Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003 được Quốc hội ban hành ngày 26-11-2003, có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2004 ( đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/2010), thay thế cho Luật Doanh nghiệp Nhà nước ban hành ngày 20-4-1995. Việc ban hành Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003 có tác dụng rất quan trọng trong việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của Luật Doanh nghiệp năm 1995, như quy định chặt chẽ hơn các vấn đề về quản lý tài chính, tiền tệ doanh nghiệp, mở rộng thẩm quyền, đồng thời xác định rõ ràng hơn trách nhiệm của giám đốc, quy định rõ mối quan hệ giữa Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị...
Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. (Luật Doanh nghiệp -2003) quy định khái niệm về Doanh nghiệp Nhà nước : “Doanh nghiệp Nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”. Như vậy, Doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức và thành lập theo 3 loại hình doanh nghiệp: Công ty Nhà nước là Công ty mà Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ; Công ty Cổ phần, trong đó Nhà nước có cổ phần chi phối từ 51% trở lên so với vốn điều lệ khác của Công ty Cổ phần; Công ty trách nhiệm hữu hạn, mà trong đó Nhà nước có vốn góp chi phối từ 51% trở lên so với vốn điều lệ khác của Công ty trách nhiệm hữu hạn đó.
Đặc điểm về quyền quyết định hoặc quyền chi phối đối với doanh nghiệp: Vì doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước sở hữu toàn bộ số vốn điều lệ hoặc có cổ phần, góp vốn chi phối nên Nhà nước có toàn quyền định đoạt đối với điều lệ hoạt động, đối với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý chủ chốt, đối với việc tổ chức quản lý và các quyết định quản lý quan trọng khác của doanh nghiệp.
Đặc điểm về hình thức tồn tại: Doanh nghiệp Nhà nước hiện rất đa dạng, nó có thể được ttor chức dưới nhiều hình thức khác nhau như công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có 2 thành viên trở lên, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Đặc điểm về tư cách pháp lý và trách nhiệm tài sản : Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, thực hiện hạch toán kinh doanh, lấy thu bù chi và phải đảm bảo có lãi để tồn tại va phát triển. Doanh nghiệp nhà nước có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó về mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (trách nhiệm hữu hạn)
Như vậy, doanh nghiệp nhà nước độc lập cả về kinh tế và pháp lý. Trong cơ chế thị trường kinh tế hiện nay, nhà nước không chịu trách nhiệm thay cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về số vốn mà Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước khách hàng bằng tài sản của doanh nghiệp.
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Luật thương mại tập I , ĐH Luật HN 2006
2. Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003
3. Luật Doanh nghiệp 2005
No comments:
Post a Comment