Trước năm 1993 trên thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có một công ty bảo hiểm duy nhất đó là Bảo Việt. Vì vậy mọi khách hàng tham gia bảo hiểm đều phải qua Bảo Việt do đó Bảo Việt nắm rõ mọi thông tin về khách hàng. Tuy nhiên sau khi có nghị định 100/CP (ngày 18/12/1993) nhiều doanh nghiệp mới được thành lập thị trường bảo hiểm Việt Nam sôi động hơn chấm dứt thời kì độc quyền của Bảo Việt. Với nhiều doanh nghiệp mới được thành lập nên cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng ngày càng quyết liệt, gay gắt hơn. Khi thị trường bảo hiểm phát triển thì các hình thức gian lận, cũng ngày càng gia tăng - đây cũng là một tất yếu khách quan không chỉ ở thị trường bảo hiểm Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều phải đối mặt với thực trạng này. Gian lận bảo hiểm là một yếu tố làm tăng chi phí cho các DNBH, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận thu được của mỗi công ty. Hoạt đông này ngày càng gia tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ việc.Vì vậy, công tác phòng chống GLBH trở nên cần thiết và quan trọng thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần làm tăng lợi nhuận của công ty. Trước sự cần thiết của công tác phòng chống GLBH vì vậy khi làm bài tập nhóm cúng em đã chọ đề tài: “Tìm hiểu thực tiễn gian lận bảo hiểm từ đó chỉ ra những nguyên nhân cơ bản và đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng gian lận bảo hiểm.”
Tuy nhiên với lượng thời gian ngắn, các thành viên trong nhóm lại không được ghép từ nhiều lớp truyền thống khác nhau và đăng ký thời gian các môn học khác nhau nên khó để họp nhóm để trao đổi, mặt khác bài tập lại có sự giới hạn về tài liệu nên không cho phép nhóm tìm hiểu quá sâu mà chỉ có thể tìm hiểu những điểm chính về vấn đề thực tiễn gian lận bảo hiểm từ đó chỉ ra những nguyên nhân cơ bản và đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng gian lận bảo hiểm.
I, Những vấn đề lý luận chung về gian lận bảo hiểm:
1, Khái niệm gian lận bảo hiểm:
Gian lận bảo hiểm (GLBH) là hành vi gian dối không trung thực được thực hiện nhằm chống lại DNBH để thu lợi bất chính. Hành vi GLBH có thể được thực hiện trong quá trình tiến hành bảo hiểm bởi các bên khác nhau, bao gồm chủ sở hữu hợp đồng bảo hiểm, bên thứ ba đòi DNBH bồi thường, môi giới BH, đại lý BH, các tổ chức và cá nhân chuyên cung ứng các dịch vụ tư vấn đòi bồi thường BH.
2, Hậu quả của gian lận bảo hiểm:
Như vậy ta thấy bản chât của GLBH là đánh vào túi tiền của tất cả mọi người nên khi GLBH xảy ra sẽ dẫn đến:
Thứ nhất, phí BH cao hơn và giá hàng hoá và dịch vụ cao hơn tức là số tiền mà DN BH phải bỏ ra để đấu tranh chống gian lận BH và chi trả các khoản tiền gian lận sẽ dồn lên vai cộng đồng BH dưới hình thức phí BH cao hơn. Gian lận BH cũng dẫn đến giá cả hàng hoá và dịch vụ cao hơn bởi vì DN kinh doanh hàng hoá và dịch vụ chuyển chi phí mua BH cao hơn vào dịch vụ và hàng hoá họ bán cho khách hàng.
Thứ hai, giảm khả năng cung ứng dịch vụ bảo hiểm. Các DNBH có thể áp đặt các yêu cầu cao hơn khi khai thác BH và thu hẹp phạm vi BH để giảm bớt thiệt hại do gian lận BH. Các DNBH thường từ chối BH đối với những lĩnh vực khó chống lại gian lận BH.
Thứ ba, việc thanh toán những yêu cầu đòi bồi thường chính đáng sẽ chậm lại. Các DNBH thường cảnh giác với những hành vi gian lận BH, do đó sẽ điều tra rất kỹ khi họ nghi ngờ có hành vi gian lận. Quy trình giải quyết bồi thường rất chặt chẽ sẽ được áp dụng để hạn chế gian lận BH, chắc chắn sẽ làm cho việc giải quyết bồi thường những yêu cầu đòi bồi thường chính đáng bị chậm lại.
Vì vậy để góp phần làm giảm gian lận bảo hiểm thì ở những góc độ khác nhau bạn có thể hạn chế nó bằng cách thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình như: Với tư cách người tiêu dùng, bạn hãy bảo đảm chắc chắn rằng bản thân bạn sẽ không bao giờ gian lận BH và giúp người khác thực hiện hành vi gian lận. DN BH có quyền từ chối trách nhiệm và bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường nếu thấy có những nhân tố gian lận trong yêu cầu đòi bồi thường của bạn. Trước khi mua BH, người tiêu dùng hãy liên hệ với DNBH hoặc Hiệp hội BH nhân thọ hoặc phi nhân thọ để bảo đảm rằng đại lý tiếp cận bạn là một đại lý được uỷ quyền…
3, Phân loại gian lận bảo hiểm:
Có nhiều cách phận loại gian lận bảo hiểm, tuy nhiên theo định nghĩa về gian lận bảo hiểm và dưới góc độ của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm (chủ thể) thì gian lận bảo hiểm được chia thành:
Gian lận của các chủ hợp đồng bảo hiểm.
Đối với loại gian lận này, không có bất đồng ý kiến lớn giữa ngành bảo hiểm và nhà giám sát bảo hiểm. Đầu mối quan trọng nhất để phát hiện gian lận bảo hiểm là những tài liệu làm bằng chứng (như là hóa đơn, đơn khiếu nại và giấy yêu cầu trả tiền bồi thường)
Thí dụ về dấu hiệu cảnh báo là: không có chứng từ gốc, chứng từ không đầy đủ (không có tên trên chứng từ hoặc được điền vào sau này, không có chữ ký), chữ viết khác nhau, chứng từ mới liên quan đến sự kiện/sản phẩm cũ, ngày tháng khác thường, mâu thuẫn giữa giấy yêu cầu trả tiền bồi thường và đơn khiếu nại hoặc khiếu nại có quá đầy đủ tài liệu dẫn chứng.(có sẵn tất cả hóa đơn, ảnh chụp gần đây của các hạng mục bị mất).
Một chỉ báo quan trọng khác nữa là thái độ của người khiếu nại: người khiếu nại năng nổ, thúc giục giải quyết bồi thường nhanh, sẵn sàng chấp nhận số tiền bồi thường thấp, miễn cưỡng hợp tác, lảng tránh sử dụng điện thoại hoặc thư điện tử, muốn bồi thường bằng tiền mặt, không làm gì để ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại, rất am hiểu về các điều khoản bảo hiểm hoặc đã liên lạc với môi giới bảo hiểm/đại lý bảo hiểm hoặc người bảo hiểm ngay trước khi tổn thất xảy ra.
Ngoài ra, những đặc điểm của tổn thất cũng có thể cho thấy dấu hiệu gian lận: tổn thất xảy ra ngay sau khi đơn bảo hiểm có hiệu lực hoặc được mở rộng hoặc ngay trước khi chấm dứt hiệu lực hoặc có sự mâu thuẫn giữa số tiền bảo hiểm và đặc điểm của người được bảo hiểm (như là cách sống, tuổi, nghề nghiệp). Nhóm các chỉ báo cuối cùng (nhưng vẫn quan trọng) là đặc điểm của người khiếu nại, thí dụ: tình hình tài chính của người khiếu nại khốn khó, người khiếu nại có tiền sử khiếu nại không tốt hoặc người khiếu nại cung cấp hộp thư bưu điện hoặc khách sạn làm địa chỉ liên lạc.
Gian lận của người trung gian
Mức độ quan trọng trung bình của các chỉ báo rủi ro trong loại rủi ro gian lận của người trung gian thấp hơn một chút so với các chỉ báo rủi ro trong hai loại gian lận khác. Điều này có thể do một số nguyên nhân: Thứ nhất, người trung gian hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau trong những hệ thống pháp luật khác nhau (chẳng hạn như sử dụng việc thanh toán bằng tiền mặt hoặc chương trình hoa hồng bảo hiểm).
Thứ hai, gian lận của người trung gian tỏ ra là một vấn đề khó khăn. Người trung gian có địa vị tin cậy giữa người mua bảo hiểm và người bảo hiểm. Sự tin cậy này là yếu tố cơ bản của mối quan hệ vì người trung gian hoạt động “ở xa”. Do đó, khó có thể tìm ra biện pháp hiệu quả để quản lý rủi ro gian lận này.
Điều đáng chú ý là trong loại rủi ro gian lận này, nhà giám sát bảo hiểm trả lời cuộc điều tra đã chấm điểm cao hơn người trả lời điều tra của ngành bảo hiểm. Điều này chưa hẳn đã là vì ngành bảo hiểm cho rằng việc quản lý rủi ro gian lận kém quan trọng hơn, nhưng đúng hơn có lẽ là nhà giám sát bảo hiểm suy nghĩ theo hướng tích cực hơn về khả năng quản lý mối quan hệ với người trung gian của người bảo hiểm.
II. Thực tiễn gian lận bảo hiểm ở nước ta hiện nay:
Gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm không có gì mới mẻ trên thế giới. Theo ông Peter Lee, nhà phân tích kinh kế của Công ty tư vấn quản trị nhân lực Tower Watson, tại Malaysia, có tới 20% số tiền bồi thường bảo hiểm có liên quan đến yếu tố trục lợi. Hay tại một thành phố của Hàn Quốc, giá trị trục lợi bảo hiểm trong 1 năm lên tới 12 triệu USD. Tại Anh, theo số liệu Hiệp hội Các nhà bảo hiểm đưa ra, trong năm 2010, đã có 130.000 trường hợp gian lận bảo hiểm bị phát hiện, với tổng giá trị lên tới 1,42 tỷ USD. Đáng báo động là số lượng hành vi gian lận đã tăng gấp 2 lần so với năm trước đó và 1/3 trong số này được điều tra là có sự tiếp tay của nhân viên bảo hiểm.
Ở Việt Nam cũng vậy. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua đi liền với sự gian lận, cả về số lượng, hình thức và những thủ đoạn khác nhau. Sự tinh vi và phức tạp ngày càng đáng báo động, gây hại cho xã hội, doanh nghiệp và cả cộng đồng những người tham gia bảo hiểm.
Tại Hội thảo "Đánh giá thực trạng và giải pháp phòng chống trục lợi trong bảo hiểm xã hội” mới được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, TS Nguyễn Minh Thảo thừa nhận, tình trạng gian lận, trục lợi trong bảo hiểm xã hội đang gia tăng về số lượng. Thủ đoạn càng lúc càng tinh vi và phức tạp. Cụ thể, chỉ tính riêng giai đoạn từ 2007 đến cuối 2011, số vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm đã trên 50.000 vụ. Theo số liệu thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng số vụ gian lận bảo hiểm phát hiện được tại các doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn 2007 – 2011 là khoảng 44.704 vụ với tổng số tiền trục lợi là 411,7 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là 3.973 vụ với tổng số tiền trục lợi là 149,9 tỷ đồng và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 40.731 vụ với tổng số tiền trục lợi là 261,8 tỷ đồng. Với tổng số tiền thiệt hại ước tính khoảng trên 420 tỷ đồng. Con số này tiếp tục gia tăng trong 6 tháng 2012, gây thiệt hại kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm. Nghiêm trọng hơn, sự gian lận bảo hiểm này còn gây rối cho các lĩnh vực quản lý rủi ro, khả năng cung ứng dịch vụ bảo hiểm, thời gian thanh toán bảo hiểm, thâm hụt ngân sách bảo hiểm… "Tại Việt Nam, nhiều đơn vị, trong đó có cả khối doanh nghiệp nhà nước đang lợi dụng các khe hở của pháp luật và thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm để toan tính nhằm gian lận, trục lợi về phía mình. Sự tham nhũng đến từ trong các xét duyệt, bồi thường, giải quyết khiếu nại bảo hiểm. Nhà nước thất thoát nguồn thu, quan trọng hơn sự gian lận bảo hiểm đó sẽ xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm trong nước”.
Gian lận bảo hiểm diễn ra ở mọi loại hình bảo hiểm, dưới muôn hình vạn trạng, từ khâu khai báo hồ sơ mua bảo hiểm cho đến khai báo bồi thường. Người mắc bệnh hiểm nghèo, đang trong giai đoạn thập tử nhất sinh mới mua bảo hiểm sinh mạng với số tiền bảo hiểm lớn. Xe bị tai nạn, “đắp chiếu” một chỗ rồi mới đi mua bảo hiểm phương tiện. Tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm thì cấu kết, hô biến thành thuộc phạm vi bảo hiểm, tổn thất ít thì dùng thủ đoạn tinh vi để khai tăng thành nhiều, kết hợp với các gara để tăng số tiền phải sửa.
Hồi cuối năm 2011, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) từng tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm của một chủ xe ô tô tại Ninh Bình sau 46 ngày mua bảo hiểm. Theo đơn yêu cầu bồi thường thì chủ xe tự gây tai nạn và đã báo cơ quan công an đưa xe về gara hai ngày trước đó. Ngay lập tức, cán bộ giám định của VASS đã tới gara để giám định thiệt hại. Tuy nhiên, trong quá trình giám định, giám định viên phát hiện nhiều điểm bất hợp lý, mâu thuẫn giữa thông tin mà chủ gara và chủ xe cung cấp. Chủ xe không cung cấp được biển số xe cứu hộ như khai báo ban đầu. Việc kết hợp điều tra qua camera giao thông trong thời gian chủ xe khai xảy ra tai nạn đã gúp VASS có bằng chứng xác định chủ xe gian dối và đưa ra kết luận xe đã bị tai nạn từ trước thời gian mua bảo hiểm. Ngay sau đó, chủ xe đã tự nguyện sửa xe và không tiếp tục đòi bồi thường.
Cách đây không lâu, công ty bảo hiểm SVIC đã “thoát nạn” một vụ gian lận trong bồi thường tổn thất xe cơ giới lên tới trên 600 triệu đồng. Trước đó, đại lý bảo hiểm SVIC tại Vĩnh Phúc đã bán bảo hiểm xe ô tô cho một khách hàng mang biển số 88-… với việc thanh toán phí diễn ra vô cùng nhanh chóng. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, khách hàng thông báo xe bị tai nạn. Nhận thấy sự việc có “vấn đề”, công ty bảo hiểm SVIC đã cử cán bộ có kinh nghiệm đi điều tra xác minh và phát hiện bản ảnh hiện trường tai nạn (tại Than Uyên, Lai Châu) do chủ xe cung cấp có dấu hiệu sử dụng photoshop. Cụ thể, hình ảnh được dựng lại bằng cách ghép ảnh xe tổn thất vào hiện trường đường quanh co tại Lai Châu, vật cố định thể hiện trong ảnh không phù hợp với dấu vết tổn thất trên thân xe. Bên cạnh đó, chủ xe đã cố tình khai báo địa điểm tai nạn xa địa chỉ của chi nhánh của đơn vị mua bảo hiểm. Cùng với việc thông qua các mối quan hệ kinh doanh, công ty bảo hiểm SVIC đã xác định được vị trí xe từng gây tai nạn trước khi mua bảo hiểm, SVIC đã đủ cơ sở thông báo từ chối bồi thường.
Trên đây mới chỉ là ít những doanh nghiệp bảo hiểm bị khách hàng của mình sử dụng những thông tin sai lệch, không đúng sự thật nhằm gian lận bảo hiểm, gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích đòi những khoản tiền bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm. Ngày từng ngày số lượng những hành vi gian lận bảo hiểm ngày càng tăng mạnh, với thủ đoạn tinh vi hơn, để nhằm che mắt những doanh nghiệp bảo hiểm.
Không chỉ phía khách hàng có hành vi gian lận bảo hiểm mà trên thực tế người trung gian bảo hiểm cũng có hành vi gian lận bảo hiểm. Tuy nhiên những hành vi gian lận được thực hiện bởi bên trung gian bảo hiểm thường ít hơn so với những hành vi gian lận của chủ thể khác. Đầu mối quan trọng nhất để phát hiện gian lận bảo hiểm là những tài liệu làm bằng chứng (như là hóa đơn, đơn khiếu nại và giấy yêu cầu trả tiền bồi thường).
Thí dụ về dấu hiệu cảnh báo là: Không có chứng từ gốc, chứng từ không đầy đủ (không có tên trên chứng từ hoặc được điền vào sau này, không có chữ ký), chữ viết khác nhau, chứng từ mới liên quan đến sự kiện/sản phẩm cũ, ngày tháng khác thường, mâu thuẫn giữa giấy yêu cầu trả tiền bồi thường và đơn khiếu nại hoặc khiếu nại có quá đầy đủ tài liệu dẫn chứng. Điển hình như công ty bảo hiểm prudential Việt Nam trong thời gian qua, thì tình trạng đại lí bảo hiểm nhân thọ của công ty có những hành vi gian lận đã xuất hiện. Nhiều đại lí bảo hiểm tham gia gian lận bằng cách đưa những người không đủ tiêu chuẩn về tình trạng sức khỏe tham gia bảo hiểm để được hưởng ưu đãi, ghi lùi ngày tham gia bảo hiểm so với ngày nằm viện hoặc tai nạn thực tế; nội dung khi trên giấy chứng nhận cấp cho khách sai lệch với nội dung ghi trên cuống lưu để hưởng chênh lệch phí; thậm chí, có thể biển thủ cả phí bảo hiểm. Điều này đã gây tổn thất hết sức lớn cho chính những doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong thời gian qua theo phản ánh của công ty bảo hiểm AIA thì tình trạng các đại lí bảo hiểm gian lận về phí bảo hiểm. Thông thường những phí bảo hiểm khi khách hàng nộp cho công ty thông qua đại lí bảo hiểm, thì trong thời hạn ba ngày đại lí bảo hiểm phải chuyển khoản tiền này tới công ty bảo hiểm. Tuy nhiên vì cố tình muốn gian lận phí này thì đại lí bảo hiểm không chuyển hoặc chuyển chậm khoản tiền này. Sự việc này đã khiến công ty bảo hiểm AIA hoang mang và lo lắng, bởi lúc này uy tín cũng như quyền lợi của khách hàng bị xâm phạm.
Như vậy từ những thực tiễn trên có thể nhận thấy tình trạng gian lận bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm diễn ra ngày càng nhiều và có chiều hướng ra tăng trong thời gian tới. việc gian lận bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi ích của chính doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia bảo hiểm. Do đó đây là một trong những hành vi cấm thực hiện trên thực
III. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng gian lận bảo hiểm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gian lận bảo hiểm. Tuy nhiên, có thể kể đến một số nguyên như sau:
Thứ nhất, do những kẽ hở pháp luật và do thực hiện pháp luật không nghiêm, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý nên nhiều người nảy sinh hành vi gian lận. Ví dụ các nghiệp vụ bảo hiểm mà luật kinh doanh bảo hiểm quy định bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, nhưng các chủ xe không tham gia bảo hiểm vì không có sự kiểm tra xử phạt.
Đồng thời, hệ thống pháp luật của nước ta chưa có những hình phạt thích đáng cho những kẻ lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để gian lận bảo hiểm. Hiện đối với hành vi vi phạm các quy định quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm, chỉ có Nghị định 118/2003/NĐ -CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định cho phép DN bảo hiểm từ chối bồi thường hay hủy hợp đồng khi phát hiện có hành vi gian dối, “cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường”. Tuy nhiên, việc giải quyết như vậy vẫn nằm trong khuôn khổ quan hệ dân sự, nên các hành vi gian lận bảo hiểm vẫn có xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Bộ luật Hình sự có quy định về các tội danh kinh tế như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Gian lận trục lợi bảo hiểm, xét ở phía cạnh pháp lý, đó là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc buộc tội khách hàng đối với các DN bảo hiểm không dễ. Mặc dù có những tội danh hình sự chỉ cần yếu tố hình thức đã đủ cấu thành, nhưng với các tội danh kinh tế thì cần phải có yếu tố thiệt hại mới có thể kết tội và định khung hình phạt. Xét trường hợp khách hàng gian lận bị công ty bảo hiểm phát hiện và từ chối bồi thường, DN bảo hiểm có căn cứ để chứng minh hành vi gian dối nhưng do hành vi chiếm đoạt chưa xảy ra, DN bảo hiểm chưa bị thiệt hại nên không đủ yếu tố cấu thành tội danh. Chính vì vậy, đối với các hành vi gian lận của khách hàng, khi phát hiện, nhà bảo hiểm chỉ có cách duy nhất là từ chối bồi thường.
Trong trường hợp khách hàng gian lận và DN bảo hiểm đã bồi thường sau đó mới phát hiện ra, công ty bảo hiểm có căn cứ để yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi của khách hàng (tất nhiên xử lý đến đâu, thế nào còn tùy thuộc vào vụ việc cụ thể). Nhưng trên thực tế, chỉ khi có vụ việc nghiêm trọng và sau khi cân nhắc thiệt hơn cẩn thận, nhà bảo hiểm mới đưa ra cơ quan công an, bởi việc này có thể đem lại không ít phiền phức cho họ. Chẳng hạn như cơ quan công an triệu tập nhiều nhân sự phía DN bảo hiểm, trong đó, có cấp lãnh đạo để tường trình về thiệt hại, nguyên nhân xảy ra và trách nhiệm của lãnh đạo cũng như các nhân sự có liên quan. Nguy cơ rất lớn là ngoài thủ phạm chính là khách hàng bảo hiểm thì một số nhân sự của DN bảo hiểm cũng có thể bị truy cứu tội danh: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái”. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra có thể sẽ mở rộng diện điều tra, ít nhiều gây ảnh hưởng tới hoạt động của DN, của nhân viên công ty bảo hiểm đã tạo ra kẽ hở để gian lận có thể xảy ra.
Thứ hai, do sự lơ là, bỏ qua quy trình, quy định nội bộ. Một nguyên nhân rất lớn dẫn đến tình trạng trên là do áp lực về doanh thu đối với nhân viên bán bảo hiểm và cả nhà bảo hiểm. Đơn cử như một vụ tranh chấp đòi bồi thường xe cơ giới, trong đó khách hàng mua bảo hiểm và nhà bảo hiểm đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm dù khách hàng chưa trả phí. Sau khi xe tải gặp tai nạn, khách hàng mới đến nộp phí, song nhân viên kế toán của công ty bảo hiểm vẫn thu phí mà không xem xét tình trạng thực tế của đối tượng được bảo hiểm. Khách hàng đòi bồi thường dựa trên 2 căn cứ: nhà bảo hiểm đã chấp nhận cho khách hàng nộp phí và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính yêu cầu DN bảo hiểm không được cấp Giấy chứng nhận khi khách hàng chưa đóng đủ phí. Văn bản của Bộ Tài chính còn nói rõ, nếu DN bảo hiểm đã cấp Giấy chứng nhận, nhưng chưa thu đủ phí thì vẫn có trách nhiệm giải quyết bồi thường theo phạm vi bảo hiểm. Do đó, nhà bảo hiểm này đã phải bồi thường cho khách hàng.Tăng cường kiểm soát đối với việc tuân thủ các quy trình, quy định nội bộ của nhân viên bảo hiểm sẽ giúp nhà bảo hiểm hạn chế nguy cơ khách hàng gian lận.
Thứ ba, do nguồn lợi thu được từ việc gian lận bảo hiểm rất lớn và ý thức của những người tham gia bảo hiểm. Việc gian lận bảo hiểm bằng tất cả các hình thức nếu thành công đều mang lại khoản tiền bồi thường rất lớn. Bởi vậy , có không ít kẻ gian dối, mua bảo hiểm khi đã bị tai nạn hoặc cố tình gây ra tổn thất để đòi tiền bồi thường.
Thứ tư, thị trường bảo hiểm luôn sôi động, phức tạp, tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên các doanh nghiệp bảo hiểm luôn phải giữ bí mật thông tin. Việc trao đổi những thông tin cần thiết về khách hàng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hầu như không có. Vì vậy, một đối tượng tài sản nào đó có thể tham gia bảo hiểm ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Khi rủi ro tổn thất xảy ra họ đã được nhận tiền bồi thường ở tất cả các công ty bảo hiểm.
Thứ năm, hận thức của người dân về pháp luật còn nhiều yếu kém, nhất là những văn bản pháp quy về bảo hiểm. Nhiều người dân nhận thức còn rất mơ hồ về bảo hiểm và họ cho rằng quỹ bảo hiểm giống như quỹ phúc lợi. Cho nên đã có rất nhiều trường hợp nói sai sự thật để giúp nạn nhân nhận quyền lợi bảo hiểm.
Thứ sáu, không gian địa lý cũng là nơi phát sinh gian lận bảo hiểm. Đối với những tổn thất xảy ra ở xa, hoang vắng, ít người qua lại (đối với bảo hiểm xe cơ giới, tàu thuyền), khó có thể giữ nguyên hiện trường, sự thay đổi tình tiết hiện trường có lợi cho người tham gia bảo hiểm là rất dễ xảy ra.
Thứ bảy, do lỗi vô tình hay cố ý của các nhân viên bảo hiểm. Họ có thể vô tình ghi sai ngày tham gia bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc do thiếu trách nhiệm đã không đánh giá đúng mức độ trầm trọng của rủi ro cũng có thể nhân viên bảo hiểm thông đồng với khách hàng để trục lợi bảo hiểm. Họ có thể đánh giá cao mức độ tổn thất hoặc vạch đường đi nước bước cho khách hàng lợi dụng các kẽ hở về giấy tờ, về thủ tục giám định, bồi thường để trục lợi.
Thứ tám, do sự thông đồng giữa những người tham gia bảo hiểm có hành vi gian lận với những người có liên quan như y, bác sỹ, những người làm chứng trong các tai nạn, rủi ro… Ví dụ như mua chuộc bác sỹ để dựng lên bệnh án hoặc làm giả, kê những đơn thuốc đắt tiền để đòi được số tiền bảo hiểm nhiều hơn… khá phổ biến trong loại hình bảo hiểm con người.
IV, Biện pháp để hạn chế tình trạng gian lận bảo hiểm:
1, Các biện pháp chống gian lận của chủ hợp đồng bảo hiểm.
1.1. Các biện pháp chống gian lận của bên mua bảo hiểm và gian lận đòi bồi thường.
Về phía nhà nước:
Nhà nước cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm nhằm điều chỉnh các quy định chưa phù hợp, bổ sung các quy định còn thiếu hoặc chưa rõ.
Nhà nước càn thống nhất các hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào một nguồn luật để tránh chồng chéo, điều chỉnh những quy định mâu thuẫn nhau trong các nguồn luật về một nội dung liên quan hoạt động bảo hiểm. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung quy định trong luật, thống nhất các khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong các văn bản pháp luật.
Nâng mức xử phạt đối với hành vi gian lận vì mức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe những kẻ có hành vi gian lận. Số tiền mà họ bị phạt nếu bị phát hiện hiện nay là rất nhỏ so với số tiền mà họ nhận được nếu gian lận thành công.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm:
Trước hết các doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác tuyển dụng nhân viên đại lý. Đó phải là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức và am hiểu các vấn đề kinh tế - xã hội và kĩ thuật liên quan đến nghề nghiệp.
Tổ chức các khóa học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên đại lí bảo hiểm.
Người tham gia bảo hiểm là một trong những nhân tố có ảnh hưởng đến hành vi gian lận. Vì vậy khi kí kết hợp đồng phải đánh giá một cách nghiêm túc về đối tượng này để tránh hiện tượng gian lận xảy ra khi kí kết hợp đồng.
Quá trình giám định bồi thường phải được thực hiện đúng nguyên tắc và trình tự.
Khi nhận được thông báo của khách hàng về rủi ro xảy ra công ty bảo hiểm phải cử nhân viên đến giám định tổn thất. Nếu trong quá trình giám định tổn thất thấy có nghi ngờ về hành vi gian lận thì phải điều tra kĩ càng. Quá trình giám định tổn thất được thực hiện theo đúng nguyên tắc và trình tự sẽ đánh giá đúng tổn thất thực tế và tránh được hành vi gian lận từ khách hàng.
Giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cần có sự trao đổi thông tin để tránh tình trạng gian lận bảo hiểm thông qua bảo hiểm trùng.
Một số kinh nghiệm đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện để chống gian lận bảo hiểm như đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho các đại lý, trực tai nạn 24/7, xây dựng mạng lưới cứu hộ miễn phí 24/7…….
Về phía Hiệp hội bảo hiểm.
Với mục đích của hiệp hội bảo hiểm là đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các hội viên, liên kết hỗ trợ, hợp tác thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển lành mạnh theo khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Để góp phần thúc đầy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh thì Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cần:
Phát huy hơn nữa vai trò của mình trong hoạt động của các DNBH, đặc biệt là trong vấn đề gian lận đòi hỏi toàn ngành, toàn thể các doanh nghiệp trên thị trường tích cực cùng loại bỏ vấn nạn này.
Hàng năm Hiệp hội nên tổ chức các cuộc thảo luận trao đổi về tình hình gian lận giúp các DNBH có cơ hội gặp gỡ trao đổi thông tin, kinh nghiệp với nhau từ đó rút ra kinh nghiệp cho công tác này đạt hiệu quả cao.
Thành lập ra bộ phận tổ chức chuyên điều tra giải quyết các vụ gian lận bảo hiểm. Đây là việc rất cần thiết bởi vì các hành vi gian lận ngày càng tinh vi và khó đối phó hơn nhiều. Vì vậy, cần có sự chuyên nghiệp trong việc điều tra gian lận.�
1.2. Biện pháp hạn chế gian lận của bên bán bảo hiểm.
Áp dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin vào cơ chế giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm, thiết lập các diễn đàn về bảo hiểm của bộ tài chính, tại đó, người mua bảo hiểm có thể trực tiếp tố cáo, khiếu nại tới cơ quan chức năng nếu phát hiện ra doanh nghiệp bảo hiểm có dấu hiệu gian lận bảo hiểm.
2. Các biện pháp chống gian lận của người trung gian
- Để ngăn chặn và phát hiện gian lận của người trung gian, điều rất quan trọng là phải có các quy trình và sự ủy quyền rõ ràng. Các quy trình này phải bảo đảm việc thu phí bảo hiểm hợp lý, thẩm tra, chi trả hoa hồng và kiểm tra người trung gian.� Một yếu tố mới được nêu ra là cần phải liên lạc trực tiếp với chủ hợp đồng bảo hiểm. Hơn nữa, việc chia sẻ kiến thức giữa những người bảo hiểm cũng được đề cập đến.
- Người mua bảo hiểm cần:
Cảnh giác với những đại lý BH không có đăng ký. Trước khi mua BH, liên hệ với DNBH hoặc Hiệp hội BH nhân thọ hoặc phi nhân thọ để bảo đảm rằng đại lý tiếp cận mình là một đại lý được uỷ quyền.
- Nếu có điều kiện thì nên hạn chế việc trả phí BH bằng tiền mặt, mà thay bằng séc. Hãy trả phí BH trực tiếp cho DNBH thay vì trả cho đại lý.
- Đảm bảo chắc chắn rằng nhận được đơn BH bằng văn bản sau khi đã trả phí BH kỳ đầu tiên.
- Kiểm tra kỹ càng đơn BH ngay lập tức để bảo đảm chắc chắn rằng phạm vi BH đáp ứng được yêu cầu của mình và bảo đảm rằng số phí BH mình đã trả được phản ánh trong giấy chứng nhận BH hoặc đơn BH. Hãy đòi biên lai thu phí làm chứng cho việc đã trả phí.
- Kín đáo liên hệ với DNBH, Hiệp hội BH nhân thọ hoặc phi nhân thọ và cảnh sát nếu bị lừa đảo hoặc bị xúi giục gian lận. Cung cấp càng chi tiết những thông tin như tên những cá nhân có hành vi gian lận, số tiền, ngày tháng và hình thức gian lận.
KÊT LUẬN:
Trong điều kiện kinh tế thị trường, cạnh tranh là điều tất yếu không thể tránh khỏi, để tồn tại và phát triển trên thị trường các doanh nghiệp đều phải rất nhạy cảm nhưng cũng cần phải thận trọng trong kinh doanh. Chính vì vậy mà hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với cacd danh nghiệp bảo hiểm. Hành vi gian lận bảo hiểm ngày càng trở nên tinh vi và chuyên nghiệp hơn. thử thách đối với các nhà bảo hiểm là làm sao nhanh chóng và hiệu quả khi xúc tiến quá trình giải quyết đơn khiếu nại nhưng cũng phải đủ không ngoan để để nhận ra những khiếu nại không trung thực.
Ngành bảo hiểm phải không ngừng tìm ra các phương pháp hiệu quả và sáng tạo để đánh giá và quản lý khiếu nại. Nếu các nhà bảo hiểm muốn chiến thắng trên mặt trân này thì biện pháp sống còn là ngành bảo hiểm và các cá nhân liên quan trong quản lý khiếu nại phải làm việc cùng nhau để vừa giải quyết khiếu nại một cách hợp pháp vứa tạo ra và duy trì phương pháp có hệu quả để không bảo hiểm cho những trường hợp không trung thực.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Giáo trình kinh tế bảo hiểm – NXB thống kê
2, http://luanvan.net.vn/luan-van/de-an-truc-loi-bao-hiem-trong-bao-hiem-tai-san-thuc-trang-va-giai-phap-163/
3, http://webbaohiem.net/qu%E1%BA%A3n-l/1228-cn-thn-vi-gian-ln-bo-him.html
4, http://www.baomoi.com/Gian-lan-bao-hiem-tran-lan-vi-luat-chua-nghiem/58/10120015.epi
5, Luật Kinh doanh bảo hiểm.
6, Tạp chí bảo hiểm số 4 tháng 12 năm 2007.
7, http://luatminhkhue.vn/bao-hiem/gian-lan-bao-hiem-duoi-cai-nhin-cua-giam-sat-bao-hiem-va-nganh-bao-hiem.aspx
GHI CHÚ:
BH: Bảo hiểm
BHXH: Doanh nghiệp bảo hiểm.
GLBH: Gian lận bảo hiểm
DN: Doanh nghiệp
DNBH: Doanh nghiệp bảo hiểm
No comments:
Post a Comment