02/07/2014
Phân tích sự ảnh hưởng lẫn nhau của các loại chú ý trong hoạt động học tập của cá nhân - Bài tập nhóm Tâm lý học đại cương
Bài tập Tâm lý học đại cương có đáp án.

Trong các hiện tượng tâm lí, chú ý là một hiện tượng tâm lí độc đáo, nó không phải là một quá trình tâm lí độc lập, cũng không phải là một thuộc tính tâm lí của cá nhân. Chú ý là một hiện tượng tâm lí luôn xuất hiện kèm theo các hoạt động, cũng như luôn có mặt trong các quá trình nhận thức của cá nhân, làm cho chúng diễn ra với những sắc thái khác nhau. Vì thế chú ý là một biểu hiện đặc trưng của trạng thái tâm lí. Do đó bài viết sau xin tìm hiểu về chú ý thông qua một ví dụ sau:

“Một em học sinh rất hiếu động, ngồi trong lớp luôn quay ngang quay ngửa và không chịu nghe cô giáo giảng. Cô giáo nói với cậu ta: “Em chẳng chú ý gì cả!”. Một em khác thì mải suy nghĩ, em nhớ lại quyển sách mà em yêu thích và cũng không chịu nghe cô giáo giảng bài. Cô giáo nói với cậu ta: “ Em chẳng chịu chú ý gì cả”.

Gọi tên các loại chú ý ở hai em học sinh trong trường hợp trên. Hãy phân tích sự ảnh hưởng lẫn nhau của các loại chú ý trong hoạt động học tập của cá nhân.

B) PHẦN THÂN BÀI

I) Một số lý luận chung về chú ý

1. Định nghĩa

Chú ý là sự tập chung của hoạt động tâm lý vào một hoặc một số đối tượng nào đó, nhằm phản ánh chúng một cách đầy đủ, rõ ràng nhất.

2. Vai trò của chú ý

Chú ý giữ một vai trò rất quan trọng trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.

Chú ý là điều kiện để hoạt động nhận thức diễn ra dưới các cấp độ khác nhau. Chú ý giúp ta tiếp cận, nắm bắt được đối tượng và làm tăng hiệu quả của hoạt động nhận thức . Những đối tượng nào được người ta chú ý, sẽ được tri giác và được ghi nhớ rõ rang, đầy đủ hơn. Do đó, chú ý trở thành cái nền của hoạt động nhận thức giúp chi hoạt động nhận thức đạt kết quả tốt. Khi đánh giá vai trò của chú ý, nhà sư phạm học người Nga K.D.Usinxki cho rằng, chú ý chính là cánh cửa mà mọi sự vật của thế giới xung quanh muốn đi được vào tâm hồn mỗi con người, đều phải đi qua nó. 

Đồng thời, trong hoạt động thực tiễn, sự chú ý đến các thuộc tính căn bản nhất của sự vật,hiện tượng giúp ta cân nhắc đến các thuộc tính ấy một cách tốt nhất. Qua đó, tổ chức hoạt động thực tiễn phù hợp với đặc điểm của hoàn cảnh và nhiệm vụ đề ra trước mỗi con người.

Ngoài ra, chú ý còn thể hiện một cách gián tiếp các đặc điểm tâm lí của mỗi cá nhân như: nhu cầu, hứng thú…Vì thế, thông qua chú ý.con người còn tự thể hiện, tự bộc lộ bản thân mình.

3. Các loại chú ý

1.1. Căn cứ vào tính tích cực của con người trong việc tổ chức chú ý có thể chia chú ý thành ba loại: chú ý không chủ định, chú ý có chủ định và chú ý sau chủ định.

Chú ý không chủ định: là sự tập chung ý thức lên một đối tượng nhất định khi có sự tác động kích thích của đối tượng đó.

Đây là một trạng thái chú ý không định trước, không theo một kế hoạch và mục đích nào cả. Trạng thái chú ý được tạo nên do các nguyên nhân bên ngoài gây nên hoặc do các đặc điểm nào đó của đối tượng tác động vào con người ở tại một thời điểm nhất định. Chú ý không chủ định có thể xuất hiện phụ thuộc vào những đặc điểm sau đây của kích thích: 

- Tính chất mới mẻ, snh động bất thường.

- Cường độ kích thích.

- Độ hấp dẫn của vật kích thích.

- Sự bắt đầu hoặc kết thúc một kích thích.

Chú ý có chủ định: là sự điều chỉnh một cách có ý thức sự tập chung lên một đối tượng nào đó nhằm thỏa mãn những yêu cầu của hoạt động.

Đặc điểm nổi bật của chú ý có chủ định là tính mục đích. Khi tham gia vào hoạt động con người luôn đặt ra những mục đích cần thiết phải thực hiện. Do bản thân xác định được mục đích của hành động, không phụ thuộc vào đối tượng mới lạ hay quen thuộc, có cường độ kích thích mạnh hay yếu, hấp dẫn hay không. 

Đặc điểm nổi bật thứ hai của chú ý có chủ định là phải có sự nỗ lực của ý chí. Nhờ có sự nỗ lực ý chí mà ta duy trì được sự tập chung chú ý trong thời gian dài mà không bị phân tán. Loại chú ý này mang tính bền vững cao hơn. Tuy nhiên vì phải có sự nỗ lực, tập chung nên sẽ gây nên một trạng thái căng thẳng, mệt mỏi nếu tập trung chú ý trong thời gian dài. Chú ý có chủ định phụ thuộc vào một loại những yếu tố sau:

- Trong quá trình nhận thức có sự tham gia của hành động thực tiễn. Ví dụ: vừa nghe giảng vừa ghi chép bài.

- Quang cảnh nơi làm việc.

- Trạng thái tâm lý cá nhân.

Chú ý sau chủ định: là sự tập trung ý thức tới một đối tượng mà đối tượng đó có ý nghĩa nhất định với cá nhân.

Chú ý sau chủ định xuất hiện sau khi đã hình thành chú ý có chủ định. ở chú ý sau chủ định, đối tượng mà chú ý hướng tới gây nên cho cá nhân hứng thú đặc biệt. Do vậy, chú ý được duy trì mà không cần có sự tham gia của ý chí. Vì thế nó không gây nên trạng thái căng thẳng trong tâm trí cá nhân.

1.2. Căn cứ vào đối tượng mà chú ý hướng tới ta có thể phân chia chú ý thành hai loại: chú ý bên ngoài và chú ý bên trong.

Chú ý bên ngoài: là loại chú ý hướng vào các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. Loại chú ý này đòi hỏi phải sử dụng các giác quan ( thị giác, thính giác...). Gồm các kích thích từ bên ngoài thế giới khách quan tác động đến giác quan của con người. Có thể kể đến một số loại kích thích như: kích thích có cường độ mạnh, kích thích có sự mới lạ, hay trật tự sắp xếp, cấu tạo của kích thích.

Chú ý bên trong: là loại chú ý gắn liền với ý thức của cá nhân đối với hành động của mình, đối với thế giới nội tâm và với ý thức bản ngã của cá nhân đó. Đối tượng của chú ý bên trong là những cảm xúc: những hồi tưởng, những suy tư… của cá nhân. Chú ý bên trong chỉ có ở con người, không có ở động vật vì chúng không có ý thức đối với thế giới nội tâm của chúng.

II) Xét ví dụ cụ thể

1. Gọi tên chú ý có trong ví dụ trên

Việc căn cứ vào đối tượng mà chú ý của chúng ta hướng tớ mà chia thành hai loại là chú ý bên ngoài và chú ý bên trong. Trong ví dụ trên đối tượng mà chủ thể hướng tới là bài giảng của cô giáo, những kiến thức mà cô nói. Từ tình huống cố giáo đưa ra ta có khẳng định như sau:

Tình huống 1. Cô giáo nói với cậu ta: “ Em chẳng chú ý gì cả”. Loại chú ý mà cô nhắc  tới là chú ý bên ngoài. Đây là loại chú ý cần các giác quan của cậu học trò này như thính giác để nghe giảng, thị giác để nhìn lên bảng và chép bài.  Vì cậu học sinh này rất hiếu động nên mọi thứ xung quan khiến cậu ta chú ý. Đó là kích thích có sự mới lạ như bạn bè xung quanh của cậu ta hay những đồ vật của bạn bè,.. tạo lên sự hứng thú trong cậu học trò đó. Những sự vật hiện tượng tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Cậu ta chịu sự tác động bên ngoài chính vì vậy tạo ra sự chú ý bên ngoài.

Tình huống 2: Cô giáo nói với cậu ta: “Em chẳng chịu chú ý gì cả”. Loại chú ý mà cô giáo sử dụng là chú ý bên trong. Đây là loại chú ý gắn liền với ý thức của bản thân, đối với thế giới nội tâm và với ý thức bản ngã của cá nhân đó. Đối tượng trong trường hợp này khác với loại đối tượng của chý ý bên ngoài là những tưởng tượng, những suy nghĩ, hồi tưởng,…về sự vật hiện tượng nào đó và sự vật, hiện tượng này hiện diện trong suy nghĩ của cá nhân không tồn tại bên ngoài vậy cậu học trò này suy nghĩ, hồi tưởng lại quyển sách mà cậu ta yêu thích, chính cái suy nghĩ về quyển truyện đó chi phối mọi suy nghĩ đến bài giảng của cô giáo khiến cậu ta không chịu tập chúng, tức là dùng ý chí để điểu khiển suy nghĩ về quyển truyện tranh đó.

Trong quá trình học tập thì chúng ta cần trách những yếu tố bên ngoài làm ảnh hưởng đến quá trình học tập, đừng để chú ý bên trong bị chi phối. Có như vậy công việc học tập của mình mới có hiệu quả. Ví dụ Để luyện được sự chú ý trong học tập thường tìm những nơi ồn ào để luyện, sao cho đừng để những yếu tố bên ngoài khách quan như âm thanh, hình ảnh…tác động vào sự tập trung của chúng ta. Hay việc kìm nén, điều khiển suy nghĩ, hồi tưởng về sự vật sự việc mà chúng ta thích, hay quan tâm, để ý… để tập trung trong học tập.

2. Sự ảnh hưởng lẫn nhau của các loại chú ý trong hoạt động học tập của cá nhân

2.1 Chú ý bên ngoài và chú ý bên trong có quan hệ chặt chẽ và thường đi đôi với nhau

Chú ý bên trong và chú ý bên ngoài có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và thường đi đôi với nhau. Điều đó cũng dễ hiểu vì chú ý bên ngoài là loại chú ý hướng vào các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, loại chú ý này đòi hỏi phải sử dụng các giác quan còn chú ý bên trong là loại chú ý gắn liền với ý thức của cá nhân đối với hành động của mình, đối với thế giới nội tâm và với ý thức bản ngã của cá nhân đó, đối tượng của chú ý bên trong là những cảm xúc, những hồi tưởng, những suy tư... của cá nhân. Mà khi chú ý đến một vấn đề, một việc nào đó, thì con người thường kết hợp giữa nhận thức cảm tính, hành động và suy nghĩ, tưu duy, có lúc đem hết tình cảm và lòng tin vào việc mình đang làm. Để hiểu rõ hơn về điều này, em xin lấy ví dụ sau: Đầu tháng, mỗi lần nhận được tiền chu cấp từ bố, tôi thường cùng bạn đi ăn những món ăn ngon ở những cửa hàng đẹp. Đến cuối tháng, khi hết tiền, mối lần đi ngang qua những quán đó, nhìn thấy những món tôi thích, nhìn các bạn ngồi ăn bên trong, tôi lại nhớ đến những ngày đầu tháng, khi  tôi có đủ tiền và cũng được ngồi ăn như các bạn bây giờ. Hay một ví dụ khác, trong học tập, mỗi khi gặp một vấn đề mà các bạn cùng lớp ai cũng hiểu được, biết cách phải làm nó như thế nào chỉ riêng tôi là không hiểu được nó, tôi thường thấy rất khó chịu, tôi bắt đầu  rất quan tâm, chú ý đến nó, luôn tìm mọi cách để hiểu nó, thậm chí tôi còn dành hết thời gian, tâm tư để suy nghĩ về nó, để tìm cho ra được đáp án mà tôi muốn.

Sở dĩ chú ý bên ngoài phụ thuộc vào cường độ kích thích, sự mới lạ, hấp dẫn của kích thích là vì có sự ảnh hưởng của các hiện tượng tâm lý và sinh lý thần kinh khác như hứng thú, nhu cầu , cảm xúc, suy tư, tình cảm....(chú ý bên trong).  Ví dụ: khi nghe thấy một tiếng nổ lớn, tôi bắt dầu suy nghĩ ngay là tiếng nổ đó phát ra từ đâu, nguyên nhân làm xuất hiện tiếng nổ đó. Do đã từng phải chứng kiện một vụ nổ xe, nên mỗi lần nghe thấy tiếng nổ này tôi lại hooid tưởng đến vụ nổ xe đó và mối lần nghe thấy tiếng nổ là tôi lại cảm thấy sợ hãi và khó chịu. 

Chú ý được xem như là một trạng thái tâm lý đi kèm với các hoạt động tâm lý khác giúp cho hoạt động của con người đạt hiệu quả. Đối tượng của chú ý là đối tượng của hoạt động mà nó đi kèm, vì thế, chú ý được coi là cái nền, cái phông, là điều kiện của hoạt động có ý thức, chú ý được ví như cánh cửa duy nhất mà qua đó những gì của thế giới khách quan nhập vào tâm hồn con người. Đặc biệt, chú ý tạo điều kiện để hoạt động nhận thức diễn ra một cách tốt nhất. Muốn nhận biết và hiểu được một sự vật, hiện tượng tồn tại ở thế giới khách quan, trước tiên bạn phải quan tâm, phải chú ý đến sự vật, hiện tượng đó. Sau đó mới bắt đầu đi vào nghiên cứu, tìm hiểu nó để có thể nhận thức đúng đắn nhất về sự vật, hiện tượng đó. Đôi khi, do không chú ý mà con người không nhận thức được những gì diễn ra xung quanh. Ví dụ, khi tôi muốn hiểu sâu hơn về môn tâm lý học hay một môn học nào đó, tôi phải quan tâm, phải cảm thấy yêu thích, đam mê với môn học đó thì tôi mới đi vào tìm kiếm, nghiên cứu  về môn học. Có như vậy thì tôi mới hiểu được về môn học đó. Hay vì tôi là người không thích và không có niềm đam mê đến các tin tức thời sự, tôi không bao giờ biết cũng  như quan tâm xem chương trình thời sự phát sóng lúc nào, trên kênh nào. Vì thế mà tôi không bào giờ biết đến hay nhận thức được các sự kiện “hot” đã, đang hay sắp xảy ra trong cuộc sống của tôi.

Có một quy luật sau đây mà có lẽ ai cũng biết và từng một lần trãi nghiệm, đó là: “khi không chú ý đến một cái gì đó thì dù nó có hiện ra ngay trước mắt hay văng vẳng bên tai thì ta cũng sẽ không nhớ đến nó”.  Việc không nhớ khiến hoạt động nhận thức của bạn về sự vật, hiện tượng đó bị hạn chế, thậm chí trở nên sại lệch hoặc bạn không biết hiểu về nó như thế nào. Ví dụ: khi tôi đi học, nếu ngồi trong lớp, tôi không chú ý đến việc giảng bài của giảng viên mà chỉ chú ý vào việc nghịch điện thoại, lên facebook, chơi game..., buôn chuyện với bạn bè.... thì tôi sẽ không thể nào nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh: bạn bè đang làm gì, giảng viên đang nói về nội dung gì, bài học hôm nay liên quan đến những vấn đề nào... Việc không chú ý đó làm cho nhận thức, hiểu biết của tôi về bài học là không cao mà nói đúng ra là không biết gì về bài học ngày hôm đó. 

2.2 Chú ý bên ngoài và chú ý bên trong đôi khi lại kìm hãm lẫn nhau

Chú ý bên trong gắn liền với ý thức của mỗi cá nhân đối với hành động của mình, đối với thế giới nội tâm và với ý thức bản ngã của cá nhân đó. Đối tượng của loại chú ý đó là những cảm xúc, những hồi tưởng, những suy tư... của cá nhân. Chú ý bên trong và chú ý bên ngoài có quan hệ chặt chẽ và thường đi đôi với nhau. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng như vậy, có những công việc chỉ đòi hỏi sự tập trung bên ngoài mà không cần đến chú ý bên trong. Và ngược lại, có những công việc chỉ đòi hỏi bạn chú ý bên trong mà không cần sử dụng đến chú ý bên ngoài. Lúc này, hai loại chú ý luôn kìm hãm lẫn nhau, vì thế sẽ rất khó khăn nếu như cùng một lúc tập trung chú ý cả hiện tượng bên ngoài lẫn hiện tượng bên trong.

Lấy một ví dụ trong lĩnh vực học tập quen thuộc của các bạn học sinh, sinh viên, như ta đã được biết, chú ý bên ngoài là do thế giới khách quan tác động vào các giác quan . Như vậy, việc ta tiếp thu bài giảng của các thầy cô hàng ngày trên lớp chính là ta đã sử dụng chú ý bên ngoài. Kích thích khiến chúng ta chú ý đến là giọng nói của thầy cô, hình ảnh thầy cô, những bài giảng mà thầy cô truyền đạt.  Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn nếu bạn vừa suy nghĩ về một vấn đề nào đấy đã từng sảy ra, một câu chuyện vui, buồn, một kỷ niệm đẹp của tuổi thơ và bên ngoài lại vừa tập trung nghe thầy cô giảng bài, tiếp thu kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Dù bạn có cố gắng đến đâu thì hiệu quả học tập cũng không thể cao như khi trong đầu bạn không suy nghĩ về vấn đề nào khác ngoài việc suy nghĩ về bài giảng và tiếp thu kiến thức. Như vậy, chú ý bên trong trong trường hợp này đã gây ra sự kìm hãm, làm giảm hiệu quả tiếp thu chú ý bên ngoài của chúng ta. 

Quay trở lại ví dụ của bài, cậu học sinh thứ hai do nhớ lại một quyển sách mà cậu đã đọc và yêu thích cho nên không nghe cô giáo giảng bài. Việc cậu học sinh đó nhớ lại quyển sách cậu ta yêu thích có nghĩa là cậu ta đang tập trung vào chú ý bên trong, suy nghĩ về nội dung của cuốn sách mà quên đi việc cần thiết lúc đó là nghe cô giáo giảng bài do đó làm giảm hiệu quả của việc tiếp thu bài. 

Ví dụ liên hệ học tập về đòi hỏi tập trung cao độ vào việc chú ý bên ngoài mà không cần đến chú ý bên trong. Trong buổi học thể dục môn bóng chuyền. Sinh viên cần hướng vào hiện tượng bên ngoài: cụ thể là các kỹ thuật đánh bóng của thầy cô mà thầy hướng dẫn. Để học một môn thể thao mới cũng cần nhiều yếu tố, cần nỗ lực, cần sự chú ý cao. Khác với môn học lý thuyết trên lớp, chúng ta cần dùng sự tư duy của mình để làm bài tập ( chủ yếu là sự chú ý bên trong) thì với môn mang tính vận động chúng ta cần tập trung sự chú ý bên ngoài. Cụ thể đối với bóng chuyền, ta dùng thị giác để nhìn cách thầy cô đánh bóng, dùng chi giác để trực tiếp tác động vào quả bóng...Sẽ rất khó nếu như trong trường hợp này ta cùng một lúc tập trung chú ý tới những hiện tượng bên ngoài và hiện tượng bên trong.

Trong khi tập đánh bóng, mọi chú ý của ta dồn hết vào quả bóng đó, nếu chúng ta không tập trung chú ý bên ngoài, bị phân tâm bởi những suy nghĩ, cảm xúc bên trong ta thì khó có thể đạt được kết quả tốt.

Vì vậy, để tránh tình trạng chú ý bên trong và chú ý bên ngoài kìm hãm lẫn nhau, ta cần nhận thức được công việc nào thì cần chú ý bên trong, công việc nào thì cần chú ý bên ngoài, công việc nào cần chú ý bên trong nhiều hơn bên ngoài và ngược lại… để mỗi công việc chúng ta thực hiện tốt hơn, hiệu quả cao hơn.

C. PHẦN KẾT BÀI


Nhà sư phạm học người Nga K.D.Usinxki cho rằng chú ý là cánh cửa mà mọi sự vật của thế giới xung quanh muốn đi vào tâm hồn của mỗi người đều phải đi qua nó. Chú ý giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Bài viết trên hy vọng sẽ đem lại cho bạn những hiểu biết cơ bản về chú ý.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nghiêm Thu Lệ - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment