16/06/2014
Pháp luật về khuyến mại - Bài tập học kỳ Luật Thương mại 2
Xem thêm: Tổng hợp bài tập Luật Thương mại 2 có đáp án.

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là vấn đề tất yếu của doanh nghiệp. Trong cuộc ganh đua đó, các doanh nghiệp sử dụng mọi giải pháp để tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội bán hàng và cung ứng dịch vụ. Để lôi kéo khách hàng, chiếm lĩnh thị trường hoạt động xúc tiến thương mại nói chung đã trở thành nhu cầu tất yếu của mọi doanh nghiệp. Khuyến mại là một trong các hình thức xúc tiến thương mại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Với các hình thức khuyến mại rất đa dạng, mang ý nghĩa giới thiệu một sản phẩm mới, nhưng cũng có thể là sản phẩm cũ được bán với giá cạnh tranh hơn nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình, gia tăng thị phần trong kinh doanh. Bên cạnh đó khuyến mại cũng góp phần kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực trong việc sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng.



NỘI DUNG

I. Các hình thức khuyến mại

1. Khái quát chung về khuyến mại

1.1 Khái niệm và đặc điểm

Theo Khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”.

Căn cứ quy định của Luật Thương mại, khuyến mại có những đặc điểm sau:

- Chủ thể thực hiện hành vi khuyến mại là thương nhân, để tăng cường cơ hội thương mại thương nhân được phép tự mình tổ chức thực hiện việc khuyến mại, cũng có thể lựa chọn dịch vụ khuyến mại cho thương nhân khác để kinh doanh hưởng thù lao.

- Cách thức và mục đích xúc tiến thương mại thông qua khuyến mại là dành cho khách hàng những lợi ích nhất định để khuyến khích khách hàng sử dụng hàng hóa , dịch vụ của thương nhân. Lợi ích dùng để khuyến mại cho khách hàng có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất.

- Đối tượng được khuyến mại có thể là khách hàng hoặc các trung gian phân phối như các đại lý bán hàng

- Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là hàng hóa dịch vụ được thương nhân sử dụng các hình thức khuyến mại để xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đó. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp.

1.2) Quyền và nghĩa vụ của thương nhân khi thực hiện khuyến mại

Khi tổ chức hoạt động khuyến mại, thương nhân có quyền:

- Lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại;

- Quy định những lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng;

- Tự mình tổ chức thực hiên các hình thức khuyến mại theo quy định của pháp luật;

- Thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại theo quy định của pháp luật

Thương nhân tổ chức hoạt động khuyến mại có các nghĩa vụ cơ bản sau:

- Thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện các hình thức khuyến mại.

- Thông báo công khai các nội dung, thông tin về hoạt động khuyến mại cho khách hàng. Ví dụ như: tên hoạt động khuyến mại, giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ khuyến mại, thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và địa bàn hoạt động khuyến mại

- Nghĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và cam kết với khách hàng.

- Nghĩa vụ trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng (đối với các hình thức trao thưởng mang tính may rủi).

- Tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ khuyến mại đã ký kết.

1.3) Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại

Khuyến mại là quyền của thương nhân trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên khuyến mại là vấn đề nhạy cảm vì nó có thể tạo ra những khó khăn cho các thương nhân khác, có thể đụng chạm đến lợi ích của khách hàng và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh. Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực này, một số hành vi sau đây bị nhà nước cấm thực hiện:

- Khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ bị hạn chế kinh doanh, hoàng hóa chưa được phép lưu thông và dịch vụ chưa được phép cung ứng.

- Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, hàng hóa chưa được phép lưu thông và dịch vụ chưa được phép cung ứng.

- Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi. 

- Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

- Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng.

- Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích công cộng khác. Ví dụ: công ty điện máy A, khuyến mại các sản phẩm điện máy của mình nhằm kích thích tiêu dùng trong các dịp lễ lớn với cam kết hàng hóa chất lượng tốt, mới 100%. Nhưng thực chất phần lớn các sản phẩm đó là các sản phẩm bị lỗi, kém chất lượng.

- Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

- Hứa thưởng, tặng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

- Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

- Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá giới hạn tối đa hoặc giảm giá hàng hóa dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định của pháp luật.

II. Quy định của pháp luật về các hình thức khuyến mại

1. Hàng mẫu

2.1.1. Khái niệm và đặc điểm

Hàng mẫu là hình thức khuyến mại, theo đó, thương nhận đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng sử dụng không phải trả tiền. Hàng mẫu cần được sử dụng khi thương nhân cần giới thiệu một sản phẩm mới hoặc sản phẩm đã cải tiến, do vậy, hàng hóa được đưa cho khách hàng dùng thử là hàng hóa đang bán hoặc sẽ được bán trên thị trường.

Hàng hóa chính là sản phẩm cần được tăng sức mua thông qua hoạt động khuyến mại. Khuyến mại bằng hàng mẫu có nghĩa là thương nhân tạo điều kiện cho khách hàng được sử dụng sản phẩm miễn phí và phải là chính sản phẩm nằm trong chiến dịch xúc tiến thương mại của thương nhân. Hình thức này thường được áp dụng để tăng cầu đối với những sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường hoặc khi xâm nhập vào thị trường mới nơi người tiêu dùng chưa biết tới chúng hoặc còn tiêu thụ một cách dè dặt. Đối với các loại dịch vụ thương mại thì cung cấp dịch vụ lần đầu miễn phí cũng có thể là cách hiểu của hình thức hàng hóa mẫu theo nghĩa rộng.

Hàng mẫu được phân phát phổ biến bằng các hình thức như: gửi qua đường bưu điện; phân phát tận nhà; phát tại địa điểm bán hoặc có thể kết hợp trưng bày, chứng minh sản phẩm trong cửa hàng; kẹp vào bao bì của sản phẩm khác; hoặc đính kèm mẫu quảng cáo trên báo hay tạp chí. Theo như thủ thuật xúc tiến thương mại, hàng mẫu thường có khối lượng nhỏ hơn khối lượng thông thường của sản phẩm được bán trên thị trường. Điều này đối với khách hàng tiêu dùng, có ý nghĩa tốt và giảm rủi ro mua một sản phẩm mà từ trước đến lúc mua chưa được biết đến. Đối với thương nhân, đó là một cách phân phối mẫu tiết kiệm tối đa khoản tiền phải bỏ ra. 

2.1.2. Quy định của pháp luật

Nếu như Luật thương mại năm 1997 chỉ quy định khuyến mại thông qua việc đưa hàng mẫu cho khách hành dùng thử không phải trả tiền thì đến Luật thương mại năm 2005, các nhà làm luật đã kịp thời bổ sung thêm hành vi cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền. Bản chất của hàng mẫu là thương nhân để cho khách hàng dùng thử để kiểm nghiệm chất lượng ưu việt của sản phẩm đó so với chất lượng của các sản phẩm cùng loại khác đang được phân phối và sử dụng. Hàng mẫu, dịch vụ mẫu không kèm với việc mua hàng ở thời điểm nhận quà hay nhận dịch vụ mẫu mà thương nhân muốn hướng tới sự chú ý của khách hàng trong tương lai, vì vậy, pháp luật đã đặt ra những quy định cụ thể đối với hình thức khuyến mại này như sau:

Một là, điều kiện đối vời hàng mẫu, dịch vụ mẫu: Luật thương mại 2005 quy định hàng mẫu đưa cho khách hàng, dịch vụ mẫu cung ứng cho khách hàng dùng thử phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp mà thương nhân đang hoặc sẽ bán, cung ứng ra thị trường. Hàng hóa, dịch vụ hợp pháp là hàng hóa dịch vụ không rơi vào trường hợp các hàng hóa, dịch vụ cầm kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh được liệt kê trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006. Chẳng hạn như dùng pháo nổ, sử dụng các đồ chơi điện tử có hại cho sức khỏe của trẻ em làm hàng mẫu cho một chương trình khuyến mại. Đối với hàng hóa, dịch vụ mẫu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thì thương nhân chỉ được phép sử dụng để làm hàng mẫu, dịch vụ mẫu trong chương trình khuyến mại khi có các điều kiện liên quan theo quy định của pháp luật.

Hai là, quyền và nghĩa vụ của thương nhân khi khuyến mại bằng hàng mẫu: Thương nhân được tự do lựa chọn thời gian, địa điểm khuyến mại, cách thức tổ chức phân phát hàng hóa, cung ứng dịch vụ mẫu, có thể tự mình hoặc thuê thương nhân khác thực hiện chương trình khuyến mại đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ cơ bản như: thực hiện chương trình một cách trung thực, công khai và minh bạch; đảm bảo cho khách hàng khi nhận hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu không phải thanh toán bất kỳ khoản phí nào. Mọi hoạt động liên quan đến việc phát tặng hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu cho khách hàng phải tuân theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định Chính phủ số 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

Ba là, trình tự, thủ tục thực hiện: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 37/2006 thì chậm nhất 7 ngày làm việc trước khi thực hiện hình thức phân phát hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu cho khách hàng dùng thử, thương nhân phải gửi thông báo bằng văn bản đến Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại. Nội dung gồm: tên chương trình khuyến mại, địa điểm bán hàng thuộc chương trình; hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại

2.1.3. Ưu, nhược điểm

Mục đích chính của hình thức này là nhằm thăm do thị trường, tìm hiểu thị trường người tiêu dùng và thói quen của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ đó. Tuy nhiên, các thương nhân thường chỉ sử dụng hình thức này để xúc tiến thương mại khi các hình thức khuyến mại khác không đạt hiệu quả vì chi phí cho hoạt động này là rất lớn, chủ yếu là do chi phí giá trị của bản thân sản phẩm trong mẫu hàng, chi phí đóng gói và chi phí phân phát cao. Nhưng mặt khác đây lại là một hình thức khuyến mại tốt nhất, gây ấn tượng mạnh, đánh trúng vào tâm lý khách hàng vì sự quảng cáo tốt nhất cho một sản phẩm chính là sản phẩm và một khi sản phẩm đã được công nhận, nó sẽ mở đường cho thương nhân tiến hành chiến dịch tiêu thụ rộng rãi.

Hàng mẫu, dịch vụ mẫu để đưa cho khách hàng dùng thử không phải trả tiền phải là hàng hóa đang hoặc sẽ được bán trên thị trường hoặc dịch vụ đang hoặc sắp được cung ứng trên thị trường. Việc này giúp các thương nhân thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng bằng cách kết hợp các chiến dịch phát hàng mẫu cùng với hoạt động xem xét phản hồi của người tiêu dùng để có được sự cải tiến về chất lượng sản phẩm kịp thời trước khi phân phối một cách chính thức và rộng rãi trên thị trường. Hàng mẫu được nhà sản xuất tổ chức phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng giúp họ trực tiếp tiếp cận và sử dụng sản phẩm, và tự họ sẽ đưa ra những đánh giá, so sánh nhất định đối với những sản phẩm cùng loại về công dụng và đặc điểm cũng như mẫu mã của nó hoặc cũng có thể phát tận tay tời khách hàng của thương hiệu cạnh tranh nhằm thuyết phục họ dùng thử để so sánh với những sản phẩm mà họ vẫn quen sử dụng. Vì vậy, cho dù là được sử dụng như một loại vũ khí phòng ngự hay tấn công, hàng mẫu đều rất hiệu quả trong việc lưu giữ khách hàng cũ và kéo theo những khách hàng mới.

Hình thức phân phối hàng mẫu chỉ đạt hiệu quả tốt khi được áp dụng trong các trường hợp như: tính ưu việt của sản phẩm so với các đối thủ canh tranh có thể được chứng minh dễ dàng thông qua việc dùng thử với những đặc điểm dễ thấy hoặc dễ so sánh (như mỹ phẩm); sản phẩm được sử dụng và mua thường xuyên (như xà phòng, bột giặt, dầu gội đầu); tiềm năng thị trường lớn và doanh nghiệp có khả năng tạo được lợi thế nhờ lợi ích cốt lõi của sản phẩm khó truyền đạt thông qua quảng cáo. Ví dụ: Công ty sản xuất café lon uống liền trước khi tung sản phẩm ra thị trường người tiêu dùng thì họ đã thực hiện nhiều đợt phát đồ uống này miễn phí nhằm làm cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm cũng như thưởng thức luôn để đánh giá về chất lượng của sản phẩm.

2.2) Quà tặng

2.2.1. Khái niệm và đặc điểm

Tặng quà là hình thức thương nhân dùng hàng hóa, dịch vụ làm quà tặng cho khách hàng không thu tiền. Hàng hóa, dịch vụ làm quà tặng có thể là hàng hóa, dịch vụ của thương nhân đang kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác. 

Việc tặng quà cho khách hàng có thể được thực hiện trực tiếp tức là quà được trao trực tiếp cho khách hàng vào thời điểm họ mua hàng (như gắn quà tặng vào gói hàng; gói quà trong bao bì sản phẩm, phát tận tay khách hàng) hoặc tặng quà theo yêu cầu sau khi người tiêu dùng gửi bằng chứng về việc mua hàng của mình qua bưu điện hoặc trực tiếp tới địa điểm khuyến mại

2.2.2. Quy định pháp luật

Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại: Hàng hóa, dịch vụ làm quà tặng có thể là hàng hóa do chính thương nhân đang kinh doanh hoặc là hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác và phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp (khoản 2,3 Điều 94 Luật thương mại 2005). Việc luật pháp cho phép sử dụng hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác để phát tặng khuyến khích sự liên kết xúc tiến thương mại của các thương nhân nhằm khai thác lợi ích tối đa. Việc tặng quà trong trường hợp này không chỉ có cơ hội quảng cáo, mà còn giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ của nhau.

Nghĩa vụ của thương nhân thực hiện khuyến mại: thương nhân phải đảm bảo cho quyền lợi của khách hàng: chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa tặng cho khách hàng, dịch vụ không thu tiền; phải thông bào cho khách hàng đầy đủ thông tin liên quan đến chương trình khuyến mại (tên, thời gian, địa điểm, điều kiện, nội dung chương trình khuyến mại ). Việc không thông báo công khai thông tin theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức nhất định theo quy định tại Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008. Những quy định này góp phần siết chặt các hoạt động khuyến mại vào khuôn khổ pháp luật, đòi hỏi sự nghiêm túc, trung thực của các thương nhân khi thực hiện khuyến mại, ngăn ngừa các hành vi gian lận và bảo vệ lợi ích chính đáng của đông đảo người tiêu dùng. Quà tặng bao giờ cũng đi kèm với hàng vi mua bán hàng hóa. Giá trị của quà tặng phải đảm bảo được giá trị quy định tại khoản 2 Điều 5 NGhị định 37 nghĩa là: Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để làm quà tặng mà thương nhân thực hiện trong chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.

2.2.3. Ưu, nhược điểm

Mục đích của quà tặng là nhằm tăng thêm số lượng hàng hóa bán ra, lôi kéo khách hàng đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương nhân khuyến mại. Hình thức khuyến mại này có tác dụng đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn người mua khi giữa các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường không có sự khác biệt đáng kể. Ngoài ra, một chiến dịch tặng quà được tổ chức chuyện nghiệp sẽ phát huy hiệu quả lớn trong việc xây dựng cảm tình của khách hàng với doanh nghiệp, củng cố mối quan hệ tốt đẹp và duy trì vững chắc sự gắn bó với các thương hiệu của doanh nghiệp. Để đạt được điều đó, quà tặng phải đáp ứng được các yêu cầu như: giá trị quà tặng phải vượt lên so với giá trị thực mà khách hàng phải trả (tức là phải có một giá trị thật về giá cả và chất lượng); quà tặng phải là sản phẩm hữu ích, phải có sức hấp dẫn nhất định đủ để làm cho khách hàng muốn sở hữu nó.

Tuy nhiên, đây là hình thức sẽ làm giảm lợi nhuận trong thời gian đầu áp dụng. Vì tất nhiên thương nhân sẽ mất phần lợi nhuận vào hàng hóa, hay dịch vụ miễn phí. Thứ hai, đối với khách hàng thì hàng hóa, dịch vụ được tặng miễn phí sẽ không được đảm bảo về chất lượng một cách tốt nhất. Cũng do đây là hình thức được áp dụng phổ biến nên dần dần khi áp dụng nhiều sẽ tạo nên tâm lý chờ đợi chỉ mua hàng khí có khuyến mại.

2.3) Giảm giá

2.3.1. Khái niệm và đặc điểm

Giảm giá là hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn giá bán, giá cung cung ứng dịch vụ bình thường trước đó được áp dụng trong thời gian khuyến mại mà thương nhân đã đăng kí hoặc thông báo. Nếu hàng hóa dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngoài những đặc điểm chung của biện pháp xúc tiến thương mại như về chủ thể, mục đích, cách thức tiến hành thì hình thức giảm giá là một trong những hình thức có nhiều ưu điểm và được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Cùng chung một mục đích là hướng tới việc thu hút khách hàng, tăng sức cạnh tranh và đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng một cách nhanh hơn, hình thức khuyến mại – giảm giá còn có những đặc điểm nổi trội hơn việc tặng hàng mẫu, quà tặng ở chỗ nó đánh vào tâm lý ham đồ rẻ của các thượng khách.

2.3.2. Quy định pháp luật

Khi khuyến mại theo hình thức này, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống hành vi bán phá giá, luật pháp thường quy định giới hạn mức độ giảm giá đối với từng đơn vị hàng hóa, dịch vụ. Mức độ giảm giá tùy loại mặt hàng và theo mức giá cụ thể mà Chính phủ quy định.

Trong Điều 6 Nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định: “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.”

Bên cạnh đó, tại Điều 9 của NĐ 37/2006/NĐ-CP cũng quy định một số vấn đề trong việc áp dụng hình thức khuyến mại giảm giá, cụ thể: Không được giảm giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ trong trường hợp giá bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quy định giá cụ thể; không được giảm giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ xuống thấp hơn mức giá tối thiểu trong trường hợp giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ thuộc diện Nhà nước quy định khung giá hoặc quy định giá tối thiếu; tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mươi lăm) ngày. Đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức khuyến mại này để bán phá giá hàng hóa, dịch vụ.

Những quy định trên đã cụ thể được các phương thức, cách thức áp dụng giảm giá đối với các sản phẩm của các doanh nghiệp. Việc đặt ra giới hạn này là cần thiết để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp xúc tiến thương mại, của người tiêu dùng, khách hàng và của thương nhân khác. Tuy nhiên cũng cần có những quy định cụ thể hơn về các mặt hàng giảm giá, bởi đằng sau các chương trình giảm giá, không ít doanh nghiệp lợi dụng lòng tin của khách hàng để chuộc lợi, tráo đổi các mặt hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc.

2.3.3. Ưu, nhược điểm

Ngoài việc thu hút một lượng khách lớn khi áp dụng các biện pháp giảm giá, hình thức giảm giá còn giúp cho các thương nhân có thể nhanh chóng bán hết được lượng hàng còn lại, thu hồi vốn nhanh để tiếp tục tái đầu tư vào các hoạt động khác. Giảm giá là một trong những hình thức dễ áp dụng và đơn giản hơn các hình thức khuyến mại khác. Chủ doanh nghiệp không cần mất công sức tạo quà tặng, sản phẩm mẫu để tặng khách hàng, các thương nhân chỉ việc áp dụng mức giảm giá nhất định đối với từng sản phẩm, ngay trong các cửa hàng, đại lý của mình để thu hút khách hàng.

Đối với người tiêu dùng hoạt động bán hàng giảm giá của thương nhân giúp cho người tiêu dùng có thể mua được những sản phẩm với giá rẻ hơn. Kích thích nhu cầu mua trên thị trường.

Với những hàng hóa có giá thành cao, khó tiêu thụ trên thị trường, những hàng mới tiếp cận với thị trường thì phương pháp bán hàng giảm giá tỏ ra khá phù hợp đẩy mạnh cung-cầu của thị trường giúp thương nhân thuận lợi trong quá trình kinh doanh.

Tuy nhiên, bán hàng giảm giá cũng có những hạn chế nhất định. Việc bán hàng giảm giá tức là lợi nhuận mà thương nhân thu được từ việc bán hàng sẽ ít hơn. Mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm bán phá giá nhưng việc bán hàng giảm giá dễ dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, dễ gây lũng loạn thị trường. Hàng giảm giá nếu không xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng thì sẽ dễ dẫn tới việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng của những đối tượng chỉ vì lợi nhuận.

2.4) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi

2.4.1 Khái niệm và đặc điểm

Khi mua hàng khách hàng được được tặng kèm phiếu mua hàng có ý nghĩa giảm giá hoặc mang 1 mệnh giá nhất định để thanh toán cho những lần mua sau trong hệ thống bán hàng của thương nhân Với các nhà cung ứng dịch vụ, phiếu sử dụng dịch vụ của họ cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá sử dụng dịch vụ kèm theo những điều kiện do họ đưa ra. Phiếu mua hàng, sử dụng dịch vụ cũng có thể tạo cơ hội cho khách hàng mua hàng hay nhận dịch vụ từ thương nhân khác có liên kết thương mại với bên tặng phiếu.

Khác với hai hình thức trên, hình thức tặng phiếu dự thi không đi kèm với những lợi ích vật chất trực tiếp mà đưa ra cho khách hàng cơ hội tham gia các cuộc thi do thương nhân tổ chức, phần thưởng đạt được hay không phụ thuộc vào kết quả dự thi của chính khách hàng.

Để đảm bảo cho khách hàng nhận được đúng phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi của chính thương nhân, các loại phiếu này sẽ được đính kèm với hàng hóa, khách hàng sẽ nhận được phiếu sau khi bóc bao bì hoặc tặng trực tiếp cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.

2.4.2. Quy định của pháp luật

Căn cứ Điều 10 – Nghị định 37/2006/NĐ-CP, đối với phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, pháp luật cho phép thương nhân không chỉ tặng phiếu trong phạm vi hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của chính thương nhân đó mà còn có thể là phiếu để mua hàng hóa, nhận cung ứng dịch vụ của thương nhân, tổ chức khác (thường là đối tác liên kết của thương nhân). Hai là, giá trị tối đa của phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại. Các thông tin liên quan đến chương trình khuyến mại phải được ghi đầy đủ, cụ thể trên phiếu mua hàng, phiếu cung ứng dịch vụ theo quy định tại Điều 97 – Luật Thương mại 2005.

Căn cứ Điều 11 – Nghị định 37/2006/NĐ-CP, trên phiếu dự thi phải ghi đầy đủ thông tin liên quan đến chương trình dự thi quy định tại Điều 97 – Luật Thương mại 2005. Thương nhân phải tổ chức dự thi công khai, có sự chứng kiến của đại diện khách hàng, theo đúng thể lệ và giải thưởng mà thương nhân đã công bố và phải được thông báo cho Sở Thương mại nơi tổ chức thi, mở thưởng. Nội dung của chương trình thi không được trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

2.4.3 Ưu, nhược điểm

Giống như các hình thức khuyến mại khác, hình thức tặng phiếu mua hàng, sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi sẽ kích thích khách hàng tham gia mua sắm số lượng sản phẩm có giá trị lớn để được tặng phiếu. Mọi quyền lợi của khách hàng đã được ghi nhận một cách rõ ràng trên phiếu nên rất tiện dụng. Hơn nữa, khi không có nhu cầu sử dụng, khách hàng có mua bán tặng cho phiếu với người khác mà không thay đổi giá trị sử dụng. Đối với nhà cung cấp đây còn là một hình thức quảng cáo rất hiệu quả.

Tuy nhiên, các loại phiếu giảm giá có thể bị làm giả, gây thiệt hại cho nhà cung cấp. Phiếu dễ rơi, dễ mất và có thời hạn sử dụng và những quy định cụ thể, khách hàng không chú ý có thể dẫn đến thiệt hại cho bản thân.

2.5) Tổ chức các sự kiện để thu hút khách hàng

2.5.1. Khái niệm và đặc điểm

Sự kiện có thể được thương nhân tổ chức gắn liền hoặc tách rời với việc mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của khách hàng. Các sự kiện này có thể là các chương trình may rủi (bốc thăm trúng thưởng .) hoặc các chương trình văn hóa, nghệ thuật nhằm khuyến mại khách hàng hay hướng tới những khách hàng tiềm năng mới. Ngoài ra còn có các chương trính khách hàng thườg xuyên, tặng quà cho khách hàng thân thiết vào các dịp lễ để tri ân khách hàng .

2.5.2. Quy định của pháp luật

Do tiềm ẩn rủi ro và gian lận cao nên Nhà nước quy định đặc biệt đối với các chương trình khuyến mại mang tính may rủi, căn cứ Điều 12 – Nghị định 37/2006/NĐ-CP:

- Việc mở thưởng phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng; trường hợp giá trị giải thưởng từ 100 triệu đồng trở lên, thương nhân phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền; trường hợp việc trúng thưởng được xác định trên cơ sở bằng chứng trúng thưởng kèm theo hàng hóa, thương nhân thực hiện khuyến mại phải thông báo về thời gian và địa điểm thực hiện việc đưa bằng chứng trúng thưởng vào hàng hoá cho cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền.

- Đối với chương trình khuyến có phát hành vé số dự thưởng phải có hình thức khác với xổ số do nhà nước độc quyền phát hành và không được sử dụng kết quả xổ số của nhà nước để làm kết quả xác định trúng thưởng; vé số dự thưởng phải in đủ các nội dung liên quan quy định tại Điều 97 Luật Thương mại và việc mở thưởng chỉ áp dụng cho các vé số đã được phát hành.

- Tổng thời gian thực hiện khuyến mại đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 180 (một trăm tám mươi) ngày trong một năm, một chương trình khuyến mại không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày.

- Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hết thời hạn trao giải thưởng, giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được trích nộp 50% giá trị đã công bố vào ngân sách nhà nước.

2.5.3 Ưu, nhược điểm

Thông qua các sự kiện mà thương nhân tổ chức, khách hàng sẽ nhận được những lợi ích vật chất cụ thể (những giải thưởng, những sản phẩm được tặng cho ) và lợi ích phi vật chất (sự thụ hưởng dịch vụ miễn phí, sự thư giãn thoải mái khi tha gia các chương trình nghệ thuật giải trí). Điều đó tạo nên sự hấp dẫn đối với khách hàng do tâm lý muốn thử vận may của đại đa số người tiêu dùng từ đó sẽ thu hút được sự chú ý của họ tới hàng hoá, dịch vụ mà thương nhân cung ứng vì vậy số lượng hàng hoá được tiêu thụ ngày càng lớn mang lại nhiều lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các quan hệ Marketing trên thị trường ngày càng phức tạp, việc thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến khích dành cho khách hàng là một công cụ quảng bá thương hiệu, sản phẩm khá hiệu quả. Nó không chỉ thu hút được những khách hàng quen thuộc của doanh nghiệp tiếp tục mua hàng hoá và sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp mà còn kích thích tiêu dùng đến những đối tượng khách hàng mới.

Về mặt hạn chế: Thứ nhất, khi doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại mang tính may rủi như cào số trúng thưởng, bóc, mở sản phẩm trúng thưởng sẽ dễ dàng xảy ra tiêu cực, một số cơ sở sản xuất kinh doanh có thể lợi dụng hình thức này để lừa dối khách hàng bằng các chiêu thức khác nhau. Thứ hai, có một số quy định hiện hành còn chưa hợp lí, gây phản ứng trong giới thương nhân. Pháp luật thương mại có quy định: “Giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được trích nộp 50% giá trị đã công bố vào ngân sách nhà nước” với lí do cho rằng tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng hình thức khuyến mại mang tính may rủi để kích thích người tiêu dùng nhưng thực chất lại không phải bỏ mất chi phí cho khách hàng là không hợp lí. Đó là khi thương nhân thực hiện việc khuyến mại nhưng doanh số bán hàng không đạt dự kiến mà thương nhân lại mất 50 % giá trị giải thưởng đã công bố thì mục đích kinh doanh của họ đã không đạt được.

2.6) Các hình thức khuyến mại khác

Các hình thức khuyến mại khác được quy định tại khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại 2005 cũng như được quy định trong Nghị định Số 37/2006/NĐ-CP nghị định Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại hướng dẫn thi hành luật Thương mại và Thông tư Liên tịch số 07/2007/TTLT-BTM-BTC Về việc hướng dẫn thực hiện một số điều về khuyến mại và hội trợ, triển lãm thương mại quy định tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04/04/2006 của Chính phủ quy đinh chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

Các hình thức khuyến mại khác chính là cánh cửa mở rộng tạo cơ hội cho các doanh nhân thể hiện mình trong lĩnh vực chiếm lĩnh thị phần, thu hút khách hàng. Các hình thức khuyến mại nhờ đó mà đa dạng, phong phú hơn, có sự xuất hiện của nhiều hình thức mới lạ.

Tuy vậy cơ quan chức năng cũng đã dự liệu tình huống này và yêu cầu các thương nhân này trước khi áp dụng hay khi sáng tạo ra hình thức khuyến mại nào nằm ngoài danh mục được quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 92 LTM đó thì cần có sự đồng ý của Sở thương mại hoặc bộ thương mại. Nhằm mục đích lớn nhất là bảo vệ được quyền lợi của người sử dụng dịch vụ hoặc hàng hóa tự hoạt động khuyến mại của thương nhân.

Thực tế cho thấy đã có rất nhiều hình thức khuyến mại ra đời và đem lại hiệu quả cao về kinh tế cũng như xây dựng và củng cố được lòng tin, thương hiệu cho thương nhân. Chẳng hạn như Trung tâm điện máy WonderBuy đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi nhằm đón đầu và khuyến khích nhu cầu mua sắm cuối năm của người tiêu dùng với “Tháng tài trợ vàng mua sắm cuối năm” WonderBuy đưa ra chương trình “Đổi cũ – lấy mới”, tương tự như vậy với công ty đệm Kymdan tung ra chương trình “Thay lời cảm ơn” đã 10 năm đồng hành cùng khách hàng, theo đó khách hàng dùng sản phẩm 20 năm trở lên thì được đổi cũ lấy mới; mua hàng kèm tư vấn hướng dẫn sử dụng, .

II, Thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

1. Thực trạng

Theo kết quả nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của AC Nielsen, có đến 87% người Việt Nam cho biết sẵn sàng mua hàng khuyến mại, so với khu vực là 68%. Có tới 56% người Việt Nam hay tìm các sản phẩm khuyến mại, so với mức 38% của khu vực. Nắm bắt tâm lý này, các hệ thống phân phối, đặc biệt là các siêu thị, thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại với nhiều hình thức chủ yếu để thu hút khách hàng.

Đánh vào tâm lý ham hàng giá rẻ của người dân Việt Nam, hình thức khuyến mại giảm giá hiện là hình thức được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến nhất. Giảm giá nhân một dịp đặc biệt là điều dễ nhận thấy trên thị trường. Đơn cử như ngày Valentine vừa qua hay ngày Quốc tế phụ nữ ngày 8/3 sắp tới các siêu thị, trung tâm thương mại đã tung nhiều hình thức khuyến mãi giảm giá. Các gian hàng tại Trung tâm Thương mại Vincom giảm giá đến 50% nhiều mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng. Tương tự, mừng Valentine, BigC giảm giá sốc hơn 1000 mặt hàng; chương trình Tôn vinh vẻ đẹp Việt đang diễn ra ở Big C giảm giá từ 5% đến 50% cho 1500 mặt hàng.

Tuy nhiên, hình thức khuyến mại này chỉ áp dụng được trong ngắn hạn. Nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng khiến nhà phân phối phải linh hoạt cải tiến và xây dựng những chương trình phù hợp hơn. Thời gian gần đây, nhiều hệ thống phân phối áp dụng hình thức tích lũy điểm để nhận chiết khấu giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn mua hàng. Đây là một dạng của hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ. Mục đích của hoạt động này nhằm phát triển và duy trì lượng khách hàng trung thành. Trên thực tế, để duy trì chương trình này, cần sự đầu tư khá lớn về nhân sự và ngân sách thực hiện nhưng tiềm năng sẽ được áp dụng đại trà trong tương lai bởi tính phát triển bền vững đồng thời tạo uy tín cho doanh nghiệp.

Tặng chiết khấu đang là sự lựa chọn của nhiều hệ thống bán lẻ. Siêu thị điện máy Viễn Thông A hiện đang có chương trình Club card. Khi tham gia chương trình, tùy vào cấp độ, chủ thẻ sẽ được giảm giá từ 2% – 5% khi tiếp tục mua hàng tại Viễn Thông A. Trung tâm Thương mại Parkson thì có thẻ thành viên Privilege. Khi là thành viên của chương trình, khách hàng sẽ được tích lũy thành điểm thưởng để nhận phiếu quà tặng cho những lần mua sắm sau tại Parkson. Chuỗi Co.opMart dành cho khách hàng thân thiết cơ hội tiết kiệm 2% – 3% theo điểm tích lũy hằng năm được giảm trừ trên hóa đơn mua hàng, hưởng quyền lợi khi sử dụng dịch vụ của những đối tác mà Co.opMart đang liên kết .

Xây dựng chương trình khách hàng trung thành đang là sự lựa chọn của nhiều hệ thống bán lẻ. Khách hàng không chỉ được mua sắm tiết kiệm mà còn nhận được những lợi ích vật chất, tinh thần khi nhà phân phối luôn dành những ưu đãi đặc biệt cho thành viên của chương trình. Căn cứ vào dữ liệu mua hàng, nhà phân phối cũng có những điều chỉnh về hàng hóa, giá cả để phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

Các hoạt động khuyến mại diễn ra trong thời gian qua cho thấy cùng với những chương trình khuyến mại trung thực, hợp pháp, thực hiện đúng pháp luật, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì những vi phạm cơ bản của thương nhân trong hoạt động khuyến mại cũng không phải là ít và có tính thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Các hoạt động khuyến mại đang diễn ra một cách ồ ạt nhưng thiếu sự kiểm soát của Nhà nước. Nhưng vi phạm pháp luật của các thương nhân trong hoạt động khuyến mại ở nước ta thể hiện ở một số nhóm hành vi như: khuyến mại bằng tặng quà hoặc giảm giá có giá trị vượt mức giới hạn theo quy định của pháp luật; thông tin khuyến mại mập mờ, không rõ ràng, có biểu hiện không trung thực với chương trình khuyến mại may rủi, chất lượng hàng hóa dịch vụ dùng cho khuyến mại không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân thực hiện đối với hình thức khuyến mại tặng quà không được vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Tuy nhiên trên thực tế, các thương nhân vẫn thường lạm dụng vi phạm cả hai quy định này, đặc biệt là các thương nhân kinh doanh dịch vụ. Bởi vì việc xác định hạn mức giá trị dùng để khuyến mại là rất khó. Nếu thương nhân tặng dịch vụ cho khách hàng không thu tiền thì hạn mức tổng giá trị dịch vụ dùng để khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị được khuyến mại. Cả hai mức tổng giá trị này chỉ có thể được xác định sau khi kết thúc thời gian khuyến mại. Nếu xác định vi phạm và xử lí vi phạm khi chưa hết thời gian khuyến mại thì sẽ không tránh khỏi những bất đồng giữa cơ quan quản lí và thương nhân do mọi số liệu có được chỉ là do ước tính. Mặt khác, đặc trưng của dịch vụ là tiêu dùng ngay do đó khi chưa hết thời gian khuyến mại chỉ có thể ước tính giá trị và tổng giá trị dịch vụ đó được khách hàng sử dụng trong thời gian đó. Nếu như áp dụng các quy định hiện hành về hạn mức tối đa giá trị dịch vụ dùng để khuyến mại là 50% sẽ vẫn gặp những vướng mắc tương tự khi giải quyết vụ việc này. Ngược lại, nếu đợi hết thời gian khuyến mại muốn xác định vi phạm để xử lí thì mục đích chống bán phá giá và bảo đảm cạnh tranh lanh mạnh khi ban hành điều luật lại không thực hiện được. Trường hợp thương nhân thực hiện nhiều hình thức khuyến mại trong cùng một chương trình khuyến mại thì việc xác định hạn mức tổng giá trị dùng để khuyến mại cũng không đơn giản do còn thiếu cơ sở pháp lý để tính toán cụ thể.

Ngoài ra, với hình thức giảm giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ người tiêu dùng hầu như ít biết được giá cả hàng hóa được giảm bao nhiêu so với giá cả thị trường trước khi giảm giá nhất là hình thức bán hàng giảm giá của các cửa hàng, các công ty nhỏ, với các tấm biển “hạ giá”, “đại hạ giá” ví dụ như các cửa hàng shop thời trang vào cuối vụ đông hè, thường có các đợt xả hàng lớn với biển “đại hạ giá, xả hàng đông (hè)” hay các quầy hàng trong các siêu thị như BigC; . Các cửa hàng này đã đánh trúng vào tâm lí muốn mua hàng rẻ của người tiêu dùng song trên thực tế những cửa hàng, công ty này đã tự ý nâng giá cả hàng hóa nên để ngụy tạo ra mức giảm giá hấp dẫn nhằm câu kéo khách hàng. Hơn nữa, một số nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa còn lợi dụng hình thức khuyến mại giảm giá nhằm bán phá giá hàng hóa, dịch vụ hoặc có hiện tượng các nhà cung cấp hàng hóa lớn bắt tay với nhau nhằm hạ giá sản phẩm đồng loạt với dụng ý cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ khác trên thị trường.

2. Bất cập và nguyên nhân

Bộ luật thương mại năm 2005 ra đời với các qui định về xúc tiến thương mại có nhiều điểm tiến bộ hơn so với luật thương mại 1997 đặc biệt là các qui định về khuyến mại. Định nghĩa về khuyến mại có sự rõ ràng hơn về mục đích và cách thức khuyến mại song các qui định về khuyến mại vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khi được áp dụng vào thực tế. Cụ thể:

Thứ nhất: Hiện nay, việc kiểm tra kiểm soát các hoạt động khuyến mại là hầu như không thể thực hiện được trong tình trạng số lượng doanh nghiệp tham gia khuyến mại quá nhiều, phạm vi, hình thức khuyến mại đa dạng. Nguyên nhân của tình trạng xuất phát từ việc số lượng cán bộ quản lý của Sở Thương mại phục vụ cho việc kiểm tra, phát hiện vi phạm thì lại quá ít kết hợp với sự thiếu đầy đủ trong những quy định của pháp luật. Cụ thể là tại Điều 92 BLTM và quy định tại mục II , từ Điều 7 đến Điều 13 Nghị định 37/2006/NĐ-CP chỉ quy định có 6 hình thức khuyến mại, thế những trên thực tế còn tồn tại rất nhiều những hình thức khuyến mại khác.

Thứ hai: Chưa có sự phân biệt cụ thể giữa “quà tặng” và “hàng mẫu” trong trường hợp thương nhân dùng hàng hóa và dịch vụ của mình được kinh doanh một cách hợp pháp để phát tặng khách hàng mà không kèm theo hành vi mua bán. Nếu không phân biệt rõ ràng sẽ dẫn đến việc áp dụng không đúng và không thống nhất. Nếu là “hàng mẫu” thì thương nhân không phải tuân theo bất kỳ qui định nào về hạn mức khuyến mại còn “quà tặng” thì phải tuân thủ triệt để. Từ việc tìm hiểu về mục đích của thương nhân trong vấn đề “quà tặng” và hàng mẫu” là hoàn toàn khác nhau. “Hàng mẫu” là hàng đưa cho khách để giới thiệu cho họ về hàng hóa và dịch vụ của mình để họ kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa và mua hàng còn “quà tặng” là dùng giá trị của quà tặng để thu hút khách mua hàng.

Thứ ba: Quy định hạn mức “Tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ dùng đế khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại” nhưng thực tế rất khó tính rõ ràng. với cả hai đại lượng để tính đến hạn mức khuyến mại của một chương trình khuyến mại có vượt quá 50% so với quy định của pháp luật hay không là “tổng giá trị hàng hóa dùng để khuyến mại” và “tổng giá trị dịch vụ được khuyến mại” đều là chỉ được xác định một cách cụ thể sau khi đợt khuyến mại kết thúc. Thêm vào đó, việc thương nhân thực hiện nhiều hình thức khuyến mại trong một chương trình khuyến mại thì việc xác định lại càng khó hơn vì thiếu cơ sở pháp lý để có thể tính toán một cách cụ thể. Nếu cơ quan quản lý xác định vi phạm và xử lý vi phạm trước thời điểm khuyến mại kết thúc thì cũng rất khó để có số liệu chính xác làm căn cứ xử phạt vì tất cả chỉ là định tính. Còn nếu xử phạt sau khi đợt khuyến mại đã kết thúc thì quy định này của luật chẳng còn ý nghĩa ngăn chặn độc quyền như ban đầu.

Thứ tư: Về thẩm quyền xử lý vi phạm. Các thương nhân vi phạm quy định của pháp luật về khuyến mại chỉ dừng lại ở mức độ đình chỉ được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho chương trình khuyến mại đó theo quy định tại Điều 20 Nghị định/2006/NĐ-CP. Vấn đề ở đây là theo quy định của luật, cơ quan có quyền cấp phép cũng lại có quyền ra quyết định đình chỉ, điều luật này phải chăng đang tạo nên sự thiếu công bằng và hiệu quả trong hoạt động xét xử vi phạm? Thêm vào đó, nếu mức độ xử lý vi phạm khuyến mại theo luật là quá nhẹ, không đủ sức răn đe dẫn đến việc các thương nhân vì lợi ích cố tình vi phạm quy định của pháp luật về khuyến mại.

3. Giải pháp

Thứ nhất, Việc phân biệt được hình thức khuyến mại nào trên thực tế là hàng mẫu, hình thức nào là khuyến mại tặng quà là một yếu tố rất quan trọng để xác định quyền và nghĩa vụ của thương nhân khi tham gia hoạt động thương mại. Bởi vậy, pháp luật chỉ nên qui định việc “tặng quà” kèm theo mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ còn lại các trường hợp đưa hàng hóa cho khách mà không thu tiền là “hàng mẫu”.

Thứ hai, Quy định khoản 2 Điều 5 Nghị định 37/2006/NĐ-CP như đã nêu ra ở trên, xuất phát từ việc thực hiện quy định hạn mức tối đa trên thực tế gặp không ít những vướng mắc, bất cập mà chính những điều đó đang khiến cho quy định này trở nên hình thức, không có nhiều vai trò quan trọng trên thực tế. Vậy nên để tránh tình trạng này xảy ra, nên bổ sung những cơ sở pháp lý cho việc xác định cụ thể hạn mức tối đa. Cách thức tính hạn mức cần minh bạch rõ ràng hơn, phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ đối với cách doanh nghiệp khi hoạt động khuyến mại, nhằm tránh tình trạng để lọt lưới các vi phạm.

Thứ ba, Quy định về trách nhiệm của thương nhân trong hoạt động thương mại còn mang tính hình thức, chưa thực sự được chú trọng xuất phát từ các chế tài xử lý còn quá nhẹ. Do đó, để hoạt động khuyến mại thực sự có hiệu quả trên thực tế, luật cần có những quy định nghiêm khắc, xử lý vi phạm với mức độ cao hơn quy định hiện nay nhằm răn đe và phòng ngừa các thương nhân cố tính vi phạm.

Thứ tư, Khoản 4 Điều 96 BLTM được đặt ra với mục đích hạn chế những hành vi lợi dụng khuyến mại để lừa đảo của thương nhân. Tuy vậy, về lý thuyết, đây thực sự là một quy định tích cực, tuy vậy trên thực tế, quy định này đang gặp phải không ít vấn đề: Một là không phải mọi thương nhân khi thực hiện hoạt động khuyến mại đều với mục đích và hành vi lừa đảo. Hai là có một số ý kiến cho rằng: Quy định này đặt ra đang không đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp của thương nhân hoạt động khuyến mại. Nhất là khi họ thực hiện hoạt động khuyến mại mà doanh số không được như ý muốn, mà họ còn mất chi phí cho khuyến mại, Điều này sẽ đẫn đến những bất lợi không nhỏ cho thương nhân. Thêm vào đó, quy định này cũng rất dễ bị lách luật bằng cách thay vì nộp 50% giá trị sản phẩm khuyến mại vào Ngân sách Nhà nước thương nhân chỉ cần chỉ định cho một đối tượng đã sắp xếp làm thủ tục nhận giải theo sự sắp xếp của mình là có thể vô hiệu hóa quy định này của luật. Do đó, cũng cần thiết trong việc thay vì tồn tại một quy định có tính hình thức, chúng ta nên loại bỏ nó, tránh để quy định này của luật trở thành trở ngại cho hoạt động của thương nhân.

Thứ năm, pháp luật qui định “thương nhân có nghĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và cam kết với khách hàng” qui định như vậy là chưa đủ chặt chẽ để đảm bảo sự trung thực của thương nhân về giải thưởng trong các chương trình khuyến mại mang tính may rủi. Thực tế cho thấy so với tổng số hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại mà các thương nhân đăng kí với Cục xúc tiến thương mại thì tổng giá trị giải thưởng đã trao là rất thấp thông thường chỉ chiếm 3% tổng số tiền dành cho khuyến mại đã đăng kí. Ai có thể kiểm soát được tính trung thực của thương nhân khi thực hiện khuyến mại? Đây là một thực trạng diễn ra rất phổ biến hiện nay mà pháp luật về xúc tiến thương mại hiện hành vẫn còn để ngỏ mà chưa có hướng giải quyết.

Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng trong phạm vi quyền hạn của mình có thể ban hành những mẫu giấy tờ chứng thực giữa số lượng hàng hóa bán ra và số lượng hàng trong đó được khuyến mại. Chẳng hạn như công ty bia Hà Nội bán ra 1000 chai bia trong ngày tết dương lịch và đăng kí với Sở thương mại Hà Nội là trong đó có 30 chai trúng thưởng, tổng trị giá khuyến mại 3 triệu. Để kiểm soát được số tiền dành cho khuyến mại của công ty trên thực tế có đúng với cam kết không? Bộ thương mại có thể ban hành một mẫu giấy thống nhất cho các công ty nói chung, công ty này nói riêng, trong đó yêu cầu điền đầy đủ các thông tin về người được nhận khuyến mại như tên, tuổi, địa chỉ, và số tiền được hưởng khuyến mại là bao nhiêu. Sau đó giấy này được lưu vào 1 File riêng của thương nhân đó, đồng thời phải nhập số liệu báo cáo cho Sở thương mại ngay sau đợt khuyến mại, cuối năm thì có 1 đợt báo cáo tổng hợp về từng đợt. Bản lưu của Thương nhân gồm các giấy tờ chứng nhận, chứng thực của khách hàng có thể bị kiểm tra đột suất bởi các đoàn kiểm tra nhằm tránh tình trạng thương nhân không thực hiện đúng cam kết thương mại.

KẾT LUẬN

Khuyến mại là hoạt động có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của thương nhân. Do đó, khuyến mại diễn ra một cách thường xuyên, với số lượng lớn. Tuy pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh tương đối hoàn chỉnh về hoạt động này nhưng vẫn còn tồn tại không ít những bất cập trong thi hành. Bởi vậy, việc thay đổi và bổ sung, hoàn thiện pháp luật là việc làm quan trọng để đưa hoạt động khuyến mại trở về đúng ý nghĩa ban đầu của nó.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật thương mại năm 2005.
2. Nghị định 37/2006/ NĐ – CP của Chính phủ ngày 4/4/2006 Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
3. Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BTM-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2007 về khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại nghị định số 37/2006/nđ-cp ngày 04 tháng 4 năm 2006 của chính phủ quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
4. Giáo trình Luật thương mại tập 2, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2006, Nxb CAND.
5. Pháp luật về khuyến mại – Một số vướng mắc về lí luận và thực tiễn, TS Nguyễn Thị Dung, Tạp chí luật học số 7/2007.
6. Pháp luật về xúc tiền thương mại ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Th.S Nguyễn Thị Dung, NXB Chính trị Quốc gia.
7. Pháp luật về khuyến mại – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp Nguyễn Thị Thu Hồng 2007.
8. Mấy ý kiến về hoạt động khuyến mại và vai trò của pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Trần Dũng Hải, tạp chí nhà nước và pháp luật số 6/2008.
9. Pháp luật thương mại về hoạt động quảng cáo và khuyến mại – Thực trạng và giải pháp, Luận văn thạc sĩ luật học Trần Dũng Hải, 2004.
10. Pháp luật về khuyến mại và thực tiễn thực hiện trong lĩnh vực viễn thông, Khoá luận tốt nghiệp Nguyễn Minh Cương,Hà Nội, 2010
11. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/
12. http://vietbao.com/

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment