17/09/2014
Đề bài tập nhóm môn Luật Hình sự 2 - K38 ĐH Luật Hà Nội - Kì I năm học 2014 - 2015
Bài 1: A và B rủ nhau đi uống rượu. Khi đã ngà ngà say, trên đường trở về nhà, A và B vào một chòi canh bảo vệ khu nuôi cá nghỉ chân. Nhìn thấy chị C đang đi một mình trên quãng đường vắng gần đó. A bàn với B tìm cách để thực hiện hành vi giao cấu với C. A ra ngoài buông lời trêu ghẹo và dụ chị C vào chòi (chúng đang ngồi). A, B đòi giao cấu với chị C, chị C không đồng ý và định bỏ chạy. A đe doạ chị C là nếu không đồng ý cho chúng giao cấu hoặc kêu cứu, hoặc chạy trốn thì chúng sẽ giết chị C. Sau đó A đã cởi quần áo chị C và thực hiện hành vi giao cấu, chị C chỉ phản ứng yếu ớt. Trong chòi bảo vệ cá hôm đó chỉ A thực hiện hành vi giao cấu với chị C, còn B chỉ đứng nhìn không nói gì. Hai ngày sau A, B bị bắt. Hỏi:

1. Hành vi của A và B cấu thành tội gì? Tại sao? (2 điểm)

2. Giả sử B mới 15 tuổi thì trong vụ án trên có đồng phạm không? Tại sao? (2 điểm)

3. Nếu khi A thực hiện hành vi giao cấu với chị C, còn B giữ chân tay chị C thì B được coi là người giúp sức. Nói như vậy đúng hay sai? Tại sao? (2 điểm)

4. Giả sử sau khi bị bắt, A được xác định dương tính với vi rút HIV thì khung hình phạt áp dụng đối với A có thay đổi không? Tại sao? (1 điểm)

Bài 2: Khoảng 20h ngày 05/9/2004, một nhóm thanh niên  gồm ba người nam là A (19 tuổi), B (18 tuổi), C (17 tuổi) và hai người nữ là D, E (đều 17 tuổi) đi xem văn nghệ tại sân vận động huyện. Lúc về, D mách với A là K (cùng xã) có hành vi sàm sỡ với mình. Sau khi đưa D và E về nhà, A, B và C đi chơi tiếp thì gặp K đang ngồi trong quán nước. A tra vấn K về việc sàm sỡ với D. Hai bên đôi co, lời qua tiếng lại. Bất ngờ, A dùng chân đạp vào má phải K, B dùng chân đá vào lưng, vào hông của K, C dùng tay đánh vào mắt trái K, A dùng ghế nhựa đánh vào chính giữa mặt K.

Bản giám định thương tích số 693/GĐPY ngày 08/9/2004 của Tổ chức Giám định pháp y tỉnh QN. kết luận K bị vết xước da vùng thái dương phải (5cm x 1cm); vết xước da vùng giữa trán (7,5cm x 1cm); mi dưới mắt trái sưng phù nề nhẹ; vùng hông phải có vết xước da (2cm x 0,6cm); tỷ lệ thương tích là 14%.

Tại công văn số 04/GĐPY ngày 19/1/2005 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh QN. kết luận chi tiết tỷ lệ thương tích của K như sau: Vết thương vùng thái dương gò má bên phải tỷ lệ 2%. Vết thương vùng hông bên phải tỷ lệ 1%. Vết thương vùng giữa trán đến sống mũi, gẫy xương chính mũi tỷ lệ thương tích 11%. Hỏi:

1. Hãy xác định tội danh và khung hình phạt đối với trường hợp trên? (2 điểm)

2. Đây có phải là trường hợp đồng phạm không? Giải thích tại sao? (2 điểm)

3. Xác định mức hình phạt tối đa mà Tòa án có thể tuyên đối với những người phạm tội trong trường hợp này. (2 điểm)

4. Giả sử A đang có tiền án về tội cướp giật tài sản thì trường hợp phạm tội của A bị coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao?(1 điểm)

Bài 3: Để kiếm tiền tiêu xài nên A đã dùng bột mỳ ép thành bánh (như bánh hêrôin) có trọng lượng 350 gam rồi đem bán cho B với giá 200 triệu đồng và nói đó là hêrôin của người bạn nhờ bán hộ. Ngày hôm sau, B mang bánh hêrôin đó đi bán thì phát hiện đó là ma tuý giả nên đã gọi cho bạn là C đến, kể lại toàn bộ sự việc và rủ C đến nhà A để đòi lại tiền. Khi đến nhà A, chỉ có chị H là bạn gái của A đang ngồi chơi trong nhà nên cả hai xông vào đánh chị H và lấy đi 01 chiếc xe máy (trị giá 15 triệu đồng) là tài sản của chị H. Hai ngày sau B và C bị lực lượng công an bắt giữ. Hỏi:

1. Hãy định tội danh cho A, B và C. (3 điểm)

2. Nếu chị H biết A làm giả bánh hêroin để bán thì chị H có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao? (1 điểm)

3. B và C có được coi là đồng phạm không? Tại sao? (1 điểm)

4. Hãy xác định giai đoạn thực hiện tội phạm cho từng trường hợp phạm tội trong vụ án trên. (2 điểm)

Bài 4: Sau khi uống rượu với mấy người bạn, trên đường về nhà đến đoạn đường qua một nghĩa trang, A gặp chị H là công nhân xí nghiệp giầy da đi làm về một mình bằng xe đạp. A có ý định hiếp dâm chị H nên chặn xe và kéo ngã chị H xuống đất để thực hiện hành vi giao cấu. Chị H chống cự lại thì bị A bóp cổ và dọa giết chị H nếu H còn kêu cứu. Sau khi A kết thúc hành vi giao cấu, chị H vội vã dắt xe đạp định bỏ chạy thì A quá: “Để chiếc xe đạp lại cho tao”. Chị H sợ hãi bỏ xe đạp lại và chay khỏi hiện trường. A đem chiếc xe đạp đi bán được 1.500.000 đồng. Hỏi:

1. Hãy xác định tội danh cho hành vi phạm tội của A. (3 điểm)

2. Giả sử sau khi kéo chị H ngã xuống đất, chị H nói mình bị nhiễm HIV nên A đã bỏ đi thì hành vi của A có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Tại sao? (3 điểm)

3. Tội hiếp dâm là tội có cấu thành vật chất hay hình thức? Tại sao? (1 điểm)

Bài 5: A, B và C bàn nhau trộm cắp tài sản của nhà ông H. Theo sự phân công của nhóm, C mang theo một thanh sắt để cạy phá cửa. Chúng hẹn nhau 10 giờ đêm tập kết ở địa điểm X. Đến giờ hẹn, C đem thanh sắt đến địa điểm X như đã thỏa thuận nhưng chờ mãi không thấy A và B đến nên bỏ về nhà ngủ. A và B đến chỗ hẹn quá muộn nên không gặp được C, nhưng vẫn quyết định đi lấy tài sản theo kế hoạch và đã lấy được tài sản giá trị 80 triệu đồng. Do không đi lấy tài sản nên C chỉ được A và B chia cho 5 triệu đồng, C chê ít không lấy và cũng không nói gì về vụ trộm với bất cứ ai. Sau một tháng vụ việc bị phát hiện. Hỏi:

1. A, B và C có phải là đồng phạm trong vụ trộm cắp tài sản nói trên không? Tại sao? (2 điểm)

2. Hành vi của C có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Tại sao? (1 điểm)

3. Sau khi lấy được tài sản của nhà ông H, A và B đã mang số tài sản đó bán cho K và K đã mua lại số tài sản này. Vậy, K có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (2 điểm)

4. Giả sử A, B và C mới tròn 15 tuổi thì A, B và C có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (2 điểm)

Tham khảo: Tình huống không trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhưng vẫn là đồng phạm

No comments:

Post a Comment