01/02/2015
Tìm hiểu thị trường xăng dầu tại Việt Nam hiện nay - Bài tập học kỳ Kinh tế vi mô
Xăng dầu là sản phẩm có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Trên phương diện kinh tế, giá trị của mọi sản phẩm hàng hoá dịch vụ ít nhiều đều chứa đựng giá trị của xăng dầu. 


Thời gian qua, mặc dù trên thị trường xăng dầu thế giới có những biến động rất lớn, đặc biệt là giả cả diễn biến rất khó lường, nhưng thị trường xăng dầu trong nước vẫn ngày càng phát triển: Quy mô thị trường xăng dầu ngày càng tăng, đã có nhiều chủ thể tham gia kinh doanh trên thị trường và le lói yếu tố cạnh tranh, giá cả xăng dầu bị ảnh hưởng của thị trường nhưng có sự  điều tiết của Nhà nước nên cơ bản ổn định, không có xáo trộn lớn, hệ thống phân phối xăng dầu trên thị trường Việt Nam không ngừng được mở rộng và phát triển. 


1. Đặc điểm của thị trường xăng dầu

Thị trường xăng dầu ở Việt Nam được điều tiết bởi cơ chế quản lý của Nhà nước, Nhà nước can thiệp rất sâu vào thị trường.

1.1. Nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu bằng chính sách giá

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để từng bước mở rộng quyền chủ động điều chỉnh giá cho các doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp không thực sự được quyết định giá bán xăng dầu. 

Nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu 

Điều 27, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ quy định nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu 

a- Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước;

b- Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn; việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều này; có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá; 

c- Thời gian giữa hai (02) lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là mười (10) ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là mười (10) ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá; khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi nhận được quyết định giá và phương án giá của thương nhân đầu mối, có trách nhiệm giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật.

1.2. Nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu bằng chính sách thuế

Nhà nước hiện đang áp dụng thu nhiều loại thuế đối với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu:

- Thuế nhập khẩu;

- Thuế tiêu thụ đặc biệt;

- Thuế giá trị gia tăng;

- Phí xăng dầu; 

- Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Nhà nước đang áp dụng phương pháp đánh thuế nhập khẩu theo % của giá CIF, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt cũng tăng theo (hai loại thuế này chiếm tỷ trọng chủ yếu trong các loại thuế xăng dầu), Ngân sách Nhà nước do đó cũng tăng, Nhà nước thì có lợi vì thu được nhiều thuế, nhưng các doanh nghiệp thì rất khó khăn vì khi giá bán lẻ của Nhà nước quy định không tăng kịp với xu hướng tăng của giá quốc tế, dẫn đến tình trạng kinh doanh không có hiệu quả ở các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trái lại: Khi giá nhập giảm thì thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm theo. Ngân sách Nhà nước lại bị giảm đáng kể. Để bù đắp sự thiếu hụt Ngân sách thì Nhà nước lại tăng thuế để đảm bảo nguồn thu. Song khi tăng thuế thì lại kéo theo rất bất lợi cho nền kinh tế - xã hội.

1.3. Nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu bằng cách bù lỗ cho các doanh nghiệp

Để ổn định thị trường, Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải thực hiện nghĩa vụ nhập khẩu xăng dầu kể cả những thời điểm giá xăng dầu thế giới có những biến động lớn. Các doanh nghiệp đồng thời phải đảm bảo có đủ nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của xã hội nhưng chỉ được điều chỉnh giá trong phạm vi cho phép để ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp lớn như: Petrolimex, PVOIL, PETEC…phải thực hiện nhập khẩu đúng tiến độ, bán đúng giá mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo có nguồn xăng dầu bán theo giá quy định tại các vùng núi, hải đảo xa xôi dẫn đến việc các doanh nghiệp bị lỗ lớn trong nhiều thời điểm. Để khắc phục tình trạng này những năm qua, Nhà nước đã bù lỗ khoản tiền rất lớn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

1.4. Nhà nước chỉ cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện mới được kinh doanh xăng dầu

- Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, theo quy định tại Nghị định số Số: 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ thì các Thương nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu;

+ Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tầu chở xăng dầu nhập khẩu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn (bảy ngàn tấn), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê dài hạn từ 05 (năm) năm trở lên;

+ Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000 m3 (mười lăm ngàn mét khối) để trực tiếp nhận xăng dầu từ tầu chở dầu và phương tiện vận tải xăng dầu khác, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng dài hạn từ 05 (năm) năm trở lên;

+ Có phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng dài hạn từ 05 (năm) năm trở lên để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối của mình;

+ Có hệ thống phân phối xăng dầu của mình: Tối thiểu 10 (mười) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu và hệ thống đại lý tối thiểu 40 (bốn mươi) đại lý bán lẻ xăng dầu; 

- Những tổ chức, cá nhân cần phải có những điều kiện cơ bản sau đây mới được tham gia kinh doanh xăng dầu trong nước:

+ Chủ thể kinh doanh là tổ chức, tập thể hay cá nhân có đăng ký kinh doanh, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

+ Được các cơ quan có thẩm quyền đồng ý chấp nhận có đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

+ Có địa điểm tổ chức kinh doanh và được chính quyền sở tại cho phép kinh doanh xăng dầu ở địa điểm kinh doanh.

+ Cơ sở vật chất, cửa hàng (trạm) kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng được điều kiện quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn phòng chống cháy nổ.

+ Cơ sở, cửa hàng xăng dầu phải có chứng nhận đảm bảo không làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

+ Các dụng cụ đo lường: Đong đếm, bơm rót xăng dầu phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt, chứng nhận và niêm phong mới được đưa vào sử dụng.

+ Cán bộ - nhân viên tham gia kinh doanh xăng dầu phải hiểu biết về xăng dầu, có bằng cấp, chứng chỉ chứng nhận phòng chống chảy nổ do công an Phòng cháy - chữa cháy cấp.

+ Cơ sở kinh doanh xăng dầu phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như: Nộp thuế, phí xăng dầu…với Nhà nước và chính quyền địa phương theo quy định.

1.5. Thị trường xăng dầu còn có những đặc điểm khác

Xăng dầu là loại hàng hoá có tính đặc thù, vì vậy ngoài việc tuân thủ các quy luật của thị trường như: Quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá cả … như các loại hàng hoá khác thì thị trường xăng dầu còn có những đặc điểm riêng:

- Khi kinh doanh xăng dầu trên thị trường đòi hỏi việc đảm bảo tuyệt đối an toàn; công tác phòng chống cháy nổ là hoạt động rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn. Mặt hàng xăng dầu có những tính chất lý hóa riêng, trong thành phần của Xăng dầu có nhiều hoá chất độc hại cho cơ thể con người như: Lưu huỳnh, chì, Octan; mùi của xăng dầu rất độc, ảnh hưởng lớn đến môi trường, nếu như xăng dầu bị rơi vãi có thể phá huỷ môi trường sinh thái do đó cần đặc biệt lưu ý đến các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa độc hại cho con người khi tham gia kinh doanh xăng dầu. 

- Thị trường xăng dầu chịu tác động lớn từ các quan hệ chính trị quốc tế và trong nước, vì vậy thị trường xăng dầu phải được đặt trong tổng thể các mối quan hệ quốc tế và chủ trương, đường lối đối ngoại của quốc gia. Ở nhiều thời điểm (đặc biệt là từ khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Mỹ là Liên quân với Irắc năm 2003) giá dầu trên thị trường thế giới biến động rất mạnh, các nước lớn như: Mỹ, Anh, Pháp… đều tranh giành quyền kiểm soát dầu mỏ ở khu vực Vùng Vịnh, các nước này luôn sử dụng chiêu bài cấm vận và gây áp lực tới các nước có nguồn dầu mỏ lớn như: Iran, Syry… nhằm thâu tóm nguồn lợi về mình, mặt khác mặt hàng xăng dầu được coi như là “vũ khí lợi hại” trong các quan hệ về chính trị - quân sự trên bình diện quốc tế.

- Thị trường xăng dầu phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế quốc tế và mỗi nước, thời gian qua (điển hình là năm 2008) đã chứng kiến sự sụp đổ đồng loạt của nhiều định chế tài chính khổng lồ, hàng loạt các sự kiện tồi tệ chưa từng có trong hàng trăm năm qua đã xảy ra. Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, thị trường xăng dầu đã trải qua những biến động lớn nhất trong lịch sử, Giá dầu mỏ ở đầu năm 2008 từ khoảng 90 USD/thùng leo lên 100 USD/ thùng vào ngày 20/02/2008 và đạt mức kỷ lục 147 USD/thùng trong ngày 11/07/2008, ngay sau đó giá lại rơi vào giai đoạn tụt dốc, ngày 19/02/2009 giá dầu ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây: Chỉ còn 34,64 USD/thùng giảm 76,43% so với mức giá ở lúc đỉnh điểm. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng giá dầu giảm mạnh là do nhu cầu sử dụng dầu lớn trên thế giới sụt giảm do khó khăn về kinh tế. 

- Thị trường xăng dầu ở nước ta chủ yếu tập trung ở khâu hạ nguồn. Hàng năm, nước ta tiêu thụ khoảng 11 - 12 triệu tấn xăng dầu các loại, kim ngạch nhập khẩu lên tới hàng chục tỷ USD, đây là mặt hàng có số lượng nhập khẩu lớn và kim ngạch nhập khẩu khổng lồ so với các mặt hàng nhập khẩu khác.

- Thị trường xăng dầu ở nước ta không chỉ là thị trường hàng hóa, dịch vụ thông thường mà còn là vật tư nhiên liệu thiết yếu cho sản xuất, dịch vụ với những cơ chế đặc thù.

 2. Các yếu tố cơ bản của thị trường xăng dầu

- Cung xăng dầu

Cung xăng dầu là số lượng xăng dầu mà các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu có khả năng bán và sẵn sàng bán ra ở các mức giá khác nhau.

Nguồn cung xăng dầu vận động theo xu hướng tỷ lệ thuận với giá cả, giá cao thì cung tăng, giá thấp thì cung giảm. Ngoài tác động của giá cả, cung xăng dầu còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như: Chính trị, xã hội, nguồn tài nguyên dầu mỏ, trình độ khoa học công nghệ, nhu cầu tiêu dùng…

Nguồn cung xăng dầu bao gồm nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước, cho đến giai đoạn hiện nay, nguồn cung trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu.

- Mặt hàng nhập khẩu: Những năm gần đây, mặt hàng xăng dầu nhập khẩu vào nước ta rất phong phú và đa dạng, số liệu cụ thể như sau:

- Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu thay đổi theo từng năm, trong đó mặt hàng xăng có xu hướng tăng, còn các mặt hàng khác như: Diesel, Dầu hoả, Dầu mazút có xu hướng giảm. Cơ cấu thay đổi vì các lý do sau:

+ Nhu cầu về mặt hàng xăng của nước ta hiện nay là rất cao, nguyên nhân là do các phương tiện tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu xăng như: Ôtô, xe máy... tăng mạnh nên số lượng xăng tiêu hao ngày càng lớn, do đó phải tăng lượng nhập khẩu mặt hàng xăng để đáp ứng  nhu cầu của thị trường.

+ Giá cả của các mặt hàng: Diesel, Dầu hoả, Dầu mazút trên thị trường thế giới càng ngày càng tăng cao, mặt khác do sự tiến bộ của khoa học công nghệ nên định mức tiêu hao nhiên liệu của máy móc, thiết bị sử dụng nhiên liệu Diesel, Dầu mazút giảm xuống do vậy sản lượng nhập các mặt hàng đó có xu  hướng giảm. 

- Các nhà cung cấp: Có rất nhiều các nhà cung cấp mặt hàng xăng dầu cho Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở  Việt Nam, thời gian  gần đây có khoảng 30 nhà cung cấp điển hình là các nhà cung cấp lớn như: BP, Shell, Winton, Unipec, SK Energy, Kuo Oil, Elico Oil, Vitol, Simosa, Projector...

Phát triển nguồn hàng nhập khẩu biểu hiện ở việc tăng số lượng thị trường nhập khẩu hoặc tăng số lượng nhà cung cấp hoặc tăng quy mô, sản lượng các mặt hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh Xăng dầu ở Việt Nam trong những năm gần đây phát triển nguồn hàng không diễn ra theo xu hướng tăng nguồn hàng, nhà cung cấp hay sản lượng mà nó lại thể hiện ở việc các doanh nghiệp đã tạo dựng được một hệ thống nguồn hàng nhập khẩu khá ổn định và hiệu quả, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường trong nước với giá cả hợp lý.

- Cầu xăng dầu

Cầu xăng dầu là số lượng xăng dầu mà người mua có khả năng mua và sẵn sàng mua ở các mức giá khác nhau. Tổng hợp các nhu cầu của khách hàng tạo nên cầu hàng hóa.

Tổng nhu cầu xăng dầu bao gồm: Nhu cầu cho giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại dịch vụ, an ninh - quốc phòng, nhu cầu cho tái xuất, nhu cầu cho bổ sung dự trữ.

Cầu xăng dầu vận động theo xu hướng tỷ lệ nghịch với giá cả hàng hóa, khi giá cao thì nhu cầu nhu cầu giảm do người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm để cắt giảm chi phí, mặt khác khi giá cả giảm thì nhu cầu tăng lên. Tuy nhiên xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên nhiều khi giá có tăng hoặc giảm mạnh thì người tiêu dùng vẫn bắt buộc phái sử dụng một lượng xăng dầu nhất định chứ không thể thay thế xăng dầu bằng mặt hàng khác.

Ngoài tác động của giá cả, cầu xăng dầu còn chịu tác động của các nhân tố: Thu nhập của người dân, nguồn cung xăng dầu, quy mô của thị trường, giá cả của những hàng hóa khác có liên quan, mong muốn của người tiêu dùng.

- Giá cả

Giá cả của xăng dầu là sự biểu hiện bằng tiền của của giá trị hàng hóa trên thị trường. Giá cả xăng dầu lên xuống xoay quanh giá trị thực của nó và chịu tác động của các quy luật nền kinh tế thị trường như: Quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh…

Giá cả xăng dầu là một đại lượng biến động liên tục do những nhân tố ảnh hưởng đến thị trường. Người mua xăng dầu đại diện cho cầu hàng hóa, còn người bán xăng dầu thì đại diện cho cung hàng hóa, theo quy luật thị trường thì người mua luôn mong muốn mua được hàng với giá thấp, còn người bán thì luôn mong muốn bán với giá cao. Tuy nhiên giá cả của xăng dầu được hình thành trên thị trường là mức giá mà người mua và người bán đều chấp nhận được.

Giá cả xăng dầu chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố như: Tình hình chính trị - kinh tế thế giới, quan hệ cung cầu…

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng cần thiết cho hoạt động kinh tế, chính trị của mọi quốc gia. Giá xăng dầu ngoài việc phụ thuộc vào thời gian còn phụ thuộc vào rất nhiều biến, trong đó có các biến độc lập lẫn các biến ngẫu nhiên như trạng thái nền kinh tế thế giới (suy thoái hay phát triển), kết quả thăm dò khai thác của các nước, đặc biệt là các nước ngoài khối OPEC, mức độ thay thế của các nguồn năng lượng. 

Với những ưu thế về mặt trữ lượng dầu mỏ, không khó để khẳng định rằng trong tương lai OPEC vẫn là nhà cung cấp chính cho thị trường dầu mỏ. Trong ngắn hạn OPEC vẫn là nhân tố chính ảnh hưởng lên giá xăng dầu. 

Trong năm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là quyền lực người mua. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế rất lớn các nước công nghiệp phát triển như: Mỹ, Nhật,Trung Quốc… vẫn là các thị trường tiêu thụ xăng dầu khổng lồ. Với quyền lực về: Chính trị, chính sách thuế quan, chính sách bảo vệ môi trường là những công cụ hữu hiệu để người mua chống lại những diễn biến bất thường của giá dầu mỏ trên thị trường và ngăn không cho OPEC thực hiện quyền lực độc quyền của mình trong trung và dài hạn.

Việt Nam đã chính thức mở cửa thị trường xăng dầu. Vì vậy giá xăng dầu trong nước cũng thường xuyên biến động theo giá thị trường thế giới. Tuy nhiên Nhà nước vẫn nắm quyền quản lý bằng việc điều chỉnh giá hoặc tăng, giảm thuế  nhập khẩu và các loại thuế, phí khác; qua đó quyết định mức giá tới tay người tiêu dùng.

- Cạnh tranh

Cạnh tranh là sự tranh giành giữa các nhà sản xuất và kinh doanh trên thị trường nhằm lôi kéo được khách hàng về phía mình. 

Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cạnh tranh với nhau nhằm thực hiện các chức năng:

+ Giá cả các mặt hàng xăng dầu giảm xuống;

+ Các doanh nghiệp phải tối ưu hóa các yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh, tìm mọi biện pháp để tiết giảm chi phí;

+ Cạnh tranh buộc các doanh nghiệp không ngừng áp dụng thành tựu của kỹ thuật mới tiên tiến và khoa học công nghệ tiến bộ;

+ Cạnh tranh là công cụ tước đi tính độc quyền của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; đưa lĩnh vực kinh doanh này hoạt động theo quy luật của thị trường.

Để có được chiến lược cạnh tranh đúng đắn, các doanh nghiệp cần phải xác định trạng thái cạnh tranh trên thị trường: Cạnh tranh tự do, cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh mang tính độc quyền, cạnh tranh hỗn tạp…

Việc xác định trạng thái cạnh tranh của thị trường xăng dầu hiện nay là cạnh tranh mang tính độc quyền đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sớm nhận biết được cách thức để làm việc cũng như để đánh giá chính xác hơn các phương pháp mà doanh nghiệp đang tiến hành để giành thắng lợi trong kinh doanh. 

Các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh trước hết là tác động tới việc giảm lợi nhuận siêu ngạch do độc quyền mang lại, tiếp đến là quá trình tiết giảm chi phí để tăng khả năng cạnh tranh dẫn lợi nhuận giảm. Sự cạnh tranh này làm cho đường vận động của xăng dầu được điều chỉnh từ các cảng nhập đầu mối đến nơi tiêu thụ bằng con đường ngắn nhất, bằng phương tiện vận chuyển có giá cước thấp nhất và ít qua khâu trung gian nhất, đó là lợi ích chung của toàn xã hội khi hình thành được chi phí tối ưu để lưu thông hàng hóa. Xét trên góc độ của người tiêu dùng, cạnh tranh làm cho người tiêu dùng được quyền lựa chọn các mặt hàng xăng dầu tốt nhất, tại địa điểm mong muốn nhất với giá cả hợp lý. 

3. Các nhân tố tác động đến thị trường xăng dầu ở Việt Nam

3.1. Những nhân tố vĩ mô tác động đến thị trường xăng dầu 

- Nhân tố kinh tế

Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của toàn xã hội phụ thuộc rất lớn vào khả năng kinh tế của đất nước, kinh tế tăng trưởng thì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cũng tăng theo. Đồng thời khả năng tiêu dùng xăng dầu còn phụ thuộc nhiều vào thu nhập của dân cư. Những năm qua, Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần nên có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu xăng dầu đã tăng lên nhanh chóng nhất là từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trước năm năm 1990, duy nhất Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối các sản phẩm xăng dầu ở Việt Nam, từ năm 1990, thế độc quyền này đã dần dần bị phá bỏ, nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác đã được tham gia vào nhập khẩu xăng dầu, cho đến nay đã có 11 đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, tạo lập thị trường có cạnh canh, giá cả từng bước vận hành theo thị trường có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước.

- Nhân tố chính trị

Thị trường xăng dầu chịu tác động rất nhiều bởi các yếu tố chính trị, những diễn biến chính trị trên thế giới như: Chiến tranh, bạo loạn, đình công... diễn ra ở các nước đặc biệt là ở những nước giàu tài nguyên giàu mỏ như: Trung Đông, các nước trong khối OPEC...ảnh hưởng rất mạnh và trực tiếp đến thị trường xăng dầu.

Sự điều hành của Chính phủ thông qua hệ thống luật pháp và các chính sách tác động rất lớn đến thị trường xăng dầu, giữ cho thị trường ổn định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực nhằm phát triển thị trường xăng dầu, điển hình là Chính phủ đã ban hành Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2003 và nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 04 năm 2007 tạo điều kiện huy động các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu. Đặc biệt ngày 15 tháng 10 năm 2009, Chính phủ đã ban hành nghị định số 84/2009/NĐ-CP cho phép tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều có quyền tham gia nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Đây là bước đột phá lớn trong chính sách quản lý xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam, tạo ra một thị trường có cạnh tranh. Tuy nhiên thị trường xăng dầu còn nảy sinh nhiều bất cập do đó hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa theo kịp với những đòi hỏi của thị trường.

- Nhân tố Dân số

Dân số là nhân tố rất quan trọng tác động đến thì trường xăng dầu vì dân số đông số sẽ tạo ra lượng khách hàng lớn tiêu dùng xăng dầu, dẫn tới dung lượng thị trường có thể đạt tới. Quy mô và tốc độ tăng dân số là khía cạnh quan trọng tác động tới quy mô nhu cầu. Quy mô dân số của một quốc gia càng lớn thì báo hiệu một quy mô thị trường xăng dầu càng lớn. Tốc độ tăng dân số là quy mô dân số được xem xét ở trạng thái động. Dân số tăng nhanh, chậm hay giảm sút là chỉ số báo hiệu triển vọng tương ứng của quy mô thị trường. Cơ cấu dân số cũng tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng xăng dầu, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ: Dân số trẻ, số lượng người trong độ tuổi lao động cao (đất nước có cơ cầu dân số vàng) thúc đẩy sản xuất phát triển do đó nhu cầu tiêu dùng xăng dầu ngày càng lớn, thị trường xăng dầu ở Việt Nam có cơ hội để phát triển.

- Nhân tố tự nhiên

Dầu mỏ là loại tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận và rất khó tái sinh trong một thời gian ngắn. Dầu mỏ ngày càng trở lên khan hiếm trở thành nguy cơ thiếu hụt năng lượng đối với các nước trên thế giới do đó giá xăng dầu đã tăng liên tiếp trong những năm qua.

Đối với Việt Nam, tính chất phức tạp của khí hậu nhiệt đới gió mùa cũng có thể tạo ra nhiều thách thức đối với thị trường xăng dầu. Do đặc tính của xăng dầu: Dễ bay hơi, khó bảo quản.. mà khí hậu ở nước ta lại nóng và ẩm, nắng lắm, mưa nhiều buộc phải quan tâm tính đến hệ thống kho tàng, bến bãi, phương tiện tiếp nhận và bảo quản xăng dầu phục vụ đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

- Nhân tố khoa học, Kỹ thuật

Khoa học kỹ thuật đã tác động rất lớn tới đời sống con người và thị trường xăng dầu. Tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã tạo ra những bước phát triển lớn xong cũng có những mặt trái. Cùng với xu hướng của thế giới, tốc độ tiến bộ của khoa học kỹ thuật ở Việt Nam diễn ra quá nhanh, thời gian kể từ khi có phát hiện khoa học đến khi có sản phẩm ngày càng rút ngắn, những phát minh khoa học đã làm cho sản phẩm mới hoàn thiện hơn và xuất hiện liên tục, trang thiết bị, máy móc cũng không ngừng thay đổi dẫn đến nhu cầu tiêu dùng xăng dầu ngày càng lớn và những yêu cầu kỹ thuật của xăng dầu ngày càng trở nên khắt khe, đòi hỏi phải có nguồn xăng dầu phong phú, đa dạng.

- Nhân tố Văn hóa

Văn hóa tác động rất lớn đến thị trường xăng dầu. Văn hóa có thể tạo ra một xu hướng hay trào lưu tiêu dùng một sản phẩm. Trong những năm qua ở Việt Nam xuất hiện một trào lưu và xu hướng tiêu dùng mà trước đây chưa hề có: Mua sắm xe hơi, xe tay ga...biểu hiện trực tiếp của những xu hướng dó là sự giàu sang hơn nhưng sâu xa thầm kín của những trào lưu đó là yếu tố văn hóa. Từ trào lưu đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xăng dầu: Khách hàng chủ yếu tiêu dùng sản phẩm xăng dầu có chất lượng cao hơn như: Xăng Mogas 98, Mogas 95 thay cho Xăng Mogas 90, Xăng Mogas 83; Dầu Diesel 0,25% Smax thay thế cho Dầu Diesel 1% Smax .

Trên đây là những yếu tố điển hình của môi trường vĩ mô tác động đến sự phát triển của thị trường xăng dầu. Những yếu tố này tác động tới thị trường xăng dầu ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp, nhiều mức độ. Những biến đổi của nó có khi rất mau lẹ nhưng có thể diễn biến từ từ vì vậy cần phải phân tích, phán đoán những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra của thị trường xăng dầu trong môi trường vĩ mô.

3.2. Những nhân tố vi mô tác động đến thị trường xăng dầu 

- Nhân tố Khách hàng

Khách hàng là thị trường của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mỗi biến đổi về nhu cầu của khách hàng đều buộc doanh nghiệp phải xem xét các quyết định kinh doanh của mình. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam có thể có 5 loại khách hàng và tạo nên 5 loại thị trường: Thị trường người tiêu dùng, Thị trường các nhà sản xuất, Thị trường nhà bán buôn trung gian, Thị trường các cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác, thị trường quốc tế. Mỗi loại khách hàng - thị trường trên đều có hành vi tiêu dùng xăng dầu khác nhau, do đó sự tác động của các khách hàng - thị trường mang tới các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp không giống nhau. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần nghiên cứu kỹ từng khách hàng - thị trường để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của họ.

- Đối thủ cạnh tranh

Khi tham gia vào kinh doanh, đôi khi chỉ là một đoạn thị trường duy nhất, Doanh nghiệp luôn gặp những đối thủ cạnh tranh. Cạnh tranh tác động hai mặt đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Một mặt nó đẩy các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả đến chỗ phá sản hoặc phải rút giấy phép kinh doanh, mặt khác nó tạo môi trường tốt cho một số doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả phát triển. Cạnh tranh không phải là sự hủy diệt mà là sự thay thế, thay thế những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, sử dụng lãng phí nguồn lực xã hội bằng các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhằm đáp ứng tốt  hơn nhu cầu của xã hội, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.

Nhìn chung năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu còn nhiều hạn chế, trong số 11 đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu hiện nay thì Tập đoàn xăng dầu Việt Nam là một doanh nghiệp có hệ thống mạng lưới cơ sở kinh doanh trực thuộc, phủ kín các tỉnh thành phố trong cả nước. Các doanh nghiệp đầu mối khác như: PV Oil, PETEC, SaigonPetro, Vinapco...chỉ tập trung kinh doanh bán buôn một số mặt hàng chính như: Xăng, Diesel trên một số cùng có địa lý thuận lợi, dễ cạnh tranh hoặc kinh doanh một số mặt hàng đặc chủng phục vụ cho nhu cầu trong ngành như: Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Xăng dầu Hàng không. Hệ thống cửa hàng xăng dầu ở nước ta khá lớn nhưng chủ yếu được xây dựng trên cơ sở “xin quy hoạch” mạnh ai người đó làm dẫn đến một thực tế là khá lộn xộn, nhỏ bé, không đảm bảo tiêu chuẩn.  Bên cạnh đó, quy mô về vốn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn nhỏ, công tác quản trị nhân lực, quản trị tài chính, quản trị chiến lược... của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

- Công chúng

Công chúng trực tiếp của một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là một nhóm bất kỳ quan tâm thực sự hay có thể sẽ quan tâm hoặc có ảnh hưởng đến khả năng đạt tới những mục tiêu để ra của doanh nghiệp đó. Lực lượng này có thể hỗ trợ, tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Thời gian qua Công chúng đặt ra rất nhiều câu hỏi về các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở nhiều khía cạnh: Giá cả, chất lượng, số lượng cũng như phong cách phục vụ...: Vốn dĩ giá xăng dầu rất minh bạch, tất cả mọi người đều biết giá trên thế giới được công bố cụ thể như thế nào nhưng tại sao khi về đến Việt Nam thì giá xăng dầu trở thành tù mù, không ai biết giá xăng dầu bao nhiêu là chính xác và hợp lý? Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì luôn kêu lỗ, và Nhà nước phải bình ổn giá giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong khi đó mới đây, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong đợt IPO bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2011 lại công bố lãi đến 2.500 tỷ. Người tiêu dùng xăng dầu luôn bị móc túi vì khi mua hàng bị đong thiếu, chất lượng xăng dầu khi đã ra ngoài thị trường thì không có ai kiểm soát? 

Từ thực tế trên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải làm sáng tỏ được những vấn đề mà công chúng đặt ra để từ đó nỗ lực triển khai các công việc khác đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

- Các lực lượng bên trong doanh nghiệp

Mỗi một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều có tổ chức bộ máy, con người với năng lực, trình độ và nhận thức khác nhau. Yếu tố con người là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của Doanh nghiệp. Muốn thành công trên thương trường thì Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, kiến thức thực sự và có kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu phát triển. 

Ngoài ra, trong doanh nghiệp thì các Bộ phận của Doanh nghiệp lại theo đuổi những mục tiêu khác nhau do chức năng, nhiệm vụ chi phối.  Điều đáng nói là mục tiêu của mỗi bộ phận không phải bao giờ cũng thống nhất với bộ phận khác, mặc dù tất cả họ đều đặt dưới sự điều hành của Ban Lãnh đạo Doanh nghiệp. Từ thực tế trên, muốn Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chung thì phải phá bỏ được các rào cản, tạo được sự đồng thuận cao giữa các bộ phận.

4. Một số kết luận về sự vận động của thị trường xăng dầu ở Việt Nam

4.1. Nguồn cung xăng dầu ở Việt Nam

Nguồn nhập khẩu

Hiện nay để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu, nước ta chủ yếu phải nhập khẩu xăng dầu của nước ngoài, khối lượng nhập khẩu từng sản phẩm phụ thuộc:

- Nhu cầu từng loại sản phẩm;

- Khả năng dự trữ của Doanh nghiệp;

- Diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Ở thời điểm này, Việt Nam có 11 doanh nghiệp Nhà nước được cấp phép nhập khẩu và phân phối các sản phẩm xăng dầu, trong đó Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Một số đơn vị kinh doanh phân phối xăng dầu của các Bộ, Ngành khác tập trung vào một số thị trường chuyên dụng như VINAPCO cho xăng dầu hàng không hoặc một số đơn vị trực thuộc tỉnh, thành phố như: SaigonPetro, Công ty xăng dầu Đồng Tháp… kinh doanh trên địa bàn của địa phương (xem bảng 2.1).

Khối lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong thời gian qua thể hiện rõ Petrolimex là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất sau đó đến Petec, PVOIL, SaigonPetro, các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ lẻ.

Nguồn cung trong nước

- Hiện tại Việt Nam có hai nhà máy pha chế Condensate để sản xuất ra xăng phục vụ nhu cầu trong nước. Tổng công suất hai nhà máy vào khoảng 650.000 tấn xăng/năm, đó là:

+ Nhà máy chế biến condensate của SaigonPetro công suất tối đa 400.000 tấn xăng/năm. Công nghệ chủ yếu là pha trộn condensate nội địa với các sản phẩm xăng có trị số Octan cao để đạt xăng tiêu chuẩn. Hiện nay, nhà máy sản xuất khoảng 300.000 tấn xăng/năm.

+ Nhà máy chế biến condensate của PetroVietnam công suất dự kiến 350.000 tấn xăng/năm từ nguồn khí Nam Cơn Sơn và Bạch Hổ, bắt đầu sản xuất từ năm 2003. Tổng sản lượng condensate nội địa năm 2008 khoảng 320.000 tấn xăng/năm.

- Nhà máy lọc dầu số 1 (Dung Quất) có công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm với sơ đồ công nghệ chế biến hiện đại và tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, Nhà máy lọc dầu Dung quất chạy thử nghiệm từ ngày 22/02/2009, đến nay nhà máy đã vận hành 100% công suất và cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 6,4 triệu tấn nhiên liệu các loại bao gồm: LPG, xăng, dầu hoả, nhiên liệu phản lực, diezel và mazut, ngoài ra nhà máy sẽ sản xuất khoảng 110.000 tấn propylen.

- Nhà máy lọc dầu số 2 (Nghi Sơn): Chính phủ đã phê duyệt FS, công suất dự kiến 6,5 triệu tấn/năm với sơ đồ chế biến sâu để chế biến hỗn hợp dầu ngọt của Việt nam với dầu chua nhập khẩu từ Trung Đông nhằm tăng cường độ linh hoạt chế biến, tăng chủng loại sản phẩm và sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp hoá dầu. 

Chất lượng các sản phẩm của 2 nhà máy tương đương với sản phẩm của các nước ASEAN. Khi hai nhà máy lọc dầu này đi vào hoạt động sẽ cung ứng một khối lượng lớn và đa dạng các sản phẩm dầu, đáp ứng được khoảng trên 50% vào 2010 - 2015 và trên 40% vào năm 2020 tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước. Ngoài ra các sản phẩm như Propylene của Nhà máy lọc dầu số 1 và Naphtha của Nhà máy lọc dầu số  2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp hoá dầu sau này.

4.2. Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu ở Việt Nam

Thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu ở Việt Nam có xu hướng tăng cao do các sản phẩm xăng, dầu là nhiên liệu thiết yếu mang tính chiến lược và có tác động trực tiếp tới hoạt động của hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân.

Trong xu hướng chung thì nhu cầu:  Xăng, DO, FO, nhiên liệu máy bay xu hướng tăng cao, nhu cầu Kerosene theo xu hướng giảm (do bị thay thế bởi LPG).

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam tăng khá nhanh trong giai đoạn 2005 – 2011, với tốc độ tăng trưởng bình quân sử dụng xăng dầu khoảng 8%. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu của Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông vận tải (chiếm khoảng 53% tổng nhu cầu), và ít nhất là dân dụng, nông nghiệp (mỗi nhu cầu chiếm khoảng 4%). Nhìn chung, tỷ lệ tiêu thụ theo khu vực của các loại sản phẩm xăng dầu thì không khác nhau là mấy tỷ lệ tiêu thụ chủ yếu vẫn ở khu vực miền Nam và thấp nhất vẫn là khu vực miền Trung.

4.3. Giá cả xăng dầu ở Việt Nam

Giá nhập khẩu

Giá xăng dầu nhập khẩu ở nước ta trong thời gian qua phụ thuộc hoàn toàn vào giá xăng dầu của thị trường khu vực và quốc tế. Mặt khác, sự biến động của giá sản phẩm xăng dầu lại gắn chặt với sự biến động của giá dầu thô, tình hình kinh tế (tốc độ tăng trưởng, lạm phát) và môi trường kinh doanh của mỗi loại sản phẩm. Môi trường kinh doanh ở đây bao gồm các ngành công nghiệp có liên quan, mối quan hệ cung cầu, công suất hoạt động và tình hình lợi nhuận lọc dầu cũng như sự chênh lệch về giá sản phẩm lọc dầu. 

Giá nhập khẩu xăng dầu trong các năm gần đây liên tục tăng với tốc độ cao theo giá dầu thô khu vực và thế giới, theo thống kê của EIA, từ năm 2004 đến nay giá FOB dầu thô và các sản phẩm xăng dầu liên tục tăng cao, trung bình từ 28-35%/năm và riêng năm 2008 đạt kỷ lục tăng khoảng 60% so với năm 2007. 

Qua số liệu thể hiện hình trên, ta có thể nhận thấy trong suốt giai đoạn vừa qua, mặc dù có sự điều tiết của Nhà nước, nhưng sự vận động giá xăng dầu trong nước vẫn có cùng xu hướng vận động với giá dầu thô trên thị trường thế giới nhưng với tốc độ tăng chậm hơn.

Do tác động bởi cơ chế bù giá bán xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng cao và Nhà nước điều tiết giá bằng thuế nhập khẩu nên biến động giá bán trong nước không giống với thị trường quốc tế, ở đây là giá nhập khẩu. Khi giá nhập khẩu tăng cao thì giá bán trong nước tăng không đáng kể, có trường hợp khi giá nhập khẩu giảm thì giá bán trong nước vẫn tăng nhẹ để bù đắp phần chi bù lỗ của giai đoạn trước.

5. Cạnh tranh trên thị trường xăng dầu ở Việt Nam hiện nay

Thị trường xăng dầu Việt Nam đã hạn chế dần tính độc quyền trong kinh doanh mà thay bằng sự xuất hiện nhiều đơn vị cùng tham gia kinh doanh xăng dầu.

Trong khoảng thời gian rất dài (từ năm 1956 – 1990), trên thị trường xăng dầu Việt Nam chỉ có Tổng công ty xăng dầu là đơn vị duy nhất có chức năng cung ứng xăng dầu, kể từ năm 1991 cho đến nay đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp khác kinh doanh xăng dầu. Sự xuất hiện nhiều Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là tất yếu khách quan và bắt nguồn từ những lý do sau:

- Để huy động mọi tiềm năng của đất nước, Nhà nước đã cho phép một số ngành, địa phương nhập khẩu xăng dầu để đáp ứng nhu cầu tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn.

- Nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, độc quyền trong kinh doanh không còn phù hợp, Nhà nước cho phép nhiều doanh nghiệp kinh doanh để cạnh tranh với nhau, nâng cao được hiệu quả kinh doanh, người tiêu dùng được mua hàng với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, dịch vụ hoàn hảo hơn.

- Một số địa phương và một số doanh nghiệp có khả năng phát huy được tiềm năng và thế mạnh, tận dụng được các lợi thế để phát triển kinh doanh xăng dầu.


Những năm gần đây, trên thị trường xăng dầu ở nước ta có nhiều đơn vị tham gia kinh doanh, việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã làm cho thị trường xăng dầu trở nên rất sôi động, các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của các hộ tiêu dùng nhanh chóng và kịp thời hơn. Các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều cơ chế, chính sách để thu hút khách hàng, mở rộng thị trường.

Để cạnh tranh thành công trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngoài việc đổi mới về tổ chức và phương thức kinh  doanh thì còn phải đổi mới công nghệ và các trang thiết bị. Cải tạo và nâng cấp hệ thống cầu cảng để có khả năng tiếp nhận những tàu dầu có trọng tải lớn, không phải chuyển tải để tiết kiệm: Chi phí sang mạn, vận tải và giảm đáng kể lượng xăng dầu hao hụt do bơm rót. Từng bước hiện đại hóa hệ thống kho xăng dầu, cung đoạn đo đếm, kiểm nghiệm được tự động hóa .

Hiện nay, Tổng đoàn xăng dầu Việt Nam là đơn vị lớn nhất cung cấp các chủng loại xăng dầu phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.

Kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh chủ đạo của Petrolimex. Hàng năm, Tổng đoàn phải nhập khẩu lượng xăng dầu rất lớn, chiếm khoảng 60% thị phần nội địa. 

Phục vụ cho hoạt động kinh doanh, Petrolimex có hệ thống kho bể với sức chứa trên 1.350.000 m3 được phân bổ dọc theo chiều dài đất nước đảm bảo cho dự trữ và cung ứng xăng dầu theo nhu cầu của thị trường. Hệ thống phân phối của Tổng công ty lên tới 2.170 cửa hàng bán lẻ và hệ thống đại lý với trên 8.000 điểm bán trên toàn quốc, Doanh thu xăng dầu trung bình năm đạt trên hàng trăm ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng doanh thu toàn ngành. Petrolimex lấy kinh doanh xăng dầu làm ngành nghề kinh doanh chính; giữ  vững và duy trì được vị thế là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường Việt Nam trong kinh doanh xăng dầu ở khâu hạ nguồn. Tập đoàn phấn đấu đến năm 2015, doanh thu đạt 358.752 tỷ đồng; kim ngạch nhập khẩu đạt 7.240 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu (tái xuất) 1.050 triệu USD; sản lượng xăng dầu các loại mua vào đạt 10,51 triệu m3,tấn; sản lượng xăng dầu các loại tiêu thụ đạt 10,51 triệu m3,tấn và lợi nhuận trước thuế đạt 4.468 tỷ đồng.

No comments:

Post a Comment