13/10/2015
Phân tích mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực tôn giáo thông qua các ví dụ cụ thể - Bài tập học kỳ Xã hội học pháp luật
Bài tập học kỳ Xã hội học pháp luật.

Pháp luât là một công cụ điều chỉnh hiệu quả nhất giúp nhà nước quản lí và điều tiết trật tự xã hội, là chuẩn mực mà tất cả mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội phải tôn trọng và thực hiện. trong quá trình hình thành và phát triển, pháp luật luôn chịu ảnh hưởng của các yếu tố, chuẩn mực xã hội, trong đó có chuẩn mực tôn giáo. Chuẩn mực tôn giáo có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau với pháp luật, và có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lí xã hội của nhà nước bởi nước ta là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Để làm rõ mối quan hệ giữa chuẩn mực tôn giáo và pháp luật, em xin đi sâu vào đề tài: Phân tích mối quan hệ giữa  chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực tôn giáo thông qua các ví dụ cụ thể. Bài viết còn nhiều thiếu sót, mong quý thầy cô cho ý kiến để bài viết được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn.

NỘI DUNG

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CHUẨN MỰC PHÁP LUẬT VÀ CHUẨN MỰC TÔN GIÁO

1. Chuẩn mực pháp luật

a. Khái niệm

Chuẩn mực pháp luật là những quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, định hướng cho hành vi ứng xử của các cá nhân và các nhóm xã hội.

b. Đặc điểm

Chuẩn mực pháp luật do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận dưới hình thức các văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật có tính hệ thống, thủ tục ban hành đặc biệt, tính cưỡng chế và tính chặt chẽ về hình thức.

2. Chuẩn mực tôn giáo

a. Khái niệm

Tôn giáo là một hệ thống niềm tin về vị trí của cá nhân con người trong thế giới, tạo ra một trật tự cho thế giới đó và tìm kiếm một lí do cho sự tồn tại trong đó.

Chuẩn mực tôn giáo là hệ thống các quy tắc, yêu cầu được xác lập dựa trên những tín điều, giáo lí tôn giáo, những quy ước về lễ nghi, sinh hoạt tôn giáo cùng với các thiết chế tôn giáo (nhà thờ, chùa chiền, thánh đường), được ghi chép và thể hiện trong các bộ sách kinh điển của các dòng tôn giáo khác nhau.

b. Đặc điểm

Chuẩn mực tôn giáo là chuẩn mực thành văn. Tính chất thành văn thể hiện ở các giáo điều, giáo lí, những lời răn dạy được ghi chép trong các bộ kinh của các tôn giáo khác nhau như Kinh thánh, Kinh phật,… 

Chuẩn mực tôn giáo được hình thành xuất phát từ niềm tin thiêng liêng, sâu sắc của con người vào sức mạnh thần bí của các lực lượng siêu nhiên.

Các yêu cầu, quy tắc của chuẩn mực tôn giáo được đảm bảo tôn trọng và được hiện thực hóa trong hành vi của con người chủ yếu nhờ vào niềm tin tâm linh và cơ chế tâm lí.

Chuẩn mực tôn giáo có những tác động tích cực và tiêu cực tới nhận thức, hành vi của con người.

c. Một số tôn giáo ở nước ta hiện nay

Việt Nam là một đất nước còn ngàn năm lịch sử, có sự kết hợp hài hòa giữa tôn giáo và các chuẩn mực xã hội khác. Tôn  giáo có một vị trí, vai trò quan trọng trong sự ohats triển của đất nước. Ở nước ta hiện nay có một số tôn giáo lớn như: Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Tin lành, đạo Hồi, đạo Cao đài…

II. MỐI QUAN HỆ GIỮA CHUẨN MỰC PHÁP LUẬT VÀ CHUẨN MỰC TÔN GIÁO

1. Những điểm tương đồng và khác biệt giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức

a. Những điểm tương đồng

Thứ nhất, chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức dều là các công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội , đều gồm các quy tắc xử sự chung để hướng dẫn cách xử sự của mọi người trong xã hội.

Thứ hai, đều là chuẩn mực thành văn.

Thứ ba, đều được thực hiện nhiều lần trong đời sống.

b. Những điểm khác nhau

Thứ nhất, về con đường hình thành: pháp luật hình thành thông qua hoạt động xây dựng pháp lí của nhà nước, còn tôn giáo hình thành xuất phát từ niềm tin của con người vào sức mạnh thần bí của các lực lượng siêu nhiên

Thứ hai, về biện pháp thực hiện pháp luật được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, tất cả mọi người đều phải tôn trọng và làm theo pháp luật. Còn tôn giáo được bảo đảm tôn trọng và thực hiện bằng niềm tin tâm linh và cơ chế tâm lí. Niềm tin tâm linh là yếu tố thường trực trong suy nghĩ của con người, trở thành động cơ nội tâm trong ý thức, điều chỉnh hành vi của con người trong việc thực hiện chuẩn mực tôn giáo một cách tự nguyện. Về cơ chế tâm lí, con người luôn có tâm lí sợ hãi trước sức mạnh của các lực lượng siêu nhiên khiến con người tự giác phục tùng vô điều kiện, không dám làm điều ác, phạm vào điều cấm, điều răn của chuẩn mực tôn giáo. Có thể thấy, dù không có một biện pháp cưỡng chế nào, song các chuẩn mực tôn giáo vẫn được con người tuân thủ một cách tự nguyện, tự giác, vô điều kiện. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực tôn giáo.

Thứ ba, pháp luật tác động đến mọi cá nhân, tổ chức, bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, còn các chuẩn mực tôn giáo lại chỉ tác động đến các tín đồ của mình. Như vậy, phạm vi tác động của tôn giáo hẹp hơn so với pháp luật.

Thứ tư, pháp luật luôn thể hiện ý chí của nhà nước còn các chuẩn mực tôn giáo thể hiện những mong muốn nguyện vọng của con người về một cuộc sống tốt hơn.

Thứ năm, pháp luật chỉ ra đời và tồn tại trong các giai đoạn lịch sử nhất định, có sự tồn tại của giai cấp, mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp còn tôn giáo tồn tại trong mọi giai đoạn lịch sử, nó là một phần trong đời sống con người bởi nó đã bao gồm những sức mạnh nằm bên ngoài con người và được phản ánh vào trong thế giới quan của con người.

2. Mối quan hệ giữa chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực tôn giáo

Chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực tôn giáo có mối quan hệ gắn bó, tác động qua lại lẫn nhau

a. Chuẩn mực tôn giáo tác động đến pháp luật

Chuẩn mực tôn giáo tác động tích cực đến pháp luật:

Thứ nhất, Chuẩn mực tôn giáo giúp cho hoạt động xây dựng pháp luật của nhà nước. Khi đến một giai đoạn nhất định, rất nhiều những tín điều tôn giáo được nhà nước thừa nhận và trở thành các quy phạm pháp luật được áp dụng chung cho mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Các tín điều tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Như vậy, có thể khiến các tín điều tôn giáo phù hợp với pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán của nước ta trở thành các quy phạm pháp luật thì hiệu quả của thực hiện pháp luật sẽ được nâng cao.

Ví dụ: Trong Kinh thánh của đạo Thiên chúa giáo có quy định về hôn nhân một vợ một chông, quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định về hôn nhân của nước ta trong Luật Hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, tôn giáo đã đề cập trực tiếp đến những vấn đề đạo đức cụ thể của cuộc sống thế tục và ít nhiều mang giá trị có tính nhân văn. Trên thực tế, những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo có ý nghĩa nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội, hơn nữa, nó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà làm luật đưa ra những quy định phù hợp với ý chí nhà nước và nhân dân cũng như  trong việc phát hiện ra những lỗ hổng, những thiếu sót trong pháp luật hiện hành.

Ví dụ: giáo lí của nhà Phật yêu cầu người xuất gia, tu hành phải tuyệt đối tuân theo “ngũ giới”, bao gồm không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu. Ta có thể thấy được một số điều răn của Phật hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp luật của nước ta.

Thứ ba, tôn giáo giúp san sẻ một phần gánh nặng cho pháp luật. Hầu hết các tín điều giáo lí đều răn dạy con người phải biết làm điều thiện, giúp đỡ người khó khăn,tránh làm việc ác. Khi các tín đồ thực hiện những lời răn dạy đó thì đã phần nào giúp xã hội ổn định và phát triển. Hơn nữa, có những tín điều giáo lí phù hợp với pháp luật, khi các tín đồ thực hiện những tín điều đó thì đó cũng là một hành động thực hiện pháp luật.

Ví dụ: Kinh mười điều răn của Chúa trong Thiên chúa giáo khuyên răn con người nên làm điều thiện, tránh điều ác, chớ nói dối, chớ nảy sinh lòng tham. Những điều răn này hoàn toàn phù hợp với mục đích của Pháp luật trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, khi con người nghe theo những lời răn này thì cũng có nghĩa là họ đang chấp hành pháp luật.

Tuy các chuẩn mực tôn giáo có nhiều ảnh hưởng tích cực tới hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật nhưng nó cũng có những biểu hện tiêu cực, tác động đến xã hội.

Ở nước ta hiện nay, các tổ chức tôn giáo không chỉ hoạt động trong phạm vi trong nước mà còn liên quan đến các tôn giáo nước ngoài gây khó khăn trong hoạt động quản lí của nhà nước, không những thế, lợi dụng tinh thần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, rất nhiều tổ chức tôn giáo tự phát, tự do hoạt động mặc dù không được nhà nước cho phép gây ảnh hưởng đến trật tự và đời sống của người dân.

Không những thế, một số lễ nghi tôn giáo còn mạng nặng những tư tưởng lạc hậu, trái pháp luật nghiêm trọng. Đặc biệt là chỉ vì những lễ tế để cầu xin đáng siêu nhiên ban phát cho mùa màng bội thu, cuộc sống ổn  định mà họ mang con người ra làm vật hiến tế. Ví dụ như vụ giết trẻ em hàng loạt để mong có cuộc sống giàu sang ở Uganda năm 2012 đã rung lên một hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ tính mạng trẻ em khỏi những hủ tục lạc hậu, tàn bạo và dã man.

Mặt khác, hiện nay, tình trạng lợi dụng tôn giáo để biểu tình, chống phá Đảng và nhà nước diễn ra ngày càng đáng lo ngại. Các thế lực thù địch bên ngoài hoạt động xuyên tạc các chủ trương chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, còn tăng cường vu cáo nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, dân quyền gây mâu thuẫn giữa giáo dân và nhà nước. Hơn thế, bọn chúng còn lừa gạt, kích động cho người dân nổi loạn, làm xung đột chính trị ở các vùng tôn giáo, tạo cớ quốc tế hóa vấn đề tôn giáo, gây sức ép kinh tế-chính trị hòng phá hoại chế độ chính trị của nhà nước ta. Điển hình là vụ việc vào các ngày 30/8, mùng 3 và 4/9/2013, hàng trăm giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Yên và vùng lân cận đã kéo đến bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), trương băng rôn, khẩu hiệu, gây rối trật tự công cộng. Sau đó họ còn xúc phạm và hành hung 6 cán bộ của huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương trong giờ làm việc, với những đòi hỏi hết sức vô lý. Vụ việc trên đã gây sự chú ý trong dư luận; và đã có không ít thông tin của một số hãng thông tấn, đài phát thanh nước ngoài và trên các trang mạng vu khống, xuyên tạc, cố ý bóp méo sự thật, như một kế hoạch tiếp ứng có bài bản từ bên ngoài nhằm kích động chống đối, gây mất trật tự xã hội và an ninh chính trị. Chúng ta có thể thấy, đây không chỉ là một vụ náo loạn để đòi  quyền lợi mà thực chất là một cái cớ để phá hoại mối quan hệ giữa chính quyền và giáo dân với mục đích phá hoại chế độ, chống phá chính quyền.

Không chỉ vậy, chuẩn mực tôn giáo cũng còn nhiều yếu tố tiêu cực, nó hướng con người đến hạnh phúc hư ảo và làm mất tính chủ động, sáng tạo của con người. Vấn đề đặt ra là, cần nhận điện đúng vai trò của đạo đức tôn giáo nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo và hạn chê những tác động tiêu cực của nó đối với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay.

b. Pháp luật tác động đến tôn giáo

Pháp luật cũng có những ảnh hưởng nhất định đến chuẩn mực tôn giáo. 

Pháp luật hướng tôn giáo theo con đường đúng đắn. Khi có một hay nhiều tổ chức tôn giáo có các tư tưởng, quan niệm, tín điều không phù hợp với thực tế gây cản trở, kìm hãm, tác động xấu đến sự ổn định vì phát triển của xã hội thì pháp luật sẽ bằng cac biện pháp của mình để điều chỉnh hoặc loại bỏ nó.

Không chỉ vậy, pháp luật còn tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động và phát triển. Theo đó, nhà nước ta đã có những quy định về quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân được quy định trong điều 24 Hiến pháp 2013 cho thấy sự quan tâm đặc biệt của nhà nước ta tới hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh của nhân dân. Không chỉ có vậy, nhà nước còn có những chủ trương chính sách về vấn đề tôn giáo như: Nghị định số 92/2012/ND-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tín ngưỡng tôn giáo… Qua đây ta có thể nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của nhà nước ta đối với hoạt động tín ngưỡng của nhân dân, nhà nước luôn tạo điều kiện để tôn giáo hoạt động và phát triển.

III. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ TÔN GIÁO Ở NƯỚC TA HIỆN NAY VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

1. Thực trạng

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc. Giáo hội các tôn giáo khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân đều được chính quyền các cấp quan tâm và tạo thuận lợi để hoạt động tôn giáo bình thường trong khuôn khổ luật pháp. Giai đoạn gần đây, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam sôi động và đang có chiều hướng gia tăng. Lễ hội trong các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức rầm rộ với quy mô ngày một lớn và diễn ra khắp mọi miền của Tổ quốc như lễ Nôen, lễ Phật đản…, và những lễ hội này đã trở thành ngày hội chung của toàn dân, lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Những nhu cầu tín ngưỡng được chính quyền các địa phương tạo điều kiện đáp ứng, làm cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo an tâm, phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Việc xây dựng, sửa chữa, tu bổ nơi thờ tự diễn ra khắp nơi; các lớp bồi dưỡng, đào tạo, hoặc phong bổ, thuyên chuyển, cũng như in ấn, xuất bản các ấn phẩm tôn giáo, hoạt động đối ngoại tôn giáo đều gia tăng. 

Tuy nhiên, tôn giáo ở nước ta hiện nay cũng tồn tại những mặt trái của nó. Các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề tôn giáo ở nước ta hiện nay để chống phá nhà nước nhằm tiếp tục “diễn biến hòa bình”, điển hình là vụ gây rối của cộng đồng giáo dân tại huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An, hay vụ “đàn áp người Thượng theo đạo Tin lành” ở Tây Nguyên vào ngày 10/4/2004,… qua các vụ việc trên, ta nhận thấy rằng niềm tin của các tín đồ tôn giáo vào Đảng, vào Nhà nước rất mong manh, dễ nghi ngờ, dao động hoang mang, nên khi có những tin đồn chỉ trích  các chủ trương chính sách thì lập tức họ sẽ tin ngay, và có thể gây ra các cuộc bạo động. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chỉ nhìn vào các hành động của giáo dân để phán xét, trong những sự việc này, nhà nước ta cũng có những điểm hạn chế. Đó là chính sách tôn giáo của ta vẫn còn chung chung, chậm được cụ thể hoá, một số cán bộ Đảng viên còn hạn chế trong việc nhận thức, đánh giá thấp tầm quan trọng của công tác tôn giáo. Việc giải quyết vấn đề tôn giáo ở nơi này hay nơi khác còn nhiều bất cập đã tác động tiêu cực đến việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo còn xãy ra, chúng ta vẫn bị động hoặc xử lý thiếu tế nhị làm mất lòng tin của chức sắc, tín đồ, là kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng.

2. Một số đề xuất

Thứ nhất, nhà nước cần sửa đổi một số nội dung của các chủ trương chính sách cho phù hợp với tình hình thực tại vấn đề tôn giáo ở nước ta. Nhiều quan hệ xã hội về vấn đề tôn giáo chưa được các quy phạm pháp luật điều chỉnh, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo cũng như các giáo dân vẫn còn chung chung, chưa rõ rang gây ra sự lúng túng trong hoạt động quản lí của nhà nước.

Thứ hai, cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị phải nắm vững và vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm vận động đông đảo đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, xử lý các vấn đề nảy sinh trong tín ngưỡng, tôn giáo, chúng ta cần làm cho mọi người dân thấy rằng, đổi mới quan điểm, chính sách, quan hệ với các tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những đổi mới quan trọng của quá trình đổi mới toàn diện đất nước.

Thứ tư, cần coi trọng hoạt động đối ngoại tôn giáo. Hoạt động này không chỉ giúp nước ta mở rộng mặt trận ngoại giao mà còn tạo ra môi trường giao lưu văn hóa giữa các tôn giao trên thế giới.

Thứ năm, nhà nước ta cần quan tâm hơn nữa đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng giáo dân, tăng cường giao lưu với các giáo xứ để họ nắm rõ được tình hình các chủ trương chính sách của Nhà nước về tôn giáo, đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp của họ để hoàn thiện những chủ trương chính sách của Nhà nước, tạo niềm tin vững chắc cho cộng đồng giáo dân vào Đảng, Nhà nước.

KẾT LUẬN

Chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực tôn giáo luôn nằm trong một mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau trong việc điều chỉnh hành vi con người, hướng tới sự hoàn thiện, góp phần vào sự ổn định xã hội. Tôn giáo có thể sẽ giúp cho xã hội phát triển một cách ổn định hơn, giúp củng cố, nâng cao những truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc, giúp tăng cường và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nươc. Mặt khác, pháp luật cũng tạo ra môi trường ổn định với những chủ trương chính sách ưu tin cho sự tồn tại và phát triển của các tôn giáo tại Việt Nam. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xã hội học pháp luật, Nxb Tư pháp, TS. Ngọ Văn Nhân.
2. Tập bài giảng Xã hội học pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia.
3. Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Nguyễn Minh Đoan.
4. http://www.dhluathn.com/2014/06/chuan-muc-ton-giao-oi-voi-linh-vuc-phap.html

No comments:

Post a Comment