03/05/2014
Điều kiện để được thừa kế quyền sử dụng đất
Câu hỏi:

Cha tôi có một mảnh đất và vợ thứ nhất của tôi sống trên đó cùng với cha tôi. Hiện nay tôi sống với người vợ thứ hai nhưng vẫn giữ hộ khẩu tại mảnh đất người vợ thứ nhất sử dụng. Năm 1966 cha tôi chết người vợ thứ nhất tiếp tục sử dụng và đóng thuế. Đến năm 1996 Uỷ ban nhân dân xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người vợ thứ nhất và một người con đầu của tôi mà tôi không được biết. Hỏi diện tích đất mà vợ thứ nhất của tôi đang sử dụng có phải là di sản thừa kế của cha tôi hay của vợ cả? Nay tôi muốn đòi chỗ đất này để chia đều cho hai vợ và các con có được không?
Nguyễn Xuân Chung
Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội


Căn cứ khoản 2 Điều 637 Bộ luật dân sự(1) quy định: “Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế”. Điều 738 Bộ luật dân sự(2) quy định: “Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật phù hợp với Bộ luật này và pháp luật về đất đai”.


Tiểu mục 1.1 và 1.2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định: 

“1.1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.  

1.2. Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai năm 2003 thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế”. 

Như vậy vì diện tích đất nêu trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người vợ cả và một người con của ông từ năm 1996 nên không phải là di sản thừa kế của cha ông vì không có các giấy tờ theo quy định.

Tuy diện tích đất nêu trên được cấp giấy chứng nhận cho vợ cả và một người con của ông nhưng được xác định là tài sản chung của vợ chồng ông và người con này. Vì:

Theo quy định tại Điều 23 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định về quyền có tài sản riêng của con như sau: “Con có quyền có tài sản riêng...”. 

Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung”. Do đó tuy chỉ có vợ cả được cấp giấy chứng nhận nhưng phần tài sản của vợ cả trong khối nhà đất đó vẫn được xác định là tài sản chung vợ chồng của vợ cả với ông.

Còn quan hệ giữa ông với bà vợ hai (nếu kết hôn sau năm 1959) thì không được coi là hôn nhân hợp pháp. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác”. Mặt khác người vợ thứ hai cũng không có đóng góp vào khối tài sản này nên cũng không có quyền lợi trong đó. 

Do đó nếu ông đồng ý nhập phần tài sản của mình trong khối tài sản chung với người vợ cả vào khối tài sản với người vợ hai thì đó sẽ là tài sản chung giữa ông và bà vợ hai theo quy định tại Điều 229 Bộ luật dân sự(3).

Điều 229 Bộ luật dân sự quy định: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.

Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.

Tài sản thuộc sở hữu chung là tài sản chung chung”.

Hiện nay ông muốn đòi lại diện tích đất này để chia cho hai người vợ và các con thì do đây là tài sản chung của ông và người vợ cả nên ông chỉ có quyền định đoạt phần tài sản của mình theo quy định tại Điều 201 Bộ luật dân sự(4).

Điều 201 Bộ luật dân sự quy định: “Quyền định đoạt của chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó”.

Trong trường hợp người vợ cả không đồng ý thì căn cứ khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 ông có quyền yêu cầu Toà án nhân dân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết”.

---------------------------------------------------
(1) Bộ luật dân sự năm 2005 đã bỏ quy định này. Vấn đề này được quy định tại khoản 5 điều 113 Luật đất đai năm 2003: "Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật".
(2) Điều 733 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai".
(3) Điều 214 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.
Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung".
(4) Điều 195 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Quyền định đoạt là chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó".

Nếu muốn download không mất phí, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment