20/01/2015
Tình huống về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự - Bài tập nhóm Thủ tục đặc biệt trong Tố tụng Hình sự
Tình huống về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự:

a. Tình huống


Ngày 29-8-2011, trên đoạn đường giao thông tỉnh lộ 334, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, xe mô tô chưa có biển kiểm soát của thai phụ Vũ Thị Lý đã xảy ra tai nạn giao thông với xe ô tô tải của công ty cổ phần Toàn Trang do Nguyễn Mạnh Tường điều khiển, khiến chị Lý tử vong. Nhiều nhân chứng xác nhận chị Lý đang đi trên đường và bị xe tải lấn đường chèn. Anh Nguyễn Văn Viên – chồng nạn nhân đã đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Nhưng đến ngày 21-11-2011, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra huyện Vân Đồn, ông Phạm Hồng Sinh mới ký bản kết luận điều tra và ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì "không có dấu hiệu của tội phạm. Nguyên nhân do lỗi của nạn nhân" vượt quá thời hạn quy định trong Điều 103, Bộ luật tố tụng hình sự.


Không đồng tình với cách giải quyết của công an huyện Vân Đồn và bản kết luận điều tra của cảnh sát điều tra công an huyện Vân Đồn, anh Viên đã làm đơn khiếu nại cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Vân Đồn trong vụ án này vì có dấu hiệu vi phạm bộ luật tố tụng hình sự, bỏ lọt tội phạm. Nhưng trong văn bản trả lời đơn khiếu nại của chồng nạn nhân, ông Trần Văn Long - Trưởng công an huyện Vân Đồn lại khẳng định cơ quan điều tra tuyệt đối tuân thủ về thời hạn điều tra theo quy định của pháp luật.

Anh Viên đã viết đơn đề nghị thực nghiệm lại hiện trường và điều tra nguyên nhân dẫn đến tử vong của vợ, con anh. Sau khi xem xét đơn của anh Viên và nghiên cứu hồ sơ vụ tai nạn giao thông, ngày 30 - 7 viện kiểm sát nhân dân huyện Vân Đồn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/KSĐT-HS về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" quy định tại Điều 202, Bộ luật hình sự và yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Vân Đồn tiến hành điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

b.Bình luận cách giải quyết tình huống đúng theo quy định của pháp luật: 

Trong tình huống trên, chúng ta có thể thấy có dấu hiệu vi phạm BLTTHS, bỏ lọt tội phạm của Công An huyện Vân Đồn. Theo khoản 2 điều 103, BLTTHS quy định: trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng. Vụ tai nạn xảy ra vào cuối tháng 8/2011 và sau đó anh Nguyễn Văn Viên – chồng nạn nhân đã đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc nhưng đến ngày 21-11-2011, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra huyện Vân Đồn, ông Phạm Hồng Sinh mới ký bản kết luận điều tra và ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự, vượt quá thời hạn quy định của luật cho phép.

Theo đó, anh Nguyễn Văn Viên hoàn toàn có quyền khiếu nại cơ quan cảnh sát điều tra của công an huyện Vân Đồn theo điều 325 BLTTHS: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”

Theo điều 329 BLTTHS về Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng Cơ quan điều tra việc anh Viên không đồng ý với kết quả giải quyết và đã khiếu nại đến viện kiểm sát nhân dân huyện Vân Đồn là đúng theo pháp luật. 

c.Những biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự trong giai đoạn hiện nay là:

- Chấn chỉnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người khiếu nại, tố cáo và giải quyết nhanh chóng, công bằng, đúng với các quy định của pháp luật các khiếu kiện của nhân dân.

- Lãnh đạo các ngành, các đơn vị cần theo dõi sát sao, trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới giải quyết kịp thời các khiếu kiện trong tố tụng hình sự. Các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cần có quy chế phối hợp trong việc giải quyết khiếu kiện trong tố tụng hình sự.

- Cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự cho nhân dân về quyền và nghĩa vụ của người dân khi có khiếu kiện. hướng dẫn cho họ một cách chi tiết về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện đó. Hướng dẫn tận tình, kiên trì giải thích cho người dân hiểu, tránh tình trạng hướng dẫn lòng vòng gây phiền hà, bức xúc cho người dân. Đơn khiếu kiện của ngành nào, cấp nào thì ngành đó, cấp đó phải giải quyết, để tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, xử lý nghiêm khắc đối với những sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.

- Xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu nại, tố cáo sai sự thật để gây phức tạp cho việc giải quyết vụ án hoặc vì mục đích khác.

- Các ngành Tư pháp Trung ương cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với những vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong tố tụng hình sự như: hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện khi hồ sơ vụ án đã chuyển sang cơ quan khác hoặc khi chuyển thẩm quyền giải quyết vụ án, nhập hoặc tách vụ án; Giải quyết khiếu nại, tố cáo khi người khiếu nại, tố cáo chết; Trách nhiệm cụ thể về bồi thường thiệt hại đối với người khiếu kiện do hành vi tố tụng hoặc quyết định tố tụng trái pháp luật gây ra; Các mẫu hồ sơ, văn bản trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo...

- Theo định kỳ các ngành, các đơn vị cần thống kê, báo cáo, tổng kết để rút kinh nghiệm và có phương hướng, kế hoạch phù hợp nhằm giải quyết tốt hơn các khiếu kiện của công dân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hình sự.

Pháp luật Nhà nước ta đã có những quy định cụ thể cũng như các biện pháp để giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo này của công dân giúp cho việc chỉnh đốn, củng cố hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hình sự, nâng cao trách nhiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan đó, để mọi người dân góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

No comments:

Post a Comment