11/06/2014
Tín chấp - Bài tập học kỳ Dân sự 2
Tín chấp là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005. Sự góp mặt của các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của các tổ chức tín dụng mà cụ thể là Ngân hàng chính sách xã hội và những hộ gia đình nghèo là dấu hiệu rõ nhất để nhận biết biện pháp bảo đảm này. Ngày nay, tín chấp là biện pháp bảo đảm được dùng khá phổ biến bởi lợi ích kinh tế - chính trị - xã hội mà nó mang lại. Bài làm sau đây sẽ phân tích, làm rõ một số vấn đề về quy định bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội trong Bộ luật dân sự năm 2005

NỘI DUNG

I/ Tìm hiểu chung về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

1/ Khái niệm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.


Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế quốc tế thì các giao dịch dân sự thương mại được xem như một công cụ hữu hiệu giúp cho các chủ thể tìm kiếm được lợi ích của mình . Một nền kinh tế năng động luôn chứa đựng những yếu tố rủi ro và nhận biết được chúng, khắc phục và ngăn chặn những rủi ro ngay từ những giao dịch được kí kết là một cách làm khôn ngoan và chủ động mà các nhà làm luật đã dự phòng thông qua việc thiết kế quy định pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. 


Pháp luật dân sự chưa quy định cụ thể thế nào là bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, trong thực tế, khái niệm “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự” được hiểu trên hai phương diện:  

- Về mặt chủ quan: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là sự quy định của pháp luật, cho phép các chủ thể trong giao dịch dân sự hoặc các quan hệ dân sự khác áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo đảm cho một nghĩa vụ chính được thực hiện, đồng thời xác định và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong các biện pháp đó.

- Về mặt khách quan: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là việc thỏa thuận giữa các bên nhằm qua đó đặt ra các biện pháp tác động mang tính chất dự phòng để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ, đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra.

2/ Mục đích của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Trong thực tế, việc xác lập và thức hiện các giao dịch dân sự trước hết là dựa vào sự tự giác của các bên. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai khi tham gia giao dịch đều có thiện chí trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của mình. Trong một quan hệ nghĩa vụ, người có quyền được chủ động yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của họ hoặc không được thực hiện một công việc nhất định và chỉ khi nào công việc đó được thực hiện đúng, thì người có quyền mới thỏa mãn lợi ích của mình. Tuy nhiên, về cách thức biện pháp thực hiện nghĩa vụ dân sự và việc thực hiện hay không, thực hiện như thế nào lại phụ thuộc vào hành vi của người có nghĩa vụ. Vì vậy mà các trong quan hệ nghĩa vụ, nhiều khi vẫn không bảo đảm đươc quyền lợi của người có quyền nếu người vi phạm nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên có quyền có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế, buộc bên vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ. Mặc dù vậy nhưng nhiều khi vẫn không đảm bảo được quyền lợi của người có quyền nếu người vi phạm nghĩa vụ không có khả năng thực hiện hoặc vì các lý do khách quan khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cả hai bên.

Từ thực tiễn, chúng ta thấy rằng, quy định các biện pháp bảo đảm trong pháp luật nói chung và trong Bộ luật dân sự năm 2005 là điều cần thiết, đã khắc phục được rủi ro cho bên có quyền và tạo cho bên có quyền thế chủ động trong thực tế hưởng quyền dân sự.

Như vậy, mục đích của các biện pháp bảo đảm là nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, đảm bảo cho việc thức hiện nghĩa vụ, đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra.

3/ Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Theo pháp luật dân sự hiện hành, có 7 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Đó là: Cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; đặt cọc; ký cược; ký quỹ; bảo lãnh và tín chấp. Phụ thuộc vào nội dung, tính chất của từng quan hệ nghĩa vụ cụ thể, cũng như phụ thuộc vào điều kiện của các chủ thể tham gia quan hệ ấy mà mỗi một biện pháp đảm bảo mang một đặc điểm riêng biệt.

Bài làm sau đây chỉ đề cập tới những vấn đề của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thứ bảy: Tín chấp

II/ Tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội – biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005

1/ Khái niệm tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội.

1.1/  Khái niệm tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo từ điển Tiếng Việt, “tín chấp là vay tiền bằng sự tín nhiệm, không thế chấp tài sản”.  Ở đây có nghĩa là tín chấp được nhắc tới là một loại hình tín dụng của các ngân hàng chứ không phải dưới góc độ một biện pháp bảo đảm dân sự. Theo cách hiểu này, tín chấp là một hình thức vay tiền ngân hàng mà trong hình thức này, sự tín nhiệm hay là uy tín được xem là một sự bảo đảm để vay tiền mà không cần có tài sản đưa ra để thế chấp. Như vậy, xét vay tín chấp, ta thấy bên cạnh hợp đồng vay tiền bằng tín chấp ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác luôn luôn là một sự bảo đảm bằng uy tín, sự tín nhiệm của cá nhân hay tổ chức nào đó, không chỉ có tổ chức chính trị -  xã hội. Sự bảo đảm bằng uy tín, sự tín nhiệm của cá nhân hay tổ chức nào đó chính là biện pháp bảo đảm bằng tín chấp. Như vậy:

- Tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là một loại của tín chấp.

- Uy tín, sự tín nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội là sự bảo đảm trước ngân hàng, tổ chức tín dụng để vay tiền.

Về khái niệm Tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội, Bộ luật dân sự năm 2005 không nêu rõ khái niệm mà chỉ quy định: “Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ”. Còn NĐ 163/2006/ NĐ – CP xây dựng khái niệm tín chấp như  sau: “Tín chấp là việc tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ”. 

Từ các vấn đề trình bày ở trên, có thể xác định được:

- Tín chấp có phạm vi rộng hơn  tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

Luật không quy định, nhưng có khá nhiều tổ chức vay tín chấp bằng tín chấp. Sự khác nhau cơ bản để phân biệt tín chấp trong các trường hợp này chính là “sự tín nhiệm”của “ai” được “dùng” để vay tiền. Như chúng ta đã biết, có nhiều đối tượng được bảo đảm bằng tín chấp để người có nhu cầu vay vốn được vay vốn, cụ thể là các cá nhân có uy tín, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị -  xã hội, các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp… 

- Tín chấp và vay tín chấp là hai khái niệm khác nhau

Hai khái niệm này rất dễ bị sử dụng nhầm, bởi thoạt nghe thì rất giống nhau. Có thể phân biệt như sau: “Tín chấp” là một biện pháp bảo đảm để vay tiền ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng còn “vay tín chấp” là một hình thức tín dụng, trong đó áp dụng biện pháp bảo đảm là tín chấp – lấy uy tín để thế chấp.

- Tín chấp không phải là vay không có tài sản bảo đảm

Nếu không tìm hiểu rõ ràng và thiếu cẩn trọng trong cách hiểu, sẽ dẫn tới việc đồng nhất hai khái niệm này bởi chúng có điểm giống nhau là đối tượng hướng tới là một khoản tiền (trong tín chấp, bằng uy tín của cá nhân, tổ chức nào đó mà người có nghĩa vụ được vay một khoản tiền; trong vay không có tài sản bảo đảm, người có nghĩa vụ vay một khoản tiền mà không có tài sản bảo đảm). 

Có thể phân biệt tín chấp với vay không có tài sản bảo đảm một cách đơn giản là: tín chấp là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 còn vay không có tài sản bảo đảm là một dạng cấp tín dụng.

1.2/ Bản chất tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

Bàn về bản chất của tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội được xem xét dưới các góc độ:

- Về góc độ xã hội: Tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội là việc Nhà nước thực hiện chính sách cho vay ưu đãi với mục đích hỗ trợ để các hộ gia đình nghèo tiến đến thoát nghèo (tính xã hội).

- Về góc độ kinh tế: Trong tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tín dụng cho hộ gia đình nghèo vay tiền bằng uy tín của tổ chức chính trị - xã hội cũng là một trong những hoạt động kinh doanh tiền tệ - hoạt động thường xuyên của tổ chức tín dụng (tính kinh tế).

Xét về bản chất, tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội phản ánh chính sách hỗ trợ tín dụng của Nhà nước với các cá nhân, hộ gia đình nghèo nên không phù hợp với việc cho vay theo cơ chế thị trường của các ngân hàng thương mại.

1.3/ Mục đích của tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

Như đã nói ở trên, đối tượng của tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội là những cá nhân, hộ gia đình nghèo. Nếu áp dụng cơ chế tín dụng thông thường ở các ngân hàng thương mại thì để họ có thể vay vốn cũng là điều rất khó. Tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội được đặt ra, với mục đích thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

2/ Cơ sở để quy định tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là một biện pháp bảo đảm

Bộ luật dân sự năm 1995 không quy định riêng tín chấp của các tổ chức chính tri – xã hội là một biện pháp bảo đảm mà chỉ quy định việc bảo lãnh bằng tín chấp  của tổ chức chính trị - xã hội tại điều 376 Bộ luật dân sự năm 1995:

“1. Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo lãnh bằng tín chấp cho cá nhân và hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền nhỏ tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dung để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.

2. Việc cho vay có bảo lãnh bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền và nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm”.

Như vậy, bản chất của biện pháp bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội trong Bộ luật dân sự năm 1995 và biện pháp tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 là giống nhau, chỉ có . những biểu hiện của các biện pháp này là khác nhau ở một số điểm. 

Sở dĩ tín chấp củ các tổ chức chính trị - xã hội được tách ra từ biện pháp bảo đảm là bảo lãnh vì tuy tín chấp và bảo lãnh có điểm giống nhau nhưng cũng có sự khác nhau cơ bản, cần phân biệt chúng:

- Sự giống nhau giữa tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội và bảo lãnh: Tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội và bảo lãnh đều là biện pháp bảo đảm có liên quan đến người thứ ba. Người thứ ba trong bảo lãnh là người bảo lãnh, trong tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức chính trị - xã hội. 

- Sự khác nhau giữa tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội và bảo lãnh: Trong bảo lãnh, bên bảo lãnh (người thứ ba) có cam kết với người nhận bảo lãnh (người có quyền) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh (người có nghĩa vụ) nếu đến hạn mà nghĩa vụ bị vi phạm. Trong tín chấp, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ bảo đảm để vay vốn bằng uy tín của họ; khi người vay vốn (người có nghĩa vụ) không thực hiện nghĩa vụ thì các tổ chức chính trị - xã hội không phải thực hiện nghĩa vụ thay các thành viên trong tổ chức mình, mà chỉ phải tiến hành các hoạt động cần thiết để đảm bảo khả năng trả nợ cao nhất cho các thành viên của tổ chức mình mà thôi.

Một số ý kiến cho rằng các nhà làm luật không nên quy định tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là một biện pháp bảo đảm vì mặc dù quy định có sự bảo đảm của tổ chức chính trị - xã hội nhưng trách nhiệm bảo đảm về vật chất, tài sản của biện pháp này hoàn toàn bằng không; vì thế mà bên bảo đảm không có cơ sở để bảo đảm lợi ích của bên nhận bảo đảm không bị xâm hại. Xoay quanh ý kiến đó, có người cho rằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là một loại quan hệ hoàn toàn mang tính chính trị - xã hội, phi tài sản.

Tuy nhiên, việc tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 là có cơ sở:

Dưới góc độ xã hội:

- Vay vốn bằng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với chính sách của Đảng, Chính phủ về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chính vì vậy mà biện pháp bảo đảm tín chấp cần được giữ lại và tách ra thành một biện pháp bảo đảm riêng biệt. Có như vậy, mới thể chế hóa chính sách của Đảng, Chính phủ và đi vào thực hiện trên thực tế.

- Việc quy định tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự  hoàn toàn phù hợp với truyền thống dân tộc:

+ Thứ nhất, nhân dân Việt Nam rất coi trọng uy tín, coi trọng niềm tin và sự tín nhiệm lẫn nhau. Tín chấp thể hiện rất rõ điều này. Chính vì vậy mà khi được vay vốn, người dân lúc nào coi trọng việc trả nợ như một việc để giữ chữ tín, là một việc để họ đền đáp những người đã giúp họ.

+ Thứ hai, người Việt Nam có truyền thống “tương thân tương ái”. Cũng như trong tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội, mục đích chính là giúp đỡ, tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Dưới góc độ pháp lý:

Các biện pháp bảo đảm thực nghĩa vụ đều có 3 chức năng nói chung: chức năng tác động, chức năng dự phòng, chức năng dự phạt. Ba chức năng này thể hiện trong tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội như sau:

- Chức năng tác động:  Các tổ chức chính trị cũng như sự bảo dảm của các tổ chức này có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới ý thức vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của người vay vốn.

- Chức năng dự phòng: Ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ áp dụng tín chấp nếu người vay vốn là thành viên của tổ chức chính trị - xã hội được phép bảo đảm cho thành viên của tổ chức mình vay vốn.

- Chức năng dự phạt: Các tổ chức chính trị - xã hội phải đôn đốc các hộ gia đình trả nợ, nếu họ không trả nợ được thì các tổ chức chính trị - xã hội đó hoàn toàn chịu trách nhiệm (pháp luật chưa quy định trách nhiệm này).

3/ Đặc điểm – Những điểm đặc thù của biện pháp bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

Các biện pháp bảo đảm, bao gồm cả tín chấp đều mang tính chất bổ sung cho nghĩa vụ chính, không tồn tại độc lập mà luôn phụ thuộc và gắn liền với một nghĩa vụ nào đó. Tín chấp cũng thể hiện điều đó, trong biện pháp bảo đảm này, các tổ chức chính trị -  xã hội chỉ dùng uy tín của mình để vay vốn khi hội viên đủ tiêu chuẩn có nhu cầu vay vốn. 

Tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; tuy nhiên, những đặc điểm chung của các biện pháp bảo đảm của biện pháp này lại không nhiều, bởi  tín chấp có rất nhiều nét đặc trưng cơ bản. Có lẽ bởi những đặc thù đó mà cho tới khi áp dụng tín chấp trong thực tế, vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về vấn đề này.

3.1/ Đối tượng của tín chấp là uy tín của tổ chức chính trị - xã hội. 

* Các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp 

Tổ chức xã hội là hình thức tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có chung mục đích tập hợp hoạt động theo pháp luật và theo điều lệ không vì lợi nhuận nhằm đáp ứng những lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Tổ chức chính trị - xã hội là một loại của tổ chức xã hội, có vai trò trong hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Các tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức gần dân nhất, tiếp xúc với dân hàng ngày, hiểu được hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và có thể đề bạt tâm tư, nguyện vọng đó tới cơ quan chức năng. Vì vậy mà tổ chức chính trị xã hội được chọn để bảo đảm bằng tín chấp vay vốn cho nhân dân.

Các đơn vị cơ sở của các tổ chức chính trị - xã hội sau đây là bên bảo đảm bằng tín chấp:

- Hội nông dân Việt Nam: Là tổ chức rộng rãi của những người làm nông dân. Đây là tổ chức đông đảo, hoạt động khá sôi nổi nhằm liên nâng cao hiệu quả lao động cho nông dân.

- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Là tổ chức của giới nữ, được thành lập nhằm mục đích giúp đỡ nhau trong cuộc sống; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Là tổ chức đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động.

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Là tổ chức xã hội của Thanh niên, nhằm tuyên truyền, giáo dục và thu hút thanh noieen vào những hoạt động lành mạnh.

- Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Là đại diện cho ý chí và quyền lợi của các cựu chiến binh, bảo vệ thành quả cách mang và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự 

- nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân, các dân tộc…

Các tổ chức chính trị - xã hội nêu trên được hình thành trên phạm vi cả nước, có mặt hầu như ở tất cả các địa phương, có ở tất cả các cơ quan từ trung ương tới địa phương. Vì vậy mà tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội được phổ biến và triển khai rộng rãi. 

* Uy tín của các tổ chức chính trị - xã hội

Uy tín được hiểu là tạo được sự tín nhiệm, mến phục của mọi người. Uy tín không dễ mà có. Do vậy, không phải tổ chức chính trị - xã hội nào, ở đâu cũng có uy tín. Mặt khác, uy tín không phải là tài sản, và uy tín cũng không thể cân, đo, đong, đếm, không thể định lượng… mà thông qua năng lực, hoạt động của từng tổ chức chính trị - xã hội trong thực tế cũng như đánh giá của người khác, người ta nhận biết được tổ chức đó có uy tín hay không và uy tín của họ ra sao, ở mức nào.

Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: vật, tiền, giấy tờ có giá, 1 số quyền tài sản là  đối tượng của các biện pháp bảo đảm. Ta thấy, đối tượng của các biện pháp bảo đảm vừa được nêu đều là các lợi ích vật chất mà không phải gì khác. Tuy nhiên, pháp luật cũng không quy định một cách khép kín rằng đối tượng của các biện pháp bảo đảm bắt buộc phải là tài sản. Và tín chấp là một ví dụ, đối tượng bảo đảm của biện pháp bảo đảm này là uy tín - không hề trái với những quy định trước đó về đối tượng của các biện pháp bảo đảm.

Quy luật ngang giá chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, chỉ có lợi ích vật chất mới bù đắp được các lợi ích vật chất. Sự bảo đảm của các tổ chức chính trị -  xã hội không mang lại lợi ích vật chất cụ thể, tức là sự bảo đảm của các tổ chức chính trị -  xã hội ở đây chỉ trên cơ sở của sự tín nhiệm, của lòng tin lẫn nhau. Điều đó phù hợp với phương châm hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng: hoạt động dựa trên cơ sở lòng tin và sự tín nhiệm giữa các bên khách – chủ. Tất nhiên, cũng có sự điều chỉnh để tránh rủi ro cho bên cho vay tiền.

3.2/ Đối tượng của quan hệ nghĩa vụ chính là tiền mà không phải gì khác.

Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ phát triển kinh tế, xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội chỉ được bảo đảm vay tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội mà không phải là các hiện vật khác như thóc, gia súc, gia cầm, phân bón…; cũng không phải là công việc phải thực hiện hoặc công việc không được thực hiện.

3.3/ Tiêu chuẩn của đối tượng áp dụng.

* Cá nhân, hộ gia đình ở mức chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật

Theo quy định taị Bộ luật Dân sự năm 2005 và các quy định pháp luật khác, cá nhân, hộ gia đình được vay vốn bằng tín chấp của các tổ chức chính trị phải là cá nhân, hộ gia đình nghèo. Cá nhân, hộ gia đình được công nhận là hộ nghèo khi đạt chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật được áp dụng trong từng thời kì. Theo quyết định số 170/2005/QĐ – TTg ngày 8/7/2005 của Chính phủ ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010, hộ nghèo là những hộ gia đình:

- Đối với khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng (2.400.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo;

- Đối với khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng (dưới 3.100.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

Cho đến năm 2009, theo chuẩn nghèo trên, cả nước Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu hộ nghèo, đạt tỷ lệ 11% dân số. Như vậy, có khoảng 2 triệu hộ gia đình đang cần được giúp đỡ bằng vốn mà cách vay vốn bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là ví dụ.

* Là thành viên của một trong các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật 

Như vậy, chỉ những hộ gia đình nào đạt tiêu chuẩn hộ gia đình nghèo đã đề cập ở trên mới được vay vốn  bằng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để những hộ gia đình này được vay vốn  bằng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội đó là hộ gia đình phải là thành viên của một trong các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Gia đình anh A có hoàn cảnh rất khó khăn, được công nhận là hộ gia đình nghèo. Gia đình anh A có anh A, vợ và các con. Anh A là thành viên của Hội nông dân xã X. Anh A có quyền được vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất bằng tín chấp của Hội nông dân nơi anh là Hội viên.

Việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý, vì chỉ khi cá nhân, hộ gia đình được vay vốn thuộc sự quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội thì việc đôn đốc, giám sát mới mong đạt được kết quả.

3.4/ Tín chấp không chỉ đơn thuần là sự thỏa thuận giữa các bên mà còn phải theo quy định của Chính phủ.  

Trong số các biện pháp bảo đảm quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005, tín chấp là biện pháp duy nhất không chỉ tuân theo quy định của pháp luật dân sự mà còn phải tuân theo quy định của Chính phủ. Ngay tại Điều 372 Bộ luật dân sư năm 2005 đã quy định rõ điều này.

Sự chỉ đạo của Chính phủ thể hiện ở việc Chính phủ chỉ định các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện việc cho người nghèo vay vốn bằng tín chấp của các tổ chức chính trị, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức tài chính đó hoạt động có kết quả, quy định cơ chế, hạn mức, thời hạn, lãi suất vay bằng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội… Sự tham gia của Chính phủ trong tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ; đồng thời, tạo niềm tin của người dân vay vốn. Đồng thời, với tính xã hội của tín chấp của các tổ chức xã hội, Chính phủ cần tham gia quản lý ở tầm vĩ mô, để tín chấp đi đúng hướng của nó, tránh lệch lạc về mục đích dẫn đến hậu quả tiêu cực cho xã hội.

3.5/ Hình thức bảo đảm bằng tín chấp

Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.

4/ Quyền và nghĩa vụ các bên trong biện pháp bảo đảm  bằng tín chấp

Tìm hiểu về tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội, cần thiết phải tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia biện pháp bảo đảm này. Vấn đề này được quy định chung tại NĐ 163/2006/NĐ – CP.

4.1/ Quyền và nghĩa vụ bên nhận bảo đảm (các tổ chức tín dụng)

- Quyền của tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ.

- Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ.

4.2/ Quyền và nghĩa vụ bên bảo đảm (các tổ chức chính trị - xã hội) 

Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tín chấp là tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở (cấp xã).

- Nghĩa vụ của tổ chức chính trị - xã hội bao gồm:

+ Xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn tại tổ chức tín dụng đó;

+ Chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; 

+ Giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng. 

- Quyền của các tổ chức chính trị - xã hội: Tổ chức chính trị - xã hội có quyền từ chối bảo đảm bằng tín chấp, nếu xét thấy cá nhân, hộ gia đình nghèo không có khả năng sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và trả nợ cho tổ chức tín dụng.

Nhận thấy, pháp luật chưa quy định trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội khi các cá nhân hộ gia đình nghèo vay vốn mà không trả được nợ. Thật bất ngờ khi cơ quan lập pháp lại bỏ ngỏ nội dung này bởi dường như việc người vay vốn không trả nợ là trường hợp hoàn toàn phải được dự liệu trước. Nói về nguyên nhân vì sao trách nhiệm của các tổ chức xã hội không được đề cập trong luật, theo quan điểm cá nhân, có thể trình bày như sau:

+ Thứ nhất, pháp luật không quy định các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm bằng tài sản để vay tiền cho các hội viên của mình. Vì vậy mà khi người vay tiền là các hội viên đó không trả được nợ, các tổ chức chính trị - xã hội không thể trả nợ thay vì theo như đã thỏa thuận, các tổ chức này chỉ lấy uy tín của mình để vay tiền.

+ Thứ hai, đa số người dân nghèo được vay vốn đều có trình độ hiểu biết kém, nên cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa, mục đích cũng như phương thức cho vay – trả nợ. Việc không quy định trách nhiệm phải trả nợ thay, không quy định trách nhiệm tài sản của tổ chức chính trị - xã hội trong trường hợp người vay vốn không hoàn trả nợ không nằm ngoài mục đích cho chính những người vay vốn không ỷ lại vào tổ chức đã đảm bảo cho họ được vay vốn. 

Giả sử, quy định các tổ chức xã hội phải dùng tài sản riêng của mình để thực hiện thay nghĩa vụ trả tiền cho những người không có khả năng hoàn trả thì chắc chắn hiệu quả của đồng vốn sẽ không cao, người dân không coi trọng việc trả nợ vì có người trả thay cho mình rồi.

+ Thứ ba, nguồn vốn cho vay có biện pháp bảo đảm bằng tín chấp được lấy từ Ngân sách Nhà nước, và việc tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội cũng là thực hiện theo chủ trương, chính sách của Chính phủ nên trách nhiệm tài sản gánh cho Ngân sách hay tài sản của tổ chức chính trị - xã hội thì vẫn gây thiệt hại cho nguồn Ngân sách Nhà nước (tài sản của tổ chức chính trị - xã hội do nhà nước giao sử dụng là chủ yếu).

4.3/ Quyền và nghĩa vụ bên được bảo đảm (các hộ gia đình nghèo)

- Nghĩa vụ bên vay vốn:

+ Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết.

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng và tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra việc sử dụng vốn vay.

+ Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay đúng hạn cho tổ chức tín dụng. 

- Bên được đảm bảo trong tín chấp của các tổ chức xã hội (các hộ gia đình nghèo) có quyền sử dụng vốn vay đúng mục đích là “để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ” theo quy định pháp luật.

III/ Thực trạng pháp luật về tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội hiện nay

1/ Nhận xét về các quy phạm pháp luật quy định về tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội

Các quy phạm pháp luật quy định về tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại Điều 318, Điều 272, Điều 273 Bộ luật dân sự năm 2005; được cụ thể hóa tại Mục 6, Chương V NĐ 163/2006/NĐ – CP và Nghị định 41/2010/NĐ – CP.

Nhìn chung, về tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội đã có quy phạm pháp luật điều chỉnh và đã thực hiện trên thực tế, tuy nhiên, còn bộc lộ những hạn chế như:

1.1/ Chưa có khái niệm chính xác về tín chấp và tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

Đây là một thiếu sót lớn vì khi đưa tín chấp vào áp dụng trong thực tế, trước tiên là cần phải hiểu về nó một cách kĩ lưỡng, từ đó mới tạo cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, các nhà làm luật đang đồng nhất tín chấp và tín chấp của các tổ chức xã hội. Điều này không phù hợp với thực tế vì ta thấy vẫn hiện hình thức vay tín chấp đối với cá nhân mà chính cá nhân đó hoặc tổ chức, cơ quan của họ đứng ra bảo đảm cho vay bằng uy tín của chính cá nhân, tổ chức đó. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng thương mại đều yêu cầu cá nhân có nhu cầu phải đạt được điều kiện nào đó về tài sản (công việc và thu nhập ổn định, có khả năng trả nợ…) nhằm hạn chế rủi ro, hạn chế tối đa trường hợp không thu hồi được vốn. 

Ví dụ: Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) chỉ cho người có nhu cầu vay tiền bằng tín chấp của cơ quan người đó làm việc (cơ quan người có nhu cầu vay tiền trả lương cho nhân viên qua hệ thống ngân hàng hoặc là đối tác của ngân hàng).

Xuất phát từ việc bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay tiền, các ngân hàng và một số tổ chức tín dụng vẫn thận trọng từng bước khi thực hiện hoạt động tín chấp, làm sao để cân bằng giữa chi phí và lợi ích của vay tiền bằng tín chấp mang lại. Với việc cho vay tín chấp có điều kiện về tài sản như đã nói ở trên, việc vay vốn bằng tín chấp của các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn là điều không thể. 

Có thể nói, khái niệm tín chấp trong pháp luật dân sự còn có bất cập, quy định trong Bộ luật dân sự và  NĐ 163/2006/ NĐ – CP bó hẹp tín chấp trong phạm vi hoạt động tín chấp của các tổ chức chính trị xã hội, cần được khái quát hơn, đồng thời cũng phải cụ thể hóa khái niệm tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, theo khái niệm tín chấp đã nêu ở phần trên, có thể hiểu: Tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là việc ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng cho những hộ gia đình nghèo vay tiền bằng sự tín nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội mà không phải thế chấp tài sản.

1.2/ Các quy phạm pháp luật về tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội nằm rải rác trong các văn bản dưới luật. 

Bộ luật dân sự năm 2005 có khá ít quy định về tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội, chỉ có 2 Điều 372, 373. Nghị định 163 có một số quy định cụ thể hơn (từ Điều 49 tới điều 55) tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ. Chưa có văn bản pháp luật nào quy định riêng về vấn đề tín chấp và tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. Một số các văn bản dưới luật khác cũng đề cập đến tín chấp nhưng những quy phạm điều chỉnh trực tiếp đối với tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội là rất ít ( NĐ 41/2010/ NĐ – CP) 

1.3/ Còn ít quy phạm điều chỉnh quan hệ tín chấp giữa các cá nhân, tổ chức liên quan trong tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. 

Quy phạm điều chỉnh quan hệ tín chấp còn ít; mặt khác các quy phạm pháp luật này không được cụ thể hóa, còn chung chung dẫn tới việc còn thiếu một số nội dung trong pháp luật về tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội như: 

- Trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội khi người vay vốn không có khả năng trả nợ. 

- Tiêu chuẩn cho vay tiền bằng tín chấp chưa cụ thể.

Thực tế, chưa chắc tất cả các thành viên lao động trong gia đình đều tham gia một tổ chức chính trị, xã hội. Vì thế mà cần phải giải thích rõ ràng vấn đề “cá nhân, hộ gia đình nghèo được bảo đảm bằng tín chấp” có ý nghĩa như thế nào, khi mọi thành viên của hộ gia đình đó đều phải là thành viên của tổ chức  chính trị - xã hội hay chỉ cần chủ hộ tham gia tổ chức đó… Hay pháp luật cũng không quy định nếu một cá nhân tham gia nhiều tổ chức xã hội có được thực hiện nhiều khoản vay vốn bằng tín chấp hay không…Mặt khác, cũng cần quy định một người đang thực hiện vay vốn bằng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội thì không đạt tiêu chuẩn hộ nghèo nữa thì xử lý như thế nào…

Đó là những thiếu sót mà pháp luật về tín chấp hiện tại đang còn nhiều thiếu sót và gặp khó khăn trong việc thực thi pháp luật.

2/ Hoạt động tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội trên thực tế.

2.1/ Hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong khi nhiều ngân hàng thương mại còn ngập ngừng chưa dám đầu tư hoặc đầu tư không đúng mức đối với khu vực tín dụng nông thôn thì Ngân hàng Chính sách xã hội đã từng bước thâm nhập và cho tới nay, đã thực sự đi vào đời sống của dân nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành công cụ quan trọng, hữu hiệu cùng chung tay góp sức trong công cuộc chiến đấu với cái nghèo và đổi mới diện mạo quê hương đất nước.

Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức giao dịch tại xã, phường theo lịch cố định, đưa hoạt động tín chấp của các tổ chức xã hội tới hần dân, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận trực tiếp với Ngân hàng, thực hiện công khai việc vay vốn và trả nợ, trả lãi của khách hàng.. mang lại cả lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội cho ngân hàng, cho tổ chức chức chính trị xã hội, cho khách hàng và đặc biệt là gắn kết chính quyền cơ sở với người dân.

Có nhiều kết quả như vậy, nhưng cũng những khó khăn lớn về vấn đề  thu hồi nợ. Hàng năm, vẫn xảy ra tình trạng đọng nợ trong dân vì người dân không có khả năng trả nợ. 

2.2/ Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò đặc biệt trong việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp, là đầu nối giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với người được vay vốn. Trên thực tế, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang hoạt động rất tích cực và có hiệu quả, đặc biệt là tín chấp của Hội nông dân, Hội phụ nữ… Với tinh thần giúp đỡ nhau, tổ chức cùng thành viên của mình hầu hết đều có tinh thần trách nhiệm với số tiền đã vay nợ và có ý thức trả nợ.

Bên cạnh đó, còn những cá nhân chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền hoặc cố tình chưa làm tốt khâu xác định đối tượng vay vốn dẫn đến vay vốn sai đối tượng. Ví dụ như những người lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn để được ưu đãi vay tiền bằng tín chấp của các tổ chức chính trị xã hội.

2.3/ Việc sử dụng vốn và trả nợ của người được vay vốn bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng vốn vay bằng tín chấp nhìn chung đã đáp ứng cơ bản cho các hộ đủ điều kiện được vay vốn. Cá nhân, hộ gia đình nghèo được giúp đỡ đồng vốn, được tư vấn kĩ thuật và hỗ trợ phương thức sản xuất, cách làm ăn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nên sử dụng khá hiệu quả, sau 2 hoặc 3 lần vay vốn là cơ bản thoát nghèo. 

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, một số người dân tiếp cận nguồn vốn còn chậm, thủ tục vay vốn cho người dân còn rườm rà. Mặt khác, xảy ra một số người được vay vốn ỷ lại vào tổ chức, ỷ lại vào sự ưu đãi của Đảng, của Nhà nước mà không tích cực, nỗ lực làm việc hoặc người dân được vay vốn không hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc Nhà nước chủ trương cho vay tiền bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội, sử dụng đồng vốn không hợp lý…

Bên cạnh đó, việc trả nợ của người vay vốn cũng gặp khá nhiều khó khăn vì không ítnhững hộ gia đình loay hoay với đồng vốn mà vẫn không thoát ra được cảnh túng thiếu trong cơ chế thị trường khó khăn hiện nay.

Để xảy ra tình trạng đáng tiếc đã nêu, hơn ai hết là các tổ chức chính trị - xã hội phải chịu trách nhiệm giám sát, quản lý chặt chẽ hơn vì mỗi đồng vốn với các cá nhân, hộ gia đình nghèo là rất đáng quý.

3/ Đánh giá chung về quy định bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

3.1/ Những kết quả đạt được.

Những  năm triển khai việc vay vốn cho người nghèo bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội đã đạt được những thành quả nhất định. Rất nhiều những cá nhân, hộ gia đình nghèo từ chỗ khó khăn, nhờ đồng vốn vay bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội mà vươn lên thoát nghèo. 

3.2/ Những điểm còn hạn chế.

Bên cạnh những điều đã đạt được, công tác cho vay tín chấp và thu hồi vốn cũng gặp nhiều khó khăn bởi pháp luật có nhiều điểm còn thiếu chưa được bổ sung. Đồng thời, pháp luật lại chung chung nên áp dụng một cách đồng bộ cũng khó mà thực hiện; bởi khi đã không được quy định cụ thể trong luật, những người thi hành thường làm theo ý chí chủ quan của mình.

IV/ Kiến nghị, hoàn thiện các quy định pháp luật về tín chấp.

1/ Mở rộng đối tượng được vay vốn bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

Theo quy định pháp luật về tín chấp, đối tượng cho vay tín chấp là những cá nhân, hộ gia đình nghèo và là thành viên của tổ chức chính trị - xã hội này. Việc quy định như vây chưa mang tín rộng rãi và chưa khuyến khích hoạt động của các thành viên tổ chức chính trị - xã hội. Về việc mở rộng đối tượng được vay vốn bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội, một số đối tượng cần được quy định có thể tham gia vay vốn bằng tín chấp như sau:

1.1/ Người của tổ chức chính trị - xã hội có thành tích trong lao động, sản xuất.

Việc quy định cả những người của tổ chức chính trị - xã hội có thành tích trong lao động, sản xuất cũng được vay vốn bằng tín chấp có ý nghĩa như một biện pháp khuyến khích các thành viên khác thi đua lập thành tích trong tổ chức. Tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội đồng nghĩa với sự ưu đãi nên sẽ có rất nhiều người muốn tham gia.

Tuy nhiên, cần theo dõi sát sao và tổ chức xét chọn cẩn trọng; tránh tình trạng nhầm lẫn, xét chọn đối tượng không đúng.

1.2/ Người không thuộc các tổ chức chính trị xã hội, nhưng thuộc hộ gia đình nghèo, cần có vốn để sản xuất, kinh doanh.

Trên thực tế, có khá nhiều hộ gia đình nghèo và họ không tham gia tổ chức chính trị - xã hội nào. Tức là họ chỉ đủ điều kiện cần, còn thiếu điều kiện đủ để có thể được vay vốn bằng tín chấp. Khắc phục tình trạng này, cần quy định những đối tượng như họ cũng đủ điều kiện để vay vốn bằng tín chấp. Tất nhiên, tổ chức chính trị - xã hội cần coi họ như những thành viên của mình, có như vậy, tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội mới đạt hiệu quả triệt để.

Xét thấy, các tổ chức chính trị - xã hội cần mạnh dạn hơn trong công tác tín chấp của mình, bằng việc không nên bó hẹp đối tượng như trước nữa. Trước cái đói nghèo của nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội không nên ngần ngại giúp đỡ, dù họ không là người của tổ chức mình.

Đặc biệt, cần quy định một số điều cụ thể như:

-  Chỉ cần chủ hộ hoặc một thành viên  tham gia tổ chức chính trị - xã hội là hộ gia đình đó được xem xét cho vay vốn bằng tín chấp của tổ chức đó.

- Trong trường hợp một cá nhân tham gia nhiều tổ chức chính trị - xã hội chỉ được thực hiện một khoản vay vốn bằng tín chấp của tổ chức xã hội…

2/ Phối hợp chặt chẽ và nâng cao vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong tín chấp.

2.1/ Quy định tiêu chuẩn cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội được tín chấp cho người nghèo vay vốn

Pháp luật chỉ quy định các tổ chức chính trị - xã hội dùng uy tín của mình mà không quy định cụ thể tiêu chuẩn của các tổ chức xã hội này. Uy tín tuy là một khái niệm trừu tượng nhưng không phải vì trừu tượng mà không thể phân loại các tổ chức chính trị - xã hội dựa trên tiêu chí này.

Xét thấy, cần thiết phải quy định cụ thể tiêu chuẩn cho các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thế chấp. Có tiêu chuẩn, chắc chắn hoạt động tín chấp sẽ được sàng lọc. Có nghĩa là chỉ những tổ chức chính trị - xã hội nào ở địa phương có uy tín thực sự mới được tín chấp vay vốn cho người nghèo.

Các tiêu chuẩn đưa ra để thẩm định uy tín của tổ chức chính trị - xã hội có thể là số lượng thành viên của tổ chức, hiệu quả các hoạt động của tổ chức, sức sống của các phong trào của tổ chức, đánh giá của các thành viên và đánh giá của các cá nhân, tổ chức khác… Việc thẩm định này chỉ nên diễn ra một cách nhanh gọn, đòi hỏi sự tham gia tích cực từ phía các tổ chức tín dụng và chính quyền ở từng địa phương.

Mục đích của việc quy định các tiêu chuẩn cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội khi và thẩm định trước khi tham gia tín chấp nhằm đảm bảo hơn cho các tổ chức tín dụng trong việc quản lý và thu hồi vốn. Đồng thời, hoạt động này còn góp phần khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực, tạo uy tín, ảnh hưởng lớn trong địa phương.

2.2/ Các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng hành với người vay vốn; tăng cường và phát huy hiệu quả quản lý của tổ chức chính trị - xã hội đối với việc sử dụng vốn vay.

Trong vay vốn tín chấp, chỉ có sự ràng buộc pháp lý giữa bên cho vay vốn bằng tín chấp (tổ chức tín dụng) và bên vay vốn (người được vay vốn bằng tín chấp của các tổ chức chính trị, xã hội) với nhau là chưa đủ; cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ cùng với sự ràng buộc rõ ràng đối với tổ chức chính trị - xã hội. Mặt khác, Tổ chức chính trị - xã hội là nhân tố quan trọng, làm tiền đề để thực thi biện pháp tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy mà ngay từ khâu đầu tiên, nếu như các tổ chức chính trị - xã hội không thực hiện tốt vai trò của mình thì rất dễ dẫn đến sai phạm. Từ đó ta thấy, cần phải quy định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng hơn cho từng bộ phận trong tổ chức chính trị - xã hội, cần phân khúc trách nhiệm, tránh tình trạng pháp luật chỉ quy định chung chung, mà hậu quả là không ai chịu trách nhiệm cả.

Thứ nhất, tăng cường và phát huy hiệu quả quản lý của tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động sử dụng nguồn vốn vay của hộ gia đình nghèo. Quản lý bằng cách thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân sử dụng đúng mục đích như đã cam kết. Tuy nhiên, nói như vậy dường như chưa đủ, mới chỉ dừng lại trên lý thuyết, bởi nguồn vốn cho vay đã giao cho dân, nên việc xác định đâu là tiền vay vốn của dân, đã sử dụng tiền vốn đó vào việc gì và tiền vay vốn có còn hay không thực sự vẫn đang còn là vấn đề nan giải.

Thứ hai, một câu hỏi đặt ra khi tìm giải pháp nhằm tăng cường và phát huy hiệu quả quản lý của tổ chức chính trị - xã hội đối với việc sử dụng vốn vay đó  là có nên quy định trách nhiệm tài sản cho các tổ chức chính trị - xã hội cho khi các cá nhân, hộ gia đình vay vốn băng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội không thể trả nợ; bởi như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý cũng như đôn đốc các cá nhân, hộ gia đình trả nợ đúng thời hạn. Tuy nhiên, giải pháp này bất hợp lý ở chỗ các tổ chức chính trị - xã hội không có thu nhập riêng, không có vốn riêng mà chỉ có quỹ và sự hỗ trợ kinh phí hoạt động của Nhà nước; đồng thời, cũng không thể lấy tiền riêng của mỗi cá nhân trong tổ chức để hoàn trả thay cho người vay vốn. Vì vậy mà việc quy định định trách nhiệm tài sản cho các tổ chức chính trị - xã hội cho khi các cá nhân, hộ gia đình vay vốn băng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội không thể trả nợ.

Giải pháp tốt nhất vẫn là các tổ chức chính trị - xã hội cần thiết phải cùng với cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn vạch ra kế hoạch sử dụng nguồn vốn và các tổ chức chính trị - xã hội này phải tạo điều kiện hết mức để người vay vốn thoát nghèo, giúp đỡ họ từ việc tổ chức tư vấn, tổ chức đào tạo học làm nghề… cho tới lúc tìm nơi tiêu thụ sản phẩm họ làm ra.

3/ Hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng trong tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội.

3.1/ Lấy thêm nguồn vốn ngoài ngân sách.

Theo chỉ định của Chính phủ, Ngân hàng chính sách xã hội được giao để cho các cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. Nguồn vốn hầu như được lấy từ Ngân sách Nhà nước. Theo đó, an toàn cho nguồn vốn là an toàn cho ngân sách Nhà nước, thiệt hại của nguồn vốn là thiệt hại của một Quốc gia. Vay tiền có biện pháp bảo đảm bằng tín chấp cũng là một dạng cấp tín dụng của Ngân hàng. Mặt khác, một trong các chức năng cơ bản của Ngân hàng là kinh doanh tiền tệ nên cho vay tiền có biện pháp bảo đảm bằng tín chấp cũng là một hình thức kinh doanh tiền tệ với mục đích thu lợi nhuận. Tuy nhiên, vay tiền có biện pháp bảo đảm bằng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội không thể tránh rủi ro vì việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn.

Cần hạn chế lượng ngân sách tham gia vay tiền có biện pháp bảo đảm bằng tín chấp. Thay vào đó là một lượng tiền khác được huy động từ các chương trình như Vì người nghèo hoặc các dự án được hỗ trợ người nghèo khác. Có như vậy, Ngân sách nhà nước được đảm bảo khi người vay vốn không trả được nợ mà vẫn giữ được mục đích của tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội.

3.2/ Đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân nghĩa vụ phải trả nợ đúng thời hạn cho các tổ chức tín dụng.

Song song với việc giám sát cá nhân, hộ gia đình vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng thì  tổ chức tín dụng cần phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân nghĩa vụ phải trả nợ đúng thời hạn.

KẾT LUẬN

Điều chỉnh pháp luật về tín chấp là cần thiết nhưng đây lại là vấn đề rất phức tạp, nhất là trong giai đoạn hiện nay, tín chấp không chỉ có ý nghĩa là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mà còn là vấn đề có ý nghĩa kinh tế - chính trị - xã hội sâu sắc và ngày càng được triển khi trên diện rộng. Qua thực thi tín chấp trên thực tế, nhận thấy thành quả đạt được khá lớn nhưng cũng tồn tại một số hạn chế đáng chú ý. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tín chấp là nhu cầu của thực tiễn khách quan trong đời sống kinh tế xã hội hiện đại, đòi hỏi các nhà làm luật phải nhanh chóng tiến hành nhưng đồng thời, phải đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009;
2. Ts. Lê Đình Nghị ( chủ biên ), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010;
3. Bộ luật dân sự năm 2005;
4. Nghị định 163/2006/NĐ – CP ngày 29/12/2006 về Giao dịch bảo đảm;
5. Nghị định 41/2010/NĐ – CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
6. http://www.vietnamese-lawconsultancy com/vietnamese/content/browse.php?action=shownews&category=&id=&topicid=741;
7. http://www.luathoc.vn/phapluat/archive/index.php/t-1296.html.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Việt Phạm - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment