27/07/2014
Tiêu chí tổng kết việc thi hành Hiến pháp
Tiêu chí tổng kết việc thi hành Hiến pháp là cơ sở để xác định hiệu quả điều chỉnh của Hiến pháp, mức độ đạt được của Hiến pháp với tính cách là sự biểu thị đặc điểm của các quan hệ xã hội, mức độ phù hợp của nó trong việc ghi nhận, phản ánh và định hướng phát triển các quan hệ xã hội đó. Đồng thời, tiêu chí tổng kết Hiến pháp còn là những đặc trưng, các dấu hiệu của Hiến pháp với tính cách là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn bản có vị trí pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật.

Tổng kết việc thi hành Hiến pháp cần phải thực hiện cả về nội dung và cách thức thể hiện Hiến pháp nên ý kiến chung tại hội thảo là phải xây dựng những tiêu chí cơ bản để đánh giá từng vấn đề.


Các tiêu chí về hình thức thể hiện Hiến pháp bao gồm: (1) tính chặt chẽ, cô đọng, rõ ràng trong từng quy định của Hiến pháp; (2) tính thống nhất trong quan hệ nền tảng giữa Hiến pháp và các ngành luật trong hệ thống pháp luật; (3) tính  lô gíc, thứ bậc giữa các chương, mục, điều, khoản, điểm của Hiến pháp; (4) các quy định của Hiến pháp phải bảo đảm tính hợp lý; mang tính nguyên tắc để có thể tồn tại lâu dài; tránh quy định cụ thể.


Các tiêu chí về nội dung của Hiến pháp, các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo cho rằng cần xác định hai nhóm tiêu chí. Một là, căn cứ vào bản chất và các đặc điểm tiêu biểu của Hiến pháp để đưa ra các tiêu chí đánh giá sự phù hợp của nội dung Hiến pháp với nội hàm của chủ nghĩa hiến pháp. Hai là, nhóm các tiêu chí đánh giá theo từng chế định của Hiến pháp.

Nhóm các tiêu chí đánh giá sự phù hợp của Hiến pháp với nội hàm của chủ nghĩa hiến pháp bao gồm:

Tính dân chủ của Hiến pháp thể hiện trong từng chế định, từng điều của Hiến pháp. Trong đó tập trung vào hai nguyên tắc cơ bản mang tính cốt lõi, đảm bảo sự tồn tại và giá trị pháp lý lịch sử đã được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận, đó là tạo dựng ở Việt Nam một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và triết lý chủ quyền tối thượng thuộc về nhân dân;

Cơ chế cho sự ủy quyền của nhân dân, cơ chế giám sát và kiểm soát được quyền lực. Quyền lực nhà nước có được thông qua cơ chế nhân dân ủy quyền, bảo đảm vai trò của nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Đồng thời, bảo đảm tính chính xác, công khai, hợp hiến trong việc tiếp nhận, tổ chức quyền lực nhà nước. Bên cạnh tính rõ ràng về điều kiện, thời hạn ủy quyền, cũng phải xem xét về cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp, bởi đây là yêu cầu khách quan trong vận hành quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền. Khi tổng kết theo tiêu chí này, cần phải tính đến các đặc trưng của Việt Nam, đó là chế độ một đảng lãnh đạo và quyền lực nhà nước là thống nhất;

Quyền con người, quyền công dân là yếu tố quan trọng của một nền dân chủ, thước đo sự tiến bộ của một bản Hiến pháp, của một chế độ chính trị. Khi tổng kết theo tiêu chí này, không chỉ xem xét riêng chế định “quyền và nghĩa vụ của công dân”, mà còn là sự thể hiện qua nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta trong phát huy và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Nhóm các tiêu chí đánh giá theo từng chế định của Hiến pháp, cụ thể là:

Các tiêu chí về chế độ chính trị thể hiện ở các nội dung: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (cơ sở kinh tế, chính trị, pháp lý của Nhà nước pháp quyền XHCN); xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN (cơ chế bảo đảm và phương thức thực hiện dân chủ gián tiếp, dân chủ trực tiếp); thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (cơ chế phân công, phối hợp; cơ chế kiểm tra, giám sát); về thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo (tổng kết vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng);

Các tiêu chí về chế độ kinh tế thể hiện ở các nội dung: việc tổ chức thực hiện quy định của Hiến pháp về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (xây dựng và hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực hiện chính sách của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế; bảo đảm quyền tự do kinh doanh); việc thừa nhận các loại hình chế độ sở hữu gồm có chế độ sở hữu tư nhân, chế độ sở hữu toàn dân;

Các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ thể hiện ở các nội dung: kết quả thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; thực hiện chính sách nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phát triển nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân; kết quả thực hiện chính sách  khoa học, công nghệ quốc gia; xây dựng nền khoa học, công nghệ tiến tiến.

Các tiêu chí về việc thực hiện chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh thể hiện ở các nội dung: kết quả thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới; phát triển, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Các tiêu chí về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện ở các nội dung: việc thể hóa, tổ chức thực hiện quy định về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các lĩnh vực chính trị; kinh tế; văn hóa-xã hội; tự do dân chủ, tự do cá nhân; cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Các tiêu chí về tổ chức bộ máy nhà nước thể hiện ở các nội dung: tổng kết về cơ cấu tổ chức và kết quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; cơ cấu tổ chức và kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; về phân cấp, phần quyền giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương.

Các tiêu chí về quy trình, thủ tục sửa đổi Hiến pháp: cần tổng kết về chủ thể có thẩm quyền sáng quyền lập hiến; việc chuẩn bị đề nghị và quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Hiến pháp; soạn thảo dự án sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hoặc soạn thảo mới Hiến pháp; lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp; xem xét, thông qua dự án Hiến pháp; công bố Hiến pháp.

Nhìn chung, các nhà khoa học đều cho rằng tiêu chí tổng kết cần đề cập đến cả nội dung lẫn hình thức thể hiện của Hiến pháp. Về nội dung, cần xây dựng tiêu chí tập trung vào các nhóm vấn đề được thể hiện tại các chương của Hiến pháp; về hình thức thể hiện, cần tổng kết về kỹ thuật lập hiến, hình thức văn bản, các chương, mục, điều, khoản, điểm…

Nguồn tin: Viện Nghiên Cứu Lập Pháp

No comments:

Post a Comment