17/09/2014
Đề bài tập học kỳ môn Luật Hình sự 2 - K38 ĐH Luật Hà Nội - Kì I năm học 2014 - 2015
Bài 1:

P là thợ sơn được thuê hoàn thiện nhà riêng cho một gia đình. Trong thời gian làm việc P để ý thấy gia đình đối diện không làm lưới bảo hiểm ban công, trong khi khoảng cách giữa hai nhà khá gần. Một đêm thấy nhà đối diện quên đóng cửa ban công P đã trèo sang và vào nhà lấy một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Trong lúc lục tìm thêm tài sản, P gây ra tiếng động và bị G (chủ nhà) phát hiện. G giữ lại chiếc túi, P đã dùng tay đấm rất mạnh vào mặt làm G choáng váng, ngã xuống sàn nhà. P sau đó tẩu thoát cùng chiếc túi đựng tiền và chiếc điện thoại di động. Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 20 triệu đồng. G sau đó được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu và bị tổn hại sức khỏe 25%.
Hỏi:

1. Hành vi của P cấu thành tội gì? Tại sao? (3 điểm)

2. Giả sử, G do bị ngã xuống đập đầu vào nền gạch nên đã chết thì tội danh của P có thay đổi không? Tại sao? (2 điểm)

3. Trường hợp, P chưa lấy được túi đựng tiền, khi bị phát hiện đã có hành vi xô ngã G và bỏ chạy. G bị ngã xuống cầu thang, đập đầu vào lan can cầu thang gây thương tích 25%, thì tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với P được xác định thế nào? Tại sao? (2 điểm)

Bài 2 :

Do có mâu thuẫn trong kinh doanh, P đã nhờ Q đến đốt xưởng sản xuất gỗ của N vào ban đêm. Hậu quả là toàn bộ nhà xưởng và máy móc của N đã bị thiêu huỷ, thiệt hại 350 triệu đồng.

Hỏi:

1. Xác định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với hành vi của P, Q. (2 điểm)

2. Giả sử khi đốt xưởng gỗ, Q không biết còn 1 công nhân là H bị say rượu đang ngủ trong xưởng nên đã gây ra hậu quả chết người, thì Q có phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của người công nhân này không? Tại sao? (3 điểm)

3. Giả sử Q vừa chấp hành xong bản án 3 năm tù về tội cướp tài sản, chưa được xoá án tích lại thực hiện hành vi phạm tội nêu trên thì trường hợp phạm tội của Q là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Tại sao? (2 điểm)

Bài 3:

Chiều ngày 17 tháng 9 năm 2003, Đ cùng C đang ngồi uống nước thì có một em bé mời mua vé số. C lấy 15.000 đồng mua 3 tờ vé số. Trong khi C trả tiền thì Đ nhận lấy 3 tờ vé số từ người bán đút và cất vào túi quần của mình và nói: “Để tôi cầm cho may mắn, nếu trúng thưởng thì tối nay lại nhậu nhé”. C chỉ cười và không có phản ứng gì. Sáng hôm sau khi dò vé số biết trúng thưởng, Đ đã đi nhận thưởng 150 triệu đồng rồi gọi điện cho C nói: “3 tờ vé số hôm qua trượt hết rồi” rồi đi mua một chiếc xe máy. Sau đó Đ mời C đến nhà liên hoan khao xe mới. C nghi ngờ, đi hỏi và biết được 3 vé số mà mình mua trúng thưởng trị giá 150 triệu đồng. C yêu cầu Đ trả lại số tiền trúng thưởng nhưng Đ kiên quyết từ chối và nói dối là vé không trúng thưởng nên đã xé bỏ. C đề nghị cơ quan công an điều tra và vụ việc được xác định đúng như đã nêu trên.

Hỏi:

1. Hành vi của Đ cấu thành tội gì? Tại sao? (4 điểm)

2. Tội phạm mà Đ thực hiện có cấu thành vật chất hay hình thức? Tại sao? (2 điểm)

3. Hãy xác định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội mà Đ đã thực hiện. (1 điểm)

Bài 4:

K là chủ kiêm lái xe thường xuyên được Công ty X thuê chở hàng từ kho của công ty giao cho Hợp tác xã M. Trong một lần chở hàng, do đã quen nhau nên thủ kho của công ty X thỏa thuận và cho K vào kho tự bốc và xếp hàng lên xe, mỗi chuyến là 30 bao hàng ra cổng thủ kho mới kiểm tra số hàng vận chuyển và ký vào phiếu xuất hàng. Hôm đó K đã chở được 4 chuyến, mỗi chuyến đúng 30 bao hàng, đến chuyến thứ 5 K xếp thêm 2 bao hàng lên xe (vượt 2 bao so với thỏa thuận với thủ kho). Khi ra cổng kho, K có thái độ điềm nhiên như vẫn chở 30 bao hàng như các chuyến trước và đưa phiếu xuất hàng cho thủ kho ký. Tin rằng K chở đủ số bao hàng như đã thoả thuận và đã giữa trưa nên thủ kho không đếm lại số bao hàng K vận chuyển mà ký xác nhận ngay vào phiếu xuất hàng như các chuyến trước. Bằng thủ đoạn trên K đã chiếm đoạt được 2 bao hàng của Công ty X trị giá là 5 triệu đồng.

Về hành vi chiếm đoạt tài sản của K có các ý kiến sau về tội danh:

    a. K phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
    b. K phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
    c. K phạm tội trộm cắp tài sản.

Hỏi:

1. Anh (chị) hãy bác bỏ các ý kiến sai; Xác định ý kiến đúng và giải thích rõ tại sao. (3 điểm)

2. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn xác định được ngoài hành vi chiếm đoạt tài sản nói trên, K còn rút bớt mỗi chuyến một số hàng hóa của Hợp tác xã M tổng giá trị là 10 triệu đồng. Hãy định tội cho hành vi này. (2 điểm)

3. Toàn bộ số tài sản chiếm đoạt được K đã bán lại cho N. Theo anh (chị) N có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (2 điểm)

Bài 5: 

K và H đã bàn bạc trước về việc chiếm đoạt tài sản của gia đình ông N (giám đốc một doanh nghiệp). Chiều 07/02/2010, lợi dụng gia đình ông N đi sắm tết, K và H mang theo một túi quà đến gõ cửa nhà ông N và nói với bà P (là người giúp việc nhà ông N) là đến chúc tết gia đình. Không nghi ngờ gì, bà P đã mở cửa cho K và H vào nhà. Sau khi vào nhà, chúng vờ xin nước uống rồi xông vào đe doạ và định trói bà P. Bà P sợ hãi van xin K, H và nói: “Các anh lấy gì thì cứ lấy, tôi chỉ là người giúp việc thôi”. K và H phá két sắt và lấy đi của nhà ông N 70 triệu đồng, 47 chỉ vàng cùng một số ngoại tệ .Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 460 triệu đồng. Sau khi K, H lấy được tài sản và bỏ đi thì bà P mới chạy ra đường hô hoán. Một tuần sau K và H bị công an bắt giữ.

Có 3 ý kiến khác nhau về tội danh của K và H: 

a. K và H phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì chúng đã có hành vi gian dối đánh lừa người giúp việc.

b. K và H phạm tội trộm cắp tài sản vì chúng có hành vi lợi dụng lúc gia đình ông N đi vắng để lấy tài sản. Tuy bà P ở nhà nhưng bà P chỉ là người giúp việc, không phải là chủ sở hữu của những tài sản đó

c. K và H phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì chúng công khai lấy tài sản trước mắt người giúp việc. 

Hỏi:

1. Hành vi của K và H cấu thành tội gì? Tại sao? (3 điểm)

2. Hãy phản bác các ý kiến mà anh (chị) cho là sai. (4 điểm)

No comments:

Post a Comment