18/08/2015
So sánh phạm vi, mức độ và cách thức thực hiện sự tự do di chuyển hàng hóa trong Liên minh châu Âu với tự do hóa thương mại hàng hóa trong ASEAN
Bài tập học kỳ Pháp luật liên minh châu Âu - 8 điểm.

ĐẶT VẤN ĐỀ.

Toàn cầu hóa đang là xu thế của nền kinh tế thế giới, kéo theo đó để hợp tác thương mại phát triển, thì tự do hóa thương mại dần trở thành hướng đi của các quốc gia. Không nằm ngoài quy luật đó, ASEAN và EU cũng tiến hành tự do hóa thương mại là một trong những trị cột quan trọng của mình. Trong phạm vi bài viết này em xin tìm hiểu vấn đề này thông qua việc “So sánh phạm vi, mức độ và cách thức thực hiện sự tự do di chuyển hàng hóa trong  Liên minh châu Âu với tự do hóa thương mại hàng hóa trong ASEAN”

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

1.Phạm vi tự do di chuyển hàng hóa trong EU (TDDCHH) và tự do hóa thương mại hàng hóa ( TDHTMHH) trong ASEAN

Ta thấy Cả ASEAN và EU đều tiến hành tự do hóa thương mại hàng hóa trên các lĩnh vực, đó là: “tự do hóa thuế quan; các biện pháp phi thuế quan, tự do hóa trong các quy định về xuất xứ hàng hóa”.  Sự giống nhau này trong phạm vi tự do này xuất phát từ mục đích mà ASEAN hướng tới là “ xây dựng một khu vực thương mại tự do” mà tại đó “ các  rào cản thương mại được dỡ bỏ”. Trong khi đó EU lại hướng tới việc “xây dựng và vận hành thị  trường chung Châu Âu nhằm xoá bỏ việc kiểm soát biên giới lãnh thổ quốc gia, biên giới hải quan (xoá bỏ các hàng rào thuế quan và phi quan thuế) để tự do lưu thông hàng hoá”. Trong tiến trình tự do hóa thương mại hàng hóa. Thuế quan và các biện pháp phi thuế quan có thể nói là hai rào cản lớn và cơ bản. Do vậy, để có thể đạt được mục đích của mình, lẽ dĩ nhiên trước hết ASEAN và EU phải tiến hành giảm bớt tiến tới xóa bỏ những rào cản này. Tuy nhiên: 

Đối với liên minh Châu âu EU. “ Hàng hóa”  ( goods) theo quy định tại Điều 34,35 TFEU 2009 được hiểu là “ các sản phẩm có thể định giá bằng tiền, có thể định hình và là đối tượng của một giao dịch thương mại. Hàng hóa này có thể là hàng hóa có xuất xứ từ một quốc gia thành viên hoặc hoặc hàng hóa từ nước thứ ba được tự do lưu thông tại các quốc gia thành viên”.

Trong khi đó ở ASEAN theo quy định tại Hiệp định về thương mại hàng hóa ATIGA thì “hàng hóa là đối tượng của tự do hóa thương mại hàng hóa là tất cả hàng hóa thuộc Biểu thuế quan hài hòa ASEAN ( AHTN).”

Sự khác biệt này thể hiện ở chỗ, trong Liên minh Châu âu, hàng hóa được tự do di chuyển giữa các nước thành viên  không được quy định một cách cụ thể đó là các loại hàng hóa gì mà thay vào đó, Liên minh châu âu đưa ra một quy định chung về  hàng hóa. Ngược lại đó, ở ASEAN hàng hóa là đối tượng của tự do hóa thương mại được quy định một cách cụ thể trong biểu Thuế quân hài hòa ASEAN và các nước thành viên trong ASEAN sẽ thực hiện tự do hóa thương mại hàng hóa theo Biểu thuế quan này. Do đó về phạm vi TDDCHH EU theo hướng mở hơn so với TDHTMHH trong ASEAN.Điều này là hợp lí, vì xét quá trình hình thành và tiềm lực kinh tế, quy mô thành viên lớn với sự hội tụ của các đầu tàu trong nền kinh tế thế giới hiện nay, EU có nhiều cơ hội, điều kiện để mở rộng các lĩnh vực tự do hóa hơn ASEAN  

2. Mức độ TDDCHH trong Liên minh châu Âu với TDHTMHH trong ASEAN

Nếu như về phạm vi tiến hành tự do hóa EU tỏ ra có ưu thế hơn thì xét về mức độ tự do  trong từng lĩnh vực trọng điểm, ASEAN và EU lại bộc lộ mức độ tự do hóa khác nhau.

Thứ nhất, khi xét về mức độ tự do hóa trong lĩnh vực thuế quan, thì ASEAN  đã tiến hành thành công việc cắt giảm thuế quan xuống 0-5% với tuyệt đại đa số các loại hàng hóa. Song, với mục tiêu tự do hóa hoàn toàn thuế quan, ATIGA tiếp tục đưa ra chương trình cắt giảm thuế quan nhằm hoàn thành AFTA. Theo quy định của ATIGA, các quốc gia thành viên sẽ xóa bỏ thuế quan (mức thuế 0%), đồng thời xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với tất cả các sản phẩm trong quan hệ thương mại nội khối vào năm 2010 đối với ASEAN 6 và linh hoạt tới năm 2018. 

Trong khi đó đối với Liên minh Châu Âu xóa bỏ những nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ có giá trị tương đương  được áp dụng đối với những hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu trong hai trường hơp: Hàng hóa có xuất xứ từ một quốc gia thành viên và thêm trường hợp khác so với ASEAN là hàng hóa từ nước thứ ba được tự do lưu thông tại các quốc gia thành viên nếu hàng hóa được nhập khẩu đó đã tuân thủ các nghĩa vụ thuế và biện pháp có giá trị tương đương hay đã được nộp tại quốc gia đó và hàng hóa không thuộc trường hợp được khấu trừ toàn bộ hoặc một phần các nghĩa vụ thuế hoặc các nghĩa vụ tương đương.
Ở đây, không thể đánh giá được mức độ TDHTMHH ở ASEAN với mức độ TDDCHH trong EU là hơn hay kém, bởi chúng đều có những ưu điểm riêng. Theo đó ASEAN đã tiến hành xóa bỏ thuế quan với mức thuế 0% đối với tất cả hàng hóa nội khối, điều này thể hiện mức độ tự do hóa hàng hóa sâu sắc của ASEAN tăng cường việc trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia thành viên. Trong khi đó đối với EU, mặc dù EU không áp dụng việc cắt giảm hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên, mà EU quy định một số trường hợp hàng hóa được khấu trừ toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thuế hoặc nghĩa vụ tương đương, nhưng EU lại có những chính sách cắt giảm thuế và nghĩa vụ có giá trị tương đương cho hàng hóa của nước thứ ba lưu thông ở các quốc gia thành viên, có thể nói đây là một trong những quy định giúp hàng hóa của các nước được tự do lưu thông trên thị trường nội địa Châu Âu và thu hút sự trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia trên thế giới với EU.  Điều mà ASEAN vẫn chưa có khả năng làm được tốt như vậy.

Thứ hai, đối với các biện pháp phi thuế quan thì việc  xóa bỏ các hạn chế về số lượng đều được ASEAN và EU áp dụng. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng lại khác nhau.
Ở EU “hạn chế về số lương  được định nghĩa là sự giới hạn về số lượng đối với các hàng hóa nhập khẩu”. Theo đó, Điều 34, Điều 35 TFEU 2009 quy định các quốc gia thành viên không được phép đưa ra những quy định nhằm hạn chế về số lượng hoặc các biện pháp có giá trị tương đương đối với hàng hóa nhập khẩu giữa các nước EU với nhau hoặc hàng hóa xuất khẩu từ một nước EU ra bên ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ nhất định. 

Đối với ASEAN theo Điều 2 ATIGA“Hạn chế số lượng nghĩa là các lệnh cấm hoặc hạn chế thương mại với các Quốc gia Thành viên khác, có thể thông qua hạn ngạch, giấy phép hoặc các biện pháp khác với tác dụng tương tự, bao gồm các biện pháp và yêu cầu hành chính làm hạn chế thương mại” Điều 41 ATIGA quy định các quốc gia thành viên không được thông qua hoặc duy trì bất kì biện pháp hạn chế về số lượng nào đối với hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu ( trừ trường hơp quy định tại ĐIều 8, 9, 10 liên quan tới an ninh, sức khỏe con người...).

Như vậy, có thể thấy, cả EU và ASEAN đều tiến hành việc dỡ bỏ hạn chế về số lượng hàng hóa, tuy nhiên, EU vẫn quy định một số ngoại lệ mang hướng “ mở” hơn so với ASEAN như quy định về việc một biện pháp sẽ không bị coi vào trường hợp của ĐIều 34.35 TFEU nếu chỉ những biện pháp hạn chế mà biện pháp đó tạo ra đối với hoạt động thương mại là không đáng kể và những hàng hóa này vẫn có thể đưa vào thị trường với những cách khác nhau. Thể hiện việc tạo điều kiện và cơ hội cho hàng hóa của các quốc gia thành viên được lưu thông một cách tự do và thuân lợi.

Thứ ba, Về quy tắc xuất xứ hàng hóa Khoản 1, Điều 22 ATIGA đã quy định: “Các sản phẩm mà thuế quan của quốc gia thành viên xuất khẩu đã đạt hoặc ở mức 20% hoặc thấp hơn, và đáp ứng được các quy định về quy tắc xuất xứ như được quy định tại Chương 3 (về quy tắc xuất xứ), sẽ tự động được hưởng cam kết thuế quan của quốc gia thành viên nhập khẩu”. Như vậy, các nước ASEAN đã đưa ra được một quy tắc thống nhất cơ bản để được hưởng ưu đãi thương mại trong AFTA là phải có xuất xứ ASEAN. 

Trong khi đó. “Quy định của Eu về xuất xứ hàng hóa có liên quan tới Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU. Theo đó: So với ưu đãi mà các nước và khu vực khác dành cho các nước đang phát triển, mức ưu đãi của EU vào loại thấp nhất. Trong hệ thống GSP của EU qui định khuyến khích tăng thêm mức ưu đãi 10%, 20%, 35% đối với hàng nông sản và 15%, 25% và 35% đối với hàng công nghệ phẩm.Đối với các sản phẩm hoàn toàn được sản xuất tại lãnh thổ nước hưởng GSP, như: khoáng sản, động thực vật, thủy sản đánh bắt trong lãnh hải và các hàng hóa sản xuất từ các sản phẩm đó được xem là có xuất xứ và được hưởng GSP. 

-  Đối với các sản phẩm có thành phần nhập khẩu: EU quy định hàm lượng trị giá sản phẩm sáng tạo tại nước hưởng GSP (tính theo giá xuất xưởng) phải đạt 60% tổng trị giá hàng liên quan. Tuy nhiên, đối với một số nhóm hàng thì hàm lượng này thấp hơn. EU quy định cụ thể tỷ lệ trị giá và công đoạn gia công đối với một số nhóm hàng mà yêu cầu phần trị giá sáng tạo thấp hơn 60% .EU cũng quy định xuất xứ cộng gộp, theo đó hàng của một nước có thành phần xuất xứ từ một nước khác trong cùng một tổ chức khu vực cũng được hưởng GSP thì các thành phần đó cũng được xem là có xuất xứ từ nước liên quan”.   Nếu so sánh với các quy định về quy tắc xuất xứ của Liên minh châu Âu thì Quy tắc xuất xứ theo quy định của ATIGA (do được ban hành muộn hơn) là khá hiện đại, cụ thể,chi tiết và tương thích với các tiến trình tự do hoá thương mại của ASEAN 

3.Cách thức thực hiện.  

Về cơ bản, đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất của TDDCHH trong EU và TDHTMHH của ASEAN về cách thức thực hiện  đó là cùng tiến hành đàm phán ký kết các hiệp định  tạo cơ sở pháp lý ràng buộc các bên cùng thực hiện. Cụ thể như trong ASEAN đã tiến hành ký kết các hiệp định CEPT và ATIGA. Còn trong Liên Minh Châu Âu đã tiến hành kí kết và thực hiện theo các quy định của TFEU năm 2009. Xét về tổng quan, cả ASEAN và EU  đều đưa ra các phương thức giống nhau để tiến hành tự do hóa thương mại đó mà cụ thể là xóa bỏ các rào cản thương mại. nhưng xét về tính chất thì không hoàn toàn giống nhau.

Đối với hoạt động cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan: Nếu như các quốc gia ASEAN thống nhất trong ATIGA thực hiện theo cơ chế phân chia các loại hàng hóa thành 08 danh mục cắt giảm thuế quan khác nhau, với các lộ trình cắt giảm, xóa bỏ thuế quan chi tiết, linh hoạt hơn  so với Hiệp định CEPT (Điều 19) nhằm tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thuế quan (mức thuế 0%) đối với tất cả các sản phẩm  trong quan hệ nội khối vào năm 2010 đối với ASEAN 6 và vào năm 2015, linh hoạt tới năm 2018 với CLMV. Trên cơ sở tuân thủ lộ trình chung được vạch sẵn, mỗi quốc gia thành viên sẽ xây dựng lộ trình cắt giảm thuế quan chi tiết của mình phù hợp. Các quốc gia thành viên cũng có quyền lựa chọn kênh cắt giảm thuế nhanh hoặc kênh cắt giảm thông thường. Xét một cách tổng quát, hình thức tiến hành hoạt động tự do hóa TMHH trong ASEAN được quy định tương đối linh hoạt và mở, thể hiện ưu đãi đối với quốc gia kém phát triển hơn trong khu vực như: kéo dài thời gian thực hiện lộ trình, được hỗ trợ nhiều hơn về kỹ thuật, giảm bớt một số nghĩa vụ…. 
Ngoài ra, cách thức thực hiện cắt giảm/xóa bỏ thuế quan của AEC cũng tương đối đơn giản, hàng hóa căn cứ theo mức thuế suất hiện tại sẽ được cắt giảm dần từng bước giữa nhóm các danh mục hàng hóa khác nhau để đạt mức thuế xuất xác định (0– 5% đối với CEPT và ATIGA là 0%). Trong khi đó, Ở EU lại tiến hành xóa bỏ những nghĩa vụ thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu có xuất xứ từ một quốc gia thành viên hoặc từ nước thứ ba được tự do lưu thông tại quốc gia thành viên. Ở đây, EU đã tiến hành cắt bỏ theo hướng khác hoàn toàn so với ASEAN, EU quy định các trường hợp cụ thể, và họ không tiến hành xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các loại hàng hóa như ASEAN. 

Đối với các rào cản phi thuế quan: Cách thức thực hiện hoạt động này ở ASEAN cũng được CEPT, ATIGA quy định tương đối uyển chuyển với các bước tiến hành cụ thể, ưu tiên các quốc gia CLMV được kéo dài lộ trình xóa bỏ các rào cản phi thuế quan trong danh sách đã được xác định (thông qua việc Hội đồng AFTA chấp thuận bảng tự kê khai xóa bỏ của quốc gia thành viên hoặc Ủy ban điều phối thực hiện ATIGA rà soát và xác định). 

Trong khi đó đối với EU Các mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch không nhiều, nhưng lại sử dụng khá nhiều biện pháp phi quan thuế. Mặc dù thuế quan của EU thấp hơn so với các cường quốc kinh tế lớn và có xu hướng giảm, nhưng EU vẫn là một thị trường bảo hộ rất chặt chẽ vì hàng rào phi quan thuế (rào cản kỹ thuật) rất nghiêm ngặt. Do vậy, hàng xuất khẩu muốn vào được thị trường này thì phải vượt qua được rào cản kỹ thuật của EU. Rào cản kỹ thuật chính là qui chế nhập khẩu chung và các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của EU, được cụ thể hoá ở 5 tiêu chuẩn của sản phẩm: tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động. Vì vậy để hàng hóa muốn thâm nhập và di chuyển được vào thị trường EU, hàng hóa cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Ngoài ra, ở EU cũng áp dụng Nguyên tắc Công nhận lẫn nhau được áp dụng đối với những sản phẩm không thuộc đối tượng được điều chỉnh bởi các văn bản hài hòa hóa pháp luật của cộng đồng hoặc những phương diện của sản phẩm không được quy định trong những văn bản này. Với ngoại lệ duy nhất quy định tại Điều 36 TFEU. Trong khi đó ở ASEAN không ghi nhận nguyên tắc này, điều này thể hiện sự công nhận việc tự do di chuyển hàng hóa đối với các hàng hóa được sản xuất và lưu thông hợp pháp trên thị trường một quốc gia thành viên khác dù hàng hóa đó sản xuất theo những tiêu chuẩn và điều kiện kĩ thuật khác với tiêu chuẩn và điều kiện mà hàng hóa tương tự trong nước phải tuân theo. Quy định này của EU là hợp lí bởi không phải bất kì một quốc gia thành viên nào cũng có điều kiện một cách đầy đủ để áp dụng đối với sản xuất các hàng hóa tương đương như thành viên khác vì mỗi quốc gia có một trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Và điều này ASEAN nên học hỏi EU.

KẾT THÚC VẤN ĐỀ.

Thông qua bài viết trên ta thấy rằng, Trong quá trình so sánh về phạm vi, mức độ, cách thức thực hiện TDDCHH trong EU và TDHTMHH trong ASEAN đã giúp mọi người có cái nhìn tổng quan hơn về sự tương đồng và khác biệt đối với tự do hàng hóa trong thương mại của ASEAN và EU.

No comments:

Post a Comment