20/09/2013
Bài tập học kỳ Công chứng chứng thực – Tầm quan trọng của hoạt động công chứng, chứng thực ở nước ta hiện nay
1.     Lý luận chung về hoạt động công chứng, chứng thực.

Theo từ điển Tiếng Việt thì “công chứng là sự chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm xác nhận về mặt pháp lý của các văn bản và bản sao từ bản gốc”. Điều 2 Luật công chứng quy định: “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Định nghĩa này đã chỉ rõ công chứng là hành vi của công chứng viên, phân biệt với chứng thực là hành vi của người đại diện của cơ quan hành chính công quyền. Công chứng viên là người xác nhận và kiểm chứng tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Văn bản công chứng là kết quả của hoạt động công chứng, bao gồm những loại văn bản được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Công chứng là hợp đồng, giao dịch được công chứng viên công chứng theo quy định của pháp luật không bao gồm bản sao, bản dịch được công chứng viên xác nhận. Quy định về văn bản công chứng là một điểm mới so của Luật công chứng so với Nghị định 75/2000/NĐ- CP về công chứng, chứng thực.

Tiêp theo, về hoạt động chứng thực và văn bản chứng thực, theo quy định tại Khoản 5, 6 Điều 2 Nghị định 79/2007 NĐ-CP ngày 18 tháng 05 năm 2007, hoạt động chứng thực được định nghĩa như sau:

 “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

“Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị đinh này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực.

2. Thực trạng hoạt động công chứng, chứng thực ở nước ta hiện nay.

Trước đây Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước đã đồng nhất việc công chứng và chứng thực của các cơ quan khác nhau trong một tên gọi chung là công chứng; kể từ khi có Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ đã có sự phân biệt giữa hai loại việc này. Theo đó các cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực là phòng công chứng nhà nước, UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Thẩm quyền công chứng của Phòng công chứng Nhà nước theo quy định là rất rộng bao gồm hầu hết các loại việc công chứng, chứng thực nhưng cũng không hạn chế thẩm quyền chứng thực của UBND cấp huyện và cấp xã.

Hoạt động công chứng, chứng thực ở nước ta hiện nay bao gồm: sự chứng nhận của phòng công chứng  và văn phòng công chứng về tính xác thực của hợp đồng giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế  thương mại và quan hệ xã hội khác; và sự xác nhận của UBND cấp huyện và cấp xã về việc sao y giấy tờ, hợp đồng giao dịch và chữ ký của cá nhân  trong các giấy tờ phục vụ cho các giao dịch của các chủ thể theo quy định của pháp luật. Chính phủ thống nhất quản lí. Bộ tư pháp là cơ quan  chiu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lí thống nhất về công chứng, chứng thực trong phạm vi cả nước; ban hành và hướng dẫn sử dụng hệ thống công chứng, chứng thực mẫu hợp đồng giao dịnh , mẫu lời chứng ; đào tạo nghề công chứng…

Sở tư pháp  giúp UBND cấp tỉnh  thực hiện các nhiệm vụ quản lí hoạt động công chứng, chứng thực như  bồi dưỡng nghiệp vụ cho người thực hiện CT,hướng dẫn và kiểm tra , thanh tra hoạt động của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng… UBND cấp huyện thực hiện nhiêm vụ quản lí chứng thực đối với phòng tư pháp  và UBND cấp xã như hướng dẫn  và kiểm tra, thanh tra hoạt động chứng thực…

Các văn phòng công chứng  theo Luật Công chứng 2006 (có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2007) và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính chứng thực chữ ký có hiệu lực đã đạt được những kết quả khả quan, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự, nhưng một số quy định pháp luật chưa chặt chẽ, chưa phát huy được tác dụng. Sự ra đời của các văn phòng công chứng (VPCC) theo Luật Công chứng 2006 đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự. Tác phong phục vụ, lề lối làm việc cũng tốt hơn, bớt đi tình trạng cửa quyền, gây khó khăn của các phòng công chứng trước kia…

Tính đến nay cả nước đã có hàng ngàn tổ chức được cấp giấy phép hoạt động và có hàng nghìn công chứng viên hành nghề trong lĩnh vực này. Nhưng bên cạch những tích cực cũng còn rất nhiều bất cập, lỗ hổng trong hoạt động công chứng.

3.     Tầm quan trọng của hoạt động công chứng, chứng thực ở nước ta hiện nay.

Trong cuộc sống đời thường cũng như trong dân sự, kinh tế, thương mại, khi có tranh chấp xảy ra, các đương sự thường có xu hướng tìm kiếm những chứng cứ để bênh vực cho những lý lẽ của mình hoặc bác bọ lập luận của đối phương. Để phòng ngừa và đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại mà đương sự tham gia, họ cần đến chứng cứ công chứng hay ta hiểu là văn bản công chứng là loại chứng cứ xác thực chứng cứ đáng tin cậy hơn hẳn các loại giấy tờ không có chứng nhận xác thực hoặc chỉ trình bày bằng miệng.

Thực tiễn thực hiện cho thấy tranh chấp trong xã hội ngày càng tăng, vụ việc càng phức tạp, trong đó có nguyên nhân là do không có xác thực. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, cập nhật pháp luật là cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp công cụ tổ chức thực hiện pháp luật. Công chứng là một hoạt động quan trọng không thể thiếu được trong hoạt động Nhà nước. Thông qua hoạt động công chứng và các quy định xung quanh nó, pháp luật trở nên gần với hiện thực hơn, dần trở thành hiện thực sinh động của đời sống xã hội. Theo đánh giá của Sở Tư pháp, kết quả xã hội hóa hoạt động công chứng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao sự an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng. Góp phần phòng ngừa các vi phạm pháp luật trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại…  Khi các giao dịch, hợp đồng được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng có tính chuyên môn, chuyên nghiệp không chỉ là một thủ tục hành chính mà còn đảm bảo tính chính xác, đúng luật, hồ sơ văn bản công chứng được lưu giữ đầy đủ, lâu dài và có tính pháp lý, góp phần phòng ngừa rủi ro, tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia hợp đồng, giao dịch, giúp ổn định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó thông qua hoạt động tiếp người yêu cầu công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng đã tích cực tuyên truyền, tư vấn cho cá nhân, tổ chức những quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân.

Từ đây ta có thể nhận thấy: Văn bản công chứng là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phòng ngừa tranh chấp, tạo ra sự ổn định trong quan hệ dân sự, tài sản. Mặt khác, văn bản công chứng còn tạo ra một chứng cứ xác thực, kịp thời không ai có thể chối cáo trừ trường hợp bị tòa tuyên bố vô hiệu.

No comments:

Post a Comment