09/05/2014
Luật là nghệ thuật của điều thiện và lẽ công bằng - Bài tập cá nhân Kỹ năng giao tiếp nghề luật
Có một câu danh ngôn đã nói: “Luật là nghệ thuật của điều thiện và lẽ công bằng”. Khác với những năm trước kia khi nhu cầu về luật trong xã hội chưa cao, trong nền kinh tế thị trường sôi động và sự hợp tác quốc tế ngày càng rộng mở như ngày nay, nghề luật đang ngày càng có vị trí cao trong xã hội. Cơ hội việc làm của ngành luật ngày càng rộng mở bởi có rất nhiều nghề cần đến kiến thức pháp luật và rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đến những người có kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, tham gia nhiều hiệp hội quốc tế nên càng cần nhiều nhân lực cho việc giao lưu, mở rộng quan hệ kinh tế với toàn cầu này. Vậy hiểu một cách chính xác nghề luật là gì và những đặc trưng cơ bản nào của nghề nghiệp này? Trong bài tập cá nhân môn Kỹ năng giao tiếp nghề luật em xin được làm rõ những vấn đề trên.

1. Khái niệm Nghề luật


Trước hết, khái niệm nghề nói chung được hiểu là công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội hoặc một công việc mà mình chuyên sâu, thành thạo. Thông thường một người khi có một nghề thì phải có đủ thu nhập từ nghề đó để đủ nuôi sống bản thân mình và gia đình. Thực tiễn cho thấy một người có thể hành nhiều nghề và trong số đó có thể có nghề chính hoặc nghề phụ. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì nhu cầu về chuyên môn hoá lao động càng cao và vì vậy thu nhập đối với nghề được chuyên môn hoá cũng ngày càng được nâng cao, do đó một người hành nghề phải sống được bằng chính nghề đó. 


Nhà nước ban hành ra pháp luật bao gồm hệ thống các quy tắc, quy định cùng các biện pháp để đảm bảo việc thực thi pháp luật trên thực tế. Như vậy, trước hết phải có những cán bộ pháp luật soạn thảo các văn bản pháp luật để trình Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Khi pháp luật được ban hành thì mọi công dân, tổ chức phải chấp hành và thi hành pháp luật. Nhưng không phải ai trong xã hội cũng có ý thức chấp hành pháp luật. Để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm túc, phải có một đội ngũ đông đảo những người làm công tác thi hành pháp luật. Nhiệm vụ của những người này là làm cho người dân hiểu rõ pháp luật, tạo điều kiện cho họ hưởng các quyền công dân của mình, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ich riêng của từng người dân.       

Nhìn chung, nghề luật là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, đang thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại tòa án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Cũng giống những ngành nghề khác, nghề luật cũng mang trong mình những đặc trưng riêng biệt.

2. Những đặc trưng cơ bản của nghề luật

Thứ nhất, các cá nhân hành nghề luật phải có chức danh tư pháp nhất định, đồng thời đảm bảo được các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật đối với ngành nghề cụ thể như luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, ... các chức danh này phải được Nhà nước thừa nhận thông qua giấy phép hành nghề. Đồng thời, khi đnag đảm nhận một chức danh nhất định như luật sư, thẩm phán hay kiểm sát viên, thì người đó không được đồng thời kiêm nhiệm các chức danh khác. Đặc điểm về chủ thể này của nghề luật nhằm hướng tới mục đích bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức xã hội, mọi công dân. 

Thứ hai, Nghề luật là nghề sáng tạo pháp luật, bảo vệ và thực thi pháp luật, duy trì và giữ gìn kỷ cương phép nước theo tinh thần độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trong nghề luật, pháp luật vừa giữ vai trò là tổng thể kiến thức nghề nghiệp vừa được sử dụng như một công cụ, phương tiện hành nghề. Người hành nghề luật là đưa pháp luật vào cuộc sống, là người áp dụng và thực thi pháp luật trên thực tế để bảo vệ pháp luật và duy trì, giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội trên cơ sở hoàn toàn độc lập và tuân theo pháp luật. Như vậy, người hành nghề luật cần phải dựa trên các quy định của pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội và giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong đời sống con người. Xuất phát từ mục đích đó mà điều kiện tiên quyết đó là  người hành nghề luật phải am hiểu pháp luật, coi pháp luật vừa là chuẩn mực vừa là nội dung vừa là công cụ hoạt động nghề nghiệp của mình.

Thứ ba, nghề luật là một nghề sử dụng kiến thức tổng hợp của nhiều ngành khoa học khác nhau. Người hành nghề luật không những phải am hiểu khoa học nhận dạng, giám định, tâm lý học, toán học, địa lý, tài chính, kế toán, xây dựng, khoa học xã hội và nhân văn mà còn phải biết về ngôn ngữ học, tu từ học... Ngoài ra, người hành nghề luật còn phải là người giao tiếp rộng rãi, hiểu biết xã hội, tình hình chính trị... Bên cạnh đó, người hành nghề luật còn phải sử dụng thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp chẳng hạn như kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng hùng biện, kỹ năng phân tích và tổng hợp, kỹ năng viết bản án, quyết định, kỹ năng hoà giải thương lượng, kỹ năng viết bản luận cứ luật sư, kỹ năng tốc ký, kỹ năng đọc và hiểu đúng các loại quyết định giám định, kỹ năng xét xử, kỹ năng tư vấn, kỹ năng tranh tụng, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ... 

Thứ tư, nghề luật là nghề đòi hỏi sử dụng nhiều kỹ năng nghề nghiệp thành thạo, chuẩn xác. Như trên đã nêu, người hành nghề luật cần phải có kiến thức tổng hợp của nhiều ngành khoa học bên cạnh sự am hiểu sâu sắc pháp luật Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, người hành nghề luật còn phải sử dụng thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp khi hành nghề. Các kỹ năng đó thông thường là kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng hùng biện, kỹ năng phân tích và tổng hợp pháp luật, kỹ năng viết bản án, quyết định, kỹ năng hoà giải thương lượng, kỹ năng viết bản luận cứ luật sư, kỹ năng tốc ký, kỹ năng đọc và hiểu đúng các loại quyết định giám định, kỹ năng xét xử, kỹ năng tư vấn, kỹ năng tranh tụng, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ...

Thứ năm, nghề luật là nghề lao động trí óc độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân cao. Dù ở vị trí nào thì hoạt động xây dựng pháp luật, xét xử, bảo vệ hay thi hành pháp luật cũng là một quá trình lao động trí tuệ. Hoạt động này thể hiện dưới một quy trình rất chặt chẽ đó là: hiểu và nắm vững pháp luật qua các văn bản để áp dụng trong trường hợp cụ thể, trên cơ sở pháp luật đưa ra các giải pháp thích hợp đối với từng vụ việc đó. Kết quả của chuỗi hoạt động trí óc đó thông thường được biểu hiện dưới dạng: bản án, quyết định hoặc các văn bản tố tụng khác. Những kết quả trong quá trình hoạt động nghề luật đã phản ánh đúng tinh thần pháp luật và ý nguyện của xã hội. Các văn bản tố tụng này vừa phải tuân theo quy định khắt khe của pháp luật về mặt hình thức. Đồng thời, mỗi quyết định của chủ thể áp dụng pháp luật đều kèm theo tính chịu trách nhiệm cá nhân của chủ thể đó. Sự độc lập, quyết đoán và chịu trách nhiệm cao cũng chính là đặc điểm nổi bật của nghề luật so với các ngành nghề khác.  

Thứ sáu, nghề luật là nghề đòi hỏi bản lĩnh kiên định, lòng dũng cảm, tính trung thực và đạo đức trong sáng. Xuất phát từ bản chất, nghề luật tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, từ những con người bình thường đến những thành phần phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Mặt khác, nghề luật còn đối mặt với những cám dỗ đời thường nhiều khi rất hấp dẫn như việc chạy án, lách luật,... sẽ đem lại nguồn thu nhập cao. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp, người hành nghề luật còn đối mặt với những tình thế vô cùng khó xử khi liên hệ đến tình cảm trên, dưới, gia đình, bạn bè, đồng chí. Vì những lẽ đó, người hành nghề luật nếu không có bản lĩnh kiên định, lòng dũng cảm, tính trung thực và đạo đức trong sáng thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

Thứ bảy, nghề luật là nghề mang tính nhân bản sâu sắc. Mỗi một quyết định, một văn bản tố tụng trước hết là nhằm vào con người một cách trực tiếp (phần lớn) hoặc một cách gián tiếp. Các quyết định này liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, liên hệ đến quá khứ, tương lai của một người, một tập thể hoặc một tổ chức Bác Hồ nói: "Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người". Vì vậy, nghề luật trước hết là một nghề vì con người, cho con người. Ngoài việc phải có chuyên môn giỏi, có trình độ nghiệp vụ vững vàng, người hành nghề luật cần phải có những hiểu biết sâu rộng về mặt xã hội, phải có phẩm chất trung thực và phải có tình người. Tình người là một khái niệm đạo đức xã hội nhưng cũng là một đức tính cần phải có của người hành nghề luật. Nhà lập pháp đã cố gắng đưa sự nghiêm minh, tính công bằng vào trong các đạo luật. Nhưng thẩm phán khi quyết định hình phạt không thể có được một sự tính toán chính xác về mặt lý trí cũng như về toán họ
c. Trong trường hợp này sự công minh và tình người giúp thẩm phán hành động đúng. Trong các lĩnh vực hành nghề luật khác cũng vậy, các hành vi của người hành nghề luật cần thiết phải xuất phát từ tính nhân bản của vấn đề.

Tóm lại, Nghề luật là một nghề vinh quang nhưng đòi hỏi người hành nghề luật nhiều yếu tố đặc trưng mà họ phải cố gắng học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng rất nhiều thì mới đáp ứng được yêu cầu về cả chuyên môn lẫn đạo đức, đóng góp vào sự phát triển đi lên không ngừng của toàn xã hội.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment