Đề bài: Chị A đi xe máy thăm người quen, dọc đường bị chết máy. Đang loay hoay khời động lại xe thì thấy H đi qua. Chị A nhờ H sửa chữa xe máy. Sau một hồi sửa chữa H ngồi lên yên, khởi động xe và phóng đi mất. Chị A hô mọi người giữ lại nhưng không được. H đem xe máy đến nhà B (là người quen của H) gửi và sau đó đem đi bán được 12.000.000 đồng, H chia cho B 1.500.000 đồng
Hỏi:
1. Hành vi của H cấu thành tội gì? Tại sao?
2. B có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?
BÀI LÀM
1. Hành vi cùa H cấu thành tội cướp giật tài sản theo Điều 136 BLHS 1999.
Cướp giật tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng để tránh sự phản kháng của chủ tài sản. Cướp giật tài sản là một trong bốn tội phạm của nhóm tội chiếm đoạt có tính chất công khai về hành vi khách quan của chủ thể. Trong đó cướp giật tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở của chủ tài sản (sơ hở sẵn có hoặc do chính người cướp giật tạo ra) nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh. Thủ đoạn nhanh chóng lẩn tránh trong thực tế thường là nhanh chóng tẩu thoát.
H không cưỡng đoạt tài sản hay cướp tài sản vì H không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay dùng các thủ đoạn uy hiếp tinh thần của chị A...Hành vi của H công khai, không lén lút nên không thể là tội trộm cắp tài sản. Hành vi của H không thuộc các hành vi được quy định tại tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. H không dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của chị A vì nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. H không thể có mục đích lừa dối chị A từ trước được vì việc chị A bất ngờ hỏng xe giữa đường và nhờ H sửa là hoàn toàn ngẫu nhiên. H không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì công nhiên chiếm đoạt tài sản là công khai chiếm đoạt tài sản, lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản, ở đây thì chị A vẫn có điều kiện ngăn cản H.
Như vậy, hành vi cùa H chỉ cấu thành tội cướp giật tài sản vì:
Thứ nhất, H đã có hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của chị A, cụ thể là hành vi “Sau một hồi sửa chữa H ngồi lên yên, khởi động xe và phóng đi mất”. H lợi dụng sơ hở của chị A là tin tưởng vào người lạ sẽ giúp mình sửa xe nên chị không đề phòng. Lúc H chiếm mất xe do quá bất ngờ nên chị A không giữ lại được chiếc xe mặc dù chị có khả năng giữ lại và chị biết là H đang chiếm đoạt chiếc xe của chị. Chị A hô hào nhờ người dân giúp đỡ nhưng không kịp.
Thứ hai, khi chiếm được chiếc xe của chị A, H đã có hành vi nhanh chóng tẩu thoát và tẩu tán tài sản. Thể hiện ở hành vi H khởi động xe và phóng vọt đi, sau đó H gửi xe tại nhà người quen là B rồi ngay sau đó mang đi tiêu thụ.
Cả hai hành vi công khai chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát đều là hành vi về mặt khách quan của tội cướp giật tài sản.
Về mặt chủ quan, lỗi của H là lỗi cố ý trực tiếp.
Về mặt chủ thể, xét theo tình huống H là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đúng quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
2. Việc B có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không cần phải chia ra hai trường hợp như sau:
• Trường hợp thứ nhất: B không biết chiếc xe máy mà H mang đến là xe mà H chiếm đoạt được. B sẽ
không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì ví dụ H nói rằng đây là chiếc xe mà H trúng thưởng được, H rất vui, nhưng vì không cần xe nên H mang bán và tặng cho B 1.500.000 đồng cho vui vẻ.... Mặc dù tình huống này có vẻ phi lí và hiếm khi xảy ra nhưng không phải là không có.
• Trường hợp thứ hai: Ta cần chia ra trong trường hợp này 2 trường hợp nhỏ:
Thứ nhất, B không hề tham gia hay biết trước những kế hoạch và hành vi chiếm đoạt tài sản của H nhưng B biết chiếc xe máy mà H mang đến là xe mà H chiếm đoạt. B sẽ bị khép vào tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 250 BLHS 1999: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”. B không thể là đồng phạm của H vì B không hề tham gia hay biết trước những kế hoạch và hành vi chiếm đoạt tài sản của H.
Thứ hai, B là đồng phạm của H. B và H cùng ý chí là sẽ chiếm đoạt chiếc xe của chị A và cùng nhau mang đi tẩu tán. Tuy nhiên, theo em, việc B và H có dự tính trước là sẽ chiếm đoạt chiếc xe là vô lý. Vì việc chị A đi thăm người quen và xe của chị A hỏng giữa đường nên chị nhờ H sửa là vô tình nên H và B không thể bàn bạc trước việc sẽ cướp xe của chị.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội – 2009.
2. Bộ Luật Hình sự 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009). Viết tắt là BLHS 1999.
3. Bộ Tư pháp – Viện Khoa học pháp lý, Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách Khoa và Nxb. Tư pháp, Hà Nội – 2006.
4. Bình luận khoa học về tội phạm, tập 2.
No comments:
Post a Comment