05/10/2014
Phân tích đặc trưng của nhà nước - quyền lực công cộng đặc biệt
Quyền lực này là quyền lực nhà nước mà chủ thể của nó là giai cấp thống trị về kinh tế, chính trị, tư tưởng trong xã hội. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy đã có quyền lực, nhưng đó là quyền lực xã hội, do tất cả các thành viên trong xã hội thiết lập và họ tự giác phục tùng, không cần một bộ máy cưỡng chế nào cả, do đó nó hòa nhập với toàn cư dân. Khi nhà nước ra đờithì quyền lực xã hội nhường chỗ cho một thứ quyền lực mới - quyền lực nhà nước của giai cấp thống trị, được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, bởi vậy nó không thể hòa nhập hoàn toàn với cư dân được. Để thực hiện quyền lực này, nhà nước có bộ máy chuyên nghiệp, vừa làm nhiệm vụ cưỡng chế, vừa quản lý xã hội mà các cơ quan chủ yếu của nó là quân đội, cảnh sát, nhà tù.


Quyền lực công cộng (loại quyền lực chung của bất kỳ cộng đồng xã hội nào) là nhu cầu tất yếu, khách quan trong đời sống của con người khi đã tập hợp thành xã hội. Đó chính là nhu cầu phối hợp hoạt động chung, duy trì trật tự chung và bảo về cộng đồng xã hội khỏi sự xâm hại từ bên ngoài. Đối với một cộng đồng nhỏ, như gia đình, dòng họ, thậm chí là thị tộc, quyền lực công cộng được tổ chức rất đơn giản, thường được trao cho một người hoặc một nhóm ít người có uy tín hoặc có sức mạnh. Ví dụ, quyền lực công cộng của một cộng đồng nhỏ nhất là gia đình chẳng hạn (tế bào của xã hội) thường trao cho người đàn bà (trong chế độ mẫu hệ) hoặc cho người đàn ông (trong chế độ phụ hệ); trong dòng họ thường trao cho người vai trên, cao tuổi, người có uy tín; đối với thị tộc thường trao cho một Hội đồng thị tộc gồm những người có uy tín và các thủ lĩnh quân sự. Cơ quan quyền lực công cộng này còn gắn chặt với cộng đồng, vừa trực tiếp sản xuất vừa làm chức năng quản lý xã hội. Trong loại hình tổ chức xã hội này còn chưa có tham nhũng, vì quá trình thực thi quyền lực công cộng rất minh bạch: cùng bàn bạc, cùng quyết định, cùng thực hiện và cùng chịu trách nhiệm (hưởng hoặc không hưởng kết quả của những quyết định đó). Các chu trình thực thi quyền lực công cộng trong xã hội thị tộc là trực tiếp, khép kín, từ lúc ra quyết định đến lúc có kết quả của quyết định đó, không qua cấp trung gian nào, không qua một đội ngũ quan lại trung gian nào.

Đây là một mô hình thực thi quyền lực công cộng mang tính minh bạch lý tưởng. Tuy nhiên, mô hình như vậy chỉ có thể tồn tại ở quy mô mô thị tộc hay một cộng đồng nhỏ. Khi sản xuất phát triển hơn, quy mô dân cư tăng lên, các mối tương tác nhiều hơn cũng là khi xuất hiện nhiều hơn các hình thức liên kết cá nhân, liên kết các cộng đồng xã hội, các thị tộc. Từ đây xuất hiện các tập đoàn xã hội, các giai cấp ở phạm vi rộng lớn, đó là các quốc gia, các nhà nước.

Nói đến nhà nước là nói đến một loại cộng đồng rộng lớn, trong đó có nhiều thành phần giai cấp, ổn định, sống trong một vùng lãnh thổ được khẳng định chủ quyền, gọi là biên giới quốc gia. Quyền lực công cộng kiểu thị tộc đã không thể duy trì được nữa, khách quan yêu cầu quyền lực công cộng cho toàn xã hội trên lãnh thổ quốc gia. Bây giờ quyền lực này không những mang tính chất công cộng, mà hơn thế nữa, nó mang tính chất công cộng rộng lớn nhất bao trùm toàn xã hội và toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Vì tính chất đó, chủ thể quyền lực công cộng này - nhân dân - không thể tự thực thi một cách trực tiếp quyền lực công cộng như trong công xã hoặc thị tộc. Nó được trao cho một cơ quan, lúc đầu là từ xã hội nhưng bây giờ đã đứng lên trên xã hội, độc lập với xã hội. Cơ quan tối cao đó của xã hội gọi là nhà nước. ở đây, chúng tôi không bàn kỹ và đầy đủ về nhà nước, mà chỉ nhấn mạnh nguồn gốc ra đời của nó với tư cách là một cơ quan công cộng của toàn xã hội. Nhà nước - cơ quan công cộng tối cao của xã hội - khi vừa ra đời đã bị chi phối bởi những kẻ mạnh, của giai cấp giàu có (giai cấp thống trị) và giai cấp này dùng bộ máy nhà nước vừa thực hiện chức năng công quyền vừa làm lợi riêng cho giai cấp mình. Trong nhiều trường hợp và dần dần chức năng công quyền chỉ còn lại tối thiểu, việc làm lợi riêng cho giai cấp cầm quyền là mục tiêu chủ yếu của nhà nước. Nhà nước trở thành công cụ bóc lột nhân dân lao động, nuôi dưỡng bộ máy quan lại, trang bị những phương tiện vật chất to lớn nhất cho bộ máy cai trị và đàn áp, nhằm bảo vệ đặc quyền của giai cấp thống trị.

No comments:

Post a Comment