06/05/2014
Bài tập học kỳ Dân sự 1 - Những hạn chế về quyền của người lập di chúc
Quan hệ thừa kế là một loại quan hệ pháp luật có nội dung kinh tế, xã hội sâu sắc, xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Trong lịch sử, những quy định về quan hệ tài sản và thừa kế trong gia đình phong kiến Việt Nam được ban hành từ rất sớm. Thời Pháp thuộc, nước ta bị chia thành 3 kỳ, và có 3 bộ luật, trong đó đều có những phần quy định về thừa kế. Giai đoạn từ 1945 đến nay, nước ta đã có 4 bản hiến pháp, trong đó đều ghi nhận và bảo hộ quyền sở hữu của công dân. Trong những chế định của bộ luật dân sự, thừa kế là một chế định quan trọng. Chế định về quyền thừa kế đã được quốc hội khóa 11, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Bộ luật dân sự 2005 đã dành ra phần thứ tư để quy định về các chế định thừa kế, gồm những quy định chung và quy định về hai hình thức của thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật, từ điều 631 đến 647. Điều này là cơ sở cho nhân dân có thể hiểu và thực thi đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

Vì chế định thừa kế điểu chỉnh mảng quan hệ xã hội đặc biệt gần gũi với nhân dân, được nhân dân quan tâm sao sát, nên việc tìm hiểu vấn đề thừa kế, và đặc biệt là hình thức thừa kế theo pháp luật cũng như quyền của người lập di chúc và những hạn chế về quyền tự định đoạt của người lập di chúc là việc cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội, những thắc mắc về việc thực thi quyền và nghĩa vụ của công dân, tìm hiểu thêm một mảng quan trọng trong luật dân sự, cũng như hiểu rõ thêm về quyền sở hữu của nhân dân, một quyền thiêng liêng được nhà nước công nhận và bảo hộ.

NỘI DUNG CHÍNH

I. Một số khái niệm:

Di chúc: là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. BLDS2005 còn ghi nhận cả hình thức di chúc chung của vợ chồng.

Người lập di chúc: là chủ thể thể hiện ý chí của bản thân là dịch chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết bằng cách chỉ định một hoặc nhiều người trong di chúc và cho họ hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình. Người lập di chúc phải là người đã thành niên, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình, hoặc người đủ 15 tuổi đến 18 tuổi, nếu được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Quyền của người lập di chúc: Quyền là khả năng pháp luật cho phép con người có thể tự ý lựa chọn được hành vi của mình, quyền của người lập di chúc là khả năng luật dân sự cho phép con người lựa chọn khi thực hiện hành vi lập di chúc và những việc liên quan của mình.

Hạn chế về quyền tự định đoạt của người lập di chúc: con người thực hiện quyền tự định đoạt khi lập di chúc trong phạm vi pháp luật cho phép, chứ không phải là tự do quyết định toàn bộ.

II. Bản chất của quyền của người lập di chúc, những hạn chế về quyền tự định đoạt của người lập di chúc và mối quan hệ giữa chúng:

Di chúc còn được gọi là chúc thư do cá nhân còn sống tự nguyện lập ra với mục đích dịch chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người còn sống khác, sau khi người lập di chúc chết. Người lập di chúc dựa vào ý chí tình cảm của mình (mang tính chủ quan), định đoạt cho người khác được hưởng di sản sau khi qua đời. Quyền định đoạt của cá nhân trong khi lập di chúc là sự biểu hiện của tự do ý chí, pháp luật tôn trọng quyền lập di chúc là tôn trọng quyền tự do ý chí cá nhân. Do tính chất chủ quan của ý chí và mục đích chuyển dịch tài sản đã phản ánh tính độc lập và tự định đoạt của người lập di chúc. Ý chí cá nhân khi lập di chúc thể hiện hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, hoàn toàn độc lập, tự định đoạt ý chí cá nhân người lập di chúc mà không có sự lệ thuộc nào và bất kỳ ý kiến của ai, di chúc là loại giao dịch dân sự một bên.

Tuy nhiên, dù tự do ý chí là cái cá biệt, cái đơn nhất của cá nhân nhưng cái cá biệt không thể tồn tại ngoài mối liên hệ dẫn đến cái chung. Trong các mối liên hệ xã hội, cái riêng luôn được tôn trọng nhưng đồng thời cũng bị cái chung hạn chế. Pháp luật của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào được ban hành đều nhằm đến mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội nhất định và theo những nguyên tắc đảm bảo sự bình ổn về mặt xã hội đồng thời với việc bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ pháp luật nhất định. Cũng theo phương thức và nguyên tắc chung đó, pháp luật thừa kế Việt Nam cho phép cá nhân người lập di chúc có quyền tự do, tự định đoạt trong việc lập di chúc, tuy nhiên, cũng như các quyền tự do định đoạt ý chí của con người sống trong xã hội nhất định thì không thể có tự do nào tách rời các quan hệ xã hội. Xét về bản chất thì tự do cũng là một loại quan hệ xã hội. Bản chất của tự do phải đặt trong các mối quan hệ xã hội thì mới có thể xác định được mức độ của nó. Trên cơ sở lý luận về mối liên hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng, giữa tự do và ý chí của một cá nhân với lợi ích chung của toàn xã hội, pháp luật về kế thừa của nhà nước ta một mặt tôn trọng quyền tự đinh đoạt của người lập di chúc, mặt khác luôn đặt quyền tự định đoạt đó trong một khuôn khổ nhất định, nhằm tạo ra một khung hành lang pháp lý để xác định rõ người lập di chúc có những quyền gì, những quyền đó bị hạn chế trong trường hợp nào. Có thể nói, việc pháp luật vừa ghi nhận vừa hạn chế quyền của người lập di chúc là hai mặt của một vấn đề, hai phạm trù đối lập nhưng cùng thống nhất với nhau trong phép biện chứng, điều này là hoàn toàn cần thiết khi xây dựng các chế định dân sự nói chung và chế định về thừa kế theo di chúc nói riêng.

III. Nguyên tắc của pháp luật thừa kế:

Những nguyên tắc pháp luật thừa kế ở Việt Nam được áp dụng chung cho cả hai hình thức thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật đã xuất hiện ngay từ khi có những văn bản pháp luật đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

- Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của cá nhân.
- Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế.
- Nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của người có tài sản, người hưởng di sản.
- Củng cố, giữ vững tình yêu thường đoàn kết trong gia đình.

IV. Về quyền của người lập di chúc:

1. Cơ sở pháp lý:

Quyền của người lập di chúc được bộ luật dân sự 2005 ghi nhận:

- Điều 631. Quyền thừa kế của cá nhân: “Cá nhân có quyền lập di chúc đề định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

- Điều 648. Quyền của người lập di chúc: “Người lập di chúc có các quyền sau đây: 1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; 2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; 3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; 4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; 5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

- Điều 662. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc: “1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào; 2. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật; 3. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.”

- Điều 664. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng: “ 1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào; 2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.”

2. Nội dung:

Bằng các điều luật trên, BLDS 2005 đã xác định người lập di chúc có các quyền sau đây:

a. Quyền chỉ định người thừa kế:

Là quyền tự lựa chọn và chỉ định xem ai hoặc những ai được hưởng tài sản khi người lập di chúc chết. Thông thường, một người bao giờ cũng mong muốn sau khi đã chết, tài sản của mình sẽ được dịch chuyển cho những người gần gũi nhất. Ngay cả khi người để lại di sản không để lại di chúc, tài sản của họ cũng được dịch chuyển cho những người thừa kế theo hàng, thì đây cũng chỉ là sự phỏng đoán của pháp luật về ý chí của người để lại di sản, nên về cơ bản là phù hợp với mong muốn của người để lại di sản.

Tuy nhiên, khi pháp luật đã cho phép người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế thì mặc là ai, kể cả những người thừa kế được xác định trong di chúc không nằm trong hàng thừa kế pháp luật quy định, thì vẫn hợp pháp, miễn đó là ý chí thực sự tự nguyện của người lập di chúc. 

b. Truất quyền hưởng di sản:

Vì thừa kế theo pháp luật chỉ là sự dự liệu để dịch chuyển tài sản khi không thể dịch chuyển theo ý chí của người để lại di sản, nên có những người thừa kế dù đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện và có quyền hưởng di sản theo pháp luật nhưng quyền hưởng di sản đó sẽ bị mất nếu họ bị người để lại di sản truất quyền thừa kế. Tôn trọng ý chí của người để di sản, pháp luật thừa kế của nước ta cho phép người lập di chúc phế truất quyền hưởng di sản của một người thừa kế nào đó nếu muốn. Nếu như xác định là người lập di chúc không cho người thừa kế nào hưởng di sản theo di chúc thì người đó là người bị truất quyền thì sẽ có hai trường hợp: 

- Truất quyền di sản được nói rõ: là trường hợp người thừa kế theo pháp luật bị người để lại thừa kế nói rõ trong di chúc về việc truất quyền hưởng di sản của họ. Theo khoản 1 Điều 648 BLDS thì người bị truất quyền, bao giờ cũng là người thừa kế theo pháp luật, và vì thế, khi họ bị truất quyền thì đương nhiên họ cũng không phải là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc nữa. Vì thế, trừ phi di chúc vô hiệu toàn bộ hoặc một phần vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc truất quyền hưởng di sản thì tư cách của người thừa kế theo luật của họ sẽ bị mất, và nếu có phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực sẽ được chia theo pháp luật thì người đó vẫn không được hưởng. 

- Truất quyền hưởng di sản không được nói rõ: là việc người lập di chúc chỉ định một hoặc nhiều người để hưởng toàn bộ di sản nhưng lại không nói gì đến người thừa kế theo pháp luật không được chỉ định. Người thừa kế không được hưởng di sản theo di chúc là người có quyền hưởng di sản của người chết để lại theo quy định của pháp luật nhưng thực tế họ không được hưởng bởi di sản không còn vì người lập di chúc đã định đoạt hết cho người khác. Như vậy, họ vẫn không bị mất tư cách người thừa kế mà họ có được do luật định, vì thế, nếu có một phần di sản nào đó được chia theo pháp luật thì sẽ được hưởng. 

Có thể thấy, dù đều không được hưởng tài sản thừa kế của người lập di chúc để lại, nhưng tình trạng pháp lý của người thừa kế bị truất quyền hưởng di sản và không được hưởng di sản theo di chúc là khác nhau, vì vậy, sự áp dụng các quy định của pháp luật cũng khác nhau, cần hiểu cho đúng để giải quyết vấn đề.

c. Quyền phân định di sản cho từng người thừa kế:

Khi người để lại tài sản lập di chúc đã xác định người hưởng di sản thì dù không xác định mỗi người thừa kế được hưởng bao nhiêu di sản cũng đã bao hàm cả việc phân chia tài sản. Tuy nhiên, theo luật định, người lập di chúc có quyền phân chia một cách cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc hưởng phần di sản là hiện vật gì. Có 3 trường hợp:

- Phân định tổng quát: người lập di chúc không xác định rõ phần tài sản mà từng người thừa kế được hưởng. Như vậy, nếu trong di chúc chỉ định một người thì toàn bộ tài sản thuộc về người đó, nếu chỉ định nhiều người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người có tên trong di chúc, nếu có thỏa thuận giữa những người này thì chia theo thỏa thuận. 

- Phân định theo tỷ lệ: trong di chúc đã nói rõ mỗi người thừa kế được hưởng một phần di sản theo một tỉ lệ nhất định so với tổng giá trị tài sản, khi phân chia phải thực hiện việc định giá từng loại để xác định giá trị của toàn bộ khối tài sản.

- Phân định cụ thể: là trường hợp người để lại di sản xác định rõ người thừa kế nào được hưởng di sản là hiện vật gì... Vì vậy khi phân chia di sản, các thừa kế được nhận hiện vật theo sự xác định trong di chúc. 

d. Quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng:

Người để lại di sản có quyền dành một phần trong số di sản để tặng cho người khác thông qua việc thể hiện ý nguyện trong di chúc. Hiệu lực của việc di tặng được xác định theo hiệu lực của di chúc. Người nhận tài sản di tặng được coi là một bên trong hợp đồng tặng cho nên họ được hưởng di sản mà không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, tuy nhiên BLDS cũng quy định: “Trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ của người này”. 

Vì di tặng là hành vi pháp lý đơn phương nên không cần sự chấp nhận của người được di tặng, di chúc vẫn được coi là hợp pháp, nó chỉ bị thất hiệu sau khi người lập di chúc chết mà người được di tặng từ chối quyền thụ tặng.

Đối tượng của di tặng có thể là bất động sản hoặc động sản.

e. Quyền được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng:

Thờ cúng tổ tiên cũng như việc dành ra một số tài sản để lo việc phụng tự là một vấn đề đã có từ lâu đời trong tục lệ và pháp luật Việt Nam, đã ăn sâu vào nếp sống cổ truyền của dân tộc. Tôn trọng và ghi nhận truyền thống của dân tộc, pháp lệnh về thừa kế trước đây và BLDS hiện nay đều ghi nhận quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng của người lập di chúc, Điều 670 BLDS cũng quy định rõ về vấn đề di sản dùng vào việc thừa kế. Quyền của người lập di chúc trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng biểu hiện trong các điểm sau: 

- Việc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng là do ý muốn của người để lại thừa kế, nếu trong di chúc người này thể hiện ý nguyện đó thì nó phải được tôn trọng. 

- Phỏng đoán ý nguyện truyền thống của người để lại di sản thờ cúng là phần di sản phải được lưu giữ, truyền từ đời này qua người khác, nên pháp luật tôn trọng và quy định phần di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế.

- Người để lại di chúc có thể chỉ định bất cứ người nào do mình muốn để quản lý di sản do mình lập ra, nếu trong di chúc không xác định điều này thì người quản lý di sản thờ cúng là ai do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

- Quyền để lại di sản thờ cúng bao gồm cả việc xác định nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng cũng như việc phụng tự, có thể xem xét các trường hợp: Nếu trong di chúc đã xác định công việc thờ cúng mà người quản lý di sản để thực hiện việc thờ cúng không tuân theo sẽ bị những người thừa kế khác lấy lại di sản thờ cúng giao cho người khác để người đó trực tiếp quản lý thực hiện việc thờ cúng; Nếu trong di chúc không xác định công việc thờ cúng thì ngời quản lý di sản phải thực hiện việc thờ cúng theo thỏa thuận của những người thừa kế; Khi được giao di sản để thực hiện việc thờ cúng nhưng lại sử dụng tài sản trái với mục đích thờ cúng. 

- Tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc, pháp luật nước ta cho phép người đó dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng và cũng không cần quy định cụ thể "phần " đó là tỷ lệ bao nhiêu so với giá trị khối tài sản.

f. Quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế:

Người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế thực hiện một công việc vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống, người để lại di sản phải thực hiện. Nghĩa vụ được xét đến ở đây là nghĩa vụ về tài sản, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản. Có 3 trường hợp khi phân định nghĩa vụ tài sản:

-  Người để lại di sản có để lại một nghĩa vụ về tài sản nhưng trong di chúc không nói rõ người thừa kế nào phải thực hiện nghĩa vụ đó thì ai hưởng thừa kế, người đó thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản thừa kế, nếu nhiều người thừa kế thì tất cả những người đó phải thực hiện nghĩa vụ.

- Nếu người để lại di sản xác định rõ tỷ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện thì mỗi người thực hiện phần nghĩa vụ trong phạm vi di sản được hưởng, nếu vượt quá số di sản người này được hưởng sẽ chia đều cho những người thừa kế khác thực hiện tương ứng với phần di sản mà họ đã nhận.

- Nếu người lập di chúc đã giao nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế thì riêng người thừa kế đó phải thực hiện nghĩa vụ ấy. Tất nhiên nếu có phần nghĩa vụ vượt quá số di sản mà người đó được hưởng thì những người thừa kế khác phải thực hiện tương ứng với phần di sản mà họ được hưởng. Ví dụ : ông A lập di chúc định đoạt di sản trị giá 60triệu của mình như sau : B hưởng 20 triệu, C hưởng 10 triệu, D hưởng 30 triệu. Khi chết, A còn nợ của E 15 triệu đồng. Ông giao cho C phải thay ông trả khoản nợ đó. Như vậy theo di chúc, thực tế C không được hưởng di sản theo di chúc. Ngoài 10 triệu C đã dùng để thanh toán nghĩa vụ, khoản nợ vẫn còn 5 triệu đồng. Khoản nợ này do B và D cùng phải thực hiện với tỷ lệ tương ứng : B 2 triệu, D 3 triệu. Như vậy B còn 18 triệu và D còn 27 triệu. 

g. Quyền chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, phân chia di sản:

Người lập di chúc bao giờ cũng mong muốn di chúc của mình không bị thất lạc hư hỏng, ý nguyện không bị người khác xâm phạm, di sản còn nguyên vẹn đến lúc trao tài sản cho người thừa kế, di sản được chia theo đúng ý chí chủ quan của người lập di chúc, vì dự liệu trước các nguyện vọng của người lập di chúc, pháp luật trao cho người lập di chúc quyền chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, phân chia di sản: 

- Quyền chỉ định người giữ di chúc: người lập di chúc có thể gửi lại di chúc ở công chứng nhà nước hoặc gửi bất kỳ người nào mà mình tin tưởng giữ bản di chúc. Nếu di chúc được gửi cơ quan công chứng nhà nước thì cơ quan đảm bảo giữ gìn bản di chúc theo quy định pháp luật, khi người lập di chúc chết cơ quan đó phải cồng bố di chúc trước những người thừa kế bằng việc sao gửi di chúc đến tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc; Nếu người giữ bản di chúc là cá nhân thì cá nhân đó phải giữ bí mật nội dung của di chúc, bảo quản, giữ gìn di chúc cẩn thận, khi người lập di chúc chết phải giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc có thẩm quyền công bố di chúc; Nếu người giữ di chúc đồng thời là người được chỉ định công bố di chúc thì khi người lập di chúc chết, người đó phải công bố di chúc trước những người thừa kế theo đúng thủ tục như trường hợp cơ quan công chứng là người công bố di chúc.

- Quyền chỉ định người quản lý di sản: thường thì sau một thời gian người lập di chúc mất, di sản mới được phân chia, để tránh tình trạng di sản bị mất mát, hư hỏng, bị người khác tẩu tán, chiếm đoạt trong thời gian đó, người lập di chúc có thể chỉ định người quản lý di sản trong di chúc. Nếu di chúc không chỉ định thì dự liệu trước ý chí của người lập di chúc, pháp luật xác định người quản lý di sản có thể là: người được những người thừa kế cùng thỏa thuận cử ra để quản lý di sản trong thời gian chưa được chia; Người đang chiếm giữ,quản lý là người quản lý di sản trong thời gian những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản mới; Người đang chiếm giữ, sử dụng di sản thừa kế theo hợp đồng mà họ đã ký kết với người để lại di sản là người quản lý di sản cho đến khi hết hạn hợp đồng; Di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khi chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý. Người quản lý di sản là người đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ 3 liên quan đến di sản thừa kế. 

- Quyền chỉ định người phân chia di sản: thường khi xác định ai quản lý di sản thì người lập di chúc cũng chỉ định luôn người đó phân chia di sản, tuy nhiên cũng có thể chỉ định hai người khác nhau. Người được chỉ định nếu nhận nghĩa vụ phải đứng ra phân chia di sản khi người để lại di chúc chết, việc phân chia tuân theo di chúc, nếu di chúc không xác định cách phân chia thì chia theo sự thỏa thuận của những người thừa kế. 

h. Quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc: 

Vì di chúc được lập ra là do ý chí, tình cảm chủ quan của người lập di chúc nên nó có tính khả biến, nếu người lập di chúc có sự thay đổi ý chí thì việc định đoạt trong di chúc sẽ bị thay đổi, pháp luật cho phép người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc đã lập, và việc này tiến hành theo hình thức nào cũng được, miễn là sự sửa đổi, bổ sung là ý chí tự nguyện, minh mẫn, hợp pháp của người lập di chúc. 

- Sửa đổi di chúc: là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình phủ nhận một phần di chúc đã lập, những phần di chúc còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật, phần bị sửa đổi sẽ không có hiệu lực mà thay vào đó, pháp luật căn cứ vào ý chí thể hiện trong sự sửa đổi sau cùng.

-  Bổ sung di chúc: là việc người lập di chúc quy định thêm một số vấn đề mà trong di chúc đã lập chưa nói đến làm cho di chúc cụ thể, chi tiết hơn, cả di chúc đã lập và phần bổ sung đều có hiệu lực như nhau, trường hợp có mâu thuẫn thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. 

-  Hủy bỏ di chúc: là người lập di chúc lại bằng ý chí tự nguyện của mình truất bãi di chúc đã lập. Pháp luật chỉ xác định một trường hợp được coi là hủy bỏ di chúc là khi người lập di chúc thay thế di chúc đã lập, tuy nhiên nếu di chúc đã  bị  người  đó  đốt,  xé,  tiêu  hủy  hay  tuyên  bố  trước  mọi  người  về  việc  phế truất di chúc thì cũng nên coi là việc hủy bỏ di chúc. 

i. Quyền thay thế di chúc:

Theo nguyên tắc: “Di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế” nên khi còn sống, một người tuy đã lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác nhưng sau đó nếu thấy việc định đoạt của mình chưa phù hợp thì có quyền lập một di chúc thay thế di chúc đã lập trước. Điều này được quy định tai pháp lệnh thừa kế: “ Trong trường hợp người lập di chúc đã thay thế di chúc thì coi như không có di chúc trước”, và BLDS “ Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”. Bản chất của việc thay thế di chúc là việc một người bằng ý chí tự nguyện của mình phủ nhận một ý chí tự nguyện trước đó về việc định đoạt di sản thừa kế. Như vậy, không những phải xét bản di chúc được lập ra theo những ngày tháng khác nhau để xem di chúc nào có hiệu lực, mà cần xem xét xem, việc thay thế di chúc cũng như bản di chúc cuối cùng có phải là ý muốn chủ quan của người lập di chúc không. Ví dụ như trường hợp bản di chúc đầu được thay thế bằng bản di chúc thứ hai nhưng di chúc này không có hiệu lực pháp luật do bị thất hiệu, tuy nhiên vẫn được lập theo ý chí của người lập di chúc thì dù có bản di chúc đầu, vẫn phải chia di sản theo pháp luật. Một ví dụ khác: di chúc đầu lập ra theo ý chí của người lập di chúc, di chúc thứ hai được người lập di chúc lập ra nhưng do sự lừa dối của người khác, thì di chúc đầu vẫn có hiệu lực pháp luật và căn cứ vào di chúc này để chia di sản. Như vậy, có thể thấy dù đều là thay thế di chúc nhưng hai trường hợp là khác nhau, vì vậy, cách giải quyết thực tế cũng khác nhau, điều quan trọng nhất là ý muốn chủ quan của người lập di chúc.

V. Những hạn chế về quyền tự định đoạt của người lập di chúc:

1. Cơ sở pháp lý:

Với  nguyên  tắc tự  do, tự  nguyện, cam  kết thỏa  thuận, pháp luật nước  ta  bảo đảm quyền tự do lập di chúc của người để lại di sản, nhưng tự do đó phải phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc tôn trọng truyền thống tốt đẹp, vì vậy, pháp luật có quy định một số hạn chế về quyền tự định đoạt của người lập di chúc:

-  Khoản  3 điều  637  BLDS  2005:  “  Trong  trường  hợp  di  sản  đã  được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

-  Điều 669 BLDS 2005 – người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được  chia theo pháp luật,  trong  trường  hợp  họ  không  được  người  lập  di  chúc  cho  hưởng  di  sản hoặc  chỉ  cho  hưởng  phần  di  sản  ít  hơn  hai  phần  ba  suất  đó,  trừ  khi  họ  là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ  luật  này:  1.  Con  chưa  thành  niên,  cha,  mẹ,  vợ,  chồng;  2.  Con  đã  thành niên mà không có khả năng lao động.”

-  Khoản 2 điều 670 BLDS 2005: “Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.

-  Khoản  2  điều  671  BLDS  2005:  “  Người  được  di  tặng  không  phải  thực  hiện nghĩa  vụ  tài  sản  đối  với  phần  được  di  tặng,  trừ  trường  hợp  toàn  bộ  di  sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần được di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.”

-  Chương 33 BLDS 2005 quy địn việc thừa kế quyền sử dụng đất phải tuân theo quy định của BLDS 2005 và pháp luật về đất đai.

-  Điều 7339,740,741 BLDS năm 1995 về hạn chế chuyển dịch quyền thừa kế sử dụng đất của người chết.

2.  Nội dung:

a.  Về quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế:

Theo  khoản 3  điều  637  BLDS 2005  thì  người  lập  di  chúc  chỉ  có  quyền  giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản được nhận, nếu vượt quá phạm vi đó thì phần vượt quá sẽ vô hiệu, người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ phần vượt quá đó.

Nghĩa vụ được xét đến ở đây chỉ là nghĩa vụ về tài sản, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản.

b.  Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:

Pháp luật về thừa kế bao giờ cũng được đặt trên hai phương diện: phương diện kinh tế và phương diện đạo đức. Trên phương diện thừa kế, pháp luật thừa kế hoàn toàn phụ thuộc vào pháp luật về quyền sở hữu. Một người là chủ sở hữu đối với tài sản của mình thì người đó có toàn quyền định đoạt di sản theo ý muốn của mình mà không phải chịu sự hạn chế nào của pháp luật. Nhưng nếu dựa trên phương diện đạo đức thì pháp luật về thừa kế là một phương tiện pháp lý để dịch chuyển tài sản từ người chết sang người còn sống khác qua đó để người quá cố làm tròn bổn phận của mình với gia đình họ. Dựa trên căn bản đạo đức, pháp luật thừa kế quy định rằng việc chuyển dịch tài sản cho một số đối tượng đặc biệt là bổn phận bắt buộc đối với người để lại di sản. Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của những  người  là  cha,  mẹ,  vợ,  chồng,  các  con  dưới  18  tuổi  và  các  con  tuy  đã trưởng thành nhưng không có khả năng lao động của người để lại di sản, trong trường hợp người có tài sản định đoạt trong di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng một phần di sản ít hơn 2/3 của một suất thừa kế được chia theo  pháp  luật  thì  người  đó  có  quyền  yêu  cầu  hoặc  để  nghị  tòa  án  giả  quyết quyền được hưởng di sản bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, những  người  nói  trên  không  phải  là  người  từ  chối  nhận  di  sản  theo  Điều  642 BLDS hoặc là người không có quyền hưởng di sản theo điều 643 BLDS.  Theo quy định tại điều 669 BLDS thì quyền hưởng di sản của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc luôn được bảo đảm thực hiện. Quy định  này  thể  hiện,  một  mặt,  pháp luật tôn  trọng  ý chí  của người để  lại di  sản, nhưng mặt khác chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người mà khi họ còn sống họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc.

Việc phân chia để xác định một suất thừa kế:

-  Người  không  có  quyền  hưởng  di  sản  theo  khoản  1  Điều  643  BLDS  do  có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức nên bị pháp luật tước quyền hưởng di sản, đương nhiên không được tính vào suất thừa kế.

-  Người  thừa  kế  theo  Điều  669  BLDS  bi  người  để  lại  di  chúc  truất  hưởng  di sản.Những người này dù bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản vẫn được hưởng một phần di sản. Vì vậy họ luôn là người thừa kế theo luật của người để lại di sản và trong mọi trường hợp họ vẫn được tính là một suất.

-  Người thừa kế bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản. Vì người đã bị truất quyền (trừ trường hợp những người ở Điều 669 BLDS 2005) sẽ không được hưởng di sản thừa kế kể cả khi di sản chia theo pháp luật. Vì vậy, những người này cũng không được coi là một suất.

-  Người từ chối nhận di sản. Về nguyên tắc, những người từ chối nhận di sản sẽ không được hưởng di sản nữa, dù là chia theo pháp luật nên họ không phải là một suất khi xác định một suất thừa kế theo luật. Tuy nhiên nếu người từ chối nhận di sản đồng thời cũng là người thừa kế theo luật của người để lại di chúc mà họ chỉ từ chối nhận di sản theo di chúc thì họ vẫn là một suất khi xác định suất thừa kế.

c.  Về  hạn chế  quyền  của  người  lập  di  chúc  trong  việc để  lại  di  sản  dùng vào việc thờ cúng, di tặng:

Để đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền tài sản liên quan đến di sản của người chết, quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng của người lập di chúc bị hạn chế trong hai trường hợp:

-  Toàn  bộ  di  sản  của  người  chết  không  đủ  để  thanh  toán  nghĩa  vụ  tài  sản  của người đó thì : không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng; phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phân nghĩa vụ còn lại này.

-  Sự định đoạt vi phạm quyền của người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Đ669 BLDS2005), nghĩa là nếu người lập di chúc dành phần lớn tài sản vào việc thờ cúng, di tặng mà số tài sản còn lại không bảo đảm đủ cho những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc hưởng 2/3 suất thừa kế của họ, thì trước hết phải đảm bảo chia đủ tài sản thừa kế đúng luật cho họ, phần còn lại mới được dùng vào việc thờ cúng, di tặng.

d.  Để lại thừa kế quyền sử dụng đất:

Vì đất đai là loại tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu của nhà nước, nhà nước thống nhất quản lý nên việc để lại thừa kế quyền sử dụng của loại tài sản đặc biệt này cũng có những quy định riêng.

Theo BLDS 1995, việc hạn chế quyền tự định đoạt của người  lập di chúc khi để lại thừa kế quyền sử dụng đất như sau:

-  Không phải ai cũng được để lại thừa kế quyền sử dụng đất, mà điều này phải dựa vào việc xem xét quyền sử dụng đất của họ được hình thành từ căn cứ nào. Một người được để lại thừa kế quyền sử dụng đất nếu đất đó là do nhà nước giao cho cá nhân họ hoặc họ có được do người khác chuyển dịch phù hợp với pháp luật.

-  Không phải ai cũng được thừa kế quyền sử dụng đất. Đối với đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm hoặc nuôi trồng thủy sản thì một người muốn thừa kế sử dụng đất phải có đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 740 BLDS 1995.

-  Người  lập  di  chúc  chỉ  được  để  lại  thừa  kế  theo  di  chúc  quyền  sử  dụng  đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản cho những người thừa kế trong diện thừa kế theo pháp luật của họ.

Để khắc phục những bất cập trong quy định việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất của BLDS1995, BLDS 2005 đã có nhiều sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, những hạn chế trong quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất vẫn được thể hiện ở một số mặt sau đây:

-  Điều  733,  734,  735  BLDS  2005  quy  định,  việc  thừa  kế  quyền  sử  dụng  đất ngoài  việc  tuân  thủ  những  quy  định  trong  BLDS2005  còn  phải  chấp  hành những quy định pháp luật về đất đai mà cụ thể ở đây là Luật đất đai 2003 và các Nghị quyết hướng dẫn khác của cá cơ quan chức năng.

-  Đối với di sản thừa kế là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất hay quyền sử dụng  đất  thì  theo  quy  định  tại  điểm  d  khoản  2  Điều  121  Luật  đất  đai  2003, trường  hợp  người  thừa  kế  là  người  Việt  Nam  định  cư  ở  nước  ngoài  không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này (cụ thể: Người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư tại Việt Nam; Người có công đóng góp với đất nước; Những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước; Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam;  Các đối tượng khác theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội), thì chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.

e.  Về quyền đặt điều kiện trong di chúc:

Người lập di chúc không được đặt điều kiện trong di chúc. Pháp luật thừa kế Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc người lập di chúc có quyền đặt điều kiện với người thừa kế theo di chúc như điều kiện phát sinh quyền thừa kế hay điều kiện chấm dứt quyền thừa kế. Đây không phải là lỗ hổng trong pháp luật vì những lý do sau:

-  Theo  ta  biết,  di  chúc  là  giao  dịch  dân  sự  một  bên,  nội  dung  di  chúc  chỉ  thể hiện duy nhất ý chí của người để lại di sản. BLDS có quy định về giao dịch dân sự có điều kiện ở điều 125, nhưng đó chỉ là giao dịch dân sự đa phương, còn  di  chúc  là  giao  dịch  dân  sự  đơn  phương,  người  lập  di  chúc  không  có quyền đặt điều kiện cho người không thể hiện được ý chí của mình.

-  Di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội (Điều 652 BLDS), vì vậy, nếu điều kiện đưa ra là không thỏa đáng,  buộc  người  thừa  kế  phải thực hiện  nghĩa  vụ  vượt  quá  di sản thừa kế, không liên quan đến di sản thừa kế hoặc không phải là nghĩa vụ tài sản, thì di chúc cũng được coi là bất hợp pháp.

f.   Việc định đoạt di sản cho vật nuôi, cây trồng:

Theo  pháp  luật  thừa  kế  Việt  Nam,  người  lập  di  chúc  có  quyền  định  đoạt  tài sản cho bất kỳ ai, người thuộc diện thừa kế theo pháp luật hay người khác ngoài những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, có quyền cho tổ chức, cho nhà nước hưởng di sản của mình. Tuy nhiên, pháp luật không thừa nhận di chúc của cá  nhân  định  đoạt  tài  sản  cho  gia  súc,  gia  cầm,  cây  cối  được  thừa  kế.  Trong trường hợp di chúc của cá nhân định đoạt tài sản cho gia súc, gia cầm, cây cối được hưởng thì di chúc đó vô hiệu tuyệt đối,  không thể có giá trị thi hành. Sự không công nhận này là hoàn toàn phù hợp không những về mặt điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc để lại di sản và nhận di sản thừa kế mà còn là quyết định mang tính khoa học và nhất quán với nguyên tắc xác định tư cách chủ thể trong quan hệ xã hội và pháp luật.

KẾT THÚC

Có thể thấy rằng với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản, quyền của người lập di chúc được pháp luật tôn trọng tuyệt đối và phù hợp với những quy định pháp luật về quyền sở hữu. Pháp luật trao vào tay người lập di chúc rất nhiều  quyền  năng:  quyền  chỉ  định  người  thừa  kế,  quyền  truất  quyền  hưởng  di sản, quyền phân định di sản cho từng người thừa kế, quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, dùng vào việc thờ cúng, quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế, quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc, quyền thay thế di chúc. Những quyền trên đây là minh chứng cho quyền sở hữu và định đoạt tài sản của mình khi còn sống và ngay cả lúc đã qua đời. Đó là vấn đề nhận được nhiều  sự  quan  tâm  đặc  biệt  của  nhân  dân,  vì  đây  là  một  trong  những  quyền thiêng liêng và quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, quyền của người lập di chúc luôn gắn liền với những hạn chế của quyền tự định đoạt của người lập di chúc. Những hạn chế cụ thể là về các mặt: quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế, về người thừa kế không phụ thuộc vào nội  dung di  chúc,về hạn  chế quyền  trong  việc  để lại  di  sản  dùng vào việc  thờ cúng, di tặng, về việc để lại thừa kế quyền sử dụng đất, về quyền đặt điều kiện trong di chúc và về việc định đoạt di sản cho vật nuôi, cây trồng.

Có thể thấy người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản và các vấn đề khác nhưng việc định đoạt đó không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.  Pháp luật thừa kế Việt Nam đã ghi nhận mối quan hệ giữa hai mặt đó nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội theo những nguyên tắc bảo đảm sự bình ổn về mặt xã hội đồng thời với việc bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật nhất định về thừa kế.

Làm rõ vấn đề về quyền cũng như hạn chế quyền định đoạt của người lập di chúc giúp ta hiểu và áp dụng pháp luật cho phù hợp với những tình huống cụ thể trong thực tế, là cơ sở để đảm bảo quyền tự do dân chủ, công bằng xã hội, đảm bảo quyền dân sự của con người được thực hiện đầy đủ, từ đó giúp ổn định trật tự xã hội, xây dựng niềm tin cũng như sự tôn trọng của nhân dân vào pháp luật.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment