01/04/2015
Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Khái niệm về nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm

Như chúng ta đã biết, đấu tranh loại bỏ tình hình tội phạm thực chất là đấu tranh loại trừ nguyên nhân và điều kiện tồn tại của tình hình này.

“Nguyên nhân của tình hình tội phạm là tập hợp những ảnh hưởng, quá trình xã hội trực tiếp làm phát sinh tình hình tội phạm. Còn điều kiện của tình hình tội phạm chính là những ảnh hưởng của quá trình xã hội tuy bản thân không làm nảy sinh mà chỉ tạo điều kiện, kích thích hoặc đảm bảo, để nguyên nhân của tình hình tội phạm được vận động một cách nhanh chóng thuận lợi”.[19,275]

Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm là tổng hợp những ảnh hưởng và quá trình xã hội, xác định tình hình tội phạm là hậu quả của chúng. Đó là toàn bộ những hiện tượng, quá trình xã hội làm phát sinh tình hình tội phạm.

Giữa nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Về bản chất, điều kiện không dẫn đến việc thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, nếu không có các điều kiện thuận lơị thì nguyên nhân cũng không thể thể hiện được bản chất của mình - không thể làm nảy sinh tội phạm. Nguyên nhân và điều kiện luôn luôn tồn tại độc lập và đứng bên cạnh nhau như những tiền đề không thể thiếu được của tội phạm nói chung và tội phạm cụ thể nói riêng.

Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm không phải là những ảnh hưởng của quá trình xã hội tồn tại vĩnh viễn và cố định. Chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau hoặc có thể bị triệt tiêu bởi những yếu tố tích cực của xã hội.

Từ những điểm phân tích khái niệm nguyên nhân và điều kiện của tội phạm nói chung, chúng ta có thể rút ra nguyên nhân và điều kiện của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

2. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

2.1. Nguyên nhân và điều kiện về kinh tế - xã hội

Từ khi đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới 1986 và xây dựng nền kinh tế thị trường, điều này đã có tác động to lớn trong việc kích thích sản xuất tăng trưởng và cạnh tranh kinh tế, kích thích tiến bộ khoa học kỹ thuật, tác động nhiều mặt lên sự phát triển kinh tế xã hội. Ở nền kinh tế thị trường, lợi ích cá nhân được khuyến khích và được pháp luật bảo vệ, khi đó con người sẽ năng động tích cực hơn, khôn ngoan và tỉnh táo hơn, mạnh dạn và linh hoạt, thiện chí mạo hiểm hơn…

Nhưng khi “lợi ích cá nhân (đang có xu hướng tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân) lấn át lương tri và đạo đức, năng động, linh hoạt và mạo hiểm, bất chấp đạo lý và pháp luật” [23, 28] thì sẽ xuất hiện hàng loạt những hành vi phi đạo đức như xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, trộm cắp, cướp giật, buôn lậu…để làm giàu một cách bất hợp pháp. Đây chính là nguyên nhân làm nảy sinh các tham vọng ích kỷ khác nhau nhằm có được thu nhập, vật chất không tương xứng với công sức và năng lực của bản thân vào công việc của xã hội nên tìm mọi cách làm giàu bằng mọi cách, kể cả tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, và đôi khi họ còn xem đó là nghề nghiệp chính, nguồn thu nhập chính của mình. Họ không những đã tiếp tay cho tội phạm mà còn khuyến khích cho bọn tội phạm phạm tội nhiều lần.

Đồng thời, nền kinh tế thị trường đã loại đi một phần lớn bộ phận lao động không đáp ứng với sự phát triển của nó, vì vậy nhiều người đã bị thất nghiệp, dần dần sa vào con đường phạm tội để nuôi sống bản thân như trộm cắp, cướp giật, buôn lậu…Đây chính là “đầu ra” cho tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và từ đó nó kéo theo các tệ nạn xã hội khác.

Trong xã hội còn có một bộ phận người dân coi thường pháp luật, người mua nhầm đồ gian cũng có nhưng cũng có lắm kẻ biết đó mà vẫn mua vì lợi nhuận cao làm mờ mắt. Khi các cơ quan chức năng hỏi đến thì chỉ việc bảo mua nhầm là thoát tội và hầu hết họ đều không bị xử lý hình sự do thiếu chứng cứ và đồ gian cứ muôn nẻo đường đi.

Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh sự yếu kém trong công tác quản lý của nhà nước, thì phong trào đấu tranh tố giác tội phạm của nhân dân còn kém và chưa được tổ chức một cách có hiệu quả, chưa phát huy được hết tinh thần tích cực của nhân dân vào công tác phòng ngừa tội phạm. Đấu tranh với tội phạm nói chung và tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là cuộc đấu tranh thường xuyên và bền bỉ nhằm ngăn chặn “đầu vào” và triệt phá “đầu ra” của loại tội phạm này nhưng cuộc đấu tranh này còn chưa đạt được mục đích của nó. Điều này đã được bon tội phạm lợi dụng và đã tạo cơ hội cho nó phát triển. Hơn nữa, hiện nay số người thất nghiệp tăng, khoảng cách giàu nghèo nới rộng, số thanh thiếu niên bỏ học, thất học tăng. Đây là những điều kiện thuận lợi cho tình hình tội phạm có chiều hướng tăng nhanh như hiện nay.

2.2. Nguyên nhân và điều kiện liên quan tới chính sách pháp luật

Như chúng ta đã biết, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm luôn đòi hỏi phải có sự hỗ trợ đắc lực của pháp luật. Hơn thế nữa, chỉ có thể trên cơ sở quy định của pháp luật người ta mới có thể xác định đúng đắn được hành vi ứng xử của mình. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng, quy định cụ thể về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có ý nghĩa quan trọng. Đây là điều cần thiết tạo tiền đề pháp lý quan trọng để trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này.

Thời gian vừa qua trong thực tế xét xử và áp dụng điều 250 về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có còn có rất nhiều vướng mắc chưa thống nhất do vậy khi thực hiện còn nhiều lúng túng, nhiều lúc còn trì hoãn và đợi văn bản hướng dẫn của cơ quan pháp luật hiện hành. Điều này dẫn đến tình trạng “bị động” trong các hoạt động đấu tranh với tội phạm thiếu kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh trong xử lý dẫn đến sự coi thường pháp luật, coi thường cán bộ bảo vệ pháp luật và thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Nhiều vụ án kéo dài không xử lý kịp thời thiếu chứng cứ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng bị tình nghi. Những kẻ bị truy nã nhưng trốn thoát hoặc chưa điều tra, truy đuổi kịp thời. Vấn đề hiện nay là cần phải có một văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng pháp luật một cách đồng bộ thống nhất, chính xác, tránh được tình trạng bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

Tất cả đã dẫn đến tình trạng: 

Thứ nhất, quần chúng hoài nghi về sự công minh của pháp luật và không tin tưởng vào chính quyền, không tố giác tội phạm, không giúp đỡ các cơ quan pháp luật. Tâm lý đó, làm dân biết đồ gian nhưng vẫn làm ngơ và còn nghĩ rằng chuyện bắt tội phạm là của chính quyền, không phải việc của mình nên chủ quan.

Thứ hai, những kẻ phạm tội coi thường pháp luật, sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật tiếp tục phạm tội và lôi kéo những kẻ khác cùng phạm tội.

Thứ ba, sự thiếu sót này tạo ra một kẻ hở cho bọn tội phạm lợi dụng để giả mạo giấy tờ hợp thức hóa đồ gian để tiêu thụ.

Nếu khắc phục hạn chế này, thì sẽ duy trì được trật tự, kỷ cương xã hội bằng pháp luật đáp ứng được yêu cầu cấp bách đối với một nhà nước pháp quyền.

2.3. Nguyên nhân và điều kiện liên quan tới công tác phát hiện, xử lý tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gia tăng. Như chúng ta đã biết hiện nay tình trạng tội phạm gia tăng đặc biệt là các tội xâm phạm tới quyền sở hữu của công dân như trộm cắp, cướp giật…và các tội phạm khác như buôn lậu, trốn thuế. Tài sản mà các đối tượng này có đựơc đều là tài sản phạm pháp bao gồm tiền, vật chất, các giấy tờ có giá, vàng…Những tài sản này nhất thiết phải có nơi tiêu thụ. Nó như một quá trình đã được định sẵn vậy, tiêu thụ được ắt sẽ có tiền.Vì vậy các đối tượng này hoạt động có khi đơn lẻ nhưng cũng có khi hoạt động như một đường dây rất chặt chẽ và bằng mọi cách hợp thức hóa những tài sản này.

Do đó, muốn ngăn chặn được loại tội phạm này phải ngăn chặn được nguồn hàng bằng các hoạt động và hình thức khác nhau để xiết chặt được đầu ra của nó. Thực tế của cuộc đấu tranh phòng chống tội tiêu thụ tài sản do người khá phạm tội mà có cho thấy rằng, do hạn chế hiểu biết về mặt pháp luật mà không ít người đã phạm tội (do mua nhầm phải đồ gian, do hám lợi nhất thời…).

Hiện nay, các cơ quan chức năng, quan trọng là cơ quan cảnh sát điều tra chưa thực sự quản lý hết được các tài sản phạm pháp trôi nổi trên thị trường, đôi khi nó đựơc bày bán công khai. Rất khó phát hiện và chưa xử lý được những người tiêu thụ này vì họ biện minh là mua nhầm hoặc không biết hoặc nói rằng đây là tài sản hợp pháp thế là thoát tội. Những người này không biết rằng đây chính là một hành động tiếp tay cho bọn tội phạm, khuyến khích cho những người khác phạm tội.

Sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ giữa cơ quan cùng cấp như: cơ quan quản lý thị trường, công an, viện kiểm sát, tòa án đôi khi còn chưa thống nhất, chưa kịp thời. Điều này đã hạn chế đáng kể tới việc phát hiện, xử lý vi phạm tội phạm về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, ngăn chặn đầu ra cho hàng phạm pháp. Ví dụ về việc ngăn chặn việc quản lý đồ gian trôi nổi trên thị trường: cơ quan quản lý thị trường thì bảo đó là chức năng của cơ quan công an cần ngăn chặn bọn tội phạm, còn họ chỉ việc quản lý hàng hóa…Nếu như các cơ quan chức năng quản lý và cơ quan thực thi pháp luật phối hợp chặt chẽ với nhau hơn trong việc ngăn chặn loại tội phạm này thì sẽ không làm cho tình hình loại tội phạm này công khai và hoạt động phổ biến như hiện nay.

Vì vậy, để ngăn chặn nguyên nhân làm cho tình hình tội phạm này gia tăng phải có những biện pháp phát hiện và xử lý kịp thời hiệu quả nhất để hạn chế và cao hơn là loại bỏ được loại tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội.

2.4. Nguyên nhân về công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật

Như chúng ta đã biết phòng chống tội phạm phụ thuộc rất nhiều vào công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân nhưng công tác này còn chưa đựơc tích cực triển khai một cách có hiệu quả. Nhiều nơi còn giao khoán cho các cơ sở, thực hiện một cách đối phó, mang tính chất chiến dịch, chưa được coi là một nhu cầu hằng ngày của xã hội. Làm cho pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống của người dân, chưa phát huy được sức mạnh của quần chúng trong việc đấu tranh và tố giác tội phạm này.

Hình thức, phương pháp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nhìn chung còn đơn điệu, thiếu tính thuyết phục, chưa phong phú, chưa sinh động, nên những quy định pháp luật khó đến được các đối tượng tuyên truyền. Hình thức xét xử lưu động đối với các vụ án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chưa được quan tâm, đánh giá cao.

Nội dung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chưa cụ thể, chưa đầy đủ. Đặc biệt là việc nhắc nhở, răn đe những người có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã bị xử lý hành chính nguy cơ bị xử lý bằng biện pháp hình sự còn chưa đề cập thỏa đáng. Kinh phí đầu tư cho công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật còn khiêm tốn, chưa đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn.

Nhìn chung, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về việc không tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng như việc xử lý vi phạm trong vấn đề này chưa được khơi dậy trong phong trào quần chúng. Chưa tạo được dư luận rộng rãi trong xã hội. Do vậy, ý thức pháp luật đối với phần lớn cá nhân, tổ chức trong việc đấu tranh với loại tội phạm này chưa cao. Điều đó, đòi hỏi công tác này cần có giải pháp thích hợp, cần có sự tham gia của toàn xã hội trong đó cơ quan chức năng giữ vai trò nòng cốt.

No comments:

Post a Comment