I. MỞ ĐẦU
Trong đời sống xã hội, người phụ nữ (dù có chồng hay không có chồng) mà sinh con đã là cơ sở làm phát sinh mối quan hệ giữa mẹ - con, cha - con. Nhà nước bằng pháp luật quy định nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con. Vì đó là cơ sở nhằm xác thực mối quan hệ mẹ - con, cha – con, từ đó mới phát sinh các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản trong quan hệ mẹ - con, cha - con đồng thời là cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết các tranh chấp về việc xác định cha, mẹ và con trong thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con. Tuy nhiên việc xác định cha, mẹ, con trong thực tế lại không phải là vấn đề đơn giản. Được sự phân công của tổ bộ môn, sau đây em xin được nghiên cứu đề tài: “Các trường hợp được xác định là con chung của vợ chồng và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này” để phần nào làm rõ hơn vấn đề này.
II. NỘI DUNG
1.Trường hợp con sinh ra là con trong giá thú.
a. Nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con trong giá thú
Con trong giá thú là con mà cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật.
Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 của Nhà nước ta chưa dự liệu về nội dung nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ cho con trong giá thú cũng như con ngoài giá thú. Thông thường khi nam nữ kết hôn với nhau, trở thành vợ chồng, trong thời kỳ hôn nhân mà người vợ sinh con thì con đó mặc nhiên được coi là con chung của hai vợ chồng. Hệ thống pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình ở nước ta dưới chế độ cũ đã dựa hẳn vào quy định của Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp (Điều 311, Điều 312) để quy định nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ cho con, với nội dung: “Đứa trẻ thành thai trong thời kỳ giá thú có cha là chồng người mẹ. Được coi là thụ thai trong thời kỳ giá thú trẻ nào sinh quá 180 ngày kể từ khi kết hôn hoặc không quá 300 ngày sau khi hôn thú đoạn tiêu”. Điều 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 của Nhà nước ta đã xác định nội dung nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ cho con khác với pháp luật dưới chế độ cũ. Ngày nay nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu trước khi kết hôn. Có nhiều trường hợp hai bên nam nữ đã có quan hệ sinh lý với nhau, hoặc người phụ nữ đã thụ thai trước khi kết hôn; sau khi kết hôn với nhau được một thời gian ngắn, người vợ đã sinh con. Vì vậy, Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định trên nguyên tắc:
“1. Con sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định
Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định”.
Theo quy định trên, thời kì hôn nhân là khoảng thời gian quan hệ vợ chồng tồn tại, được tính từ khi hai người kết hôn đến khi hôn nhân chấm dứt trước pháp luật. Nếu người vợ sinh con trong thời kì hôn nhân này, về nguyên tắc, con đó được xác định là con chung của vợ chồng, tức là người chồng của mẹ đứa trẻ được xác định là cha của đứa trẻ đó. Cũng theo khoản 1 Điều 63, được coi là “người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân” là kể từ khi hôn nhân chấm dứt trước pháp luật, nếu trong hạn 300 ngày (người vợ chưa kết hôn với người khác) mà sinh con thì con đó cũng được xác định là con chung của vợ chồng.
Theo nguyên tắc suy đoán pháp lí này, mỗi khi sinh con người phụ nữ không cần phải chứng minh chồng mình là cha của đứa trẻ do mình sinh ra, cũng như không được ngăn cản chồng mình thực hiện quyền là cha của đứa trẻ do mình sinh ra. Người chồng đương nhiên được xác định là cha của đứa trẻ đó và được thực hiện quyền làm cha của mình. Pháp luật đã căn cứ vào thời kì hôn nhân của vợ chồng để suy đoán mối quan hệ cha mẹ và con. Khi nam nữ trở thành vợ chồng của nhau đều xuất phát từ yếu tố tình cảm; giữa họ phát sinh những quyền và nghĩa vụ pháp lí theo luật định như nghĩa vụ chung thuỷ, thương yêu quý trọng chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau… Mặt khác, do tác động của nhiều yếu tố khác như điều kiện kinh tế, xã hội… có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về tình yêu và hôn nhân gia đình nên không ít trường hợp người vợ có thai trước thời kì hôn nhân hoặc thậm chí sinh con trước thời kì hôn nhân thì đa số là do vợ chồng đã có quan hệ sinh lí trước thời kì hôn nhân nên pháp luật vẫn suy đoán là con chung của vợ chồng. Điều này đảm bảo quyền lợi không chỉ của đứa trẻ mà còn bảo vệ quyền của người vợ, người mẹ trong gia đình. Ngay cả trong trường hợp sau khi quan hệ hôn nhân đã chấm dứt mà người vợ sinh con trong một thời gian luật định (trong vòng 300 ngày kể từ khi chấm dứt quan hệ hôn nhân) thì pháp luật vẫn xác định là con chung của vợ chồng. Điều đó đảm bảo ổn định quan hệ cha mẹ và con đồng thời giúp cho người phụ nữ yên tâm thực hiện thiên chức của mình.
Trên thực tế có một số trường hợp người chồng nghi ngờ người vợ không chung thủy, đã có hành vi thông gian, ngoại tình với người khác,… nên sau khi người vợ sinh đứa trẻ ra thì người chồng không nhận đứa trẻ đó là con của mình. Để đảm bảo quyền và lợi ích cho đứa trẻ cũng như người mẹ, trong trường hợp này luật đã quy định rõ, nếu cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ xác thực và phải được Tòa án công nhận (khoản 2 Điều 63). Về nguyên tắc, người chồng khi không thừa nhận đứa trẻ là con của mình thì phải có nghĩa vụ chứng minh được điều đó. Việc chứng minh của người chồng có thể dựa trên sự thừa nhận tự nguyện của người vợ là đã có thai với người khác, hoặc người chồng chứng minh được đã đi công tác trong thời gian người vợ có khả năng thụ thai đứa con đó (theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao), hoặc có thể trưng cầu giám định gen. Nếu người chồng chỉ vì nghi ngờ không chứng minh được thì Tòa án vẫn buộc người đó phải nhận đứa trẻ do người vợ sinh ra là con chung của vợ chồng. Ngược lại, nếu người vợ không thừa nhận đứa trẻ là con của mình thì cũng phải đưa ra những bằng chứng xác thực để chứng minh.
=> Như vậy, dựa vào các căn cứ trên, con chung của vợ chồng được xác định trong các trường hợp sau:
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn nhưng được cha mẹ thừa nhận. Tức là khi con sinh ra, cha mẹ của đứa con đó chưa chính thức trở thành vợ chồng trước pháp luật nên đứa trẻ không thể được coi là con trong giá thú được, nhưng sau khi cha mẹ kết hôn và thừa nhận đứa con đó thì đứa con sẽ trở thành con trong giá thú. Luật Hôn nhân và gia đình quy định điều này là để phù hợp với sự phát triển của xã hội ngày nay. Chúng ta biết rằng xã hội ngày nay có rất nhiều đôi nam nữ có quan hệ sinh lý trước khi kết hôn thậm chí là có con trước khi kết hôn. Đồng thời cũng là để đảm bảo quyền lợi của những đứa trẻ được sinh ra trước ngày cha mẹ chúng trở thành vợ chồng hợp pháp.
- Con được thụ thai trước ngày đăng kí kết hôn và được sinh ra trong thời kì hôn nhân: Do pháp luật chỉ quy định con sinh ra trong thời kì hôn nhân là con chung của vợ chồng mà không nói rõ thời gian mang thai bắt đầu từ ngày nào, do đó ở bất kể thời điểm nào trong thời kì hôn nhân người vợ sinh con thì đứa trẻ đó là con chung của vợ chồng.
- Con được thụ thai và sinh ra trong thời kì hôn nhân.Theo quy định trên đây, thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian quan hệ vợ chồng tồn tại, được tính từ khi kết hôn cho đến khi hôn nhân chấm dứt trước pháp luật (do người chồng chết hoặc vợ chồng ly hôn, tính từ khi phán quyết ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật). Nếu người vợ sinh con trong thời kỳ hôn nhân này, về nguyên tắc, con đó được xác định là con chung của hai vợ chồng. Tức là người chồng của mẹ đứa trẻ được xác định là cha của đứa trẻ đó.
- Con được thụ thai trong thời kì hôn nhân và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt. Trong trường hợp này, việc xác định thời điểm thụ thai đứa trẻ so với thời điểm hôn nhân chấm dứt là rất cần thiết. Nếu đứa trẻ được sinh ra trong vòng 300 ngày sau đó thì theo quy định của pháp luật, đứa trẻ mặc nhiên được xác định là con do người vợ có thai với người chồng khi còn sống hoặc khi vợ chồng chưa ly hôn. Tuy nhiên theo tinh thần của Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, thực tế cho thấy rằng, trường hợp quan hệ hôn nhân chấm dứt trước pháp luật (từ ngày người chồng chết hoặc phán quyết ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật), người vợ không đợi sau 300 ngày đã kết hôn ngay với người khác; nếu sau này người vợ sinh con thì con đó được xác định là “con chung của vợ chồng”, tức là con của người chồng lấy sau (theo nguyên tắc suy đoán “con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”)
b. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật vấn đề này.
- Theo tinh thần khoản 1 Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, được coi là “người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân” là kể từ khi hôn nhân chấm dứt trước pháp luật, nếu trong hạn 300 ngày (người vợ chưa kết hôn với người khác) mà sinh con thì con đó cũng được xác định là con chung của vợ chồng (điều này được quy định cụ thể ở Nghị định 70/2002 NĐ - CP).Trên thực tế thì rất ít (hầu như không có) đứa trẻ nào sau 300 ngày (tức là khoàng 10 tháng) mới được sinh ra. Y học ngày nay rất phát triển, có những đứa trẻ chỉ khoảng 6 tháng đã được sinh ra và vẫn có khả năng nuôi được, thế nên khoảng thời gian 300 ngày theo thực tế hiện nay là không hợp lý nữa, việc quy định khoảng thời gian 300 ngày vô hình chung “tạo điều kiện thuận lợi” để người vợ mang thai với người đàn ông khác chứ không phải chồng mình. Theo ý kiến của em, các nhà làm luật nên sửa lại khoảng thời gian đứa trẻ được sinh ra từ khi hôn nhân của người vợ và người chồng chấm dứt, thay vì quy định 300 ngày, nên giảm xuống là 200-250 ngày.
- Trong trường hợp người chồng không thừa nhận đứa trẻ do vợ mình sinh ra là con của mình thì có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành còn trường hợp người vợ muốn phủ nhận đứa trẻ là con mình thì chưa có văn bản nào cụ thể hướng dẫn thi hành. Thực tế có một số trường hợp các bác sỹ, y tá do vô ý hoặc cố ý nên xác định nhầm đứa trẻ do người mẹ sinh ra, trường hợp này tuy không gặp nhiều nhưng không phải là không có. Theo em nhà làm luật nên quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
2. Trường hợp con sinh ra là con ngoài giá thú.
a. Nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con ngoài giá thú
Con ngoài giá thú là con mà cha mẹ không phải là vợ chồng hợp pháp; hoặc tuy cha mẹ ăn ở, chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng. Bao gồm một số trường hợp sau:
- Người mẹ không có chồng mà sinh con;
- Người mẹ có chồng nhưng ngoại tình, có con với người khác;
- Hai bên nam nữa chung sống với nhau như vợ chồng, trong thời gian sống chung giữa hai người có con chung với nhau nhưng cha mẹ của đứa trẻ không đăng ký kết hôn (kể cả trường hợp hai vợ chồng đã ly hôn, phán quyết ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực sau đó họ lại tái hợp cùng sông với nhau nhưng không đi đăng ký kết hôn lại. Trường hợp người mẹ sinh con trong thời gian này thì đứa con đó là con chung ngoài giá thú)
Vấn đề xác định cha, mẹ cho con ngoài giá thú trong thực tiễn rất phức tạp, vì giữa cha, mẹ của người con không có hôn nhân hợp pháp thì không thẻ suy đoán theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Đối với trường hợp yêu cầu Tòa án xác định cha cho con ngoài giá thú, có thể dựa vào những căn cứ sau:
- Trong thời gian người mẹ có thể thụ thai đứa trẻ, người đàn ông này với mẹ đứa trẻ chung sống với nhau như vợ chồng (chung sống công khai).
- Trong thời gian người mẹ có thể thụ thai đứa trẻ, người đàn ông này với mẹ đứa trẻ yêu thương nhau hoặc định kết hôn với nhau.
- Trong thời gian người mẹ có thể thụ thai đứa trẻ đã bị người đàn ông này cưỡng dâm hoặc hiếp dâm.
- Có thư từ hoặc giấy tờ do người đàn ông này viết hoặc xác nhận đứa trẻ là con của họ.
- Khi đứa trẻ được sinh ra người đàn ông này chăm sóc yêu thương đứa trẻ như con mình.
Với các căn cứ trên có thể thấy luật hiện nay chủ yếu chỉ dựa vào thời gian người phụ nữ có thể thụ thai, người phụ nữ đó có quan hệ với người đàn ông bị nghi vấn là cha đứa trẻ hay không. Tất cả những căn cứ trên đều chỉ mang tính chất suy đoán. Có thể thấy chỉ có căn cứ đầu tiên người đàn ông chung sống với mẹ đứa trẻ như vợ chồng một cách công khai là căn cứ mức có suy đoán đúng nhất, những căn cứ còn lại suy đoán đều không có tính xác thực. Căn cứ thứ hai, trong thời gian người mẹ có thể thụ thai đứa trẻ, người đàn ông này với mẹ đứa trẻ yêu thương nhau hoặc định kết hôn với nhau và căn cứ thứ ba, trong thời gian người mẹ có thể thụ thai đứa trẻ đã bị người đàn ông này cưỡng dâm hoặc hiếp dâm đều không có tính chính xác cao. Thực tế cho thấy rằng rất nhiều người phụ nữ yêu một người hoặc đến vài người nhưng trong số họ chưa chắc là người đã kết hôn với người phụ nữ đó, hoặc có những người phụ nữ có số phận không may mắn làm “tiếp viên” trong các quán bar, vì vậy nếu cứ quy trách nhiệm cho những người đàn ông này có thể thấy các thì căn cứ trên không còn chính xác cao như căn cứ đầu tiên nữa. Tiếp đến căn cứ thứ tư, có thư từ hoặc giấy tờ do người đàn ông này viết hoặc xác nhận đứa trẻ là con của họ. Xã hội hiện nay khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin ngày càng phát triển, vậy nên trường hợp viết thư tình cảm với nhau là chuyện rất hiếm hoi, thường là không còn nữa. Do tính chất không hợp với xã hội hiện đại bây giờ nên căn cứ này không còn phù hợp nữa. Căn cứ thứ năm, khi đứa trẻ được sinh ra người đàn ông này chăm sóc yêu thương đứa trẻ như con mình..Xã hội ngày nay cũng không thiếu gì người tốt, những người có tấm lòng hảo tâm hay chỉ là bạn vè với nhau cũng có thể quan tâm, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Vậy nên, nếu cứ coi người đàn ông chăm sóc yêu thương đứa trẻ như con mình chính là cha đứa trẻ thì thực sự có rất nhiều và căn cứ này cũng không có tính chất đúng đắn cao như căn cứ đầu tiên.
=> Như vậy, dựa vào các căn cứ trên, con chung của vợ chồng được xác định trong các trường hợp sau:
- Thứ nhất, con được thụ thai do cha, mẹ chung sống với nhau như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Khái niệm chung sống như vợ chồng trong trường hợp này cần phải hiểu theo nghĩa rộng nhất bao gồm cả trường hợp hai bên nam nữ chỉ quan hệ sinh lý với nhau trong khoảng thời gian có thể thụ thai đứa con. Quan hệ này có thể là công khai hoặc lén lút và kết quả là đứa trẻ đó ra đời từ quan hệ đó.Khi có đủ căn cứ trên, về nguyên tắc hai bên nam nữ được xác định là cha mẹ của đứa con đó.
- Thứ hai, con được sinh ra do người mẹ không có chồng: Việc xác định cha đứa con này được dựa vào căn cứ: trong thời gian có thể thụ thai đứa con, người mẹ của đứa con đã ngoại tình với ai, có quan hệ sinh lý với ai hoặc người mẹ này đã bị hiếp dâm, cưỡng dâm để xác định người đàn ông đó là cha của đứa con này.
- Thứ ba, con được thụ thai hoặc sinh ra khi cha mẹ kết hôn trái pháp luật và tòa án đã hủy việc kết hôn đó: Đối với trường hợp này, bởi vì việc kết hôn bị hủy nên coi như cha mẹ của đứa con chưa từng kết hôn, chưa từng tồn tại thời kỳ hôn nhân. Quan hệ giữa cha mẹ đứa trẻ coi như được chung sống với nhau như vợ chồng.
Thực tế giải quyết các tranh chấp về xác định cha, mẹ và con ngoài giá thú rất phức tạp, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Người thẩm phán giải quyết vụ việc đòi hỏi phải là người có trình độ pháp luật, vốn sống, kinh nghiệm thực tế, am hiểu và nắm được các đặc tính về tâm lý của đương sự. Đồng thời trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, cần kết hợp với các biện pháp khác như giám định y học: thử máu, khả năng sinh lý và đặc biệt là giám định về gen khi có yêu cầu… Tòa án cần đánh giá tổng hợp các chứng cứ để có quyết định chính xác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Quá trình điều tra để giải quyết vụ kiện, tòa án cũng có thế điều tra thông qua dư luận xã hội, bạn bè, gia đình hai bên đương sự cho biết về mối quan hệ tình cảm yêu đương giữa người mẹ đứa trẻ với người đàn ông được khai là cha của đứa trẻ đó, hoặc dựa vào hoàn cảnh của cha mẹ trong thời kỳ người con trưởng thành hay qua lời ngụy biện của đương sự tại tòa án (có trường hợp trước khi chết, hoặc khi người con đã trưởng thành, người mẹ, người cha hoặc cả hai người mới thừa nhận người con đó là con của mình; hoặc đương sự lập luận quanh co, có nhiều mâu thuẫn trong lời khai khi bị chất vấn…).
b. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật vấn đề này
Với các căn cứ nêu trên cho thấy, em thấy rằng hiện nay luật chủ yếu chỉ căn cứ vào thời gian người phụ nữ có thể thụ thai, người phụ nữ đó có quan hệ với người đàn ông bị nghi vấn là cha của đứa trẻ hay không. Thêm vào đó, một số căn cứ mà văn bản dưới luật đưa ra cũng không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay nữa. Cũng chính vì vậy mà việc xác định con ngoài giá thú gây khó khăn rất nhiều cho các thẩm phán khi đưa ra phán quyết bơi không phải người nào cũng có điều kiện và thời gian để đi giám định AND. Dù rằng chỉ mang ý nghĩa tương đối nhưng trong LHNGĐ sửa đổi cần quy định những bằng chứng này. Ngoài ra, có thể quy định thêm các biện pháp y học cần thiết, điều này sẽ làm tăng độ chính xác trong việc xác định quan hệ cha mẹ và con nói chung, đặc biệt là xác định quan hệ cha con đối với con ngoài giá thú.
Trong trường hợp người phụ nữ sinh con mà không có quan hệ hôn nhân (tức là sinh con ngoài giá thú), Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ quy định những chủ thể có quyền yêu cầu xác định quan hệ cha mẹ và con, mà không quy định cụ thể việc xác định này phải dựa trên cơ sở nào. Đây cũng là 1 sự thiếu sót mà Luật Hôn nhân và gia đình khi sửa đổi cần phải bổ sung thêm.
III. KẾT LUẬN
Vấn đề xác định cha, mẹ, con (kể cả con trong giá thú hoặc con ngoài giá thú) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thân phận của mỗi cá nhân trong xã hội. Quan hệ pháp luật này được xác thực liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ này, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên khác trong gia đình. Quy định nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con là cơ sở giải quyết các tranh chấp đối với loại án kiện xác định cha, mẹ, con trong thực tế; liên quan đến việc giải quyết ổn thỏa, chính xác các tranh chấp về cấp dưỡng, nuôi dưỡng, thừa kế, bồi thường thiệt hại… theo quy định của pháp luật.
Bài viết của em còn nhiều thiếu sót, mong các thầy cô chỉnh sửa và xem xét để bài viết này được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn !
No comments:
Post a Comment