22/10/2014
Hoàn thiện pháp luật về người không được hưởng quyền di sản - Bài tập học kỳ Luật Dân sự 1 8 điểm
Chế định về quyền thừa kế là một trong những chế định quan trọng của bộ luật dân sự Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề tranh chấp về thừa kế xảy ra ngày càng nhiều, đòi hỏi sự phát triển sâu và rộng của chế định về quyền thừa kế. Việc nghiên cứu về quyền thừa kế có ý nghĩa quan trọng đối với cả lý luận lẫn thực tiễn. Đặc biệt, là để giải quyết các vấn đề tranh chấp về thừa kế, cần xác định được đâu là đối tượng có quyền hưởng thừa kế, đâu là đối tượng không được quyền hưởng thừa kế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề thừa kế nói chung, và vấn đề đối tượng được hưởng hay không được hưởng quyền thừa kế nói riêng, em chọn đề tài: “Hoàn thiện pháp luật về ngườikhông được hưởng quyền di sản”

NỘI DUNG

I. Lý luận chung về người thừa kế và người không được quyền hưởng di sản.

1. Một số vấn đề chung về người thừa kế.

a. Khái niệm

Người thừa kế là người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân và phải là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng với người để lại di sản. Người thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân hoặc tổ chức hoặc Nhà nước.

Căn cứ vào Điều 635 BLDS 2005, điều kiện để cho cá nhân là người thừa kế khi cá nhân đó phải sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

b. Quyền và nghĩa vụ của người thừa kế.

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (Điều 636 BLDS 2005).

- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trong trường hợp này pháp luật khuyến khích người thừa kế thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của người chết để lại kể cả những trường hợp không còn di sản để lại. Đây là nghĩa vụ mang tính đạo lí của các con đối với cha mẹ…

+ Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.

+ Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

+ Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

- Quyền của người thừa kế được quy định ở điều Điều 642 BLDS 2005. Theo nguyên tắc chung mọi cá nhân đều có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, người thừa kế cũng có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cáo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản. Công chứng nhà nước hoặc uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Người thừa kế có nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế và các nghĩa vụ khác, cho nên pháp luật quy định thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Sau 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế, nếu không từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.

Ngoài ra, người thừa kế cũng có quyền nhường quyền nhận di sản cho người khác. Đó không phải là từ chối nhận di sản bởi lẽ người nhường quyền hưởng di sản thì trước hết phải nhận phần di sản của mình rồi mới quyết định nhường kỉ phần của mình cho người khác được, nhưng cũng không thể hiểu việc nhường quyền là chuyển giao yêu cầu. Có thể hiểu việc nhường quyền nhận di sản là giữa những người thừa kế đã thực hiện một giao dịch tặng cho mà đối tượng là quyền tài sản. Việc nhường quyền cũng không phải là chuyển giao quyền yêu cầu vì người có quyền cũng không thể cho phép người thứ ba yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện.

2. Một số vấn đề chung về người không được quyền hưởng di sản.

a. Người bị truất quyền hưởng di sản.

Truất quyền thừa kế là một “sự trừng phạt” của người để lại thừa kế đối với người thừa kế, không cho họ hưởng di sản của mình. Thông thường là giữa người thừa kế và người để lại di sản tồn tại một mâu thuẫn nào đó nên khi lập di chúc, người để lại di sản đã truất quyền thừa kế của một hoặc những người này. Khi bị truất quyền thừa kế thì người đó sẽ không còn quyền hưởng di sản của người để lại thừa kế. Nhưng nếu một người không được chỉ định trong di chúc thì vẫn có quyền hưởng thừa kế tài sản của người chết theo pháp luật nếu họ thuộc diện và hàng thừa kế; nếu di chúc không có hiệu lực hay vô hiệu một phần, khi người thừa kế trong di chúc từ chối hưởng di sản hoặc đã chia tài sản theo di chúc mà vẫn còn thì số tài sản còn lại được chia theo pháp luật, họ vẫn có thể được hưởng di sản theo pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 669 BLDS 2005 quy định những người như con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hay con đã thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản chia theo pháp luật, trong trường hợp họ bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này.

b. Người không được quyền hưởng di sản theo quy định của BLDS 2005.

Theo BLDS 2005 Khoản 1 Điều 643 quy định: Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Các đối tượng được quy định tại khoản này là những người có hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm…của người để lại di sản. Đó là những hành vi không xứng đáng với bổn phận của người thừa kế và người có hành vi như vậy không xứng đáng được hưởng di sản thừa kế. Vì những hành vi bất xứng trên cho nên pháp luật thừa kế nước ta không chấp nhận để những người có hành vi đó được hưởng di sản. Những người không được quyền hưởng di sản ở khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 còn được các nhà nghiên cứu gọi là những người bị tước quyền hưởng di sản thừa kế.

Như vậy, người không được quyền hưởng di sản theo nghĩa rộng bao gồm cả người bị truất quyền hưởng di sản và người bị tước quyền hưởng thừa kế (loại trừ những người được hưởng thừa kế theo Điều 669 BLDS 2005).

II. Pháp luật hiện hành về người không được quyền hưởng di sản.

Kế thừa những truyền thống trước đây, nhằm nâng cao những giá trị truyền thống, đạo đức xã hội, khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 đã quy định những trường hợp nếu người thừa kế phạm phải sẽ không được quyền hưởng thừa kế.

1. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó (điểm a khoản 1 điều 643).

Theo Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: “Mọi công dân Việt Nam có quyền bất khả xâm phạm về thân thể được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm”. Trên cơ sở đó, BLHS năm 1999 đã dành chương XII quy định các tội xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm con người. Người thừa kế đã có những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, hành hạ người để lại di sản thì bị tước quyền hưởng di sản thừa kế của người đó.

Điều kiện chính được đặt ra trong trường hợp này đó là phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật. Vì vậy, người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này. Mặt khác, nếu một người đã bị kết án, sau đó được xóa án tích thì vẫn không được quyền hưởng di sản theo quy định tại điều này.

a. Hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người để lại di sản.

“Xâm phạm tính mạng” là hành vi nhằm tước đoạt đi tính mạng của người để lại di sản. Hành vi đó làm cho người để lại di sản chết. Đó là hành vi khách quan của tội giết người trong Luật hình sự khi nó là hành vi trái pháp luật (trừ hành vi phòng vệ chính đáng và hành vi thi hành án tử hình). Bên cạnh đó, khi có hành vi xâm phạm tính mạng và có bản án về hành vi đó của người có thể được nhận di sản thì ta không cần xem xét mục đích của việc xâm phạm đó có nhằm là hưởng di sản hay không mà vẫn tước quyền hưởng di sản. Tuy nhiên, việc người đó bị kết án về việc xâm phạm tính mạng của một người không phải người để lại di sản thì không được tước quyền hưởng di sản.

Việc xác định về mặt chủ quan của người thực hiện hành vi cũng có ý nghĩa quan trọng. Khi hành vi xâm phạm đó thực hiện nhưng lại do lỗi vô ý thì sẽ không bị tước quyền hưởng di sản mà việc tước quyền hưởng di sản chỉ xảy ra khi đó là lỗi cố ý. Có nghĩa là, khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm có thể gây hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra trên thực tế (lỗi vô ý vì quá tự tin) hoặc người đó không thấy trước hậu quả có thể xảy ra mặc dù phải thấy trước hoặc có đủ điều kiện để thấy trước “(vô ý do cẩu thả) thì sẽ không bị tước quyền hưởng di sản. Còn khi người thực hiện hành vi đã nhận thức được rõ hành vi của mình là nguy hiểm có thể gây ra hậu quả chết người, có mong muốn cho hậu quả chết người đó xảy ra (cố ý trực tiếp) hoặc trong trường hợp người thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm, có thể gây hậu quả chết người, tuy không mong muốn nhưng vẫn để cho hậu quả chất người đó xảy ra (cố ý gián tiếp). Vậy trong cả hai trường hợp, cố ý gián tiếp hay trực tiếp, người thực hiện hành vi đó đều có thể bị tước quyền hưởng di sản.

b. Hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản.

Sự ngược đãi, hành hạ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản là những những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Những hành vi này thường được thể hiện thông qua các hành động như mắng chửi, đánh đập, để cho ăn đói khi có thể cho ăn no, bắt mặc rách khi có thể cho mặc lành… Hành vi này có tính chất tàn nhẫn, tồi tệ. Quan hệ giữa người phạm tội này với người bị ngược đãi, hành hạ… thường là những người có quan hệ phụ thuộc nhau, thường là những người có quan hệ gia đình, họ hàng. Hậu quả của việc đối xử tàn ác này là gây đau khổ về tinh thần hoặc đau đớn về mặt thể xác…chứ không cần gây hậu quả về mặt vật chất. Về mặt chủ quan, những hành vi này phải là những hành vi cố ý, tức là những người phạm tội này biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

Việc xác định hành vi ngược đãi, hành hạ, xâm phạm danh dự nhân phẩm như thế nào thì bị coi là nghiêm trọng là một vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định thế nào là ngược đãi nghiêm trọng hay thế nào là xâm phạm ngiêm trọng danh dự của người để lại di sản. Tuy nhiên trong quy định của phá luật thì người có hành vi ngược đãi, hành hạ, xâm phạm danh dự của người để lại di sản thì bị tước quyền hưởng di sản khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật nên ta có thể hiểu rằng nó nghiêm trọng khi đủ các dấu hiệu để bị kết án hoặc đã bị kết án. Vì vậy, ta không cần đi xác định tính nghiêm trọng nữa mà chỉ cần dựa vào chĩnh việc đã có bản án kết án về hành vi đó.

Như vậy, điểm a khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 có nội dung như sau : Người thừa kế bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người để lại di sản thì không đượcquyền hưởng di sản của người đó để lại. Nếu người bị kết án do hành vi vô ý thì vẫn được phép nhận di sản của người đó để lại. Còn người thừa kế có hành vi cố ý xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản và đã bị kết án về một trong các hành vi đó thì bị tước quyền thừa kế của người bị xâm phạm.

2. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản (Điểm b khoản 1 điều 643).

Nghĩa vụ nuôi dưỡng là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của các thành viên trong gia đình với nhau đã được pháp luật ghi nhận và bảo hộ.Những quan hệ nuôi dưỡng được ghi nhận trong Luật hôn nhân gia đình năm 2000 tại những Điều 34,35, 36, 47, 48, 56, 57, 58. Cụ thể có những trường hợp sau:

a. Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ con và cha mẹ – người để lại thừa kế là cha mẹ của họ.

Khoản 2 Điều 36 LHNGD quy định về bổn phận của con phải là chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ trong mọi trường hợp bất luận tình trạng kinh tế, sức khoẻ của cha mẹ như thế nào. Trên cơ sở nghĩa vụ nuôi dưỡng của con đới với cha mẹ thì có nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ quy định tại Điều 57. Khi cha mẹ không có khả năng lao động do già yếu, ốm đau, tàn tật,…, cha mẹ không có tài sản để tự nuôi mình mà cha mẹ và con không cùng chung sống. Con phải có khả năng về kinh tế đủ để đảm bảo được cuộc sống của chính mình. 

Như vậy,về nguyên tắc nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ chỉ đặt ra đối với con đã thành niên. Khi con vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ tại Điều 36 và Điều 57 LHNGĐ 2000 thì không được quyền hưởng di sản do cha mẹ để lại.

b. Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ cha mẹ và con – người để lại thừa kế là con của họ.

Cha mẹ chỉ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái khi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị tàn tật mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình. Nếu cha mẹ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng trên của mình đối với con cái thì sẽ không được hưởng di sản của con để lại. 

c. Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ anh, chị, em – người để lại thừa kế là anh, chị, em của họ.

Theo quy định của Pháp luật hôn nhân gia đinh 2000 tại Điều 48 và Điều 58 thì anh, chị, em có nghĩa vụ nuôi dưỡng và cấp dưỡng nhau trong một số trường hợp như: không còn cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ thực tế không có khả năng thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái trong một số trường hợp như cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự, bị tàn tật, đau yếu mà hạn chế hay không còn khả năng lao động. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em với nhau phát sinh trong trường hợp không sống chung và không có cấp dưỡng từ phía bố mẹ và thuộc những trường hợp đặc biệt như: chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi sống mình. Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ thực hiện khi người cấp dưỡng là người đã thành niên và có khả năng kinh tế. Vậy khi anh, chị, em vi phạm nghĩa vụ này thì sẽ không được hưởng di sản do người bị vi phạm nghĩa vụ để lại.

d. Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ ông, bà và cháu – người để lại thừa kế là ông, bà của họ hoặc là cháu của họ.

Theo pháp luật quy định thì cháu có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà. Ông bà có nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc cháu nếu như cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mật năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình (Điều 47 LHNGD 2000). Đồng thời, cháu không có cha mẹ, anh, chị, em nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng thì cháu được ông bà cấp dưỡng khi cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi sống mình và không sống chung với ông bà.

Ông bà được cháu cấp dưỡng  khi ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi sống mình, không có người khác cấp dưỡng mà cháu không sống chung với ông bà. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cháu đối với ông bà chỉ đặt ra khi cháu đã thành niên, có khả năng kinh tế. Khi ông bà hoặc cháu có nghĩa vụ nói trên, có khả năng thực hiện mà không thực hiện thì khi người được nuôi dưỡng đó chết đi, người vi phạm đó sẽ không được quyền hưởng di sản người chất để lại.

e. Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế là vợ chồng.

Như đã phân tích ở trên, nuôi dưỡng là sự chăm lo về mặt vật chất của người này đối với người khác nên pháp luật không quy định nhưng vẫn cần hiểu giữa vợ với chồng có sự nuôi dưỡng nhau trong trường hợp một người bị ốm đau, bệnh tật, không thể tự mình lao động để nuôi mình. Bên cạnh đó, theo Điều 60 LHNGĐ 2000 vợ chồng còn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng một bên túng thiếu, khó khăn thật sự và có yêu cầu cấp dưỡng, có lý do chính đáng như ốm đau, tai nạn… Khi đó, bên được yêu cầu phải có khả năng cấp dưỡng. Việc tước quyền hưởng di sản của vợ chồng sau khi ly hôn chỉ đặt ra trong thừ kế theo pháp luật. Vì sau khi ly hôn việc thừa kế của nhau không còn được đặt ra.

Đây là những trường hợp mà các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với nhau. Nếu bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì khi người họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng chết đi họ sẽ không được hưởng di sản.

3. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng (điểm c khoản 1 điều 643).

Người thừa kế do mưu đồ muốn chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà người thừa kế khác có quyền được hưởng nên đã có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác (giết người thừa kế khác). Người thừa kế khác ở đây có thể hiểu theo hai hướng:

- Thứ nhất, người thừa kế cùng hàng.

- Thứ hai, người thừa kế không cùng hàng. Trong trường hợp này buộc phải là người thừa kế hàng phía trên. Vì không có lý do gì giết người ở hàng thừa kế phía sau với mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà người thừa kế đó được hưởng được.

Tuy nhiên cần phải phân biệt ba trường hợp xâm phạm đến tính mạng của người thừa kế khác như sau:

- Cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác – giết người thừa kế khác với mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản mà người thừa kế đó được hưởng.Trong trường hợp này, người thừa kế thực hiện hành vi đó sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế

- Cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác – giết người thừa kế khác nhưng không phải với mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản mà người thừa kế đó được hưởng. Trong trường hợp này, người thừa kế thực hiện hành vi giết người thừa kế khác không bị tước quyền hưởng di sản. 

- Vô ý làm chết người thừa kế khác: dĩ nhiên trong trường hợp này là lỗi vô ý,  hoàn toàn không thuộc trường hợp bị tước quyền thừa kế, nên người thực hiện hành vi này vẫn có quyền hưởng di sản.

Điều đáng lưu ý ở đây, cũng giống như ở trường hợp không được quyền hưởng di sản đầu tiên, phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật thì người thực hiện hành vi giết người thừa kế khác đó mới bị tước quyền thừa kế.

Ngoài ra, việc áp dụng quy tắc này cũng còn tùy thuộc vào việc có minh chứng được hay không động cơ phạm tội của người thừa kế: hành vi đó có nhằm mục đích để chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản mà người thừa kế có tính mạng bị xâm phạm được hưởng nếu còn sống hay không?

Có hai điều cần phải chú ý:

- Thứ nhất, hành vi phạm pháp phải xảy ra trước thời điểm mở thừa kế. Tại sao lại phải xảy ra trước thời điểm mở thừa kế? Bởi lẽ, nếu sau thời điểm mở thừa kế, mỗi người thừa kế đã trở thành chủ sở hữu thực sự phần thừa kế của mình. Nếu người thừa kế đó chết thì phần được thừa kế được để lại cho những người thừa kế của họ chứ không phải là kẻ giết người.

- Thứ hai, động cơ phạm tội phải được ghi nhận trong bản án. Do đó, bản án không thể được tuyên trước khi mở thừa kế. Vì sẽ rất bất hợp lý nếu gán cho một người có ý định chiếm đoạt phần tài sản không tồn tại ở thời điểm phạm tội và cũng không tồn tại ở thời điểm xét xử. Bản án chỉ có thể được tuyên sau khi mở thừa kế. Trong trường hợp án đã xử xong trước thời điểm mở thừa kế thì có thể được xét xử lại theo thủ tục tái thẩm.Cũng giống như trong trường hợp nêu tại điểm a khoản 1 điều 643 thì dù người thừa kế phạm tội quy định tại điều khoản này được xóa án tích thì vẫn không được hưởng di sản.

4. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản (điểm c khoản 1 điều 643).

Di chúc thể hiện ý chí của người có tài sản lập ra, định đoạt phần tài sản đó của mình cho những người thừa kế sau khi người lập di chúc chết đi. Di chúc là một giao dịch dân sự chỉ thể hiện ý chí của một bên – đó là người lập di chúc. Ý chí của người lập di chúc là hoàn toàn tự do, tự nguyện, tự định đoạt tài sản của mình cho người đã được chỉ định. Pháp luật cũng quy định về điều kiện để lập di chúc (điều 647 BLDS 2005), theo đó, người lập di chúc phải đủ điều kiện về độ tuổi lập di chúc và điều kiện để di chúc hợp pháp (điều 652 BLDS 2005), theo đó người lập di chúc phải trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt, hoàn toàn làm chủ được suy nghĩ và hành vi của bản thân, không bị ràng buộc bởi bất cứ tác nhân nào. Người lập di chúc hiểu được mình muốn định đoạt tài sản như thế nào.

Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của cá nhân chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật, do vậy, người có hành vi cản trở sẽ bị tước quyền hưởng di sản do người có di sản để lại.

Điều luật nhắc tới các hành vi lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản việc lập di chúc, giả mạo, sửa chữa, hủy di chúc, tuy nhiên còn một số hành vi không được nhà làm luật nêu ra như làm di chúc giả, giấu giếm di chúc,… có thể được xử lý theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự.

Có thể thấy, khác với ba trường hợp không được quyền hưởng di sản đã kể trên, trường hợp này được dự kiến trong điều kiện mối quan hệ được bảo vệ là quyền thừa kế theo ý nghĩa vật chất chứ không phải theo ý nghĩa đạo đức. Trên thực tế, nếu người lập thừa kế bị cưỡng ép hoặc ngăn cản trong việc lập di chúc thì người đó vẫn có thể sử dụng quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; còn nếu hành vi cưỡng ép, ngăn cản có dấu hiệu bạo lực nghiêm trọng thì có thể áp dụng các quy tắc trong trường hợp đầu tiên đã nêu. Điều đáng lưu ý là, trong trường hợp người thừa kế có hành vi lừa dối người lập di chúc hoặc giả mạo di chúc,… mà không nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người lập di chúc thì chỉ áp dụng các biện pháp chế tài thông thường của luật dân sự như bồi thường thiệt hại chứ không áp dụng theo khoản 1 điều 643.

Như vậy,những người có hành vi kể trên sẽ không có quyền hưởng di sản của người để lại di sản.

III. Thực trạng áp dụng pháp luật về người không được quyền hưởng di sản và hướng hoàn thiện pháp luật.

1. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về thừa kế liên quan đến người không được quyền hưởng di sản.

Các tranh chấp dân sự về thừa kế xảy ra rất đa dạng trong đó có những tranh chấp liên quan đến những người không được quyền hưởng di sản xảy ra trong thực tế ngày một nhiều. Nhiều trường hợp những người thừa kế tranh chấp nhau vì trong đó một hay nhiều người thừa kế vi phạm một trong những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS 2005, những người thừa kế khác cho rằng những người này thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản. Chiếm phàn lớn là tranh chấp liên quan đến việc xác định người thừa kế, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản, xác định một người có hành vi giả mạo, sửa chữa di chúc… chủ yếu là do các bên đương sự không hiểu rõ quy trình tại Điều 643 BLDS. Còn đối những trường hợp người thừa kế có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người để lại di sản thì căn cứ để tước quyền đã có bản án của Toà.

Trường hợp người không được quyền hưởng di sản: Trong thực tiễn thường gặp nhất là một bên xuất trinh di chúc, bên kia khai đó là di chúc giả mạo, cũng có một số ít vụ một bên cho rằng di chúc đó đã bị bên kia sửa chữa hoặc huỷ di chúc nên di chúc không còn. Qua giám định di chúc ( mà một bên coi là giả mạo) qua các chứng cứ khác, Toà án bác di chúc mà một bên xuất trình và chia di sản theo pháp luật cho tất cả những người được hưởng thừa kế, kể cả người đã xuất trình di chúc giả. Chỉ có một số ít vụ, Toà án đã xử không cho người giả mạo di chúc được hưởng di sản.

Ví dụ:Quyết định số 75/GDT – DS của Toà dân sự Toà án nhân dân tố cáo ngày 24/04/2002.

Cụ Thí chết ngày 17/01/1997, cụ không có chồng, con. Tài sản của cụ Thí có một căn nhà diện tích là 12m2 trên diện tích đất đo thực tế là 970m2(trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cụ Thí đứng tên là 864m2). Ngày 22/05/1998 em gái cụ Thí là cụ Con (người thừa kế duy nhất) đã từ chối nhận di sản và để lại cho cháu là ông Đường hưởng (thông qua biên bản có xác nhận của UBND). Ngày 06/06/1998, cụ Con lại làm biên bản tự nguyện cho ông Đường. Ngày 16/06/2000 làm thủ tục chuyển thừa kế và thủ tục chuyển chưa xong thì ngày 06/08/2000 cụ Con chết. Các con của cụ Con từ chối nhận di sản. Ông Mới là cháu gọi cụ Thí và cụ Con bằng cô đã khởi kiện đòi chia thừa kế. Hàng thừa kế thứ ba của cụ Thí xác định được là ông Thân, bà Xoè, bà Toản, ông hai, bà Tường, bà Ken, bà Tiêm. Theo ông Đường trình bày, đất là đất của ông Đường để cho cụ Thí quản lý và đứng tên nên khi cụ Thí mất đi quyền hưởng di sản thuộc về cụ Con nên cụ Con mới chuyển giao cho ông Đường. Nguồn gốc đất và ý nguyện của cụ Thí và cụ Conđược trưởng họ là ông Sắc thừa nhận. Anh, em ông Mới và ông Thân giả mạo di chúc của cụ Thí với nội dung là anh Chưởng con trai của ông Mới, hưởng toàn bộ di sản (ông Thân là người giả mạo chữ ký). Do giả mạo di chúc bị UBND xã phát hiện khi ông Mới đi xin xác nhận nên đã khởi kiện đòi chia thừa kế. Ý kiến ông Đường vì chưa chuyển giao xong nên vẫn yêu cầu chia thừa kế và ông muốn hưởng toàn bộ hiện vật, đồng thời tước quyền thừa kế của ông Mới và ông Thân.

Tại án sơ thẩm số 09, ngày 23/12/2000, toà án nhân dân huyện Hương Trà đã xử, ông Đường được nhà và đất. Ông Đường còn phải thanh toán cho bà Xoè, bà Toản, ông Hai, bà Tường, bà Ken, bà Tiêm mỗi xuất là 280.030 đồng. Ông Đường có nghĩa vụ quản lý kỷ phần của những người con của cụ Con, thanh toán cho họ nếu họ yêu cầu trong thời hạn. Tước quyền thừa kế của ông Thân và ông Mới căn cứ vào điểm d, Khoản 1, Điều 646 BLDS 1995.

Ngày 19/12/2000 ông Mới kháng cáo. Ngày 02/01/2001, ông Thân kháng cáo, Toà phúc thẩm số 17 ngày 11/04/2001. TAND tỉnh Thừa thiên – Huế sửa án sơ thẩm, xử: Xác định di sản là một căn nhà 12m2 và vườn, giá trị 3.606.000 đồng. Chi phí mai táng hết 800.000 đồng, nợ thuế nhà đất là 101.606 đồng. Di sản còn lại là 2.704.393 đồng. Di sản của cụ Thí vẫn được chia cho ông Thân và ông Mới vì cho rằng ông Thân và ông Mới không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản.

Quyết định: Huỷ án dân sự phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm.

Theo nội dung bản án trên thì ông Thân và ông Mới là hai người có hành vi giả mạo di chúc: ông Thân thừa nhận là người viết di chúc, ký giả chữ ký cụ Con, ghi ngày lập di chúc sau khi cụ Thí đã chết 7 ngày; ông Mới cũng xác nhận rằng mình biết di chúc này và đại diện UBND xã xác nhận chính ông Mới là người mang di chúc đến UBND xác nhận nên cần khẳng định rằng ông Mới cũng tham gia giả mạo di chúc. Do đó quyết định giám đốc thẩm của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao là chính xác khi kết luận “có cơ sở xác nhận ông Thân và ông Mới cùng giả mạo di chúc cụ Thí”. Di chúc giả mạo anh Chưởng (con trai ông Mới, là cháu ruột gọi ông Thân bằng chú) như vậy có nội dung tước đoạt quyền thừa kế theo luật của những người là anh chị em họ của ông Thân và ông Mới, và có cơ sở để cho rằng đây là trường hợp nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản quy đinh tịa điểm d, khoản 1, Điều 646 BLDS 1995 (nội dung cũng không khác so với điểm d, khoản 1 Điều 643 BLDS 2005), cho dù ông Thân với ông Mới không phải là người được hưởng thừa kế theo di chúc giả mạo nhưng anh Chưởng (con ruột ông Mới, cháu ruột ông Thân) được hưởng thì theo Toà không có sự khác biệt gì lớn.

2. Những khó khăn vướng mắc khi giải quyết các tranh chấp về thừa kế liên quan đến việc xác định người không được quyền hưởng di sản.

Nhiều khi người thừa kế tranh chấp vì nghĩ rằng người có hành vi giả mạo, sửa chữa di chúc bị tước quyền thừa kế hoàn toàn mà không biết rằng người có hành vi giả mạo, sửa chữa di chúc thì chỉ bị tước quyền hưởng di sản của người lập di chúc còn vẫn được hưởng di sản thừa kế của người khác.

Ví dụ: Tại một bản án dân sự phúc thẩm số 126-DSPT ngày 03/04/1998 của Toà án nhân dân tỉnh An Giang có nêu:

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Tam và cụ Dần có năm người con chung là Nguyễn Hữu Hanh, Nguyễn Thị Tú, Nguyện Thị Dung, Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Thị Chăm. Cụ Nguyễn Văn Tam chết vào năm 1957, không để lại di chúc. Cụ Dần chết vào năm 1983. Sau khi cụ Dần chết vào năm 1983, chị Nguyễn Thị Chăm đã xuất trình một bản di chúc đứng tên cụ Dần, di chúc được lập năm 1998 có nội dung cho chị Chăm hưởng toàn bộ nhà và đất của cụ Dần để lại. Về tài sản, cụ Tam và cụ Dần để lại khối di sản gồm: Một căn nhà,101.776.000 đồng, một số vật dụng khác và một số loại cây ăn quả như dừa,soài,…

Tại bản án phúc thẩm số 126 ngày 3-4-1998 của TAND tỉnh An Giang đã xử chia di sản của cụ Tam và cụ Dần cho những người thừa kế theo pháp luật của hai cụ, riêng chị Nguyễn Thị Chăm không được thừa kế với lý do: Hành vi giả mạo di chúc của chị Chăm đã vi phạm pháp luật và chị Chăm không có quyền hưởng di sản của bố, mẹ đẻ theo pháp luật.

Trong vụ án trên, bốn anh, chị, em còn lại đều cho rằng chị Chăm đã có hành vi giả mạo di chúc nên không được quyền hưởng di sản của cha mẹ để lại. Cách hiểu của những người đó là không chính xác vì chị Chăm chỉ giả mạo di chúc của cụ Dần nên chỉ không được hưởng di sản của cụ Dần để lại, còn di sản của cụ Tam để lại thì chị Chăm vẫn được hưởng.

3. Hướng hoàn thiện pháp luật.

BLDS 2005 cần ghi nhận quy định cá nhân sinh ra và sống được từ 24 giờ trở lên thì được cơi là sinh ra và còn sống, và nếu sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế thì sẽ được hưởng di sản. Hơn thế nữa, pháp luật cũng cần ghi nhận việc thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế.

Ngoài những trường hợp thuộc khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 thì pháp luật cần bổ sung một số trường hợp như sau:

Thứ nhất, người bị truất quyền hưởng di sản.

Thứ hai, người bị kết án hành vi không cứu giúp người để lại di sản trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Hành vi này được thể hiện dưới dạng không hành động. Cụ thể như người để lại di sản A không biết bơi, bị ngã dưới sông. Người được hưởng di sản của A là B thấy A bị ngã nhưng không cứu A và để mặc cho A bị chết đuối. B có đầy đủ khả năng thực hiện cả về chủ quan lẫn khách quan để cứu giúp A nhưng B đã không thực hiện dẫn đến hậu quả A chết đuối, hành vi này phải được thực hiện với lỗi cố ý. Do đó, B sẽ không được quyền howngr di sản của A.

Thứ ba, người đã biết những hành vi xâm phạm tính mạng người để lại di sản, người thừa kế khác mà không tố giác hoặc che giấu tội phạm.

Thứ tư, người có hành vi đe doạ người để lại di sản trong việc lập di chúc; người có hành vi giấu di chúc, giấu một hoặc một số tài sản của người để lại di sản nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản.

Cuối cùng, người có hành vi xúi giục người thừa kế lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản, đe doạ người để lại di sản trong việc lập di chúc; xúi dục người thừa kế giả mạo, sữa chữa, huỷ di chúc.

KẾT THÚC

Có thể nói, vấn đề về thừa kế trong pháp luật Việt Nam hiện này đang ngày càng được hoàn thiện với nhiều những điểm mới tiến bộ nhằm răn đe đồng thời cũng để nâng cao đạo đức của người thừa kế với những điều kiện để được hưởng quyền nhận di sản đồng thời làm triệu tiêu quyền của những người thừa kế đã vi phạm pháp luật liên quan đến thừa kế di sản. Tuy nhiên, thực tiễn các tranh chấp về thừa kế liên quan đến người không được quyền hưởng di sản xảy ra ngày một nhiều chủ yếu là do quy định của pháp luật vẫn còn những điểm chưa hợp lý, những vấn đề pháp luật chưa đề cập tới, hoặc có đề cập nhưng chưa cụ thể dẫn tới sự khó khăn trong việc áp dụng pháp luật cũng như áp dụng pháp luật mang tính chủ quan của thẩm phán, vì vậy  cần có sự sửa đổi bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật dân sự nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, 2012.
2. Bộ luật Dân sự 2005.
3. Bộ luật Hình sự năm 1999.
4. Ts. Phùng Trung Tập, Luật thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà Nội, 2008.
5. T.s Phạm Văn Tuyết (2007), Thừa kế – Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, Nxb.CTQG, Hà Nội.
6. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
7. Hiến pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 1992
8. Bùi Thị Phượng. “Người không được quyền hưởng di sản”. Khoá luận tốt nghiệp, 2011.
9. Nguyễn Như Quỳnh, “Người không được quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật Việt nam”, Luận văn thạc sĩ luật học, 2011.
10. Phan Thị Hoài, “Truất quyền hưởng di sản thừa kế”, Khoá luận tốt nghiệp, 2012.
11. http://www.doko.vn/

No comments:

Post a Comment