Lễ tân Ngoại giao được xuất phát từ đường lối chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia nhằm thể hiện và phục vụ đường lối chính sách đối ngoại đó. Nó là công cụ chính trị của họat động đối ngoại của một Nhà nước, là phương tiện thực hiện và cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Lễ tân ngoại giao còn thể hiện được sự trọng thị trong mối giao hảo giữa các quốc gia. Sự thiếu sót trong công tác Lễ tân ngoại giao bị coi như là một sự khinh miệt, nhục mạ người đại diện quốc gia, làm mất thể diện quốc gia. Nhận thức được vai trò của lễ tân ngoại giao, để thực hiện tốt công tác này cần nắm được kiến thức cơ bản về nó, mà trước hết là các nguyên tắc lễ tân ngoại giao. Bài làm dưới đây, nhóm chúng tôi xin đi sâu vào phân tích nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong lễ tân ngoại giao, và làm sáng tỏ bằng một số tình huống trong thực tiễn quan hệ ngoại giao của các nước và Việt Nam.
Khái quát về lễ tân ngoại giao và các nguyên tắc trong lễ tân ngoại giao
Khái quát về lễ tân ngoại giao và các nguyên tắc trong lễ tân ngoại giao
Khái niệm lễ tân ngoại giao (LTNG)
Trong thực tiễn và lý luận hoạt động ngoại giao đã có nhiều định nghĩa về LTNG. Tuy nhiên, qua tổng hợp và nghiên cứu có thể đưa ra định nghĩa về LTNG như sau: Lễ tân ngoại giao là tổng thể những nguyên tắc, quy định truyền thống, tập quán được các quốc gia thừa nhận mà các chính phủ, các bộ ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao và các nhân vật chính thức phải tuân thủ trong giao tiếp quốc tế.
Vai trò của lễ tân ngoại giao.
LTNG chỉ là cách thức giao tiếp, không phải là nội dung và mục đích cuối cùng của hoạt động ngoại giao nhưng lại là công tác quan trọng không thể thiếu của hoạt động ngoại giao. Cụ thể là:
Đối với việc thể hiện chủ quyền và thực hiện đường lối chính sách đối ngọai của quốc gia: Các biện pháp LTNG đều phải thể hiện đường lối chính sách đối ngoại của Nhà nước, biểu thị được sự trọng thị, hữu nghị và hợp tác quốc tế đối với tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc và tập quán lễ tân đã được các quốc gia tôn trọng và thực hiện.
Đối với việc duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia : Nhiệm vụ của LTNG là làm cho các quốc gia hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ quốc tế. Các biện pháp lễ tân đã tạo ra được khung cảnh và bầu không khí thuận lợi cho mối quan hệ đối ngoại. Thực tiễn, nhiều khó khăn trong quan hệ ngoại giao đã được giải quyết nhờ công tác lễ tân khéo léo, sáng tạo.
Đối với việc thực hiện và cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế: LTNG là phương tiện thực hiên và cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế như nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ quốc gia khác,…Ngoài ra, LTNG còn biểu hiện sự trọng thị giữa các quốc gia, sự văn minh, lịch sự giữa các quốc gia; giới thiệu và chuyển tải những đặc trưng văn hóa của dân tộc với thế giới.
Nguyên tắc cơ bản của lễ tân ngoại giao
Hoạt động LTNG được thực hiện trên ba nguyên tắc cơ bản. Đó là:
Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia: Chủ quyền quốc gia là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của quốc gia, bao gồm quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Việc tôn trọng chủ quyền quốc gia đã trở thành nguyên tắc của luật quốc tế và chi phối hoạt động LTNG.
Nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ quốc tế: Bình đẳng giữa các quốc gia tức là đối xử không phân biệt nước nhỏ hay lớn, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo. Các quốc gia có quyền tham gia vào quan hệ quốc tế hay những vấn đề liên quan tới quyền và lợi ích quốc gia mình. Trong LTNG, nguyên tắc bình đẳng được thể hiện trong việc treo cờ, trong các nghi lễ ngọai giao, tại các bữa tiệc ngoại giao,…
Nguyên tắc có đi có lại: Nguyên tắc này là hệ quả của hai nguyên tắc trên, hàm ý khi một bên đối xử như thế nào thì bên kia có quyền đáp lại như vậy, tức là bao gồm cả việc cho hưởng hay hạn chế các quyền và ưu đãi của khách.
II. Nội dung nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong lễ tân ngoại giao
1. Nguồn gốc nguyên tắc
Khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới, LTNG là công cụ để các quốc gia đó thể hiện sự tôn trọng những giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của các quốc gia khác mà không làm ảnh hưởng tới tính tự tôn dân tộc. Bản chất của LTNG là một hoạt động mang tính chất quốc tế, do vậy mà những nguyên tắc của LTNG phải được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc của pháp luật quốc tế.
Trong pháp luật quốc tế, chủ quyền quốc gia được thể hiện là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ để giải quyết mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…của mình, không có sự can thiệp của các quốc gia hay các tổ chức quốc tế khác và tham gia quan hệ quốc tế với tư cách là những chủ thể bình đẳng, hoàn toàn độc lập, tự quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại của mình. Việc tôn trọng chủ quyền quốc gia ngày nay trở thành một nguyên tắc của luật quốc tế và chi phối các hoạt động lễ tân ngoại giao.
2. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc
Từ những nghi thức đơn giản, lặp đi lặp lại, theo quy định của mỗi quốc gia dần dần hình thành những thông lệ chung trong nghi lễ đón tiếp khác nước ngoài trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Mặc dù không có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về nguyên tắc này trong LTNG nhưng ta có thể thấy nguyên tắc này được thể hiện thông qua nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, đó là nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của quốc gia. Đây là nguyên tắc được ghi rõ tại Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia bao gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung “Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể của các quốc gia khác”, tức là mỗi quốc gia đều phải tôn trọng quyền tối cao của quốc gia khác trong phạm vi lãnh thổ của nước đó, và tôn trọng quyền độc lập tự chủ của quốc gia đó trong quan hệ quốc tế.
Ngoài ra, nguyên tắc này cũng được khẳng định gián tiếp thông qua những quy định có tính đảm bảo như trong Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự của Liên hợp quốc; Nghị định 82/2001/NĐ-CP về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài, Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993,… của Việt Nam.
3. Sự thể hiện của nguyên tắc
Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong LTNG được thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, tôn trọng chủ quyền của quốc gia chủ nhà. Trong LTNG, sự có mặt và mọi hoạt động của khách diễn ra trên lãnh thổ của quốc gia chủ nhà phải được sự đồng ý của quốc gia đó (địa điểm đến thăm, các buổi gặp gỡ, nói chuyện tiếp xúc, nơi ăn ở…). Người khác không được lợi dụng địa vị pháp lý đặc biệt của mình để thực hiện những hành vi xâm hại nghiêm trọng các lợi ích hay can thiệp vào những công việc nội bộ của quốc gia chủ nhà…
Thứ hai, tôn trọng chủ quyền của khách. Quốc gia chủ nhà phải thể hiện sự tôn trọng của mình đối với những vị khách được mời thông qua việc tiếp đón long trọng đúng với chuẩn mực quốc tế, thể hiện bản sắc dân tộc; trao cho họ những quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao (quyền bất khả xâm phạm về thân thể, trụ sở, thư tín, tài liệu…); không có những hành động làm ảnh hưởng xấu hay xúc phạm danh dự, uy tín, quốc thế của khách…, để khách mời có được sự thoải mái, tin tưởng tối đa.
Ngoài những nội dung trên, sự tôn trọng chủ quyền quốc gia còn thể hiện thông qua sự tôn trọng các biểu trưng cho độc lập và chủ quyên quốc gia như: Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc thiều, Quốc huy. Đây là những biểu tượng mang tính chất thiêng liêng, là vật tượng trưng cho chủ quyền quốc gia, tự hào dân tộc cần được sử dụng một cách trang trọng, chu đáo.
Tình huống lễ tân trong thực tiễn minh họa
Vấn đề về tôn trọng chủ quyền quốc gia trong LTNG được các nước đặc biệt chú trọng. Bởi vậy, đa số các chuyến thăm ngoại giao đều thành công tốt đẹp nhờ công tác lễ tân chu đáo. Bên cạnh đó thì vẫn còn những sai sót đáng tiếc, được xem là biểu hiện của sự không tôn trọng chủ quyền quốc gia. Dưới đây là một số tình huống cụ thể:
Tình huống thể hiện sự tôn trọng chủ quyền quốc gia
Sáng 6/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Phnom Penh, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia theo lời mời của Quốc vương Norodom Sihamoni.
Đúng 10 giờ 30 phút, Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Quốc vương Norodom Sihamoni chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cửa xe ôtô và mời Tổng Bí thư đi lên bục danh dự. Đội nhạc nghi lễ Hoàng cung cử Quốc thiều hai nước Việt Nam và Campuchia. Sau đó, Quốc vương mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự và giới thiệu các thành viên có mặt tại lễ đón. Ngay sau lễ đón, tại chính Điện Hoàng cung ở Thủ đô Phnom Penh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Nhận xét: Ở tình huống này, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền được thể hiện như sau:
Tôn trọng chủ quyền quốc gia chủ nhà: TBT Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị Vương quốc Campuchia trên cơ sở lời mời của quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Tôn trọng chủ quyền của khách: Lễ đón được cử hành theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, TBT Nguyễn Phú Trọng được mời đi lên bục danh dự, duyệt đội danh dự, được giới thiệu các thành viên có mặt. Lễ đón tiếp có nghi thức long trọng đúng với chuẩn mực quốc tế và thể hiện được bản sắc dân tộc của Vương quốc Campuchia.
Ngoài ra, đội nhạc nghi lễ hoàng cung cử Quốc thiều hai nước đúng theo chuẩn mực thể hiện sự tôn trọng biểu trưng cho độc lập và chủ quyền quốc gia.
Tình huống thể hiện sự không tôn trọng chủ quyền quốc gia:
Tình huống thứ nhất:
Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, uỷ viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, bắt đầu từ ngày 21.12.2011 theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Nội dung của chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là trao đổi “biện pháp củng cố và tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, chiến lược và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Nghi lễ đón Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào sáng ngày 21.12.2011, trong nghi lễ này đã có sự cố phát đó là việc các cháu thiếu nhi Việt Nam đã vẫy cờ đón tiếp có in hình 6 sao bao gồm 1 ngôi sao lớn và 5 ngôi sao nhỏ vây quanh thay vì 4 ngôi sao nhỏ như lá cờ chính thức của Trung Quốc.
Nhận xét: Đây là một trong những tình huống đã thể hiện sự không tôn trọng chủ quyền, đó là việc đưa sai biểu tượng quốc kỳ của quốc gia tiếp đón, việc dùng một lá cờ không chính thức của một quốc gia tiếp đón một nhân vật sắp trở thành người đứng đầu của quốc gia đó là thất bại vô cùng lớn trong cung cách lễ tân ngoại giao, việc làm này đã vi phạm một cách nghiêm trọng nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Tệ hại hơn, nó đã gây xôn xao trong dư luận nếu tìm hiểu ý nghĩa lá cờ của Trung Quốc.
Như vậy, tình huống trên là một sai sót ngoại giao trầm trọng, một bài học đáng giá cho cung cách ứng xử lễ tân ngoại giao trong quan hệ quốc tế của nước Việt Nam ta.
Tình huống thứ hai:
Ngày 28/4/2011, Thủ tướng Trung quốc Ôn Gia Bảo tới thăm chính thức Malaysia. Trong buổi lễ đón, các vị khách Trung Quốc đã ngỡ ngàng không hiểu tấm biển chào viết gì bởi phía dưới biểu ngữ “Lễ đón chính thức ngài Ôn Gia Bảo tới thăm Malaysia” bằng tiếng Mã Lai là những chữ Hán ghép với nhau lộn xộn, không đúng văn phạm. Nguyên nhân của việc này là do quan chức phụ trách lễ tân đã sử dụng công cụ Google để dịch tiêu đề buổi lễ đón khách từ tiếng Mã Lai ra tiếng Trung nên gây tai họa.
Một ngày sau đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bày tỏ xin lỗi ông Ôn Gia Bảo về sự số đáng tiếc này. Sau hơn 1 tháng điều tra, chính phủ Malaysia cho biết quan chức liên đới đã làm báo cáo kiểm điểm và xin lỗi Thủ tướng. Bộ trưởng Phủ thủ tướng Koh Tsu Koon đã lên tiếng thừa nhận, quan chức lễ tân làm tấm bảng đó với thành ý tốt, nhưng do thời gian gấp gáp nên đã sử dụng Google để dịch mà không hỏi những đồng nghiệp thông thạo tiếng Trung. Tuy nhiên, ông cho rằng các từ ngữ sai sót đó không mang nghĩa thô tục nào.
Nhận xét:Malaysia là quốc gia đa chủng tộc, người Mã Lai chiếm hơn 50%, người Hoa cũng chiếm hơn 20%, tiếng Hoa được sử dụng khá rộng rãi, vì thế việc để xảy ra sai sót trên thật đáng tiếc, điều đó thể hiện sự không tôn trọng ngôn ngữ quốc gia khách, được xem là hành vi xúc phạm danh dự quốc gia. Tuy không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước, như ông Ôn Gia Bảo khẳng định, nhưng sự làm việc khinh suất này đã khiến Chính phủ Malaysia bị chê cười.
IV. Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong thực tiễn hoạt động lễ tân ngoại giao Việt Nam.
Đối với mỗi quốc gia dân tộc, chủ quyền quốc gia là vấn đề thiêng liêng - bất khả xâm phạm, Việt Nam cũng như vậy. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngoại giao, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, đặc biệt là trong hoạt động lễ tân ngoại giao. Không những tôn trọng chủ quyền quốc gia của chính quốc gia mình mà còn tôn trọng chủ quyền của khách với đúng chuẩn mực như đón tiếp khách với nghi thức long trọng đúng theo chuẩn mực quốc tế và thể hiện bản sắc dân tộc, trao cho khách những quy chế đặc biệt hay thông qua sự tôn trọng các biểu trưng cho độc lập và tôn trọng chủ quyền quốc gia (việc sắp xếp chỗ ngồi trong các hội nghị quốc tế đến các nghi lễ trong việc đón tiếp như cách treo quốc kỳ, cử hành quốc thiều, trong các buổi tiệc chiêu đãi thân mật…). Trên thực tế cũng đã xảy ra một vài trường hợp mà Việt Nam có sai sót trong lễ tân ngoại giao, chẳng hạn như ví dụ đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, đó chỉ là những sai sót về mặt kỹ thuật không mong muốn. Việt Nam luôn tôn trọng chủ quyền quốc gia của mình và chủ quyền quốc gia các nước trên thế giới. Việt Nam cũng đang ngày càng hoàn thiện hơn trong lĩnh vực lễ tân ngoại giao.
Với những thành công về lễ tân ngoại giao nói riêng cũng như hoạt động ngoại giao nói chung sau khi tổ chức thành công những hội nghị, diễn đàn quốc tế lớn như APEC, ASEM hay Hội nghị ASEAN, đón tiếp thành công và trọng thị những nguyên thủ quốc gia của các cường quốc, Việt Nam ngày càng chứng tỏ được vị thế của mình cũng như thể hiện sự trưởng thành của công tác ngoại giao. Trong năm 2010 đã có 31 chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao Đảng và Nhà nước, 63 chuyến thăm của các vị lãnh đạo khác (Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội) thăm cấp Nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc song phương các nước và tham dự các hội nghị, diễn đàn quốc tế, tất cả đều diễn ra tốt đẹp. Sự tiến bộ của hoạt động ngoại giao cũng như hoạt động lễ tân của Việt Nam cũng là nhờ việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc lễ tân ngoại giao mà trong đó tôn trọng chủ quyền quốc gia là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất.
KẾT LUẬN
Tuy không phải là nội dung chủ yếu của họat động đối ngoại nhưng lễ tân ngoại giao là công cụ không thể thiếu của hoạt động đối ngoại nói chung, của ngoại giao nói riêng. Công tác lễ tân tốt hay xấu đều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động đối ngoại, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ quốc gia. Việc hiểu biết những kiến thức và quy định lễ tân là cần thiết, không chỉ đối với những người làm công tác lễ tân mà còn đối với tất cả những ai tham gia vào hoạt động đối ngoại nói chung và hoạt động ngoại giao nói riêng.
�
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách và tập bài giảng:
Bộ môn công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Tập bài giảng lễ tân ngoại giao, 2011.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật quốc tế (Chương XI - Luật tổ chức quốc tế; Chương XII - Luật ngoại giao lãnh sự), Nxb. CAND, Hà Nội, 2007.
Văn bản pháp luật :
1. Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao.
2. Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự.
3. Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 6/11/2001 của Chính phủ về Nghi lễ Nhà nước và đón khách nước ngoài
No comments:
Post a Comment