03/05/2014
Bài tập học kỳ Dân sự 1 - Tuyên bố chết, tuyên bố mất tích và hậu quả pháp lý
A: Nêu vấn đề

Cá nhân sinh ra là một thực thể của xã hội và là thực thể pháp lý. Sự tồn tại của cá nhân với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự đem lại cho cá nhân các quyền và nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định. Thông thường cá nhân sinh ra và khai tử theo một quy luật thông thường. Tuy nhiên có những trường hợp cá nhân mất tích và sự mất tích ấy lại ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của chủ thể khác. Xuất phát từ lý do này mà pháp luật dân sự đã có những quy định về việc tuyên bố mất tích và tuyên bố chết. Tuy nhiên việc áp dụng pháp luật vào thực tế còn nhiều vấn đề cần phải xem xét. Hiêu rõ được tầm quan trọng của vấn đề, em đã tìm hiểu và làm rõ hơn nữa về lý luận cũng như thực tế việc thực hiện tuyên bố mất tích và tuyên bố chết hiện nay.

B: Nội dung.


Tuyên bố chết và tuyên bố mất tích là một chế định đặc biệt của pháp luật dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân cũng như những chủ thể có liên quan khác. “ Năng lực pháp luật dân sự của công dân chấm dứt khi người đó chết”, cái chết của cá nhân là sự kiện pháp lý làm chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân. Nhưng cái chết đó phải được xác định một cách đích xác và theo quy định của pháp luật phải “khai tử” (theo điều 30 bộ luật dân sự). Trong thực thế có những trường hợp vì nhiều lý do khác nhau mà không thể xác định được cá nhân đó còn sống hay đã chết. Trong những trường hợp như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ và của những người có quyền, lợi ích liên quan, pháp luật quy định những điều kiện, trình tự để tạm dừng hoặc chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân dưới 2 hình thức: Tuyên bố mất tích và tuyên bố chết.


I: tuyên bố mất tích.

1. Thông báo tìm kiếm người vắng mặt và quản lý tài sản của người vắng mặt.

Theo quy định của BLDS năm 2005 thì tuyên bố một người mất tích là một thủ tục tư pháp do Tòa án quyết định. Để có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích thì trước tiên những người có quyền và lợi ích liên quan của người biệt tích đã phải có thông báo tìm kiếm người vắng mặt của Tòa án theo thủ dục do pháp luật quy định tại Điều 74 BLDS năm 2005: “Khi một người biệt tích sáu tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt quy định tại Điều 75 của Bộ luật này”.

Khái niệm biệt tích được hiểu là việc một người vắng mặt tại nơi cư trú và không một ai biết hiện người đó đang ở đâu, không có bất cứ một thông báo nào để xác nhận người đó còn sống hay đã chết. Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người vắng mặt tại nơi cư trú như bỏ nhả đi, lạc khỏi địa bàn cư trú… Việc thông báo tìm kiếm là rất cần thiết nhằm xác định tung tích của người vắng mặt tại nơi cư trú. Thời hạn 6 tháng phải được tính liên tục, không gián đoạn và được tính bắt đầu kể từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Bên cạnh việc yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt, những người có quyền và lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án xem xét và áp dụng các biện pháp cần thiết để quản lý tài sản của người vắng mặt nhằm tránh khả năng mất mát, hư hỏng, tiêu tán tài sản, bảo vệ quyền lợi của người vắng mặt, những người thân thích của họ và những người có quyền, lợi ích liên quan khác.

Tùy theo từng trường hợp cụ thể và theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan đã yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt, Tòa án sẽ xem xét và quyết định giao tài sản của người vắng mặt cho ai quản lý. Theo quy định tại điều 75 BLDS năm 2005 thì người quản lý tài sản của người vắng mặt được quy định như sau: Đối với tìa sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người đó tiếp tục quản lý; đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung tiếp tục quản lý; tài sản do vợ hoặc chồng quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý, nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt sẽ quản lý; trong trường hợp không còn những người trên thì tòa án sẽ chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú để quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Việc Tòa án quyết định giao tài sản của người vắng mặt cho ai quản lý sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của người đã được giao việc quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú và kể từ khi Tòa án quyết định giao cho người đó quyền quản lý tài sản thì người đó phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người quản lý tài sản theo quy định của pháp luật. Người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các quyền và nghĩa vụ sau đây được quy định tại Điều 76 và Điều 77 BLDS năm 2005: Điều 76: Gìn giữ, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình; bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng; thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của tòa án; giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người đó trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Điều 77: Quản lý tài sản của người vắng mặt; trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt; được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản.

2. Tuyên bố mất tích

a. Điều kiện của việc tuyên bố cá nhân mất tích

Điều 78 BLDS năm 2005 quy định: “Khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó, nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng, nếu không xác định được tháng có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”.

Quy định này đã làm được làm rõ ràng hơn so với điều 88 BLDS năm 1995 trước đây. Điều 78 BLDS năm 2005 nhấn mạnh vào 2 điều kiện đó là: Thứ nhất, thời hạn mà người đó được xác định là biệt tích phải tối thiểu là 2 năm. Thời hạn 2 năm này phải có tính liên tục, không bị ngắt quãng. Có nghĩa là nếu một người vắng mặt tại nơi cư trú khoảng 1 năm sau đó có một tin tức rằng người đó vẫn sống tại một nơi khác rồi sau đó lại biệt tích 1 năm nữa thì không thể tính cộng 2 khoảng thời gian đó lại thành 2 năm được. Thứ hai, người có quyền và lợi ích liên quan đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự những vẫn không có tin tức xác thực việc người đó còn sống hay đã chết. Với 2 điều kiện này, người có quyền và lợi ích liên quan mới có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất tích.

Để có thể giúp Tòa án thống nhất về thời hạn, BLDS quy định cụ thể cách tính thời hạn. Thứ tự về cách tính thời hạn như sau: Trước tiên thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Việc xác định thời hạn này được tính trên cơ sở người có quyên, lợi ích liên quan hoặc những người thân thích của người biệt tích nhớ rõ và có bằng chứng chứng minh đúng ngày tháng năm có tin tức của người biệt tích. Khi không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức. Nếu không xác định được tháng thì sẽ tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Những người có quyền và lợi ích liên quan có phải đưa ra các bằng chứng tùy theo từng trường hợp cụ thể để chứng minh rằng vào những thời điểm nói trên (ngày có tin tức cuối cùng, tháng, năm…) có chứng cớ xác định rằng có tin tức của người biệt tích vào thời điểm đó, và đó là thời điểm để xác định thời hạn của người biệt tích. Các bằng chứng có thể là các loại giấy tờ, văn bản, thư từ hoặc người làm chứng. Trên cơ sở đó Tòa án mới xem xét và xác định tính xác thực của các bằng chứng để xác định cách tính thời hạn cho từng trường hợp cụ thể và thực hiện các thủ tục cần thiết để tuyên bố một người bị mất tích.

b. Hậu quả pháp lý của quyết định tuyên bố cá nhân mất tích.

Trên thực tế, hậu quả pháp lý của việc một người bị Tòa án tuyên bố mất tích liên quan đến quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân của người biệt tích. 

Về tư cách chủ thể: Khi Tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích, tạm thời tư cách chủ thể của người bị tuyên bố mất tích bị dừng lại. Và khi người đó trở về thì tư cách chủ thể của người đó lại có hiệu lực pháp lý.

Về quan hệ nhân thân: Các quan hệ về nhân thân của người bị tuyên bố mất tích cũng tạm dừng. Tại khoản 2 Điều 78 BLDS năm 2005 đã quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”. Quy định này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ hoặc chồng người mất tích. Họ có quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn vì lý do người chồng hoặc vợ của họ mất tích. Trong trường hợp một người xin ly hôn với lý do vợ hoặc chồng của mình bị tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản thì phải xuất trình trước Tòa án bản quyết định của Tòa án trước về việc tuyên bố vợ hoặc chồng mình mất tích. Nếu Tòa án quyết định tuyên bố mất tích theo yêu cầu của chồng hoặc vợ của người mất tích với động cơ muốn xin ly hôn vắng mặt thì hợp nhất Tòa án sẽ giải quyết cả 2 yêu cầu mà không cần mở 2 phiên tòa để giải quyết 2 việc khác nhau.

Về quan hệ tài sản: Các quy định cụ thể liên quan đến việc quản lý tài sản của người bị Tòa án tuyên bố mất tích được quy định tại Điều 79 BLDS năm 2005: “Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại khoản 1 Điều 75 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ định tại Điều 76 và 77 của bộ luật này. Trong trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con đã thành niên hoặc cha, mẹ quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người bị tuyên bố mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án sẽ chỉ định người khác quản lý tài sản”.

Việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích được thực hiện theo nguyên tắc người đang quản lý tài sản (theo quy định tại khoản 1 Điều 75 BLDS năm 2005) tiếp tục quản lý sài sản của người bị tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Điều 76 và 77 BLDS năm 2005. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến việc thay đổi người quản lý tài sản, khi người đó không thể tiếp tục thực hiện việc quản lý tài sản vì những lý do chính đáng (không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ của người quản lý tài sản hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình). Ngoài ra việc thay thế người quản lý tài sản cũng đặt ra khi người đó bị tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc chết… Vấn đề này chưa được BLDS quy định cụ thể nhưng trong thực tế khi xảy ra vấn đề này thì Tòa án sẽ xem xét và có quyết định thay đổi người quản lý tài sản cho người mất tích khi có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.

Điều 79 BLDS năm 2005 có đề cập trường hợp nếu Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn, thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý, nếu không có những người này thì giao cho người thân thích quản lý, nếu không còn người thân thích thì Tòa án sẽ chỉ định một người khác quản lý. Đây là quy định nhằm bảo đảm việc quản lý tài sản cho người mất tích sau khi vợ hoặc chồng của người đó đã được Tòa án giải quyết cho ly hôn.

c. Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích

Trong trường hợp một người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích, sau một thời gian người đó trở về hoặc có tin tức xác thực rằng người đó vẫn còn sống. Thì trong trường hợp này, theo yêu cầu của chính người bị tuyên bố mất tích hoặc yêu cầu của người thân thích, người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích. (khoản 1 Điều 80 BLDS năm 2005). Đây là việc làm cần thiết về mặt pháp lý để bảo đảm quyền lợi của người bị tuyên bố mất tích về quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản của người đó khi người đó trở về. Tư cách chủ thể của người bị tuyên bố mất tích được khôi phục như ban đầu. 

Tài sản của người tuyên bố mất tích được quy định tại khoản 2 Điều 80: “người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý”. Người bị tuyên bố mất tích có quyền yêu cầu người quản lý tài sản chuyển giao lại tài sản cho mình và người đó cũng có nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lý và cần thiết phát sinh từ việc quản lý tài sản. Trong trường hợp người quản lý tài sản làm hư hỏng, gây thiệt hại đến tài sản của người bị tuyên bố mất tích thì người đó cũng có quyền yêu cầu người quản lý tài sản phải bồi thường thiệt hại cho mình.

Quan hệ hôn nhân của người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là còn sống trong quan hệ với vợ hoặc chồng được quy định tại Khoản 3 Điều 80 BLDS năm 2005: “trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật”. Có nghĩa là khi đã có quyết định cho ly hôn của Tòa án thì dù người mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là vẫn còn sống thì dù vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quyết định ly hôn vẫn có hiệu lực.

II. Tuyên bố chết

1. Điều kiện và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố chết

a. Điều kiên tuyên bố một cá nhân chết

Theo quy định tại Điều 81 BLDS năm 2005, trong những trường hợp sau Tòa án có thể tuyên bố một người là đã chết:

- Sau 3 năm kể từ ngay quyết đinh tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà người biệc tích vẫn không trở về và không có thông tin xác thực nào về việc người đó còn sống hay đã chết. Trong trường hợp này, việc tạm dừng năng lực chủ thể của cá nhân sẽ được giải quyết theo hướng chấm dứt tư cách chủ thể của người đó. Lúc này Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người đó đã chết mà không cần đòi hỏi thêm thủ tục thông báo nào cả.

- Một người biệt tích 5 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực là người đó còn sống hay đã chết, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Sau 2 năm có thể tuyên bố người đó mất tích, sau 5 năm thì có thể tuyên bố là đã chết. Nếu có tuyên bố mất tích thì sẽ áp dụng theo điểm a khoản 1 Điều 81 BLDS năm 2005, nếu không tuyên bố mất tích thì biệt tích 5 năm liền trở lên Tòa án có thể tuyên bố một người là đã chết.

- Biệt tích trong chiến tranh sau 5 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà không có tin tức xác thực rằng người đó còn sống hay đã chết. Theo điểm b khoản 1 Điều 81 BLDS năm 2005 không quy định  việc phải thông báo tìm kiếm trong trường hợp biệt tích trong chiến tranh. Ngày chiến tranh kết thúc có thể có nhiều quy định khác nhau như ngày chiến thắng, ngày tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ngày ký hiệp định đình chiến, hiệp định hòa bình hoặc ngày tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tránh… Tùy theo hoàn cảnh của các cuộc chiến tranh mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định. 

- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 1 năm kể từ ngày sự kiện đó chấm dứt mà không có tin tức gì xác thực là người đó còn sống hay đã chết. Người đó được xác nhận là một trong số những người có trong tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai (cư dân trong vùng bị động đất, núi lửa, sóng thần; hành khách trong các tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không; người trong hầm, lò, mỏ bị sập hoặc hư hỏng... mà không xác định được hoặc do không tìm thấy thi thể nạn nhân)

Trong quy định về tuyên bố một người là đã chết, có một số điểm chú ý. Thứ nhất là cách tính thời hạn 5 năm của người biệt tích. Cách tính thời hạn này cũng giống như cách tính thời hạn trong quy định về việc tuyên bố mất tích. Tức là sẽ tính từ ngày nhận được tin tức cuối cùng của người biệt tích; nếu không xác định được ngày thì sẽ tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được tháng thì sẽ tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Thời hạn 5 năm phải là liên tục, không thể cộng các thời gian biệt tích để tính. Và những người có quyền và lợi ích liên quan khi yêu cầu Tòa án tuyên bố người biệt tích chết phải đưa ra các bằng chứng xác thực về tin tức cuối cùng của người biệt tích để có thể xác định thời hạn. Thứ 2 là việc người biệt tích trong chiến tranh thì không cần thiết phải có những thông báo tìm kiếm theo quy định của pháp luật bởi đây là trường hợp biệt tích đặc biệt. Việc tổ chức thông báo tìm kiếm người thân trong chiến tranh là một việc khó, bởi thiếu rất nhiều căn cứ xác thực và các thông tin để có thể tìm kiếm người biệt tích. Hơn nữa số người biệt tích trong chiến tranh cũng khá nhiều nên việc tìm kiếm sẽ càng khó khăn. Thứ 3 là phải xác định chính xác sự có mặt của người biệt tích trong các tai nạn, thảm họa, thiên tai. Phải có những chứng cứ xác nhận người đó đang di chuyển trên các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt hay đường hàng không; giấy tờ xác thực công việc của người đó trong các hầm, lò, mỏ; hay giấy tờ tùy thân hoặc hộ khẩu chứng minh người đó ở trong các khu vực xảy ra thảm họa, thiên tai. Đây là một việc quan trọng vì việc xác định những thông tin này có liên quan đến công việc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Nếu như những thông tin này không chính xác thì sẽ gây khó khăn cho công việc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, công việc cứu hộ sẽ có thể bị kéo dài thêm không cần thiết hoặc có nhiều trường hợp xác định nhầm người bị nạn. Trong trường hợp khác, nếu người đó thực sự không ở trong tai nạn hay thảm họa thiên tai mà vẫn biệt tích thì sẽ phải áp dụng pháp luật theo điểm d khoản 1 Điều 81 chứ sẽ không áp dụng theo điểm c. Việc này có liên quan đến lợi ích của người có quyền và lợi ích liên quan nên cần xác định chính xác để tránh trường hợp khai không đúng sự thật nhằm mưu lợi cho cá nhân.

b. Hậu quả pháp lý của quyết định tuyên bố một người đã chết.

Theo khoản 1 Điều 82 BLDS năm 2005: “Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết”. Khi một người bị tuyên bố là đã chết thì quan hệ về hôn nhân gia đình của người đó đối với vợ, chồng đương nhiên chấm dứt. Các quan hệ nhân thân cũng sẽ chấm dứt khi người đó bị tuyên bố là đã chết. Và người đó sẽ được khai tử theo trình tự và thủ tục của pháp luật (theo điều 30 BLDS). Nếu người bị tuyên bố chết trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 81 thì hương giải quyết đối với tư cách chủ thể của người đó là từ tạm dừng thành chấm dứt hoàn toàn tư cách chủ thể. Tuy nhiên quyền nhân thân của người bị tuyên bố chết không hoàn toàn chấm dứt, người bị tuyên bố chết vẫn sẽ được bảo vệ về quyền nhân thân theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 31 BLDS quy định: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”. Hay khoản 2 Điều 38 BLDS quy định: “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, quan chức có thẩm quyền”. Có nghĩa là khi đã bị tuyên bố chết nhưng người đó vẫn có quyền được bảo vệ về hình ảnh cũng như bí mật đời tư của mình mà không ai được phép xâm phạm. Việc sử dụng hình ảnh hay thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được sự đồng ý của những người thân thích hoặc người đại diện của người bị tuyên bố chết.

Khoản 2 Điều 82 BLDS năm 2005 quy định: “quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Tài sản của người bị tuyên bố chết sẽ được sử dụng trước tiên để thanh toán chi phí quản lý với người được giao quản lý tài sản của người đó. Sau đó sẽ được đưa ra thành di sản để chia thừa kế. Thông thường, trong trường hợp này, người bị tuyên bố chết không để lại di chúc, nên tài sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Người quản lý tài sản có nghĩa vụ phải trả lại tài sản của người bị tuyên bố chết sau khi đã nhận đủ số tiền thành toán cho chi phí quản lý. Nếu người quản lý làm hư hại, làm hỏng tài sản đang quản ký mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

c. Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết

Trong trường hợp sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết, mà sau một thời gian người đó trở về hoặc có tin tức xác thực rằng người đó vẫn còn sống. Thì theo yêu cầu của người đó hoặc những người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết. (khoản 1 Điều 83 BLDS năm 2005). Đây là việc làm cần thiết về mặt pháp lý để bảo đảm quyền lợi của người bị tuyên bố chết về quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản của người đó khi người đó trở về. Tư cách chủ thể của người bị tuyên bố mất tích được khôi phục như ban đầu. các quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố chết đương nhiên được khôi phục trừ các trường hợp được quy định bởi pháp luật sau đây. Theo điểm a, khoản 2 Điều 83: “Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật”. điểm b khoản 2 Điều 83: “Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật”. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp người biệt tích trở về và vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác. Và người biệt tích đã có khiếu nại muốn người vợ hoặc chồng ấy quay lại chung sống với mình. Tuy nhiên việc này là trái với quy định của pháp luật và người đó không có quyền đòi hỏi vợ hoặc chồng cũ của mình trở về chung sống với mình. Đơn khiếu nại của những người này sẽ không được Tòa án thụ lý giải quyết và sẽ được giải thích rõ ràng về quy định của pháp luật. Người bị tuyên bố chết nay trở về có quyền yêu cầu người quản lý tài sản trả lại tài sản cho mình sau khi đã thanh toán chi phí cho việc quản lý. Người quản lý tài sản cũng có nghĩa vụ phải trả lại tài sản cho người đó và nếu làm hư hỏng, gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu tài sản của người bị tuyên bố chết nay trở về đã được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế thì người đó cũng có quyền yêu cầu những người thừa kế này phải trả lại những tài sản đã được nhận. Nếu không còn tài sản đã nhận thì sẽ được trị giá bằng tiền và trả lại cho người đó. Những người quản lý tài sản trong thời hạn người đó biệt tích thì có quyền được hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản. Kể cả trường hợp tài sản đã được chia ra cho những người thừa kế mà vẫn phát sinh hoa lợi, lợi tức thì những người đã nhận tài sản thừa kế đó cũng được hưởng phần hoa lợi, lợi tức đó. Những người đã nhận tài sản biết người biệt tích còn sống mà cố tình giấu diếm nhằm hưởng thừa kế thì sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức.

2. Những điểm chưa thỏa đáng trong việc xác định ngày chết.

Trong quy định về việc tuyên bố chết có một điểm mà BLDS chưa quy định rõ ràng và cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể đó là việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Việc xác định ngày chết là một việc hết sức quan trọng vì nó liên quan đến quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố chết. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn nào về vấn đề này dẫn đến phát sinh nhiều quan điểm khác nhau. Thông thường Tòa án xác định ngày chết trong từng trường hợp cụ thể như sau: Điểm a khoản 1 “sau 3 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống” thì ngày chết được xác định là ngày mà Tòa án tuyên bố người đó mất tích; điểm b khoản 1 “biệt tích trong chiến tranh sau 5 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống” thì ngày chết được xác định là ngày chiến tranh kết thúc; điểm c khoản 1 “bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 1 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt mà không có tin tức xác thực là còn sống” thì ngày chết được xác định là ngày chấm dứt tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai; điểm d khoản 1 “biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống” thì ngày chết được xác định là ngày người đó mất tích.

Nhưng quan điểm này có thể gây ra nhiều xung đột pháp luật. Ví dụ: Ông A đang có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì bỗng dưng mất tích. Năm 2005, Tòa án tuyên bố ông A mất tích theo yêu cầu của vợ cũ của ông A, và tài sản của ông A đã giao lại cho cha mẹ ông A quản lý. Năm 2007, do có tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng và Tòa án buộc cha mẹ ông A sử dụng tài sản của ông A để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Đến năm 2010, Tòa án giải tuyết yêu cầu tuyên bố chết, theo như cách xác định ngày chết như trên thì Tòa sẽ tuyên ông A chết vào năm 2005 và việc này sẽ mâu thuẫn với bản án đã buộc cha mẹ ông A tiếp tục thực hiện nghĩa cụ cấp dưỡng. Bởi vì khi ông A chết thì nghĩa vụ cấp dưỡng cũng đương nhiên chấm dứt. Hay những tuyên bố có thể gây ra xáo trộn trong xã hội như: Ông B ủy quyền cho người thân nhận lương hưu của mình, năm 2005 ông B bỗng nhiên biệt tích. Mặc dù đã áp dụng nhiều cách thông báo, tìm kiếm nhưng vân không có tin tức gì của ông B. Căn cứ vào giấy ủy quyền vẫn còn hiệu lực, cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn trả lương hưu cho ông thông qua người ủy quyền. Đến năm 2010 Tòa án giải quyết tuyên bố là ông B đã chết. Nhưng nếu tuyên bố ông B chết vào năm 2005 thì liệu có truy thu lại số lương hưu mà ông B đã ủy quyền cho người thân nhận hay không. Việc này gây ra nhiều phiền toái và xáo trộn trong không cần thiết. Việc xác định ngày chết trong các trường hợp biệt tích trong chiến tranh và trong tai nạn thiên tai cũng có nhiều bất cập. Nếu một người bị tuyên bố chết vào ngày chiến tránh chấm dứt thì có thể hiểu rằng người đó không hy sinh trong chiến tranh. Mà người đó chết bời một nguyên nhân khác. Còn những người biệt tích trong thảm họa thiên tài thường không chết ngay trong thảm họa ấy mà chết sau khi khi thảm họa chấm dứt do không được cứu chữa hoặc cứu chữa không được. 

Có quan điểm cho rằng nên xác định ngày chết là ngày quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nhưng quan điểm này sẽ không phù hợp với khoản 2 điểu 81 BLDS. Vì khoản 2 đã quy định rõ “tùy từng trường hợp, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này”. Có nghĩa là việc xác định trong từng trường hợp cụ thể là khác nhau chứ không thể cùng quy về một ngày là ngày mà bản án có hiệu lực pháp luật. 

Do còn nhiều vướng mắc trong việc tuyên bố chết, đặc biệt là việc xác định ngày cá nhân đó chết là do quy định của pháp luật còn chung chung, dẫn đến nhiều cách hiểu chưa thống nhất. Gây ra nhiều tranh cãi, những xung đột pháp luật trong thực tế. Đặc biệt là việc xác định ngày chết của người bị tuyên bố chết bởi nó liên quan đến quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản của người đó. Nếu ngày chết không được xác định đúng hoặc hợp lý thì sẽ gây ra nhiều xáo trộn không cần thiết trong xã hội. Vì vậy cần sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất cụ thể đối với những vụ việc dân sự mà Tòa án thụ lý rất phổ biến này.

C. Kết luận

Sự phát triển của Bộ luật Dân sự năm 2005 về quy định việc tuyên bố mất tích và tuyên bố chết đã giúp cho việc giải quyết các vụ án về tuyên bố mất tích và tuyên bố chết thuận lợi hơn so với những quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995. Những quy định cụ thể về việc tính thời gian để Tòa án có đủ điều kiện tuyên bố một người mất tích. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc áp dụng và thực hiện pháp luật còn nhiều điểm cần xem xét. Đặc biệt là về vấn đề xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết để tránh gây ra xung đột pháp luật hay xáo trộn không cần thiết. Các vụ việc nhiều khi đã được Tòa án giải quyết nhưng vẫn để lại dư luận vì chưa có những căn cứ pháp luật thật rõ ràng khi xét xử. Vì vậy rất cần những văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để việc giải quyết của Tòa án đối với các vụ việc tương tự được thống nhất, khách quan. Mặc khác, về lâu về dài cần có các chế định, quy định rõ ràng nhằm tránh việc lợi dụng việc tuyên bố mất tích hay tuyên bố chết vào các mục đính trốn tránh pháp luật.


Tài liệu tham khảo
- Giáo trình luật dân sự Việt Nam – NXB Công an nhân dân – năm 2006
- Bộ luật dân sự năm 2005
- Luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2000
- Bài viết: “tuyên bố cá nhân đã chết, rối trong việc xác định ngày chết” tạp chí dân chủ và pháp luật.

Nếu muốn download không mất phí, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment