25/08/2014
Các tội phạm khác về chức vụ - Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 286) - Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999 - Tập 5
9. TỘI CỐ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC; TỘI CHIẾM ĐOẠT, MUA BÁN HOẶC TIÊU HUỶ TÀI LIỆU BÍ MẬT CÔNG TÁC    

Điều 286. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu  bí mật công tác  

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt  tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

Do điều luật quy định hai tội danh độc lập đều xâm phạm đến cùng một khách thể là bí mật công tác, nhưng do hành vi khách quan khác nhau. Đây cũng là vấn đề có liên quan đến kỹ thuật làm luật. Lẽ ra, nhà làm luật phải quy định hai tội phạm  này ở hai điều luật khác nhau, nhưng do kỹ thuật làm luật nên hai tội này được quy định trong cùng một điều luật. Do đó, khi bình luận, chúng tôi phân tích các dấu hiệu cấu thành của từng tội để tiện theo dõi.

9a.  TỘI CỐ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT CÔNG TÁC 

Định Nghĩa: Cố ý làm lộ bí mật công tác là nhận thức rõ hành vi của mình là làm lộ bí mật công tác, thấy trước được hậu quả của hành vi tất yếu hoặc có thể làm lộ bí mật công tác, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Tội cố ý làm lộ bí mất công tác là tội phạm đã được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985. Trong quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985, tội phạm này không có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, so với Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này chỉ sửa đổi, bổ sung loại hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên ba năm và hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật, còn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, khung hình phạt vẫn như Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985.

Tội phạm này thực tế xảy ra nhiều, nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác lại rất ít, mà chủ yếu xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc xử phạt hành chính. Theo báo cáo thống kê hàng năm của ngành Toà án nhân dân thì việc xét xử loại tội phạm này hầu như không có. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng có truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác hay không, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhà làm luật vẫn quy định hành vi này là hành vi phạm tội là rất cần thiết, vì thực tế, hành vi này đã và đang xảy ra nhiều, có trường hợp rất nghiêm trọng gây thiệt hại nhiều mặt cho cơ quan, tổ chức. 

A1. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 

 Theo điều văn của điều luật, thì tội phạm này gần giống với tội làm gán điệp và tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định ở các điều 80 và Điều 263 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, mỗi tội phạm có những dấu hiệu riêng biệt để phân biệt. Nếu ở tội làm gián điệp quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự, người phạm tội cố ý cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài là để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì ở tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định ở Điều 263 Bộ luật hình sự, người phạm tội không nhằm chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao đã cố ý làm lộ bí mật công tác. 

Có thể nói, tội cố ý làm lộ bí mật công tác gần giống với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ: Người phạm tội có ý làm lộ bí mật công tác là người có chức vụ, quyền hạn làm lộ những thông tin liên quan đến việc thi hành nhiệm vụ của mình, còn người phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước là người không có chức vụ, quyền hạn hoặc nếu có chức vụ, quyền hạn nhưng những bí mật Nhà nước mà họ làm lộ không liên quan đến nhiệm vụ của họ. 

1a. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “cố ý làm lộ bí mật công tác” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này có ý nghĩa phân biệt với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được phân tích ở phần khái niệm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, người có chức vụ, quyền hạn đã cố ý làm lộ bí mật trong phạm vi công tác của mình. Nếu bí mật đó không thuộc phạm vi công tác của mình mà người phạm tội biết được và đã cố ý làm lộ bí mật đó thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 hoặc Điều 263 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Trần Mai H với tư cách là tổng biên tập một tờ báo đã trực viết bài và cho đăng nội dung công văn số 1333 ngày 19-8-1996 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Bộ nội vụ ( nay là Bộ công an) nhằm bênh vực cho một tên tội phạm nguy hiểm. Công văn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được đóng dấu mật. mặc dù Trần Mai H là người có chức vụ, quyền hạn nhưng những thông tin bí mật mà H làm lộ không liên quan đến trách nhiệm của H, nên hành vi của H không phải là hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác mà là hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước qu định tạ Điều 263 Bộ luật hình sự.

Mặc dù chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biêt, nhưng điều khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, nếu vụ án có đồng phạm thì chỉ yêu cầu người thực hành phải là người có chức vụ, quyền hạn, còn những người đồng phạm khác không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

2a. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm 

Khách thể của tội cố ý làm lộ bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, thậm chí gây ra tác hại rất lớn, để người khác lợi dụng chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách trước khi được thi hành.

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: bí mật công tác. Bí mật công tác cũng là bí mật Nhà nước, nhưng được gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chứvu và gắn liền với nhiệm vụ công tác của người có chức vụ, quyền hạn.
Theo quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước thì, những tin tức trong phạm vi sau đây thuộc độ tuyệt mật:

1- Kế hoạch chiến lược phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên đối phó với chiến tranh; các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh có ý nghĩa quyết định khả năng phòng thủ đất nước;

2- Các chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại chưa công bố hoặc không công bố.
Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà theo yêu cầu của bên giao hoặc được Hội đồng bộ trưởng xác định thuộc độ tuyệt mật;

3- Tổ chức và hoạt động tình báo, phản gián;

4- Mật mã quốc gia;

5- Dự trữ chiến lược quốc gia; các số liệu dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước về những lĩnh vực chưa công bố hoặc không công bố; kế hoạch phát hành tiền tệ, khoá an toàn của từng mẫu tiền; phương án, kế hoạch thu đổi tiền chưa công bố;

6- Các khu vực cấm mà Hội đồng bộ trưởng xác định thuộc độ tuyệt mật.

Những tin tức trong phạm vi sau đây thuộc độ tối mật:

1- Các cuộc đàm phán về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác giữa nước ta với nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế chưa công bố.
Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà theo yêu cầu của bên giao hoặc được Hội đồng bộ trưởng xác định thuộc độ Tối mật;

2- Tổ chức, trang bị, phương án tác chiến của các đơn vị vũ trang; phương án vận chuyển và cất giữ vũ khí; công trình quan trọng phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo;

3- Tài liệu về đường biên giới chưa công bố.
Bản đồ quân sự; toạ độ điểm hạng I, hạng II Nhà nước của mạng lưới quốc gia hoàn chỉnh cùng với các ghi chú điểm kèm theo.

Vị trí và trị số cao độ các mốc chính của các trạm khí tượng; thuỷ văn, hải văn; số liệu, độ cao số không tuyệt đối của các mốc hải văn;

4- Số liệu tuyệt đối về thu chi ngân sách Nhà nước chưa công bố.
Số lượng tiền in, phát hành; tiền dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ; các số liệu về bội chi, lạm phát tiền mặt chưa công bố;

Phương án giá Nhà nước chưa công bố;

5- Nơi lưu giữ và số lượng kim loại quý hiếm, đá quí, ngoại hối và vật quí hiếm khác của Nhà nước.
Địa điểm, trữ lượng của các mỏ kim loại, phi kim loại quí hiếm, chất phóng xạ chưa công bố;

6- Phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh quốc gia, kinh tế, khoa học, công nghệ chưa công bố;

7- Kế hoạch xuất nhập khẩu các mặt hàng giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển tiềm năng kinh tế - xã hội của đất nước.
Bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực công tác của các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ngoài phạm vi được quy định trên, thì thuộc độ Mật50.

Như vậy, bí mật công tác thuộc độ tuyệt mật và tối mật được quy định cụ thể trong pháp lệnh tại Điều 6 và Điều 7, nhưng đối với bí mật công tác của các cơ quan, tổ chức không thuộc độ tuyệt mật và tối mật mà thuộc độ mật thì do cơ quan, tổ chức đề nghị và Thủ tướng quyết định. Ví dụ: Tại quyết định số 208/TTg ngày 6 tháng 4 năm 1995, Thủ tướng chính phủ quyết định về danh mục bí mật của Toà án nhân dân tối cao. Theo quyết định này, thì danh mục bí mật Nhà nước của Toà án nhân dân tối cao cũng được chia làm hai loại: loại tối mật và loại mật.51 Do đó, khi xác định tài liệu bị tiết lộ có phải là bí mật công tác hay không, ngoài việc căn cứ Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, còn phải căn cứ vào các văn bản khác của từng ngành, liên ngành quy định về danh mục bí mật của cơ quan, tổ chức.

3a. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm 

a1. Hành vi khách quan

Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là làm lộ bí mật công tác. Nhưng biểu hiện của hành vi làm lộ lại tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn và hoàn cảnh cụ thể lúc người phạm tội làm lộ bí mật đó.

Hành vi làm lộ bí mật công tác được biểu hiện như: Kể cho người khác nghe những bí mật mà mình biết; cung cấp tài liệu, tin tức bí mật cho người khác để người khác sử dụng các tài liệu, tin tức bí mật đó; loan truyền những tin tức bí mật bằng nhiều hình thức như truyền miệng, đăng báo, truyền thanh, truyền hình...

Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước bao giờ cũng gắn liền với nhiệm vụ của người phạm tội. Cũng chính vì thế nên mới gọi là làm lộ bí mật công tác, nếu không có chức vụ, quyền hạn và không thực hiện nhiệm vụ, thì không thể làm lộ bí mật Nhà nước được. Ví dụ: Hồ Thị Th là chuyên viên vụ xuất nhập khẩu Bộ thương mại đã tiết lộ kế hoạch xuất nhập khẩu các mặt hàng giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển tiềm năng kinh tế - xã hội của đất nước.

b1. Hậu quả
Hậu quả của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. chỉ cần người phạm tội có hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của tội phạm vẫn rất cần thiết, dù nó không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, vì hành vi làm lộ bí mật công tác nếu đã gây ra hậu quả thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả; nếu hậu quả gây ra lại là nghiêm trọng, thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật. 

4a. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm 

Tên tội danh và điều văn của điều luật đã quy định người phạm tội này là do cố ý, tức là người phạm tội thấy trước được hậu quả của hành vi tất yếu hoặc có thể làm lộ bí mật công tác, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra. 

Việc xác định người phạm tội có cố ý làm lộ bí mật công tác hay không là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xác định hành vi phạm tội, nếu người phạm tội không cố ý làm lộ bí mật công tác thì dù bí mật đó đã bị tiết lộ thì người có hành vi tiết lộ bí mật không cấu thành tội phạm này mà tuỳ trường hợp người có hành vi phạm tội vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc không phạm tội.

Khi xác định người phạm tội có cố ý làm lộ bí mật công tác hay không, không chỉ căn cứ vào lời khai của người phạm tội, mà phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án, vì thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyết để cố ý làm lộ bí mật công tác nhưng khi sự việc được phát hiện thì lại cho rằng mình chỉ vô ý để lộ bí mật công tác để trốn trách nhiệm. Ví dụ: Vũ Khắc X là Phó bí thư Đảng uỷ cơ quan đã cố ý để tài liệu bí mật về việc sắp xếp lại cán bộ trên bàn làm việc rồi nói cho Vũ Thị C là nhân viên và là người tình của X vào lấy tài liệu bí mật đó.

B1. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1a. Phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác không có các tình tiết định khung hình phạt 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội cố ý làm lộ bí mật công tác. So với tội cố ý làm lộ bí mật công tác quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 286 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, trong khi đó khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 286 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội, mà vẫn áp dụng k1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985. 

Khi áp dụng khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( sáu tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới 3 năm tù.

2a. Cố ý làm lộ bí mật công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự 

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là cố ý làm lộ bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng.

Cố ý làm lộ bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do làm lộ bí mật công tác nên đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về thể chất, vật chất hoặc những thiệt hại phi vật chất.

Do thực tiễn xét xử chưa truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều về tội phạm này nên việc định ra như thế nào là hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm lộ bí mật công tác gây ra chưa được tổng kết hướng dẫn. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác, tham khảo các hướng dẫn về gây hậu quả nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác, có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.52

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định trường hợp gay hậu quả nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác mà gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật. Đây cũng là vấn đề hạn chế về kỹ thuật lập pháp chúng ta không chỉ thấy ở tội phạm này mà còn thấy ở một số tội phạm khác. Trong khi đó, một số tội phạm trong cùng một khoản của điều luật, nhà làm luật lại quy định hai trường hợp gây hậu quả khác nhau. Ví dụ: Tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự quy định phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hy vọng rằng, khi sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự các nhà làm luật sẽ quan tâm đến sự bất hợp lý này. 

3a. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác

Theo quy định tại khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác quy định tại khoản 5 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau: 

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. 

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 3 Điều 286 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”. 

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. 

9b.  TỘI CHIẾM ĐOẠT, MUA BÁN HOẶC TIÊU HUỶ TÀI LIỆU BÍ MẬT CÔNG TÁC 

Do kỹ thuật lập pháp nên điều luật quy định ba hành vi phạm tội khác nhau, đó là: Chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác; mua bán tài liệu bí mật công tác; tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác. Do đó, khi định tội, cần chú ý:

Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nào thì định tội theo hành vi đó. Ví dụ: Nếu người phạm tội chỉ tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác thì định tội là: “tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác” mà không định tội theo điều văn của điều luật (chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác).

Nếu người phạm tội thực hiện cả ba hành vi phạm tội mà điều luật đã quy định thì định tội là: “chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác”.

Nếu người phạm tội thực hiện hai hành vi phạm tội thì định tội là: “chiếm đoạt và mua bán tài liệu bí mật công tác” hoặc “chiếm đoạt và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác”, hoặc “mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác”.

Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau với đối tượng ( tài liệu bí mật công tác) khác nhau thì việc định tội lại phức tạp hơn. Ví dụ: Một người chiếm đoạt phát minh kinh tế và mua bán bí quyết nghề nghiệp chưa công bố, thì phải định tội: “chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác” và tội “ mua bán tài liệu bí mật công tác” rồi tổng hợp hình phạt theo Điều 50 Bộ luật hình sự.

Do điều luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau nên không thể nêu một định nghĩa chung cho tất cả các hành vi phạm tội mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà định nghĩa cho từng hành vi.

Chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác là hành vi chuyển dịch trái phép tài liệu bí mật công tác bằng nhiều hình thức khác nhau như: cướp, bắt cốc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm... từ sở hữu hoặc thuộc quyền quản lý hợp pháp của người khác thành sở hữu hoặc quyền quản lý bất hợp pháp của mình.

Mua bán tài liệu bí mật công tác là bán; mua, xin, nhặt được hoặc chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác để bán lại cho người khác; tàng trữ nhằm mục đích bán lại; vận chuyển để bán hoặc vận chụyển giúp cho người mua bán các tài liệu bí mật công tác.

Tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là huỷ hoạt hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu bí mật công tác làm cho tài liệu đó mất giá trị không sử dụng được nữa. 

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác đã được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985. Trong quá trình thi hành Bộ luật hình sự năm 1985, tội phạm này cũng không có sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, so với Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này chỉ sửa đổi, bổ sung loại hình phạt cải tạo không giam giữ từ một năm lên ba năm và hình phạt bổ sung được quy định trong cùng một điều luật, còn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, khung hình phạt vẫn như Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985.

Khác với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, tội phạm này thực tế xảy ra không nhiều, nhưng nếu xảy ra thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, việc xử lý bằng hình thức kỷ luật hoặc xử phạt hành chính rất ít. Thông thường, tội phạm này gắn liền với một số tội phạm khác khi bị phát hiện, người phạm tội đã tiêu huỷ tài liệu để che giấu tội phạm. Thực tiễn xét xử cho thấy, nếu tài liệu bị tiêu huỷ không phải là tài liệu bí mật Nhà nước thì hành vi tiêu huỷ chỉ bị coi là hành vi che giấu tội phạm, còn nếu tài liệu bị tiêu huỷ lại là tài liệu bí mật công tác thì hành vi tiêu huỷ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, mặc dù hành vi tiêu huỷ là nhằm che giấu tội phạm.

 A2. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 

 Tội phạm này cũng gần giống với tội làm gán điệp và tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định ở các điều 80 và Điều 263 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, tội phạm này nhà làm luật quy định tới ba hành vi phạm tội khác nhau, nên không phải hành vi phạm tội nào cũng có điểm gần giống với tội phạm quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự mà chỉ có một số hành vi. Ví dụ: Chỉ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác nhằm cung cấp cho nước ngoài để nước ngoài sử dụng chống nước chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 80 Bộ luật hình sự mới tương tự với hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác quy định tại Điều 286 Bộ luật hình sự. 

  Riêng hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định ở Điều 263 Bộ luật hình sự, thì lại hoàn toàn tương tự với hành vi của tội phạm này, chỉ khác nhau ở chỗ: Người phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước là người không có chức vụ, quyền hạn hoặc nếu là người có chức vụ, quyền hạn thì những bí mật nhà nước mà họ làm lộ không liên quan đến nhiệm vụ của họ, ngược lại người phạm tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là người có chức vụ, quyền hạn, những bí mật công tác mà họ làm lộ bao giờ cũng liên quan đến nhiệm vụ của họ.

1b. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

 Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, chủ thể của tội “chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này có ý nghĩa phân biệt với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

Mặc dù chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biêt, nhưng điều khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm, nếu vụ án có đồng phạm thỉ chỉ yêu cầu người thực hành phải là người có chức vụ, quyền hạn, còn những người đồng phạm khác không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

2b. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm 

Cũng như đối với khách thể của tội cố ý làm lộ bí mật công tác, khách thể của tội chiếm đoạt, mua bán và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo mật của Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, thậm chí gây ra tác hại rất lớn, để người khác lợi dụng chống lại chế độ, gây mất đoàn kết hoặc đối phó với các chủ trương chính sách trước khi được thi hành.

Đối tượng tác động của tội phạm này được nêu ngay trong cấu thành tội phạm, đó là: tài liệu bí mật công tác, nhưng được gắn liền với công tác của cơ quan, tổ chức. Các tài liệu bí mật công tác bao gồm các tài liệu được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các tài liệu bí mật của các cơ quan, tổ chức được Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan, tổ chức đó. (xem đối tượng tác động đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác).

3b. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm 

a2. hành vi khách quan 

Điều luật quy định ba hành vi khách quan, đó là: Chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác; mua bán tài liệu bí mật công tác và tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác.

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác

Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác cũng tương tự như hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội xâm phạm sở hữu, chỉ khác ở chỗ đối tượng chiếm đoạt không phải là tài sản mà là tài liệu bí mật công tác. So với hành vi chiếm đoạt tài sản, thì hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác được người phạm tội thực hiện bằng nhiều thủ đoạn hơn hành vi chiếm đoạt tài sản quy định trong chương các tội phạm xâm phạm sở hữu. 

Người phạm tội chiếm đoạt bí mật công tác vì là người có chức vụ, quyền hạn nên thông thường hành vi chiếm đoạt được thực hiện bằng hình thức lợi dụng chức vụ, quyền hạn nên có thể coi hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác là hành vi tham ô tài liệu bí mật công tác. Nếu người không có chức vụ, quyền hạn hoặc nếu có nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài liệu bí mật đó thì lại thuộc trường hợp quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự. 

Tuy nhiên, ngoài hành vi tham ô, người phạm tội có thể còn có những thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác như: cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, công nhiên chiếm đoạt, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt ằng những thủ đoạn trên thì cũng phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì mới là hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác.

Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác

Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác cũng như hành vi mua bán hàng hoá, nhưng mua bán tài liệu bí mật công tác là hành vi đã bán tài liệu bí mật công tác mà mình có trách nhiệm bảo quản, gữi gìn; mua, xin, nhặt được hoặc chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác để bán lại cho người khác; tàng trữ nhằm mục đích bán lại; vận chuyển để bán hoặc vận chụyển giúp cho người mua bán các tài liệu bí mật công tác. 

Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác khác với hành vi mua bán hàng hoá và hành vi mua bán tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự  ở chỗ: Hành vi mua bán tài liệu bí mật công tác chỉ những người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua bán tài liệu bí mật công tác.

Hành vi tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác 

 Tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là huỷ hoạt hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu bí mật công tác làm cho tài liệu đó mất giá trị không sử dụng được nữa như: đốt cháy, xé bỏ, xoá bỏ các dữ liệu trong máy tính, phá hỏng máy móc có chứa các tài liệu bí mật công tác. Hành vi này cũng tương tự như hành vi tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 263 nhưng khác ở chỗ: Người thực hiện hành vi tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ quyền hạn để tiêu huỷ tài liệu bí mật có liên quan đến nhiệm vụ của mình.

b2. Hậu quả

Hậu quả của hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho cơ quan, tổ chức và cho con người.

Cũng như đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. chỉ cần người phạm tội có hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của tội phạm vẫn rất cần thiết, dù nó không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, vì hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác nếu đã gây ra hậu quả thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả; nếu hậu quả gây ra lại là nghiêm trọng, thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật. 

4b. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm 

Tuy điều văn của điều luật chỉ quy định mua bán, chiếm đoạt hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nhưng phải hiểu rằng, người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là người phạm tội thấy trước được hậu quả của hành vi tất yếu hoặc có thể làm lộ bí mật công tác, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả đó xảy ra. 

B2. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1b. Phạm tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác không có các tình tiết định khung hình phạt 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác. So với tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu lộ bí mật công tác quy định tại khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 286 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, trong khi đó khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Mặt khác, nếu so sánh Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999, thì Điều 286 cũng là điều luật nặng hơn. Vì vậy, đối với hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì không áp dụng khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 286 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ phải đúng quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về loại hình phạt này. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo hoặc áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt ( sáu tháng tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới 3 năm tù.

2b. Cố ý làm lộ bí mật công tác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự 

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác nên đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. 

Những thiệt hại này có thể là thiệt hại về thể chất, vật chất hoặc những thiệt hại phi vật chất.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác, tham khảo các hướng dẫn về gây hậu quả nghiêm trọng đối với một số tội phạm khác, có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng do hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.53

Khoản 2 của điều luật chỉ quy định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu hành vi chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác mà gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật. Đây cũng là vấn đề hạn chế về kỹ thuật lập pháp, không chỉ thấy ở tội phạm này mà còn thấy ở một số tội phạm khác. Trong khi đó, một số tội phạm trong cùng một khoản của điều luật nhà làm luật lại quy định hai trường hợp gây hậu quả khác nhau. Ví dụ: Tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự lại quy định phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hy vọng rằng, khi sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự các nhà làm luật sẽ quan tâm đến sự bất hợp lý này. 

3b. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cố ý làm lộ bí mật công tác

Theo quy định tại khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quy định tại khoản 5 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau: 

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. 

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 3 Điều 286 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”. 

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 286 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. 

No comments:

Post a Comment