25/11/2014
Phân tích và đánh giá một số điểm mới của Luật Hợp tác xã 2012 so với Luật Hợp tác xã năm 2003 - Bài tập học kỳ Luật Thương mại 1
Luật Hợp tác xã 2003 bước đầu giúp cho việc tổ chức lại và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã trên toàn quốc; cùng các văn bản hướng dẫn đã thể chế hóa một bước quan điểm của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về phát triển kinh tế tập thể, theo đó hợp tác xã được thành lập dựa trên sở hữu của các xã viên và sở hữu tập thể, liên kết giữa những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phân định rõ hơn chức năng quản lý của ban quản trị và chức năng điều hành của chủ nhiệm hợp tác xã; tiếp tục đơn giản hoá và minh bạch hoá thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh; mở rộng đối tượng là các pháp nhân, cán bộ công chức có thể tham gia hợp tác xã.

Tuy nhiên, nghiên cứu khảo sát thực tế và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; kết quả khảo sát toàn diện hợp tác xã trên phạm vi toàn quốc năm 2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện cho thấy cóNhững hạn chế,thiếu sót, những quy định không còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay là nguyên nhân phải sửa đổi Luật HTX năm 2003. Cụ thể, Luật HTX năm 2003 chưa xác định được rõ địa vị pháp lý, bản chất của hợp tác xã, chưa quy định rõ bản chấtcủa hợp tác xã là phục vụ thành viên. Nguyên tắc quản lý dân chủ trong hợp tác xã là chưa rõ ràng. Các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cũng chưa được quy định trong Luật.Về sở hữu tập thể với tài sản chung cũng chưa được làm rõ dẫn đến những tranh chấp khi giải thể HTX… Những hạn chế, thiếu sót này đã được điều chỉnh, bổ sungtrong Luật HTX sửa đổi năm 2012.Vì vậy em xin chọn đề tài : “Phân tích và đánh giá một số điểm mới của Luật Hợp tác xã 2012 so với Luật Hợp tác xã năm 2003.

NỘI DUNG

I.Những bất cấp của luật tác xã năm 2003

a) Luật chưa thể hiện rõ bản chất tổ chức hợp tác xã, sự khác biệt về bản chất giữa tổ chức hợp tác xã với doanh nghiệp và với tổ chức xã hội - từ thiện; chưa quan tâm thích đáng nội hàm “hợp tác” của tổ chức hợp tác xã; chưa làm thật rõ lợi ích và vai trò người chủ của xã viên khi tham gia hợp tác xã, mục tiêu của hợp tác xã và mối quan hệ giữa nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của xã viên với hợp tác xã. Chưa làm rõ sự khác biệt giữa mục tiêu lợi ích của hợp tác xã và mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp.

- Về bản chất tổ chức hợp tác xã:

+ Về mục tiêu của hợp tác xã và lợi ích của xã viên: Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa quy định thật rõ hợp tác xã phải lấy lợi ích của xã viên là mục tiêu cho hoạt động và phát triển của hợp tác xã, chưa thể hiện thật rõ lợi ích của xã viên khi tham gia hợp tác xã là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế của mình thông qua cung ứng vật tư, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm chung hoặc tạo việc làm có hiệu quả hơn so với xã viên đơn lẻ tự thực hiện hoặc không thực hiện được; vai trò người chủ của xã viên trong việc quyết định các vấn đề cơ bản của hợp tác xã, như: Xác định mục tiêu, tổ chức hoạt động, quản lý và điều hành hoạt động của hợp tác xã còn mờ nhạt.

+ Về mối quan hệ giữa nghĩa vụ, trách nhiệm của xã viên với hợp tác xã:

Quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003 về việc xã viên “cùng góp vốn, góp sức” là chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau:

Thứ nhất, các xã viên chỉ “góp vốn” mà không “góp sức“ - khi đó hợp tác xã trở thành doanh nghiệp và xã viên thực chất chỉ là người góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp, được chia lãi theo vốn góp.

Thứ hai, các xã viên chỉ “góp sức” mà không “góp vốn” - khi đó xã viên về thực chất chỉ là người lao động làm thuê trong hợp tác xã, tương tự như người lao động trong doanh nghiệp nếu được trả lương; hoặc là hoạt động từ thiện cho tổ chức hợp tác xã nếu tự nguyện và không được trả lương.

Với hai cách hiểu nêu trên, quy định pháp luật về hợp tác xã hiện hành chưa làm rõ được bản chất của tổ chức hợp tác xã, dẫn đến cách hiểu phổ biến hiện nay: Tổ chức hợp tác xã là doanh nghiệp (hoạt động theo Luật doanh nghiệp).

Thứ ba, các xã viên phải “góp vốn” đi đôi với “góp sức”, khi đó xã viên vừa là người góp vốn, trở thành chủ sở hữu của hợp tác xã vừa là người lao động trong hợp tác xã nếu việc “góp sức” được trả tiền lương, tiền công. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm “góp sức” trong Luật Hợp tác xã hiện hành là quá rộng, chưa rõ, chưa cụ thể, có thể áp dụng tất cả cá nhân, tổ chức. “Góp sức” chỉ có ý nghĩa đối với tổ chức hợp tác xã khi thành viên hợp tác xã “góp sức” với tư cách là người lao động thường xuyên trực tiếp trong hợp tác xã và được hợp tác xã trả lương (gọi là hợp tác xã của người lao động , tức hợp tác xã hoạt động trên thị trường nhằm tạo ra việc làm đáp ứng nhu cầu về việc làm, thu nhập cho chính xã viên của mình).

+ Về sở hữu tập thể, tài sản không chia và tổ chức quản lý hợp tác xã:

Luật quy định chưa rõ ràng về sở hữu tập thể và tài sản không chia, cụ thể là: Vốn và tài sản chung của hợp tác xã được hình thành từ các nguồn vốn và công sức của xã viên, quà biếu, tặng của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, đặc biệt đất đai do Nhà nước cấp cho hợp tác xã khi giải thể do đại hội xã viên quyết định. Như vậy, một mặt chưa chế định rõ tài sản không chia, sở hữu chung tập thể; mặt khác, có thể tạo kẽ hở lợi dụng thành lập hợp tác xã để tranh thủ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước dành riêng cho hợp tác xã; từ đó, có thể khuyến khích tạo ra những doanh nghiệp về thực chất nhưng mang danh hợp tác xã, tác động tiêu cực tới môi trường cạnh tranh lành mạnh, cản trở sự ra đời và phát triển của các hợp tác xã có bản chất đích thực, làm giảm hiệu quả của hỗ trợ ngân sách nhà nước.

Luật hiện hành chưa tách bạch rõ ràng chức năng quản lý của chủ sở hữu và điều hành hoạt động của hợp tác xã như Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX đã đề ra; cho phép hợp tác xã có thể tổ chức hai bộ máy hoặc một bộ máy, bao gồm cả chức năng quản lý và chức năng điều hành; đặt bộ máy điều hành ngang hàng với bộ máy quản lý của chủ sở hữu là không phù hợp. Thực tế, số hợp tác xã tổ chức một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành chiếm phần lớn số hợp tác xã, chưa thể hiện rõ quyền thực sự của xã viên với tư cách là người chủ của hợp tác xã.

+ Về quan hệ phân phối trong hợp tác xã:

Luật quy định chưa rõ ràng về quan hệ phân phối gắn với bản chất của tổ chức hợp tác xã và chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là: Không quy định về việc thu nhập của hợp tác xã trước hết phải phân phối cho xã viên theo mức độ sử dụng dịch vụ, mà quy định “Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ nộp thuế, trích lập các quỹ của hợp tác xã, lãi được chia cho xã viên theo vốn góp, công sức đóng góp của xã viên và phần còn lại chia cho xã viên theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã”. Trong khi đó, theo bản chất đích thực của tổ chức hợp tác xã, mục đích chính là hướng tới chia sẻ lợi ích, khác hẳn so với doanh nghiệp là hướng tới lợi nhuận. Do đó, việc xã viên sử dụng dịch vụ của hợp tác xã là đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên lãi/thu nhập cao hơn của xã viên hợp tác xã, đồng thời bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của hợp tác xã. Thực tế, hợp tác xã ưu tiên chia lãi cho xã viên theo vốn góp, công sức đóng góp, “phần còn lại” của thu nhập không còn hoặc rất thấp để phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Do vậy, không khuyến khích xã viên sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, không khuyến khích hợp tác xã kết nạp thêm xã viên mới, mà khuyến khích xã viên tăng vốn, từ đó dần định hướng tổ chức hợp tác xã chuyển sang bản chất tổ chức doanh nghiệp với việc chia lãi chủ yếu theo vốn góp và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường đại chúng.

Việc Luật quy định chia lãi theo công sức đóng góp sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, trích lập các quỹ của hợp tác xã còn trái với quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó chi trả công sức lao động thực chất là chi phí tiền lương, tiền công và phải được hạch toán vào chi phí sản xuất - kinh doanh, không được hạch toán vào lãi, thu nhập.

- Về tổ chức liên hiệp hợp tác xã:

Quy định pháp luật về tổ chức liên hiệp hợp tác xã còn chưa rõ ràng, cụ thể. Trong khi xét về bản chất, liên hiệp hợp tác xã là hợp tác xã của các hợp tác xã, khi thành viên của liên hiệp hợp tác xã chỉ thuần nhất là pháp nhân hợp tác xã.

b) Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa thể hiện rõ tính chất phục vụ xã viên của tổ chức hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 13 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX đã đề ra, cụ thể là: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế,...; phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm...”, “Kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là tổ hợp tác và hợp tác xã; trong lĩnh vực nông nghiệp trước hết tập trung làm các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ thành viên”; đồng thời cũng chưa quy định rõ tổ chức hợp tác xã của người lao động như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khóa VII tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đề ra: “Hợp tác xã được tổ chức trên cơ sở đóng góp cổ phần và sự tham gia lao động trực tiếp của xã viên, phân phối theo kết quả lao động và theo cổ phần, mỗi xã viên có quyền như nhau đối với việc chung”.

c) Chưa quy định thật rõ chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp; chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc giám sát, kiểm tra thi hành Luật; chưa có chế tài cụ thể và đủ sức răn đe để pháp luật có hiệu lực.

d) Chưa có chính sách đặc thù khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phù hợp với bản chất tổ chức hợp tác xã.

II. Một số điểm mới của Luật Hợp tác xã 2012 so với Luật Hợp tác xã năm 2003.

Luật hợp tác xã 2012 ra đời nhằm mục tiêu: Khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã mới; định hướng phát triển cho các hợp tác xã hiện đang hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã; đáp ứng nhu cầu và lợi ích của xã viên tham gia hợp tác xã; bảo đảm quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, hàng chục triệu người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần cải thiện công bằng xã hội và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; góp phần thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Luật HTX năm 2012 về cơ bản phản ánh khá đầy đủ những nội dung trong Luật HTX năm 2003. Tuy nhiên Luật HTX năm 2012 có một số điểm mới khác với với Luật HTX năm 2003 trên một số vấn đề sau:

1.Khái niệm ( bản chất) của hợp tác xã.

Điều 1 Luật hợp tác xã 2003,quy định

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân (sau đây gọi chung là xã viên) có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của Luật này để phát huy sức mạnh tập thể của từng xã viên tham gia hợp tác xã, cùng giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích luỹ và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 3.Luật hợp tác xã 2012, quy định: “ Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.

=>Luật HTX 2012 thay thế khái niệm “xã viên” bằng khái niệm “thành viên”. Luật hợp tác xã 2012 quy định số lượng thành viên tối thiểu là 7 và không quy định số lượng tối đa. Luật HTX năm 2012 đã xác định rõ bản chất của HTX đó là “ HTX nhằm đáp ứng  nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”. Theo Luật HTX năm 2012: Mục tiêu của Hợp tác xã là mang lại lợi ích cho thành viên; “phân phối của HTX chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên; theo công sức lao động, phần còn lại chia theo vốn góp”. Bản chất của Hợp tác xã là phục vụ lợi ích của thành viên; còn bản chất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận, phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp chia theo vốn góp. Vì vậy, Luật HTX năm 2012 bỏ quy định “HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp”

Các quy định nêu trên đã làm rõ bản chất của tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên những nội dung cơ bản sau đây:

+ Mục tiêu thành lập tổ chức: Mục tiêu của hợp tác xã là đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về sản phẩm, dịch vụ, hoặc tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên một cách hiệu quả hơn so với từng thành viên đơn lẻ không thực hiện được hoặc thực hiện kém hiệu quả trong điều kiện cơ chế kinh tế thị trường. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải hoạt động hiệu quả và theo đuổi  mục tiêu cao nhất là đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của thành viên.

Trong khi đó, mục tiêu của tổ chức doanh nghiệp (theo Luật doanh nghiệp) là cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường đại chúng nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp; mục tiêu của các thành viên góp vốn vào doanh nghiệp là để được chia lợi nhuận tối đa theo tỷ lệ vốn góp của mình.

+ Quan hệ sở hữu: Thành viên hợp tác xã vừa là đồng sở hữu vừa là khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã; đối tượng phục vụ chính của hợp tác xã là thành viên.

Như vậy, Luật 2012 làm rõ hơn bản chất HTX là tổ chức kinh tế thuộc thành phần kinh tế tập thể; quản lý dân chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng sở hữu HTX; số lượng tối thiểu 7 thành viên mới được thành lập HTX. Mặc dù Luật không xác định HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, nhưng xác định HTX thành lập để hợp tác tương trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. HTX vẫn được thành lập doanh nghiệp trực thuộc, nhưng chỉ khác là khi HTX phát triển đến trình độ cao hơn, có nghĩa là HTX mới thành lập hoặc HTX hoạt động yếu kém thì chưa được thành lập doanh nghiệp trực thuộc. Đối với Liên hiệp HTX, ít nhất 4 HTX mới được thành lập Liên hiệp (thay vì HTX và doanh nghiệp có nhu cầu là có thể thành lập Liên hiệp HTX như Luật HTX 2003)…

2.Thành thành viên HTX.

Điều 17 luật HTX 2003. Điều kiện trở thành xã viên

1. Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có góp vốn, góp sức, tán thành Điều lệ hợp tác xã, tự nguyện xin gia nhập hợp tác xã có thể trở thành xã viên.

Cán bộ, công chức được tham gia hợp tác xã với tư cách là xã viên theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nhưng không được trực tiếp quản lý và điều hành hợp tác xã.

2. Hộ gia đình, pháp nhân có thể trở thành xã viên theo quy định của Điều lệ hợp tác xã. Khi tham gia hợp tác xã, hộ gia đình, pháp nhân phải cử người đại diện có đủ điều kiện như đối với cá nhân tham gia.

3. Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là xã viên của nhiều hợp tác xã trong trường hợp Điều lệ hợp tác xã không cấm.

Điều 13luật HTX 2012. Điều kiện trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên

1. Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.

Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;

b) Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;

c) Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;

d) Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này và điều lệ hợp tác xã;

đ) Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.

=> Như vậy luật HTX mở rộng cho cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng có thể trở thành thành viên của HTX, bãi bỏ đối tượng cán bộ công chức được tham gia HTX với tư cách là thành viên.

Thành viên của tổ chức doanh nghiệp chỉ là người đồng sở hữu doanh nghiệp; đối tượng phục vụ chính của doanh nghiệp là thị trường đại chúng.

+ Quan hệ kinh tế: Thành viên hợp tác xã góp vốn, đồng thời cam kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, hoặc là người lao động trong hợp tác xã.

Thành viên doanh nghiệp, ngoài việc góp vốn, không có ràng buộc khác về kinh tế với doanh nghiệp.

+ Quan hệ phân phối: Thành viên hợp tác xã được hưởng thụ các lợi ích  chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, hoặc được trả lương đối với sức lao động đóng góp cho hợp tác xã và được phân phối thu nhập chia lãi theo vốn góp đối với hợp tác xã được thành lập nhằm mục tiêu tạo việc làm cho thành viên.

Thành viên doanh nghiệp được chia lãi theo tỷ lệ vốn góp.

Sự khác biệt cơ bản giữa hợp tác xã và doanh nghiệp là: Hợp tác xã hướng tới lợi ích chung trong đó từng xã viên được hưởng; doanh nghiệp hướng tới lợi nhuận được chia theo tỷ lệ tham gia góp vốn.

+ Quan hệ quản lý: Thành viên hợp tác xã có quyền biểu quyết trong hợp tác xã ngang nhau, không phụ thuộc mức vốn góp.

Thành viên doanh nghiệp có quyền biểu quyết trong doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn góp trong doanh nghiệp.

3. phạm vi ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX.

Căn cứ Điều 3 Luật HTX 2003. Chính sách của Nhà nước đối với hợp tác xã và Điều 6 Luật HTX 2012. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước

=>Luật HTX năm 2012 mở rộng hơn phạm vi ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX, Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất; ưu đãi về tín dụng, vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chế biến sản phẩm.Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Về đảm bảo của nhà nước đối với HTX ở điều 5 Thêm là “Bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng giữa HTX, Liên hiệp HTX với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác”.

4.Vốn góp

Luật HTX năm 2012 ( điều 17) quy định mức góp vốn tối đa của thành viên khi tham gia HTX không quá 20% vốn điều lệ; Luật HTX năm 2003 ( khoản 2 điều 19) quy định vốn góp tối đa của xã viên không quá 30% vốn điều lệ.

Luật Hợp tác xã năm 2003 không tách bạch và làm rõ được hai loại vốn: Vốn góp xác nhận tư cách thành viên và vốn huy động như là khoản vốn vay từ thành viên phục vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Cùng với việc quy định phân phối thu nhập sau thuế cho thành viên trước hết theo mức vốn góp mà không theo mức độ sử dụng dịch vụ có thể tạo nguy cơ chuyển hợp tác xã dần trở thành tổ chức hướng theo lợi nhuận, không hướng vào đáp ứng nhu cầu của thành viên.

Vốn điều lệ của HTX năm 2012 ( điều 21) có bổ sung điều khoản: 

- Khoản (5) Mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà thành viên sử dụng; thời gian liên tục không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX nhưng không quá 3 năm, đối với HTX tạo việc làm là không quá 2 năm; 

- Khoản (12) Nội dung hợp đồng dịch vụ giữa HTX với thành viên…

- Khoản(13) việc HTX cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường cho từng lĩnh vực, loại hình do Chính phủ quy định…

Về phân phối thu nhập luật HTX 2012 quy định HTX sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, thu nhập của HTX được phân bổ như sau: (1) Trích lập quỹ đầu tư phát triển không thấp hơn 20%/thu nhập; (2) Trích lập quỹ dự phòng tài chính không thấp hơn 5%/ thu nhập. Phân chia chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ, công sức lao động đóng góp của thành viên đối với HTX, Liên hiệp HTX phần còn lại chia theo vốn góp.( điều 46)

5.Mô hình quản trị điều hành.

Luật HTX năm 2012 sử dụng khái niệm “Hội đồng quản trị” thay khái niệm “Ban quản trị”; “Chủ tịch hội đồng quản trị” thay khái niệm “Trưởng ban quản trị”. Hội đồng quản trị tối thiểu có 03 thành viên, tối đa có 15 thành viên. Khái niệm “Giám đốc” thay khái niệm “Chủ nhiệm”; ngoài khái niệm “Ban kiểm soát” bổ sung khái niệm “Kiểm soát viên”; HTX có 30 thành viên trở lên thì bầu Ban kiểm soát; Ban kiểm soát tối đa có 07 thành viên; nếu HTX có số lượng thành viên ít (dưới 30 thành viên) thì có thể chỉ bầu 01 kiểm soát viên. Khái niệm “đăng ký HTX” thay khái niệm “đăng ký kinh doanh”. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.

Luật HTX năm 2012 quy định rõ ràng và cụ thể hơn về số lượng, quyền và chức năng mô hình quản trị điều hành so với luật HTX 2003.

Việc  hội đồng quản trị triệu tập đại hội thành viên bất thường .

- Ở luật HTX 2003 ( điều 21) Đại hội xã viên bất thường do Ban quản trị hoặc Ban kiểm soát của hợp tác xã triệu tập để quyết định những vấn đề cần thiết vượt quá quyền hạn của Ban quản trị hoặc của Ban kiểm soát.

- Ở luật HTX 2012 có quy định thêm các trường hợp khác ( điều 31)

Hội đồng quản trị triệu tập đại hội thành viên bất thường trong những trường hợp sau đây:

a) Giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của hội đồng quản trị;

b) Hội đồng quản trị không tổ chức được cuộc họp định kỳ sau hai lần triệu tập;

c) Theo đề nghị của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

d) Theo đề nghị của ít nhất một phần ba tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên.

6.Về tổ chức của HTX và Khai trừ xã viên

Cơ cấu tổ chức của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát. Theo đó, tổ chức của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thống nhất chỉ có một mô hình. (Luật Hợp tác xã 2003, cho phép chọn 1 trong 2 mô hình tổ chức, gồm: một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành - Điều 27; hoặc thành lập riêng bộ máy quản lý và bộ máy điều hành - Điều 28).

Luật HTX 2012 quy định về việc tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên bị chấm dứt giống luật 2003 khi xảy ra một trong các trường hợp:

- Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;

- Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản; hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;

- Thành viên, hợp tác xã thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Thành viên, hợp tác xã thành viên bị khai trừ theo quy định của điều lệ;

- Trường hợp khác do điều lệ quy định.

Và bổ sung thêm 1 số trường hợp khác như:

- Thành viên, hợp tác xã thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm;

- Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;

KẾT BÀI

Luật HTX 2012 bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2013 hướng đến tiệm cận dần với bản chất đích thực của hợp tác xã, làm rõ hơn tính ưu việt của hợp tác xã nhằm khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đây là khuôn khổ pháp lý thuận lợi góp phần phát triển hợp tác xã lành mạnh, bền vững góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công bằng xã hội, ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.Trên đây là những “phân tích và đánh giá một số điểm mới của Luật Hợp tác xã 2012 so với Luật Hợp tác xã năm 2003”.Do kiến thức cũng như hiểu biết còn hạn chế mong được sự góp ý của thầy cô để bài làm của em được hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cám ơn!!! 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trường Đại Học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại ( tập 1),Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội,2006.
2.Luật HTX năm 2003
3.Luật HTX năm 2012
4. TỜ TRÌNH Về Dự án Luật Hợp tác xã 

No comments:

Post a Comment