16/10/2014
Quan hệ tài sản là đối tượng điều chỉnh của luật dân sự - Tình huống minh họa - Luật Dân sự 1
Quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Quan hệ pháp luật dân sự là một dạng quan hệ pháp luật, được cấu thành bởi các yếu tố: chủ thể, khách thể, nội dung.

          Quan hệ tài sản luôn gắn với một tài sản nhất định hoặc chuyển dịch tài sản từ chủ thể này sang chủ thế khác (quan hệ sở hữu, quan hệ hợp đồng hay thừa kế tài sản…)

          Để hiểu được quan hệ pháp luật của các chủ thể trong quan hệ tài sản thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự, ta có thể xem xét tình huống sau:

          Anh Nguyễn Văn An có mở một cửa hàng cho thuê ô tô, có đầy đủ giấy đăng kí kinh doanh và anh An cũng thường xuyên đem xe của cửa hàng mình đi đại tu sửa chữa để xe luôn trong tình trạng ổn định an toàn. Anh Trần Minh Ba nhân dịp nghỉ lễ muốn tổ chức đi dã ngoại cùng gia đình đã quyết định đến cửa hàng của anh An thuê xe. Sau khi đã thỏa thuận thống nhất, hai anh An và Ba đã kí kết hợp đồng thuê xe theo đúng trình tự hợp pháp và ý chí tự nguyện của cả hai bên, trong đó có thỏa thuận anh Ba phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại gây ra cho chiếc xe trong thời gian anh Ba sử dụng. Đến ngày hẹn, anh Ba đến nhận xe trong tình trạng ổn định và cũng được anh An thông báo những lưu ý cần thiết về chiếc xe, nhằm đảm bảo an toàn cho anh Ba khi sử dụng. Trong thời gian sử dụng xe, chiếc xe vận hành hoàn toàn bình thường nhưng anh Ba do không cẩn thận đã gây tại nạn khiến chiếc xe bị hư hỏng. Khi giao xe, theo đúng hợp đồng cho thuê và thống nhất thỏa thuận giữa anh An và anh Ba, anh Ba đã chi trả chi phí sửa chữa xe cho anh An.

          Việc kí hợp đồng cho thuê xe giữa hai anh An và Ba là một dạng quan hệ pháp luật dân sự về tài sản, trong đó chủ thể tham gia ở đây là anh An và anh Ba, khách thể là “quyền được sử dụng chiếc xe” của anh Ba và “quyền sở hữu số tiền thuê xe và bồi thường thiệt hại cho chiếc xe nếu xảy ra tai nạn, nội dung quan hệ là việc cho thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai người An và Ba.
Theo hợp đồng cho thuê, anh An là bên cho thuê. Anh An có những quyền cơ bản được luật cho phép như: có quyền định đoạt tài sản của mình (cụ thể là việc có đồng ý cho thuê xe hay không), có quyền yêu cầu anh Ba – bên thuê phải bồi thường mọi thiệt hại xảy đến với tài sản – chiếc xe của mình do anh Ba gây ra trong quá trình sử dụng, quyền này của anh An cũng chính là nghĩa vụ của anh Ba được qui định tại khoản 1 Điều 490. Trả lại tài sản thuê: “1. Bên thuê phải trả lại tài sản trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.” Và có quyền sở hữu số tiền thuê mà anh Ba phải chi trả theo giá đã thỏa thuận trong hợp đồng. Ngoài việc được hưởng quyền, anh An cũng đã thực hiện những nghĩa vụ của bên cho thuê, chẳng hạn như đã giao chiếc xe cho anh Ba đúng thời hạn, tình trạng theo thỏa thuận và cũng đã cung cấp những thông tin cần thiết về việc sử dụng chiếc xe theo đúng khoản 1 Điều 484. Giao tài sản thuê: “1. Bên cho thuê phải giao tài sản cho bên thuê theo đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng và đúng thời điểm, địa điểm đã thỏa thuận và cung cấp những thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó.” Bên cạnh đó, chiếc xe còn vận hành hoàn toàn bình thường trong quá trình anh Ba sử dụng, chứng tỏ anh An đã đảm bảo tốt tình trạng của xe để phù hợp với mục đích sử dụng của anh Ba trong suốt thời gian cho thuê, vậy là anh An đã đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của mình theo qui định tại khoản 1 Điều 485. Nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê: “1. Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa nhưng hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.”
         
          Anh Ba là bên thuê, cũng có những quyền và nghĩa vụ được luật qui định tại bộ luật dân sự. Chẳng hạn, anh Ba có quyền sử dụng chiếc xe theo ý mình trong suốt thời gian thuê, quyền này được thể hiện gián tiếp thông qua nghĩa vụ của anh An là phải đảm bảo quyền sử dụng tài sản cho anh Ba theo qui định Điều 486. Nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê. Đồng thời, anh Ba cũng có những nghĩa vụ phải thực hiện như phải trả đủ tiền thuê xe cho anh An theo khoản 1 Điều 489. Trả tiền thuê và nghĩa vụ phải hoàn trả chiếc xe thuê trong tình trạng như khi nhận và phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho chiếc xe theo đúng thỏa thuận theo khoản 1 Điều 490. Trả lại tài sản thuê đã trích dẫn ở trên; hoặc nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích đã kí kết khi thuê với anh An theo qui định tại Điều 488. Nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích.
         
          Như vậy, qua mối quan hệ tài sản trên có thế thấy được mối quan hệ pháp luật của hai anh An và Ba qua bản hợp đồng thuê xe, khi bản hợp đồng được kí kết hợp pháp và thống nhất ý chí của hai anh thì quan hệ tài sản này được luật dân sự bảo vệ, đồng thời quyền và nghĩa vụ của hai người cũng được hình thành, quyền của người này phát sinh nghĩa vụ của người kia và ngược lại, đồng thời buộc hai người phải chấp hành theo đúng pháp luật.

No comments:

Post a Comment