến pháp được xem là dấu hiệu pháp lý không thể thiếu của một nhà nước dân chủ hiện đại. Trên thực tế, ở mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ,  Hiến pháp có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào các nguyên tắc khác nhau.

1. Căn cứ vào bản chất của Hiến pháp  thì Hiến pháp được chia thành Hiến Pháp Tư sản và Hiến pháp Xã hội chủ nghĩa.

- Hiến pháp tư sản là hiến pháp của nhà nước tư sản hay các nước phát triển theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Nó có đặc điểm là đều trực tiếp hay gián tiếp tuyên bố bảo vệ quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, quyền sở hữu tư nhân là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hiến pháp tư sản tập trung nói về ba cơ quan Nhà nước- Quốc Hội (lập pháp), Chính Phủ(hành pháp) và tòa án xét xử(tư pháp) theo xu hướng công nhận học thuyết “Tam quyền phân lập”

- Hiến pháp XHCN vì ra đời sau nên đã tiếp thu những hạt nhân dân chủ của hiến pháp tư sản tuy nhiên vẫn có đặc điểm khác: Trong tổ chức bộ máy nhà nước phủ nhận học thuyết “Tam quyền phân lập”, áp dụng nguyên tắc tập trung thống nhất vào Quốc Hội; Thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn thể nhân dân mà đặc biệt là các cơ quan dân cử, cơ quan đại diện trong nền dân chủ XHCN. Hiến pháp XHCN ghi nhận khẳng định và củng cố các quan hệ sản xuất mà nó có nhiệm vụ bảo vệ, đó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, ghi nhận và củng cố các nguyên tắc cơ bản của đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc XHCN, đường lối đối ngoại hòa bình hợp tác, hữu nghị giữa các dân tộc thể hiện tính chất nhân đạo. tính nhân văn sâu sắc của chế độ mới đồng thời ghi nhận, khẳng định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xác định một cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Căn cứ vào thủ tục sửa đổi, thông qua Hiến pháp thì Hiến pháp được chia thành Hiến pháp cương tính và Hiến pháp nhu tính.

- Hiến pháp cương tính là hiến pháp có những ưu thế đặc biệt được phân biệt giữa quyền lập hiến, quyền nguyên thuỷ với quyền lập pháp, quyền được thiết lập từ quyền nguyên thuỷ. Hiến pháp với những ưu thế của mình phải được một cơ quan đặc biệt thông qua gọi là quốc hội lập hiên, đồng thời trình tự thông qua từ đầu đến các lần sửa đổi bổ sung trong qua trình thực thi hiến pháp được tiến hành theo một thủ tục đặc biệt và khá phức tạp

- Hiến pháp nhu tính: Là hiến pháp có thể sửa đổi hay được sửa đổi bới chính cơ quan lập pháp theo thủ tục thông qua các đạo luật bình thường. Nói như thế có nghĩa là Hiến pháp không có tính ưu thế, không có sự phân biệt đẳng cấp giữa hiến pháp và các đạo luật khác mặc dù đối tượng điều chỉnh của chúng có tầm đặc biệt khác nhau

3. Căn cứ vào hình thức thể hiện thì Hiến pháp được chia thành Hiến pháp thành văn và Hiến pháp không thành văn.

- Hiến pháp thành văn chiếm tuyệt đại đa số hiến pháp của các nước trên thế giới. Các quy định của hiến pháp được viết thành văn bản nhất định, thường hết sức ngắn gọn, dễ đọc và dễ hiểu. Bản Hiến pháp nhất thiết phải được nhà nước tuyên bố hoặc ghi nhận là đạo luật cơ bản của nhà nước. Ví dụ như Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1992.

- Hiến pháp không thành văn là tổng thể các văn bản pháp luật, các quy phạm pháp luật được hình thành theo tập tục truyền thống, các án lệ tòa án tối cao có liên quan đến việc tổ chức quyền lực nhà nước, nhưng không được tuyên bố hoặc công nhận là đạo luật cơ bản của nhà nước. Hiện nay chỉ có 3 nước có hiến pháp không thành văn là Anh, New Zealand và Isarael

4. Căn cứ vào tính chất, nội dung của các quy định chưa đựng trong Hiến pháp thì gồm có Hiến pháp hiện đại và Hiến pháp cổ điển (có thể gọi đây là cách phân loại theo thời gian).

- Híên pháp hiện đại bao gồm phần lớn các Hiến pháp được thông qua sau chiến tranh thế giới lần 1 và lần 2 qua đi. Chức năng chủ yếu là bảo vệ, củng cố địa vị giai cấp tư sản( như các bản Hiến pháp của Đức, Áo, Bỉ…). Sau chiến tranh thế giới lần 2, nhiều Hiến pháp được thông qua với việc khẳng định độc lập chủ quyền của nhiều dân tộc thoát khỏi ách thống trị của các đế quốc thực dân. Phần lớn cá bản Hiến pháp này vẫn còn giá trị pháp lý đến tận bây giờ.

- Hiến pháp cổ điền là hiến pháp được thông qua từ lâu trong những điều kiện khác xa ngày nay. Nhưng những hiến pháp này vẫn còn hiệu lực pháp lý cho đến ngày nay nhờ có thêm những chỉnh lý, những tập tục truyền thống hiện đại. Khuôn mẫu điển hình của Hiến pháp này là Hiến pháp Mỹ với sức sống hơn 200 năm, Hiến pháp của Vương quốc Nauy được thông qua năm 1814, có sức sống hơn 100 năm; của Vương quốc Bỉ năm 1831; của Liên bang Thuỵ Sỹ năm 1874… Hiến pháp này không phản ánh kịp thời tiến bộ nhân loại, lạc hậu nên chúng chỉ chứa đựng một số hạn chế các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cáh thức tổ chức và hoạt động, thẩm quyền của các cơ quan trung ương Nhà nước. Về nội dung dân chủ thì đa số đều không có gì tiến bộ.

Trên đây là một số cách phân loại Hiến pháp trong lịch sử lập hiến thế giới. Tuy nhiên, cho dù được thể hiện dưới hình thức nào đi chăng nữa thì Hiến pháp vẫn luôn được coi là đạo luật cơ bản, quy định những vấn đề quan trọng nhất của nhà nước đồng thời thể hiện ý chí của giai cấp thống trị xã hội, củng cố và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trên mọi lĩnh vực.

No comments:

Post a Comment