27/08/2014
Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự
Bài tập nhóm Luật Tố tụng Dân sự có đáp án.

MỞ ĐẦU

Trong tố tụng dân sự, các đương sự thường tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người khác có thể tham gia tố tụng thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự, nhân danh đương sự. Sự tham gia tố tụng dân sự của người đại diện của đương sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như việc làm rõ sự thật của vụ việc dân sự. 

Bài viết này hướng đến đề tài: “Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự”.

NỘI DUNG

1. Khái quát về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

1.1. Khái niệm người đại diện của đương sự.


Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 139 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS) thì: “đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”. 


Trong pháp luật tố tụng dân sự, chưa có một quy định cụ thể nào về khái niệm người đại diện của đương sự. Tuy nhiên, từ các quy định pháp luật nêu trên, ta có thể hiểu, người đại diện của đương sự  trong tố tụng dân sự là người tham gia tố tụng nhân danh và vì lợi ích đương sự, thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

1.2. Phân loại đại diện của đương sự.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, để thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự, người đại diện của đương sự phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Những người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự thì không thể thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa được. Thông thường, người đại diện của đương sự là các cá nhân bởi họ có thể tự mình chủ động thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong tố tụng. Tuy vậy, theo quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS) thì có trường hợp ngoại lệ như trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện cho đương sự.

Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự gồm:

a.Người đại diện theo pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo quy định của pháp luật.

Diện những người đại diện theo pháp luật của đương sự bao gồm: cha, mẹ của con chưa thành niên; người giám hộ của người được giám hộ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức; chủ hộ gia đình và cá nhân, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, để đảm bảo việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, pháp luật đã hạn chế những trường hợp không được làm người đại diện tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự, đó là: người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự; người là đương sự trong cùng một vụ án đối với người được đại diện mà quyền, lợi ích của họ đối lập với quyền, lợi ích của người được đại diện; đang là người đại diện theo pháp luật của một đương sự khác trong cùng một vụ án mà quyền, lợi ích của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích của người được đại diện.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 điều 141 Bộ luật dân sự, người đại diện do Tòa án chỉ định là người đại diện theo pháp luật; người đại diện trong trường hợp này tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự chỉ định của Tòa án. Mặc dù mục đích của việc Tòa án chỉ định người đại diện cho đương sự là bảo đảm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án song trong tố tụng dân sự các đương sự có quyền tự định đoạt nên theo quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ tiến hành chỉ định người đại diện cho đương sự trong trường hợp đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật không được đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự. Đồng thời, Tòa án cũng không được chỉ định những người thuộc diện không được làm người đại diện theo pháp luật của đương sự. Người đại diện do Tòa án chỉ định tham gia tố tụng từ khi có quyết định của Tòa án chỉ định họ đại diện cho đương sự. Phạm vi tham gia tố tụng của người đại diện do Tòa án chỉ định không bị hạn chế trong các loại việc.

b. Người đại diện theo ủy quyền.

Người đại diện theo ủy quyền là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự ủy quyền của đương sự.

Khác với đại diện theo pháp luật và đại diện theo chỉ định của Tòa án, đương sự được đại diện là người có năng lực hành vi tố tụng nên người đại diện theo ủy quyền chỉ được tham gia tố tụng khi được đương sự ủy quyền thay mặt họ trong tố tụng dân sự. Đương sự có thể ủy quyền cho bất kì người nào có năng lực hành vi tố tụng đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình trừ những người không được làm người đại diện theo pháp luật của đương sự và những người là cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, kiểm sát, công an.

Đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Tuy vậy, do tính chất, yêu cầu của việc giải quyết vụ việc dân sự, sau khi ủy quyền cho người đại diện đương sự vẫn có quyền tham gia tố tụng để bổ sung cho hoạt động của người được ủy quyền.

Đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng trong các loại việc trừ việc ly hôn. 

2. Nội dung pháp lí về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự 

2.1.Quyền và nghĩa vụ của người đại diện:

Về người đại diện theo pháp luật:

Người đại diện của đương sự trong trường hợp này là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích cho đương sự là người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Do bản thân đương sự không thể thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình cho nên người đại diện theo pháp luật được thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự mà họ đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo quy định tại điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự:

“Điều 74. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện

1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự mà mình là đại diện”

Đối chiếu với điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, ta có thể thấy quyền và nghĩa vụ của đại diện theo pháp luật được quy định như sau: 

- Cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:  Đây là một trong những quyền quan trọng của người đại diện theo pháp luật và do toà án chỉ định cho đương sự bởi chứng cứ và chứng minh là một trong những căn cứ quan trọng nhất, mang tính chất quyết định trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự.

- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lí chứng cứ cung cấp chứng cứ cho mình để giao nộp cho Toà án.

- Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá; khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập do đương sự  khác yêu cầu: Đây là các trường hợp người đại diện của đương sự không thể tự mình thực hiện việc thu thập chứng cứ, thì có thể sử dụng quyền này để đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng là Toà án, Viện kiểm sát, với tư cách là các cơ quan quyền lực nhà nước, thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho việc thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc.

- Quyền được biết, ghi chép và sao chụp các chứng cứ đương sự khác xuất trình hoặc chứng cứ mà tòa án thu thập: Đây là quyền quan trọng của đương sự, qui định tại điểm d, khoản 2, Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự, cho phép một bên biết và chuẩn bị chứng cứ, lập luận để tranh cãi về các yêu cầu bên kia đưa ra.

Về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo uỷ quyền

Trong trường hợp này, người đại diện của đương sự tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho đương sự là người có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Bản thân đương sự cũng có thể tự thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ, nhưng ủy quyền cho chủ thể khác nhân danh mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng nhất định. Do vậy. người đại diện theo ủy quyền của đương sự chỉ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong phạm vi uỷ quyền. 

“2. Người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản uỷ quyền” 
(khoản 2 điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự)

Xét về mặt bản chất pháp lý, quan hệ ủy quyền luôn tồn tại hai quan hệ như sau:

Thứ nhất: Quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền: Trong quan hệ này người được uỷ quyền có nghĩa vụ phải thực hiện các hành vi pháp lý trong phạm vi ủy quyền. Người được ủy quyền phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ của mình mà không được ủy quyền lại cho người khác trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

Thứ hai: Quan hệ giữa người được ủy quyền với bên thứ ba của giao dịch: Người được ủy quyền với tư cách của người đã ủy quyền giao kết hoặc thực hiện các giao dịch dân sự với bên thứ ba. Người được ủy quyền có những quyền và nghĩa vụ nhất định với bên thứ ba của giao dịch. Trong trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện được quy định cụ thể tại Điều 146 BLDS thì:

“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối ; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện….

3. Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiêm liên đới bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, tuỳ từng trường hợp, người đại diện theo pháp luật hay đại diện theo uỷ quyền tham gia vào quá trình tố tụng dân sự với các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Việc quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tiến hành tố tụng, góp phần tạo ra cơ chế đảm bảo cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

2.2. Các quy định khác về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự:

2.2.1. Về các trường hợp không được làm người đại diện:

Pháp luật quy định về vấn đề này gồm điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự và mục 7 Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐQP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung" của bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

Theo đó, những người không được làm người đại diện gồm: thứ nhất, những người cũng là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện; thứ hai, những người đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án; thứ ba, những người là cán bộ, công chức trong các ngành Toà án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.”

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sự, người đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự, thì không được làm người đại diện theo pháp luật cho một đương sự khác trong cùng một vụ án mà quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đó đối lập với nhau. Trong trường hợp này họ chỉ được làm người đại diện theo pháp luật cho đương sự mà chính họ đang là người đại diện theo pháp luật của đương sự đó trong vụ án.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sự, thì cán bộ, công chức trong ngành Toà án, Kiểm sát, Công an chỉ được làm người đại diện trong tố tụng dân sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Khi họ là người đại diện theo pháp luật cho cơ quan của họ hoặc là người đại điện được cơ quan của họ uỷ quyền;

b. Khi họ là người đại diện theo pháp luật của đương sự (không phải là cơ quan của họ) trong vụ án.”

2.2.2. Về chấm dứt đại diện và hậu quả của việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự:

Điều 77 Bộ luật tố tụng quy định rằng: “Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự”. Điều này dẫn chiếu tới điều 147 và 148 Bộ luật dân sự về việc chấm dứt đại diện, theo đó:

Đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây: thứ nhất, người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục; thứ hai, người được đại diện chết; thứ ba, các trường hợp khác do pháp luật quy định. Đại diện theo uỷ quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây: thứ nhất, thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành; thứ hai, người uỷ quyền huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền; thứ ba, người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết. Khi chấm dứt đại diện theo uỷ quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với người được đại diện hoặc với người thừa kế của người được đại diện. 

Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt. Đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây: thứ nhất, thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành; thứ hai, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền; thứ ba, pháp nhân chấm dứt hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết. Khi chấm dứt đại diện theo uỷ quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với pháp nhân uỷ quyền hoặc pháp nhân kế thừa.

Về vấn đề hậu quả của việc chấm dứt đại diện, điều 78 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau:

“Điều 78. Hậu quả của việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự:

1. Trong trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật mà người được đại diện đã thành niên hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự thì người đó tự mình tham gia tố tụng dân sự hoặc uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự theo thủ tục do Bộ luật này quy định. 

2. Trong trường hợp chấm dứt đại diện theo uỷ quyền thì đương sự hoặc người thừa kế của đương sự trực tiếp tham gia tố tụng hoặc uỷ quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng theo thủ tục do Bộ luật này quy định”

3. Thực tiễn thực hiện pháp luật về vấn đề đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự:

Trên cơ sở nghiên cứu những vụ việc dân sự trên thực tiễn, có thể rút ra một số ý kiến đánh giá như sau:

Thứ nhất, vẫn phát sinh sai sót trong việc xác định tư cách nguyên đơn của đương sự, cụ thể:

Ngày 17-8-2005, ông Phan Sang Hiệp và ông Phan Thiếu Thạch đã ủy quyền cho ông Nguyễn Trường Thanh với nội dung: ông Nguyễn Trường Thanh đại diện cho ông Phan Thiếu Thạch và ông Phan Sang Hiệp khiếu nại, khởi kiện và tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân các cấp để ngăn chặn việc chuyển nhượng đất đai tại số nhà 42-44 đường H.B, phường A, thành phố C đối với ông Phan Xưởng và bà Huỳnh Thị Út. Ông Nguyễn Trường Thanh đã đứng đơn khởi kiện với tư cách nguyên đơn đối với ông Phan Xưởng. 

Tại quyết định số 01/QĐDSST/2006 ngày 16-01-2006 của Tòa án nhân dân thành phố C đã xác định nguyên đơn là ông Nguyễn Trường Thanh và bị đơn là ông Phan Xưởng. Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với nhận định: “nguyên đơn là ông Nguyễn Trường Thanh đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai… mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng được coi là từ bỏ việc khởi kiện”.

Như vậy, trong vụ án nêu trên, Tòa án đã xác định người đại diện cho đương sự là nguyên đơn. Điều này vi phạm quy định tại khoản 2 điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự:

“2. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.”

Theo đó, nguyên đơn trong trường hợp này không phải là ông Nguyễn Trường Thanh như trong bản án của Tòa.

Thứ hai, tồn tại những thiếu sót về vấn đề xác định tư cách người đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự trong vụ án ly hôn, cụ thể qua vụ án sau:

Chị Lê Thị Na và anh Đàm Văn Tú tự nguyện kết hôn được Ủy ban nhân dân xã H cấp giấy chứng nhận kết hôn vào ngày 21-10-1995. Vợ chồng chung sống hạnh phúc một thời gian, đã có hai con chung. Sau khi sinh đứa con thứ hai năm 1997, chị Na bị bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự, nên bà Đặng Thị Mai - mẹ ruột của chị Na đưa chị về chăm sóc, chữa trị. Theo bà Đặng Thị Mai từ năm 1998, anh Tú không quan tâm, chăm sóc chị Na nên bà Mai đã đưa chị Na và hai con của chị Na về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc. Hiện nay, anh Tú có quan hệ ngoại tình với người phụ nữ khác và đã có con riêng, không giữ trách nhiệm với chị Na. Do vậy, bà Đặng Thị Mai đại diện chị Na xin ly hôn anh Tú, còn anh Tú vẫn xin đoàn tụ.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 23 ngày 22-09-2005, Tòa án nhân dân huyện P căn cứ điều 89 Luật hôn nhân và gia đình đã quyết định: bác đơn yêu cầu của bà Đặng Thị Mai về việc xin ly hôn cho chị Lê Thị Na đối với anh Đàm Văn Tú.

Như vậy, trong vụ án trên, Tòa án đã công nhận tư cách đại diện của bà Mai đối với chị Na, đồng thời dựa trên các quy định về căn cứ cho ly hôn tại điều 89 Luật hôn nhân gia đình để giải quyết vụ việc này. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm, có một yếu tố quan trọng mà Tòa án cần chỉ ra trước khi thụ lý vụ việc trên, đó chính là cơ sở của việc xác định tư cách đại diện này, bởi lẽ việc xác định vấn đề này thể hiện vai trò cốt yếu trong việc đưa ra phương hướng giải quyết vụ việc dân sự nêu trên. Cụ thể, cần phải xem xét các trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất: xét tư cách đại diện theo ủy quyền của bà Mai đối với chị Na. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự:

“3. Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng”.

Từ đó, bà Đặng Thị Mai không thể là người đại diện theo ủy quyền cho chị Na để yêu cầu xin ly hôn. Do vậy, nếu trường hợp này xảy ra, Tòa án cần trả lại đơn khởi kiện.

Trường hợp thứ hai: xét tư cách đại diện theo pháp luật của bà Mai đối với chị Na. Về vấn đề này, có những sự kiện, tình tiết mà Tòa án cần xác định trước khi công nhận tư cách đại diện theo pháp luật của bà Mai đối với chị Na. Thứ nhất, anh Tú – chồng chị Na – có tư cách giám hộ cũng như đại diện theo pháp luật đối với chị Na theo khoản 2 điều 24 Luật hôn nhân và gia đình hay không? 

“Điều 24: Đại diện cho nhau giữa vợ, chồng

2. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó.”

Nếu anh Tú vẫn hội tụ những điều kiện làm người đại diện cho chị Na thì bà Mai không thể là người đại diện cho chị Na. Theo đó, Tòa án không thể thụ lý đơn khởi kiện của bà Mai. Thứ hai, nếu anh Tú không đủ điều kiện làm người đại diện, thì bà Mai có thể là người giám hộ, đồng thời có tư cách đại diện theo pháp luật cho chị Na hay không? Để giải quyết vấn đề này, Tòa án phải xem xét các điều kiện luật định đối với người giám hộ - người đại diện theo pháp luật và đối chiếu với các tình tiết, sự kiện trong vụ án để xác định rõ ràng tư cách đại diện của bà Mai, tránh gây ra những thắc mắc, những quan điểm trái chiều hay những sai sót trong giải quyết.

KẾT LUẬN


Như vậy, sự tham gia của người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như làm rõ sự thật của vụ việc dân sự. Đồng thời, các quy định về vấn đề đại diện cho đương sự còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định khi áp dụng trên thực tiễn. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự chung tay từ các cá nhân, tổ chức cũng như các cơ quan có thẩm quyền, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể cũng như bảo vệ tính khách quan, khoa học của pháp luật.

No comments:

Post a Comment