18/08/2014
Thực trạng ban hành văn bản pháp luật trái quyền - Xây dựng văn bản pháp luật
Việc ban hành văn bản pháp luật trái thẩm quyền, vượt quyền (kể cả thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung) đang trở nên khá phổ biến trong thời gian gần đây.

Nghiêm trọng nhất là tình trạng ban hành văn bản pháp luật trái thẩm quyền về nội dung. Pháp luật quy định các chủ thể có thẩm quyền chỉ được ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với thẩm quyền của mình được pháp luật cho phép hay theo phân công, phân cấp quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng các chủ thể ban hành văn bản pháp luật để giải quyết những vấn đề không thuộc thẩm quyền hay vượt quá quyền hạn diễn ra khá phổ biến ở các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Có thể đưa ra một vài ví dụ điển hình để minh chứng:


Gần đây, dư luận cả nước đã xôn xao về Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Quyết định số 34/2008/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người khuyết tật điều khiển xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người khuyết tật của Bộ Y Tế. Trong hai quyết định này, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người điều khiển phương tiện giao thông, không chỉ gây bất bình về nội dung của văn bản mà xét về mặt pháp lý thì việc Bộ Y tế đơn phương ban hành hai Quyết định này là không đúng thẩm quyền. Căn cứ Luật ban hành văn bản pháp luật và Điều 55 Luật Giao thông đường bộ, việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải do liên hộ ban hành thông tư liên tịch, theo đó quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải là thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, còn quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người khuyết tật điều khiển mô tô, xe máy ba bánh phải là thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.


Trước đó, Công văn số 283 năm 2007 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke cũng đã gặp phải sự lên án gắt gao từ phía dư luận cũng như các cơ quan chức năng không chỉ bởi văn bản này có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật về quyền và lợi ích của học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật mà còn vì đây là văn bản trái thẩm quyền. Trong công văn ghi rõ: “Không cho phép các học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke và các tụ điểm dễ nảy sinh tệ nạn xã hội”. Đây là quy định mang tính QPPL, tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cơ quan trực thuộc Bộ như Cục, Vụ, Viện…không được phép đặt ra các QPPL. Như vậy, việc Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra các quy định có tính QPPL như trên là trái thẩm quyền.

Ngoài ra, tình trạng này còn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương, có thể đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể:

Quy định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh: “ Người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị, Hiệu trưởng các trường học nếu không thực hiện đúng cam kết về việc tiếp nhận người hồi gia vào làm việc và học tập thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 134/2003/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì các văn bản do UBND ban hành không được quy định hành vi vi phạm hành chính. Do vậy, quy định trên của UBND Thành phố Hồ Chí Minh là trái thẩm quyền.

Tiếp đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục ban hành một văn bản khác cũng vượt quá thẩm quyền đó là Quyết định số 210/2004/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh quy định về thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì Chính phủ có thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Vì vậy, việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản pháp luật trong đó đưa ra quy định về hình thức xử phạt như trên là vượt thẩm quyền, trái quy định của pháp luật.

Hay như việc UBND huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang ban hành 26 quyết định (từ quyết định số 24/2006/QĐ-UBND đến quyết định số 49/2006/QĐ-UBND) về thực hiện cơ chế “một cửa” tại UBND 26 xã, thị trấn trực thuộc huyện, căn cứ vào khoản 1 Điều 6 quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/09/2003 của Thủ tướng Chính Phủ (còn hiệu lực tại thời điểm ban hành) và Khoản 1 Điều 5 Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính Phủ.

No comments:

Post a Comment