Lời mở đầu
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tham gia rất quan hệ pháp luật dân sự khác nhau đồng thời cũng có nhiều nghĩa vụ được phát sinh từ các quan hệ pháp luật dân sự đó. Nghĩa vụ này có thể trong khả năng thực hiện của chúng ta ở thời điểm hiện tại hoặc cũng có thể vượt khả năng của chúng ta ở hiện tại nhưng vì nhu cầu nhất định mà chúng ta tham gia quan hệ pháp luật dân sự đó và phát sinh nghĩa vụ dân sự này. Khi đó, nhằm bảo vệ lợi ích và nâng cao trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ pháp luật dân sự đó thì các biện pháp bảo đảm sẽ được hình thành. Và đối tượng chủ yếu của các biện pháp bảo đảm này thường là tài sản. Nhưng không phải lúc nào bên bảo đảm cũng chỉ có một nghĩa vụ duy nhất nên có thể một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghiều nghĩa vụ dân sự. Nhằm tìm hiểu thêm về đối tượng là tài sản trong bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, em xin chọn đề tài “Một số vấn đề về một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự” làm đề tài chp bải tập lớn học kỳ.
I. Khái niệm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trước hết là dựa vào sự tự giác của các bên nhưng trong thực tế, không phải bất cứ ai khi tham gia vào một giao dịch dân sự đều xuất phát từ thiện trí trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình. Trong một quan hệ pháp luật dân sự, bên có quyền được chủ động yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện những hành vi phù hợp nhất định nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình và điều này đạt được khi bên có nghĩa vụ cũng hợp tác thiện chí với bên có quyền hay người có nghĩa vụ thực hiện đúng theo yêu cầu của bên có quyền theo những thỏa thuận đã có. Thành ra, bên có quyền muốn chắc chắn thỏa mãn nhu cầu của mình thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng theo yêu cầu của bên có quyền và bên có quyền thỏa mãn nhu cầu của mình một cách bị động . Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình hay nghĩa vụ theo thỏa thuận mà được bên có quyền yêu cầu thì bên có quyền có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế, buộc bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận. Dù vậy, trong nhiều trường hợp vẫn không đảm bảo được quyền lợi của bên có quyền do có thể lúc này khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ không còn như lúc mới tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự nữa. Với điều kiện của nền kinh tế thị trường Việt nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế quốc tế các giao dịch dân sự, thương mại được xem như công cụ hữu hiệu giúp cho các chủ thể tìm được lợi ích của mình thì càng chứa đựng nhiều rủi ro với bên có quyền.
Nhằm khắc phục tình trạng trên và tạo điều kiện cho bên có quyền trong các quan hệ nghĩa vụ có thể chủ động hưởng quyền dân sự của mình trong thực tế, pháp luật cho phép các bên có thể thỏa thuận ra các biện pháp bảo đảm việc giao kết hợp đồng cũng như việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nhự vậy, bằng biện pháp này, bên có quyền có thể chủ động bằng hành vi của mình tác động vào tài sản của bên có nghĩa vụ để thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của mình khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ khi đến hạn thực hiện. Từ đây có thể hiểu, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo hai phương diện:
Về mặt khách quan: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là sự quy định của pháp luật cho phép các chủ thể trong giao dịch dân sự hoặc các quan hệ pháp luật dân sự khác áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để đảm bảo cho một nghĩa vụ chính được thực hiện đồng thời xác định và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong các biện pháp đó.
Về mặt chủ quan : Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là việc thỏa thuận giữa các bên nhằm qua đó đặt ra các biện pháp tác động mang tính chất dự phòng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra.
Tùy thuộc vào nội dung và tính chất của từng biện pháp bảo đạm thực hiện nghĩa vụ dân sự cụ thể cũng như điều kiện của các chủ thể tham gia vào quan hệ ấy mà mỗi một biện pháp bảo đảm mang một đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, các biện pháp bảo đảm đều có đặc điểm chung như sau:
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mang tính chất bổ sung cho nghĩa vụ chính. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không tồn tại độc lập mà luôn phụ thuộc và gắn liền với một nghĩa vụ nào đó. Sự phụ thuộc thể hiện ở chỗ: khi có quan hệ nghĩa vụ chính thì các bên mới cùng nhau thiết lập một biện pháp bảo đảm. Nghĩa là việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không tồn tại độc lập. Nội dung, hiệu lực của các biện pháp bảo đảm phù hợp và phụ thuộc vào nghĩa vụ chính. Vì vậy, người ta gọi là nghĩa vụ phát sinh từ các biện pháp bảo đảm là nghĩa vụ phụ. Ví dụ: Khi một người vay vốn Ngân hàng để kinh doanh , ngoài ký hợp đồng vay tín dụng, người này có thể phải ký thêm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của mình để được vay vốn.
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều có mục đính nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sư. Thông thường, khi đặt ra các biện pháp bảo đảm, các bên hướng tới mục đích nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ. Khi đó, các bên sẽ thỏa thuận về việc khắc phục hậu quả do thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ gây ra và việc khắc phục này sẽ làm ảnh hưởng đến một lợi ích khác của bên có nghĩa vụ, hoặc người thứ 3 mà bên có nghĩa vụ không hẳn muốn ảnh hưởng tới. Do đó các biện pháp bảo đảm nâng cao trách nhiệm hơn của bên có nghĩa vụ với bên có quyền. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp , các bên còn hướng tới mục đích nâng cao trách nhiệm trong giao kết hợp đồng của cả hau bên. Ví dụ: Biện pháp đặt cọc buộc các bên phải giao kết hợp đồng. Như vậy, nếu không thực hiện giao kết hợp đồng thì bên có nghĩa vụ sẽ mất một khoản tiền theo như thỏa thuận , từ đó nâng cao trách nhiệm của bên có nghĩa vụ.
Mục đích của biện pháp bảo đảm được thể hiện thông qua các chức năng của từng biện pháp cụ thể. Mỗi một biện pháp bảo đảm có đặc điểm và tính chất riêng biệt , nên chức năng của chúng không thể giống nhau hoàn toàn. Một chức năng riêng biệt có ở biện pháp này nhưng không có ở biện pháp khác. Nhưng nhìn chung thì các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều có ba chức năng nói chung: chức năng tác động, chức năng dự phòng, chức năng dự phạt. Chính những chức năng này sẽ nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
Đối tượng của các biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất (trừ tín chấp) . Lợi ích của các bên trong nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất. Quy luật ngang giá trong các quan hệ tài sản cho chúng ta thấy rằng chỉ có lợi ích vật chất mới bù đắp được các lợi ích vật chất. Vì vậy, các bên trong quan hệ nghĩa vụ không thể dùng quyền nhân thân làm đối tượng của các biện pháp bảo đảm. Lợi ích vật chất là đối tượng của biện pháp bảo đảm thường là lợi ích vật chất ( vật, tiền , giấy tờ có giá, quyền tài sản hoặc là công việc phải làm) . Các đối tượng này phải có đủ các yếu tố mà pháp luật đã yêu cầu đối với một đối tượng của nghĩa vụ dân sự nói chung. Ví dụ: ông B lấy ba triệu của mình để đặt cọc cho giao dịch mua bán vòng vàng, lúc này ba triệu là đối tượng của biện pháp bảo đảm.Tuy nhiên, không phải tất cả các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều có đối tượng là lợi ích vật chất. Theo Bộ luật dân sự 2005 có quy định về biện pháp tín chấp, theo đó các tổ chức xã hội tại cơ sở được đứng ra bảo đảm cho các thành viên của mình vay tiền tại các Ngân hàng chính sách xã hội thông qua việc xác nhận các yếu tố nhân thân và kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay. Đây là một ngoại lệ của các biện pháp bảo đảm được quy định trong Bộ luật dân sự 2005 nhằm thực hiện đường lối chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Phạm vi của các biện pháp bảo đảm không vượt quá phạm vi nghĩa vụ đã được xác định trong nội dung của các quan hệ nghĩa vụ chính. Theo Điều 319 Bộ luật dân sự 2005 , về nguyên tắc , phạm vi bảo đảm là toàn bộ nghĩa vụ khi các bên không thỏa thuận và pháp luật không có quy định khác. Nhưng cũng có thể chỉ à một phần nghĩa vụ nếu có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định. Ví dụ: Bên bảo lãnh có thể cảm kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
Như vậy, phạm vi của bảo đảm không lớn hơn phạm vi của nghĩa vụ dù trong thực tế , người có nghĩa vụ đưa ra một tài sản có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị của nghĩa vụ để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đó. Do dù có gía trị của đối tượng bảo đảm có lớn hơn giá trị của nghĩa vụ đi nữa nhưng mục đích của việc bảo đảm là người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi xác định.
Các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự được áp dụng khi có sự vi phạm nghĩa vụ. Cho dù các bên đã đặt ra một biện pháp đảm bảo bên cạnh một nghĩa vụ chính những vấn không cần phải áp dụng biện pháp bảo đảm đó nếu nghĩa vụ chính đã được thực hiện một cách đầy đủ và chính xác. Thông thường, trong một quan hệ nghĩa vụ dân sự bên có nghĩa vụ tự giác thực hiện nghĩa vụ của họ đối với người có quyền và nếu đến thời hạn mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình thì biện pháp bảo đảm nghĩa vụ đó cũng được coi là chấm dứt. Chức năng dự phòng của các biện pháp bảo đảm cho thấy các biện pháp bảo đảm chỉ được áp dụng khi nghĩa vụ chính không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhằm qua đó bảo đảm quyền lợi cho bên có quyền.
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu nghĩa vụ dân sự phát sinh từ những căn cứ khác nhau ( có thể là thỏa thuận hoặc pháp luật quy định) thì biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự chỉ có thể phát sinh thông qua sự thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, có quan điểm cho rằng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là những hợp đồng phụ được đặt ra bên cạnh hợp đồng chính để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng chính. Quan điểm trên còn nhiều vấn đề cần tranh luận nhưng dù sao vẫn phải thừa nhận rằng cách thức và toàn bộ nội dung của một biện pháp bảo đảm đều là kết quả của sự thỏa thuận giữa các bên. Có những hợp đồng dân sự mà pháp luật quy định buộc phải có biện pháp bảo đảm ( như hợp đồng vay mà bên cho vay là Ngân hàng nhà nước) nhưng không vì thế mà mất đi sự thỏa thuận giữa các bên. Dù pháp luật đã quy định phải có thế chấp của người vay những người vay vẫn có quyền lựa chọn thỏa thuận để cùng với bên cho vay xác định về nội dung của thế chấp ( đối tượng của thế chấp là bất động sản hay động sản, phương thức xử lý tài sản ra sao…)
Từ khái niệm và những đặc điểm chung của các biện pháp bảo đảm, có thể nói rằng về bản chất pháp lí, biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là một loại “chế tài” trong nghĩa vụ dân sự. Chế tài này do các bên thỏa thuận đặt ra dưới sự bảo trợ của pháp luật. Các bên có thể tự áp dụn như đã thỏa thuận khi có sự vi phạm nghĩa vụ hoặc nếu không có thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để bảo đảm quyền lợi cho bên có quyền.
II. Một số vấn đề về tài sản để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự .
1. Tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là tài sản mà bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm. Theo quy định của Nghị định số 11/2012/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ – CP về giao dịch bảo đảm tại Điều 1 khoản 2 thì tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc được hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch.
Như vậy, tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự trước hết nó phải là một tài sản, tức gồm có vật, tiền giấy tờ có giá, quyền tài sản và phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu chung của một tài sản và yêu cầu riêng để là tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Những tài sản được làm đối tượng trong biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định trong ba điều từ Điều 320 đến Điều 322 trong Bộ luật dân sự 2005. theo đó:
Vật là đối tượng của biện pháp bảo đảm: Quy đinh về vật là đối tượng của biện pháp bảo đảm được quy định tại Điều 320. Theo đó, vật được dùng làm vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai. Vật có thể tồn tại dưới dạng động sản hoặc bất động sản. Vật hình thành trong tương lai là đối tượng của các biện pháp bảo đảm phải có căn cứ chắc chắn về sự hình thành của nó và nó chắc chắn thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Vật này phải đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm. Ví dụ như viên kim cương thô đang được gọt tạo hình, chiếc nhân đang được đúc …. Vật hình thành trong tương lai có thể gồm vật đã có ở hiện tại nhưng chưa thuộc sở hữu của bên bảo đảm, nó sẽ trở thành tài sản của bên bảo đảm sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm . Ví dụ: ông A mua nhà của ông B, ông A thỏa thuận xong tất cả, hoàn thiện tất cả hợp đồng mua bán, nhưng ông B chưa sang tên nhà đất cho ông A, lúc này ông A chưa được công nhận là chủ sở hữu của ngôi nhà và đây có thể coi là tài sản được hình thành trong tương lai để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Tiền, giấy tờ có giá là đối tượng của các biện pháp bảo đảm: Tiền, giấy tờ có giá là đối tượng của các biện pháp bảo đảm được được quy đinh tại Điều 321 của Bộ luật dân sự. Theo đó, gồm :Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật trị giá được bằng tiền và được phép gia dịch như hối phiếu, chứng chỉ gửi tiền, séc… Như vậy, có những giấy tờ có giá gắn liên với nhân thân của chủ sở hữu như cổ phiếu ghi danh cấm chuyển nhượng trong thời gian nhất định thì không thể là đối tượng của của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực ngày 01/06/2006 các giao dịch ngoại hối được tự do đối với các gia dịch vãng lai. Do đó, chỉ có những chủ thể được phép kinh doanh lưu thông ngoại hối mới được phép dùng ngoại tệ là đối tượng của các biện pháp bảo đảm.
Quyền tài sản là đối tượng của các biện pháp bảo đảm: Quyền tài sản là đối tượng của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 323 của Bộ luật dân sự. Theo đó, quyền tài sản là đối tượng của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự gồm:
- Quyền sở hữu trí tuệ: gồm: Quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trông;
- Quyền được nhận số tiền bảo hiểm với vật bảo đảm. Quyền tài sản này là đối tượng của các biện pháp bảo đảm khi tài sản bảo đảm được mua bảo hiểm va các bên có thỏa thuận dùng quyền yêu cầu nhận số tiền bảo hiểm cũng thuộc đối tượng bảo đảm;
- Quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền đòi nợ;
- Quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm như quyền thuê nhà, quyền yêu cầu thu cước phí từ hợp đồng dịch vụ điện thoại, điện nước,….;
- Quyền sử dụng đất là đối tượng của các biện pháp bảo đảm. Bên cạnh việc tuân theo các quy định trong Bộ luật dân sự 2005, các chủ thể giao kết cũng phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai;
- Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật về tài nguyên thiên nhiên.
2. Điều kiện tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.
a. Tài sản bảo đảm do các bên thỏa thuận và thuộc sở hữu của bên bảo đảm.
Bên bảo đảm là bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Nếu tài sản bảo đảm thuộc sở hữu chung của nhiều người thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các chủ sở hữu đó. Quy định tài sản đảm bảo phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm tạo nên sự bất lợi cho bên có quyền ( bên nhận bảo đảm). Do đó, bên nhận bảo đảm cần có sự cân nhắc, tính toán và phải xem xét củ thể xem tài sản đảm bảo có thuộc sở hữu của bên bảo đảm không.
Doanh nghiệp nhà nước được sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy đinh khác.
Theo khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 163/2006/NĐ – CP về giao dịch bảo đảm thì tài sản hình hình thành trong tương lai cũng có thể là đối tượng của giao dịch bảo đảm. Theo khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 11/2012/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ – CP về giao dịch bảo đảm quy định: “2. Tài sản hình thành trong tương lai gồm:
a) Tài sản được hình thành từ vốn vay;
b) Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;
c) Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.”
Như vậy, tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết hoặc đang được hình thành trong quá trình giao kết giao dịch bảo đảm. Tài sản này phải có căn chứ chắc chắn về sự hình thành của nó và nó sẽ thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Đó là thể là tài sản hình thành từ nguồn vốn vay hay đang trong quá trình hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành ở thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm, thông qua các giao dịch tăng cho, mua bán, thừa kế….. đó là tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật . Tuy nhiên, Nghị đinh này cũng có quy định về giới hạn những đối tượng đã hình thành và phải đăng ký quyền sở hữu, đó là trường hợp đối với quyền sử dụng đất thì không phải là tài sản hình thành trong tương lai. Có thể thấy, tại thời điểm các bên giao kết giao dịch bảo đảm, tài sản này chưa thuốc sở hữu của bên bảo đảm, tuy nhiên, lúc này đã xuất hiện quyền yêu cầu chuyển giao tài sản của bên bảo đảm. Do đó, lúc giao kết thì đối tượng của biện pháp bảo đảm ở đây là quyền tài sản đối với tài sản đó, nhưng sau khi giao kết giao dịch bảo đảm thì đối tượng của biện pháp bảo đảm này là tài sản được chuyển giao.
Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự khác của bên bảo đảm , trừ trường hợp pháp luật có quy định. Ví dụ: A co một viên kim cương , A cầm cố để vay B 150 triệu đồng. Tương ứng với thời hạn vay tiền đó A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho C là 50 triệu đồng do hành vi gây thiệt hại về tài sản của C, nhưng A không còn khoản tiền bối thường nào khác. Qua xác minh cho thấy A chỉ còn tài sản là vien kim cương cầm cố trị giá 400 triệu đồng đủ để thanh toán tiền cho bên cho vay cả gốc lẫn lãi là 200 triệu đồng và vẫn còn đủ tiền để bối thường thiệt hại cho C. Do vậy, tòa án vẫn kê biên xử lý viên kim cương cầm cố đó để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho C, phần giá trị còn lại sẽ được gửi vào tài khoản của A đẻ thanh toán cho chủ nợ của A.
b. Tài sản bảo đảm không bị tranh chấp.
Tài sản bảo đảm không phải là đối tượng bị tranh chấp về quyền sở hữu cũng như quyền sử dụng. Chỉ khi nào các tranh chấp này được giải quyết bằng văn bản thỏa thuận giữa các bên hoặc thông qua phán quyết của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới được đưa vào làm đối tượng của các biện pháp bảo đảm.
c. Tài sản bảo đảm phải là tài sản được phép lưu thông.
Những tài sản gắn liền với yêu tố nhan thân của chủ thể không thể là đối tượng của biện pháp bảo đảm. Ví dụ như: giấy chứng minh thư nhân dân, sở hộ khẩu, bằng tiến sĩ, thạc sĩ….không thể dùng để bảo đảm. Những tài sản được phép giao dịch là những tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm. Trường hợp khi xác lập giao dịch bảo đảm không phải là đối tượng bị cấm lưu thông nhứng đến thời điểm phải xử lý thì lại bị pháp luật cấm lưu thông thì phải coi là điều kiện bất khả kháng và nghĩa vụ chính không có biện pháp bảo đảm. Như vậy, trong trường hợp này sẽ có rủi ro cho bên nhận bảo đảm.
d. Tài sản bảo đảm được xác định cụ thể.
Nếu là tài sản bảo đảm thì phải các định nó mang tính chất của tài sản động sản hay bất động sản. là vật đặc định hay vật cùng loại, có hay không có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật; thuộc loại đồng bộ hay bao gồm cả vật chính và vật phụ, vật tiêu hao hay không tiêu hao….; nếu tài sản là tiền đồng Việt Nam phải xác đỉnh rõ con số cụ thể ( bằng chữ và bằng số); nếu tài sản bảo đảm tồn tại dưới dạng quyền tài sản thì phải xác định các giấy tờ pháp lý có liên quan để khẳng quyền nắm giữ của bên bảo đảm. Ví dụ như quyền sở hữu với nhãn hiệu thì phải có các giấy tờ chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu, văn bằng đó còn hay không còn hiệu lực bảo hộ; nếu là tài sản hình thành trong tương lai thì phải có giấy tờ chứng minh rằng tài sản đó chắc chắn sẽ hình thành trong tương lai và chắc chắn thuộc quyền sở hữu bên bảo đảm vào thời điểm xử lý tài sản đó. Ví dụ nhà hình thành trong tương lai được dùng để thế chấp nếu dự án xây dựng nhà đó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vào thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm công trình xây dựng nhà đó đã có quyết định khởi công xây dựng móng nhà…. ( theo quy định của Luật Nhà ở năm 2005).
e. Một tài sản có thể dùng làm tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự giá trị của nói lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ dân sự được bảo đảm.
Một tài sản có thể dùng làm tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự nếu tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm giá trị tài sản đó lớn hơn tổng giá trị của các nghĩa vụ được bảo đảm , trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Quy định này của pháp luật thể hiện sự tôn trọng yếu tố thỏa thuận, định đoạt của các bên, vốn là một đặc thù của các quan hệ dân sự. Theo đó, các bên có thể thỏa thuận dùng tài sản có giá trị nhở hơn , bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc dùng một tài sản để bảo đảm cho việc thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự thì bên bảo đảm phải có nghĩa vụ thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm phải được lập thành văn bản và phải đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.
3. Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự.
Để một tài sản có thể dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự thì nó phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu chung của một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Và đặc biệt phải chú ý đền giá trị của tài sản đó phải lớn hơn giá trị của các nghĩa vụ mà nó bảo đảm trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên. Theo khoản 1 Điều 324 Bộ luật dân sự 2005 : “1. Một tài sản có thể dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật co quy đinh khác”. Như vậy, trước tiên, một tài sản muốn được bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải có giá trị lớn hơn giá trị của tổng nghĩa vụ được bảo đảm. Thực tế cho thấy , một bên bảo đảm không phải chỉ có một nghĩa vụ dân sự với các chủ thể khác và không phải lúc nào khả năng của bên bảo đảm cũng đủ để chỉ phải dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ duy nhất hoặc họ không muốn dùng tài sản khác để bảo đảm trong khi họ có một tài sản có giá trị lớn hơn hoặc bằng tổng giá trị của nghĩa vụ. Do đó, nhằm đáp ứng yêu cầu này của bên bảo đảm, pháp luật đã cho phép họ có thể dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự. Hơn nữa, mục đích, chức năng của biện pháp bảo đảm được đặt ra là để nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự , tác động, dự phòng ,dự phạt đối với bên có quyền. Vì vậy, giá trị của tài sản phải lớn hơn tổng giá trị của các nghĩa vụ, để đáp ứng được quyền của bên có quyền khi có vi phạm nghĩa vụ chính, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng phải đáp ứng đủ điều kiện trên mới được hoặc đương nhiên được dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nhiên được dùng tài sản để bảo đảm nhiều nghĩa vụ. Đó là trường hợp có sự thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ví dụ: Nếu tài sản A có giá trị lớn hơn gía trị tổng các nghĩa vụ , nhưng đã có thỏa thuận đối vơi B về việc không dùng A để bảo đảm cho nghĩa vụ khác thì không được dùng. Hay, nếu A có giá trị nhỏ hơn tổng giá trị của các nghĩa vụ với B,C nhưng B , C đều chấp nhận việc bảo đảm này thì vẫn được bảo đảm.
Cũng theo quy định tại điều 324, điều kiện nữa để tài sản này được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự là phải thông báo bằng văn bản về việc dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự cho các bên nhận cùng nhận bảo đảm khác. Việc thông báo này góp phần cung cấp thông tin và bảo đảm quyền lợi của các bên cùng nhận bảo đảm. Trong trường hợp tài sản được xử lý khi một nghĩa vụ đến hạn mà các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn, do đó tài sản cũ vẫn được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
4. Xử lý tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định tại Điều 324 Bộ luật dân sự, một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự được xử lý khi có một nghĩa vụ dân sự đến hạn xử lý hoặc theo quy định chung là khi có sự thỏa thuận của tất cả các bên trong quan hệ bảo đảm. Đồng thời, khi đó các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn cũng được coi là đã đến hạn và tất cả các bên bảo đảm đều được tham gia xử lý. Một nghĩa vụ dân sự đến hạn xử lý khi có sự vi phạm về nghĩa vụ dân sự đó. Có thể là việc vi phạm điều khoản nghĩa vụ mà đã được thỏa thuận hay đến hạn mà có nghĩa vụ thực hiện không đúng , không đủ nghĩa vụ hoặc có sự thỏa thuận về thời hạn giữa các bên trong giao dịch bảo đảm hoặc do thỏa thuận khác của các bên.
Cũng theo Điều 324 , bên nhận bảo đảm nào đã thông báo cho các bên khác về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản nếu các bên cùng nhận bảo đảm khác không có thỏa thuận nào khác. Khi tài sản được mang ra xử lý để thanh tóan cho các nghĩa dân sự thì các nghĩa vụ này được thanh toán theo một nguyên tắc nhất định, tùy từng biện pháp cụ thể sẽ có cách thức thanh toán riêng hoặc theo thỏa thuận các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thứ tự ưu tiên thanh toán với tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự được xác định theo quy định tại Điều 325 Bộ luật dân sự 2005. Theo quy định này thứ tựu ưu tiên thanh toán được căn cứ vào thời gian xác lập giao dịch bảo đảm và việc đăng ký của các giao dịch bảo đảm. Cụ thể:
- Nếu tất cả các giao dịch bảo đảm đều được đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Nếu tất cả các giao dịch bảo đảm đều không được đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác lập theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.
- Nếu có những giao dịch bảo đảm được đăng ký và những giao dich bảo đảm không được đăng ký thì giao dịch bảo đảm được đăng ký được ưu tiên thanh toán, và nghĩa vụ bảo đảm nào được đăng ký trước thì được ưu tiên thanh toán, với nghĩa vụ không được đăng ký thì nghĩa vụ nào xác lập trước thì được ưu tiên thanh toán.
Trong trường hợp, các bên nhận bảo đảm cùng có thứ tự ưu tiên thanh toán như nhau mà số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán cho các bên nhận bảo đảm thì số tiền đó được thanh toán cho các bện nhận bảo đảm tương ứng với tỷ lệ giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Ngoài những quy định tại Điều 325 Bộ luật dân sự thì thứ tự ưu tiên thanh toán cho các nghĩa vụ dân sự thì các bên nhận bảo đảm có thể thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Việc quy định này nhằm tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự do cam kết , thỏa thuận của Luật dân sự. Tuy nhiên , không phải các bên thích thỏa thuận thay đổi thứ tự thỏa thuận như thế nào cũng được mà sự thỏa thuận này vẫn phải bảo đảm tôn trọng và không vi phạm quyền và lợi ích của chủ thể khác. Do đó, Bên nhận bảo đảm mà thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
Khi một tài sản này mang được mang ra xử lý, mà có tranh chấp với người thứ ba về quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm thì sẽ áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối tại Điều 138 và các quy định của Bộ luật dân sự về bảo vệ quyền sở hữu. Nếu tài sản bảo đảm không còn là của bên bảo đảm nữa thì đồng nghĩa giao dịch bảo đảm bị chấm dứt, không còn tài sản nào để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nữa.
Đối với các trường hợp, việc bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà bên bảo đảm phải chuyển giao vật như cầm cố, ký cược…hay phải chuyển giao giấy tờ liên quan như thế chấp thì khi nghĩa vụ được hoàn thành đúng theo sự thỏa thuận của tất cả các bên thì bên bảo đảm được nhận lại tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản.
5. Một số điểm chưa hợp lý trong quy định của pháp luật và thực tế xét xử.
a. Gía trị của tài sản và các nghĩa vụ được bảo đảm.
Như đã phân tích ở trên về điều kiện của tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, một trong những nguyên tắc pháp luật quy định là giá trị của tài sản đó phải lớn hơn tổng giá trị của các nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, quy định này chưa nêu ra cách xác định giá trị của tài sản và giá trị của nghĩa vụ dân sự. Cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn xác định giá trị của chúng. Vậy giá trị này được hiểu là giá trị vật chất hay giá trị tinh thần? Theo thực tế xét xử tỏa án thì giá trị này đều hướng tới đó là giá trị vật chất do loại giá trị này mới có thể xác định một cách rõ ràng trên thực tế và có thể trị giá được bằng tiền. Tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị tinh thần ẩn chứa trong mỗi loại tài sản cá biệt. Gía trị này khó có thể cân đo đong đếm được và trị giá được bằng tiền. Nhiều khi, một tài sản có giá trị vật chất nhỏ, nhưng giá trị tinh thần lớn , nó sẽ ảnh hưởng lớn đến ý thực , trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ dân sự được bảo đảm nếu được mang ra làm tài sản bảo đảm. Gía trị tinh thần nhiều khi còn có giá trị hơn giá trị vật chất rất nhiều, mà biện pháp bảo đảm đặt ra trước hết với mục đích nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự và có chức năng tác động. Vì vậy nếu dùng tài sản này để bảo đảm nhiều nghĩa vụ thì ý thức thực hiện các nghĩa vụ đó càng được nâng cao do chủ sở hữu không muốn mất một tài sản đáng giá với mình như vậy hơn nữa ranh giới của việc xử lý tài sản bảo đảm nhiều nghĩa vụ rất mong manh khi chỉ cần một nghĩa vụ đến hạn xử lý. Thực tế pháp luật xác định giá trị tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hướng tới việc dự phạt ,dự phòng nhiều hơn mà chưa đánh giá được tầm quan trọng hơn cả của chắc năng tác động và mục đích để nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sư – việc có thể thỏa mãn nhu cầu của người có quyền một cách hiệu quả nhất. Cũng có thể giá trị vật chất tài sản để bảo đảm lớn hơn giá trị vật chất của nghĩa vụ được bảo đảm nhưng giá trị tinh thần của tài sản bảo đảm chưa chắc đã lớn hơn giá trị tinh thần của nghĩa vụ được bảo đảm đối với người có quyền, thành ra nhiều lúc việc bù đắp giá trị vật chất cho nghĩa vụ đối với bên có quyền không có ý nghĩa nhiều, làm thiệt hại tinh thần cho bên có nghĩa vụ. Từ phân tích trên cho thấy việc đánh giá đúng giá trị của tài sản bảo đảm đối với các bên có quyền và bên có nghĩa vụ là rất quan trọng, nó đảm bảo được chức năng và mục đích của biện pháp bảo đảm khi được đề ra.
Cũng theo quy định của pháp luật, việc xác định giá trị của tài sản và của nghĩa vụ là giá trị tại thời điểm xác lập. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra một số vấn đề khi mà theo thời gian, không phải tài sản nào cũng giữ nguyên được giá trị của nó. Nếu như giá trị của nó tăng thì với biện pháp cầm cố và thế chấp sau khi xử lý ,bên nhận bảo đảm phải trả lại phần còn dư sau khi thanh toán cho giá trị của nghĩa vụ. Còn nếu giá trị tài sản bảo đảm giảm thì bên bảo đảm phải thanh toán tiếp phần giảm. Theo đó, có thể có sự bất lợi cho bên bảo đảm. Bởi vì tại thời điểm xác lập, giá trị của nó là ngang bằng hoặc lớn hơn giá trị của nghĩa vụ, như vậy, có sự ngang bằng trong sự đền bù về giá trị ở thời điểm này nếu có sự vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, sau đó, giá trị của nó bị giảm sút do tự nhiên hoặc vì lý do khác không do lỗi của các bên mà sau đó tài sản bào đảm cần phải xử lý để thanh toán nghĩa vụ thì bên bảo đàm phải bù khoản tiền thiếu với nghĩa vụ mà đúng ra tại thời điểm xác lập nó là ngang bằng giá trị của nhau.
Như vậy, chưa có sự hợp lý đối với hai biện pháp này. Ví dụ: A dùng một cây vàng cầm cố để thực hiện ba nghĩa vụ dân sự với B, C ,D và B,C,D thống nhất gửi giữ và không có thỏa thuận khác. Tại thời điểm xác lập, giá trị cây vàng đủ thanh toán cho ba người C,B,D nhưng đến lúc thanh toán giá trị này bị giảm sút đi, và A phải thanh toán phần giảm sút của D. Như vậy, tại thời điểm xác lập là giá trị của cây vàng đủ thanh toán nhưng sau đó đã ko đủ nữa. Hơn nữa, nếu trường hợp này là nghĩa vụ với một mình B thì A vẫn có thể thanh toán và không phải thanh toán thêm.
b. Thực tế xét xử và quy định của pháp luật còn vướng mắc trong việc ưu tiên thanh toán nghĩa vụ dân sự.
Đầu tháng 7/2010, tòa án nhân dân tỉnh PY thụ lý một vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng xoay quanh việc Chi nhánh Ngân hàng X ( gọi tắt là X) nhận thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) A và sau đó Công ty TNHH A lại dùng tài sản hình thành từ vốn vay đó thế chấp tại Chi nhánh Ngân hàng Y ( gọi tắt là Y) để vay vốn. A mất khả năng thanh toán, làm nảy sinh vấn đề xử lý tài sản thế chấp. Theo bản án sơ thẩm số 05/2010/KDTM-ST ngày 09/7/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh PY thì Y được hưởng quyền ưu tiên phát mãi tài sản thế chấp vì đã “xuất trình toàn bộ các giấy tờ gốc của tài sản”, còn X không được hưởng quyền ưu tiên phát mãi tài sản thế chấp vì “không cầm, nắm giữ cơ sở pháp lý gốc của tài sản thế chấp”. Trong khi X đã đăng ký giao dịch bảo đảm trước Y tới hơn 1 năm, cùng tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại Thành phố Đà Nẵng.
Theo quy định của Bộ luật dân sự, trong trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ và đều thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký. (khoản 1 Điều 325 BLDS 2005). với quy định nêu trên, căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm phải là thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm chứ không phải là việc cầm, giữ giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm. Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 350 Bộ luật Dân sự 2005 thì việc “nắm, cầm, giữ” giấy tờ về tài sản thế chấp hoàn toàn do các bên thỏa thuận .Do đó, việc Tòa án nhân dân tỉnh PY cho rằng, do X “không cầm, nắm giữ cơ sở pháp lý gốc của tài sản trùng lắp” nên không thể phát mãi tài sản trùng lắp giữa hai ngân hàng để bảo đảm việc thanh toán nợ cho X là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu áp dụng các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán trong việc giải quyết vụ việc nêu trên thì tài sản bảo đảm khi xử lý phải được ưu tiên thanh toán cho X trước khi thanh toán cho Y.
Theo quy định Nghị định số 11/2012/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ – CP về giao dịch bảo đảm quy định tại Điều 14 thì các bên cùng nhận bảo lãnh có cùng thứ tự ưu tiên thanh toán. Trong trường hợp hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký cược, hợp đồng ký quỹ đã được đăng ký theo quy định của pháp luật thì bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên nhận ký quỹ được ưu tiên thanh toán trước bên nhận bảo lãnh.Trong trường hợp hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký cược, hợp đồng ký quỹ chưa đăng ký theo quy định của pháp luật thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo lãnh với bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên nhận ký quỹ được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm. Như quy định này có sự không phù hợp với điều 325 của Bộ luật dân sự về thứ tự ưu tiên thanh toán khi các bên nhận bảo đảm có đăng ký. Như vậy, chưa thực sự có sự thống nhất giữa thực tế xét xử là quy định của pháp luật đồng thời còn có mẫu thuẫn dữa các quy định của pháp luật.
c. Kiến nghị giải quyết.
Pháp luật cần xây dựng các quy định phù hợp hơn về việc xác định giá trị tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự và giá trị của nghĩa vụ dân sự. Hiện nay, theo thực tế xét xử và tinh thần của pháp luật thì giá trị của nghĩa vụ và giá trị của tài sản đều là giá trị vật chất mà chưa có sự tính toán về giá trị tinh thần. tất nhiên đây không phải là giá trị có thể dễ dàng xác định một cách cụ thể tuy nhiên không phải là chắc chắn không xác định được. Ví dụ như theo quy định về bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần khi có thiệt hại về tính mạng vẫn xác định để được bù đắp phần nào giá trị tinh thần . Như phân tích ở phần a, nếu giá trị vật chất nhỏ nhưng giá trị tinh thần lớn thì nó còn có thể nâng cao gấp nhiều lần chức năng tác động , mục tiêu nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với các bên nhận bảo đảm do ranh giới của việc xử lý tài sản chỉ cần là một nghĩa vụ đến hạn xử lý. Việc xác định giá trị tinh thần này có thể căn cứ theo thời gian sử dụng, xác minh những yếu tố “lý lịch” của tài sản đối với bên bảo đảm, quan hệ giữa tài sản với bên bảo đảm và chủ thể khác có ý nghĩa với bên bảo đảm như cha mẹ , người thân.…để xác định gần nhất giá trị tinh thần của nó đối với bên bảo đảm.
Trong thực tế xét xử, về phía các cơ quan tư pháp, để thống nhất cách hiểu và xử lý những tranh chấp về thứ tự ưu tiên thanh toán với nghĩa vụ dân sự, nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm trong thực tiễn xét xử, vẫn cần một văn bản liên tịch của Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn về giá trị pháp lý của việc đăng ký trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng là hết sức cần thiết. Đồng thời pháp luật cần quy định lại các quy định của pháp luật về thứ tự ưu tiên thanh toán cho hợp lý.
III. Kết luận.
Tài sản bảo đảm để thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự là một vấn đề cần quan tâm hiện nay nhằm nâng cao hiểu quả của các biện pháp bảo đảm, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập với kinh tế quốc tế do nó đảm bảo cho các chủ thể tham gia kinh doanh có điều kiện tốt về vốn để đầu tư. Đồng thời các quy định về tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự cũng cần phải hoản thiện hơn nữa đáp ứng các nhu cầu của thực tế phát triển.
Cảm ơn bạn Vũ Tuân đã chia sẻ tài liệu!
No comments:
Post a Comment