03/05/2014
Thời hiệu khởi kiện - điểm yếu của Luật Dân sự hiện hành?
THỜI HIỆU KHỞI KIỆN - ĐIỂM YẾU CỦA LUẬT DÂN SỰ HIỆN HÀNH ?
Đỗ Văn Đại - Đỗ Văn Hữu

Hậu quả của hết thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc, thì mất quyền khởi kiện.


Theo Thông tư liên ngành số 03/TTLN của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 10/08/1996, “Bộ luật Dân sự không có quy định về thời hiệu khởi kiện đối với vi phạm hợp đồng dân sự, do đó, các hợp đồng dân sự được xác lập từ ngày 1/7/1996 mà có vi phạm, thì bên bị vi phạm không bị hạn chế thời gian khởi kiện trước Toà án, nếu pháp luật không có quy định khác”. Nhưng theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004, trong trường hợp pháp luật không có quy định khác thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm. Như vậy, thời hiệu khởi kiện này rất ngắn. Do đó, những tranh chấp về hậu quả của việc hết thời hiệu sẽ tăng. Với thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, chúng tôi phân tích hậu quả của hết thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực hợp đồng.


1. Hết thời hiệu làm mất quyền yêu cầu tòa án giải quyết

Mất quyền khởi kiện

Trong thực tiễn pháp lý, khi thời hiệu khởi kiện không còn, quyền yêu cầu tòa án của các chủ thể chấm dứt. Ví dụ: Ngày 20/12/1995, vợ chồng bà Bé làm tờ thế chấp tài sản với nội dung đồng ý thế chấp căn nhà ở thôn H. để vay bà Xuân 178 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng, thời hạn trả là cuối tháng 12/1996 (âm lịch). Năm 2002, hai bên có tranh chấp và yêu cầu tòa án can thiệp. Tại bản án sơ thẩm số 119/DSST ngày 15/10/2002, Toà án nhân dân (TAND) huyện S nhận định: “kể từ năm 1997 đến nay bà Xuân không còn chứng cứ nào khác để chứng minh do khách quan nên không thể đòi số nợ trên, từ đó căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội thông qua ngày 28/10/1995 tại điểm b, Khoản 3 và điểm a, Khoản 6; Khoản 2, Điều 36 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; Khoản 1, Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 thì thời hiệu khởi kiện đã hết, bà Xuân đã mất quyền khởi kiện nên vụ kiện sẽ được đình chỉ theo quy định của pháp luật”. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 136 ngày 18/11/2004, Toà dân sự TANDTC xét: “Hợp đồng vay nợ giữa bà Xuân với vợ chồng bà Bé được xác lập ngày 20/12/1995, thời hạn thanh toán hết tháng 12 (âm lịch) năm1996. Căn cứ vào Khoản 1, Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991… Đến năm 2002, bà Xuân mới khởi kiện đòi nợ vợ chồng bà Bé là đã quá thời hạn khởi kiện. Về phía bà Xuân không chứng minh được từ thời điểm bên vay tiền vi phạm hợp đồng (tháng 12/1996 âm lịch) đến năm 2002 giữa hai bên có thoả thuận kéo dài thêm thời hạn trả nợ nên không có cơ sở để tính lại thời hiệu. Do đó, tại bản án sơ thẩm số 119 ngày 15/10/2002, TAND huyện S xác định bà Xuân hết quyền khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ kiện là đúng pháp luật”.

Như vậy, theo thực tiễn pháp lý Việt Nam, khi hết thời hiệu khởi kiện, bên có quyền mất quyền yêu cầu tòa án can thiệp, bảo vệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai có thể viện dẫn việc mất quyền khởi kiện ?

Chủ thể viện dẫn mất quyền khởi kiện

Trong thực tiễn, việc viện dẫn mất quyền yêu cầu tòa án do hết thời hiệu khởi kiện có thể xuất phát từ một bên trong tranh chấp hợp đồng, ví dụ: tranh chấp giữa ông Phát và bà Hoa liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặc dù chưa được uỷ ban nhân dân giao đất, bà Hoa vẫn chuyển giao đất cho ông Phát với giá 50 lượng vàng và ông Phát đã giao cho bà Hoa 45 lượng vàng. “Tháng 8-2000, ông Phát khởi kiện đòi lại số vàng đã giao cho bà Hoa nhưng bà Hoa cho rằng, phía ông Phát đã vi phạm hợp đồng và thời hiệu khởi kiện đã hết nên không đồng ý trả vàng cho ông Phát” (Quyết định giám đốc thẩm số 16/GĐT-DS ngày 28/1/2003 của Tòa dân sự TANDTC).

Hoặc viện dẫn mất quyền yêu cầu tòa án do hết thời hiệu khởi kiện cũng có thể xuất phát từ cơ quan tiến hành tố tụng. Ví dụ: năm 1995, Công ty A bán cho Công ty B 64 tấn dầu. Khi có tranh chấp, TAND TP. Hà Nội buộc B bồi thường cho A một khoản tiền. Sau đó, tại bản án số 134 ngày 20/9/1997, Tòa phúc thẩm TANDTC buộc B phải thanh toán cho A một khoản tiền nhỏ hơn. Như vậy, TAND TP Hà Nội và Tòa phúc thẩm TANDTC thụ lý vụ việc và không đề cập đến vấn đề thời hiệu khởi kiện trong bản án. Tuy nhiên, trong Kháng nghị số 01/KT-TK ngày 23/3/1998, theo Chánh án TANDTC, “thời điểm phát sinh tranh chấp hợp đồng được tính từ ngày 5/10/1995. Theo quy định tại Điều 31 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì thời hiệu khởi kiện là 6 tháng kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Trong thời hiệu khởi kiện (từ ngày 5/10/1995 đến hết ngày 5/4/1996) A đã không làm đơn khởi kiện… Do đó, kể từ ngày 6/4/1996, A không còn quyền khởi kiện ra tòa án đối với B về việc vi phạm hợp đồng kinh tế nêu trên”. ở ví dụ này, chính Chánh án TANDTC đã viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của bên A. Trong thực tiễn, việc cơ quan tố tụng tự viện dẫn mất quyền khởi kiện của một bên trong tranh chấp hợp đồng diễn ra không ít.

Như vậy, khi hết thời hiệu khởi kiện, quyền yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp của một bên trong hợp đồng bị mất. Điều đó là hợp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của một bên trong hợp đồng bởi thời gian càng lâu thì họ càng gặp khó khăn trong việc đưa ra biện pháp phòng vệ. Tuy nhiên, việc cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn việc hết thời hiệu để không giải quyết vụ án dân sự thì thực tiễn pháp luật Việt Nam khác với nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới. Theo Điều 2223 Bộ luật Dân sự Pháp, thẩm phán không thể tự viện dẫn việc hết thời hiệu khởi kiện. Pháp luật của các nước Bỉ, Lúc-xăm-bua, ý, Tây Ban Nha cũng quy định tương tư. Trong thực tiễn của nước Pháp, Tòa án tối cao Pháp thường xuyên hủy bản án sơ thẩm hay phúc thẩm trong đó thẩm phán tự mình viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên trong hợp đồng do hết thời hiệu trong khi không được bên kia của hợp đồng yêu cầu.

Thực tiễn trên của Việt Nam cũng khác với một số bộ nguyên tắc về hợp đồng được đánh giá cao trên bình diện quốc tế. Ví dụ, Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng chỉ cho phép bên có nghĩa vụ của hợp đồng được viện dẫn việc hết thời hiệu và quy định là khi hết thời hiệu khởi kiện, “bên có nghĩa vụ được quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ”. Và theo Điều 10.9, Khoản 1 Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế, “việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ”. Như vậy, trong các hệ thống luật nêu trên, việc hết thời hiệu không có hiệu lực tự động mà nó chỉ có hiệu lực khi một bên viện dẫn điều đó như một biện pháp tự vệ. ở đây, cơ quan tố tụng không được tự viện dẫn việc hết thời hiệu để từ chối quyền yêu cầu của một bên trong hợp đồng nếu không được bên kia yêu cầu.

Mặc khác, việc cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn việc một bên mất quyền khởi kiện khi không được bên kia trong hợp đồng yêu cầu dường như đi ngược lại với tinh thần của nguyên tắc tự do quyết định, định đoạt của đương sự được ghi nhận tại Điều 5 BLTTDS, trong khi đó, quan hệ hợp đồng là loại quan hệ mà quyền định đoạt và quyết định của các bên là rất cao. Theo đó, điểm a, Khoản 1, Điều 168 BLTTDS quy định chung chung rằng, tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết là không hợp lý.

Thiết nghĩ, để pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và để tôn trọng quyền tự do quyết định, định đoạt của các bên trong tranh chấp hợp đồng, không nên cho phép cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên khi không được bên kia yêu cầu. Đồng thời, để giải pháp này được áp dụng hài hòa thì điểm a, Khoản 1, Điều 168 BLTTDS nên quy định là: trong lĩnh vực hợp đồng, tòa án chỉ trả lại đơn khởi kiện vì thời hiệu khởi kiện đã hết nếu được một bên trong tranh chấp yêu cầu việc đó.

2. Hết thời hiệu không làm mất quyền phát sinh quyền yêu cầu tòa án

Quyền yêu cầu tòa án can thiệp phát sinh từ quyền mà một bên được yêu cầu bên kia thực hiện. Ví dụ, quyền của một bên yêu cầu tòa án buộc bên kia thanh toán một khoản tiền phát sinh từ quyền bên này được yêu cầu bên kia thanh toán khoản tiền cho vay. Chẳng hạn, A cho B vay 100 triệu đồng. Vậy, A có quyền yêu cầu B thanh toán khoản tiền này và quyền này làm phát sinh quyền của A yêu cầu tòa án giải quyết buộc B thanh toán. Khi hết thời hiệu khởi kiện, quyền khởi kiện bị mất. Vấn đề đặt ra là liệu việc mất quyền yêu cầu tòa án có dẫn đến mất quyền làm phát sinh quyền yêu cầu tòa án không? Pháp luật Việt Nam không quy định rõ ràng về vấn đề này. Vụ tranh chấp giữa bà Bé và bà Xuân nêu trên là một ví dụ minh hoạ.

Chấm dứt hay không chấm dứt quyền phát sinh quyền yêu cầu toà án?

Trong tranh chấp giữa bà Bé và bà Xuân, bên cạnh việc xét rằng bà Xuân mất quyền khởi kiện, Tòa sơ thẩm còn nêu “bà Xuân đã mất quyền khởi kiện nên mặc nhiên bà Bé không còn phải có nghĩa vụ thanh toán số nợ đã vay”. Như vậy, theo Tòa sơ thẩm, việc mất quyền yêu cầu tòa án giải quyết do hết thời hiệu làm mất quyền đòi nợ của bà Xuân và làm biến mất nghĩa vụ thanh toán nợ của bà Bé.

Giải pháp của Tòa sơ thẩm không được Chánh án TANDTC chấp nhận. Trong Kháng nghị số 72/KNDS ngày 03/9/2004, Chánh án TANDTC có nêu: việc giải quyết như trên “là không chính xác, vì pháp luật hiện hành chỉ xác định hết thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì Toà án không thụ lý giải quyết”. Quan điểm trên của Chánh án TANDTC được Tòa dân sự TANDTC chấp nhận. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 136 ngày 18/11/2004 Toà dân sự TANDTC nhận định: “Toà án cấp sơ thẩm tuy đã đình chỉ việc giải quyết vụ kiện là đúng pháp luật nhưng trong phần nhận định của bản án, Toà án cấp sơ thẩm cho rằng bà Xuân đã mất quyền khởi kiện nên mặc nhiên bà Bé không còn phải có nghĩa vụ thanh toán số nợ đã vay là không chính xác, vì pháp luật hiện hành chỉ xác định hết thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì toà án không thụ lý giải quyết”.

Như vậy, trong lĩnh vực hợp đồng, theo thực tiễn pháp lý Việt Nam, việc mất quyền khởi kiện không dẫn đến mất quyền làm phát sinh quyền yêu cầu tòa án. Với giải pháp trên, thực tiễn pháp lý Việt Nam làm cho pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật nhiều nước trên thế giới. Theo pháp luật Đức, khi thời hiệu khởi kiện hết, quyền làm phát sinh quyền yêu cầu tòa án không chấm dứt. Quy định đó tương tự như pháp luật của Hy Lạp, Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Ailen, Bồ Đào Nha và Khoản 1, Điều 10.9 Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế rằng “việc hết thời hiệu không chấm dứt quyền”.

Hậu quả của việc không mất quyền

Theo thực tiễn pháp lý Việt Nam, quyền làm phát sinh quyền yêu cầu tòa án không chấm dứt khi thời hiệu khởi kiện đã hết. Chúng tôi cho rằng, giải pháp này là hợp lý và phù hợp với nhiều hệ thống luật trên thế giới như đã nêu.

Giải pháp này dẫn đến hậu quả là nếu bên có nghĩa vụ đã tự giác thực hiện nghĩa vụ thì không được đòi lại. Trong ví dụ trên, nếu bà Bé tự thanh toán cho bà Xuân mặc dù thời hiệu đã hết thì không được đòi lại khoản tiền đã trả. Vì quyền đó vẫn tồn tại nên bên có quyền vẫn có thể sử dụng để bù trừ nghĩa vụ của mình với bên kia. Ví dụ, nếu bà Xuân cũng phải trả bà Bé một khoản tiền thì bà Xuân có thể sử dụng khoản tiền mà mình cho vay để bù trừ với món nợ mà mình phải trả cho bà Bé.

Cũng cần phải thấy rằng, giải quyết hậu quả của giải pháp trên không đơn giản. Ví dụ, vì món nợ hết thời hiệu vẫn tồn tại thì liệu món nợ đó có tiếp tục làm phát sinh lãi suất không? Trong ví dụ liên quan đến tranh chấp giữa bà Xuân và bà Bé, các bên thỏa thuận là lãi suất 3%/tháng, liệu lãi suất trên có tiếp tục được tính không? Còn nữa, những biện pháp bảo đảm cho món nợ đó có chấm dứt không? Trong ví dụ trên, bà Bé đã thế chấp một bộ đơn xin hợp thức hóa nhà và một bộ hộ khẩu, số phận những tài liệu thế chấp này được giải quyết ra sao? Trong trường hợp không thể nhận lại những giấy tờ đó, bà Bé có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại không? Câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ và cần sự bàn luận của nhiều nhà luật học, nhà nghiên cứu và của bạn đọc Hiến kế Lập pháp.

No comments:

Post a Comment