Bài tập học kỳ Luật Bình đẳng giới.
Bình đẳng giới được xem là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước. Nó vừa là mục tiêu của sự phát triển vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển ổn định và bền vững của quốc gia. Thực tế hiện nay cho thấy rằng, vai trò của người phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng là hết sức quan trọng cho sự phát triển của các hoạt động nông- lâm- ngư nghiệp ở nước ta. Họ là một nguồn lực quan trọng đóng góp công sức lao động của mình cho sự phát triển của đất nước nhưng dường như người phụ nữ nông thôn vẫn đang gặp phải những khó khăn hơn so với nam giới nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, sau đây em được đi sâu làm sáng tỏ để bài: “Quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới”.
I. KHÁI QUÁT CHUNG
1. Khái niệm bình đẳng giới
Khoản 3 Điều 5 Luật bình đẳng giới quy định như sau: “Bình đẳng giới là việc nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Quyền bình đẳng giới là một nội dung cơ bản của quyền con người, thể hiện giá trị nhân văn cao cả đồng thời là những giá trị chính trị, pháp quyền đáng trân trọng. Bình đẳng giới vừa là mục tiêu vừa là thước đo tiến độ phát triển của một xã hội. Nam giới và phụ nữ đều có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Sự bình đẳng này được thể hiện ở nhiều phương diện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nam và nữ đều có điều kiện bình đẳng để phát huy hết khả năng và thực hiện các mong muốn của mình.
Thứ hai, họ có cơ hội bình đẳng để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển.
Thứ ba, nam và nữ được hưởng tự do và chất lượng cuộc sống bình đẳng
Thứ tư, nam và nữ được hưởng thành quả bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội.
Như vậy, có thể nhận thấy, bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là số lượng nam giới và nữ giới tham gia trong tất cả các hoạt động là như nhau mà bình đẳng giới ở đây được hiểu là cả phụ nữ và nam giới đều được thừa nhận và hưởng các vị thế ngang nhau trong xã hội. Từ đó, họ có điều kiện để phát huy hết những tiềm năng của bản thân, tham gia và đóng góp công sức và hưởng lợi từ bình đẳng từ công cuộc phát triển của quốc gia trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
2. Vị trí, vai trò của người phụ nữ nông thôn
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ ở nước ta hiện nay, khi mà đa số nam giới và phụ nữ trẻ, khỏe, có trình độ học vấn đều đi tìm kiếm việc làm ở các thị trường lao động ngoài nông thôn, thì ở nông thôn, mặc dù đội ngũ lao động cơ bản là lao động nữ và với chất lượng không cao nhưng họ có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội nông thôn.
* Điều này được thể hiện cụ thể ở những khía cạnh như sau:
• Phụ nữ nông thôn đang là lực lượng đông đảo nhất trong cơ cấu dân cư và cơ cấu lao động nông thôn; lao động nữ có vị trí trung tâm và đóng vai trò quyết định trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, cộng đồng ở nhiều vùng nông thôn.
• Phụ nữ nông thôn là người đảm nhiệm hầu như toàn bộ công việc nội trợ gia đình, nuôi con cái và chăm sóc người già, người ốm ở các gia đình; là người quản lý thực tế các nguồn lực gia đình, có vai trò quan trọng cùng với chồng quyết định các đầu tư, chi tiêu lớn trong sản xuất, kinh doanh, trong xây dựng nhà cửa và mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền của gia đình.
• Phụ nữ nông thôn là lực lượng chủ yếu trong các lĩnh vực hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, tuyên truyền, lãnh đạo, quản lý cộng đồng. Đồng thời, người phụ nữ nông thôn vừa đóng vai trò xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực mới vừa là nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào quá trình biến đổi cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn.
Vì vậy, có thể khẳng định họ là một chủ thể quan trọng tích cực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
II. THỰC TRẠNG QUYỀN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ NÔNG THÔN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG NÔNG- LÂM- NGƯ NGHIỆP DƯỚI GÓC ĐỘ BÌNH ĐẲNG GIỚI.
1. Thực trạng quyền của người phụ nữ nông thôn trong các hoạt động nông- lâm- ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới
Xã hội nông thôn đang diễn ra quá trình biến đổi mạnh mẽ (cho đến nay gần 72,56% dân số của cả nước ở nông thôn) và phụ nữ nông thôn- chủ thể chính của nông thôn đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Họ hoạt động ở mọi ngành nghề kể cả những ngành nghề nặng nhọc và đọc hại nhất. Theo thống kê, lao động nữ nông thôn chiếm 58,02% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp, riêng nông nghiệp lao động nữ chiếm 56,29% và họ đang sản xuất ra hơn 60% sản phẩm nông nghiệp phụ vụ cho nhu cầu tiêu dùng của cả nước. Phụ nữ nông thôn Việt Nam là một trong hai chủ thể kinh tế quan trọng nhất mạng lại thu nhập cho các hộ gia đình.
Thứ nhất, trong sản xuất nông nghiệp, người phụ nữ nông thôn tham gia ngày càng nhiều hơn nam giới. Hiện nay, vai trò của người phụ nữ ở nông thôn càng trở nên quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi kinh tế với sự tham gia của lao động nữ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng trong khi lao động nam giảm dần. Thời kì 1993-1998, số nam giới tham gia hoạt động nông nghiệp mỗi năm giảm 0.9%. Trong khi đó, số người mới gia nhập lĩnh vực nông nghiệp là phụ nữ chiếm 92% vì nam giới chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp. Vì tình chất của công việc theo mùa vụ nên trong thời gian nông nhàn, nhiều phụ nữ đã phải lên thành phố để kiếm việc làm và nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều trách thức: tệ nạn xã hội, bị bóc lột sức lao động, trở thành nô lệ tình dục….Hơn thế nữa, lao động nữ ở nông thôn thường phải làm việc với thời gian lao động kéo dài, cường độ lao động cao, môi trường lao động nhiều ô nhiễm, môi trường văn hóa thấp kém... nhưng nhìn chung thu nhập của họ thường thấp, không ổn định, bị phân biệt đối xử, chịu nhiều áp lực và thường không được bảo hiểm. Bên cạnh đó, trong điều kiện mở cửa và hội nhập, do tính chất thường phải gắn liền với gia đình của lao động nữ nông thôn nên họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và thời cơ để tìm kiếm việc làm.
Thứ hai, phụ nữ cũng hạn chế hơn so với nam giới trong việc tiếp cận nguồn lực, nguồn vốn và thị trường trong hoạt động nông- lâm- ngư nghiệp ở nông thôn. Ở nước ta nhất là các vùng nông thôn, điều kiện thuận lợi về khí hậu và đất đai thích hợp cho việc trồng trọt, nuôi thủy sản; vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia luôn nhấn mạnh tới sự phát triển của khoa học kĩ thuật, các buổi huấn luyện về kĩ thuật chăn nuôi trồng trọt, nuôi thủy hải sản rất được nhiều người quan tâm. Sở dĩ như vậy là do việc tiếp cận các nguồn lực thông tin kinh tế, kĩ thuật sẽ giúp cho công việc, kế sinh nhai phát triển, tăng sản lượng, nâng cao đời sống của người dân.
Thế nhưng, thực tế hiện nay nam giới lại là đối tượng chủ yếu tham gia vào các lớp tập huấn kĩ thuật, trồng trọt, trồng cây lương thực, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản. Theo kết quả điều tra cho thấy, có 70% nam giới tham gia vào các buổi tập huấn các khóa học về kĩ thuật mới, trong khi chỉ có 18% người phụ nữ nông thôn được tham gia vào buổi tập huấn đó. Phụ nữ chỉ chiếm 25% số người tham gia tập huấn về chăn nuôi và 10% trong tập huấn về trồng trọt. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này xuất phát từ những định kiến giới tồn tậi rất lâu trong tiềm thức của con người rằng: nam giới là chủ sự gia đình nên thường đưa ra những quyết định về các vấn đề sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp, vì thế việc tham gia các tổ chức, buổi tập huấn ở địa phương giúp họ không chỉ hợp tác làm ăn mà còn nắm bắt thông tin, kĩ thuật và hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với đó, nam giới ở nông thôn vẫn mang nặng quan điểm gia trưởng trong gia đình. Vì vậy, họ chủ yếu là chủ hộ gia đình có quyền hành hơn trong việc sử dụng đất, sử dụng vốn vay ngân hàng, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất và tiêu dùng. Trong khi đó, người phụ nữ nông thôn phải gánh vác công việc gia đình, đồng áng, chăm sóc và nuôi dạy con cái nên không có thời gian tham gia vào các công việc kinh tế, các buổi tập huấn ở địa phương. Chính vì có nền tảng vững chắc là người phụ nữ, nên người đàn ông có điều kiện tiếp cận các nguồn lực kinh tế phát triển kinh tế gia đình.
Trong việc hưởng các chính sách phát triển kinh tế thì nhiều quy định của Luật bình đẳng giới và văn bản hướng dẫn chủ yếu là hướng tới bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ nông thôn, có những biện pháp để người phụ nữ phát huy được những khả năng của mình. Chẳng hạn như: “Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành sản xuất, kinh doanh…” (khoản 1 Điều 12 Luật bình đẳng giới); hay “Lao động nữ ở nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật”(Điểm b khoản 2 Điều 12 Luật bình đẳng giới). Tuy nhiên, những quy định này lại mang tính một chiều, thực chất là hướng tới sự cào bằng chứ không nhằm mục đích là tạo ra những cơ hội và điều kiện phù hợp để các bên phát huy được khả năng của mỗi giới. Ví dụ: Pháp luật quy định lao động nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hay như lao động nữ ở nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật…Những quy định này bề ngoài thì cho thấy là đã tạo điều kiện cho lao động nữ phát triển nhưng nó chưa phát huy được hết khả năng lao động của người phụ nữ ở nông thôn bởi những công việc trong nông, lâm, ngư nghiệp nhất là ngư nghiệp lao động thường là nam giới tiến hành nên những chính sách đó chỉ hưởng tới nữ giới là chưa hợp lý.
Thêm vào đó, người phụ nữ ở nông thôn vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc sử dụng và kiểm soát nguồn lực là đất đai. Trong sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp đặc biệt là nông nghiệp thì đất đai là mọt tư liệu sản xuất không thể thiếu để canh tác. Đây cũng là tài sản duy nhất mà người nông dân có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Các văn bản luật như Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình đã có những quy định tương đối phù hợp về quyền sử dụng đất đối với những loại đất khác nhau với tư cách là tài sản của vợ chồng, tài sản của hộ gia đình nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Nhưng trên thực tế, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong việc sử dụng và kiển soát nguồn lực từ đất đai.
Tóm lại, người phụ nữ ở nông thôn đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới, họ thường phải làm việc nhiều giờ liền, không có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội và học tập chuyên môn nghiệp vụ. Hậu quả là khả năng tìm kiếm việc làm của họ trở nên khó khăn hơn, nguy cơ nghèo khổ về thiếu việc làm tăng, thu nhập thấp kém. Sự phụ thuộc của người phụ nữ ở nông thôn vào gia đình và xã hội cũng vì vậy mà tăng lên.
2. Nguyên nhân của thực trạng trên
Một là, người phụ nữ nông thôn có trình độ văn hóa thấp và sự hiểu biết xã hội còn hạn chế.
Theo Tổng cục thống kê, mỗi năm nước ta có hơn 1 triệu người tham gia lực lượng lao động, đa số lực lượng này là cư dân nông thôn, không được đào tạo nghề cơ bản. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản ở các vùng nông thôn có trành độ và được đào tạo nghề có tỷ lệ thấp. Đa phần lao động nữ trong các hoạt động nông-lâm-ngư nghiệp là các lao động phổ thông, làm việc theo kinh nghiệm là chính. Đây là nguyên nhân căn bản của việc năng suất lao động trong nông-lâm-thủy sản ở nước ta vẫn còn thấp.
Do khoảng cách về giới nên phần lớn phụ nữ vẫn chưa có nhiều cơ hội tham gia các chương trình huấn luyện về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Hiện tượng “nam học, nữ làm” này đã khá phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam. Thực tế, đa phần người phụ nữ ở nông thôn không được tiếp thu với trình độ khoa học kĩ thuật hiện đại nên chủ yếu hoạt động sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp bằng kinh nghiệm truyền thồng. Do đó, mặc dù phải làm việc với tần suất lao động cao, vất vả nhưng năng suất cây trồng, vật nuôi, thủy sản vẫn còn ở mức thấp, dễ gặp rủi ro.
Hai là, sức khỏe của lao động nữ ở nông thôn kém do cùng một lúc một đóng nhiều vai trò, nhất là vai trò thay thế nam giới hầu như trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội nông thôn.
Sức khỏe của người phụ nữ nông thôn phải thường xuyên đối mặt với những hóa chất độc hại trong sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp. Theo số lượng thống kê của Cục an toàn lao động (Bộ lao động thương binh và xã hội) thì cứ 100 ngàn lao động có 1710 người bị ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật . Môi trường sản xuất nông nghiệp ô nhiểm không chỉ do sử dụng nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà còn tăng thêm bởi ô nhiễm do các khu chế xuất, khu công nghiệp…đang đua nhau mọc lên như nấm ở các vùng nông thôn.
Theo ước tính của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2007 có gần 4 triệu tấn phân bón các loại sử dụng lãng phí do cây trồng không hấp thụ được cộng với việc lạm dụng sử dụng tới 75.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật mà không tuân thủ các quy trình kĩ thuật gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm nghiêm trọng đất, nguồn nước tại nhiều vùng nông thôn. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng có khoảng 73 triệu tấn chất thải, trong đó 30-60% chất thải được xử lý, còn lại xả thẳng ra môi trường. Môi trường ở nông thôn bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người phụ nữ nhiều hơn nam giới, vì họ là lực lượng lao động chính trong các hoạt động nông-lâm-ngư nghiệp.
Hơn thế nữa, người phụ nữ ở nông thôn bên cạnh việc phải làm việc vất vả để gánh vác thêm kinh tế gia đình còn phải thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ, lo toan gánh vác quá nhiều công việc trong gia đình khiến họ không có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức lao động đang ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của họ. Mà khi sức khỏe bị suy kiệt thì người phụ nữ ở nông thôn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tái sản xuất sinh học của chính họ.
Ba là, người phụ nữ cũng bị hạn chế hơn do với nam giới trong việc tiếp cận, sử dụng và kiểm soát nguồn lực.
Xuất phát từ những quan điểm cổ hủ, lạc hậu và những định kiến giới đã ăn sâu bán rễ trong tiềm thức của con người là phụ nữ nông thôn bị coi là phái yếu, “ngu dốt” nên không được tham gia vào việc quyết định những vấn đề quan trọng trong gia đình đặc biệt là trong vấn đề tiếp cận sở hữu ruộng đất, vì vậy họ không có cơ hội tiếp cận các nguồn lực cũng như phát huy khả năng lao động của mình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật việc bảo đảm quyền lợi về ruộng đất là vấn đề hết sức quan trọng đối với phụ nữ ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ làm nông nghiệp. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa hoặc phụ nữ là người dân tộc thiểu số vì họ ít được tiếp cận với các nguồn lực khác nên đất đai có thể xem là phương tiện sinh nhai duy nhất giúp họ duy trì cuộc sống và thoát nghèo. Mặc dù, pháp luật hiện nay đều thừa nhận trên thực tế cả nam và nữ giới đều được thừa kế đất đai nhưng người phụ nữ nông thôn thường không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bốn là, một số nguyên nhân khác:
Lao động nữ ở nông thôn có một số hạn chế: Nhìn chung vóc dáng, sức mạnh, tốc độ sức chịu đựng áp lực kém; tính cơ động, sự thích ứng của lao động nữ ở nông thôn không cao do đó khó cạnh tranh trong điều kiện thị trường lao động nhiều biến động. Cùng với đó, người phụ nữ nông thôn còn gắn liền với thiên chức mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ…nên thường khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm.
III. HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN CỦA PHỤ NỮ NÔNG THÔN TRONG HOẠT ĐỘNG NÔNG- LÂM- NGƯ NGHIỆP DƯỚI GÓC ĐỘ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Để khắc phục những thách thức nêu trên là cả một quá trình nan giải, lâu dài bởi những thách thức này về cơ bản xuất phát một cách khách quan cùng với sự vận động và biến đổi sâu sắc của nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trước mắt để hạn chế phần nào những khó khăn, cản trở đối với người phụ nữ nông thôn và góp phần tạo ra những cơ hội phát triển mới cho họ trong tương lai, cần thực hiện một số giải pháp sau:
1. Có chính sách nâng cao trình độ dân trí nói chung, trình độ văn hóa, chuyên môn kĩ thuật và hiểu biết xã hội của người phụ nữ nông thôn.
* Tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho lao động nữ và cả nam giới ở nông thôn, để họ có điều kiện hiểu biết hơn những quyền và nghĩa vụ của họ đối với tài sản mà đặc biệt là quyền sử dụng đất nông nghiệp và cơ hội ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò và chức năng quan trọng của mình trong đời sống xã hội nông thôn, đồng thời có điều kiện chủ động và tích cực tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
* Tăng cường chuyên môn và sự nhận thức về giới cho cán bộ khuyến nông cũng như của phụ nữ nông thôn nhằm hiểu biết hơn về vai trò của phụ nữ trong phát triển nông-lâm-ngư nghiệp; xác định rõ tỷ lệ nam giới, nữ giới được tham gia vào các dịch vụ khuyến nông; nội dung khuyến nông phải thích hợp với hoạt động nông nghiệp ở từng địa phương.
* Có chính sách phù hợp hướng vào tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho người phụ nữ nông thôn thực hiện tốt các thiên chức của họ. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ xã hội ở nông thôn vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người phụ nữ vừa san sẻ bớt gánh nặng công việc nội trợ gia đình. Qua đó, từng bước thay đổi quan niệm của xã hội về công việc nội trợ gia đình, và xã hội cần phải thừa nhận lao động nội trợ là một dạng lao động xã hội và mang giá trị xã hội như lao động sản xuất, kinh doanh.
* Để người phụ nữ nông thôn ngày càng phát huy được tiềm năng sáng tạo to lớn của mình, ngày càng trở thành chủ nhân đích thực của xã hội nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa vấn đề mang ý nghĩa quyết định là những chính sách, những chương trình, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn, về gia đình và người phụ nữ nông thôn cần thấm nhuần quan điểm giới. Quan điểm giới hơn lúc nào hết đó là chìa khóa cho sự tiến bộ và phát triển thực sự của phụ nữ nông thôn trong giai đoạn hiện nay
2. Chăm lo sức khỏe và an sinh xã hội cho phụ nữ nông thôn
Hiện nay, phụ nữ nông thôn chịu nhiều thiệt thòi về sức khỏe. Do đời sống gia đình còn nghèo, người phụ nữ nông thôn thường phải lao động rất vất vả, các hoạt động nông-lâm-ngư nghiệpcùng với việc chăm lo cho gia đình dường như đã vắt kiệt sức lao động của họ làm cho người phụ nữ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo lại sức lao động của mình. Chính vì vậy, cần phải thực hiện các giải pháp để nâng cao sức khỏe cho lao động nữ ở nông thôn như:
Thứ nhất, cải thiện môi trường lao động và sinh hoạt ở nông thôn. Trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cần chú trọng đến việc giữ gìn và bảo vệ môi trường nông- lâm -ngư nghiệp. Có như thế thì phụ nữ nông thôn mới duy trì được các nguồn thu nhập từ các hoạt động nông- lâm-ngư nghiệp của mình.
Thứ hai, nam giới cũng cần phải san sẻ bớt các công việc gia đình với người phụ nữ nông thôn để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo lại sức khỏe của mình. Khi tăng trưởng kinh tế có thể làm giảm gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, họ có thời gian rỗi để tham gia thị trường lao động như nam giới đồng thời nam giới cũng được giảm nhẹ những công việc ngoài thị trường lao động và có thời gian để thực hiện những công việc thuộc về gia đình.
2. Tạo điều kiện cho người phụ nữ nông thôn tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực
Các cơ quan hành chính Nhà nước cần phải cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đặc biệt là sau khi họ đã ly hôn, họ là phụ nữ đơn thân…Bởi lẽ việc đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chỉ cho phép phụ nữ tiếp cận với nguồn vốn mà còn nâng cao sự an toàn cho chính họ trong trường hợp ly hôn hoặc thừa kế.
Có chính sách ưu đãi giúp cho các gia đình nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình - phát triển kinh tế tại chỗ. Đó là chính sách hỗ trợ vốn, thành lập tổ sản xuất hoặc công ty, phát triển trang trại, ngành nghề và sử dụng tốt nhất các nguồn lực địa phương, như lao động, đất đai, mặt nước, rừng, khoáng sản..
Phát triển các khu công nghiệp phù hợp với tính chất và chất lượng lao động nông thôn, nhất là lao động nữ, tạo ra việc làm tại chỗ có thu nhập phù hợp, từng bước điều chỉnh và hạn chế xu hướng lao động nông thôn di cư tự do tìm kiếm việc ở các đô thị, các khu công nghiệp.
KẾT LUẬN
Tóm lại, trên đây là một số vấn đề về quyền của người phụ nữ ở nông thôn trong các hoạt động nông-lâm-ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới. Từ những thực trạng và một số giải pháp hoàn thiện nêu trên chúng ta có thể hy vọng về một tương lai không xa quyền của người phụ nữ ở nông thôn trong cá hoạt động nông- lâm-ngư - nghiệp được đảm bảo và hướng đến một xã hội bình đẳng thực chất.
Trên đây là những ý kiến của em về vấn đề quyền của người phụ nữ nông thôn trong hoạt động nông-lâm-ngư nghiệp dưới góc độ bình đẳng giới. Bài làm vẫn còn rất nhiều thiếu sót, em mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy (cô) để bài làm được hoàn thiện hơn!
Em xin chân thành cảm ơn!
No comments:
Post a Comment