26/08/2014
Đào tạo luật của Đức và của Mỹ dưới góc độ so sánh - Bài tập học kỳ Luật So sánh - 8 điểm
A/ PHẦN MỞ ĐẦU:

Mỹ và Đức, hai nước ở hai châu lục khác nhau, một quốc gia bên châu Mỹ, một thì ở Châu Âu. Điểm chung của hai quốc gia là có nển kinh tế phát triển đứng đầu thế giới. Đề cập trên phương diện pháp luật, nước Mỹ tiêu biểu cho dòng họ Common Law, còn nước Đức thì đại diện cho dòng họ Civil Law. Hai quốc gia với hai dòng họ pháp luật khác nhau, liệu dưới góc độ so sánh thì đào tạo luật ở hai nước này có gì giống và khác nhau. Xuất phát từ đây, em xin chọn đề tài: “Đào tạo luật của Đức và của Mỹ dưới góc độ so sánh” làm đề tài nghiên cứu cho bài tập lớn học kỳ này.

B/ NỘI DUNG BÀI TẬP:

I. Điểm giống nhau trong đào tạo luật của hai quốc gia:

Một là: trong phương pháp đào tạp cả hai nước đều chú trọng đào tạo trên cả lý thuyết và thực hành luật ngay ở trường đại học, điều này giúp cho sinh viên có tư duy tốt về luật.

Hai là: ở Mỹ, Đức đều chú trọng, phân tích tư duy pháp lý cho sinh viên trong chương trình đào tạo. Bởi lẽ, khác với các ngành học và môn học khác thì luật là một môn tương đối khó nên đòi hỏi chương trình đào tạo có những nét riêng.

II. Điểm khác nhau trong đào tạo luật của hai quốc gia:

1. Quy trình đào tạo:

Đối với Mỹ, đào tạo luật cũng đồng thời là đào tạo nghề luật. Nghĩa là bên cạnh những kiến thức về luật học thì sinh viên còn được học về các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng tư vấn, tranh tụng,… Nhưng ở nước Đức lại khác, đào tạo luật không đồng nghĩa với đào tạo nghề luật. Nước Mỹ kết hợp đào tạo luật và nghề luật trong cùng một cơ sở và trong một thời gian. Còn Đức, quá trình đào tạo chia làm hai đoạn đồng nghĩa với những khoảng thời gian khác nhau. Cụ thể: giai đoạn đầu, các sinh viên luật sẽ phải học trong một khoảng thời gian ít nhất là ba năm rưỡi với các môn học tiền đề: lịch sử các học thuyết pháp luật, lịch sử pháp luật, triết học,… và một số môn mang tính bắt buộc như: luật hiến pháp, luật dân sự, luật hình sự,… trong các trường đại học; giai đoạn sau, đào tạo nghề luật được tiến hành trong vòng hai năm.

2. Đối tượng đào tạo:

Việc đào tạo luật ở Mỹ là đào tạo sau đại học, sinh viên luật là những người đã tốt nghiệp đại học – có bằng cử nhân một môn khoa học bất kỳ. Việc lựa chọn đối tượng đào tạo của Mỹ rất khắt khe, thường chọn những sinh viên thật sự xuất sắc. Những người trúng tuyển sẽ học 3 năm tại khoa luật để lấy bằng J.D (Jurist Doctor) – văn bằng luật cơ bản ở Mỹ. Độ tuổi trung bình cho sinh viên khoa luật tốt nghiệp ở Mỹ là 29 tuổi. 

Khác với Mỹ, ở Đức muốn theo học ngành luật chỉ việc thi tuyển hoặc được xét tuyển vào các trường đại học luật hoặc khoa luật của các trường đại học tổng hợp. Từ thực tế này cho thấy, điều kiện đầu vào của đối tượng đào tạo luật ở Mỹ khắt khe hơn đối tượng đào tạo ở Đức.

3. Mục tiêu đào tạo:

Ở Mỹ, quá trình đào tạo luật nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức hành nghề luật. Sinh viên sau khi kết thúc chương trình đào tạo có thể ra làm việc được ngay. Giảng viên đào tạo các sinh viên thành các luật sư có khả năng thắng kiện trong thực tế hơn là chỉ nghiên cứu suông về luật. Họ đào tạo bằng cách tìm luật, áp dụng luật một cách mềm dẻo, linh hoạt vào thực tiễn. 

Ở Đức sau khi hoàn thành và được cấp bằng cử nhân luật thì người học chỉ có các kiến thức mang tính khoa học hàn lâm nghiên cứu và chưa thể ra làm việc ngay. Nếu muốn hành nghề luật thì người học phải tiếp tục trải qua một quá trình đào tạo nghề luật.

4. Chương trình đào tạo: 

Chương trình cao học luật ở Mỹ bao gồm những kiến thức liên quan đến pháp luật: nội dung các luật của Hoa Kỳ và áp dụng luật. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích cuối cùng của việc đào tạo luật ở Mỹ. Bởi lẽ, hệ thống pháp luật quá nhiều và phức tạp, Mỹ là nước liên bang nên ngoài hệ thống pháp luật liên bang còn có 50 hệ thống pháp luật của bang và quận Columbia. Với hệ thống pháp luật và nhiều quy định cũng như sự thay đổi thường xuyên cho nên các trường luật thường hướng tới việc đào tạo con người có khả năng tư duy, có trình độ lý luận, có khả băng làm việc độc lập. Với mục tiêu này, năm thứ nhất sinh viên bắt đầu chương trình đọc, nghiên cứu luật và các án lệ. Trên cơ sở đó, sinh viên tiến hành viết các bài luận liên quan đến nhận thức pháp luật, giáo viên sẽ giao các đề tài từ dễ đến khó. Năm thứ hai và thứ ba sinh viên tập víết báo cáo liên quan đến công việc của một luật gia (các văn bản của luật sư gửi cho thân chủ, các văn bản của luật sư gửi cho thẩm phán,…). Sinh viên phải nỗ lực trong việc nghiên cứu, tìm tòi, phân tích các văn bản luật cũng như các tình tiết, vụ việc cụ thể để có thể đưa ra quan điểm, ý kiến cũng như cách lập luận thuyết phục nhất. Chương trình đào tạo đặc biệt của Mỹ đặt sinh viên vào vị trí buộc phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu không chỉ các văn bản pháp luật mà còn cả thực tiễn áp dụng những văn bản đó nếu muốn hoàn thành được khoá học.Nó loại bỏ sự thụ động, ỷ lại của sinh viên vào giảng viên.

Còn ở Đức,như đã trình bày ở trên, toàn bộ thời gian đào tạo luật được chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, các sinh viên luật sẽ phải học với các môn học mang tính cơ sở về khoa học luật như: lịch sử các học thuyết pháp luật, lịch sử pháp luật, triết học và các môn luật mang tính chất bắt buộc như: luật hiến pháp, luật dân sự, luật hình sự,… Bên cạnh các môn học mang tính bắt buộc thì cũng có các môn học tự chọn như môn luật về thuế, luật về cộng đồng châu Âu, luật cạnh tranh Trong giai đoạn 2: Pháp luật của Đức quy định một quy trình chung cho đào tạo mọi nghề luật, nghĩa là, các sinh viên luật, sau khi tốt nghiệp đại học có đủ tư cách hoạt động ở mọi nghề luật. Trước đó, họ vẫn phải tham gia tập sự ở tòa án cấp quận hoặc tòa án cấp cao trong thời gian sáu tháng; ở cơ quan công tố ba tháng; ở hội đồng địa phương bốn tháng và bốn tháng tập sự cùng với một luật sư thực thụ. Từ thực tế này cho thấy,chương trình đào tạo của Mỹ thiên về thực hành ngay trong quá trình đào tạo tại trường đào tạo,còn ở Đức kĩ năng này được chú trọng nhiều hơn khi đi thực tập.

5. Học liệu đào tạo:

Trước khi đến lớp các sinh viên phải đọc các tài liệu gồm: các bản án (case method), các văn bản pháp luật, các học thuyết pháp lý liên quan, một số bài viết về kinh tế và xã hội (modified case method).

Khác với Mỹ, ở Đức hầu hết học liệu là hệ thống pháp luật thành văn

6. Phương pháp đào tạo:

Phương pháp giảng dạy pháp luật của Mỹ rất phù hợp với tình hình phức tạp và luôn thay đổi của xã hội Mỹ. Phương pháp đào tọa thiên về thực hành với các bài tập giả định nhằm trang bị cho sinh viên những kĩ năng cần thiết để thắng kiện. Ngoài hai phương pháp giảng dạy chính là phương pháp tình huống, Socratic (giáo sư và sinh viên đối thoại), một phương pháp đang được thử nghiệm hiện nay là phương pháp thực hành trực tiếp (mở các phiên tòa mô phỏng, trong đó sinh viên sẽ là luật sư tranh biện, giáo sư là thẩm phán; các sinh viên phải tham gia tư vấn luật và đại diện cho khách hàng dưới sự theo dõi của luật sư và đồng thời là giáo sư ). Do đó sinh viên Mỹ, sau khi tốt nghiệp trường luật chỉ cần qua một thời gian tập sự ngắn là có thể hành nghề được. 

Đối với phương pháp đào tạo luật ở Đức nhiều khoa luật trên lãnh thổ của Đức đã chú trọng đến việc cân đối giữa hàm lượng lý thuyết và thực tiễn pháp luật trong cơ cấu các môn học. Điều này được minh chứng bằng việc ngày càng có nhiều luật sư và thẩm phán có uy tín được các khoa luật mời đến giảng bài cho sinh viên. Bên cạnh đó, trong hệ thống câu hỏi của các kỳ thi tốt nghiệp giai đoạn thứ nhất, tỷ lệ các câu hỏi về thực tiễn pháp luật ngày càng tăng. 

III. Đánh giá:

Có thể nói, với việc tìm hiểu về các yếu tố trong đào tạo luật của hai nước Mỹ và Đức ta thấy rằng ở Mỹ có nhiều điểm tiến bộ, chặt chẽ và sáng tạo trong đào tạo. Nếu đặt trong sự so sánh tương quan với đào tạo pháp luật ở Việt Nam thì nước ta có thể tiếp thu những tiến bộ và đổi mới trong đào tạo pháp luật. 

Cụ thể, nước ta cần thay đổi chất lượng đầu vào của các trường luật và các khoa luật bởi lẽ điểm tuyển sinh của chúng ta còn thấp vì thế mà chất lượng sinh viên không được cao. Tiếp đến, trong năm thứ nhất, các trường luật nên cho sinh viên được chọn các môn học bắt buộc tùy thuộc vào năng lực. Đổi mới cách dạy của giảng viên cũng là một cách giúp chất lượng đào tạo luật được nâng cao, phương pháp cần thực tế “học đi đôi với hành” và nguồn học liệu cần bổ sung và hoàn chỉnh. 

C/ KẾT LUẬN:

Như vậy, bằng phương pháp so sánh để thấy được những điểm tương đồng và khác biệt trong đào tạo luật ở hai quốc gia phát triển Mỹ và Đức đã giúp ta có cái nhìn tổng quan hơn về cách thức đào tạo luật ở hai nước này. Qua đây, với phương pháp so sánh, Việt Nam chúng ta cũng tiếp thu được rất nhiều điểm tích cực để tham khảo cũng như áp dụng vào thực tế đất nước. Thực hiện được điều này thì hệ thống pháp luật cũng như việc đào tạo luật sẽ đạt được nhiều kết quả.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật so sánh. NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
2. Michael Bogdan, Luật so sánh (bản tiếng Việt). NXB Kluwer, Nostedts Juridik, Tano, 2002.
3. http://www.duhocduc.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=260:dao-tao-luat-va-nghe-luat-o-chlb-duc&catid=53:cac-truong-dai-hoc&Itemid=99.
4. http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_uslegalsystem.html.

No comments:

Post a Comment