25/08/2014
Các tội phạm khác về chức vụ - Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác - (Điều 287) - Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999 - Tập 5
10. TỘI VÔ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC; TỘI LÀM MẤT TÀI LIỆU  BÍ MẬT CÔNG TÁC    

Điều 287.  Tội  vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí  mật công tác  

1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt   tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

Cũng tương tự như đối với Điều 286, Điều 287 Bộ luật hình sự quy định hai tội danh độc lập. Đây cũng là vấn đề có liên quan đến kỹ thuật làm luật. Lẽ ra, nhà làm luật phải quy định hai tội phạm này ở hai điều luật khác nhau, nhưng hai tội này được quy định trong cùng một điều luật. Do đó khi bình luận, chúng tôi cũng phân tích các dấu hiệu cấu thành của từng tội để tiện theo dõi.

10a.  TỘI VÔ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC 

Định Nghĩa: Vô ý làm lộ bí mật công tác là tuy thấy trước hành vi của mình có thể làm lộ bí mật công tác, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước được hành vi của mình có thể làm lộ bí mật công tác, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Tội vô ý làm lộ bí mất công tác là tội phạm đã được quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985. Tội phạm này, trong quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985, cũng không có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, so với Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này đã có sửa đổi, bổ sung đáng kể. 

Nếu Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên hai năm và hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật, còn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, khung hình phạt vẫn như Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985.

Tội phạm này thực tế xảy ra cũng nhiều, nhưng cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác lại rất ít, mà chủ yếu xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc xử phạt hành chính. 

A1. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 

 Nếu bỏ qua các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm, thì tội vô ý làm lộ bí mật công tác tương tự với tội cố ý làm lộ bí mật công tác quy định tại Điều 286 Bộ luật hình sự hoặc tội làm gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự.

Nếu bỏ qua dấu hiệu về chủ thể của tội phạm, thì tội vô ý làm lộ bí mật công tác tương tự với tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Như vậy, tội vô ý làm lộ bí mật công tác có những dấu hiệu tương tự với một số tội phạm khác cùng xâm phạm đến bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác.

1a. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “vô ý làm lộ bí mật công tác” cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này có ý nghĩa phân biệt với tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được phân tích ở phần khái niệm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn đã vô ý làm lộ bí mật trong phạm vi công tác của mình. Nếu bí mật đó không thuộc phạm vi công tác của mình mà người phạm tội biết được và đã vô ý làm lộ bí mật đó thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Vì là vô ý phạm tội nên chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới có thể là chủ thể của tội phạm này, không có trường hợp đồng phạm nên không thể có người đồng phạm.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù.

2a. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm 

Khách thể của tội vô ý làm lộ bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, thậm chí gây ra tác hại rất lớn, để người khác sử dụng các bí mật đó chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách trước khi được thi hành.

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: bí mật công tác. Bí mật công tác cũng là bí mật Nhà nước, nhưng được gắn liền với công tác của cơ quan, tổ chức54.

3a. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm 

a1. Hành vi khách quan

Hành vi khách quan của tội phạm này hoàn toàn giống với hành vi khách quan của tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; biểu hiện của hành vi làm lộ bí mật công tác cũng tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm lộ bí mật đó.

Hành vi làm lộ bí mật công tác được biểu hiện như: Kể cho người khác nghe những bí mật mà mình biết; cung cấp tài liệu, tin tức bí mật cho người khác để người khác sử dụng các tài liệu, tin tức bí mật đó; loan truyền những tin tức bí mật...

Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Cũng chính vì thế nên mới gọi là làm lộ bí mật công tác, nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm lộ bí mật Nhà nước được. 

b1. Hậu quả

Hậu quả của hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu vô ý làm lộ bí mật công tác mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì chưa cấu thành tội phạm.

So với Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hai mức hậu quả, đó là: “hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, việc quy định này không làm thay đổi bản chất của cấu thành mà chỉ cụ thể hơn mà thôi. Đây lại là vấn đề có liên quan đến kỹ thuật lập pháp, nhiều tội phạm nhà làm luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng nếu gây ra các hậu quả này thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như là trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nếu điều luật đó không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự chỉ quy định: “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự. Do đó có ý kiến cho rằng, nếu không cơ cấu thành nhiều điều khoản khác nhau có khung hình phạt khác nhau thì chỉ cần quy định gây hậu quả nghiêm trọng là đủ. Quan điểm này, theo chúng tôi là phù hợp, vì sự phân biệt giữa hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ có ý nghĩa quyết định hình phạt. 

Do chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác gây ra, nên việc xác định thiệt hại tới mức nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác là việc khá phức tạp, chúng ta không thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô ý gây ra cũng như do hành vi cố ý gây ra.

Thông thường, nếu hành vi cố ý gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì hành vi vô ý gây hậu quả phải gấp hai lần hậu quả do hành vi cố ý gây ra mới được coi là hậu quả nghiêm trọng, nên có ý kiến cho rằng, thiệt hại gấp ba lần hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý gây ra mới coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô ý gây ra. Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nghiên cứu các tội phạm khác, chúng ta có thể xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác gây ra. Ví dụ: Hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích cho người khác có tỷ lệ thương tật là 31% được coi là gây hậu quả nghiêm trọng. Tội vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ là tội phạm do vô ý. Tuy nhiên, hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ là hành vi trực tiếp gây ra hậu quả, còn hậu quả do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác lại không trực tiếp gây ra hậu quả. Do đó, việc xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác gây không thể vận dụng như trường hợp vô ý trực tiếp gây ra hậu quả.

Nếu nghiên cứu hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999, thì hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra không bao gồm hành vi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản vì tội phạm này không quy định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ quy định cho các tội do cố ý. Tuy nhiên, những thiệt hại được quy định tại Thông tư liên tịch trên cũng là những thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra và nó cũng được coi là những thiệt hại mà người phạm tội không mong muốn. Vì vậy, trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác gây ra, chúng ta có thể vận dụng hướng dẫn tại 
Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999.55 

4a. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm 

Tên tội danh và điều văn của điều luật đã quy định người phạm tội này là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.56

B1. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1.b Hình phạt chính

Điều 287 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đồng thời là cấu thành cơ bản của tội phạm, mặc dù có quy định ba mức hậu quả khác nhau nhưng đều có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

So với tội vô ý làm lộ bí mật công tác quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 287 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, trong khi đó Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 287 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( ba tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì có thể bị phạt tới 2 năm tù.

Do điều luật quy định ba mức hậu quả khác nhau (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng), nên khi quyết định hình phạt nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bị phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng; người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng bị phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2b. Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính người phạm tội Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác quy định tại khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau: 

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. 

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 2 Điều 287 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”. 

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. 

 10b.  TỘI LÀM MẤT TÀI LIỆU BÍ MẬT CÔNG TÁC 

Định nghĩa: Làm mất tài liệu bí mật công tác là hành vi thiếu trách nhiệm hoặc do cẩu thả nên để tài liệu bí mật công tác bị mất

Cũng như đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác đã được quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985. Tội phạm này, trong quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985, cũng không có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, so với Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này đã có sửa đổi, bổ sung đáng kể. 

Nếu Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tăng mức hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên hai năm và hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật, còn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, khung hình phạt vẫn như Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985.

Tội phạm này thực tế xảy ra cũng nhiều, nhưng cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác và vô ý làm lộ bí mật công tác, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác lại rất ít, mà chủ yếu xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc xử phạt hành chính. 

A2. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 

 Tội phạm này tương tự với một số tội phạm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm như: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285; tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước quy định tại Điều 144; tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn quy định tại Điều 301 Bộ luật hình sự.

Có thể nói, tội làm mất tài liệu bí mật công tác là hành vi thiếu trách nhiệm để mất tài liệu bí mật công tác. Tuy nhiên, đối với tội làm mất tài liệu bí mật công tác không chỉ có hành vi thiếu trách nhiệm mà còn cả hành vi do cẩu thả ( bất cẩn) trong việc cất giữ, trông coi, vận chuyển, giao nhận... để tài liệu bí mất công tác bị mất. 

1b. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “làm mất tài liệu bí mật công tác” cũng là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này có ý nghĩa phân biệt với tội tội làm mất tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được phân tích ở phần khái niệm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn đã vô ý làm mất tài liệu bí mật trong phạm vi công tác của mình. Nếu bí mật đó không thuộc phạm vi công tác của mình mà người phạm tội biết được và đã làm mất tài liệu bí mật đó thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự.

Tội phạm này cũng là tội phạm tội mà người phạm tội thực hiện hành vi là do vô ý nên không có trường hợp đồng phạm và người đồng phạm. Do đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không thể là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Đối với tội làm mất tài liệu bí mật công tác chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là hai năm tù.

2b. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm 

Khách thể của tội làm mất tài liệu bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, để người khác sử dụng các bí mật đó chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: bí mật công tác. Bí mật công tác cũng là bí mật Nhà nước, nhưng được gắn liền với công tác của cơ quan, tổ chức57.

3b. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm 

a2. Hành vi khách quan

Có thể nói hành vi khách quan của tội phạm này hoàn toàn giống với hành vi khách quan của tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước; biểu hiện của hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác cũng tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm mất tài liệu bí mật đó.

Hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác được biểu hiện như: để cho người khác chiếm đoạt tài liệu bí mật mà mình có trách nhiệm quản lý; giao nhầm tài liệu bí mật công tác cho người khác; để quên tài liệu bí mật công tác mà không tìm lại được; để người khác chụp, sao chép tài liệu bí mật công tác...

Hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Cũng chính vì thế nên mới gọi là làm mất tài liệu bí mật công tác, nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm mất tài liệu bí mật công tác được. 

b2. Hậu quả

Hậu quả của hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, nếu làm mất tài liệu bí mật công tác mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì chưa cấu thành tội phạm.

So với Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, cũng như tội vô ý làm lộ bí mật công tác, Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hai mức hậu quả, đó là: “hậu quả rất nghiêm trọng và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Việc quy định này cũng không làm thay đổi bản chất của cấu thành mà chỉ cụ thể hơn mà thôi. Đây cũng là vấn đề có liên quan đến kỹ thuật lập pháp như đã phân tích trong tội vô ý làm lộ bí mật công tác. 

Cũng như đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác, chưa có hướng dẫn thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác gây ra, nên việc xác định thiệt hại tới mức nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác cũng là một vấn đề rất phức tạp như đối với trường hợp vô ý làm lộ bí mật công tác mà chúng tôi đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể, chúng ta cũng có thể vận dụng Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 về các trường hợp hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác.

4b. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm 

Tuy điều văn của điều luật không quy định vô ý làm mất tài liệu bí mật công tác nhưng tội phạm này người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Nếu người phạm tội cố ý làm mất tài liệu bí mật công tác thì lại thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 hoặc Điều 263 Bộ luật hình sự. 

B2. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1b. Hình phạt chính

Cũng như đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác, Điều 287 Bộ luật hình sự chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đồng thời là cấu thành cơ bản của tội phạm, mặc dù có quy định ba mức hậu quả khác nhau nhưng đều có khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

So với tội làm mất tài liệu bí mật công tác quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 287 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, trong khi đó Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 287 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 287 Bộ luật hình sự đối với tội làm mất tài liệu bí mật công tác, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì có thể được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( ba tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì có thể bị phạt tới 2 năm tù.

Do điều luật quy định ba mức hậu quả khác nhau (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng), nên khi quyết định hình phạt nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bị phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng; người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng bị phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2b. Hình phạt bổ sung

Ngoài hình phạt chính người phạm tội Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội làm mất tài liệu bí mật công tác quy định tại khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau: 

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. 

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 2 Điều 287 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”. 

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 287 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. 

No comments:

Post a Comment