04/11/2014
Đấu tranh phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn hiện nay - Nguyễn Tuấn Anh Vụ II, Thanh tra Chính phủ

Đấu tranh phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn hiện nay

Rửa tiền (money laundring) là thuật ngữ dùng để chỉ một hành vi chuyển hóa đồng tiền và thu nhập bất minh thành những đồng tiền có vỏ bọc hợp pháp. 
Những đồng tiền bẩn cần được tẩy rửa thường có được từ những hoạt động phạm tội siêu lợi nhuận như buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí và các hoạt động phạm pháp khác như trộm cắp tài sản quý (đồ cổ, tranh quý hiếm, tài sản có giá trị cao) và tham nhũng.

Để có được vỏ bọc hợp pháp cho đồng tiền bất chính, bọn tội phạm phải trải qua một quá trình chuyển đổi và đưa vào lưu thông trong đời sống kinh tế xã hội mà không gây ra sự nghi ngờ cho cơ quan thực thi pháp luật hoặc không làm lộ tội phạm gốc. Hoạt động rửa tiền thường được tiến hành qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có thể có tên gọi khác nhau nhưng nội dung tương đối thống nhất:

Giai đoạn thứ nhất, “Gửi tiền”: đây là bước đầu tiên của quá trình tẩy rửa, nhằm chuyển tiền từ thu lợi bất chính sang nơi khác, che dấu nguồn gốc xuất xứ, thay đổi hình thái tồn tại của “tiền bẩn” để đi vào hệ thống tài chính, ngân hàng.

Giai đoạn thứ hai, “trộn lẫn”: đây là giai đoạn bước đầu cắt đứt mối quan hệ với tội phạm gốc thông qua các thao tác nghiệp vụ tài chính, kế toán để che dấu nguồn gốc tài sản. Trong giai đoạn này vai trò của các chuyên gia tài chính, tổ chức tín dụng rất quan trọng, bọn tội phạm có thể tiến hành phạm tội dễ dàng hay không phụ thuộc rất nhiều vào những nhân tố này.

Giai đọan thứ ba, “đầu tư hợp pháp”: sau một quá trình tẩy rửa, đồng tiền trở về với bọn tội phạm với vỏ bọc hợp pháp, chúng có thể đầu tư vào các hoạt động kinh doanh thương mại, trộn lẫn “tiền bẩn” “tiền sạch” để tiếp tục một chu trình khác và khép lại chu trình trước.


1. Các phương thức, thủ đoạn rửa tiền:

Thông qua hệ thống tài chính ngân hàng: Bọn tội phạm gửi tiền dưới mức kiểm soát vào những thời điểm khác nhau, ở nhiều nơi trên thế giới. Sau một thời gian chuyển khoản qua nhiều ngân hàng, chúng có thể rút tiền ở Ngân hàng của nước thứ ba, thứ tư một cách hợp pháp.

Rửa tiền thông qua đầu tư nước ngoài: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia đang phát triển tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài, tạo hành lang pháp lí thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trong nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động rửa tiền. Chúng mang tiền vào thuê quyền sử dụng đất, lập nhà xưởng,… Trong quá trình hoạt động, lợi nhuận được chuyển đến một số địa chỉ theo mong muốn. Một thời gian sau, chúng tuyên bố phá sản hoặc biến mất, những đồng tiền bẩn đã được khoác vỏ bọc hợp pháp.

Lợi dụng các trung tâm giải trí, sòng bạc, xổ số, cá cược: Đây là những lĩnh vực kinh doanh có tỉ lệ thanh toán tiền mặt cao. Lợi dụng các casino, sòng bạc này, bọn tội phạm tổ chức đánh bạc, việc thắng thua không quan trọng, cái chính là sau khi ra khỏi đây, chúng có giấy chứng nhận đã thắng với một khoản tiền lớn của các ông chủ Casino. Hoặc chúng có thể tìm mua những vé xổ số, cá cược trúng thưởng  có giá trị lớn để chứng minh cho nguồn thu nhập của mình là hợp pháp.

Thông qua thị trường chứng khóan: Những đồng tiền bẩn được dùng để mua cổ phiếu tại thị trường chứng khoán. Sau một thời gian, số cổ phiếu này được bán lại với giá thấp hơn. Số tiền mà bọn tội phạm nhận được thông qua hệ thống tài chính nên được xem là hợp pháp.

Lợi dụng tổ chức tín dụng: Bọn tội phạm gửi tiền vào các quỹ tiết kiệm hoặc mua trái phiếu, tín phiếu. Sau một thời gian rút dần hoặc mang các giấy tờ có giá đi cầm cố, thế chấp để vay một khoản tiền nhất định.

Lợi dụng các hợp đồng thương mại, hóa đơn chứng từ: Thông qua các hợp đồng, bọn tội phạm khai tăng số lượng hàng hóa trong hóa đơn mua bán hoặc lợi dụng các công ty kinh doanh hàng hóa thật nhưng không bán hàng hoặc bán rất ít so với hóa đơn. Những hóa đơn chứng từ đó, chứng minh cho thu nhập của chúng có được là nhờ hoạt động kinh doanh.

Thông qua sổ tiết kiệm của người lao động ngụ cư ở nước ngoài: Bọn tội phạm thường lợi dụng người lao động nước ngoài, cho họ một ít hoa hồng và yêu cầu họ gửi một số tiền dưới mức kiểm soát của nước đó đến một tài khoản cụ thể.

Thông qua các giao dịch xuyên quốc gia: Lợi  dụng các yếu tố địa lí và sự khác nhau về mặt pháp luật, bọn tội phạm vận chuyển tiền qua biên giới, tạo khoảng cách về địa lí giữa tội phạm gốc và đồng tiền cần tẩy rửa. Từ đó, chúng tìm cách đưa vào hệ thống tài chính, ngân hàng để rồi có thể rút ra ở nước thứ ba, thứ tư. ở một số quốc gia, hoạt động rửa tiền chưa được quy định là tội phạm hình sự nên những hành vi phạm tội của bọn tội phạm ở đó càng gặp ít rủi ro.

Thông qua lao động bất hợp pháp: Một số quốc gia, các chủ đồn điền, trang trại thường thuê lao động bất hợp pháp để trốn thuế. Lợi dụng tình trạng này, bọn tội phạm thường cho họ vay tiền mặt để trả công lao động, sau đó, họ phải trả lại bằng séc cho bọn chúng.

2. Hoạt động rửa tiền ở Việt Nam

Ở Việt Nam, khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, cùng với xu thế hội nhập về kinh tế thì tội phạm cũng có chiều hướng gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi hơn. Các hoạt động buôn bán ma túy, buôn lậu, tham nhũng đã mang lại cho bọn tội phạm một lượng tiền bất chính khổng lồ. Hoạt động tẩy rửa tiền thường được phát hiện sau khi khởi tố và điều tra các vụ án khác, thông qua các biện pháp điều tra nghiệp vụ, cán bộ điều tra đã phát hiện ra hoạt động tẩy rửa tiền của bọn tội phạm (điển hình như vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn, vụ án buôn ma túy của Trịnh Nguyên Thủy). Với các vụ án tham nhũng, trong quá trình điều tra, cán bộ điều tra đã phát hiện các “ông quan tham” thường có trong tay vài ngôi biệt thự, tài khoản bí mật ở ngân hàng nước ngòai. Những tài sản đó trị giá lên đến hàng triệu USD. Và không ai có thể chắc chắn rằng, trong các khu chung cư, biệt thư cao cấp hiện đại ở các thành phố lớn có bao nhiêu ngôi nhà được mua bằng những đồng tiền hợp pháp. Bởi hiện nay, những kẻ hở trong pháp luật về thị trường bất động sản, kiểm soát thu nhập cá nhân đang là điều kiện để bọn tội phạm tiến hành hoạt động tẩy rửa tiền.

Thời gian qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng pháp luật về chống rửa tiền và từng bước triển khai hoạt động chống rửa tiền. Để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp cụ thể sau:

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Đối  với pháp luật hình sự, cần quy định rửa tiền là tội phạm riêng để nâng cao hiệu quả áp dụng trong quá trình phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia nói chung và phòng chống rửa tiền nói riêng. Bộ luật hình sự cũng cần hình sự hoá những hành vi đã được quy định trong các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động rửa tiền như: tội làm giàu bất minh, để buộc các cá nhân có tài sản tăng đáng kể so với thu nhập của mình mà không giải thích được nguồn gốc của nó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó cần xây dựng các quy định về biện pháp tịch thu tiền và tài sản do phạm tội mà có. Các biện pháp tịch thu là sự nối tiếp tất yếu của các biện pháp trấn áp tội phạm rửa tiền.

Về pháp luật tài chính ngân hàng: nội dung của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này đã đáp ứng được yêu cầu trong việc phòng chống rửa tiền thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần ban hành các văn bản quy định một cách chặt chẽ về sử dụng ngoại tệ trong giao dịch và thanh tóan.

Bên cạnh những văn bản pháp luật đóng vai trò chủ đạo trên, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan mang tính chất bổ trợ như: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật quản lí thuế, Luật thuế tài sản, pháp luật về đăng ký giao dịch,… cần đưa ra những quy định hợp lí góp phần kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân, tránh hiện tượng cá nhân có tài sản tăng lên một cách bất hợp pháp nhưng không được kiểm sóat và không chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Xây dựng cơ chế quản lí nhà nước chặt chẽ

Trước hết là kiểm sóat các giao dịch liên quan đến các tổ chức tài chính: Tiền được rút ra từ hệ thống các tổ chức tín dụng luôn được coi là hợp pháp, thế nên, hoạt động rửa tiền của bọn tội phạm cũng tập trung vào các tổ chức tín dụng. Xây dựng các cơ chế kiểm soát khách hàng và các giao dịch thông qua tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng. Hoạt động kiểm soát này liên quan đến việc nhận biết khách hàng, thu thập và kiểm soát thông tin về khách hàng. Các nhân viên ngân hàng thực hiện nghiệp vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền các thông tin về khách hàng có dấu hiệu của hoạt động rửa tiền và giao dịch đáng ngờ. Đồng thời cũng quy định bắt buộc đối với một số giao dịch được nhất định phải báo cáo. Cơ chế này bước đầu được áp dụng ở Việt Nam và quy định cụ thể trong  Nghị định 74/2005/NĐ-CP về chống rửa tiền.

Các giao dịch liên quan đến động sản và tài sản có giá trị lớn: những tài sản mà Nhà nước quy định phải đăng kí quyền sở hữu, trong qúa trình sử dụng, chuyển nhượng cần phải khai báo với cơ quan nhà nước, thanh toán qua tổ chức tín dụng. Có thể xây dựng các chính sách thuế với thuế suất hợp lí mà đối tượng đánh thuế là tài sản để kiểm soát được thực trạng và chủ sở hữu của tài sản này, đồng thời có biện pháp xử phạt thích đáng cho các cá nhân tổ chức tiến hành các giao dịch ngầm.

Hoạt động tẩy rửa tiền cũng liên quan đến hải quan, thuế vụ, do đó cũng cần xây dựng cơ chế kiểm soát, quản lí nhà nước trong lĩnh vực này một cách chặt chẽ và có hiệu quả. Xây dựng cơ quan phòng chống rửa tiền trong các cơ quan hải quan, thuế vụ và trong hệ thống ngân hàng.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống hoạt động rửa tiền

Trong hoạt động phòng chống tội phạm rửa tiền, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng vì đây là loại tội phạm thường được thực hiện ở nhiều quốc quốc gia và liên quan đến tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Đấu tranh phòng chống  loại tội phạm này phải có sự hợp tác, phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm rửa tiền thể hiện trước hết ở việc tham gia, kí kết các điều ước quốc tế là những văn bản pháp lí có hiệu lực chung giữa các quốc gia thành viên. Từ đó, hợp tác trên những lĩnh vực cụ thể như trao đổi thông tin, dẫn độ tội phạm, tịch thu tài sản, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất… Thông qua việc trao đổi này, cơ quan điều tra của các quốc gia liên quan giúp nhau phát hiện và và hòan thiện hồ sơ để xử lí các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Các biện pháp liên quan đến cán bộ, công chức

Đối với người có chức vụ, quyền hạn có khả năng thực hiện các hành vi tham nhũng - một trong những tội phạm nguồn quan trọng liên quan đến hoạt động rửa tiền - cần có cơ chế quản lí chặt chẽ. Quy định và hướng dẫn cụ thể về việc công khai, minh bạch tài sản của các đối tượng này, thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra chặt chẽ đối với việc sử dụng tài sản Nhà nước.

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, chúng ta cũng cần khắc phục những mặt tiêu cực mà sự phát triển của nền kinh tế mang lại, trong đó có hoạt động rửa tiền. Đấu tranh phòng chống tội phạm tẩy rửa tiền không chỉ góp phần hạn chế sự phát triển của các tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy và tham nhũng mà còn đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, hệ thống chính trị vững mạnh, xã hội an toàn, tạo điều kiện cho Việt Nam ngày càng sâu rộng hơn đối với khu vực và thế giới./.

Nguyễn Tuấn Anh
Vụ II, Thanh tra Chính phủ
(Nguồn Tạp chí Thanh tra)

No comments:

Post a Comment