ĐỀ BÀI
Nhà sử học A có viết cuốn sách “Việt Nam – một biên niên sử bằng hình ảnh” trong đó có sử dụng rất nhiều tư liệu trong và ngoài nước của các đồng nghiệp. sau khi cuốn sách được xuất bản năm 2010, nhà nhiếp ảnh B phát hiện ra trong cuốn sách có sử dụng 3 tấm ảnh do ông chụp nhưng không ghi tác giả, ông A cũng không xin phép ông B. Những tấm ảnh này ông A đã chụp lại từ một tạp chí của Báo ảnh Việt nam xuất bản từ những năm 60 của thế kỉ trước. Ông C – cũng là một nhà báo cũng cho rằng cuốn sách của ông A đã sử dụng nhiều tư liệu bao gồm các số liệu, thông tin, sự kiện… do ông sưu tầm và viết trong một cuốn sách đã xuất bản. Ông B và ông C đều làm đơn khiếu nại ông A đến các cơ quan chức năng vì hành vi cho rằng ông A đã xâm phạm quyền tác giả của họ.
Hãy phân tích vụ việc trên và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Có vô vàn tác phẩm được tạo ra hàng ngày, đi ngược lại với sự sáng tạo đó luôn là các hành vi vi phạm quyền tác giả. Hành vi này dù vô tình hay cố ý đều gây thiệt hại và ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo của tác giả. Tìm hiểu những vụ việc tranh chấp liên quan sẽ cho chúng ta cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề bảo hộ quyền tác giả.
I. Khái quát về quyền tác giả
1. Khái niệm
a. Quyền tác giả
Theo khoản 2 điều 4 Luật SHTT (sửa đổi bổ sung năm 2009): “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Như vậy, quyền tác giả phát sinh từ sự sáng tạo hoặc tính sở hữu của một chủ thể nào đó đối với một tác phẩm bất kì. Xuất phát từ đặc thù của đối tượng quyền sở hữu là tác phẩm nên quyền tác giả có những đặc điểm sau:Thứ nhất, quyền tác giả là quyền được bảo hộ không phụ thuộc vào nội dung và giá trị nghệ thuật.Thứ hai, quyền tác giả thể hiện hình thức bảo hộ tác phẩm.Thứ ba, quyền tác giả được bảo hộ tự động.
b. Tác giả
Trong bất kì lĩnh vực nào, văn học, khoa học hay nghệ thuật, hàng ngày hàng giờ đều nảy sinh những sáng tạo. Người định hình ra những sáng tạo ấy, chúng ta gọi là tác giả. Nói cách khác tác giả là một trong những chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Về phân loại, có thể dựa vào những tiêu chí khác nhau để phân loại tác giả. Dựa và số lượng tác giả có thể chia thành tác giả đơn nhất, đồng tác giả và tập thể tác giả. Thông thường, đồng tác giả thể hiện sự thống nhất ý chí của các tác giả đối với các tác phẩm. Ngược lại, tập thể tác giả không có sự thống nhất ý chí chí này, mỗi tác giả làm nên một phần riêng biệt đóng góp thành tác phẩm. Dựa và nguồn gốc tác phẩm có thể chia thành tác giả của tác phẩm gốc và tác giả của tác phẩm phái sinh.
c. Tác phẩm
Theo khoản 7 điều 4 Luật SHTT: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kì phương tiện hay hình thức nghệ thuật nào”. Một đối tượng được coi là tác phẩm khi đáp ứng đủ tính sáng tạo và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định.
Dựa vào nguồn gốc hình thành có thể phân chia thành tác phẩm gốc và tác phẩm phái sinh. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quy định tại điều 14 Luật SHTT hiện hành.
2. Nội dung quyền tác giả
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân bao gồm các quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố sử dung; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm… Quyền tài sản bao gồm các quyền như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tới công chúng; cho thuê… Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền tài sản…
3. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định tại điều 27 Luật SHTT, theo đó, ta có quyền tác giả có những thời hạn bảo hộ như sau:
Đối với quyền nhân thân (loại trừ quyền công bố và cho phép người khác công bố tác phẩm), thời hạn bảo hộ là vĩnh viễn.
Đối với quyền tài sản và quyền công bố, cho phép người khác công bố tác phẩm, thời hạn bảo hộ như sau: tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình;
Đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
II. Phân tích tình huống
Trong tình huống trên, sau khi xuất bản cuốn sách “Việt Nam – một biên niên sử bằng hình ảnh”, nhà sử học A bị nhiếp ảnh gia B và nhà báo C khiếu nại vì cho rằng ông A đã xâm phạm quyền tác giả của họ. Ông B thì cho rằng ông A đã sử dụng 03 tấm ảnh của mình mà không ghi tên tác giả, không xin phép (những tấm ảnh này ông A đã chụp lại từ một tạp chí của Báo ảnh Việt Nam xuất bản từ những năm 60 của thế kỉ trước). Còn ông C thì cho rằng ông A đã sử dụng nhiều tư liệu bao gồm các số liệu, thông tin, sự kiện… do ông C sưu tầm và viết trong một cuốn sách đã xuất bản.
Điểm a và điểm c Điều 14 Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả dưới loại hình sau:
“a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
c) Tác phẩm nhiếp ảnh”
Khoản 2 Điều 14 Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định như sau: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.
Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan cũng đã ghi nhận rằng: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học…”
Đi vào phân tích tình huống nêu trên, trước hết chúng ta có thể xác định được đối tượng của bảo hộ quyền tác giả ở đây là 03 tấm ảnh và cuốn sách đã xuất bản do ông C viết.
• Về trường hợp của nhiếp ảnh gia B
03 tấm ảnh do ông B chụp, xuất hiện trong một tạp chí báo ảnh những năm 60 của thế kỷ trước, bởi vậy ông B hoàn toàn có thể chứng minh được mình là tác giả của 03 bức ảnh này.
Ông A đã chụp lại 03 tấm ảnh trong một quyển báo ảnh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Khoản 4 Điều 4 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định: “Bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Bản sao chụp tác phẩm cũng là bản sao tác phẩm”. Như vậy có thể xác định được trong tình huống đã nêu, ông A đã sao chép lại 03 tấm ảnh.
Ở đây, kể từ thời điểm tác phẩm nhiếp ảnh được công bố lần đầu tiên thì đã là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Thời hạn bảo hộ về quyền tài sản của tác phẩm nhiếp ảnh là bảy mươi lăm năm kể từ thời điểm tác phẩm được công bố lần đầu tiên (Điểm a Khoản 2 Điều 27 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Tuy nhiên, theo tình huống trên, không đủ dữ liệu để xác định được sự xuất hiện của 03 tấm ảnh của ông B trên quyển báo ảnh có phải là lần đầu tiên được công bố hay không, bởi vậy không thể xác định được thời điểm 03 tấm ảnh bắt đầu trở thành đối tượng bảo hộ quyền tác giả. Do đó, nhóm xin được chia thành hai trường hợp:
- Trường hợp1: 03 tấm ảnh vẫn còn trong thời hạn bảo hộ quyền tài sản
Khoản 3 Điều 20 Luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về quyền tài sản rằng: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”. Mặt khác,việc sao chép của ông A ở đây không thuộc vào các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép,không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009). Trong trường hợp này, ông A đã vi phạm quyền tác giả khi sao chép tác phẩm nhiếp ảnh của ông B mà không ghi tên tác giả, không xin phép cũng như trả thù lao phù hợp.
- Trường hợp 2: 03 tấm ảnh đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản
Trong trường hợp này, ông A không vi phạm quyền tác giả, bởi lẽ tác phẩm nhiếp ảnh đã hết thời hạn bảo hộ.
• Về trường hợp của nhà báo C
Có thể nhận thấy, đối tượng bảo hộ quyền tác giả là cuốn sách đã xuất bản của ông C. Trong tình huống đã nêu,ông C cho rằng ông A đã vi phạm quyền tác giả khi sử dụng nhiều tư liệu bao gồm các số liệu, thông tin, sự kiện… do ông C sưu tầm và viết trong một cuốn sách đã xuất bản.
Theo quan điểm của nhóm, các số liệu, thông tin, sự kiện do ông C sưu tầm, nhưng đã được ông C cho vào cuốn sách của mình, cuốn sách của ông C hoàn toàn là sản phẩm sáng tạo, do đó các phần tư liệu trên cũng là một phần của cuốn sách.
Ông A sử dụng các tư liệu trên trong cuốn sách của ông C, theo đề bài thì ông A cũng chưa xin phép ông C.
Điểm d Khoản 1 Điều 25 Luật SHTT sửa đổi,bổ sung năm 2009 quy định về một trong các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép,không phải trả tiền nhuận bút, thù lao: “Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình”. Khoản 1 Điều 24 Nghị định 100/2006/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về quy định “trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình” phải phù hợp với các điều kiện sau:
“a) Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình;
b) Số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại tới quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.”
Như vậy, nếu như phần trích dẫn tư liệu của ông A trong tác phẩm của mình phù hợp với các điều kiện trên thì ông A không phải xin phép cũng như không phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho ông C; ngược lại nếu phần trích dẫn tư liệu của ông A không phù hợp với các điều kiện trên thì ông A đã có hành vi vi phạm quyền tác giả.
III. Phương án giải quyết tình huống
Sau khi đã đưa ra những phân tích ở trên, nhóm xin đưa ra phương án giải quyết như sau
1. Đối với nhà nhiếp ảnh B
Theo Khoản a Điểm 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ: “Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình”.
Tác phẩm nhiếp ảnh của ông B đã xuất bản từ những năm 60 của thế kỷ trước tính đến năm 2010 cũng đã được năm mươi năm, nhưng lại chưa có thông tin chính xác về ngày tháng xuất bản. Do vậy, phần phân tích trên nhóm đã đặt ra hai giả thiết, ứng với những phương thức giải quyết cụ thể.
Giả thiết thứ nhất: những tác phẩm nhiếp ảnh của nhà nhiếp ảnh B đã hết thời hạn bảo hộ, nhà sử học A không vi phạm quyền tác giả theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Nhà nhiếp ảnh B khởi kiện cũng không có hiệu lực, các cơ quan chức năng bác đơn khởi kiện, không thụ lý vụ án.
Giả thiết thứ hai: những tác phẩm nhiếp ảnh của nhà nhiếp ảnh B chưa hết thời hạn được bảo hộ. Như vậy nhà nhiếp ảnh B đã khởi kiện đúng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 198 Luật SHTT:
“1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự thì “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 29 của Bộ luật này” thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Cụ thể hơn, theo quy định tại Điều 33 Bộ Luật tố tụng dân sự thì “Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này” thuộc “Thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”. Trong thời hạn chuẩn bị xéy xử sơ thẩm, nhà sử học A có thể tiến hành hòa giải với nhà nhiếp ảnh B. Nếu không hòa giải được thì Tòa án sẽ áp dụng đúng quy định tại Điều 202 Luật SHTT đối với nhà sử học A để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông:
Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại; Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
2. Đối với nhà báo C
Cũng theo phân tích ở trên, nhóm đặt ra hai giả thiết.
Giả thiết thứ nhất, nhà sử học A không vi phạm quyền tác giả đối với nhà báo C, đơn khởi kiện của nhà báo A cũng sẽ bị bác bỏ.
Giả thiết thứ hai, nhà sử học A vi phạm quyền tác giả đối với nhà báo C, đơn khởi kiện của nhà báo C có hiệu lực. Phương án giải quyết cụ thể cũng giống như phương án giải quyết với nhà nhiếp ảnh B.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Đối các tác phẩm phái sinh, điều cần lưu ý nhất với tác giả chính là việc sử dụng tác phẩm gốc để tạo ra tác phẩm phái sinh đó. Để tránh các tranh chấp liên quan, người sử dụng cần tìm hiểu kĩ về thời hạn bảo hộ của tác phẩm gốc.
Trên đây là nội dụng bài tập nhóm tháng 1 của nhóm, do hiểu biết còn hạn chế nên bài làm khó tránh khỏi các sai sót. Vì vậy, chúng em rất mong nhận được sự góp ý và đánh giá từ các thầy cô. Chúng em xin chân thành cảm ơn!
a
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDelete